Chẳng gì có thể ngăn cản The Elder Scrolls IV: Oblivion bước lên ngôi vị siêu phẩm RPG của năm 2006.
Ngay sau chiến thắng của Morrowind, đội ngũ Bethesda – lúc này đã tách thành Bethesda Game Studios – lập tức bắt tay vào phát triển phần bốn cho loạt game. Sau những giờ phút sinh tử khi công ty tưởng chừng phá sản, Todd Howard giờ đã nhận định rất rõ rằng mình và đồng đội cần dành nhiều tâm huyết hơn cho đứa con tinh thần của mình. Chiến lược “rush” chẳng đem lại hiệu quả gì ngoài sự thảm bại, quá trình phát triển hấp tấp vội vàng của Battlespire và Redguard đã minh chứng điều đó. Hơn nữa, Bethesda còn mong muốn đưa hậu bản kế tiếp đặt chân lên thế hệ console mới trong tương lai bởi vào thời điểm 2003 ý định về Xbox 360 đã được hình thành. Với việc Morrowind là một trong những best-seller game dành cho Xbox thì chẳng có lí do gì để bỏ qua “mảnh đất” màu mỡ này. Tuy nhiên, dự định này bước đầu gặp không ít khó khăn do những chiếc console thế hệ thứ bảy khi ấy vẫn chưa được ra đời, thông tin phần cứng của chúng là rào cản lớn trong quá trình phát triển.
Trong khoảng thời gian này, nhằm tập trung nguồn lực cho tựa game lớn đang thực hiện nên các hoạt động của Bethesda đều đổ dồn về phía Bethesda Softwork – tức bộ phận chịu trách nhiệm phát hành. Do đó những sản phẩm “ngoại đạo” như Pirates of the Caribbean, Call of Cthuhu và cả hai tựa game “dựa hơi” mang tên The Elder Scrolls Travels: Stormhold và Dawnstar dành riêng cho nền tảng di động lần lượt ra đời với mục đích duy trì nguồn tài chính cho công ty. Vào năm 2004, một cơ hội mới mở ra khi Interplay Entertainment rơi vào khủng hoảng dẫn đến studios con Black Isle phải giải thể, hàng loạt thương hiệu trứ danh bị bỏ ngõ. Chớp lấy “thời cơ ngàn vàng” này, Bethesda đã nhanh chóng mua lại quyền thực hiện Fallout 3 và đến năm 2007 thì thâu tóm hoàn toàn series lừng lẫy này. Nhưng The Elder Scrolls vẫn là “cái nôi” của Bethesda, do vậy Fallout là chuyện của sau này.
Cuối cùng ngày mà người hâm mộ mong chờ cũng đã đến vào tháng Ba 2006, The Elder Scrolls IV: Oblivion xuất chinh trên mặt trận PC và Xbox 360 vừa ra mắt cách đó chỉ bốn tháng. Ngay lập tức, đập vào mắt game thủ là một thế giới hoành tráng, đẹp đẽ rộng đến 57 km vuông của vùng đất Cyrodiil, trung tâm lục địa Tamriel mà trò chơi lấy làm bối cảnh. Không những vượt xa Vvardenfell về quy mô diện tích, Cyrodiil còn khoác lên mình tấm áo hào nhoáng, lung linh hơn gấp bội phần. Những đồi núi, thác nước hùng vĩ; làng quê hẻo lánh; rừng cây rậm rạp nhà của lũ thú hoang hung tợn cư ngụ hay các hầm mỏ nơi mà bạn chẳng biết điều gì đang chờ đón;… Từ ngoại cảnh cho đến nội cảnh của Cyrodiil đều choáng ngợp, không chê vào đâu được (tất nhiên là so với tiêu chuẩn chín năm về trước). Cyrodiil có đến tám thành phố lớn cho người chơi khám phá, mỗi nơi đều mang nét đặc trưng, để lại ấn tượng sâu sắc. Giá tuyết tràn qua Bruma – thành phố giáp ranh với miền tuyết phủ Skyrim; thành phố cảng Anvil êm đềm bên bờ biển Gold Coast; vẻ hoang tàn của Kvatch khi bị Mehrunes Dagon hủy diệt; Đại thánh đường Arkay tọa lạc tại Cheydinhal và đặc biệt nhất là kiến trúc độc đáo của White-Gold Tower ở thủ phủ Imperial City giàu đẹp. Tòa tháp chọc trời này cao đến mức đứng từ đỉnh núi ở Skyrim cũng thể thấy được. Chẳng những được ngắm nhìn các đô thị tuyệt vời ấy, bạn còn có thể mua nhà và sống tại đó như một cư dân thực sự.
Để dựng lên một Cyrodiil “khủng khiếp” như vậy, Bethesda đã cải tiến engine Gamebryo trước đây lên tầm cao mới, song song đó nhờ đến sự giúp sức của engine vật lí nổi tiếng Havok và cả SpeedTree nhằm bảo đảm chất lượng hoàn hảo. Không chỉ vậy, những nhà thiết kế còn tập hợp hình ảnh thiên nhiên, tư liệu kiến trúc từ đời thực và từ đó tái phác họa nên các cảnh quang mãn nhãn trong game. Đó là yếu tố giúp Oblivion sở hữu môi trường hết sức chi tiết, chân thực đồng thời cũng tiết kiệm không ít thời gian cho quá trình thiết kế. Thế nhưng vô tình điều này lại tác động xấu đến khía cạnh nghệ thuật. Dẫu rằng Cyrodiil rất đẹp với nhiều kỳ quan lạc cảnh, nhưng thế giới ấy lại không có được chất sáng tạo, giàu cảm xúc như Vvardenfell được dựng hoàn toàn bằng tay. Đây cũng là lí do góp phần giải thích cho việc các fan The Elder Scrolls lâu năm vẫn yêu mến thế giới của Morrowind nhiều hơn bởi nó không những có giá trị hoài niệm mà còn về mặt cảm thụ.
Tính năng khác càng tô điểm cho vẻ sinh động của Cyrodiil là hệ thống Radiant A.I mới toanh được Bethesda tạo ra. Cơ chế này làm tăng độ linh hoạt của trí thông minh nhân tạo trong game, giúp cho các nhân vật được thể hiện một cách “nhân tính” hơn. Mỗi NPC giờ đây có lịch trình làm việc của riêng mình, chẳng ai giống ai. Một góa phụ lắm lời thích ngồi lê đôi mách; người nông dân vất vả lao động đến xẩm tối mới về nhà; gã vô công rỗi nghề suốt ngày cà kê dê ngỗng ở quán rượu,… những nhân vật như thế có thể tìm được ở bất cứ thành phố nào trong game. Thậm chí họ còn biết chu du đây đó, rời khỏi nơi thường ngày mình vẫn cư ngụ thay vì chỉ đứng chết dí một chỗ hết ngày này tháng nọ như Morrowind. Chưa hết, Bethesda còn sẵn sàng rút hầu bao mời nhiều diễn viên gạo cội của Hollywood về đảm nhiệm khâu lồng tiếng. Patrick Stewart hóa thân hoàng đế Uriel Septim VII, Sean Bean thổi hồn vào Martin – người cuối cùng của dòng dõi Septim hay Lynda Carter cùng dàn sao danh tiếng khác. Nếu như trong Morrowind chỉ một phần hội thoại được lồng tiếng thì với Oblivion, hãy bật tính năng phụ đề và từng câu chữ bạn thấy đều sẽ nghe được từ chính miệng của các nhân vật. Hòa quyện tất cả những yếu tố tuyệt vời đó, Bethesda đưa chúng ta vào một thế giới hết sức sống động, rất gần với đời thật. Tuy nhiên, vào thời đó nếu muốn thưởng thức vẻ đẹp Cyrodiil một cách trọn vẹn người chơi cần có cỗ PC thuộc dạng “dữ dằn” mới có thể kham nổi các hiệu ứng hoành tráng như HDR hay đẩy Draw-Distance lên mức tối đa; một điều mà người hâm mộ than phiền khá nhiều.
Còn nói về gameplay, chẳng có gì nhiều ngoài hai chữ: xuất sắc. Nền móng vững chắc từ Morrowind được kế thừa, những hạn sạn phiền toái bị lược bỏ, thêm thắt nhiều cải tiến sáng giá mà khó kể hết được, đó là cách mà Bethesda hoàn thiện hơn nữa chiều sâu lối chơi. Bên cạnh đó, cốt truyện của là một trong những yếu tố hàng đầu của Oblivion. Tiếp nối truyền thống tù tội từ phần ba, trò chơi bắt đầu tại một phòng giam trong nhà ngục Imperial City. Hoàng đế Uriel Septim VII đã trị vì Tamriel suốt 65 năm qua bất ngờ “viếng thăm” trên đường trốn chạy khỏi sự truy sát của Mythic Dawn, giáo phái tôn thờ ông hoàng daedric Mehrunes Dagon – kẻ đang âm mưu xâm chiếm Tamriel bằng cách mở những cánh cổng Oblivion cho bầy quỷ dữ tràn vào lục địa. Thế nhưng hoàng đế không tránh khỏi số phận nghiệt ngã, trước lúc lâm chung ngài đã giao cho bạn một nhiệm vụ tối quan trọng. Người chơi – một tù nhân bỗng chốc lại trở thành kẻ gánh trên vai trọng trách tìm kiếm hậu duệ cuối cùng của dòng dõi Septim để thắp lại ngọn lửa Dragonfire hòng ngăn chặn thảm họa hủy diệt. Và như thế hành trình bắt đầu, nhưng bạn có thể dẹp nó sang một bên để đến với hàng trăm nhiệm vụ phụ thú vị hơn nhiều nhờ vào hệ thống Radiant Quest. Về hình thức, Oblivion theo đúng khuôn mẫu mà Morrowind và Skyrim theo đuổi: thế giới lâm vào cảnh diệt vong, một anh hùng bước ra từ chốn tăm tối đứng lên đẩy lùi cái ác. Thế nhưng điều mà hai người anh em kia chưa sánh bằng Oblivion chính là chiều sâu và cách thể hiện. Oblivion mang một cốt truyện chứa đựng nhiều tình tiết, diễn biến kịch tính; những nút thắt – mở hợp lí và phong cách truyền tải tinh tế, cho chúng ta cảm nhận được khúc hùng ca bi tráng, đậm màu sử thi, hiểu được giá trị của sự hi sinh vì những điều tốt đẹp. Cũng phải kể đến công lao không hề nhỏ của Jeremy Soule khi lần thứ hai đảm nhận âm nhạc cho dòng game, Nerevar Rising năm xưa được phối lại thành Reign of the Septims và tiếp tục đóng vai trò main theme.
Vậy Oblivion đã thu về những gì? 1,7 triệu bản chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, số điểm cao ngất ngưỡng từ nhiều website game danh tiếng, hàng tá giải RPG of the Year, Game of the Year và hơn 60 giải thưởng lớn nhỏ khác. Năm 2006 có thể coi là năm “bội thu” của J-RPG với những Final Fantasy XII, Persona 3, Valkyrie Profile 2,… Nhưng W-RPG thì khác, chẳng một cái tên nào đủ sức cạnh tranh với Oblivion. “Đại kình địch” Bioware vẫn đang dồn sức vào chuẩn bị cho Mass Effect; Neverwinter Nights 2 được vào tay Obsidian nhào nặn cũng không thể làm gì hơn; và cả Gothic 3 cũng thế. Có một điều thú vị về Gothic mà có lẽ không nhiều người để ý đến, rằng series này đã nhiều lần bị Bethesda “cản mũi”, phần nào khiến cho số phận loạt game khá bi đát. Khi Gothic 2 ra mắt năm 2002, nó đã bị Morrowind đánh bại. Năm 2006 Gothic 3 lại trở nên lu mờ trước “hào quang” của Oblivion. Để rồi đến 2010 Arcania: Gothic 4 lại một lần nữa đụng mặt Fallout: New Vegas. Thật đáng tiếc nhưng dường như “lời nguyền” làm kẻ đến sau luôn đeo bám series rất có tiềm năng này.
Những rắc rối và tai tiếng
Và như thế chẳng có gì ngăn cản The Elder Scrolls IV: Oblivion bước lên ngôi vị siêu phẩm RPG của năm 2006. Bethesda vẫn tích cực hỗ trợ và khuyến khích khả năng sáng tạo của giới modder qua việc tung ra các công cụ đắc lực. Ngoài “thói quen” bỏ sót lỗi game của Bethesda, không có nhiều khuyết điểm tìm thấy ở Oblivion. Thay vào đó, khuyết điểm lại đến từ chính những người tạo ra nó.
Những rắc rối khởi đầu bằng vấn đề… nude trong game. Vốn dĩ trong quá trình phát triển, các nhà lập trình đã dựng một model khỏa thân hoàn toàn dành cho nhân vật nữ nếu như người chơi trút bỏ hết quần áo của cô ta. Sau đó ý định này được hồi lại và thay bằng model khác với đồ lót đầy đủ, thế nhưng họ lại không xóa đi đoạn mã cũ kia. Không lâu sau khi trò chơi phát hành, những modder đã “đào bới” yếu tố độc hại này chỉ bằng một bản mod đơn giản và phổ biến khắp các diễn đàn game. Đến nỗi cơ quan đánh giá và phân loại game ESRB cũng phải để mắt đến. Kết cục là Oblivion bị đổi xếp loại từ Teen (dành cho thiếu niên từ 13 tuổi trở lên) thành Mature (người trưởng thành 17+). Tuy rằng quyết định này không làm ảnh hưởng nhiều đến doanh số bán ra nhưng cũng gây không ít tiếng xấu cho studios.
Chưa dừng lại ở đó, để theo kịp trào lưu downloadable content (các gọi nội dung tải về), Bethesda đã tung ra một loạt DLC nhỏ lẻ “dụ” game thủ phải móc hầu bao. Đáng nói là trong đó có một bộ giáp dành cho chiến mã với giá… 2,5 USD. Cái giá “trên trời” cho một bộ giáp, ngoài ra tuyệt nhiên chẳng còn gì mới mẻ, không thể trách khi người ta nhạo báng động thái hơi thô bỉ từ Bethesda. Rất may, họ đã rút ra được bài học từ vụ việc này và đã đầu tư nhiều hơn cho những nội dung sau này. Bằng chứng là hai bản mở rộng Knights of the Nine và Shivering Isles ra đời, giới thiệu nhiều tính năng mới, vùng đất mới để khám phá và chuỗi nhiệm vụ hấp dẫn, tăng thời lượng chơi đáng kể.
The Elder Scrolls IV: Oblivion đã đưa Bethesda lên tầm nhà phát triển game AAA thực thụ, đủ sức khiến công ty mẹ ZeniMax Media nghĩ đến việc đầu tư nhiều hơn vào Todd Howard và những dự án của ông. Và như để chứng tỏ điều đó, năm 2007 họ đã thành công mua lại trọn vẹn thương hiệu Fallout. Oblivion đã hoàn tất, nhân lực được huy động đầy đủ, ngân quỹ dồi dào và nguồn cảm hứng mãnh liệt, những chiến binh Bethesda lại bắt tay vào chuẩn bị cho ngày về của một tượng đài lừng danh khác…
(Còn tiếp)
Rất mong đến phần nói về Skyrim, mình cực kỳ thích Skyrim, hy vọng sớm đc đọc bài của bro về nó.
Gothic 2 hay hơn morrowind rất nhiều lần, tuy nhiên với gothic 3 thì thật sự là một thất bại, không có gì đáng tiếc cả