Thời gian quả thật là một thứ tàn nhẫn. Dạo gần đây mình mới cảm giác đã thực sự già đi thế nào. Các bé hàng xóm đã gọi mình là chú, các cô các bác ở chợ thì cứ gọi vào xem đi em ơi. Những đứa bạn học thì giờ cắp nách phải đến hai đứa, đặc biệt mấy bạn xinh xinh giờ ngày ngày ngập trong bỉm sữa. Không được, cơ thể có thể già đi chứ tâm hồn đừng héo mòn theo như thế. Thôi không linh tinh nữa, nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, mình xin chia sẻ những bộ truyện về các bé gái tuổi thơ, để tâm hồn có thể tươi trẻ hơn chút mỗi khi nghĩ về.
1. Maruko (Chibi Maruko-chan – Momoko Sakura)

Trang đầu truyện Maruko
Bạn còn nhớ không những cái ngày VTV3 còn chiếu hoạt hình, đặc biệt là bộ này. Mình tiếp xúc với phim hoạt hình trước khi đọc truyện. Thật sự Maruko là một cái gì đó tuổi thơ lắm, thế giới lắm mỗi khi nhớ về. Từ giai điệu bài hát cho đến những câu chuyện xoay quanh. Câu chuyện kể về cô bé ngố ngố Maruko, có nét hài hước, có những bài học, đủ để lôi cuốn mà nhanh nhanh đôi chân chạy về nhà mỗi độ gần trưa, chiều tối. Chuẩn bị một tâm hồn đẹp, bật tivi lên, chăm chú trước màn hình, nhạc hiệu vang lên, tâm hồn bắt đầu được tưới mát.

Ending của Maruko năm 1990 vẫn luôn là thứ gì đó thế giới lắm, cứ nghe lại bồi hồi.
Bài viết đề là truyện tranh nhưng với Maruko thì mình xin mạn phép trải lòng nhiều về phim một chút, bởi nó sâu đậm quá. Ngay trong lúc gõ từng dòng này, cái giai điệu Piihyara piihyara/Pappaparapa vẫn đang vang văng vẳng trong đầu.
Gia đình của Maruko gồm có 6 người, bao gồm ông bà, bố mẹ, chị và bé Maruko. Nhà của bé không giàu có dư giả gì nhưng lúc nào cũng vui nhộn và ấm cúng. Mỗi một tập phim đều xoay quanh cuộc sống của Maruko với mọi người xung quanh, có nét dung dị, nét thân thuộc, cùng những tình huống dở khóc dở cười. Hồi đó phim hay chiếu tầm gần trưa trước lúc 12h và chiếu lại vào gần tối trước phim 6h. Cùng một tập thôi mà mình cứ muốn xem đi xem lại, có chăng nó mà chiếu lại lần 3 trong ngày thì cũng cố thức mà xem mất. Mà cả khung giờ phim đằng sau hoạt hình cũng tuổi thơ, huyền thoại lắm, cứ ngồi lì một chỗ ôm lấy cái tivi, bất kể ai gọi gì cũng kệ, xem đã tính sau.
Giờ lớn rồi, cái gì cũng lười hơn, đến độ xem cái clip có mấy phút mà còn tua chứ không siêng như hồi bé. Cũng không nhớ hết tất cả nội dung các tập, chỉ nhớ vài tập đặc biệt thôi à. Có tập nọ tuyết rơi đầy sân, Maruko cùng bạn bốc lấy nắm nhỏ ăn cùng kẹo dâu. Và thế là món kẹo tuyết vị dâu được ra đời. Có tập nữa, Maruko cố tình ngủ phòng khách để được bố bế vào phòng ngủ, đấy được gọi là chuyến du lịch trong mơ, để “sớm thức dậy ở một nơi xa”. Bạn đã bao giờ thử nó chưa, mình thử vài lần, thành công thì ít mà bị đánh gọi dậy thì nhiều. Rồi thì còn những tập như giả vờ ốm trốn đi xem nhà vô địch yoyo; cố thức đêm để tham gia bữa tiệc bí mật của bố mẹ; chuyến đi chụp ảnh của hai chị em, cả hai thi nhau tạo dáng cho đã đời mà bố lại quên mất không cho film vào. Cái tập nhớ nhất, hoài niệm nhất thì là dưới đây, Maruko bị mẹ cắt tóc.
Thấy Maruko tóc tai lòa xòa quá, mẹ bé bỗng lên ý tưởng cắt tóc hộ cho. Mà mẹ bé thì lại hay hứng chí, làm việc theo cảm hứng, lỡ tay xén mất một đường, bay luôn phần tóc mái khiến bé khóc rống lên làm bố bé tưởng chó sói ở đâu đang rú. Sau đó Maruko trốn tiệt trong phòng, ngồi khóc, mẹ bé không biết làm sao nên nấu món mà bé thích ăn. Yêu thương, xin lỗi qua đường ăn uống vẫn luôn là cách hiệu quả. Nhưng còn ngày mai đến trường, bé gặp các bạn thì thế nào đây!?
Cái cảm giác hồi nhỏ mình vác một thứ gì mới đến trường, bị soi đã khổ khổ lắm rồi, đằng này còn cả quả đầu mới thì chịu bạn ạ. Nó là một cái cảm giác muốn khóc nghẹn thấu trời. Xem lại tập phim vừa có gì đó ngại ngại, thẹn thùng, vừa buồn cười, vừa hoài niệm. Làm mình nhớ đến những lần cắt tóc hồi nhỏ. “Chú ơi cứ cắt bình thường, ngắn ngắn thôi chú nhá”. “Ô kê con dê cháu ơi”. Sau thì thôi khỏi kể nữa, ước gì cái đoạn đường đến trường cứ kéo dài mãi, dài như đường sang Tây Trúc càng tốt.
Còn về bộ truyện Maruko của tác giả Momoko Sakura thì ban đầu chính là nhật ký của chính cô, về thưở ấu thơ những gì cô đã từng sống và trải qua. Có lẽ vì vậy mà nó chân thật, ai xem qua cũng đều thấy một phần của bản thân trong đó. Mình tiếp cận truyện sau xem phim, mỗi quyển truyện lúc như có máy phát nhạc đi kèm vậy, giai điệu cứ chạy quanh đầu luôn. Vậy truyện có hay không, có tuyệt đỉnh không; thời gian, kỷ niệm, nỗi nhớ sẽ trả lời câu hỏi đó. Đôi khi chỉ cần cầm lại quyển truyện, lật giở vài trang là đủ hiểu, đủ cảm nhận rồi. Thay vì những khung hình chuyển động liên tục, ta có thể ngắm nhìn chúng mãi, ngắm đến khi tường tận từng nét vẽ, khung tranh. Vẫn cô bé ngố ngố với những biểu cảm khó đỡ, những tình huống éo le, hay những câu thoại khiến lòng gợi nhớ.
Đọc lại, xem lại gần đây cũng vui đấy nhưng rồi cũng lặng đi khi tác giả Momoko Sakura qua đời cách đây không lâu. Thời gian thật sự quá nghiệt ngã, khi những tác giả tuổi thơ mình yêu thích đều không thể chống lại nó, đều dần trở về với cát bụi. Fujiko Fuijio, Usui Yoshito và cả Momoko Sakura,… những con người đó đã rời xa cuộc đời này nhưng di sản của họ sẽ còn mãi. Doraemon, Shinnosuke, Maruko,… vẫn luôn và sẽ mãi là người đồng hành, người bạn thân thiết của các em thiếu nhi, vẫn luôn là chốn bình yên ta có thể nghỉ chân, nhớ về những tháng ngày đó, nhớ mình đã từng ngây ngô, vô tư, hồn nhiên như thế.
Nhà xuất bản: Kim Đồng (1996, 14 tập) , Văn hóa thông tin (2003, 16 tập)
Mức độ sưu tầm: Rất hiếm, giá thì như quả hồng chưa chín vậy, chát lắm.
Mọi người có thể đọc truyện, xem phim hoạt hình ở Shirokanevnfs.
Nhớ xem tập Maruko bị mẹ cắt tóc nhé (tập 37, năm 1990) ở đây nhé, ngoài ra đây là bản thuyết minh VTV3 tập này, hơi xước nhưng xem thế giới lắm, không về tuổi thơ không lấy tiền.
Cập nhật tập mới nhất và fanpage nhóm dịch ShirokaneVNFansub.
Xem phiên bản lồng tiếng bản quyền trên channel POP Kids Junior ở Youtube.
