Đánh giá Alto’s Odyssey – Tựa game trượt cát cho những kẻ mộng mơ

Khách mới

  

Thú thật, tôi vốn không có duyên với những tựa game endless runner như thế này. Khi còn là học sinh, tôi là một đứa con gái được xếp vào dạng “quậy ngầm”, nhìn bánh bèo bánh đúc bánh bông lan nhưng chơi game không thua đứa con trai nào. Nhưng khổ thay, tôi lại luôn thua trong những kèo thi xem đứa nào chơi vjp pro hơn những tựa game huyền thoại như: Temple Run, Sonic Dash, Subway Surfers… Mà đau khổ nhất là năm xưa, trong một lần ngồi ở tiệm trang điểm, (mấy bé cấp hai hay được giáo viên dặn phải trang điểm đậm khi diễn văn nghệ vì như thế sẽ “bắt sân khấu” hơn ấy, hic, nghĩ lại mà muốn “gớt nước mắt”) tôi thấy cậu nhóc tầm sáu – bảy tuổi chơi Subway Surfers mãi không chết, nhìn cực kỳ điêu luyện. Ngẫm lại thấy kỹ năng của mình còn không bằng một đứa trẻ. Lại “gớt nước mắt” tập hai.

Nói là “không có duyên” nghe hoa mỹ làm sao, nhưng nói thẳng ra là tôi chơi những game thể loại này gà, làm như không đâm đầu vào chướng ngại vật thì game không vui, vậy đó. Thói đời, người ta vẫn ghét những gì mình không giỏi, nên tôi bo xì game endless runner từ đó. Dỗi! Rất dỗi!

Thế mà vào một buổi chiều nhàn rỗi lướt CH Play trong vô định, sự chú ý của tôi lại va vào Alto’s Odyssey. Như một cô nàng thề sống độc thân đến già vì tình yêu là những niềm đau, sau đó lại thiếu nghị lực vì một gã trai đẹp, tôi tải trò chơi này, bất chấp cả việc đây là thể loại game tôi không yêu thích. Giây phút đó, lời bài hát Blank Space của ả Taylor Swift cứ vang lên trong đầu tôi: “Oh, my God, look at that face. You look like my next mistake. Love’s a game, wanna play? Ayyyyyyyyy.” Nhân tiện, bài hát của Taylor tôi yêu thích những lúc chơi game là: “End Game” :))

May là không có mistake nào xảy ra, không thì tôi sẽ khóc huhu, nhẹ nhàng gỡ con game và viết review trên CH Play là han dan ong, à nhầm, hận game endless runner! Kết quả hoàn toàn ngoài mong đợi của tôi, Alto’s Odyssey còn đẹp hơn cả quảng cáo, xứng đáng nằm trong mục “Lựa chọn của biên tập viên”, xứng đáng nằm trong điện thoại tôi.

Sơ lược về Alto’s Odyssey

Trước khi chơi game phải tìm hiểu gốc gác dòng họ của nó đã, nhỉ? Alto’s Odyssey là một tựa game được phát triển bởi Team Alto và phát hành bởi Snowman vào năm 2018 trên nền tảng iOS và Android. Được biết, đây là phần tiếp theo của tựa game Alto’s Adventure đã xuất bản vào năm 2015. Trò chơi đã đạt được nhiều thành tích, nổi bật như: đề cử giải “Game di động được yêu thích nhất của người hâm mộ” tại Gamers’ Choice Awards, hai giải “Xuất sắc về Nghệ thuật Thị giác” và “Xuất sắc về Âm thanh” tại Independent Games Festival Awards, “Trò chơi di động” tại 15th British Academy Games Awards.

Nếu là fan của dòng game này, hẳn bạn đã quen thuộc với “người tiền nhiệm” – Alto’s Adventure. Ở Alto’s Odyssey có nhiều đặc điểm chung với phần trước. Tuy nhiên, sau khi khám và phá (mà phá nhiều hơn), tôi phát hiện phiên bản này có rất nhiều điểm thú vị hơn.

Đồ họa mãn nhãn

Background game là bầu trời rộng lớn vô tận, in trên nền trời là những ngọn núi xa xa mờ ảo. Cảnh game liên tục thay đổi: khi hoàng hôn rực rỡ, lúc bình minh dịu dàng. Thời tiết trong game cũng như tính cách một nửa mềm yếu của thế giới: khi nắng chói chang, lúc trong lành mát mẻ, khi lại giông bão mịt mù. Điểm trên nền trời là những cây dừa cao vút in bóng đen trên nền trời chiều, cây xương rồng đặc trưng của miền sa mạc, hay những chiếc khinh khí cầu rực rỡ sắc màu. Chụp màn hình bất cứ lúc nào cũng cho ra một bức ảnh đẹp.

Nhưng không phải lúc này …

Nhiều người chơi phản ánh rằng đồ họa quá đẹp dẫn đến những cái chết nhảm nhí vì mải ngắm cảnh. Nếu Team Alto biết tiếng Việt, chắc hẳn sẽ xỉu ngang xỉu dọc xỉu up xỉu down vì không biết sống sao cho vừa lòng người. Nhưng đọc được những bình luận như vậy, tôi cũng cảm thấy được an ủi phần nào. Chậc, có lẽ do game đẹp chứ không phải do tui chơi dở đâu, tin tôi đi :”(((((((

Màn đêm màu tím huyền bí trong Alto’s Odyssey

Trước cảnh vật hùng vĩ, nhân vật của chúng ta tựa như cái tôi của những thi nhân thời kỳ văn học Trung đại – nhỏ bé giữa cái ta chung và thiên nhiên rộng lớn. (Đấy, cảnh game thơ mộng đến nỗi tôi sống lại hồi còn miệt mài học Văn). Tuy nhiên, với kiểu đồ họa silhouette, nhân vật không bị chìm giữa không gian, ta vẫn có thể nhìn thấy một cách rõ ràng để điều khiển.

Gameplay đơn giản, dễ làm quen

Một tựa game endless runner thật sự không có gì đáng bàn về gameplay. Cách chơi Alto’s Odyssey khá truyền thống: chạy, nhảy vượt chướng ngại vật. Tôi thì vẫn muốn em nó có gì đó mới mẻ hơn, nhưng như vậy cũng đã đủ. Em đẹp, em đúng.

Chướng ngại vật trong game là những cục đá với tác dụng chính là làm tụt mood người chơi :))))))) Với tâm hồn bay bổng mộng mơ và sở thích ngắm cảnh game, cùng với đôi mắt tinh anh và đôi tay điêu luyện, không thể đếm được số lần tôi va vào những cục đá to chà bá lửa trên đường. Người chơi cũng sẽ gặp lốc xoáy và thác nước trên đường trượt, nhưng không ảnh hưởng nhiều, ít ra thì tôi chưa chết vì chúng bao giờ nên không biết sợ.

Thác nước giữa sa mạc?

Trượt tuyết là chuyện của Alto’s Adventure, một câu chuyện cũ rồi. Với Alto’s Odyssey, người chơi sẽ đi trượt cát ở một sa mạc hoang vu hùng vĩ. Trượt thôi chưa đủ, tựa game còn cho phép người chơi thực hiện các động tác nhào lộn đầy chuyên nghiệp. Với bản tính điệu đà, tôi cũng tập tành lộn các kiểu, cũng điêu luyện như người ta, nhưng cái kết không được mĩ mãn lắm. Sau những màn thể hiện, nhân vật của tôi luôn tiếp đất bằng…mặt. Những pha “cái mặt cát không” đấy khiến tôi không ham hố làm một cô gái Digan phóng khoáng và man dại nữa mà chuyên tâm trượt cát như một quý bà đứng tuổi điềm đạm.

Một điểm thú vị là những chiếc khinh khí cầu rực rỡ sắc màu trong Alto’s Odyssey không chỉ để trưng. Bạn có thể nhảy lên đó và nó sẽ cho bạn thêm sức mạnh trong thời gian ngắn. Tôi không giữ nổi sự điềm đạm của mình khi nhìn thấy khinh khí cầu, luôn muốn leo lên đấy nhưng chẳng mấy khi thành công. Vậy mới biết thế nào là… lễ hội.

Khinh khí cầu đẹp nhưng không dễ chinh phục

May thay, ngoài chế độ chơi truyền thống, Alto’s Odyssey còn có Zen mode cho phép người chơi ngã bao nhiêu lần tùy thích. Chế độ này giúp người chơi cảm thấy thoải mái và thư giãn hơn. Đối với một người vụng về như tôi mà nói thì đây quả là một chế độ tuyệt vời.

Âm thanh tương xứng với vẻ đẹp của đồ họa

Một tựa game hay đối với tôi là thỏa mãn cả phần nghe và nhìn. Alto’s Odyssey đã làm được điều đó. Không chỉ có đồ họa đẹp mắt, âm thanh của Alto’s Odyssey cũng đáng được đánh giá cao. Vừa mở game lên, tôi đã bị thu hút bởi nhạc nền tựa như những bộ phim phiêu lưu của Netflix. Giai điệu từ dương cầm, vĩ cầm cùng tiếng chim hót, tiếng dế kêu vọng từ xa xăm, tất cả như hòa quyện vào nhau, mang đến cho người chơi những khoảnh khắc thư giãn bình yên. Âm nhạc hợp bối cảnh khiến trải nghiệm chơi game tốt hơn, nhiều lúc tôi tưởng tượng như mình đang ở một cái “pạc ti”, lắc lư quay cuồng ở một… hoang mạc vùng Mỹ Latinh xa xôi.


Nhìn chung, Alto’s Odyssey là một trong số những trò chơi hay đối với tôi. Hy vọng đây sẽ là ngoại lệ duy nhất, nếu không thì tuyên bố ghét game endless runner của tôi sụp đổ mất :”( Tuy lối chơi không có gì đột phá nhưng với đồ họa bắt mắt và âm thanh cực chỉn chu, Alto’s Odyssey đủ sức giữ chân người chơi. Đây là một tựa game “mì ăn liền” đáng để thử qua, thích hợp nếu bạn đang tìm kiếm một trò chơi phục vụ cho mục đích giải trí, thư giãn.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện