Ngày nắng hè đó tôi gặp lại em, cô bé hạt tiêu

Khách quen

  

Vẫn thói quen như thường lệ, trên tuyến xe bus 32 đón đợi ở con đường mang tên Giải Phóng, 3km từ ngôi trường đại học đến hội sách cũ quen thuộc. Tôi đắm mình vào gian hàng để tìm đến những thứ vừa lạ vừa quen. Tôi thích truyện tranh cũ và những vết tích nó mang lại. Mùi truyện ố vàng thân thuộc, những dòng lưu bút của một ai đó, có gì ngô nghê lại tỏ vẻ người lớn. Dòng chữ “Cuốn sách này của…” đậm tính cá nhân ở những trang đầu hay chuyên mục câu lạc bộ và bạn ở những trang cuối… Đó thật sự là một cái gì đó khó tả, có lẽ nó hợp với một thằng dở hơi thích gặm nhấm những thứ cũ kỹ như tôi. Và rồi tôi tìm thấy “Chie-cô bé hạt tiêu”, thật hoài niệm. Nhưng sao trang truyện nó vàng lắm, vàng như cái nắng hè rừng rực đang đổ xuống lúc này, vàng đến mức buồn nao lòng.

Tôi thấy nó nằm khuất trong một gian hàng ít người qua lại. Một cuốn truyện to khác khổ, dày cộp và hoen ố một màu vàng đặc trưng. Chẳng hiểu sao tôi thấy nó đặc biệt, nó không đẹp mà lại mang dáng dấp xù xì nhưng lại tỏa sáng giữa hàng chục cuốn truyện tranh khác. Có lẽ nó mang một cái nét đẹp lạ mà theo tiêu chuẩn của tôi thấy thật đặc biệt. “Chie-cô bé hạt tiêu”. Tôi cầm trên tay là tập 67, trùng hợp khi nó cũng là tập cuối cùng và cũng hết sức ngạc nhiên nữa. Nhớ ngày trước Chie được xuất bản hai lần mà quyển nó mỏng lắm, chỉ đến tầm 30 tập thôi. Mà giờ đây trước mắt tôi là quyển 67, tái bản năm 2016, lại dày cỡ 200 trang thì đủ hiểu xếp chồng nó lên thì cao đến mức nào.

Nhưng tôi lại buồn vì chất lượng in ấn và trang giấy thực sự rất tệ. Trang giấy thô ráp, ố vàng rất nhanh và rất dễ hỏng, số lượng bản in cũng không nhiều nữa. Cũng làm sao trách được Kim Đồng bởi đây là một tựa truyện ế, nó không phù hợp lắm với đại đa số người đọc ở Việt Nam. Nó đã từng xuất hiện trong các đợt xả hàng 5k của Kim Đồng nhưng vẫn ế chỏng ế trơ. Tiền không thu được thì làm sao sản xuất tốt tiếp được đây. Giá như tôi biết đến những hội xả hàng sớm hơn thì tốt biết mấy. Một bộ truyện mình thích mà ế, mà không được đón nhận cũng buồn lắm chứ. Giờ đây ít người thích và nhớ đến Chie như vậy sao?

Nhưng giờ đây nó lại là hàng hiếm với những dân sưu tầm, với những fan chân chính của bộ truyện. Để gom góp một bộ đủ 67 tập quả là rất khó, bộ đủ thì bị hét giá mấy triệu bạc và còn tăng nữa trong tương lai, có thể năm, mười triệu không biết chừng. Giống đợt nọ xem có ông rao bán bộ truyện Dũng sĩ Hesman của bác Hùng Lân tận 21 triệu mà hoảng hồn, xém nữa rơi cái điện thoại. Nhưng thôi bỏ qua mọi việc như thế, giờ trong tay tôi là quyển truyện tập cuối, tôi lật giở từng trang đọc chăm chú.

Chính nó đây, trong một ngày nóng hừng hực

Cái hài hước, cái hay của bộ truyện không phải kiểu cười lăn cười bò như “Đội quân nhí nhố” hay “Jindo”, không phải nụ cười châm biếm của “Chú Thoòng”, cũng không phải kiểu bóng gió, ngụ ý của “Adachi Mitsuru”. Nói sao nhỉ, có lẽ là sự bình yên, sự đầy đặn, ấm áp, và thật sự nó không hợp với những người vội vã, mà phải đọc thật từ từ, chậm rãi, để ngấm và thẩm thấu.

Lời nói đầu của truyện, và những nét ố vàng

Nam thì Yaiba, nữ thì Chie. Có lẽ mọi người cũng hiểu ý tôi là gì rồi, đó là đôi guốc mộc đặc trưng đúng không. Sao Chie lại đi guốc mộc nhỉ, tôi chả hiểu sao hồi bé lại không để ý lắm, chỉ biết rằng đó là cái ấn tượng đặc biệt về cô bé ấy, cô bé hay cười và đi guốc mộc. Và còn nhiều chi tiết cứ vừa đọc vừa ngẫm linh tinh theo góc độ của một người trưởng thành. Có một điều dễ mắc phải của chúng ta hiện giờ là khi đọc các bộ truyện tuổi thơ, một phần vì hoài niệm rồi suy nghĩ quá nhiều theo góc độ người lớn mà tự dưng không cảm được cái hay, cái đẹp hồi nhỏ. Tôi nhận ra rằng đừng xét nét nhiều quá, đừng suy diễn hay gì cả. Hãy sửa soạn cho mình một tâm hồn đẹp, một tâm hồn trẻ thơ để đọc truyện thì tốt hơn. Bởi truyện tranh không dành cho trẻ con, chúng dành cho phần trẻ con trong mỗi con người.

Chie là một cô nhóc tiểu học, lớn lên và sinh sống với hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Em sống với ông bố Tetsu ham mê cờ bạc, thích gây gổ đánh lộn, suốt ngày lông bông không chịu làm việc khiến mẹ em phải bỏ nhà đi. Em từ nhỏ đã phải cáng đáng hết mọi việc trong nhà, mà công việc chính là điều hành quán nhậu “chả nướng” của gia đình. Khách hàng của quán cũng là những gã đàn ông thô lỗ chỉ biết nhậu nhẹt, ham vui, đôi lúc lại còn ăn quỵt, hay những gã giang hồ thường xuyên đến đòi nợ ba của em. Nhưng đây không phải là câu chuyện phê phán xã hội, lên án hay điều to lớn gì cả, nó là góc nhìn của một cô bé mạnh mẽ, một khu phố ấm áp thì đúng hơn.

Dù trong hoàn cảnh đặc biệt như thế, Chie vẫn luôn mạnh mẽ và lạc quan, nhưng có phần trưởng thành và già dặn hơn các bạn cùng tuổi. Em sẵn sàng quát các lão bợm ăn quỵt, gọi trống không tên ba mình là Tetsu, sẵn sàng đáp ngay chiếc guốc vào mặt thằng nhóc Masaru vì trêu trọc em. Có lẽ vì thế mà em bé, nhưng mà là bé hạt tiêu.

Nhưng dù em mạnh mẽ thế nào, già dặn thế nào em vẫn có cái sự hồn nhiên đúng như lứa tuổi. Em ngại ngùng trước các hành động bộp chộp của ông ba Tetsu. Em sợ sau này lớn sẽ giống ổng mà tập cười giống mẹ trước gương. Nhưng tập hoài cũng không giống, rồi chợt nhận ra mình cười giống ba như nào. Em vẫn thích mặc đồ mới mẹ mua cho, vẫn muốn gia đình tái hợp, và cố hết sức để làm điều đó. Em sợ học bài và làm kiểm tra, nhưng vẫn cực kì thích đến trường, rồi còn lo bị đuổi học vì học kém nữa chứ. Em giỏi tính bàn tính vì thạo việc bán quán ở nhà. Em còn rất khỏe và chạy rất nhanh nữa. Em khiến tôi nể phục nhiều lắm.

Nếu Chie như một bà cụ non và phải làm mọi việc trong gia đình thì ông ba của em, ngài Tetsu lại như một đứa trẻ mãi không chịu lớn. Tetsu hay lông bông, hay quậy phá. Người trị được ông ấy chỉ có Chie, bà nội và ông giáo Hanai mà thôi. Dù thế nào thì ông vẫn là một người cha rất thương con gái, nhưng cách quan tâm của ông hơi đặc biệt và không ít lần khiến Chie gặp rắc rối.

Tetsu sẵn sàng đấm vào mặt thầy giáo chủ nhiệm của em, sẵn sàng hẹn anh thầy nơi cổng trường đấm nhau vì cho rằng thầy giáo bắt nạt Chie, không gọi em trả lời câu hỏi. Ông huy động anh em xã hội đen của mình với băng rôn khẩu hiệu đến tận trường để cổ vũ Chie tham dự cuộc thi chạy. Ông mượn đâu đó một bộ vest lịch sự khoác lên người để tham dự buổi họp phụ huynh của con gái, rồi mài chiếc giày của con gái cho mềm đi để con bé đi cho đỡ đau chân. Ông vẫn có sự nể trọng với người vợ Yoshiko của mình, đã từng đứng trầm ngâm một lúc lâu khi được mặc chiếc áo mẹ Chie đan cho. Để rồi ngày mai lại quên bẵng đi mà tiếp tục lông bông quậy phá như trước. Thực ra ngoài bản tính ham vui đàn đúm, lông bông, không chịu làm việc, thích gây gổ đánh nhau, hay cờ bạc, có những lúc còn cá độ cả quán của Chie nữa… thì ông là một người cha, người chồng mẫu mực; thật đấy. Truyện mà không có ông thì mất đi cái hay rồi.

Một yếu tố khác cũng không thể không nhắc tới chính là con mèo mà Chie nuôi. Đó chính là Cục Sắt (Tetsu còi) hay tên hồi còn trong giang hồ là Raiso Vầng Trăng. Nó cùng với con mèo Antonio Junior của ông chủ quán bánh xèo đã trở thành một bộ đôi cực kì thú vị, một góc nhìn khác cho độc giả cảm nhận. Ai mà nghĩ được hai con mèo nói chuyện, bàn tán như những triết gia về cuộc sống. Có con hồi trước còn làm giang hồ mèo, nay lại tái xuất tả xung hữu đột cứu đàn em. Rồi còn mèo đấm bốc, mèo chơi bóng chày, mèo đi bắn pachinko nữa. Chịu bọn mèo.

Từng mẩu truyện vui vui cứ thế hiện về. Nào là cuộc đấu sumo, hội kính đen, lễ cưới của chú cảnh sát Mitsuru, hay trận bóng chày có một không hai… Tất cả tạo nên một thế giới bình dị và nhẹ nhàng, các nhân vật được liên kết một cách bền chặt qua mối quan hệ cộng đồng. Tôi cứ thế nghĩ về các nhân vật khác, về ông chủ tiệm bánh xèo, hai chú Caramel, thầy giáo chủ nhiệm, rồi lại cô bé Hirame bạn của Chie. Cứ vừa đọc vừa nhớ lại hồi ức.

Khép lại Chie cô bé hạt tiêu tập 67, có một sự bình yên đến lạ. Hành trình của bé hạt tiêu đã kết thúc một cách trọn vẹn. Có thể coi đây là cái duyên không khi trong một ngày nắng nóng như thế tôi tìm lại được tuổi thơ của mình. Phần nào tôi cảm thấy mình thật may mắn. Biết đâu trong một ngày mưa gió tôi có thể tìm thấy Tatchan (Touch-Adachi Mitsuru) hay một ngày đông lạnh giá tìm thấy Joe (Ashita no Joe-Tetsuya Chiba) thì sao nhỉ? Có lẽ vẫn là chữ duyên. Không thử… thì làm sao biết cơ chứ!

P/S: Cứ gọi là em thế thôi nhưng tính thời điểm truyện ra mắt đến giờ chắc phải gọi là bác Chie mất, nhưng gọi thế kì quá, mất hay lắm.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


6 cụng ly

  • VNTPSam2 - 26.04.2020

    hay


  • Thanh Tùng - 01.05.2020

    Hay quá! Bạn viết hoàn toàn giống với cảm xúc của mình. Mình cũng rất thích những truyện cũ. Những truyện ngắn giống doraemon vậy. Lúc nhỏ thì doraemon là truyện mình thích nhất vì mình là 1 nhóc rất mê tưởng tượng, phiêu lưu. Giờ lớn rồi đọc lại thì bản dịch mới thấy không hay, không gần gũi như bản dịch cũ… Cầm những quyển truyện mới mà nhớ ngày xưa mượn bạn hoặc thuê truyện, quyển truyện lúc đó mép quăn, đen do qua tay quá nhiều người.


    • Divieo - 02.05.2020

      Cảm ơn cụng ly của bạn đã cho mình động lực viết bài, vì khi viết ra có thể tìm được những người đồng cảm như bạn vậy đó.


  • Nam - 10.09.2020

    Bài viết rất hay, cảm xúc rất chân thật, cảm ơn bạn đã mang tuổi thơ của mình trở về trong khoảng khắc này.


  • Tuấn anh - 18.03.2021

    Không biết giờ làm thế nào để sưu tập được nguyên bộ đọc cho thoả nhỉ. Mình lên mạng hỏi mà hét giá gần 3tr một bộ choáng cả người.


  • Tuấn anh - 18.03.2021

    Bác nào có full bộ nhắn tin em vào số này 0968544073