Shadow Hearts series: Trái tim bóng tối của tôi (P.3): Anh cả Shadow Hearts

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ

Và tiếp tục với series Shadow Hearts, chúng ta sẽ đến với phiên bản Shadow Hearts đầu tiên – một trong những phiên bản xuất sắc nhất của cả series chỉ sau Convenant. Đây là lúc mà các bạn chắc sẽ tự hỏi: Vậy sau Koudelka thì Studio đã rút ra được những kinh nghiệm gì?

Như tôi đã đề cập, Hiroki Kikuta sau những bất đồng quan điểm đã từ chức khỏi ghế CEO của Studio và Machida nhanh chóng lên gánh vác lỗ hổng mà ông để lại. Dự án Shadow Hearts vốn đã được khởi động gần như song song vào giữa giai đoạn của Koudelka nhưng vì Sacnoth đã quá chểnh mảng và nửa vời nên kết cục đó là để bắt kịp thời đại, game bị shift từ máy PS1 lên PS2 với các sự thay đổi nhẹ. Một vài phần Assets từ Koudelka vẫn là tái sử dụng song vì họ còn quá ít thời gian, không thể mang hẳn ra rồi làm lại cho nên bọn họ đã quyết định đi nguyên với bộ engine đồ họa chất lượng PS1 đó – vô tình là một nguyên nhân cho đám lều báo có lí do bỏ game và chúng dựa chủ yếu vào điều này để chống chế và Bias.

Không chần chừ nhiều và đi sâu vào game thôi nào chứ nhỉ? Trước tiên, về mặt presentation – game mở đầu với một chuỗi FMV chất lượng, giới thiệu trước cho bạn bối cảnh tạm thời và từ từ shift đến trọng tâm đầu tiên của game, nàng Alice Elliot đang được lính Nhật hộ tống trên một con tàu tốc hành từ Siberia đến Trung Quốc (Trans Siberian Express) vì lí do chính trị. Con tàu sớm rơi vào hoảng loạn khi toàn bộ khoang của lính Nhật bị thảm sát đẫm máu bởi Pháp Sư người Anh Roger Bacon (suỵt suỵt cứ từ từ). Toàn bộ binh lính chết sạch và khi chỉ còn lại một mình Alice – mục tiêu chính của tên người Anh kia, thì đó là lúc trò chơi giới thiệu với chúng ta nhân vật chính: RUDE HERO – Người Hùng nhếch nhác Yuri Hyuga của game. Một màn show off ấn tượng về những gì mà Yuri hiện có, sau đó gameplay nhanh chóng trải qua những segment đầu tiên và bạn học về cơ chế Battle và cái Judgement Ring huyền thoại.

Toàn bộ tiết tấu của game thoạt đầu sẽ rất chậm rãi và từ từ, và khi Yuri và Alice bắt đầu làm quen, phát triển nhân vật dần dần diễn ra và khai thác với nhiều cung bậc khác nhau. Yuri được xây dựng đúng với tiêu chuẩn của một tay virgin trong giao tiếp nhưng chad trong chiến đấu. Ý tôi là vừa 5 phút trước bạn làm quen với phong cách anh hùng nghĩa hiệp và bây giờ? Alice vẫn chưa tỉnh lại đang nằm đất cạnh Yuri và… Yuri… Từ từ… Nhìn xuống đùi và váy cô ấy (dạ vâng, đùi của Alice rất T.H.I.C.C). Biểu tượng trái tim emote hiện lên trên đầu anh và cái giọng: Hehehe…

Phải nói là Shadow Hearts làm rất tuyệt trong việc cho người chơi một cảm giác gần gũi mà không gượng ép, khi nó mix giữa sự nghiêm túc trong cốt truyện với các tình tiết thể hiện tính cách rất đời thường như máu dê cụ của Yuri, một vài trò đùa dank và dark, ngôn ngữ bình dân của các NPC hay kể cả những thứ kì quặc nó sớm cho bạn như trò xổ số kiến thiết, giải vô địch đi bộ cấp thế giới (là minigame mà bạn chỉ cần đeo đồng hồ đếm và cứ đi đi lại quanh các khu vực nguy hiểm để gia tăng điểm số, điểm có thể được dùng để đổi lấy các loại item cấp cao có giá trị cực khủng)…

