Persona 4 – Một trong những game JRPG hay đáng chơi

Khách quen

  

Sau sự thành công của Persona 3 của hãng ATLUS đã góp phần vực dậy lại series spin-off Persona thì ATLUS đã cho ra mắt phiên bản thứ 4 chỉ sau 2 năm, vẫn sử dụng cùng 1 engine đồ họa và thêm thắt các sự mới lạ về gameplay. Persona 4 cùng chung 1 vũ trụ với Persona 3, bạn sẽ nhận ra ngay nếu chơi qua bản 3 hoặc rõ ràng hơn là phiên bản crossover của nó là Persona Q, Persona 4 Arena.

Nội dung chính của game là nói về một nhóm học sinh có sức mạnh triệu hồi chiến binh bằng năng lực tinh thần chiến đấu với những quái vật kì lạ mang tên Shadow trong một thế giới khác trong chiếc tivi, đồng thời cũng tìm hiểu những sự việc kì lạ xảy ra với thị trấn và truy tìm hung thủ gây nên việc này.

Mở đầu của game là một cậu học sinh lớp 11 tên là Narukami Yu (tên chính thức mà ATLUS đặt) chuyển đến một thị trấn Inaba ở nông thôn sống cùng với người chú là Ryotarou Dojima làm nghề thám tử, cùng với đứa con gái học tiểu học của ông là Nanako trong 1 năm vì cha mẹ cậu đi công tác dài. Gia đình của người chú cậu cũng không hẳn là bình thường giống bao nhà khác, người vợ mất lúc Nanako không quá lớn nên cô bé phải tự lập sớm, khá đảm đang và chuyên cần so với các bạn cùng tuổi, còn người chú phải trở thành một gà trống nuôi con, với công việc bận rộn của ông là thám tử nên không dành thời gian nhiều lúc ở nhà cùng với cô bé. Nhân vật chính được Dojima đón ở ở ga tàu tại thị trấn và cùng nhau về nhà của ông, trên đường về thì đến trạm xăng cậu bị chóng mặt, không rõ là do đâu nên nghĩ rằng đó chỉ là mình mệt mỏi sau chuyến đi thôi.

Đến với một thị trấn mới thì cậu chẳng bỏ rơi việc học hành được nên cậu cũng phải nhập học tại một ngôi trường ở thị trấn này. Người bạn mà chúng ta gặp đầu tiên là Hanamura Yosuke, một cậu bạn khá là nói nhiều, hơi ngáo, xuyên suốt cả game là đóng vai trò là cây hài của game.

Người bạn tiếp theo mà ta sẽ gặp là Satonaka Chie và Amagi Yukiko, 2 người là bạn của nhau từ nhỏ nên chúng ta thường thấy họ đi chung với nhau khá nhiều. Tính cách 2 người cũng ngược nhau, Chie thì thích để phong cách Tomboy, tính cách mạnh mẽ giống con trai, thích xem phim chưởng của Tàu và phim võ thuật, thần tượng của cô là Lý Tiểu Long, đặc biệt là rất thích ăn thịt, bất cứ món thịt nào cô cũng thích mà ăn nhiều cũng chẳng thấy mập bao giờ. Yukiko thì giống như gái nhà lành, hiền dịu, khá ngây thơ trong sáng, cô cũng là con gái của gia đình sở hữu một khu nghỉ dưỡng suối nước nóng ở thị trấn Inaba nên tính cách như vậy cũng phù hợp để chào hỏi khách hàng.

Yukiko ở bên trái và Chie ở bên phải

Ban đầu thì nhân vật chính chỉ có 3 người bạn này nhưng dần dần về sau thì sẽ mở rộng ra thêm.

Cốt truyện chính của Persona 4 nói về Yu và những người bạn đi tìm hiểu các vụ mất tích ở thị trấn Inaba và truy tìm thủ phạm thông qua một câu chuyện ở thị trấn, “vào lúc trời mưa ở nửa đêm thì trên màn hình tivi sẽ hiện lên người bạn đời của mình” nhưng sau này họ phát hiện ra rằng những người đó xuất hiện trên tivi lúc này là dấu hiệu cho mục tiêu kế tiếp sắp bị bắt cóc của hung thủ, khi hình ảnh mờ và khó thấy thì đó là dấu hiệu còn khi hình ảnh đã rõ rệt sắc nét thì nạn nhân đã bị bắt cóc rồi. Nhân vật chính phát hiện ra rằng cậu có thể đi vào thế giới bên trong tivi và nhận ra rằng nơi nạn nhân bị bắt cóc là ngay trong tivi. Khi vào trong thế giới tivi thì cậu gặp được một sinh vật lạ sống ở thế giới này mang hình dáng một con gấu đồ chơi tên là Teddie, con gấu này cũng đưa cho cậu một cái kính để nhìn rõ được thế giới trong này vì mọi thứ bị bao phủ bởi sương mù.

Mỗi người nào cũng có một bí mật của riêng họ, một tính cách xấu hổ, một nỗi đau của họ mà ai cũng muốn che dấu không cho người nào biết nhưng bước vào trong đây thì nhân cách đó sẽ hình thành một cơ thể riêng, một “Shadow” của họ. Nếu như họ chối bỏ tính cách này thì nó sẽ trở nên mạnh hơn và muốn xâm chiếm luôn hàng gốc, lần đầu tiên nhân vật chính bước vào thế giới trong tivi là cùng với Yosuke vì thế “Shadow” của cậu đã xuất hiện và nói ra toàn bộ bí mật mà cậu che dấu, tất nhiên Yosuke cũng chối bỏ bí mật đó nên “Shadow” của cậu biến thành một con Shadow khổng lồ, ngay lúc này thì nhân vật chính bỗng nhiên kích hoạt được năng lực triệu hồi Persona của cậu, Izanagi. Cậu tiêu diệt được con Shadow đó thì Yosuke mới thức tỉnh được nỗi niềm của cậu và chấp nhận được nỗi đau đó, Shadow của cậu trở thành một Persona.

Con Boss đầu tiên của game

Mọi việc không dừng lại tại đó khi mà vào nửa đêm ngày sau đó xuất hiện một người nhìn giống như Yukiko trên tivi…

Cuộc hành của nhóm học sinh bắt đầu từ đây

Nhận xét chung về cốt truyện thì plot không bằng các phiên bản khác nhưng cách xây dựng cốt truyện và tương tác nhân vật với nhau, lời thoại nhân vật thì làm rất là sâu sắc, tỉ mỉ.

Gameplay của Persona 4 cũng y hệt như bản 3 như thêm thắt các chức năng mới, cũng thuộc thể loại Turn-based RPG, Visual Novel, Dating Sims. Điểm cải tiến cao nhất của game là Dungeon được thiết kế toàn diện hơn, đẹp hơn, mỗi tầng có sự khác biệt thay vì clone với nhau như tòa Tartarus ở Persona 3. Nhân vật chính có năng lực đặc biệt là Wild Card như phiên bản thứ 3, có thể sở hữu nhiều hơn 1 Persona và thay vì cầm súng bắn vào đầu như bản trước thì phiên bản này các nhân vật triệu hồi Persona bằng cách bóp bài Tarot. Hệ thống Social Link không đổi so với bản trước nhưng có một vài Arcana sẽ có 2 nhân vật khác nhau, bạn chọn bắt chuyện với người nào thì Arcana đó sẽ thuộc về người đó, đây cũng là một điểm giúp game có thêm giá trị chơi lại. Khác với bản 3 thì các Social Link của party riêng mình chỉ có đối với các nhân vật nữ thì qua bản 4 các nhân vật trong team đều có Social Link, các Persona của nhân vật chỉ tiến hóa khi mình max Social Link của họ thay vì tùy theo thời điểm cốt truyện như Persona 3.

Với năng lực Wild Card thì nhân vật chính cũng đi vào được một căn phòng ở thực tại riêng biệt với thế giới là Velvet Room như mọi phiên bản, ở trong đó cũng có một ông già mũi già tên là Igor và phụ tá riêng, nhưng ta không gặp được Elizabeth ở bản 3 vì cô đã rời đi để làm một việc gì đó liên quan đến main của phần 3 thay vào đó sẽ là người chị của cô, Margaret. Vai trò của 2 người này vẫn là hướng dẫn và chế tạo Persona mới cho mình. Bản này cũng có sự thay đổi cho với bản 3 là Margaret sẽ có một Social Link với nhân vật chính, ở phiên bản trước thì nhân vật chính chỉ có thể tương tác với Elizabeth thông qua side quest.


Vẫn giống như các trò chơi JRPG khác, game vẫn có các thuộc tính hệ của skill, Lửa, Băng, Điện, Gió, Ánh sáng, Bóng tối, còn một hệ đặc biệt nữa nhưng về sau thì các bạn mới kiếm được skill có hệ đó thôi. Các thuộc tính hệ cũng khá là quan trọng trong game, nếu dùng đúng thuộc tính khắc chế thì quái sẽ bị stun một lượt và mình được quyền tấn công tiếp. Càng về sau thì boss sẽ không còn bị khắc chế hệ nên lúc đó thì bạn sẽ phải dựa vào chiến thuật chứ không còn dựa vào hệ của skill để chiến đấu. Hầu như các hệ khá là hữu dụng, ngoại trừ Ánh sáng và Bóng tối, nó có chỉ có 1 cơ chế là tiêu diệt quái theo độ may mắn và tất nhiên mấy con boss cũng kháng được mấy chiêu kiểu này nên mình không khuyến khích sử dụng. Các Persona cũng có các skill hệ cơ bản như Agi (Fire), Bufu (Ice), Zio (Electric), Garu (Wind), skill thuộc tính cơ bản cũng có 3 dạng nâng cấp như Final Fantasy ví dụ như Bufuga là dạng cấp 2 của Bufu giống như Blizzarra của Final Fantasy, các sát thương của skill chia làm 3 loại damage chính là Light, Medium, Heavy, các loại skill đặc biệt được coi là mạnh nhất thì xếp vào Severe. Đối với ai từng chơi các game JRPG khác thì sẽ nắm bắt ngay liền, còn ai mới sờ vào lần đầu thì chơi một chút sẽ quen ngay thôi vì nó cũng chẳng quá rắc rối đâu.

Một điều khác lạ của Persona 4 là tên các Persona của các nhân vật trong game lấy tên các vị thần hay nhân vật nổi tiếng trong huyền thoại và dân gian Nhật Bản thay vì lấy tên các vị thần trong huyền thoại của các nước phương Tây, ví dụ như Izanagi, Amaterasu,…

Âm nhạc của Persona 4 mang giao hưởng như nhạc J-POP, giai điệu cũng giống như các bộ anime học đường, mang phong cách trẻ trung phấn khởi. Tùy theo thiết kế của Dungeon mà nhạc nền của nó cũng mang phong cách như vậy, tùy theo thời tiết và thời gian trong game thì nhạc nền cũng hay đổi theo. Nhận xét chung thì Soundtrack của Persona 4 rất hay, thậm chí đối với một số fan còn thấy nó hay hơn cả Persona 3 và 5. Bản nhạc nền Dungeon hay nhất game theo mình có lẽ là Heaven, BGM hay nhất là I’ll Face Myself với The Fog.

Heaven là một trong những Dungeon thiết kế đẹp và có nhạc nền hay nhất,

Persona 4 cũng có một phiên bản nâng cấp là Persona 4 Golden trên PS Vita, có thêm nhân vật mới, bổ sung thêm cốt truyện, Persona mới và buff một số party member trong game.Dù hệ máy này không đáng tiền để mua lắm, trò này với Remote Play PS4 là 2 lí do duy nhất để mua Vita.

Thật sự Persona 4 cũng mang lại thành công còn cao hơn cả Persona 3, ATLUS thậm chí còn đầu tư làm 2 series anime cho nó, cộng thêm các game spin-off của cái trò spin-off Shin Megami Tensei này là Persona 4 Arena, Persona Q, Persona 4 Dancing All Night,… Hay gần đây thì các nhân vật của Persona 4 còn crossover với game khác trong BlazBlue Cross Tag Battle, trò này được Arc System Work làm nên khỏi cần lo về chất lượng. Thành công đến mức ATLUS còn vắt sữa nó chán chê đến tận mấy năm sau mới chịu làm Persona 5.


Spin-off của Spin-off nhìn như thế này đây

Nói chung thì Persona 4 cũng là game rất hay mà ai cũng nên chơi qua.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • trung ngọc - 10.09.2018

    trò này fuse persona ra con nào khỏe là mệt nhất
    mình chả biết con nào là khỏe cả , chơi giả lập nên rồi chán rồi xóa