Trên chuyến xe trở về tuổi thơ cùng loạt phim hoạt hình (P.2): Kênh VTV1, VTV2, VTV3

Khách mới

  

Phần đầu tiên, các cậu đã lên xe và cùng tớ đi ngang qua vùng đất VTC11, cùng nhìn qua hàng loạt các cái tên gây thương nhớ một thời. Đó có thể còn lạ lẫm với lứa thế hệ mới và cũng thật tiếc rằng ngòi bút của tớ hiện vẫn chưa đủ tốt, để truyền tải được những ký ức hay thậm chí một phần nào đó cảm xúc mà thế hệ cũ của bọn tớ có được, tớ xin tạ lỗi về điều đó.

Khác với VTV11 thì vùng đất mà ta được dịp ghé tới này lại đa dạng hơn về thể loại lẫn số lượng, bên cạnh đó còn có đội ngũ lồng tiếng riêng, mà nghe qua ắt hẳn sẽ thấy bao nhiêu kỷ niệm ùa về, chẳng hạn như: Võ Huyền Chi, Trần Hoàng Sơn, Nguyễn Tuấn Anh, Đặng Hạnh Phúc,… và còn rất nhiều những anh chị chú bác khác.   

Ngay lúc này hãy cùng tớ tiếp tục chuyến xe dài ngày sang ba vùng đất VTV1, VTV2 và VTV3 này (chuyến này đi không biết hôm nào về luôn), để lại một lần nữa sống trong tuổi thơ hoặc hiểu thêm về những gì mà lứa 2x như bọn tớ từng xem là tuổi thơ hen!

1. Tom và Jerry

Mình khá chắc cái tên huyền thoại này được phát trên VTV1, loạt phim có nội dung về trận chiến bất tận giữa hai đối thủ truyền kiếp là một chú mèo nhà và một chú chuột nhắt. Hầu hết các tập phim đều tập trung vào mưu đồ bắt chú chuột Jerry của mèo Tom với vô vàn kế hoạch tinh vi, bộ phim này huyền thoại đến nỗi người ta thường ví von “hai đứa nó như mèo và chuột ấy”.

Bộ đôi “Tom & Jerry” ra mắt khán giả lần đầu tiên vào năm 1940 trong phim ngắn “Puss gets the boot” và từ đó đến nay đã trở thành một trong những thương hiệu hoạt hình kinh điển. Sắp tới đây, người hâm mộ của mèo Tom và chuột Jerry sẽ có cơ hội tái ngộ hai idol ồn ào này trong bộ phim live-action kết hợp hoạt hình “Tom & Jerry: Quậy tung New York” do đạo diễn Tim Story thực hiện.

Dù cho có rất nhiều phiên bản khác nhau, từ nét vẽ cũ đến mới cho đến cả live action. Nhưng tớ vẫn thích nhất phiên bản của hai bác William Hanna và Joseph Barbera thôi!

2. Doraemon (Đôrêmon)

Với Đôrêmon thì tớ khá chắc là gần như cậu nào cũng biết rồi, nhưng tớ vẫn sẽ cứ kể sơ sơ, cho những cậu nào mới bắt đầu tìm hiểu sẽ dễ tiếp cận hơn, chứ không phải đi loay hoay tìm nguồn này nguồn kia, hỏi cậu bạn này, cô bạn nọ.

Đôrêmon là một chú mèo máy được Nobi Sewashi (Nobi Nobito), cháu năm đời của Nobi Nobita, được gửi từ thế kỷ 22 về quá khứ của ông mình(tức Nobita) trở nên tiến bộ và giàu có, tức là cũng sẽ cải thiện hoàn cảnh của con cháu Nobita sau này. 

Còn ở hiện tại, Nôbita là một cậu bé hậu đậu, làm cái gì cũng dở, luôn bị điểm kém ở trường học, bạn bè bắt nạt và ngay cả khi đã thành người lớn, thì cũng chính do sơ suất của cậu mà công ty phá sản, thất bại trong công việc, đẩy gia đình và con cháu sau này vào cảnh nợ nần.

Vậy điều gì cuốn khiến Đôrêmon cuốn hút đến vậy “xem gì ở một cậu bé hậu đậu? Tấu hài chăng?”

