Top 10 phim về sự cô đơn hay nhất
Cô đơn có thể khiến cho bạn từ một con người năng động biến thành một người trầm cảm, nỗi cô đơn giống như 1 con virus có thể dần dần ăn mòn tâm trí của chúng ta. Khi bạn cảm thấy lạc lõng giữa cuộc sống đầy đủ tiện nghi này hay bạn cảm thấy mất kết nối với chính những người thân trong gia đình của mình, bạn không còn duy trì được hứng thú với những đam mê của bạn. Đó là những dấu hiệu cho thấy nỗi cơ đơn đang dần nuốt trọn linh hồn bạn. Đối với cá nhân mình, mỗi khi mình cảm thấy cô đơn thì mình luôn tìm đến với thế giới điện ảnh, nơi mình có thể tìm thấy sự đồng cảm và thấu hiểu, nơi mình có thể sống cuộc sống của nhân vật trong đó để rồi tự tìm thấy định hướng cho bản thân mình. Nỗi cô đơn luôn là một đề tài được khai thác nhiều trong điện ảnh. Mỗi tác phẩm điện ảnh ở khắp nơi trên thế giới đều khai thác nỗi cô đơn ở các khía cạnh khác nhau. Vậy hãy cùng đến với list phim về những sự cô đơn hay nhất theo ý kiến của mình nhé.
1.Taxi Driver (1976)
Bộ phim kể về cuộc sống của Travis Bickle, một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam hiện đang làm lái xe taxi. Bộ phim khắc hoạ lý do mà Travis cảm thấy cô đơn là do không một ai trong xã hội Mỹ ở thời điểm đó có cùng quan điểm sống với anh.
New York năm 1976 là một nơi với vẻ ngoài phồn hoa, cơ sở vật chất được cải thiện ở mức rất tốt. Đấy là những gì mà các tay chính trị gia giao giảng cho người dân và truyền thông còn dưới góc nhìn của Travis là một nơi xập xệ, tràn ngập các tệ nạn như cướp giật, mại dâm,… Chính quyền hoàn toàn biết về những chuyện này nhưng lại làm ngơ trước những tệ nạn đó.
Travis đã bị người con gái mà anh có cảm tình Betsy bơ vì anh đã rủ đi xem phim khiêu dâm, cô đã hiểu lầm rằng Travis chỉ muốn làm tình với mình.
Travis dần dần cảm thấy cô đơn vì không tìm nổi ai có cùng suy nghĩ để chia sẻ cộng với sự ghê tởm với những tệ nạn trong xã hội. Anh đã quyết định rằng mình cần phải làm gì đó. Anh đã mua rất nhiều súng, anh thuê một cô gái gọi chỉ mới 13 tuổi để khuyên cô ây nên từ bỏ việc làm gái mại dâm. Cô bé Iris vô tội là nạn nhân của môi trường và hoàn cảnh đưa đẩy vào ngành mại dâm ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Một phần nào đó Travis thấy bản thân mình trong Iris, đều là những nạn nhân vô tội của một xã hội thối nát, những kẻ đã bị dòng đời cướp bẵng đi sự trong trắng.
Phân cảnh cuối phim có lẽ là phân cảnh gây sốc nhất khi Travis bắn chết những tay giang hồ làm bảo kê cho cô bé Iris. Để rồi sau cùng anh được tung hô vì đã góp phần thanh lọc xã hội đang mục ruỗng đó.
Không chỉ lên án xã hội Mỹ tại thời điểm đó, đạo diễn Martin Scorsese còn nói lên nhiều góc khuất trong tâm trí của con người, chúng ta được sống trong sự đủ đầy của vật chất thì vẫn luôn có những nỗi cô đơn chực chờ nuốt chửng lấy chúng ta.
2.Trùng Khánh Sâm Lâm (1994)
Bộ phim thứ 2 trong danh sách là một bộ phim Hong Kong được chỉ đạo bởi vị đạo diễn tài năng bậc nhất Hong Kong lúc bấy giờ đó là Vương Gia Vệ. Khác với Taxi Driver của đạo diễn Scorsese, Trùng Khánh Sâm Lâm mang đến một câu chuyện hoàn toàn khác. Bộ phim mang đến câu chuyện về 4 người trẻ đang loay hoay với cuộc sống của mình ở thành phố sầm uất bậc nhất châu Á lúc bấy giờ.
Bộ phim có 4 nhân vật chính và được chia thành 2 câu chuyện riêng biệt. Cậu chuyện thứ nhất kể về cuộc đời của anh cảnh sát Hà Chí Vũ và cô tội phạm do diễn viên Lâm Thanh Hà thủ vai. Hà Chí Vũ bị bạn gái chia tay trong đúng ngày cá tháng tư và anh tự cho mình 1 tháng để vượt qua nỗi đau. Cô tội phạm do Lâm Thanh Hà thủ vai cũng trải qua những khó khăn của riêng mình, cô không đặt niềm tin vào bất kỳ ai. Đến câu chuyện thứ 2, đạo diễn Vương lại mang đến một câu chuyện về anh cảnh sát mang số hiệu 633 do Lương Triều Vỹ thủ vai và cô gái ở quán đồ ăn tên Phi do Vương Phi thủ vai. Anh cảnh sát mang số hiệu 633 cũng đang phải vật lộn để vượt qua nỗi đau do chia tay giống Hà Chí Vũ ở câu chuyện đầu tiên. Phi ở tiệm đồ ăn nhanh thì không phải vượt qua nỗi đau nhưng cô lại chọn lối sống tách biệt, chỉ đến khi cô có cảm tình với 633 cô mới dần thay đổi. Bộ phim khắc hoạ cả 4 nhân vật đều rất cô đơn và lạc lõng trong cuộc sống này nhưng đó là vì họ chọn cuộc sống như vậy. Họ cần sự cô đơn để soi chiếu và tìm thấy đường đi cho riêng mình. Nếu như bạn đang gặp một cú sốc, một nỗi buồn trong cuộc sống thì hãy xem bộ phim này, nó sẽ mang đến cho các bạn sự đồng cảm và giúp bạn cảm thấy được thấu hiểu hơn.
3. Đoạ Lạc Thiên Sứ (1995)
Bộ phim này tiếp tục là một bộ phim do đạo diễn Vương Gia Vệ sản xuất và ra mắt năm 1995. Lý do mình chọn liên tiếp 2 phim của đạo diễn Vương do bộ phim này mang đến một câu chuyện cũng về sự cô đơn nhưng ở một góc độ trái ngược hoàn toàn với Trùng Khánh Sâm Lâm. Đoạ Lạc Thiên Sứ mở ra với hình ảnh sát thủ Minh đang thanh toán các kẻ mà anh được thuê để ám sát. Sau này chúng ta được biết rằng anh thực hiện các nhiệm vụ khi được một cô đối tác do Lý Gia Hân thủ vai. Cũng giống như Trùng Khánh Sâm Lâm, bộ phim lần này cũng gồm 2 câu chuyện chính và câu chuyện thứ hai kể về một chàng câm tên Hà Chí Vũ và hành trình anh cùng cô gái tên Charlie đi đánh ghen.
Khác với Trùng Khánh Sâm Lâm, bộ phim lần này kể về 4 nhân vật cô đơn nhưng không phải do họ tự chọn mà là do hoàn cảnh đã ép buộc họ làm vậy. Chàng câm Hà Chí Vũ, do anh bị câm nên anh đã không thể kết nối với thế giới xung quanh. Mọi người đều ruồng bỏ anh, người anh kết nối duy nhất chỉ có bố anh. Đến khi ông mất, anh hoàn toàn trở nên lạc lõng. Charlie thì bị người hôn phu của mình bỏ để cưới một người phụ nữ tóc vàng khác. Nhân vật Minh thì luôn thấy mặc cảm do anh là kẻ đâm thuê chém mướn nên anh luôn từ chối mọi mối quan hệ. Cô bị chính người đối tác của mình bỏ rơi bằng bài hát “Hãy quên anh đi”.
Có thể thấy bộ phim này đã mang lại một câu chuyện đen tối về những con người có thể coi là dưới đáy xã hội.
4. Into The Wild (2007)
In To The Wild là một bộ phim được đạo diễn bởi Sean Penn chuyển thể từ cuốn sách cùng tên dựa trên câu chuyện có thật về một chàng trai người Mỹ tên Chris McCandless. Tháng 5 năm 1990, McCandless tốt nghiệp loại xuất sắc từ Đại học Emory. Anh chán nản với xã hội hiện đại sau khi phát hiện ra mình và em gái Carine là con ngoài giá thú.
McCandless tiêu hủy thẻ tín dụng và giấy tờ tùy thân, quyên góp tiền tiết kiệm cho Oxfam và bắt đầu chuyến lái xe xuyên quốc gia trên chiếc Datsun 210 của mình để trải nghiệm cuộc sống nơi hoang dã. Anh không nói với cha mẹ mình cũng như Carine những gì anh đang làm hoặc nơi anh sẽ đến và không liên lạc với họ sau đó.
