Phía sau khu tiếp tân của khu phòng khám Bệnh Viện Nhi Đồng 2 lặng lẽ tồn tại một quầy hàng nhỏ không chỉ bán đồ chơi mà có cả truyện tranh. Điều ngạc nhiên rằng đây có lẽ là nơi duy nhất bán truyện tranh ở bệnh viện. Lướt qua thì có bản quyển dày tuyển tập truyện ngắn Doraemon và Lucky Luke khiến tôi vô cùng thích thú. Năm ngoái, khi đi bộ khắp những gian hàng gần các khoa, chỉ thấy những quầy bán bánh snack và đồ chơi ra rả âm nhạc ‘Cá sấu Ghine” và thể loại nhạc thiếu nhi khác. Kể cả khoa Tiêu hóa, nơi bệnh nhi được tạo điều kiện nằm phòng dịch vụ có máy lạnh và có căn tin lớn để phục vụ nhu cầu của phụ huynh và con nít, tuyệt nhiên không có quyển truyện tranh nào. Năm nay năm 5 đi vào khoa phòng khám thấy điều mới lạ này mà lại không mua được truyện tranh, thấy tiêng tiếc do trong túi quần chỉ có vài chục. Nhưng đã rất lâu rồi, mình mới có cảm giác thích thú khi dừng lại trước một quầy sạp thế này, vì ở những nơi khác dành cho trẻ con, dần thấy vắng bóng những quyển truyện tranh như vậy rồi.
Đợt đi Nhi năm bốn đại học, dù thầy cô không phân công cho sinh viên trực qua đêm, nhưng mình tự nguyện ở lại bệnh viện đến sáng. Ngoài việc quan sát những ca bệnh bất chợt kéo đến vào đêm, mình muốn trải nghiệm một buổi tối không phải ở nhà nó khác ra sao, cũng như biết được điều gì diễn ra ở viện qua cuộc sống bọn trẻ. Đêm đầu tiên ở viện khi lướt qua các giường bệnh, mình thấy đa phần các em đang ngồi cùng với cha mẹ chúi mắt vào chiếc iPad hay iPhone phát ra âm thanh nheo nhéo từ phim Doraemon và các video nhạc thiếu nhi. Khi đi Ung Bướu khoa Nhi lần đầu, mình về thắc mắc với bố và bố bảo đó là cách cứu cánh mà chúng có thể giữ mình tỉnh táo, nếu không nó không đoái hoài gì đến thiết bị là biết nó đừ rồi.
Cũng đúng, nếu đọc sách chữ thì e rằng nó quá tĩnh để các em tỉnh táo vượt qua đau đớn. Bỗng mình dừng lại ở một chiếc giường bệnh cuối góc phòng. Đứa trẻ nằm đó được thông tiểu, bên cạnh cậu bé là đủ mọi quyển truyện tranh. Mình hỏi “Con thích đọc truyện tranh lắm à?” và nó gật đầu. Cảm giác mãn nguyện vì rất lâu rồi mới thấy một đứa trẻ cầm quyển truyện tranh như vậy. Những quyển truyện tranh bìa giấy mỏng, bìa cứng màu, giấy ố vàng, khung tranh trắng đen với những tên được phiên âm đúng như sách giáo khoa. Những quyển truyện cũ kỹ sờn góc và có rách ở một vài chỗ lại thân thương đến lạ. Nó khiến mình xúc động.
Đã rất lâu rồi kể từ khi không còn đọc truyện tranh nữa, mình mất hẳn cái cảm giác chờ đợi. Quyển truyện tranh đầu tiên mình có được là Thần Đồng Đất Việt. Không hiểu sao cô mình lại biết đến sự tồn tại của bộ truyện này mà đặt, với lý do là để mình rèn luyện kỹ năng đọc. Dù năm đó, mình có thể học thuộc hết nội dung của một quyển sách giáo khoa, mỗi tối đều đọc to truyện đọc của Nhà Xuất Bản Giáo Dục, nhưng không hiểu sao vẫn cần phải luyện đọc. Ban đầu mình tưởng Thần Đồng Đất Việt là cái gì đó đao to búa lớn lắm cơ. Cho đến hôm thứ hai mình về nhà thấy quyển truyện tranh trên bàn. Quyển truyện mỏng vừa phải, bìa ở ngoài láng bóng có màu, giấy đen. Tập đó là tập 39, tập kể về vụ án trộm gà, ấn tượng cảnh dân làng từng người vuốt má nhẹ bà Tám Tiền, cho đến tên thủ phạm tát mụ đó một cú trời giáng. Mình không hiểu cốt truyện cho lắm, lúc đó không thể nói cảm nhận được, nhưng thứ gì đó mới mẻ đến với mình thì đọc thôi. Rồi dần dà, mình càng hóng đợi những quyển truyện tiếp theo.