Và chủ yếu thì game cũng khá dễ thở ở hệ thống quest, để cho giống với một game phiêu lưu và bạn có thể hoàn toàn tập trung vào cốt truyện và tình tiết diễn biến của game thì nó lại chọn một cách chả giống ai đó là phân bố các side quest vào thời điểm gần cuối game và hoàn toàn optional. Trước tiên, rất nhiều người có thể phàn nàn là làm thế này khá là bất tiện bởi bạn sẽ lại tốn kha khá thời gian về late nhưng xin thưa là nó không thật sự ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm game cho lắm, bởi vì việc làm side quest vốn đã mất thời gian sẵn rồi, có đặt ở đâu thì nó vẫn thế và như đã nói thì nó hoàn toàn là optional.

Đó là chưa kể nếu bạn để ý thì nội dung của các side quest lại hoàn toàn rất ăn nhập và hỗ trợ rất nhiều cho game và cảm xúc của game. Nó khá là dễ thở theo kiểu: bạn đã học xong lượng kiến thức cơ bản và kiến thức chính để đi thi đạt 8 đến 9 điểm thì bây giờ các side quest này là optional, nếu bạn làm chúng thì bạn hiểu thêm về bức tranh toàn cảnh nói chung. Chúng cũng được thiết kế để trở nên rất dễ học nếu bạn đã nắm được lượng chính ở trên mà chính chúng cũng rất kích thích trên một góc độ cá nhân nào đó. Người chơi luôn ở trong trạng thái thoải mái vì main ra main, side ra side thay cho kiểu nhồi nhét quá trớn của một số game và cũng bởi đây là thời kì đầu của game JRPG trên thế hệ console đời 6 mà nhỉ? Nên họ bắt đầu khai thác nhiều cấu trúc trong game hơn…

Mặc dù chỉ có 6 nhân vật chính từ Yuri, Alice, cô ả điệp viên điên rồ Magarette Gertrude Zelle – được phỏng theo giai thoại về nữ điệp viên tình báo Mata Hari trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất (nhưng ông Machida đã phóng đại hóa bà và cho bà một vai điệp viên không thể gàn dở được hơn =)), thầy pháp Liu ZhuZhen (Liễu Gia Chấn – tôi không biết mình phiên âm có đúng không? Nếu bạn học tiếng Trung thì cứ việc sửa lại cho tôi) – một ông pháp sư gốc nhà Thanh cũng khá giáo điều song lại rất tình cảm với Yuri và các nhân vật khác, Ma cà rồng Keith Valentine sống bất tử quá lâu đến bất cần đời (có hơi phỏng theo Louis từ phim Interview with the vampires), và Halley Brankett – con trai của Koudelka Iasant và Edward Plunkett (họ Brankett của cậu thực chất là do vấn đề dịch thuật của studio trong quá trình làm game khi đó =))).

Mỗi người đều có một câu chuyện của riêng họ và được xây dựng, khắc họa tính cách vô cùng tỉ mỉ và sinh động. Từng phân đoạn drama được lồng ghép với cảm xúc, cử chỉ, tranh cãi rất sâu sắc giữa các nhân vật chính với nhau và cả các nhân vật phụ… Toàn bộ trò chơi cũng là một cuộc đấu tranh muôn thuở giữa chủ nghĩa lạc quan và chủ nghĩa bi quan, để làm nổi bật lên chủ đề chính của game về ánh sáng và bóng tối, về hi vọng và giá trị của sự cứu rỗi… đại diện cho Alice với hình ảnh của 1 thiên sứ và Yuri là 1 thần quỷ. Tính tương phản xuất sắc giữa 2 hình tượng chính của game tạo nên một cặp đôi khó phai trong lịch sử của cả làng JRPG nói chung và gaming nói riêng…

Cốt truyện có thể bạn sẽ thấy vẫn phổ quát so với tiêu chuẩn của gaming hiện đại, thế nhưng một nghệ thuật mà khó có ai phủ nhận được ở Shadow Hearts đó là cách nó dựng lên các khoảnh khắc và tình huống, từ tất tần tật và tạo ra những trải nghiệm bất hủ và đáng nhớ trong game. Một đặc điểm có thể dễ thấy đó là Shadow Hearts cũng kể lên những câu chuyện buồn với một cái cảm xúc và chất riêng của nó, nhưng nó không hề sa đà hay quá lạm dụng những điều đó. Rất nhiều trò chơi mượn những hình ảnh bi thảm và u uất như là một thứ để cool ngầu, song Shadow Hearts chọn phản ánh hình ảnh con người với những sự đổ vỡ và vô vàn những trường hợp thiện ác, ai cũng có một cái lí của mình và đấu tranh cho điều mà họ tin tưởng cho dù điều đó có nghĩa là đi ngược lại với những người khác hay tự phá vỡ ranh giới của mình.

Shadow Hearts tập trung vào cái cảm xúc man mác và đau đớn trong khung cảnh với một dòng tâm trạng của nhân vật: “Đây là những con người đang dần phải rời bỏ thế giới này! Họ có gia đình đang chờ đợi họ và giờ thì những lời hứa và những tâm nguyện sẽ chỉ còn là những tàn dư của kí ức được mang cùng họ sang thế giới bên kia…”. Tôi không biết phải nói sao nhưng dường như, Shadow Hearts lại tiếp tục đạt được một điểm sáng nữa khi bằng cách nào đó, nó kể và truyền đạt những câu chuyện theo khuynh hướng của người Á Đông nhưng sự mô tuýp và động cơ thì lại là của phương Tây.

Plot twist cũng là rất tốt khi bạn nhập tâm và tình tiết tăng giảm, biến thiên trong mạch cốt truyện. Đến mức tôi tin là bạn hoàn toàn có thể tách kịch bản của Shadow Hearts ra và biến nó thành một series truyền hình dài tập dành riêng cho các khán giả phương Đông và một bộ phận khán giả phương Tây. Như đã hứa thì cốt truyện tôi sẽ để hẳn sang một bài riêng và để tránh spoil hết cỡ thì đây là một tựa game nơi mà ngay cả một anh hùng vĩ đại và hào nhoáng nhất cũng có thể… SAY SÓNG BIỂN và ảnh hưởng một chút đến khả năng chiến đấu =))). Và càng đáng khen ngợi hơn nữa bởi Shadow Hearts cố phá vỡ những cái trend bằng cách cố gắng pick những lựa chọn unconvention nhất trong một tựa game JRPG như việc lồng ghép bối cảnh hay lựa chọn các concept, âm nhạc, tính biểu tượng (tôi sẽ nói nhiều hơn ở bên dưới).

Và vẫn thật sự rất khó tin đó là toàn bộ scenario, kịch bản và cốt truyện là do một tay ông Machida viết ra – ông vốn chủ yếu làm ở mảng Art Direction và Art, Design Department kể cả khi ông còn ở Square. Trong khi đó để hỗ trợ cho bạn trai và chồng tương lai của mình thì bà Miyako cố gắng để thổi hồn cho các nhân vật bằng những nét thiết kế của riêng mình. Thiết kế nhân vật của Koudelka tuy có xu hướng của đường nét manga hóa thay cho những nét vẽ sáng tạo của Yuji Iwahara ở Koudelka, thế nhưng bà Miyako vẫn cố gắng tận dụng cái chất cổ kính và gothic của game để khiến cho người chơi có cảm giác như họ đang chơi một tựa game Công giáo hơn bao giờ hết…

Trái ngược với bà tổ Koudelka, Shadow Hearts lựa chọn lối gameplay tiêu chuẩn của một tựa JRPG truyền thống, bạn trở về với combat theo lượt, vị trí cố định, Random Encounter, thanh HP (máu), MP(mana) và SP (thanh Sanity point). Sanity points được cân nhắc như là một yếu tố chí mạng bởi nếu bạn ở lầy trong một trận combat quá lâu thì kết quả đó là nhân vật có thể trở nên mất kiểm soát, Berserk và bắt đầu có các hành động kì quặc lên cả chính đồng đội lẫn kẻ địch. Team 3 người truyền thống và quan trọng nhất – ,ọi hành động bây giờ đều là Judgement Ring. Judgement Ring tiêu chuẩn nhất mà bạn được thấy đó là 1 vòng 3 hành động, cứ mỗi ô trúng là 1 đòn được tung ra. Magic và các Special Abilties cũng là 1 hệ thống riêng và có các Ring cực kì độc đáo.

Nói đến trước tiên đó là Yuri, anh được phỏng theo Akira Fudo từ Devilman, Yuri là một Harmonizer – quỷ thuật sư. Anh sử dụng khả năng Fusion của mình để biến hình thành các dạng quỷ khác nhau trong chiến đấu. Yuri bắt đầu với form của Death Emperor thuộc nguyên tố bóng tối và dần dần qua game, bạn có thể tiếp tục chiến đấu và lấy được thêm các form quỷ khác thuộc các nguyên tố khác hay kể cả là xem xét điều kiện để lên cấp cho quỷ hay thu phục quỷ đặc biệt. Hệ thống nguyên tố tuy không quá quan trọng trong game nhưng bạn vẫn có thể tận dụng nó như một lợi thế chẳng hạn như Lửa đấu Nước, Bóng tối đấu Ánh sáng…

Bây giờ game đưa vào một cơ chế có thể nói là sáng tạo và khá là làm khó người chơi hơn trước đó chính là Graveyard – Extraction point của Yuri =)). Graveyard chỉ có thể access được khi bạn đang đứng trên điểm vòng tròn savegame. Đây sẽ là nơi mà bạn kiểm tra tiến trình Fusion và lấy các quái vật mới cho Yuri đồng thời phải dán mắt vào một mechanic quái gở của game đó là Malice. Mỗi khi bạn đánh bại các quái vật hay kẻ địch thì chiếc vòng của Yuri sẽ chứa nguồn linh hồn của chúng và càng tích tụ nhiều, con quỷ bên trong linh hồn của Yuri có thể càng ngày càng mạnh dần lên. Và khi nó vượt quá tầm kiểm soát? Game sẽ bắt bạn phải đấu với con quái vật gần như không gì chặn đứng nổi và chắc chắn là bạn sẽ thua anyway…

Để tránh phải đi đến kết cục này thì bạn phải quan sát màu sắc chiếc vòng của Yuri và tùy theo màu, khi nó đã đạt đến ngưỡng vàng hoặc cam – cận nguy hiểm thì như thường lệ, bạn phải vào Graveyard và clean nó, bằng cách đấu với con quái vật khi nó còn đang yếu ớt và chưa hoàn chỉnh… Tại sao tôi lại nói đây là một điểm gây khó khăn? Bởi thông thường, tôi để ý đó là các điểm save ring này thường phân bố có thể nói là khá không đồng đều và đôi khi ở quá xa nhau. Nó sẽ cực kì tệ hại là khi bạn đang ở trong một dungeon hay một khu vực với cả tá các cung đường rất dễ để bị lạc và oh no… Bạn đã trải qua kha khá trận đấu, bạn cũng đã sử dụng hết quyền rút lui và thanh Malice đang bắt đầu thắm đỏ… Và vẫn không thấy một điểm save ring nào đâu cả. Bạn sẽ triggered hệt như HUNK: “WHERE IS MY EXTRACTION POINT” – đùa tí thôi. Và chỉ riêng Yuri cũng đã đủ thứ để học đến ngoắc ngoải rồi.


Vấn đề Grinding ở trong Shadow Hearts bắt đầu trở nên khó thở một chút hơn so với Koudelka, thời lượng để cày full cấp có thể lên tối đa theo tuần nếu như tôi áng chừng đúng. Quái trong Shadow Hearts sẽ drop ra một lượng Exp tùy theo level của bạn chẳng hạn như nếu bạn còn yếu so với nó thì lượng Exp sẽ là cực lớn, nhưng nếu đã vượt quá ngưỡng này rồi thì lượng Exp nhanh chóng giảm xuống để tránh hiện tượng người chơi chỉ biết Grind một chỗ. Game cũng cung cấp cả các Pit Fight nếu như bạn cần một chỗ Grinding nhanh với các thử thách để kiếm trác vàng và items.

Và bây giờ thì vai vế của các nhân vật rõ ràng hơn nhưng cũng không còn tự do nhiều như Koudelka. Với Yuri như đã nói thì anh thuộc tuýp võ sĩ với sức mạnh vật lý khá mạnh, còn đối với các nhân vật phụ thì bộ kĩ năng của họ được đơn giản hóa hơn chút so với anh song vẫn khá là độc đáo. Chẳng hạn như Alice chiến đấu bằng những quyển sách ma thuật và kinh thánh – không đùa được đâu, cô ấy cầm một quyển kinh và đập con quái vật đến chết (Woman of the Year I guess?) và hoạt động như là một pháp sư cực mạnh với ma thuật ánh sáng và hồi máu, chữa hiệu ứng.  ZhuZhen (Gia Chấn) thì chiến đấu bằng vương trượng và thuật Yin Yang (âm dương bát quái). Tôi biết bạn đang nghĩ gì? Dùng Bát Nhược Ba Lăng Mật lên mấy con creep và thần của Công Giáo? Vâng ạ! Tại sao không? Magarette sử dụng súng hỏa lực mạnh và điện thoại đa năng – “Yeah I could use some help here!”. Và thế là từ trên trời rơi xuống những thứ kì quặc mà Magarette có thể sử dụng trong chiến đấu. Keith là 1 ma cà rồng cực mạnh về hút máu, nguyền rủa và cast hiệu ứng Instant Dead bất ngờ lên đối phương ở một xác suất tầm trung (dĩ nhiên là không thể dùng trong boss fight được rồi). Halley sở hữu khả năng ma thuật mạnh mẽ của mẹ Koudelka với khả năng tấn công nhiều kẻ địch và kèm theo hiệu ứng liên tục…

Thế giới quan – World Building trong Shadow Hearts là dựa theo chính thế giới thực với bối cảnh lịch sử và các sự kiện chính trị xã hội cũng là có thực nhưng phần lớn các nhân vật hay một chút đề tài sẽ được Twerk lên hư cấu. Đây là nơi mà giữa thời đại súng trường, thiết bị quân sự của giai đoạn chiến tranh thế giới lần 1, các loại máy móc hơi nước, steampunk lần lượt xuất hiện và sự bất ổn cũng như leo thang căng thẳng của xung đột chính trị. Nhưng đồng thời, ma thuật và thế giới tâm linh lại vẫn tồn tại và hiện hữu xung quanh ta. Những nhà phát triển tiến hành xây dựng lại các công trình kiến trúc, bối cảnh văn hóa và xã hội thời đó rồi như thường lệ, lore và miêu tả của mọi thứ được đặt vào trong các NPC, Script, Event của game hay kể cả là chính các item lẫn miêu tả của chúng, hay quái vật…

Nguyên một nửa thời gian đầu của game, bạn sẽ theo chân Yuri và Alice trải qua vô vàn khó khăn ở Trung Quốc, kéo dài từ Nam Kinh cho đến Thượng Hải. Và nửa sau là ở Châu Âu từ Đông Âu cho đến Anh Quốc… Bạn có thể để ý thấy rõ rệt nhất các khung cảnh lịch sử như xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong những giai đoạn 1900 đến 1913, đời sống văn hóa của con người với chút ít sự yên bình và lặng lẽ xen lẫn với một chút hỗn loạn, khói lửa, nhất là trong nửa đầu của game. Còn nửa sau bạn cảm giác như được làm một Sherlock của những năm đó tham gia vào những cuộc phiêu lưu và khám phá một Châu Âu đen tối và ma mị… Về yếu tố tâm linh và tôn giáo, game pha trộn rất nhiều và hỗn hợp.

Dễ để ý thấy thì Công Giáo là chủ đề chủ đạo của game nhưng họ lại rất khéo léo đưa vào cả những yếu tố khác từ những nền văn hóa khác. Chẳng hạn như Form Czernobog của Yuri lại chính là tà thần Chernobog trong ngoại đạo giáo của người Slav – vị thần tượng trưng cho bóng tối và cái chết. Yamaraja là các boss của game có xuất xứ và nguồn gốc từ đạo Hindu, tên Atman là được phiên âm từ tiếng Phạn – bản ngã trong Phật Pháp – đạo Hindu. Con Baigu là từ Tiên Giáo của Trung Quốc, song lại được thiết kế và khắc họa theo kiểu Gothic của Công Giáo. Những nữ thần báo tử Banshee từ dân gian Bắc Âu trong game được khắc họa như những cái xác và mô thịt đỏ máu… Kể cả những nghi lễ hiến tế của máu, xác thịt hay sức mạnh trong game cũng đều tượng trưng cho rất nhiều nguồn tâm linh khác nhau dựa vào niềm tin dân gian hoặc các giai thoại, từ những quyển Kinh hay Sách.


