Hồi bé tôi rất mê bộ manga Hitman Reborn. Akira Amano đã hạ gục những độc giả trẻ như tôi khi vẽ nên một thế giới mafia “ngầu lòi” trong cái nôi của một nền văn hóa mà tôi mơ ước hồi đó như Nhật Bản. Điểm đặc biệt trong phong cách chiến đấu của các nhân vật trong Hitman Reborn là cơ chế “Dying will”. Khi tính mạng gần đến trạm dừng chân cuối của nó, có lẽ tiếng than thở nặng nề của cuộc đời cất lên. Hoặc cũng có thể một tia sáng le lói rọi sáng cả cuộc đời phàm trần lúc gần tăm tối. Đối với bản thân Akira Amano và bộ manga của mình, đó là một ngọn lửa đẹp đẽ rực cháy đánh cược một lần trong sinh tử vô thường.
Và trong game, game của chúng ta chẳng phải cũng thế sao, mỗi lần thần chết ghé thăm, cái cảm giác hàng tỷ dây thần kinh tê rần, những dòng adrenalin sôi trào trong huyết quản, dường như vừa có một vụ nổ bigbang sáng thế diễn ra trong não bạn. Đặc biệt là những con boss trong game. Cái cảm giác “phê pha” khi ranh giới mong manh là trong một tíc tắc, là trong một pixel lăn lộn và né tránh hoàn hảo giúp bạn vượt mặt tử thần.
Titan Souls ẩn dật trong góc folder game “kho báu” của tôi là một trong những indie game như thế. Bạn phải điên cuồng giành giật giữ cho mình sống sót trong khi phải tỉnh táo để thực hiện cú bắn kết liễu thứ đang cố giết bạn. Acid Nerve cố gắng phá vỡ bức tường “thường thức” ăn sâu vào chúng ta và giữ lại duy nhất một mảnh gạch mang tên “đánh boss”. Ghim nó lại, mổ xẻ và đưa trải nghiệm đó lên những tầm mức cao hơn với nhiều cung độ khác nhau hơn cho người chơi trải nghiệm.
Nếu bạn muốn tìm kiếm nhiều hơn cái cốt tủy tôi vừa nói, làm ơn bỏ qua Titan Souls. Trò chơi này rũ bỏ rất nhiều thứ quyến rũ thông thường mà chúng ta thường “thèm thuồng” trong một trò chơi: Đồ họa (đặc biệt là pixel), cốt truyện và một số thứ khác. Hãy nhớ trong một cuộc đấu sống còn, không ai quan tâm nhiều hơn đến những thứ vớ vẩn như “tức cảnh sinh tình” hay cốt truyện.
Mặc dù được xây dựng trên nền tảng đồ họa “thượng đẳng” pixel art, Titan Souls có chất lượng trung bình, sơ sài và không nổi bật. Bạn được chứng kiến những tàn tích vắng lặng kiểu Maya đơn điệu với tông màu “kém tươi”. Sau khi “làm nóng” người trong nét rêu phong, Titan Souls “làm dịu” người chơi bằng vị gió tuyết lạnh lẽo rồi đến thế giới hỗn hợp của dung nham, lửa cháy…. Trò chơi này cho tôi cảm giác người ta không cố gắng để xây dựng sự hòa hợp cũng như hợp lý của các phân cảnh. Nó chỉ giống như việc anh thợ học việc làm bánh ép các tầng bánh gato lên nhau một cách vụng về, thiếu sức sáng tạo.
Đồng hành với sự đơn điệu trong phong cảnh của Titan Souls, cốt truyện của nó cũng vậy. Ở đây không có một thiên hùng ca nào đó kiểu Hercules, David & Goliath hay 300 Sparta nào cả, cũng chẳng tồn tại thứ xoắn não “cẩu huyết” hay thứ cảm động lấy nhiều nước mắt người chơi như chuyên mục “ngôn tình” của thời hiện đại dành cho bạn. Ngay cả khi quyết tâm đi đến điểm cuối cùng của trò chơi, mở khóa những mảnh ghép xương máu, người chơi cũng chỉ nhận được những dòng chữ mơ hồ để những khoảng trống và dấu hỏi to tướng mặc cho người chơi dùng sự tưởng tượng, suy diễn lấp đầy nó.
