YAKUZA 0 – Đi tìm hoa hướng dương bên dưới làn khói xám

Khách quen

  

Bài viết này ra đời từ trải nghiệm chơi Yakuza 0 của mình, không liên quan hoặc bao gồm các phiên bản khác, và nó có spoiler của Y0.

Mình cuối cùng cũng đã hoàn thành Yakuza 0 sau gần 60 tiếng đồng hồ và… 1 năm kể từ ngày nó ra mắt trên PC.

SEGA không phải là hãng đầu tiên đặt số không vào tựa đề của một sản phẩm tiền bản, nhưng với thành công mà nó gầy dựng được, cũng như trở thành tựa game mà phần lớn giới mộ điệu cho là phiên bản xuất sắc nhất của dòng game, thì có lẽ những fan mới – trong đó có mình – không khỏi có phần thất vọng khi được nghe rằng không có phiên bản nào đạt được những nốt cao ngang ngửa Yakuza 0 cả.

Nhưng dù sao thì Yakuza 0 vẫn là một tựa game độc nhất, thế nên có thêm Yakuza, cho dù chất lượng có kém sút hơn vài phần, thì đây vẫn là điều tốt.

Tại sao Yakuza 0 độc nhất? Phần lớn sẽ đồng tình với nhân tố chính trả lời được câu hỏi này. Đó là sự bất dung được đặc tả cực kỳ thiện cảm giữa nội dung đầy tính chính kịch giải quyết những vấn đề liên quan đến mất mát, xung đột thương tâm bên trong mạch truyện chính, và những khoảnh khắc đầy ngộ nghĩnh, hài hước nhưng không bao giờ trở nên nực cười đến mức ngu ngốc trong các hoạt động bên lề cũng như những nhiệm vụ phụ substory. Những thứ bên lề như lối chiến đấu, tuy có phần lặp lại, nhưng không bao giờ mang lại cảm giác chán chường nhờ tác động lẫn hiệu ứng đầy quyết đoán qua những đòn đánh; những phản ứng cách điệu đầy khả ái của Kiryu và Majima; những minigame mang tính quản lý vi mô, thoạt nhìn trông khá đơn giản, rốt cuộc lại thách thức phản xạ lẫn khả năng… kiểm soát tài chính đến mức khó tin. Chúng đơn giản là những món ăn phụ nhưng quan trọng để có thể cân bằng được sự buông thả mà trò chơi dành tặng cho người chơi giữa lòng thành phố Kamurocho và Sotenburi, để có thể cho thấy được viễn cảnh mà cha đẻ của dòng game, muốn gửi đến người chơi.

Và để thấy được tinh thần của Yakuza 0 theo đúng như ông muốn, bạn không cần phải nhìn đâu xa.

Tương tự như gangster Mỹ, mafia Ý và đi xa hơn chút nữa là… cướp biển, Yakuza Nhật Bản thông thường được đặc tả dưới hình hài lãng mạn hóa đầy mỹ miều dưới các phương tiện thông tin đại chúng: từ cách thức ăn mặc đầy lịch lãm, bản chất tự tôn cho tới những quy tắc nghiêm ngặc mà bất kỳ thành viên nào trong tổ chức cũng buộc phải tuân theo. Các tổ chức Yakuza được tập hợp bởi những người bị xã hội hoặc gia đình rẻ rúng, ruồng bỏ. Điểm chung này khiến cho họ gọi những người cùng hoàn cảnh là anh chị em đích thực, tỏ lòng thành kính với các ông trùm, và lấy sự trung thành làm lẽ sống.

Trên thực tế, Yakuza hoạt động khá công khai so với các tổ chức tội phạm tai tiếng khác ở phương Tây, một phần là bởi họ đặt hình ảnh của hội lên hàng đầu. Họ luôn có mối quan hệ mật thiết với các tổ chức chính trị nội giới, tham gia góp phần cải thiện xứ sở Phù Tang thông qua những hoạt động như viện trợ người dân gặp nạn trong trận động đất Kobe vào năm 1995 hay động đất sóng thần Tohoku vào năm 2011.

Thế nhưng, cách thức hoạt động của Yakuza từ trước đến nay vẫn luôn là một bí mật mà không ai không biết rõ. Rất dễ để người ta có một cái nhìn thiện cảm đối với tổ chức này dựa vào những hoạt động trên, nhưng đừng quên rằng Yakuza cũng đứng đằng sau các đường dây buôn lậu ma túy, vũ khí, mại dâm phi pháp và đôi khi là dẫn đến những cuộc đụng độ đẫm máu liên đới đến dân thường, không chỉ ở trong nội bộ Nhật Bản mà còn mở rộng sang các quốc gia khác. Cái nhìn của người dân Nhật Bản đối với Yakuza dần trở nên tiêu cực hơn. Sức ảnh hưởng của họ bắt đầu thuyên giảm, tỷ lệ thuận với số thành viên của các tổ chức Yakuza lớn qua mỗi năm cũng như sự càn quét càng gia tăng từ các đơn vị thực thi pháp luật. Các thành viên nhỏ lẻ khó có cơ hội tìm được công việc được xã hội chấp nhận, còn các ông trùm ẩn mình khỏi sự chú ý từ bên ngoài, thậm chí còn thẳng thừng cho rằng “lối sống không trung thực” của Yakuza trước đây không còn đủ sức răn đe vào ngày nay.