Thế giới quan của Shadow Hearts rất tuyệt vời, bạn sẽ phải tự hỏi nhiều điều với một lượng lớn chi tiết và nghiên cứu mà nó chạm đến… Nó là một thế giới của những nỗi kinh hoàng khác nhau, đa dạng. Bất cứ ai yêu thích phong cách trinh thám, huyền bí, kinh dị đều không khỏi sửng sốt bởi một tựa JRPG hấp hơi của một ông người Nhật mê mẩn mèo đen =)). Tôi xin được nói là tôi không quá spoil ở đây đâu nhưng… Có một thị trấn trong Shadow Hearts nơi những linh hồn của động vật nuôi bất ngờ đội lốt chủ nhân của chúng – những con người mà đã bị ngấu nghiến cho đến khi chỉ còn lại xương xẩu: “Ồ các bạn không phải khách sáo về cách cư xử của mình nhiều ở đây. Nó sẽ không thay đổi khẩu vị của những thớ “thịt““. Trưởng bản là một con yêu quái mèo thành tinh nói với bạn như vậy. Ok tôi cá đó là một nơi thú vị đấy nhỉ?

Ở Luân Đôn, chủ sở hữu của một trại trẻ mồ côi “nấu“ các sinh linh bé nhỏ chưa đầy chục tuổi trong vạc dầu vì một niềm tin vào tà thuật đen tối của phù thủy cho phép hắn hồi sinh người mẹ đã chết từ lâu của mình… Ở Prague, một phù thủy vươn ra từ tấm gương trong phòng vệ sinh và chiếm đoạt thân xác, giết hại người sống. Ở đâu đó ở Châu Âu có một ngôi nhà của búp bê nơi mà một con búp bê ma bắt hồn người sống để chơi với nó… Sure, hóa thành Czernoborg hay Seravi và đập chết cha cái lũ ba lăng nhăng style ông Đăng này thôi nhỉ? Càng đào sâu và bạn càng kích thích.

Tuy biết là đồ họa khá là Outdate nặng kể cả là với năm đó – vì vẫn dùng chung engine đồ họa của Koudelka (vì thế mà giới hạn render 3D của game vẫn còn hạn chế, toàn bộ khung cảnh vẫn được làm bằng cấu trúc 2D Background Pre-Rendered), nhưng không vì thế mà giá trị của game bị ảnh hưởng. Ngược lại, tận dụng tốt yếu tố này mà khâu Art Direction của game vẫn tỏ ra cực kì đáng kinh ngạc. Bọn họ vẫn giữ lại được cái sự ghê rợn, tởm lợm từ Koudelka và truyền tải nó vào Shadow Hearts. Cái sự gồ ghề, thô sơ của không gian và những gam màu tương phản rõ rệt. Không quá spoil nhưng sau cho cùng thì game đưa bạn đến với những không gian như những ngôi làng đen tối, ma mị với sương mù đỏ và toát lên sự lạnh gáy, và bạn sớm đối phó với những con yêu quái ăn thịt người và bắt đi linh hồn… Hay với những không gian kiến trúc thành thị cổ ở Thượng Hải đến những thành phố đêm ở Châu Âu, kiến trúc Á Đông gặp kiến trúc Gothic…

Tôi nhớ mình từng nói về ưu điểm của phương pháp này, để nhắc lại thì: Pre-rendered background cho bạn cái cảm giác khá là Lo-Fi, sống động trong chuyển động và sự nổi bật của model nhân vật. Không chỉ vậy, nó vẫn khá là tuyệt khi bạn match phong cách này với một artstyle tốt, chẳng hạn như của Resident Evil thời kì đầu hay kể cả là Final Fantasy VII và VIII cũ thời đó. Nhất là đặt vào trong một tựa game có những chủ đề ma mị như Shadow Hearts. Mặc dù nếu xét trên phương diện cá nhân thì tôi tin Koudelka vẫn nhỉnh hơn đời sau của nó bởi tuy cùng một cấu trúc đồ họa hay việc nhiều chi tiết trong Shadow Hearts trông khá hơn nhờ vào cấu hình của máy PS2 nhưng cái cảm quan mà Koudelka mang đến lại là một trời một vực so với Shadow Hearts. Mặc dù lượng Assets được mang ra tái sử dụng là kha khá. Nhưng dù sao thì bạn cứ yên tâm rằng một nền đồ họa tận dụng được những ưu điểm của phương pháp và Art Style lẫn Direction vẫn tuyệt hơn rất nhiều.

