Đã bao giờ các bạn tự đặt nghi vấn về kí ức của bản thân chưa? Chúng ta đều tin bằng bản thân mình nhớ như in những gì mà chúng ta muốn nhớ nhưng có thật là như vậy? Kí ức của con người thực ra mơ hồ hơn chúng ta tưởng. Theo thời gian, mỗi lần chúng ta cố gắng nhớ lại một sự kiện gì đó thì não bộ của chúng ta sẽ dần hoặc quên đi, hoặc biến nó thành một kí ức mới hoàn toàn. Nhưng sẽ ra sao nếu ta ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ rồi ghép chúng lại thành một thước phim của kí ức? Đó chính là cách mà Yuta, nhân vật chính của Goodbye Eri đã làm để tưởng nhớ và tri ân đến người con gái cậu yêu! Vậy những thước phim của cậu nhóc học cấp 3 ấy có gì đáng để khiến chúng ta trầm trồ?
Trước khi đọc tiếp, bài viết này sẽ spoil toàn bộ nội dung của Goodbye Eri nên ai chưa đọc thì hãy coi bài viết này vào một dịp khác. Còn nếu các bạn đã đọc rồi hay không quan tâm đến spoil thì hãy cùng ngồi xuống, lấy bỏng nước và cùng ngồi đây “nghe” mình phân tích về một trong những siêu phẩm cực dài, cực độc, cực dị nhưng cũng cực kì sâu sắc của Tatsuki Fujimoto. Còn giờ thì, không để các anh em chờ lâu nữa, ta hãy cùng bắt đầu luôn thôi!
Tóm tắt và review tổng quan về nhân vật
Câu chuyện bắt đầu khi nhân vật chính của chúng ta – Yuta – bắt đầu làm một bộ phim tài về người mẹ bị mắc bệnh nan y trước khi bà qua đời. Dần qua thời gian, mẹ cậu ngày một yếu dần. Vì không muốn chứng kiến mẹ mình qua đời nên cậu đã không quay khoảnh khắc người mẹ yêu quý trút hơi thở cuối cùng. Cứ tưởng đây sẽ là một câu chuyện buồn nhưng không, Yuta đã chèn hiệu ứng nổ tung bệnh viện nơi mà mẹ cậu được điều trị. Dĩ nhiên chẳng ai thấy nó hay nổi vì… ai mà lại đi đồng cảm nổi với người đem cái chết của mẹ mình ra làm trò đùa kia chứ? Sự lố bịch được đẩy lên thêm một tầm cao mới khi thầy giáo chất vấn Yuta và cậu chỉ thản nhiên trả lời: “Ngầu cực đúng không thầy?”. Tất nhiên sau tất cả những lời chế giễu, miệt thị, sỉ vả, Yuta quyết định tự tử để trả thù đời. Ấy là cho đến khi cậu gặp một cô gái tên Eri, cô đề nghị sẽ giúp đỡ cậu làm một bộ phim khác để phục thù.Thật ra là cô ấy thích phim của cậu nên mới đồng ý giúp đỡ. Tất nhiên là Yuta đồng ý và thế là tất cả đã bắt đầu từ đây.
Trước khi đi phân tích tiếp theo chiều dài câu chuyện thì người viết sẽ bàn một chút về Yuta. Phải nói quyết định tự tử của cậu rất là bồng bột, nếu không muốn nói là ngu xuẩn đến lố bịch. Bản thân mình không có ý phán xét những người tự tử nhưng mà vì cái lí do cỏn con này để tự tử thì đúng là dốt hết thuốc chữa. Cơ mà nếu các anh em kì vọng sự bình thường từ một kẻ biết bay, muốn giết bất cứ ai vẽ đẹp hơn mình, tự cosplay em gái đang học lớp 3 trong tưởng tượng thì các bạn sẽ chỉ nhận lại sự thất vọng mà thôi. Quay trở lại vấn đề chính, cái việc Yuta tự tử chính là một khuôn mẫu bất thường tới mức điên rồ mà tác giả muốn khẳng định với các độc giả. Khuôn mẫu ấy sẽ bám vào giá trị của các tác phẩm đó xuyên suốt quá trình phát triển. Tất nhiên nếu chỉ đơn giản là “Độc lạ Bình Dương” thì truyện của Fujimoto nói chung và Tạm biệt Eri nói riêng đã không gây được tiếng vang lớn đến thế.
Từ sau lần gặp Eri, cuộc sống của Yuta thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Nói qua một chút về Eri, dù chiếm toàn bộ spotlight của truyện nhưng Eri lại chẳng có một chút background nào của bản thân. Cô cứ thế xuất hiện trong cuộc đời của Yuta đột ngột hệt như Reze xuất hiện trong cuộc đời của Denji vậy. Thật ra nếu phân tích kĩ thì việc Eri không có một nguồn gốc rõ ràng không những không làm cho Eri bớt đi chiều sâu mà còn khiến cô trở nên bí ẩn và thú vị hơn bao giờ hết. Thay vì cho một loạt những cảnh hồi tưởng lê thê như những bộ manga khác, tác giả tập trung xây dựng tính cách và các mối quan hệ ngay trong thời điểm mà câu chuyện đang diễn ra. Từ những điều trên, chúng ta có thể thấy sẽ thật là vội vàng nếu ta kết luận ngay từ đầu rằng Eri là kiểu nhân vật hời hợt Manic Pixie Dream Girl.
Cho những ai chưa biết thì Manic Pixie Dream Girl là kiểu nhân vật nữ cứu tinh cho cuộc đời nhàm chán của những chàng trai một màu và thảm hại. Kiểu nhân vật này bị chỉ trích khá là nhiều vì chỉ đơn giản là chất xúc tác cho những kẻ chưa lớn! Thật ra thì Eri vẫn có một chút gì đó liên hệ tới Manic Pixie Dream Girl nhưng nó giống như một sự giễu nhại nhiều hơn! Nó được thể hiện ở cái chi tiết rằng Eri là ma cà rồng với mô típ cái chết của tình yêu. Qua góc nhìn của Yuta, Eri là một cô gái vô cùng lí tưởng dù thật sự cô ấy không hẳn là như thế. Tất nhiên một người với tinh thần đề cao phái nữ đầy mình như Fujimoto thì không đời nào anh lại xây dựng một nhân vật nữ thiếu đi chiều sâu như vậy. Cả hai cùng xem phim, cùng ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Qua những tương tác của các nhân vật, ta dần hiểu hơn về tâm tư, nỗi niềm của những người nghệ sĩ và cách họ đối mặt khi tác phẩm của mình không được đón nhận bởi công chúng.
Điều thú vị tiếp theo của các nhân vật trong Goodbye Eri chính là bản thân hai nhân vật chính đôi khi không nhất quán giữa lời nói với hành động. Chính Eri nói rằng Yuta có tật xấu là hay cảm thán khi xem cảnh 18+, tất nhiên là Yuta một mực nói không nhưng thực chất thì cậu luôn làm thế trong vô thức. Thú thật, đọc đến đoạn này mình đã cười sặc cả cơm luôn. Kể ra truyện cười mà phải giải thích nó buồn cười chỗ nào thì cũng chán nhỉ?
Nhưng sự mâu thuẫn giữa nói và hành động thật ra đâu chỉ có vậy. Eri luôn miệng nói rằng mình không có tình cảm với Yuta, thậm chí là từ chối lời tỏ tình của cậu. Nhưng mà có thật là Eri thật sự không có chút tình cảm với Yuta không? Cá nhân mình nghĩ là có khi mà cô luôn ở cạnh Yuta, đóng vai người yêu, và chỉ ra những thiếu sót trong những ý tưởng của cậu. Nó không hề giống như hai người bạn đồng hành trên cùng một hành trình. Nếu thật sự Eri không có tình cảm với Yuta thì liệu cô ấy chịu có đóng cảnh gần gũi về thể xác với cậu không? Vì đâu có ai bắt cô ấy phải đóng những cảnh như thế? Cô ấy hoàn toàn có thể bắt chước ghibli như hai người bạn đồng hành mà, phải không?
Thật ra việc khiến cho một nhân vật mâu thuẫn giữa lời nói và hành động rất phổ biến trong điện ảnh Nhật Bản. Để mà lấy một ví dụ thì chắc có Love Letter, khi cô gái Itsuki dù luôn nói rằng không hề có tình cảm với một chàng trai trùng tên nhưng qua cách cô thể hiện với cậu trai kia thì khán giả thấy rõ ràng cô thật sự có tình cảm với cậu. Tuy nhiên, đây là một con dao hai lưỡi. Để kể một câu chuyện, nếu sử dụng phương pháp này không cẩn thận, chúng ta hoàn toàn có thể làm mất đi giá trị của thông điệp bản thân muốn truyền tải đến với khán giả.
Quay trở lại với vấn đề chính của bài viết. Đọc đến đây mình cứ ngỡ rằng cả hai sẽ hạnh phúc bên nhau mãi mãi. Nhưng mà…
Làm gì có gì là mãi mãi?
Làm gì có chuyện các nhân vật của Fujimoto sẽ có cái kết viên mãn như những câu chuyện ngày xửa ngày xưa?
Tất nhiên, khi biết rằng Eri không thể qua khỏi do mắc một căn bệnh lạ, Yuta đã vô cùng sốc. Cậu chạy một mạch về nhà và khóa cửa lại. Tuy thế mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Bố của Yuta nói rằng ông đã sốc khi xem được những thước phim về người vợ của ông. Thì ra mẹ của Yuta không hề tốt đẹp như chúng ta vẫn tưởng. Bố Yuta đã cho cậu xem những đoạn phim ông ghi lại những giây phút cuối cùng khi mẹ của cậu qua đời. Mẹ của Yuta là kẻ bạo hành con trai mình, bà luôn phớt lờ hoặc mắng nhiếc, thậm chí là đánh đập Yuta. Bố cậu đã biết chuyện đó nhưng ông gần như làm ngơ trước mọi chuyện và tự nhủ rằng mọi chuyện sẽ ổn. Đến hiện tại, tất cả những gì ông có thể làm là cho cậu xem những đoạn phim đó và nói những lời xin lỗi muộn màng đến Yuta. Nhưng dù người mẹ ấy có tệ với cậu thật, Yuta vẫn muốn chọn cách nhớ về mẹ cậu theo cách tốt đẹp nhất.
Và cả Eri cũng vậy! Cậu cũng chọn nhớ về cô bằng những kí ức đẹp nhất. Thực tế một người bạn của Eri cũng nói rằng: Eri đeo kính với niềng răng, là một con người có phần ích kỉ và nóng nảy. Nhưng cũng nhờ Yuta, cô cũng sẽ giữ lại những điều đẹp đẽ nhất về Eri như cách mà cậu muốn mọi người nhớ đến. Khi cuộc đời quá khổ đau, chúng ta có thể thêm một chút fantasy để xoa dịu đi tâm hồn mình.
Việc cả Yuta và Eri tạo ra một thế giới fantasy cho riêng mình làm mình nhớ đến bộ ba Matthew, Isabelle và Theo khi cả ba cùng sống trong một thế giới mộng mị của riêng họ. Để rồi khi thực tại đánh thức họ, Matthew bất đắc dĩ phải từ biệt Isabelle và Theo vì anh đã chọn tỉnh giấc khỏi cơn mộng mị dài thật dài. Tất nhiên trường hợp của Yuta thì không tới mức và cũng không phải như thế, chỉ là… bản thân mình cảm thấy có chút gì đó liên hệ về cách con người ta tạo ra những mộng tưởng để xoa dịu nỗi đau mà thôi!
Phân tích nghệ thuật kể chuyện
Nhắc đến Fujimoto mà không nhắc đến nghệ thuật thả thính thì sẽ là một một thiếu sót lớn. Khi mà Yuta nói về ý tưởng Eri chính là ma cà rồng, nó cũng chính là điểm báo trước về số phận của cô. Một điểm báo về cái chết. Điều này cũng lí giải rằng tại sao Yuta lại gặp Eri tại bệnh viện và cả việc cô cảm thấy đồng cảm với mẹ của cậu. Không chỉ là câu chuyện về một ma cà rồng đang dần chết đi, Fujimoto trước đó cũng đã cài cắm những chi tiết rất nhỏ mà rất ít người có thể nhận ra. Nếu ai ngồi đây là fan cứng của Fujimoto, chắc các bạn cũng chẳng lạ gì với những cú thả thính như này phải không? Nếu vạch lá tìm sâu thì có lẽ chúng ta sẽ tìm được thêm những chi tiết khác nhưng như thế thì chẳng khác gì tóm tắt lại truyện cả. Thay vào đó, chúng ta hãy cùng phân tích những yếu tố nghệ thuật khác của bộ manga này.
Như chúng ta đã thấy, Goodbye Eri được kể theo phong cách Frame Story. Cụ thể, Frame Story là câu chuyện được trần thuật qua góc nhìn của nhân vật. Một bộ phim, một tác phẩm hay một cuốn manga, dù nó có ý nghĩa ra sao thì cũng là góc nhìn chủ quan của chính tác giả. Nó chỉ là một chi tiết nhỏ trong một bức tranh lớn hơn. Huống hồ Goodbye Eri lại kể theo góc nhìn của nhân vật chính nên nó lại càng thiếu đi sự khách quan của câu chuyện được kể. Các bạn còn nhớ sự thật không ai ngờ tới về mẹ của Yuta và Eri mà mình nói ở trên chứ? Nó giống như một sự phản biện của thực tại khách quan tới góc nhìn chủ quan của người nghệ sĩ mà cụ thể ở đây là chính Yuta. Qua đó khiến khán giả có một cái nhìn chính xác hơn về các nhân vật nói riêng và những vấn đề khác nói chung.
Câu chuyện của Goodbye Eri thực chất là 3 bộ phim được lồng ghép vào với nhau và lồng ghép luôn vào hiện thực của Yuta. Ở cuốn phim thứ ba hay chính xác hơn là cái kết mở rộng, Yuta chỉ kể lại rằng một tai nạn khủng khiếp đã xảy ra cướp đi gia đình anh, mà chẳng có một chút gì có thể xác minh được cả. Không một thước phim, không một hình ảnh hay thậm chí là một bằng chứng dù chỉ là nhỏ nhất. Nó vi phạm tới quy tắc “show don’t tell” của điện ảnh nên lại càng không hợp lí với sở thích quay phim của Yuta. Trong điện ảnh nói riêng, “show don’t tell” là một kĩ thuật đặc biệt cho phép tác giả có thể diễn tả cảm xúc, hành động, nội tâm nhân vật qua hình ảnh thay vì nêu ra trực tiếp đặc tính của sự vật. Nói một cách dễ hiểu và dân dã nhất thì là “nói ít làm nhiều, nghe ít hiểu nhiều”.
Vậy tóm lại, ý của mình là gì? Ý của mình là câu chuyện về tai nạn của Yuta không hề có thật mà chỉ đơn giản là anh bịa ra thôi.
Tiếp theo là khi Yuta quyết định tự tử thì gặp lại Eri. Cô giải thích rằng mình vẫn sống do bản thân chính là một ma cà rồng. Mỗi 200 năm là một lần cô quên toàn bộ kí ức của bản thân và sống một cuộc đời mới. Thật ra thì nếu ai đã xem rồi và cho rằng Eri thật sự là một ma cà rồng thì mình cũng không có vấn đề gì vì trải nghiệm của mỗi người khi xem một tác phẩm là khác nhau. Nhưng như mình đã nói, chúng ta phải tách mình ra khỏi điểm nhìn của nhân vật để nhìn câu chuyện này một cách thật là khách quan. Cụ thể chính trong đoạn này Eri đã nói là: “Mô típ người yêu của nam chính chết tương đối phổ biến rồi nên chúng ta hãy làm gì đó khùng điên một chút”. Chưa hết, trước đó chính Yuta cũng bảo anh đã cặm cụi chỉnh sửa đi chỉnh sửa lại các video của Eri.
Ngoài ra, nếu tác giả thật sự để cho Eri thật sự là ma cà rồng thì truyện đã vi phạm nguyên tắc cơ bản nhất của việc xây dựng thế giới trong việc kể chuyện. Thử nghĩ mà coi, một thế giới đời thường mà tự nhiên lại có ma cà rồng thì nó khá là sai sai phải không? Thế nên, kết luận của mình là, cảnh của Eri thật ra đã được quay trước khi cô qua đời và Yuta đã đợi ngần ấy năm để hoàn thiện nó. Mà đến đây bản thân mình lại có thêm một nghi vấn nữa, Yuta của nhiều năm sau được thủ vai bởi chính người bố. Bằng chứng là hai người rất là giống nhau. Đến đây sẽ lại có nhiều bạn bảo “Con không giống bố chẳng nhẽ lại giống ông hàng xóm à? Nói gì nghe buồn cười thế hả anh giai?”. Vấn đề là đường nét trên mặt của Yuta lớn tuổi giống người bố một cách bất thường, kiểu như người ta dùng hiệu ứng hình ảnh để che mờ đi nếp nhăn ấy. Các bạn tự đối chiếu cũng thấy mình nói có cơ sở mà đúng không?
Mà nhắc đến hai bộ phim cuối cùng, bộ phim thứ hai hơi mang tính đại chúng một chút với mô típ là cái chết của tình yêu. Mục đích là để thực hiện lời trăn trối cuối cùng của Eri… và cả để phục thù những kẻ đã cười cợt cậu. Có điều nó không có những yếu tố đặc trưng của đạo diễn. Ở bộ phim thứ ba hay chính xác hơn là bản mở rộng, ta lại thấy những yếu tố đặc cháy nổ, fantasy với plot-twist siêu hack não đặc trưng của Yuta. Mà nhắc đến cháy nổ, ở vụ nổ thứ nhất thì có lẽ là một cách để Yuta hoặc là trốn tránh, hoặc là không muốn nhìn thấy mẹ mình qua đời. Ở vụ nổ thứ hai, có lẽ nhân vật hay chính tác giả muốn cho nổ tung tất cả, để cho nỗi đau và cơn mộng mị này biến mất.
Dù cho thế giới này ngập tràn cái chết, dù cho chúng ta sẽ luôn phải chứng kiến người mình yêu thương chết đi, chúng ta vẫn sẽ phải bỏ lại tất cả mà hướng về phía trước, tiếp tục sống một cuộc đời trọn vẹn. Nếu lúc đó Yuta chỉ đơn giản là chào tạm biệt Eri, có lẽ anh sẽ mắc kẹt mãi mãi trong chính những mộng tưởng mà mình đã vẽ ra. Mộng tưởng dù có đẹp đến đâu cũng chỉ là trạm dừng chân, chúng ta cần phải thực tế vì thực tại này mới là nơi ta thuộc về!
Kết
Cuối cùng, sau khi đọc hết 200 trang của Goodbye Eri, mình vẫn có một một nghi vấn: Liệu sau những gì đã xảy ra thì đây có phải là câu chuyện của các nhân vật không hay tất cả bọn họ chỉ đang diễn một bộ phim?