Nếu nói về các game sandbox mang tính chất xây dựng thì chắc hẳn ai cũng nghĩ tới những trò nổi tiếng như Minecraft hay Terraria. Và với tính biểu tượng không còn có thể chối cãi của chúng, những game trên đã gây được dấu ấn mạnh lên nền công nghiệp game, thu hút một bộ phận đông đảo game thủ toàn cầu. Từ đó, hàng loạt các nhà phát triển nghiệp dư khác đã cố gắng ăn theo thiết kế của những game sandbox nổi tiếng rồi đưa thêm vài tiểu tiết mà họ nghĩ ra. Đại đa số chỉ là những chiêu trò rẻ tiền để bòn rút ví tiền của game thủ. Tuy nhiên, một số game thật sự nổi bật lên nhờ sự chăm chút mà nhà phát triển dành cho chúng. Một ví dụ điển hình phải nói đến Junk Jack.
Trong thuở sơ khai của Junk Jack, trò chơi chỉ được phát hành duy nhất trên hệ điều hành iOS. Vào những ngày đầu tiên phát hành, Junk Jack mang đồ họa phải nói là được trau chuốt hơn hẳn những game có đồ họa pixel art thời bấy giờ. Phần điều khiển linh hoạt dễ làm quen, với một quyển “sổ tay” trong game đầy đủ, hướng dẫn người chơi chập chững những bước đầu sinh tồn, và một hệ thống môi trường không thể đơn giản hơn đã cuốn hút rất nhiều người chơi, kể cả khi Junk Jack là một game trả phí.
Vào năm 2017, phiên bản Junk Jack cũ được đổi tên thành Junk Jack Retro, và được bán với giá rẻ hơn trước. Studio PixBits – nhà phát triển game – đã đi một nước cờ mới, xây dựng một Junk Jack thứ hai, lúc đầu mang tên gọi là Junk Jack X, sở hữu tất cả những gì tuyệt vời nhất của phiên bản đầu tiên, và phát triển nó lên một tầm cao mới. Hiện tại, Junk Jack đã được mở rộng và phát hành trên Steam và Android.
Đồ họa
Nếu so với những game cũng thuộc thể loại sandbox 2D khám phá, thì tôi dám đánh cược rằng Junk Jack và Terraria đang trong tình thế kẻ tám lạng người nửa cân. Nhưng khác với Terraria, làm nổi bật sự retro bằng cách thể hiện các điểm ảnh một cách rõ ràng, Junk Jack thể hiện đồ họa một cách chân thực hơn, song vẫn có điểm nhấn riêng. Khác với Terraria, Junk Jack phân định rất rõ ranh giới của từng ô đất trong game, làm cho cả thế giới như chỉ được cấu tạo từ những khối vuông vậy. Đồ họa rõ ràng và dễ hiểu của Junk Jack làm game rất dễ làm quen, cũng như tối ưu khả năng sắp xếp, trang trí nội thất một cách chỉn chu. Với một game nhấn mạnh việc xây dựng và sắp xếp như Junk Jack thì rõ ràng đồ họa này là một lợi thế đáng kể.
Gameplay
Tuy Junk Jack là một game đẹp về mặt đồ họa, gameplay của nó lại khá nhàm, thiếu các yếu tố RPG mà chỉ chủ yếu làm nổi bật sự sáng tạo cũng như tính thực tiễn của từng tình huống của game. Khi mới bắt đầu trò chơi (và cá nhân hóa nhân vật xong xuôi), người chơi sẽ được thả không vào một thế giới rộng lớn, và cũng như mô típ của mọi game khám phá khác, những gì bạn làm tiếp theo hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân bạn. Nghe có vẻ đơn giản? Không hẳn vậy. Tới khi bạn nhận ra rằng trò chơi này có hàng trăm hàng ngàn các chi tiết tiểu tiết mà đáng lẽ ra sẽ không tồn tại trong những game cùng thể loại. Bạn muốn xây giường? Bạn phải đứng cạnh một Workbench. Bạn muốn xây gạch? Bạn phải đứng cạnh Mason Bench. Bạn muốn làm thợ mộc? Bạn phải đứng cạnh Woodworker Bench. Bạn muốn làm thợ làm đồ trang sức? Làm một cái Tinkerer’s Tools trước đã… Tất cả những chi tiết ở đây thực sự không có gì hơn ngoài việc níu kéo người chơi tốn thêm thời gian để tìm tòi và khai phá những thứ lẽ ra mà không cần phải bỏ công sức một cách phiền toái. Dù tôi không phủ nhận rằng đôi khi những chi tiết này góp phần làm trò chơi thú vị hơn, với một game mà điểm nhấn chính là người chơi dành 95% thời gian chơi game của mình để đào đất đá và cầu nguyện mong sao gặp phải vài quặng đồng hay quặng sắt. Sự phiền toái của các chức năng bổ sung ấy càng được nhấn mạnh khi người chơi nhận ra có 15 loại “bàn làm việc” khác nhau trong trò chơi, tức là giả sử bạn muốn làm một chiếc nhẫn Topaz chẳng hạn? Bạn phải lấy quặng sắt, bỏ vào lò và nung. Sau khi nung sắt, bạn phải đi đến Đe để làm thỏi sắt đó trở thành thanh sắt. Khi có thanh sắt, bạn phải đến Tinkerer’s Tools để làm một cái nhẫn sắt, và sau đó gắn thỏi Topaz lên chiếc nhẫn và ta-da! Một chiếc nhẫn cho bạn thêm 5% sức mạnh tấn công mà chẳng có nghĩa lý gì khi trong game này phần combat CHẲNG CÓ CÁI GÌ LÀM NỔI BẬT.
Người chơi chỉ có một hành động duy nhất để làm khi gặp quái; Spam nút đánh. Mặc dù trong game có 4 loại vũ khí tầm gần và 2 loại vũ khí tầm xa, mỗi loại có một kiểu sát thương khác nhau, hiệu quả trên các loại quái khác nhau, hầu như chẳng có ai có đủ thời gian hay kiên nhẫn để thử xem loại nào hữu dụng nhất, vì suy cho cùng thì bạn cũng sẽ chỉ đánh và đánh mà thôi. Ở các game khác, mỗi loại quái có một phương pháp tiếp cận khác nhau, ví dụ Enderman của Minecraft không thể bị sát thương bởi cung hay bóng tuyết, và Creeper lại có điểm yếu là vũ khí tầm xa, do người chơi khó có thể tiếp cận Creeper an toàn. Còn của Junk Jack, hầu như chủng loại quái nào (mặc dù trong game có hàng tá loại quái khác nhau) cũng có một phương thức tiếp cận là lủi thủi lại gần người chơi, trong khi cách mà người chơi đánh lại chỉ là ấn vào ô ngay bên trái/phải của mình để vung kiếm như cái quạt máy, khi nào quái nhảy vào thì chết. Hệ thống giao chiến không có chiều sâu, và cả phần drop của chúng cũng thảm hại.
Tuy nhiên, với những điểm yếu rõ rệt đó, Junk Jack đã tạo cho mình được một điểm nhấn, đó là sự đa dạng gần như đến tận cùng trong các loại nội thất cũng như các đồ vật khác. Nhờ đó, Junk Jack khuyến khích người chơi tìm tòi sáng tạo cũng như dành kha khá thời gian để tạo ra những loại nội thất, đồ trang trí nhà cửa mà mình muốn. Điều thú vị là không như Minecraft, nơi mọi loại gỗ chỉ cho phép bạn tạo ra các khối gỗ có màu khác nhau, và một số sự khác biệt về cửa, Junk Jack có những điểm khác biệt rõ ràng nếu bạn sử dụng các loại gỗ khác nhau. Do đó, sự sáng tạo mà Junk Jack mang tới là gần như vô hạn. Nhưng mọi chuyện chưa dừng ở đó, vì nếu bạn đã xây dựng đủ một cơ ngơi cho mình ở trên hành tinh này, thì khi bạn tìm được 3 mảnh ghép cổng, bạn sẽ mở khóa được con đường đi tới một hành tinh mới, với rất nhiều chi tiết mới được khám phá.
Mỗi hành tinh có một môi trường khác nhau với những sinh vật khác nhau và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt tùy hành tinh. Và thêm vào đó, nhiều hành tinh còn có các loại kim loại tốt hơn và cho phép người dùng xây dựng các công trình ấn tượng hơn. Có rất nhiều thứ để khám phá ở các giai đoạn sau của game, miễn là bạn đủ kiên nhẫn tìm kiếm tài nguyên trong giai đoạn đầu.
Tạm kết
Junk Jack không phải là một game nên tìm đến nếu như bạn muốn một game có chiều sâu về combat hoặc chơi nhanh thắng nhanh. Trò chơi đòi hỏi bạn phải ngồi êm ái, tay cầm controller, và chịu đầu tư hàng tiếng đồng hồ vào nó. Và trên hết, điểm mạnh của Junk Jack không phải là gameplay, mà là sự đa dạng về những đồ vật mà bạn có thể xây dựng được để cá nhân hóa thế giới của mình. Nếu bạn là một fan cứng cựa của thể loại khai phá tìm kiếm, thì bạn có thể cân nhắc mua thử. Song, với mức giá không lấy gì làm hợp lý của nó, tôi nghĩ bây giờ không phải là một thời điểm thích hợp để trải nghiệm Junk Jack.