Chờ đợi ngày để ra các cửa hàng và các sạp mua truyện và báo khiến mình cảm thấy mình từng mẫu mực và kỷ luật thế nào so với lúc bây giờ. Một thời huy hoàng của mùa hè: thứ hai Rùa Vàng, thứ ba Khăn Quàng Đỏ và thứ sáu Nhi Đồng. Thời ấy nội dung của báo chất lượng lắm, không gắn quá nhiều quảng cáo và tin hoạt động Đội trường học như bây giờ. Mình hay ngồi trước phòng khách để chờ ông nội đưa chiếc Dream về, chiếc xe nhiều giấc mơ chở những tờ báo đã làm nên thế giới của mình bây giờ. Trên xe ông không chỉ có truyện báo mà còn cả những món ăn mình thích. Tính mình hay nôn nao, nên nhiều lúc ông không biết, nhiều khi mua lại cuốn đã phát hành bữa trước. Ban ngày ông nội mua báo, tối bố lại mua những quyển truyện tranh. Hết truyện giấy đen đến truyện màu.
Lớp một Thần Đồng Đất Việt, lớp hai Cô Tiên Xanh (cô mình đặt thêm), Chú Thoòng và bộ truyện danh nhân, lớp ba thì thiên đường – Thần Thoại Bắc Âu, Xì Trum, truyện gì của Peyo không nhớ nữa, rồi Bí Kíp Sinh Tồn (truyện Hàn Quốc), mấy quyển cổ tích xàm xàm của Phan Thị. Tính ra mình đã trải qua hầu hết các kiểu vẽ truyện tranh, trừ kiểu truyện Nhật Bản cả nhà không khuyến khích cho đến bộ Mami.
Cho đến những năm cấp hai, mình dần khước từ thế giới tuổi thơ đó. Mình bắt đầu khinh miệt thế giới truyện tranh và dấn vào những quyển truyện chữ cũng như tờ báo cho người lớn. Những thứ ấy khiến mình nghĩ về điều lớn lao hơn. Truyện tranh là thế giới tưởng tượng, nó nên về dĩ vãng để nhường cho thứ gì thực hơn.
Thời điểm ấy, mình thích một đứa bạn chung lớp, sau thành thằng bạn thân mình. Nó không bao giờ thích đọc sách, đến giờ vẫn vậy. Nó bảo mình không nên chạy theo áp lực quá sớm. Suốt những năm cấp hai, nó cứ ngồi lấy những tờ giấy tập và giấy a4, vẽ những nhân vật manga. Nó cũng thường xuyên tự tạo những vũ khí bằng giấy chơi với những thằng bạn trong lớp. Mình cứ lẽo đẽo trong lớp, nhìn nó chơi và ngớ ngẩn không hiểu nó đang làm gì. Ngày ngày, nó mang những quyển truyện Naruto và share với những chiến hữu. Mình nhìn thế giới ấy, bĩu môi, ôi xời có gì thứ trẻ con. Cho đến khi có sự xuất hiện của mạng xã hội và mông lung của việc định hướng học hành, mình mất cảm giác hứng thú với những quyển sách chữ và đau đáu tìm kiếm một quyển truyện tranh để đọc. Nhưng truyện tranh hay ở đâu để đọc bây giờ? Mình cũng chưa quen với kiểu đọc ngược nữa, rồi giờ quá nhiều dòng lạ quá, mình chỉ đọc khi ai đó giới thiệu thôi.
Ngày nay, truyện tranh được thiết kế đẹp hơn, màu sắc hơn và bày biện, bán ở những tiệm sách. Thậm chí nếu cần có thể kiếm trên facebook buôn bán truyện cũ, hay ra cửa hàng sách cũ có thể rước trọn cả bộ. Nhưng mình không còn cảm giác hứng thú đó nữa. Cảm giác bố chở ra sạp có chú, bố mỗi lần mua truyện cho mình đều nói “Ra chú mua truyện nha!” không còn nữa. Kể cả khi nhà mình chuyển ngay chỗ gần sạp truyện đó, nhưng không còn quyển truyện tranh nào được bán ở đó. Sạp truyện từng bán bộ chú Thoòng cũng không còn. Mùa social distancing, mình đọc Yotsuba trên web và sau đó đọc Mami trên trang web. Nhưng cảm giác cứ khựng khựng sao ấy. Cứ phải scroll lên scroll xuống một trang truyện khiến mắt mình mỏi mệt, dễ xao lãng vô cùng.
Có lần, khi lựa chọn sách cho tủ sách của chỗ làm, mình ngỏ ý với chị sếp: hãy cho bọn trẻ đọc thật nhiều truyện tranh. Ở chỗ làm của mình, mẹ bạn mình đã ra sức bảo tụi nhỏ hạn chế dùng thiết bị điện tử. Nhưng cứ tan học tụi nhỏ lại sà vào điện thoại chơi game. Mình thường kết thúc buổi họp vào buổi sáng. Có những buổi, khi mình cố nán lại để suy nghĩ nên bổ sung sách gì để nói sếp, mình nhìn thấy những đứa nhỏ ngồi ở ghế sofa, thích thú với quyển truyện tranh. Chỉ có năm quyển mà bọn nhỏ đọc đi đọc lại. Nhưng vì đó là trung tâm học thuật, nên truyện tranh chỉ là yếu tố phụ. Nhưng điều đó không thể chối bỏ sự thật rằng, đó là thứ duy nhất mà bọn nhỏ có thể tập trung một cách say sưa.
Những quyển sách tranh (illustration book) dần thay thế cho những quyển truyện tranh một thời ấu thơ, và được mang với danh xưng là “truyện tranh”. Nhưng với trải nghiệm của những đứa từng cày nát nhiều quyển sách tranh minh họa, thứ mà những thể loại này không thể đặt lên tầm của truyện tranh chính là yếu tố giao tiếp. Sách tranh thiên về tranh minh họa và dòng chữ, nó mất đi sự giao tiếp và tính hội thoại. Đây là hai yếu tố tạo nên phim và truyện tranh, là điều khiến bọn trẻ có thể tập trung. Khi bọn trẻ quá mệt mỏi, thứ khiến bọn trẻ thức chính là sự sống động. Truyện tranh đã tạo nên sự mạch lạc và dễ suy nghĩ, cũng như dễ tiếp thu. Nhưng người lớn chúng ta đã quên mất điều đó. Làm sao có thể dạy được đứa trẻ khi chính ta còn không có ý thức đọc sách? Nhưng dạy nó đọc truyện tranh và tương tác mạch lạc, cũng như tưởng tượng thì không khó chút nào. Vì chúng ta cũng đã từng lớn lên với chúng mà.
Mình chợt nhớ đến kho sách của bệnh viện Ung Bướu. Ở Ung Bướu là cả một kho thư viện toàn truyện tranh, nhưng tiếc thay chỉ được mở khi có những nhóm tình nguyện viên đến. Giữa cái không khí ngộp mùa mồ hôi và ọc sữa, mình nghĩ việc một bệnh nhi có thể vào đó và mân mê quyển truyện hẳn sẽ làm giảm sự đau đớn và căng thẳng biết bao. Nếu có điều kiện sau này, có lẽ mình sẽ có những chuyến đi thăm đến bệnh viện, nhưng không chỉ từ thiện cho có, mà là dúi vào tay mỗi đứa một quyển truyện tranh. Ở Ung Bướu thì sự sống bọn trẻ nhiều khi mong manh, nhưng ở Nhi Đồng thì điều mình băn khoăn liệu những đứa trẻ, khi chúng bước ra khỏi cánh cửa đau đớn ấy, liệu chúng có còn nhớ về những tháng ngày đọc truyện tranh? Những khoản thời gian ngắn ngủi hạnh phúc xoa dịu tinh thần không còn nữa khi về nhà chỉ còn iPad, iPhone và những quyển sách tranh thiếu yếu tố hội thoại đấy?