Thay vì viết một bài phân tích dài ngoằng như lần trước, hôm nay mình sẽ cố gắng viết một bài viết thật nhẹ nhàng, dễ hiểu về một bộ truyện khác của Tatsuki Fujimoto mà cụ thể chính là Just Listen to the Song. Nếu mà bạn nào nghĩ rằng người viết đây là fan cứng của Tatsuki Fujimoto – kẻ đã viết lên những Chainsaw Man, Fire Punch thì các bạn đoán đúng rồi đó. Như bài viết trước đó, bài viết này sẽ spoil toàn bộ Just Listen to the Song nên nếu ai chưa xem thì hãy đọc bài viết này vào một dịp khác, còn nếu các bạn đã xem hoặc không quan tâm đến spoil thì hãy cứ đọc tiếp thôi
Tóm tắt câu chuyện
Nhân vật chính của câu chuyện là một cậu học sinh không được tác giả nhắc tên. Ngay khi mới bắt đầu, ta đã thấy nhân vật chính của chúng ta tỏ tình với crush bằng một chiếc MV tự quay. Không những bị từ chối mà hôm sau video tỏ tình của cậu bị chính crush cho cả trường biết và thế là cậu bị biến thành trò đùa cho bàn dân thiên hạ. Riêng cái khoản tỏ tình rồi bị đem ra làm trò đùa thì nói thật người viết bài đây phải đồng cảm hộ vài trăm người. Dĩ nhiên là sau khi bị chế giễu thậm tệ, cậu quyết định xóa video đi như thể xóa đi những gì đáng xấu hổ nhất của cậu. Tất nhiên nếu chỉ dừng lại ở đấy thì mọi chuyện cũng chẳng có gì đáng để nói tiếp. Đang lúc định xoá video đi thì cậu học sinh thấy lượt xem của video mình nhảy lên tận trăm ngàn view. Người ta đồn đại ra cả đống thuyết âm mưu chỉ vì trong video xuất hiện một vài chi tiết bất thường. Sau khi ra bài hát thứ hai với tựa đề “just listen to the song” chẳng ai muốn nghe nó nữa. Thất vọng, cậu xóa hết video của mình. Đang lúc thẩn thơ trên tàu điện, cô gái cậu thầm thích đi tới và nói rằng bài hát đó miêu tả chính cô thời còn học cấp hai. Cô đeo một bên tai nghe cho cậu và thế là cả hai cùng ngồi xuống nghe hết những bài hát mà cậu đã xóa trước đó.
Phân tích, cảm nhận và đánh giá:
Thật ra bộ truyện này cũng không có gì quá phức tạp để mà gọi là phân tích cả. Để mà nói thông điệp của bộ oneshot này là gì thì nó cũng đã thể hiện rất rõ chứ không hề đầy ẩn ý như những tác phẩm khác của Fujimoto “Hãy lắng nghe tác phẩm như bản chất của nó”. Chúng ta có thể thấy, thay vì tập trung lắng nghe bài hát và tâm tư của người nghệ sĩ, người ta lại tìm đến bài hát để thỏa mãn những thứ bánh vẽ mà tự chính bản thân họ vẽ ra. Chưa hết, bất chấp tính xác thực của những chi tiết đã xuất hiện trong video, truyền thông bắt đầu thổi phồng lên đủ những thuyết âm mưu như phê phán văn hóa súng đạn, bóng ma ám vào bài hát, tư tưởng phản Ki tô, tuyên ngôn chính trị,…
Những chi tiết này làm mình nhớ đến việc người ta truyền đi đủ thứ thuyết âm mưu hay những câu chuyện ghê rợn về những bộ phim ăn khách bất chấp việc chẳng hề có một bằng chứng thuyết phục nào cả: Những Phineas and Ferb, Tom and Jerry hay là cả Doraemon đều là nạn nhân của những câu chuyện “phá hoại tuổi thơ”. Tất nhiên là lúc đầu có thể người ta chưa tin nhưng cái gì lặp lại nhiều lần thì tự khắc nhiều người sẽ bị thuyết phục, những câu chuyện đó nghiêm trọng đến mức chính nhà sản xuất của Phineas and Ferb phải ra mặt đính chính rằng mấy câu chuyện đó là bịa đặt.
Hay ngay cả đến chính Fujimoto cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Chainsaw Man trở nên nổi tiếng kéo theo nhiều tác phẩm khác của tác giả được đem ra bàn luận rất nhiều. Thậm chí những Look Back, Goodbye Eri hay là cả những bộ oneshot từ quá khứ được bàn luận nhan nhản trên khắp các diễn đàn và mạng xã hội nhiều hơn cả Người Cưa. Ngay cả chính mình trước đó cũng đã viết hẳn một bài viết siêu dài phân tích toàn bộ những tầng ý nghĩa của Goodbye Eri, nếu được thì các bạn có thể đọc bài viết trước đó để ủng hộ. Hmm… Trở lại vấn đề chính, có lẽ Just Listen to the Song đã ra đời trong hoàn cảnh đó và phần nào giống như một sự mỉa mai độc giả tới từ chính Fujimoto. Đôi lúc chúng ta cứ mải phân tích, mải áp đặt, vẽ ra đủ thứ giả thuyết mà quên mất đi rằng nên thưởng thức một tác phẩm bằng cả trái tim, rằng nên lắng nghe tâm tư của người nghệ sĩ. Khi cậu học sinh viết bài hát thứ hai như thể một lời cầu xin rằng hãy lắng nghe tâm tư của mình qua bài hát, chẳng ai thèm nghe vì với họ thông điệp của bài hát không phải là điều đáng để quan tâm. Khá là thất vọng mà cũng dễ đoán.
Nhưng…
… dù những con người ưa hư vinh thích phức tạp mọi thứ kia chẳng buồn nghe bài hát, vẫn có một người duy nhất nghe, thậm chí là còn hiểu hết những tâm tư của cậu. Người đó không ai khác chính là cô gái mà cậu thích. Việc lắng nghe tưởng như đơn giản nhưng chẳng ai làm được. Cả hai ngồi cạnh nhau, chẳng nói một lời nào mà lắng nghe nỗi niềm của nhau. Tất cả những giả thuyết chẳng còn khiến cậu nhóc để tâm nữa mà chỉ còn tâm tư của một người dành cho một người khác. Tất cả những điều ấy…
… lại bình yên đến lạ.
Nếu đọc đến hết truyện rồi mà ai đó vẫn hỏi rằng thế rồi cô gái kia đã chấp nhận tình cảm của cậu trai kia chưa thì mình xin khẳng định là rồi. Làm gì có ai không có tình cảm mà lại hiểu được tâm tư của người kia và ngồi nghe bài hát của người thích mình trong khi những người khác đang truyền tai nhau về đủ thứ thuyết âm mưu chứ?
Cuối cùng, đúng là khi đọc một tác phẩm thì mỗi người sẽ có những suy nghĩ, cảm nhận và những thông điệp riêng dành cho mình, rằng một tác phẩm hay là một tác phẩm không còn thuộc về riêng tác giả mà thuộc về đại chúng và phải được rèn qua phong ba của dư luận. Thế nhưng, cũng chính vì khi tác phẩm ấy trở nên quá nổi tiếng, những thông điệp ban đầu mà tác giả muốn truyền tải dễ bị bẻ cong và xuyên tạc đi. Thực ra thì đây cũng là một điều khó tránh khỏi nhưng vì nó là điều không tốt nên nếu bạn thật sự yêu tác phẩm đó, trước hết hãy cảm nhận nó bằng một cái đầu đơn giản cùng một trái tim nóng. Ý mình muốn nói ở đây là gì? Các bạn hoàn toàn có thể cảm nhận nó theo góc nhìn cá nhân nhưng tất cả đều phải dựa trên những gì mà các bạn thấy trong tác phẩm đó.
Như một vĩ nhân đã dạy “Đơn giản là cốt lõi của sự xuất chúng”.
Kết
Tóm cái váy lại, Just Listen to the Song dù vẫn có những chi tiết không được giải thích thỏa đáng nhưng nhìn chung những chi tiết đó không ảnh hưởng đến thông điệp của bộ manga này. Bất chấp thời lượng chỉ có 20 trang, Just Listen to the Song vẫn truyền tải đầy đủ thông điệp của Fujimoto, rằng đôi khi sự đơn giản lại đem đến cho ta những khoảng lặng để có thể suy ngẫm trước thời đại bùng nổ của truyền thông và mạng xã hội. Có vài ý kiến cho rằng tác giả lựa chọn đối tượng là học sinh cấp ba vì đây là độ tuổi mỏng manh và dễ bị truyền thông định hướng. Nhưng với tinh thần của tác phẩm, mình không đồng ý với mấy giả thuyết này và đặc biệt khuyên các bạn hãy tận hưởng một tác phẩm đúng như bản chất của nó, thay vì cố thêm thắt những giả thuyết hay bẻ cong đi thông điệp mà tác phẩm muốn truyền tải.
JUST LISTEN TO THE SONG! PEACE!