“Where Have Japan’s Yakuza Gone?”, Jake Adelstein, Nathalie-Kyoko Stucky, The Daily Beast, 12/7/2017

Đây có lẽ là lý do vì sao mà hình ảnh xã hội Nhật Bản vào cuối những năm 80 của Yakuza 0 mang tông điệu vừa liều lĩnh vừa nghiêm ngặt. Bản thân hai nhân vật chính Kazuma Kiryu và Gojo Majima đều có những đặc điểm nối kết các Yakuza mà chúng ta đã được biết, nhưng điểm trớ trêu trong nội dung của trò chơi là cả hai dẫu cho đặt ra mục tiêu trở thành Yakuza thứ thiệt, số phận lại đưa họ tới những điểm dừng khác. Và đó hẳn nhiên không nằm ngoài mục tiêu của cha đẻ của dòng game, Toshihiro Nagoshi.

Trong một bài phỏng vấn với nhật báo Video Games Daily vào năm 2006, khi được hỏi về những nguồn cảm hứng ảnh hưởng lên quá trình phát triển của tựa game Yakuza đầu tiên, Nagoshi cho biết ông muốn đặt trọng tâm lên tâm lý con người thay vì bạo lực, và Yakuza vốn là một đề tài nhạy cảm và không phải ai cũng được trực tiếp tiếp xúc đến, là phương tiện thích hợp để đặc tả xung đột giữa người và người trong xã hội ngày nay.

Điều này giải thích được rất nhiều thứ, từ việc game không cho phép bạn tự ý đánh nhau với khách bộ hành, cho đến tư tưởng không được phép hạ sát của hai nhân vật chính (dĩ nhiên các đòn heat move không tính). Tư tưởng này của Nagoshi thực chất hiện hữu rõ rệt nhất trong hai khía cạnh chính, một là bối cảnh của game là các khu phố Kamurocho và Sotenbori nhỏ, sầm uất và có phần thiếu chỉnh đốn về trật tự và giới nghiêm nhưng đủ tự do để người chơi cảm nhận được hơi thở của một phần xã hội Nhật Bản thời bấy giờ. Không chỉ Yakuza mà cả những tay vô lại đầu đường xó chợ thông thường tại đây luôn trổ tài bất chính, cho người chơi lý do chính đáng để làm cho chúng phải kinh sợ. Hai, đó chính là bản thân Kiryu và Majima, những nhân vật có thể được xem là hai ngôi sao băng đi ngược hướng và an bài sẽ đâm sầm vào nhau.

Kiryu và Majima sở hữu rất nhiều điểm chung. Họ mạnh mẽ về mặt thể chất, họ chính trực, họ trung thành với những người đối tốt lẫn không tốt đối với họ, họ đầy thiện cảm, và họ có cùng tình thương người nhất định đối với những ai sa cơ lỡ vận hay bị vướng vào những cuộc tranh chấp tàn bạo mà đáng lý ra không dây dưa vào. Mặt khác, những đặc điểm này đôi khi khiến họ lâm vào rắc rối không ít lần. Kiryu đôi khi ngay thẳng đến mức khờ dại, cái việc anh sống sót chỉ bằng nắm đấm gần như là dấu hiệu cho thấy rồi sẽ có ngày Kiryu bắt đầu thân tàn và sẽ có kẻ tận dụng điều đó để bẻ vỡ nắm đấm của anh. Trong khi đó, Majima là một quả bom nổ chậm và dường như mọi thứ mà anh đụng vào đều trở nên tệ hại không ít thì nhiều.

Dẫu cho tương đồng về bản chất, cuộc hành trình mà hai nhân vật này lâm vào lại bắt đầu và kết thúc ở những bến đỗ đối nghịch nhau. Kiryu xuất phát trong tình thế trốn chạy khỏi một âm mưu đổ tội bất chính, anh bị truy đuổi bởi thế lực mà bản thân anh muốn trở thành một phần của nó, nhưng lòng trung thành và bất định của Kiryu biến đồng minh của anh thành những chỗ dựa đầy vững chắc, và anh tận dụng điều đó để thực hiện lẽ phải. Trong khi đó, Majima khởi đầu bên dưới ánh đèn hoa mỹ của câu lạc bộ cabaret, anh có tài trong việc xử lý tình huống ngặt nghèo, anh được bao bọc bởi những lời ngợi khen và danh tiếng vang khắp Sotenbori. Majima trông như là một người nắm cả thế giới trong lòng bàn tay… cho tới khi chúng ta nhận ra rằng anh đang bị theo dõi, bị kìm kẹp như một con chó săn và những rắc rối mà anh mắc phải đều do anh tự chuốc lấy. Dẫu vậy, Majima vẫn chọn lẽ phải thay vì lợi ích của bản thân mình.

Kiryu từ một kẻ lẻ loi trở thành người thách thức vị trí đỉnh của cán cân quyền lực. Trong khi đó, Majima liên tục đào sâu vào cuộc tháo chạy vô hướng khỏi quyền lực. Kiryu được dẫn dắt và viết nên để trở thành hình mẫu lý tưởng của một cá thể chính trực, trong khi Majima được viết để cho thấy cái giá phải trả và sự bế tắc mà bạn sẽ gặp phải khi cố trở thành cá thể chính trực đó.


Câu hỏi được đặt ra ở đây là, tại sao dẫu cho là những người tốt bụng trong tận trái tim của mình, Kiryu và Majima lại luôn phụ thuộc vào kẻ xấu, những kẻ hàm oan họ, những kẻ đẩy họ vào bước đường cùng? Điều đó, có lẽ nhằm vào lý tưởng của họ. Kiryu và Majima dường như không bao giờ khuất phục trước mọi khối lượng vũ lực nào. Ném một chiếc xe tải về phía họ và họ sẽ đẩy lùi nó như một con thú nhồi bông. Đổ máu lên họ và họ sẽ dùng lửa để dập tắt những dòng máu. Họ không thể bị ngăn cản, nhưng họ lại dễ dàng bị khai thác. Mang trong mình sự ràng buộc nhất định đối với con người chưa bao giờ là dấu hiệu tốt đẹp, nhưng có lẽ trong lúc đấu tranh để giành lấy lẽ phải, họ tìm thấy thứ quan trọng hơn tất thảy mọi vị thế trong hàng ngũ Yakuza có thể có được.

Mãi cho đến sau khi hoàn thành cốt truyện chính, mình mới nhận ra rằng Kiryu có thể gọi Nishikiyama để cùng chơi bowling – dẫu cho AI Nishiki chơi khá là… ba chấm. Phân đoạn này chợt làm mình nhớ lại đến những khoảnh khắc trong nửa đầu game giữa Kiryu và Nishiki, khi Nishiki giải thích rằng tình hình đang trở nên xấu hơn khi Kiryu bị hàm oan, khi Nishiki cố tình chọn cho Kiryu một bộ complê quá đỗi… gây sự chú ý, khi Kiryu và Nishiki đột nhiên biến thành một ban nhạc rock trong lúc trình diễn bản nhạc Judgement, và khi Nishiki tấn công Majima tại quán bar Serana chỉ để bao che tung tích của Kiryu. Tất cả khiến cho khoảnh khắc mà Nishiki lái xe dẫn Kiryu tới rừng rú hoang vắng và chĩa súng vào đầu anh trai kết nghĩa của mình, tin rằng điều này sẽ giúp Kiryu đỡ phải chịu đựng hơn là rơi vào tay gia tộc Dojima, càng trở nên thảm khốc hơn.

Cảnh tượng bi kịch này không thể bị đẩy lùi bởi vũ lực hay bởi sức mạnh ý chí nào. Những gì mà Kiryu và Nishiki trải qua không phải được định đoạt bởi những cá thể riêng lẻ. Kiryu và Majima liên tục tiến bước và để lại những người xung quanh họ trong tình trạng khó xử trước kịch điểm. Họ không thể đứng nhìn hai người đàn ông này cố tự mình tìm cách giải quyết mọi thứ, Kiryu và Majima không thể nào tiên đoán được rằng những lựa chọn mà bản thân lẫn những người trong cuộc thực hiện sẽ dẫn đến kết cục nào.

Bởi vì…

… cuộc đời không công bằng, điên rồ và khó lường.


Phá vỡ niềm tự tôn của một cá thể bằng cách đẩy họ tới bước đường cùng là một công việc không hề khó, thế nhưng cho đến cuối con đường, Kiryu vẫn không hề lay động. Bởi vì dẫu cho cuộc đời không công bằng, điên rồ và khó lường, nó đôi lúc cũng nồng nhiệt, đầm ấm và khôi hài. Nó đáng được tranh đấu và được giành lấy một tương lai khởi sắc hơn, và nó chứa đựng lòng chân thành mà chỉ có vượt qua gian nan mới có thể mang lại.

Majima học được điều đó. Sự thật là con chó điên của Shimano không đột ngột trở thành một kẻ điên ở cuối con đường, anh chỉ đơn thuần quyết định tồn tại với bản chất thật của mình và coi nó là cái giá phải chăng để đánh đổi lấy sự tồn tại của lẽ phải.

Yakuza, hay nói chính xác hơn là trở thành một Yakuza, không phải là để một cá thể sống trong nhung lụa, trong sự thị oai khiến người ta kinh sợ, trong danh tiếng xưng bá, hay chỉ đơn thuần là muốn trút hết cảm xúc của mình thông qua bạo lực. Trở thành một hình mẫu mạnh mẽ không thể lung lay là chưa đủ, hình mẫu đó chỉ có thể trọn vẹn khi nó đi tìm bản thân mình, ý niệm của nó, cũng như vị thế của nó giữa một cuộc đời thi vị, đẹp đẽ, đáng được tranh đấu, đáng được giành lấy.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly