Gaming gear – Thú đam mê xa xỉ hay là niềm vui nhỏ bé của những kẻ yêu công nghệ

Huyền thoại ★ ★

  

Trước giờ chơi game, nếu cách đây hơn 20 năm thì cũng ít ai để ý đến mảng này, nhưng dần dần cuộc sống phát triển thì chẳng thể trung thành mãi với phím chuột Mitsumi được, nhất là với những pro gamer hay streamer nổi tiếng, chất lượng gear luôn là thứ được đặt lên hàng đầu, do đó những công ty tập trung ở lĩnh vực phục vụ game thủ như Razer hay Steelseries kiếm được rất nhiều.

Lần đầu tiên mình biết đến khái niệm này là vào khoảng năm 2005, khi báo chí đăng hình ảnh của 2 con chuột Diamondback và Copperhead, lúc đó mắt đọc của 2 con chuột đó thuộc dạng vượt trội so với những con chuột bình thường khác, độ nhạy tầm 1600 – 2400 DPI, và có thể chỉnh nóng ngay trong game (những tính năng này bây giờ quá đỗi bình thường, nhưng vào thời đó thì đều là những thứ nổi bật, đáng lưu tâm đối với giới trong nghề).

Mà thời đó thì những con chuột ấy quá đắt đỏ, thế nên chỉ có đại gia thừa tiền hay dân thi đấu chuyên nghiệp mới dám hốt về (chẳng bù với bây giờ, các cybercafe mọc lên như nấm, trang bị toàn gear khủng, thậm chí một số nơi còn có cả phòng cho streamer), và có giai thoại kể rằng Min-liang Tan, CEO Razer vác hàng của công ty vào bắn CS 1.6, phản xạ thần sầu đến mức vào room nào thì bị room đó đuổi cổ không thương tiếc.

Diamondback…

Và Copperhead

Miếng bánh thị trường này quá béo bở nên chỉ một thời gian sau, các hãng bắt đầu xâm nhập thị trường, rất nhiều cái tên huyền thoại như Logitech, Microsoft, Soft Trading (tiền thân của Steelseries)… đã để lại nhiều ấn tượng trong suốt thập niên 2000, và kéo dài đến tận bây giờ.

Điển hình như bộ 3 G3,G5,G7 của Logitech, IE 3.0 của Microsoft, Sensei của Steelseries, Deathadder của Razer…

G3

G5 với màn hình Nokia

G7…

Hồi báo Việt Game còn xuất bản, mình nhớ có ông còn đăng bài hướng dẫn chi tiết cách mod màn hình điện thoại Nokia vào con G5, cái màn hình ấy còn dùng như màn hình phụ để xem phim hoặc hiển thị thông số trong game, mặc dù rỗ không thể tả.

Con G3 là phiên bản thấp hơn, các tính năng được rút gọn nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy, nếu mình nhớ đúng thì ông thuoclao dùng con này chơi Starcraft. Và còn biểu diễn cả trick điều khiển Siege Tank giết Lurker bằng cách dùng một thằng Marine đứng vào chỗ con Lurker ấy trốn, rồi nã đạn vào Marine đó, trước khi đạn trúng thằng Marine thì nhanh tay lái Dropship bốc thằng Marine ấy lên, do đạn của Tank gây damage AOE nên Lurker mất máu, xong thả thằng Marine xuống chỗ cũ bắn tiếp, cứ thế tiếp tục đến khi con Lurker chết.

G7 là phiên bản không dây, lúc đó công nghệ còn hạn chế nên chắc chắn không thể nào nhạy như con G903 bây giờ được, thế nhưng lão blackmoon dùng con này đánh WCG VN và dành được suất tham gia giải thế giới ở bộ môn Warcraft III (điều đáng nói là lúc đó lão chỉ mới 16 tuổi, báo chí còn gọi Phan Văn Nam (tên thật của blackmoon) với biệt danh “sát thủ có gương mặt trẻ thơ”). Sau này khi phong trào War Melee lụi tàn thì lão chuyển sang DotA 1, là cựu thành viên của StarsBoba huyền thoại.

Về con IE 3.0 của Microsoft, tuy công nghệ không có gì vượt trội so với các ông lớn khác, nhưng với form cầm ôm tay, độ chính xác khá tốt so với thời đó, nên dù chỉ có 400 DPI, nó được các anh em chuyên FPS dùng nhiều trước khi Deathadder phổ biến (lão Kylin trước đây cũng dùng con này vẩy AWM liên tục và bán hành cho rất nhiều tên tuổi sừng sỏ, mình đã chứng kiến trên Youtube lão bắn chết 1 thằng Hack Speed ngay viên đạn đầu tiên). Sau này Microsoft hợp tác với Razer, cho ra mắt con Habu, con này chỉ nổi một thời gian rồi biến mất nên ít ai biết.

IE 3.0

Steelseries Sensei, con chuột nổi tiếng nhất của Steelseries, lúc mới ra mắt, sau thất bại thê thảm của Ikari và XAI thì hãng đã rút kinh nghiệm và cơ cấu chỉnh sửa lại thiết kế, linh kiện chất liệu và hoàn thiện. Tuy vậy do cái giá quá cao, cộng thêm một vài khuyết điểm nhỏ nên ít người chú ý đến con chuột này, điển hình nhất có lẽ là lớp mạ Chrome dễ bong tróc. Cho nên mãi đến khi ra phiên bản RAW, sửa lại lớp vỏ mỏng manh, cắt đi một số chi tiết rườm rà (như màn hình LCD dưới đáy chuột), thì Sensei mới được chú ý nhiều hơn (ông Dendi dùng con này khá nhiều, tại Na’vi được Steelseries tài trợ nên phải dùng đồ của hãng thôi).

Razer Deathadder, xuất hiện khá sớm (từ hồi 2006), trải qua rất nhiều phiên bản, thay đổi linh kiện, đèn đóm, nhưng vẫn giữ nguyên thiết kế từ hàng chục năm nay (cầm vừa tay, không quá nặng cộng thêm cái mác Razer nên rất được ưa chuộng).

Lần đầu mình sờ vào con này vào khoảng năm 2008, ông anh họ mượn được của anh bạn cùng lớp, anh bạn đó cẩn thận đến mức còn mua cả túi nhung đựng chuột. Nói thật là lúc đó cầm rất sướng, ôm tay, đã thế còn di rất mượt mà (chắc tại lần đầu cầm chuột xịn nên mới có cảm giác như thế, sau này mua con Deathadder Chroma mà cảm giác cũng không bằng con chuột ngày đó).

Phải nói rằng cái cảm giác khi vác “đồ chơi” ra quán net rất oai, kiểu “like a boss” vậy, mỗi lần vào room là thể nào cũng hốt ít nhất vài chục mạng, giờ thì đã hiểu tại sao anh sếp Razer bị kỳ thị rồi.


Cơ mà chuột thời đó dùng nút không được tốt lắm, nên tình trạng Double Click (nhấn 1 thành 2) là chuyện xảy ra như cơm bữa, đặc biệt Razer và Steelseries là 2 thương hiệu dính chưởng nhiều nhất.

Thậm chí trên Voz còn có cả một Thread “Bực mình vì độ bền của Razer”, rất nhiều ông lên đấy xả giận, đến mức comment dài đến hàng trăm trang, cũng phải, chuột tiền triệu dùng dăm bữa nửa tháng lăn ra hỏng thì ai chẳng cáu.

Cách chữa cháy thường thì là xịt dung dịch RP7 vào nút, nếu tình trạng quá nặng thì chỉ còn cách thay switch mới, cái này cần phải có chút kiến thức về hàn xì. Như mọi khi thì thay bằng switch Omron, hãng này chuyên làm switch cho các thiết bị điện tử, nhưng nếu chuột nát quá thì chẳng linh kiện nào thay thế đc, đặc biệt đối với những ai nóng tính, click chuột như phá, thậm chí đập chuột, quăng chuột khi cay cú vì thua cuộc (vậy nên net cỏ thời đó dùng Fuhlen L102, vừa rẻ lại vừa bền bỉ).

Chuột đã thế, vậy tai nghe thì sao?

Xin thưa với các anh em, ở các game RTS hay MOBA, thì tai nghe không cần thiết cho lắm, nhưng ở mảng FPS rất quan trọng. Ngoài nghe tiếng chân và tiếng súng, headphone rất hữu dụng khi có micro dùng để voice chat, qua đó lên kế hoạch đột kích, tấn công đối thủ, thậm chí chuyển bại thành thắng.

Khi xem một trận đấu CSGO có team Fnatic tham gia, cả khu vực bị ném bom khói tùm lum, chẳng ai nhìn thấy nhau cả, vậy mà mấy ông này bắn xuyên qua khói mù, và thắng ván đấu quan trọng đó. Kỳ lạ đến mức trọng tài phải kiểm tra đề phòng mấy ông ấy ăn gian, nhưng lại không phát hiện được gì. Sau khi được giải thích, thì hoá ra là do tai nghe tốt, cộng thêm thính giác được luyện tập thường xuyên nên bị ném khói mù cũng chẳng thành vấn đề với cả team, cứ nghe tiếng chân mà điểm xạ thôi.

Razer Kraken Chroma


Steelseries Siberia V2

Logitech G933

Thermaltake TTEsports Cronos

Kingston HyperX Cloud Alpha

Thị trường tai nghe gaming vì thế mà cạnh tranh cực kỳ ác liệt, mẫu mã, tính năng và giá cả rất đa dạng. Ai thích Razer thì có Kraken, Electra, Tiamat, Hammerhead, Logitech có G233, G633, G933, Steelseries có Siberia, 5H, 7H, Arctis, Thermaltake có Cronos, Shock, Isurus, Level 10M…Và chất lượng cũng thượng vàng hạ cám, nhưng chắc chắn hơn hẳn tai nghe trâu vàng ở net cỏ.

Không nằm ngoài xu hướng, mình cũng vác về một con Kraken phiên bản Chroma, tuy nhiều âm Bass nhưng nó lại khá hợp với mình (chuyên nghe nhạc rock suốt mà). Ngoài ra Razer còn làm cả phần mềm Razer Sysnapse, có thể thay đổi màu đèn led, tinh chỉnh Driver, có cả Equalizer để chỉnh sửa âm thanh theo ý muốn nữa, chỉ mỗi tội đeo lâu hơi đau tai.

Mình xài khá cẩn thận cộng thêm tai nghe bền bỉ, sau 7 năm thì nó chỉ bị tróc da (bệnh cố hữu của tai over-ear) và gãy chốt cố định thôi. Ngoài ra âm thanh tốt, không bị bể tiếng hay mất tiếng, dĩ nhiên không thể so với tai của dân Audiophile được.

Nhưng nếu phải chọn tai nghe nào đeo êm ái nhất, thì mình xin được bầu một phiếu cho Steelseries Siberia V2, chất âm tốt, headband dẻo dai linh hoạt, cảm giác đeo vào rất dễ chịu, không hề đau hay ngứa, sau này tai Arctis cũng kế thừa các ưu điểm ấy mà phát triển theo thời gian

Một dòng tai nghe khác cũng nổi không kém là HyperXcloud của Kingston. Dù bước chân vào thị trường khá muộn nhưng họ cũng chứng tỏ rằng khả năng làm gear không kém ai, các phiên bản đều được ưa chuộng, và độ bền rất ổn (thằng bạn thân của mình dùng mấy năm nay, mà hầu như không phải đem đi bảo hành, mặc dù nó quăng quật lăn lóc trên bàn nhưng cũng chẳng hỏng). Tính ra tai nghe bền hơn chuột, nếu hỏng thì chữa cũng không phức tạp lắm, trừ trường hợp mua nhầm hàng lởm.

Vài thương hiệu tai nghe dùng vải nỉ cho earpad thay cho da PU, loại này bền hơn nhưng nếu không vệ sinh kỹ càng thì sẽ hôi, nói chung mỗi vật liệu đều có ưu nhược điểm của nó.

Có một điều bình thường nhưng ít người để ý là đa số các đội game, trừ phi được hãng tài trợ gear, thì thường không đeo tai gaming mà sử dụng tai in-ear, rồi ốp phía ngoài là tai nghe phi công màu đen. Mục đích là để cách âm tuyệt đối, cứ thử nghĩ xem, giữa hàng vạn khán giả đang gào thét cổ vũ, ngồi trong buồng cách âm vẫn có thể nghe thấy tiếng hò reo, thì tất nhiên phải dùng tai đặc biệt để không bị phân tán khi đang thi đấu rồi (chỉ cần lơ là khoảng vài giây cũng có thể vuột mất cả núi tiền, nên cũng phải cẩn thận hơn mọi khi chứ).

Hai thiết bị trên, dù có quan trọng đến đâu, nếu thiếu mất thiết bị thứ ba –  bàn phím – thì cũng không thể hỗ trợ game thủ PC chiến thắng được.

Lúc đầu, bàn phím gaming không khác nhiều lắm với bàn phím thường (tất cả đều dùng màng cao su gắn dưới keycap, và rất dễ hao mòn), khác biệt chủ yếu nằm ở mấy chỗ râu ria (như đèn đóm, dàn phím macro, màn hình phụ gắn kèm, module lắp ráp, hay thay phần mặt bàn phím cho phù hợp với game, tiêu biểu là Zboard với những loại vỏ cho từng game khác nhau), thậm chí có khi còn dễ hỏng hơn bàn phím phổ thông thời đó.

Logitech G15…

Mãi về sau, khi Cherry, một công ty của Đức, phát triển và áp dụng hệ thống bàn phím cơ sử dụng switch thì bàn phím gaming mới lột xác hoàn toàn. Lúc này các hãng gaming gear bắt đầu cải tiến sản phẩm của mình bằng cách thay màng cao su bằng dàn switch cơ học, chẳng hạn như Steelseries 6Gv2 hay Razer Blackwidow 2013.

Bốn loại switch cơ bản (Blue, Red, Brown, Black) hiện diện trong hầu hết các sản phẩm thuộc thế hệ mới, và những hãng như Filco, Leopold, Ducky, Ikbc… từ từ vươn vòi bạch tuộc vào thị trường gaming gear.

Những bàn phím có layout được chỉnh sửa cho phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt các sản phẩm được rút gọn có layout Tenkeyless, 60% rất được ưa chuộng. Pok3r, Tada, Varmilo…đều có những sản phẩm như thế này, và sự xuất hiện của bàn phím cơ dẫn đến một trào lưu mới: chơi keycap. Do switch Cherry cho phép thay đổi keycap thoải mái nên nhiều người đã tham gia vào thú vui này.

Từ những bộ keycap đơn giản theo chủ đề game như LoL, DOTA, hay cả set Taihao giá rẻ dành cho người mới tập chơi, cho đến những set SA, DSA đắt tiền, hay những set PBT bền bỉ, thậm chí là những set nút kim loại giá trên trời mà chỉ có 1 nút, phím cơ đã thâm nhập vào thị trường như thế đấy.

Nhiều ông chơi đến mức còn tự mua mạch, vỏ, switch và keycap rồi lắp ráp nên con phím của riêng mình, thú chơi này gọi là Custom,cho nên bàn phím dạng này có thể tự tuỳ biến theo bất cứ cách nào mình muốn, chẳng hạn như gắn những loại switch lạ (Gateron, Zealio, Kailh…), mạch xịn hay vỏ nhôm. Vì thế giá của bàn phím Custom rất cao, tối thiểu khoảng 4-5 triệu, có khi lên đến hàng chục triệu, và thường thì khi nào chủ phím kẹt tiền lắm mới đứt ruột bán đi.

Mình còn nhớ, lần đầu chạm tay vào con Leopold FC 750R, mà lúc ấy đã sướng lắm rồi, phím nhỏ gọn, gõ mượt mà, kêu tanh tách đúng chuẩn Cherry MX Blue. Dù mọi người chuộng Red hơn nhưng với mình thì Blue gõ vẫn phê nhất, chưa kể còn được khuyến mại set keycap PBT cực bền. Từ đó con phím này đã sát cánh bên mình không biết bao nhiêu trận CSGO, PUBG, Fortnite… và hàng nghìn giờ gõ văn bản mà vẫn chưa có dấu hiệu hao mòn nhiều. Nghe nói keycap Leopold tốt hơn Filco nhưng những mặt còn lại thì Filco vượt trội, mình chưa thử Filco nên cũng không để ý. Sau này mình có trải nghiệm các loại switch khác như Brown hay Green (Cherry Green nhé, còn Razer Green do Kailh gia công nên không tính), nhưng ngoài Clear switch ra thì không có loại nào sướng bằng Blue (ý kiến cá nhân, mong mọi người đừng ném đá).

Game thủ thì cần phím nhạy, chuẩn xác, thế nên các nhà sản xuất đã thêm thắt một số công nghệ dành riêng cho họ. N-key Rollover, ấn nhiều phím mà không bị hiện tượng ghosting (một vài phím không nhận nếu ấn cùng lúc) hay switch Cherry MX Speed, giảm hành trình nhấn phím, là hai trong số những công nghệ đó.