Sự khô khan của Titan Souls trở thành một thử thách thực sự. Ngày nay người ta uống một ly trà sữa còn đòi hỏi toping các thứ chứ đừng nói gì chuyện bị hành sấp mặt mà nội dung content kiểu “cắt tóc đi tu và ăn chay trường” như Titan Souls. Nên nhớ rằng chúng ta đã đi quá xa khỏi cái thời chăm chăm vào bản năng nguyên thủy của con người, cái bản năng chỉ vì hai chữ thắng thua hay sinh tử như hai thằng đàn ông chiến đấu với nhau. Titan Souls thì hoài niệm điều này, nó xuất hiện để đưa ta về nguyên điểm ban sơ. Bắt đầu trò chơi này, hãy tìm cho mình một lý do, một thứ để bạn chiến đấu, dù cho bạn có phải tự động viên, tự thêu dệt cho mình một câu chuyện để chiến thắng trò chơi này.
Chiến đấu vì sự thật cuối cùng, chiến đấu vì mạng sống, chiến đấu vì có cô em sẹc xì ở nơi cuối cùng hay chiến đấu để xuyên không ra khỏi nơi hang hốc “chó không thèm sủa, chim không thèm ỉa”. Bạn sẽ cần nó, vì đây là một trong những trò chơi ẩn sự khắc khổ vào trong cốt tủy và tâm khảm bạn.
Bởi trò chơi này là một thứ “dai nhanh nhách” và khó nhằn đích thực. Trước khi tôi gặp Titan Souls, đối với tôi việc được chạm trán với những con boss là một sự vinh hạnh. Đối với hầu hết người chơi, còn thanh xuân nào đẹp hơn chuyện mạnh lên từ trong nhỏ yếu, đi theo ánh mắt trời và tiêu diệt những con boss đỉnh cao. Và đó sẽ là cú shock tinh thần thực sự nếu bạn tìm kiếm cảm xúc đẹp đẽ đó trong Titan Souls. Ngay cả trong những trò chơi khắc nghiệt nhất, chí ít nhà phát triển cho bạn nhiều thứ hơn thắng thua. Ví dụ: Skill đẹp, phong cảnh hài lòng, rèn hay tìm ra vũ khí đẹp đẽ mạnh mẽ các thứ.
Nhưng trò chơi khốn kiếp này thì không, nó nói không với ngay cả cơ hội nhỏ nhoi để bạn nghĩ tốt về nó. Titan Souls đưa cho bạn bộ cung “hàng mã” với 1 mũi tên và chỉ về đằng xa kia với ánh mắt ân cần “ra đó mà tìm kiếm chân trời mới nhé homie!”, cái chân trời đẹp đẽ mà sụp đổ trong lòng bạn trong vài phút tiếp theo với những hình thể to gấp trăm nghìn lần bạn, cố gắng quăng đủ thứ “hàng nóng” như xúc tu, bi đá, trọng kiếm khổng lồ… vào mặt bạn. Nó là thứ trò chơi “fan cứng” của One Punch Man nhưng quái ác hơn. Nện nhừ tử bạn với hết sức bình sinh rồi sự kinh hoàng, tê tái đến ngay sau đó. Rồi ảm đạm, bất lực ngấm dần vào tâm trí và thể xác bạn. Đưa bạn hồi sinh và một lần nữa “làm thịt” bạn như thế trong vĩnh thế luân hồi cho đến khi tâm trí bạn chết lặng hoặc cho đến khi bạn đủ giỏi giang và bất khuất để bước ra khỏi nó.
Nhưng cũng đừng vội bỏ qua trò chơi này vì bản chất của nó vẫn là cuộc sống, đâu đó vẫn tồn tại sự công bằng dù rằng nó chỉ bé bằng lỗ kim sợi chỉ. Titan Souls rất khắc nghiệt, nó mang bản chất khắc khổ lớn lao nhưng điều kiện thắng thua của nó rất công bằng. Trong trò chơi này, mỗi bên đều chỉ có một máu và những con boss luôn có một tử huyệt rõ ràng. Đưa một mũi tên chính xác vào tử huyệt và con boss không còn là nỗi lo của bạn. Nghe có vẻ dễ như húp cháo nhưng nói thì bao giờ cũng dễ dàng hơn làm rất nhiều. Vì bản chất tấn công của bạn trong Titan Souls được thiết kế cho trải nghiệm đi trên lằn ranh giữa sống và chết. Ôi thôi hãy quên ngay những hình ảnh cỡ Hollywood như Mũi Tên Xanh, Robin hút hít hay những videogame vì hiện thực mà Titan Souls cấp cho bạn thì nghèo nàn hơn thời bao cấp một chút thôi. Một bộ quần áo đơn sơ hàng second hand, chưa mua được giầy vì có lẽ chưa đến dịp sale hay thích chạy chân trần cho dẻo dai. Hàng tặng kèm là một cây cung ghẻ và chỉ một mũi tên duy nhất không hề thêm thắt gì thêm trong suốt game. Nói sơ qua về cách tấn công, cơ chế vũ khí của Titan Souls rất đơn giản: BẮN CUNG THÌ ĐỨNG YÊN MÀ BẮN. Kéo cung càng lâu tên đi càng xa và bay càng nhanh và ngược lại. Việc căn chuẩn tầm lực là kỹ năng sống còn. Bạn chỉ có một mũi tên và việc dành thời gian quá lâu để đưa mũi tên sai lầm đi quá xa làm bạn mất thời gian để chạy, roll để nhặt.
Ngoài ra bạn được khuyến mãi cơ chế “Niệm lực” giúp hút mũi tên về. Nếu ai đó là fan của dòng phim “Thần lực” Star Wars thì cũng nên chơi cho biết vì “Niệm lực” của Titan Souls là giai đoạn quá độ lên “Thần Lực” mà bạn từng được xem. Cái giá phải trả của niệm lực là đứng yên. Đó cũng là một trong những cơ chế khá hay được lợi dụng để chiến đấu trong Titan Souls (tất nhiên nếu không đề cập đến vấn đề độ khó khi vận hành nó vào thực tế). Và Titan Souls cũng không thực sự khó chịu nếu chúng ta bỏ ngoài những vai chính “phản diện” trong trò chơi này – những con BOSS. Luôn tấn công nhanh mạnh như kẻ thù truyền kiếp 9×9 81 đời. Kèm theo kiểu tấn công “không chết không ngừng” luôn là sự khôn khéo di chuyển, che đi tử huyệt bạn cần thả trúng tên. Chưa kể đến một vài cơ chế tấn công như độc hay dịch slime làm chậm rất hay. Tôi lấy làm đáng tiếc là trò chơi này quá vội vã phát hành và chưa đầu tư sâu hơn phát triển những cơ chế như vậy lên một tầm cao hơn. Một điểm trừ dễ thấy lý giải trò chơi này chưa thực sự được đánh giá cao.
Phần đáng kể nhất đánh mất sức hấp dẫn trong Titan Souls có lẽ là bản chất trải nghiệm của nó – trò chơi này mang sự mâu thuẫn rõ rệt. Khi bạn đã thực sự “làm quen” với Titan Souls, bạn sẽ học tập mô hình hành vi của những con boss và tìm ra thời điểm và điểm đứng phù hợp để đưa ra cú bắn chí mạng kết thúc cuộc chơi điên loạn này. Một trò chơi hay, tuy nhiên bản chất của Titan Souls cực kỳ mâu thuẫn dẫn đến việc trò chơi này không thực sự được đánh giá cao và không nằm trong list must-have mà một gamer cần như Ori hay To the moon hoặc Hollow Knight. Những game vừa rồi được kể ra tuy không cùng một thể loại với Titan Souls nhưng tôi muốn nói về bản chất trải nghiệm đem lại của một trò chơi.
Những trò chơi này đều xuất sắc trong việc thể hiện trải nghiệm để chạm đủ sâu hoặc đa dạng để chạm tới ngưỡng “khoái trá” của phần lớn gamer (tôi không hoàn toàn quy chụp là toàn bộ vì điều này là vô lý). Titan Souls thì khác. Thực tế không khó để đánh bại trò chơi này (với tôi là 523 mạng để đi đến đích đầu tiên và cứ cho rằng là gấp 10 lần cho các chế độ khó sau đối với một game thủ không phải dạng hardcore hay top đầu kỹ năng). Nhưng cái độ ổn định trong cảm xúc trải nghiệm mà người ta gắn bó với Titan Souls thực sự rất bấp bênh. Hãy lấy ví dụ trong một game có yếu tố đánh boss thông thường. Bạn sẽ chết rất nhiều để học tập và đưa ra kế hoạch khả thi nhất hạ gục một con boss. Nhưng khi mọi thứ “chín muồi” và giờ thì bạn xoay chuyển tình thế. Thay vì việc bạn bị con boss cho ăn hành ngập mặt thì bạn làm chủ trận đấu, bạn lên gân nện cho nó nhừ tử, qua mỗi động tác né tránh những đòn hiểm chuẩn xác và cách di chuyển thuận lợi cho việc tối đa hóa sự tấn công của bạn. Bạn cảm nhận rõ rệt thành quả và cảm xúc vui sướng của hàng tá những cái chết trước đó. Titan Souls thì tạo ra dạng cảm nhận “ngược chiều yêu thương” như trên.
Bạn bị thảm sát vô số lần, thoi thóp đến nỗi không kịp thở để học cách di chuyển và tấn công điểm yếu rồi sau đó chỉ 1 phát. Đúng với một hành động chính xác mà nhiều khi nó là kết quả mong manh đến độ bạn phân vân liệu đó là “may mắn” hay đó là “kết quả” bạn “tu luyện” được. Và rằng sau một hồi đấu tranh vì kết quả thì mọi thứ trở nên nhạt như nước ốc khi “chiến dịch Hà Nội 12 ngày đêm kháng chiến oanh liệt gian khổ” của bạn chấm dứt trong vòng 10 – 30s sau khi trận đấu bắt đầu. Rồi thì việc ngày càng làm quen với kiểu di chuyển và tấn công có hiệu quả, tốc độ bạn phá giải các nan đề của Titan Souls càng được rút ngắn và cuộc chơi mất đi sự hào hứng vốn có. Không một lời hỏi thăm, không một phần thưởng vật chất nào đó “an ủi” cho máu và nước mắt bạn đổ ra. Nó giống như việc chúc mừng bạn được danh hiệu học sinh giỏi lớp 12 và thay vì kỳ nghỉ hè với làn da rám nắng thì mời bạn vác mặt học như chết đi sống lại với kỳ thi đại học. Chiến thắng thì đã đành. Nhưng thất bại đến với bạn còn tệ hơn. Không khó để biết rằng thất bại chưa hẳn là điều xấu nhưng không thể gắng gượng hoặc không thể “nuốt trôi” thất bại mới là điều xấu thực sự.
Và Titan Souls cho bạn nếm trải điều đó. Cái việc hai bên trong cuộc chém giết chỉ có 1 máu làm cảm giác thua cuộc trong bạn trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Không ai muốn mình “ra đi” chỉ trong một tíc tắc, chỉ trong thời gian một tiếng click chuột. Và chí ít bạn cũng “toi mạng” vào trong tay của thứ gì đó “ngầu lòi” chứ không phải “món óc trần để quên tủ đông” hay trở thành con ki di động trong tay một con quái vật lông lá.
Trải nghiệm chết trong Titan Souls trở nên nhảm nhí và ba lăng nhăng cỡ drama kiểu như có tiền uống beer bét nhè rồi bắt đầu lên group băn khoăn kiểu “cậy não” về việc không đủ tiền trả cho thiết kế logo của Hiệp Sĩ Bão Táp.
Chính những thứ chới với trong bản chất cơ chế làm cho trải nghiệm của Titan Souls gây ra “ác cảm” rất lớn cho người chơi. Và độ khắc khổ trong nội tại của Titan Souls thuần túy chứ không đa dạng và thực sự đủ độc đáo, sáng tạo và cá tính đã đánh mất đi một lượng lớn người chơi. Trò chơi này chỉ thích hợp cho những player yêu cầu thứ tách bạch, thuần túy, riêng biệt chứ không thể trụ vững cho những yêu cầu đa dạng đầy màu sắc được.
Tạm kết
Đây là một trò chơi tốt cho việc rèn luyện khả năng xử lý những tình huống khó khăn. Cuộc sống sẽ không nhân nhượng với bạn và đôi khi một số kèo khó đến độ “vô lý” và bạn không có quyền từ chối hay bỏ chạy khỏi nó. Và cuộc đời không như mơ nên cũng có những trận chiến sống còn. Hoặc là bạn sống sót, hoặc là bạn không còn tồn tại, không có option thứ ba để bạn rmk hay làm kèo mới. Vì vậy mặc cho khả năng thiết kế trải nghiệm phần cuối của Titan Souls chưa hợp lý nhưng nó vẫn rất đáng để thử. Nên nhớ, trong đêm đen tối tăm và lạnh giá, không gì quý bằng một ngọn lửa, dù là heo hắt, còn cơ hội là có thể chiến thắng.