Trước khi vào bài viết, xin gửi đến mọi người vài bài nhạc để cùng thưởng thức, thứ âm nhạc tuyệt diệu.
Rhythm game (game nhịp điệu) là một thể loại game đã xuất hiện từ khá lâu và có cho mình một lượng fan hâm hộ nhất định. Những cái tên nổi tiếng trong danh sách này có thể kể đến như Guitar Hero, Rock Band ra mắt trên hệ máy Playstation, hay trên PC chúng ta có huyền thoại đập phím di chuột Osu! Và cũng không thể không nhắc đến 2 tựa game huyền thoại trên nền tảng Android và iOS, đó là Cytus và Deemo. Trong bài viết này, Minh Anh xin được gửi đến cho người đọc những đánh giá chi tiết về tựa game Deemo, và liệu rằng sau từng ấy năm, đây có còn là tựa game đáng để các bạn dành thời gian để trải nghiệm hay không?
Sau thành công của Cytus vào năm 2012, nhận thấy tiềm năng của rhythm trên nền tảng Android và iOS, nhà phát triển game đến từ Đài Loan Rayark đã quyết định cho ra đời một tựa game mới theo thể loại này. Và vào ngày 13 tháng 11 năm 2013, Deemo chính thức được đem đến cho người chơi toàn cầu. Ngay lập tức tựa game đã gây ấn tượng mạnh bởi một nền đồ họa đậm chất anime, hàng loạt các album nhạc ấn tượng, gameplay đơn giản nhưng cuốn hút và một cốt truyện bí ẩn và xúc động. Rayark công bố rằng tựa game đạt 200.000 lượt tải về chỉ trong tháng đầu tiên, và đạt 7 triệu lượt vào tháng 10 năm 2014, đứng đầu bản xếp hạng danh mục game âm nhạc trên appstore của hơn 100 quốc gia.
Deemo còn nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các trang đánh giá uy tín cũng như đạt được nhiều giải thưởng. Sự thành công ấy đã giúp đồng thời giữ cho game liên tục cập nhật. Cho đến nay, Deemo đã có tới 46 album với hơn 100 bài nhạc, đóng góp cho tựa game là rất nhiều nhà soạn nhạc, trong đó có thể kể đến một số tên tuổi như M2U, V.K, Mili hay NICODE,… Tựa game đã có cho mình một bản DLC Forgetten Hourglass, được đưa lên nhiều nền tảng khác là PS Vita (Deemo: Last Recital), Nintendo Switch, PS4 và chuẩn bị có cho mình một bộ movie anime vào năm 2020.
Đầu tiên, mình xin được đánh giá về âm nhạc của game vì đây là linh hồn của dòng game rhythm cũng như của Deemo. Lấy đề tài là piano, các bản nhạc trong game chủ yếu thuộc thể loại Classic, Jazz, Pop/Rock. Đây là các thể loại nhạc được chơi nhiều nhất trên loại nhạc cụ này. Đôi khi nhà phát triển còn cho thêm vào những album mang nhiều thể loại khác như nhạc điện tử và có sử dụng vừa Instrumental music (nhạc không lời) và Vocal music (nhạc có lời), thậm chí Rayark còn thêm vào những album, bài hát nổi tiếng từ tựa game trước của họ là Cytus. Đấy là những nỗ lực để làm đa dạng các bài nhạc ở trong game, người chơi sẽ không khó để tìm được cho mình những bài hát yêu thích.
Các bài nhạc trong game còn sở hữu những nét văn hóa riêng, có bài mang đậm phong cách phương Tây, số khác lại mang vẻ đẹp của châu Á. Một số bài còn có tác dụng dẫn dắt cốt truyện ví dụ như nhạc nền được chơi vào những phân cảnh khác nhau hay ý nghĩa của lời bài hát, tạo nên những easter egg vô cùng thú vị. Tựa game với nhiều giai điệu, từ sâu lắng trầm buồn với Wings of piano, Platinum, Suspenseful Third Day; tươi tắn, sôi nổi như Nine point eight, Invite, HYAKKA RYOURAN; nhẹ nhàng, êm tai như Cradel Waltz, Dream, Jumpy star; hùng hồn, dữ dội như Magnolia, Lord Of Crimson Rose. Nhạc game hay lắm các bạn à, mình có gõ cả ngày cũng không sao hết được sự tuyệt vời của nó, thay vào đó, mình xin gửi các bạn một cái video tổng hợp những bài nhạc hay nhất của game để các bạn có thể thưởng thức và đưa ra nhận xét riêng của bản thân.
Đồ họa của game cũng rất ấn tượng và cực kì phù hợp với lại âm nhạc trong game. Tông màu của game chủ yếu là hai màu đen trắng, game đem lại một cảm giác vừa ma mị, lại vừa cuốn hút. Tính nghệ thuật của game cũng được thể hiện rất chi tiết ở mọi khung hình, artwork của từng bài hát đều ít nhiều có liên quan đến bài nhạc và được vẽ một cách rất chi tiết, tỉ mỉ, chắc chắn sẽ làm thỏa mãn bất kì người chơi nào, không chỉ về mặt thính giác mà cả thị giác. Có người từng nhận xét rằng “Deemo là sự dung hòa giữa manga của phương Đông và phong cách Gothic của phương Tây”, mình cho rằng đây nhận xét rất chính xác và nó góp phần ca ngợi giá trị của tựa game đối với những người đã từng trải nghiệm qua.
Bởi Deemo là một tựa game nên cho dù phần âm nhạc có hay đến đâu nhưng nếu thiếu đi gameplay hấp dẫn thì game vẫn sẽ là một thất bại, tất nhiên nhà phát triển game cũng đã làm rất tốt ở mảng này. Có thể thấy gameplay của Deemo khá đơn giản, rất dễ làm quen so với người anh em Cytus. Những thanh nhạc đen rơi từ phía trên màn hình, bạn phải nhấn đúng lúc nốt nhạc ấy chạm tới thanh ngang, đôi khi sẽ có những chuỗi thanh màu vàng, đa dạng về độ dài, đòi hỏi bạn phải trượt ngón tay mình trên màn hình. Có thể nhiều người sẽ thấy gameplay nhàm chán, nhưng đối với mình chính sự đơn giản và dễ làm quen ấy lại trở thành điểm nhấn của tựa game.
Bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác trở thành một pianist, một nghệ sĩ piano chuyên nghiệp. Ta có thể điều chỉnh tốc độ rơi của những thanh nhạc. Những bài hát trong game có nhiều độ khó khác nhau tính theo thang điểm từ 1 đến 12, được chia thành 3 cấp độ là easy, normal và hard, một số bài còn có độ khó extra, thử thách cả những người chơi giỏi nhất. Tất nhiên là khó cỡ nào game thủ cũng quẩy được hết mà, có người còn chơi trò này bằng hai quả quýt mà full combo bài Magnolia mà . Nhà phát triển còn khuyến khích người chơi tiếp tục với tựa game ngay cả khi đã hoàn thành cốt truyện, bởi vì qua nhiều playthrough người chơi sẽ mở được những easter egg cũng như rất nhiều artwork khác nhau, tạo cho game giá trị chơi lại cao.
Âm nhạc, đồ họa, gameplay… à còn cốt truyện nữa. Ngay từ những giây phút đầu tiên, bạn nhận ra mình sẽ được vào vai Deemo, một sinh vật có hình dáng khá giống Slender Man nhưng ít đáng sợ hơn. Deemo, cô độc trong lâu đài, bên cạnh cây đàn piano của mình, anh đánh những bản nhạc cho riêng mình. Một ngày nọ, từ trên trần lâu đài xuất hiện một cửa sổ, cánh cửa mở ra và một bé gái bí ẩn rơi xuống từ đó. Deemo đỡ lấy cô bé, cô tỉnh lại nhưng không có một chút kí ức gì về con người cô hay kí ức cuộc đời trước kia. Ngày qua ngày, cả hai ở cạnh nhau và Deemo tiếp tục chơi những bản nhạc, nhưng lần này là cho cả hai.
Trong lúc Deemo chơi nhạc, cô bé nhận thấy trên cây piano xuất hiện một cành cây nhỏ. Cái cây dường như phản ứng lại với tiếng đàn, từng chút từng chút một lớn lên theo giai điệu. Cô bé liền nảy ra một ý tưởng đó là sẽ nuôi cái cây ấy lớn lên thông qua việc đánh từng bản nhạc, và khi cái cây chạm tới được khung cửa sổ, cô sẽ được trở về. Đó là toàn bộ phần mở đầu của tựa game. Mình không thể kể hết cốt truyện trong bài viết này được nên xin được phép để nó lại cho một bài viết khác trong tương lai. Minh Anh cũng sẽ nói thêm rất nhiều về nội dung mở rộng trong bản Deemo: Last Recital và DLC Forgotten Hourglass và sắp tới đây là Deemo Reborn, hứa hẹn sẽ cho người chơi được biết thêm về nhiều khía cạnh khác của câu chuyện.
Khác với người anh em Cytus, Deemo có cho mình một cốt truyện tương đối rõ ràng, dể hiểu. Những gì mà Rayark muốn gửi gắm đến người chơi rất rõ ràng: một câu chuyện đẹp, cảm động, có chút đượm buồn cùng một thông điệp sâu sắc. Nó gần gũi, chúng ta sẽ luôn tìm thấy một phần của bản thân trong câu chuyện, để rồi biết yêu thương, trân trọng hơn với những gì mà cuộc sống đã ban cho.
Đã sáu năm kể từ lúc Deemo được ra mắt, thế nhưng sức hút của nó vẫn còn rất mãnh liệt. Bằng chứng là các cộng đồng những người yêu thích tựa game vẫn hoạt động rất sôi nổi, liên tục cập nhật thông tin, tìm kiếm những chi tiết ẩn trong game. Đây còn là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tựa game Rhymth sau này, có thể kể đến như Lanota, Dynamix, MUSYNX,…
Và vào 21/11/2019 này, Rayark sẽ cho ra mắt Deemo Reborn trên PS4 và PS VR, mở ra một hướng tiếp cận mới khi sử dụng nền đồ họa 3D, kết hợp với công nghệ thực tế ảo VR. Game sẽ có thêm các yếu tố như giải đố khi ta điều khiển nhân vật cô bé, hay chơi nhạc khi ta điều khiển Deemo. Tất cả những điều trên cho ta thấy rằng, Deemo gần như đã trở thành một tượng đài trong lòng những fan hâm mộ dòng game Rhymth, và luôn là một trong những tựa game nhất định phải thử qua nếu bạn là một người yêu âm nhạc.
Xin gửi lời cảm ơn đến các lữ khách. Xin tạm biệt và hẹn gặp lại, bởi vì:
Never Left Without Saying Goodbye
Bài viết có tham khảo thông tin từ Wikipedia https://en.wikipedia.org/wiki/Deemo
Nói chung đầu tiên cũng cảm ơn ông khi đã review 1 trong các con game mà tôi cũng thích vcl ra ấy. Và đậu xanh tôi cũng công nhận rằng mẹ nó cái cốt truyện Cytus nó nhức não thật. May là mấy ông phê cần kia khi phát hành Cytus II cũng cho người chơi tiếp cận cốt truyện dễ hơn rồi(dù nó đa tuyến nên cũng mệt mỏi và ung thư màng ví khi ngồi đọc iM với OS logs với mua các char paid)