2. Arale (Dr. Slump – Akira Toriyama)
Để bắt đầu câu chuyện về bé Arale, chúng ta hãy cùng ngược dòng lịch sử một chút về những năm 80s. Sau khi bộ truyện Dr. Slump kết thúc, tác giả Akira Toriyama và biên tập viên Kazuhiko Torishima đã ngồi lại với nhau. Họ cùng thảo luận về một bộ truyện mới, phải mang những nét mới mẻ đối lập với Dr. Slump có nhân vật chính là nữ, bối cảnh phương Tây.
Thế là một bộ truyện có nhân vật chính là bé trai giỏi kung fu, lấy cảm hứng từ phương Đông, đặc biệt từ Tây Du Kí, có cái đuôi khỉ, sử dụng gậy như ý đã được ra đời. Vâng, phần còn lại là lịch sử của truyện tranh. Biên tập viên Kazuhiko Torishima sau này đã trở thành tổng biên tập của tạp chí Shounen Jump (OnePiece, Naruto,…) và nhiều chức danh cao cấp khác. Còn với Akira thì có thể tóm gọn trong câu sau, “Dr. Slump” đưa tên tuổi ông ra toàn Nhật Bản, còn “Dragon Ball” đưa tên tuổi ông ra toàn thế giới.

Phân cảnh Arale chạy tới gặp Goku trong bộ truyện 7 viên ngọc rồng.
Cái ngày đọc trang truyện này mình vui lắm, vui vì thấy tự dưng nhân vật truyện này lại nhảy sang truyện khác, cứ như một vũ trụ điện ảnh mở ra trước mắt. Phát hiện ra một điều động trời rằng hóa ra hai cái truyện này cùng một ông tác giả luôn. Sau dần thành thói quen, thích thú mấy ông tác giả vẽ kiểu này lắm.
Arale là robot hình nữ được tiến sĩ Slump chế tạo ra, mang trong mình một sức mạnh phi thường đến nỗi đấm nứt đôi trái đất hay có thể ném vỡ cả… mặt trăng. Em có thể dễ dàng đánh bại tướng quân Blue trong Dragon Ball Z, hay trong Dragon Ball Super cho hai thằng đệ Goku và Vegeta ăn hành. Thế nhưng em lại mang cái tâm hồn của một cô bé nhỏ tuổi vô cùng hồn nhiên, cái gì cũng mới mẻ, cũng táy máy nghịch ngợm. Cũng vì thế mà đủ chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra ở làng Chim Cánh Cụt. Có thể nói chính xác về Arale chính là vẻ “ngây thơ vô số tội”.
Mỗi khi nghĩ đến Arale, cái dáng hình em đọng lại trong kí ức là chạy nhanh lắm. Chạy không nhìn thấy chân đâu, miệng mở to như quả trứng gà. Mắt em thì nhắm tịt lại, rồi gây ra đủ chuyện “phá làng phá xóm”, đặc biệt trên tay cầm một cục…phân. Nghe hơi kì nhỉ, nhưng truyện tranh dành cho thiếu nhi mà, đâu cần lí do. Với lại nét vẽ đen trắng này trông cũng như kem mà, kem sô cô la ấy.
Những câu truyện trong Dr. Slump đều thật ngẫu hứng, tự nhiên và mang những logic thật sự ba chấm, giống với suy nghĩ của trẻ thơ. Như có tập về dũng sĩ Slump trèo đèo lội suối, vượt qua bao nguy hiểm chiến đấu với quái vật bởi vì làng của anh hết… giấy vệ sinh, rồi cuối cùng dân làng phải dùng lá cây thay giấy. Chuyện về Arale đi mua kem nhưng khuấy động cả làng Chim cánh cụt. Hay chỉ đơn giản là lúc em chơi ở hố cát, nghịch cục phân. Cũng vì thế mà bộ truyện mang lại một cảm giác thoải mái, những nụ cười hồn nhiên không phải suy nghĩ quá sâu xa. Mọi lúc, mọi nơi, ta sẽ luôn bắt gặp Arale tươi cười chạy nhảy, “chơi nào, chơi thôi nào”, công cuộc vui chơi “phá làng phá xóm” được bắt đầu. Và cứ thế câu chuyện của Dr. Slump được diễn ra. Càng về sau, càng có nhiều nhân vật mới xuất hiện, đầy đủ tạo hình, sức mạnh, và mang một nét gì đó rất thân quen. Mà đặc biệt nhất là Obotchaman, mình cực thích cậu bé này, điềm tĩnh hiền lành hơn so với Arale. Đoạn kết, lúc cả hai cùng hợp lực để thắng cuộc đua thật sự quá mãn nhãn và trọn vẹn.