Và dĩ nhiên, phần mà bạn mong đợi nhất: Monster Design:

*Vài tay Trung Quốc: ăn thịt chó mèo 

Chó mèo thành tinh: ăn thịt lại họ 

Người Trung Quốc: “Pikachu meme” *

Thiết kế và tạo hình quái vật trong Shadow Hearts là một trong những thứ khiến tôi tự hỏi tại sao người ta ngừng làm những thứ như thế này. Bên cạnh nguồn cảm hứng chính từ Lovecraft, bạn dễ dàng thấy thêm của cả Giger… Những nghệ thuật hình thể kì dị của Shadow Hearts không chỉ tập trung vào sự biến dạng hay những hình ảnh méo mó của con người mà còn rất trừu tượng – theo lối rừng rợn và kì dị của Goya với những phần thân thể nham nhở, rỉ máu hay phỏng theo Brom với những đường nét Gothic. Nó cực kì disturbing nếu như cộng thêm cả bầu không khí của cả một số khu vực mà chúng xuất hiện. Thêm một chút của các trường ca kinh điển như Dante Alighieri. Ngay cả những miêu tả quái vật cũng hàm chứa những ý nghĩa phẫn cảm hay sự kì quặc trong lối hài kịch đen tối của game.

Đến chính bản thân tôi tự hỏi cái sanity của mình bởi những cái tạo hình dường như cợt nhả cũng kha khá, Shadow Hearts cực kì bị đánh giá thấp bởi lối Joke Hài kịch đen tối và bệnh của nó.

Âm nhạc của Shadow Hearts tiếp tục theo chân Koudelka với một lối âm nhạc phá cách và phá ra khỏi những cái tiêu chuẩn của game JRPG. Thông thường để so sánh thì nhạc battle như thường lệ đúng lý ra phải cực kì upbeat và mượt tai. Nhưng không! Với shadow Hearts, bạn có những bản nhạc kiểu như thế này:

Hay lại nữa:

Nó kích thích và độc đáo theo một lối kì quặc của riêng nó. Như đã tùng nói thì Machida tuy cung cấp kịch bản và ý tưởng nhưng ông hoàn toàn để cho các nhà soạn nhạc của game tự do trong việc sáng tạo. Yoshitaka Hirota chia sẻ: Trong khi tạo các bản nhạc nền OST cho game, Hirota muốn sử dụng nền tảng của mình trong thiết kế âm thanh để tạo ra những track nhạc mà sẽ gợi nhớ đến phong cách “Gothic” mà cá nhân ông đã từng tạo ra cho hiệu ứng âm thanh của Koudelka. Machida chỉ đưa ra cho nhóm nhạc của Hirota vài ý tưởng cơ bản về bối cảnh và tiền đề của trò chơi trong khi ý định và quan điểm của Hirota đó là làm cho nhạc game “đẹp nhưng có sức tàn phá” về mặt cảm xúc, không muốn người chơi nghĩ rằng nó giống như những bản nhạc tiêu chuẩn mà người ta thường nghe trong phim hay game khác. Và vì thế mà kể cả trong những giai điệu lẫn lộn, vẫn có rất nhiều thứ thật sự đẹp đẽ và đầy xúc cảm.

 

Không chỉ vậy Hirota còn bao gồm các yếu tố của nhạc punk, rock công nghiệp, kỹ thuật, những kiểu giai điệu điện tử và dàn nhạc dân ca, giao hưởng… Mục đích của anh là tạo ra “âm nhạc dân tộc, tương lai”. Đến mức khi nghe kết quả đầu tiên, nhà sản xuất Jun Mihara và một vài thành viên trong đội ngũ đã quá kinh ngạc, vì âm nhạc của Hirota nghe như một mớ hỗn độn bòng bong ngẫu nhiên của các giai điệu quái gở nào đó được kết hợp với nhau. Mặc dù bị sốc, nhưng tất cả mọi người đều tán thành và nhất trí với cách làm nhạc kiểu này cho trò chơi. Và cuối cùng là cú hit kinh điển của game – Shadow Hearts.

The Feel Train keeps Rolling boiz!

Đánh giá chung: Khi tôi đến với thế giới của Shadow Hearts, một trong những điều tôi tò mò nhất đó là làm thế quái nào mà nó nằm dưới tầm radar lâu đến thế nhỉ? Quan điểm tôi về game quả thực khá là điên rồ sau khi hoàn thành nó lần đầu tiên và sau đó tôi tiếp tục với Convenant. Và tôi ngạc nhiên, nó tuyệt vời hơn cả mức mà tôi trông mong ở nó. Tôi yêu thích Shadow Hearts không chỉ bởi những giá trị unconvention của nó mà còn bởi trải nghiệm mà nó mang lại theo một cách cực kì bất ngờ – cốt truyện, cách dẫn truyện, xây dựng nhân vật và tính biểu tượng… Tôi không thể cứ nói toẹt hết ý nghĩa hay gì đó ra bởi bạn biết đấy, tôi nghĩ Shadow Hearts nên được tự chơi và tự trải nghiệm.

Tôi không dám hứa với bạn là bạn có thể sẽ yêu thích nó nhiều như tôi nhưng chắc chắn bạn vẫn sẽ cảm thấy điều gì đó khi đi đến cái kết – cho dù là có hậu hay không có hậu (yeah nó có multiple ending đấy). Nói thế này không có nghĩa là Shadow Hearts hoàn hảo, vẫn còn nhiều điểm không hoàn hảo trong trò chơi chẳng hạn như âm thanh cast phép của lão Gia Chấn khiến tôi cười sặc sụa (lão nói: Xing chàng xúng chính Fong sì Tu Xính… Và tôi cứ cười sặc sụa – no racist here bro), hay yếu tố Malice trong game có thể khiến người chơi đôi khi triggered một chút… Nhưng nó có một sức hấp dẫn không thể chối cãi và nhất là khi nó mang trong mình sự hỗn hợp kì quặc tạo ra sự thay đổi và khác biệt hấp dẫn cho cả hai yếu tố kinh dị và JRPG thông thường.

Và sau một hồi ba lăng nhăng như ông Đăng thì sure, tôi luôn ực ực với cái dáng chạy của Alice hay mấy trò tease phớ lớ của Magarette – Ngắm nhìn cả Thượng Hải chìm trong lửa cháy vẫn là những thứ rất thú vị. Và tôi biết là tôi đã lỡ mồm spoil cũng vài chi tiết rồi nên thôi vậy – nhưng bài riêng về cốt truyện thì vẫn sure kèo là sẽ có.

Và khúc ca linh hồn lại vang lên – Icaro:

HenryMason AKA TranVietBach
As your service.

Cùng tác giả

Princess Crown – Cuộc phiêu lưu của công chúa Gradriel

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ

Alone In The Dark Remake: Vị cha già trở lại

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ

Lake Haven – Chrysalis: Bí ẩn ở thị trấn Lake Haven

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ

Gungage – sự thử nghiệm thú vị của Konami

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ

Lunacid – Giấc mộng trăng rằm

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ

Cùng tác giả

Princess Crown – Cuộc phiêu lưu của công chúa Gradriel

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ

Alone In The Dark Remake: Vị cha già trở lại

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ

Lake Haven – Chrysalis: Bí ẩn ở thị trấn Lake Haven

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ

Gungage – sự thử nghiệm thú vị của Konami

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ

Lunacid – Giấc mộng trăng rằm

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ
Henry Mason

Huyền thoại ★ ★ ★ ★ ★

  Hiệp Sĩ
Silence is always beautiful, and a silent person is always more beautiful than one who talks

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • Omega Fadiz Tertas - 02.04.2020

    Hồi xưa em biết đến tựa game này qua tạp chí thế giới game pcworld, nhưng là bản covenant, em xin các cụ mãi mà ko mua đc máy ps2 để chơi. May mà bác nhắc lại chứ nếu ko chắc em quên rồi, khi nào phải down giả lập về cày mới đc