Ngoài những switch nêu trên, thì còn một loại nữa là Topre. Đây là sự kết hợp giữa phím cao su và phím cơ, gõ văn bản tuy không sướng như Cherry (theo cảm nhận của mình, có lẽ Topre không thuộc gu mình thích, à quên, đừng có so sánh Topre với mấy con giả cơ Tàu nhé, mấy con đó chẳng là gì so với hàng xịn đâu) nhưng được cái ít ồn ào mà vẫn giữ được đặc trưng bền bỉ của phím cơ. Bù lại thì cực đắt, và ít hàng chính hãng ở trong nước. HHKB, Realforce là những cái tên tiêu biểu trong mảng này, giá khoảng tầm 4-5 triệu và không chơi keycap được. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt là con Novatouch của thương hiệu CMStorm, nhờ chân Stem chữ thập kiểu Cherry nên đây gần như là con Topre duy nhất hợp với đa số keycap trên thị trường (mãi tới khoảng vài năm trước thì Realforce RGB là con tiếp theo cho phép xài keycap Cherry).

Realforce RGB

Tuy vậy, không ít cái tên đầu tư vào thị trường Việt Nam, và thất bại thì rất nhiều. Hai tên tuổi nổi tiếng là Sharkoon và Tesoro đã trở thành bại binh sau vài năm với rất nhiều lý do. Drakonia, con chuột nhắm vào thị trường tầm trung của Sharkoon không bán được mấy, do phải cạnh tranh với những tên tuổi lớn, và đám đàn em mới nổi như Cougar, Newmen hay Fuhlen. Còn Tesoro, tuy tên sản phẩm rất ngầu, thiết kế đẹp nhưng chuột và tai nghe chất lượng bình thường, phím cơ thì đi theo vết xe đổ của Thermaltake và Razer: Bán Kailh Switch với giá trên trời, cộng thêm việc thiếu vốn, nên dần dần rút khỏi Việt Nam.

Con Kuven có lẽ là cái tai nghe lạ nhất mà mình từng đeo, thiết kế với earcup vuông hình mặt nạ cười-mếu trắng tím không thể nào quên được, lúc ấy còn định rút ví nhưng nghĩ lại, đầu tư mạo hiểm là không nên với một vài trường hợp.

Tesoro Kuven

Một thương hiệu khác là Mad Catz, vốn nổi tiếng với những sản phẩm khá dị như chuột Cyborg R.A.T 7, R.A.T X có khả năng tùy biến rất cao, tai nghe F.R.E.Q và bàn phím S.T.R.I.K.E mang thiết kế hầm hố, cũng không tránh khỏi phá sản (phím cao su bằng giá phím cơ, chuột cầm cảm giác khó chịu, nặng nề, không thoải mái, mà đắt hơn cả Razer hay Steelseries thì chết là đúng thôi).

Lúc nhìn trên web thì thấy con chuột đẹp, khi ra cửa hàng cầm thử thì thấy form cầm còn thua xa Mitsumi ngày xưa. Đến khổ với mấy ông thiết kế, màu mè cho lắm vào bảo sao không nát, mấy con chuột dạng này chỉ được cái mã, còn giá cả, trải nghiệm thì không thể ngửi nổi (tự dưng lại nhớ đến con Ouroboros của Razer, vừa nặng vừa khó cầm, đã thế còn hét 3 triệu/con), ai thích chơi đồ độc không nói, chứ cái kiểu góc cạnh cắt xẻ lung tung như thế này đau tay lắm, mình chẳng dùng được

Cyborg R.A.T 7, cầm con này cảm giác giống như cầm cục tạ có gai vậy

Tóm lại, gaming gear, dù xịn thế nào thì cũng không thể hoàn toàn quyết định trình độ của một người, điều quan trọng nằm ở ý chí và sự rèn luyện chăm chỉ, phối hợp tốt cùng đồng đội trong game. Thế nên ở mảng E-sports, chỉ có những game thủ chân chính mới chạm tay vào vị trí cao nhất một cách xứng đáng.

Và thú chơi này cũng là một sở thích hay ho, dành cho những ai muốn try hard, hay chỉ đơn giản là thoả mãn niềm đam mê công nghệ mà thôi. Đời game thủ ngắn lắm, cho nên cứ thoải mái mà xõa, phải không các hiệp sĩ?

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện