Ờm, nói sao nhỉ, tôi thích các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, vì nó khá nhẹ nhàng, đúng chất học trò (cơ mà trừ một số tác phẩm có cái kết éo khác gì 5cm/s). Cô gái đến từ hôm qua là một tác phẩm như vậy, nhẹ nhàng, tình cảm, happy ending, nói chung là đọc xong thấy yêu đời bỏ mẹ.
Cho nên khi tác phẩm này được chuyển thể lên phim, cũng khá vui, nhưng vẫn có chút lo lắng. Cô gái đến từ hôm qua không phải một tác phẩm dài, nó khá ngắn, và theo tôi thì nó hợp làm một bộ phim ngắn 45 phút hơn là một phim dài 2 tiếng. Nhưng mà thôi, dù gì nó cũng đã lên phim, và tôi chắc chắn đạo diễn và biên kịch sẽ phải thêm thắt để câu chuyện dài ra mới đủ thành phim dài được.
Phim ra rạp từ tháng 7 năm ngoái và tôi không đi xem, vẫn vì cái định kiến phim Việt (xin lỗi), kể ra cũng hơi tiếc khi sau đó thấy nhiều lời khen. Cơ mà kệ đi, dù sao bây giờ cũng xem rồi, cho nên review muộn vậy.
Cái motif của Cô gái đến từ hôm qua nó cực kỳ quen, có thể nói là cũ (thời điểm sách ra mắt thì mới nhưng giờ thì cũ rồi). Một thằng nhóc nghịch ngợm, hay chơi chuyển nhà đến cạnh nhà một cô bé hiền lành. Hai đứa trẻ thành bạn và dần thân thiết, rồi thì cô bé phải chuyển nhà, hai đứa phải xa rời nhau (má sao mình viết ngôn lù vcl) và mất liên lạc tầm chục năm. Thằng nhóc ngày nào giờ đã lớn và thành một học sinh cấp 3, bỗng một ngày có một cô nữ sinh đẹp vcl chuyển đến lớp, thằng nhóc crush cô ấy rồi tìm mọi cách để tán đổ cô bạn bằng được. Cái quá trình nó trải qua đủ mọi loại vấn đề, rắc rối và cuối cùng thì cũng thành công. Và ngạc nhiên chưa, cô bạn ấy cũng chính là cô bạn bé nhỏ năm nào! Surprise? Một cái ending không thể nào mỹ mãn hơn, hoàn hảo!
Rồi đó, nói chung nó là tóm tắt cho Cô gái đến từ hôm qua. Thằng nhóc ở đây là Thư (Ngô Kiến Huy) và cô bạn đẹp vcl đó là Việt An (Miu Lê) a.k.a Tiểu Li (tên hồi nhỏ). Tất nhiên nếu chỉ có như vậy thì phim làm sao kéo dài đến 2 tiếng được? Vì vậy đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã kéo dài, thêm vào nhiều chi tiết, mà thậm chí còn sáng tạo ra hẳn một plot phụ nữa. Điều này tôi thấy phim làm là hợp lý nhưng khổ nỗi làm chưa tới, với cả xử lý nó hơi vô lý và không hợp bối cảnh phim. Bản phim cũng sửa đổi một ít so với nguyên tác. Đúng nguyên tác thì Thư là một học sinh học khá, hay mơ mộng, nhưng mà lên phim thì thành một thanh niên trẻ trâu và đội sổ lớp, coi bộ hơi lạm cái motif bad-boy được cảm hóa vl (cái này là reference tới một tác phẩm khác của Nguyễn Nhật Ánh – Trại Hoa Vàng).
Cơ mà tôi cũng thông cảm, sửa đổi một tí cho nó mới mẻ cũng ok thôi, nhưng sạn của Cô gái đến từ hôm qua không chỉ có vậy, ngạc nhiên thay, nó nhiều hơn tôi tưởng tượng. Như đã nói ở trên, cái motif đã cũ dễ khiến nhiều người cảm thấy chán, dễ mất tập trung khi chỉ quanh đi quẩn lại những chi tiết giống nhau. Chính điều này khiến cho giữa đầu phim bị kéo dài lê thê và mệt mỏi. Nhiều phân đoạn hoàn toàn có thể được gọt bỏ đi để tập trung và đẩy tuyến nhân vật chính lên cao trào thêm nữa. Đến tận gần cuối act 3 – act cuối của phim mới gọi là có chút cao trào trong tâm lý hai nhân vật chính. Đến tận lúc đó người xem mới hiểu được ý đồ khi bộ phim lồng ghép, đan xen hai câu chuyện quá khứ và hiện tại (với ai chưa đọc sách thì đến tận lúc đó mới hiểu).
Cái sạn lớn nhất của phim, theo tôi là plot phụ – chuyện tình éo le vcl giữa Chiêu Minh và thầy thể dục (cái này truyện không có). Với thời điểm năm 1997 thì cái kiểu thầy trò yêu nhau này nó xa lạ quá, không hợp chút nào, vô hình chung làm hỏng cái không khí nhẹ nhàng của tình yêu tuổi học trò. Cách xử lý cũng tào lao bí đao quá, có thể khiến người xem khó chịu. Một vài sạn nhỏ khác như một vài nhân vật được khắc họa cường điệu quá mức và không hợp với bối cảnh. Và tôi biết CGI là một điểm yếu của phim Việt nên đã cố không để ý rồi, cơ mà phim lạm dụng CGI quá. Mới đầu thấy còn đẹp nhưng càng về sau càng thấy ngán.
Tuy có khá nhiều sạn, nhưng Cô gái đến từ hôm qua vẫn có thể khiến nhiều người mỉm cười. Bởi vì câu chuyện của nó đáng yêu, nhẹ nhàng, đậm chất học trò. Diễn xuất của Ngô Kiến Huy và Miu Lê cũng tốt, đặc biệt là Ngô Kiến Huy khi đã khắc họa hình ảnh anh chàng Thư đúng như tôi đã tưởng tượng (ờm, trừ khoản bad-boy). Nhưng ấn tượng hơn lại là cặp đôi Thư nhí và Tiểu Li khi hai bé diễn rất tròn vai, rất duyên dáng.
Một điểm cộng nữa là nhạc phim và bối cảnh (những cảnh nào không CGI ấy). Thời điểm trong phim là năm 1997, lẽ dĩ nhiên nhạc cũng toàn từ những năm đó, tôi thì thấy bình thường nhưng chắc ai lớn hơn chút sẽ thấy hoài niệm lắm lắm. Bài ending “Cô gái ngày hôm qua” của Vũ Cát Tường cũng hay, tôi khá thích. Bối cảnh phim (những cảnh không CGI, nhắc lại lần nữa) khá đẹp và được dàn dựng khá chỉn chu.
Nhìn chung, Cô gái đến từ hôm qua có sạn, khá nhiều là đằng khác, nhưng thực sự các bạn vẫn nên xem. Vì sao? Bởi vì đây là một câu chuyện tình yêu học trò dễ thương, nhẹ nhàng, happy ending (thề, tôi ghét sad ending lắm rồi!). Bộ phim được làm ổn, không quá xuất sắc nhưng đủ khiến đa số người xem hài lòng, dù đã đọc nguyên tác hay chưa.
Đánh giá: 7/10.