Đôrêmon có một chiếc túi thần kỳ trước bụng với đủ loại bảo bối của tương lai, với số lượng bảo bối xấp xỉ 4500. Chỉ là cái túi nhỏ xíu, mà nếu không nhìn kỹ thì còn có thể bị nhận nhầm là chiếc quần nhỏ nữa. Nhưng ẩn bên trong thứ mà ‘’mấy bên biến thái’’ hay lâm le, tầm thường đó, lại chứa đựng cả tuổi thơ của tớ và rất nhiều những “bé bự” khác nữa, mỗi loại bảo bối sẽ có một công dụng khác nhau, mang theo tất cả những trí tưởng tượng của một đứa trẻ vẽ lên trang giấy, trên những thước phim. Chẳng hạn như cả một chiều không gian khác trong ngăn kéo, trong đó chứa cả một cỗ máy cho phép quay ngược về bất kì thời điểm nào trong tương lai lẫn quá khứ; đèn pin phóng to, thu nhỏ hay cả rất nhiều những bảo bối với công dụng có thể thay đổi cả thế giới (hồi đó cứ tưởng tượng nếu mình có món này món kia trong tay, thì mình sẽ làm thế này thế nọ).

Cốt truyện thường gặp nhất sẽ là Nôbita trở về nhà khóc lóc sau khi gặp những rắc rối ở trường học hoặc với bạn bè. Sau khi bị cậu bé khóc lóc, năn nỉ, Đôrêmon sẽ mủi lòng và đưa ra một bảo bối giúp Nôbita giải quyết những rắc rối của mình, hoặc là để trả đũa hay khoe khoang với bạn bè của cậu.

Với những bảo bối mới Nôbita sẽ lại thường đi quá xa so với dự định ban đầu của Đôrêmon. Đôi khi những người bạn của Nôbita (thường là Xêkô hoặc Chaien) lại lấy trộm những bảo bối và sử dụng chúng sai mục đích. Ở cuối mỗi câu chuyện, những ai sử dụng sai mục đích bảo bối sẽ phải chịu hậu quả do mình gây ra, người đọc sẽ rút ra được bài học đạo đức từ đó. 

Vậy thì… các cậu thích bảo bối nào nhất? Tớ thì thích nhiều quá nên không chọn được!

3. Trò chuyện với chú chó trắng (Inai Inai Baa!)

“Trò chuyện với chú chó trắng” được đài NHK sản xuất đầu tiên năm 1996 với thời lượng cho mỗi tập phim là 15 phút. Nội dung của mỗi tập phim đều là những bài học giáo dục cho thiếu nhi đơn giản, sâu sắc nhưng không giáo điều nên rất được yêu thích từ những bậc phụ huynh và các em nhỏ Nhật Bản.

Ai còn nhớ chương trình này thì chắc cũng có con có cháu mất rồi!

4. Ba nữ thám tử (Totally Spies!)

Phim kể về cuộc sống của ba nữ điệp viên siêu hạng tuổi thiếu niên (đang học tại trường trung học phổ thông Beverly Hills) là Sam, Clover và Alex. Cả ba đều có có tính cách rất khác nhau nhưng đều có chung một sở thích là “shopping” và phải chống lại những tên tội phạm quốc tế nguy hiểm thông qua ông Jerry, lãnh đạo của WOOHP (World Organization Of Human Protection) một dạng tổ chức tạo ra để bảo vệ người dân.


Tớ chọn Sam!!!

5. Hãy đợi đấy! (Nupakachi!)

Tớ biết và xem cái này trước cả Tom and Jerry, nghe tớ nói vậy chắc các cậu cũng hình dung được nội dung nó như nào thế nào rồi nhỉ? Thay mèo bằng Sói thay Chuột bằng thỏ, ta có “Nu pa ka chiii”.

Nupakachi là phiên âm của câu tiếng Nga nu, pogodi (Ну, погоди) có nghĩa là “hãy đợi đấy” – thường dùng để nói rằng sự việc chưa kết thúc ở đây, sẽ còn gặp lại nhau. Câu nói này trở nên nổi tiếng cùng với bộ phim hoạt hình Xô Viết cùng tên. Hãy đợi đấy đã gắn liền với tuổi thơ rất nhiều thế hệ 8x và 9x. Hai nhân vật chính là sói và thỏ luôn đuổi bắt nhau, khi không bắt được thỏ, sói tức tối nói Ну, погоди – hãy đợi đấy và cuộc đuổi bắt lại tiếp tục trong tập sau (chính xác là 20 lần).

Nhưng nói thế không có nghĩa là không đáng xem hay nó dở, “Hãy đợi đấy” vẫn mang cá tính của riêng mình, một khí chất mà chỉ phim thế hệ phim cũ mới có được, điều đó dường như biến Sói và Thỏ thành một tác phẩm nghệ thuật, cũ nhưng đáng xem.

6. Nhóc Maruko (Chibi Maruko-chan)

Tác phẩm miêu tả cuộc sống đơn giản, thường ngày của cô bé có tên là Maruko và gia đình của cô tại ngoại thành Nhật Bản giữa những năm 1970. Bối cảnh câu chuyện diễn ra tại thành phố Shimizu, ngày nay là một phần của thành phố Shizuoka, cũng là quê hương của tác giả.

Những cậu nào có tuổi thơ đồng hành với cô bé Maruko, thì chỉ nhìn bức hình thôi cũng đủ phát ra âm thanh hay ‘’nói toẹt móng lợn’’ là bộ phim huyền thoại xem mỗi giờ ăn cơm!


Cơ mà nhạc mở đầu phim (Opening) rất hay, dù đã xem bao lâu đi nữa, tớ cá cũng đủ để gợi nhắc tuổi thơ của bất kỳ ai!

7. Tít và Mít.

Tớ không rõ phim và truyện cái nào có trước, nhưng chung quy thì đây là một trong những số ít bộ truyện hàng nội địa mà tớ vẫn còn giữ đến tận giờ.

Nội dung thì Tít và Mít là hai người bạn thân thiết của nhau và đều học chung trong cùng một lớp, với bản tính tinh nghịch, ham chơi của mình mà Tít và Mít luôn gây ra những rắc rối trong các giờ kiểm tra, ngày khai giảng, buổi cắm trại, thi nấu cơm,… Cùng với đứa em gái tên Tún hay mách lẻo của mình, sau những hành động quậy phá ấy, Tít sẽ luôn phải chịu những trận đòn roi của ba mẹ cậu dành cho cậu vì những việc đã làm.

Thế nhưng, Tít không chỉ nghịch ngợm thôi không đâu, mà cu cậu còn rất tốt bụng với mọi người, cùng bản tính dũng cảm và luôn muốn giúp đỡ người khác. Vì vậy mà cho dù cậu rất nghịch ngợm thế nhưng ai ai cũng đều quý mến cu cậu.

Thời điểm tớ xem rất hay, nhưng so với thời điểm hiện tại, do nét vẽ xưa cũ, để các cậu ở thế hệ mới tìm hiểu và xem thì cũng hơi khó. Nhưng hãy cứ thử xem, mỗi người mỗi gu mà, hêhê!

8. Bố Đầu Nhỏ Con Đầu To

Hai nhân vật chính trong phim có đặc điểm hình dáng giống y hệt như tên gọi. Đứa con có cái đầu to, rất nghịch ngợm nhưng thông minh và ngoan ngoãn. Ông bố thì trái ngược, cái đầu nhỏ xíu nhưng được cái rất thương con.

Hai bố con đã tạo thành cặp đôi hài hước tạo ra những tình huống dở khóc dở cười nhưng nhiều khi cũng không kém phần cảm động trong phim.

Hồi đó tớ vẫn hay đọc nhầm “Bố đầu to, con đầu nhỏ’’…

9. Thủy thủ Mặt Trăng (Pretty Guardian Sailor Moon Crystal)

Thương hiệu Thủy thủ Mặt Trăng đã quá thân thuộc với mọi người rồi ha (không riêng gì mấy cô nữ đâu, mấy cậu nam cũng mê lắm chứ đùa, trong đó có cả tớ), nhưng hầu hết mọi người đều biết bộ phim này thông qua HTV3, nhưng trước đó đã được chiếu trên đài VTV3 từ giai đoạn 1994 – 1998 và rồi dừng lại ở phần Sailor Moon S. Về sau các cô nàng về mái nhà HTV3 và được lồng tiếng lại. 

