Mùng 66, ngày thứ nhất từ khi có lệnh thông báo cách ly xã hội, mọi thứ xung quanh tui bắt đầu trở nên quá nhàm chán, dòng người trên đường bắt đầu thưa dần và damn, nó thậm chí còn vắng hơn cả mùng một tết nữa. Biết làm gì bây giờ? Con lap rách nát của tui thậm chí còn chẳng thể chơi Left 4 Dead ở mức 50 fps và Liên Minh tầm đâu đó 3 đến 6 fps, thế thì còn cái quái nào mà cái máy đời Tống này có thể kham nổi cơ chứ, thật đáng thất vọng.
À mà khoan, cũng có đấy chứ, vậy là tui lần mò trong cái kho game cũ kĩ tối tăm trên steam và tải DISTRAINT – một trong những con game kinh dị tuyệt vời nhất mà tui từng chơi qua… Thực sự thì nó không đến mức masterpiece nhưng ít nhất thì con lap ghẻ cũng có thể chịu được. Và thánh thần ơi, cái cảm giác rờn rợn người độc nhất vô nhị sau bao năm vẫn không lẫn vào đâu được đã khiến tui quyết tâm viết bài này để mổ xẻ từng chi tiết một và đem nó lên vỉ nướng cho mọi người trong quán beer này cùng thưởng thức như món mực một nắng là lời chào của một tân binh gửi đến mọi người trong group. Trước khi đem món ăn này chế biến, tui muốn mọi người hãy chơi qua con game này trước, chỉ cần chưa đầy hai tiếng đã có thể hoàn thành 100% rồi, chơi đi rồi quay lại món mực của tui sau cũng không muộn.
Muốn nướng thì chúng ta sẽ phải ướp mực, Distraint được ra mắt bàn dân thiên hạ trên Steam vào ngày 21 tháng 10 năm 2015 trên tất cả các nền tảng. Game được sản xuất bởi Jesse Makkonen, gã là người Phần Lan và bắt đầu làm game từ năm 2013. Trước khi Distraint được sản xuất đã có hai tựa game khác là Silence of the Sleep trên Microsoft và The Human Gallery đã bị dừng vì một số lí do nào đó chỉ có trời mới biết (tui vẫn sẽ kiếm và cố chơi cho được 2 tựa game này để review cho mọi người). Thật tuyệt khi biết đây là công sức của một mình gã và man, ai đó lấy cho gã một cốc bia đi vì đã làm ra một con game có giá trị đến vậy.
Ngay cả thằng nhóc 10 tuổi cũng có thể hiểu được cốt truyện của Distraint, một thằng đi siết nợ, ngay cả cái tên đã nói lên hết rồi cơ mà, thế thì làm quái gì còn ý nghĩa sâu xa nào cơ chứ. Khoan đã nào, hãy để tui ướp mực xong đã chứ. Với đồ họa 8 bit, lối chơi giải đố đặc trưng cùng với tông màu ma mị, game mang lại cho ta cảm giác rờn rợn người vì những bài học nhân văn mà nó cài cắm hòa với âm nhạc được đầu tư kĩ càng trong suốt quá trình chơi sẽ khiến người người phải vắt tay lên trán mà suy ngẫm lại cuộc đời, “Liệu mình có sống đúng?”, “Liệu mình có quá mải mê theo đuổi địa vị và tiền bạc mà đánh mất bản thân mình?”. Ở lại với tui nhé, chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời ngay thôi.
Ngay từ lời chào đầu tiên, một dòng chữ hiện lên “My humanity was for sale… and I sold it”, tiếp theo đó là “This is my story. And these are my regrets”. Đây chính là điềm báo đầu tiên cho một câu chuyện ảm đạm mà nhân vật chính của chúng ta đã phải trải qua. Nhiệm vụ đầu tiên chúng ta sẽ là đi tịch thu căn nhà của cụ Goodwin, cụ sống một mình và điều này không làm cho anh cảm thấy dễ chịu lắm. Bỗng nhiên các bức tường xung quanh rỉ ra rất nhiều máu kèm với âm thanh kinh hãi không thể diễn tả được bằng lời, đây là một trong những ảo giác mà anh phải chịu tiên đoán cho cái chết không xa của cụ Goodwin sau khi bị anh tịch thu căn nhà.
Nếu để ý kĩ, khung cảnh lúc này mang màu cam tối do các ánh đèn lập lòe trong đêm. Cam tối là màu sắc của sự lừa dối, sự thiếu niềm tin hoặc là sự nuối tiếc năm tháng đã đi qua và chúng ta sẽ thấy gam màu này trong rất nhiều các màn chơi. Sau khi đi vào, căn phòng kế bên có người đàn ông tự sát bằng súng, tui muốn các bạn nhớ chi tiết này vì nó là mấu chốt quan trọng giải thích cho cái kết của game, cố nhớ đi… Nó không khó đến mức đó đâu. Lang thang trong căn phòng của người đàn ông tự sát chúng ta có hai chi tiết đáng để chú ý đến. Một là trên kệ sách của người này chỉ toàn sách về… tiền. Hai là tay vặn cửa có máu, minh chứng cho việc hắn ta đã từng làm nhiều việc tồi tệ trong quá khứ chỉ vì tiền bạc khiến bàn tay phải nhuốm máu người vô tội và phải sống một cuộc đời ân hận để rồi tự kết liễu mình.
Sau khi giải các câu đố dẫn đến một căn phòng có ba kẻ đang nhảy múa. Ba kẻ này là Dade, Bruton và Moore và tiết lộ tên của nhân vật chính là Pride. Ba cái tên này có thể hiểu theo Dead (cái chết), Beelzebub (tham ăn), Mammon (tham lam). Hold up, Price trong tiếng anh có nghĩa là sự ngạo mạn, sự tự cao. Price còn là một trong bảy trọng tội của con người và cũng là tên của nhân vật chính, đây là điềm báo thứ hai về tương lai mịt mù vô định của anh. Ba kẻ này liên tục thuyết phục việc anh đuổi mụ già hết hạn (ám chỉ cụ Goodwin) là đúng đắn và một ngày nào đó Price có thể trở thành giống họ.
Từ màu cam vàng thì bây giờ game mang gam màu tím mộng mơ. Tím biểu hiện cho sự quyền lực, tham vọng, đồng thời gắn liền với những điều bí ấn và cũng là bản ngã của mỗi người. Chỉ duy nhất một màu tím thôi cũng đã tiết lộ được bản chất ba tên chủ của Price khi xung quanh bọn chúng đều được bao bọc bởi tiền và tiền. Vừa vui nhưng cũng vừa buồn, Price tự đặt cho mình câu hỏi “Cái giá của đạo đức… liệu nó có đáng?”. Game bắt đầu mờ dần và chúng ta cùng đến với màn chơi thứ hai.
Sáng tỉnh dậy, Price tìm đến cốc cà phê của mình, đa số những người uống cà phê vào buổi sáng là vì có thể đêm qua họ đã mất ngủ và suy nghĩ rất nhiều hoặc là… một người bình thường, như tui chẳng hạn, thôi nào đâu thể phủ nhận là cà phê rất rất ngon đâu chứ. Dù sao thì thứ đáng để tâm nhất trong ngày hôm đó không phải là thứ thơm ngon mà Price đang cầm trên tay, mà là những ảo giác anh sẽ gặp. Bắt đầu bằng việc ác mộng về con voi đầy máu của Price đêm hôm qua.
Theo ngạn ngữ Anh “the elephant in the room” – một con voi trong phòng có nghĩa là một vấn đề, một trở ngại to lớn trước mắt nhưng ta vẫn cố tình làm ngơ không để tâm đến. Con voi của Price chứa đầy cảm giác tội lỗi, tội lỗi vì đuổi một người già neo đơn không nơi nương tựa ra khỏi căn nhà mà bà đã sống trong chục năm chỉ vì vài đồng tiền và một công việc ngớ ngẩn. Con voi đó đã bắt được anh, nó là tòa án lương tâm của Price, nó sẽ bắt anh phải trả giá cho những điều anh đã làm.
Ảo giác thứ hai ngay sau khi anh vừa làm xong cốc cà phê, Price đã thấy bố mẹ của anh. Nhưng họ đã chết rồi cơ mà? Chúng ta đều biết, bố mẹ là người luôn hướng chúng ta đến con đường đúng đắn nhất sao cho ta không sống hổ thẹn với bản thân mình, ảo giác của bố mẹ Price lúc này có thể hiểu là đạo đức, những qui tắc sống, đạo lí làm người còn sót lại đang dẫn dắt anh khỏi con đường siết nợ đầy máu và nước mắt của người vô tội. Anh tiếp tục lờ đi những cảnh báo và bước đến nhà của Mr.Taylor.
Trong màn chơi này, có một số điểm cần chú ý như việc Taylor đã nhận ra được bản chất của xã hội bằng những câu đi guốc trong bụng Price như “And a lot of money too”, “Money is your king”. Taylor biết thế giới này đã mục nát ra sao và quyết định lánh vào rừng sống, thế mà vẫn không yên thân cơ ạ. Ngoài ra thì các biểu hiện của Price khiến tui suy nghĩ anh ta bị một dạng của tâm thần phân liệt, khi các ảo giác càng đẫm máu và kinh dị hơn khiến tui chọn đây là màn chơi kinh dị nhất.
Màn này có khá khá tính giải đố và âm thanh cũng khá bắt tai kết hợp với sự âm u của khu rừng tạo nên một trải nghiệm tuyệt vời. Để ý kĩ hơn chút thì hành động của Dade, Bruton và Moore na ná nhau, chi tiết này nhằm chỉ trích một khi tiền bạc và danh vọng quá ảnh hưởng đến một con người nó sẽ biến kẻ đó thành như bao kẻ bạo chúa khác đều đúc ra từ một khuôn chứa đầy sự tham lam bất tận, sự thối rữa của đồng tiền. Và các ác mộng kinh hoàng vẫn đeo bám Price như một cách trừng phạt của tòa án lương tâm vì những điều sai trái mà anh đã làm.
Sáng hôm sau, Price thức dậy với tâm trạng uể oải, ba mẹ anh vẫn ở đó cố khuyên nhủ anh trở lại con người lương thiện trước kia nhưng anh vẫn cố tình lơ đi. Sau khi nhận được tin dữ, Price hỏi bản thân “Maybe i could find piece of mind?” biểu lộ rằng anh vẫn muốn được làm người lương thiện. Nhưng chí phèo ác là do hoàn cảnh ép buộc, còn Price ác là do chính từ sự lựa chọn ngu xuẩn của anh chứ chẳng ai ép anh cả, liệu anh có thể đánh bại được cái tôi to lớn của mình?
Game chuyển sang khung cảnh bệnh viện, phải nói đây là màn chơi creepy và ám ảnh nhất. Với tông màu xám lục làm chủ đạo, Jesse Makkonen đã làm nổi bật được không khí nặng nề của bệnh viện nơi đây, những con người với vẻ mặt vô hồn càng làm tô điểm thêm tính rùng rợn của màn chơi này. Càng rùng rợn hơn khi phát hiện dưới tầng hầm có người đàn ông đang nghiền xác của một bệnh nhân đã qua đời vì cách này tiết kiệm kinh phí hơn??? Eww gross, mày đang làm gì vậy Price? Đừng nói là mày lấy miếng-thịt-người-đầy-máu đấy cho thằng đầu bếp nấu đấy nhé. The fack Price?
Tui chẳng cần biết hành động này sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền của cái bệnh viện chết dẫm nhưng việc làm này của nó thôi đã được một vé miễn phí đi thẳng xuống địa ngục, và thậm chí những con quỉ dưới đấy sẽ kì thị mày trừ khi mày là Doomguy thôi, vì tâm hồn mày mục nát lắm rồi. Sau những màn giải đố khá dài dòng thì chúng ta được chứng kiến sự hối lỗi của Price với bà Goodwin và bà cụ – một người rất lương thiện, đã tha thứ cho anh và mong anh đừng tự trách bản thân nữa. Có thế mà Price cũng không làm được, đúng là tên vô dụng bất tài.
Chà, nãy giờ tui nướng mực hơi lâu rồi nhỉ, nhưng mực nướng lâu thì nó mới ngon, thôi ráng ở lại thêm chút nhé sắp xong rồi. Hôm sau, Price ngoan ngoãn nghe lời cụ bằng cách… đi tịch thu thêm căn nhà nữa, và lần này là nhà của Mr.Jones? Cái cách hành xử của Price làm tui nhớ đến mấy thằng cướp hay đi xưng tội trong nhà thờ, xóa tội xong đi cướp tiếp, ez. Màn chơi này và màn sau khi cụ Goodwin mất không có nhiều điểm đáng chú ý lắm trừ việc Price không khác gì thằng hít ma túy với chơi cỏ cùng một lúc.
Màn này để giải được câu đố thì ta phải nhảy qua nhảy lại giữa hai thực tại mà cái nào cũng đầy rong rêu và rễ cây, bla bla bla sau khi tổ chức một bữa tiệc thì cũng tịch thu được căn nhà. Phân cảnh sau là ba mẹ Price chặt xác của con voi có nghĩa là lương tâm sắp đánh bại được tham vọng. Chỉ “sắp” thôi đừng vội mừng, vì bản chất của anh ta thực ra cũng chả mấy tốt đẹp gì. Thậm chí sau khi anh đã ra quyết định nghỉ việc và phát hiện ra sự thật tàn nhẫn là cụ Goodwin, Mr.Taylor và Mr.Jones đã gọi điện cho ba tên sếp nói về việc cho họ thêm chút thời gian để có thể sắp xếp chỗ ở mới, nhưng tất nhiên là đồng tiền đi trước nên họ đã cử Price đi tịch thu nhà của họ ngay sau đó.
Và bùm, mọi quyết tâm thay đổi cuộc đời của Price, mọi ý chí quay lại con đường tốt đẹp, mọi thay đổi diễn biến tâm lí nhân vật hóa ra chỉ là xạo ke ba que. Cú plot twist khiến Price thay đổi 180 độ này chỉ bằng một cái bảng mang dòng chữ “Dade, Bruton, Moore và Price” đã biến Price thành một trong bọn họ. Price trở thành bọn họ thật, vì sau đó anh thất bại liên tiếp và bị đuổi việc và sống trong căn nhà nơi anh sắp bị tịch thu bởi một người trẻ tuổi khác. Những gì chúng ta được trải qua nãy giờ là flashback về cuộc đời đầy tham vọng của Price, anh khuyên nhủ người trẻ tuổi hãy từ bỏ công việc hiện tại mà làm việc nào không cảm thấy hổ thẹn với lương tâm mà nó cũng có nghe đâu, cũng như cách mà Price không nghe lời cụ Goodwin cả thôi.
Game kết thúc bằng việc Price tự tử bằng một cây súng tại vị trí y hệt cái xác đầu game tại căn hộ y hệt. Đây là một vòng lặp thời gian, nơi mà vòng xoáy của tội lỗi luôn luôn hiện hữu. Trước Price đã có một Price, sau Price sẽ có người trẻ tuổi làm Price mới. Hoặc có thể hiểu rằng bọn họ đều là những con người lạc lối, những thiên thần sa ngã bị đày khỏi thiên giới vì lòng tham của mình. Tất cả bọn họ đều mang tên Price, và tất cả đều chịu chung một kết cục như sự trừng phạt của số mệnh cho bản ngã của mình.
Nếu ai đó hỏi tôi rằng liệu Pride có xứng đáng nhận phải kết cục như vậy, liệu có một cái kết nào đó tươi sáng hơn cho anh chàng này. Tui sẽ trả lời thẳng thừng là không. Đoạn đường phát triển nhân vật của Pride rất gian nan, anh phải vật lộn giữa làm người có địa vị hoặc là người có lương tâm. Và cái kết tạo cho tôi cảm xúc nửa vời, một nửa là tức giận, còn lại là thất vọng. Cái hiện thực nó quá ư là tàn khốc đã khiến cho tui phải trằn trọc mấy đêm liền. Nhưng thật ra mà nói tui cũng hi vọng ở một khoảng thời gian nào đó sẽ có một người đủ dũng khí để cắt đứt được cái vòng lặp vô tận của tiền bạc và địa vị này, cũng như đem đến dấu chấm hết cho những lỗi lầm mà các Price trước đã phải chịu đựng.
“Tham vọng là cái hố không đáy làm kiệt sức con người trong nỗ lực bất tận tìm cách thỏa mãn nhu cầu mà không bao giờ chạm tới được sự thỏa mãn” – Erich Segligmann Fromm.
hay
Spoil nhẹ là phần 2 sẽ giải thích quá khứ của Price từ thuở nhỏ và vì sao anh ta lại có dấu hiệu mắc chứng thần kinh phân liệt trong phần 1 này ấy 😀