Bối cảnh chính của truyện là ở thành phố Tokyo, Nhật Bản thời hiện đại với nhân vật chính là Usagi Tsukino – một cô bé hậu đậu, học kém, làm việc gì cũng không nên thân, hay đi học muộn đã thế lại còn thường hay khóc nhè. 

Sau cuộc gặp gỡ định mệnh với mèo Luna, Usagi trở thành Thủy thủ Mặt Trăng (Sailor Moon) – chiến binh chính nghĩa tiêu diệt Thế Lực Bóng Đêm. Qua các cuộc chiến, cô gặp gỡ và kết bạn với các chiến binh khác là Thủy Thủ Sao Thủy (Sailor Mercury), Thủy Thủ Sao Hỏa (Sailor Mars), Thủy Thủ Sao Mộc (Sailor Jupiter), Thủy Thủ Sao Kim (Sailor Venus) và Tuxedo Mặt Nạ (Tuxedo Mask). Cả nhóm cũng dần khám phá ra thân thế thật sự của mình sau khi đồng hành chiến đấu cùng nhau.

10. Mật mã Lyoko (Code Lyoko)

“Mật mã Lyoko” kể về một nhóm học sinh trường trung học cơ sở Kadic, đó là Ulrich Stern, Yumi Ishiyama và Odd Della Robbia. Trong đó có Jeremie Belpois, cậu bé 13 tuổi đang học tại trường nội trú Học viện Kadic, cậu tình cờ phát hiện ra một siêu máy tính nằm trong một nhà máy bị bỏ hoang gần trường học. Sau khi máy tính được kích hoạt, Jeremie phát hiện ra một thế giới ảo gọi là Lyoko và rồi quen biết cô gái tên Aelita Schaeffer đang bị mắc kẹt trong siêu máy tính. 

Từ đó, một loạt các sự kiện kỳ ​​lạ bắt đầu xảy ra tại Học viện Kadic. Nằm bên trong máy tính này là một hệ thống thông minh tên là X.A.N.A với khả năng khống chế máy tính và mạng lưới điện toàn cầu, thậm chí điều khiển được con người. Mục tiêu của X.A.N.A là chinh phục thế giới và toàn thể nhân loại.

Chuyến xe trở về tuổi thơ vẫn sẽ tiếp tục kéo dài thêm một đoạn nữa, trước khi trở về nơi bộn bề, lo toan, hy vọng các cậu sẽ thích seri tự sướng này của tớ!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


6 cụng ly

  • - 23.11.2022

    Bài này hay ! Phải lên mạnh bia này


  • Anh nguyen - 25.11.2022

    Hồi bé xem có một series tên là “người máy”. Chỉ nhớ nhất là có nhân vật phản diện “tiến sĩ mắt chột”, xong kết phim thì có một đoạn phim ngắn người đóng. Bây giờ tìm mãi ko ra. Hy vọng chủ thớt đề cập đến trong các bài tới.


  • Omega Fadiz Tertas - 27.11.2022

    Nếu tôi nhớ đúng thì có một bộ tên “Anh hùng trên cao nguyên” phản diện là “Mắt chột”
    Còn 1 bộ tên “Người máy tia chớp” có nhân vật “Mặt lợn”
    Ông thử tìm xem, biết đâu lại ra


  • Đăng Bông - 01.12.2022

    Mình mất thông tin của bạn để chuyển nhuận bút, bạn vui lòng liên lạc lại email HSBT để mình chuyển nghe, sorry bạn


  • Thảo - 25.12.2023

    Sao mk tìm mãi không thấy phim hoạt hình super dog nhỉ muốn xem lại 1 lần để nhớ về tuổi thơ


  • Hidk - 29.08.2024

    mình muốn tìm 1 bộ hoạt hình chiếu trên TV lâu lắm rồi, đại khái về 7 người bạn ứng vs bảy sắc cầu vòng, mỗi người là một cá tính, hình dạng khác nhau. (không phải 7 anh em hồ hồ), mọi người có nhớ thì cho mình xin tựa bộ ấy nhé. cám ơn nhiều ạ.