Bộ phim như một lời tuyên ngôn về việc chống lại cuộc sống vật chất và các định kiến xã hội. Nhân vật chính trong bộ phim cho rằng cuộc sống của anh ta bị chi phối quá nhiều bởi đồng tiền. Gia đình Chris tuy khá giả nhưng cha mẹ lại thường xuyên cãi vã, khiến cho anh không cảm nhận được hơi ấm từ gia đình. Có được tấm bằng đại học loại xuất sắc nhưng thay vì kiếm một công việc thì anh lại chọn từ bỏ vì anh thấy xã hội ngoài kia quá giả tạo và bản thân anh cũng chưa có định hướng gì. Bộ phim còn phản ánh về một bộ phận người trẻ thiếu định hướng nhưng không dám thay đổi. Chris đã dám thay đổi, anh đã dám thay đổi để rồi anh đã tìm thấy lý tưởng sống cho chính mình. Đó là tìm về với mẹ thiên nhiên. Những nơi Chris đi qua như được truyền thêm một nguồn năng lượng mới từ nhà máy lúa mì đến cửa hàng đồ ăn nhanh. Để rồi câu nói: “Hạnh phúc chỉ có được khi chia sẻ” của anh lại càng thêm ý nghĩa khi bộ phim khép lại.
5. Life of Pi (2012)
5 năm sau khi Into The Wild ra mắt, chúng ta lại được xem một bộ phim về một người thanh niên cô đơn giữa thiên nhiên hùng vĩ. Chỉ khác là lần này người xem sẽ được đưa xuống biển thay vì lên rừng như Into The Wild. Hành trình lênh đênh trên biển của Pi không chỉ mê hoặc người xem bằng CGI đẹp mắt mà còn mang đến một câu chuyện ý nghĩa về cuộc sống cho người xem.
Có lẽ rằng nhiều người sẽ thấy khó hiểu với cái kết của Life of Pi, hình ảnh Pi nằm gục trên cát và lắc đầu khi Richard Parker bỏ thẳng vào rừng mà không chào cậu. Và sau này khi kể lại, Pi đã rơi nước mắt khi nói về Richard Parker. Có lẽ rằng mối liên hệ của Pi và Richard Parker đã không còn là giữa một con người và một con hổ mà gần như là giữa phần con và phần người tựa hai bản ngã của một người hoàn chỉnh vậy.
Tuy nhiên, vẫn chưa dừng ở đó, lột bỏ hoàn toàn sự nhân văn, tác giả đưa chúng ta tới một sự thật trần trụi khi một câu chuyện thứ 2 được kể lại dưới lời kể của Pi cho các chuyên gia người Nhật Bản, một câu chuyện về bốn người trôi nổi trên chiếc xuồng cứu hộ giữa Thái Bình Dương. Giữa ranh giới của sự sống và cái chết, họ đã ăn thịt lẫn nhau. Những con vật trong câu chuyện cũ tượng trưng cho những người ở câu chuyện mới và chính Richard Parker là hiện thân của Pi, là phần con trong mỗi người, là kẻ sống sót cuối cùng.
6. A Single Man (2009)
Đây có lẽ là bộ phim đặc biệt nhất trong danh sách này khi nó không được chỉ đạo bởi một đạo diễn tên tuổi mà là một nhà thiết kế thời trang có đam mê mãnh liệt với điện ảnh. Tom Ford được biết đến như một nhà thiết kế thời trang cao cấp cho các hãng thời trang nổi tiếng mang tên ông. Thế nhưng đến năm 2009 Tom Ford đã làm cả thế sửng sốt khi ra mắt A Single Man. Bộ phim được dựa trên cuốn sách cùng tên của nhà văn Christopher Isherwood.
Bộ phim kể về ngày cuối cùng của George Falconer – một giáo sư đại học. Ông quyết định tự tử vì đã trải qua 6 năm ròng sống trong sự giày vò, đau đớn sau khi mối tình đồng giới của mình ra đi do tai nạn giao thông. Phim không chỉ mang đến cho khán giả sự trầm buồn, ủ rũ trong tâm trí của người chán ghét cuộc sống, mà nó còn đánh thức trong con người ta cái nhìn về tình yêu, khi lướt lại quá khứ của George với Jim, thấy hai người chìm vào trong tình yêu với nhau. Bên cạnh đó, phim còn cẩn thận gửi vào sự phản ánh của xã hội với những người đồng tính của thế kỉ trước, người hàng xóm luôn có sự quan tâm hỏi han với George nhưng luôn có nét ái ngại, sự tương phản giữa mối liên kết George – Jim với gia đình hàng xóm vợ chồng bên cạnh. Một bên là sự quan tâm của tình yêu, một bên là sự ràng buộc của hôn nhân.
Đây có lẽ là bức tâm thư từ một con người yêu điện ảnh bằng cả con tim, người thực sự hiểu được sức mạnh và chất thơ của điện ảnh.
7. Moon (2009)
Bạn đang làm việc một mình tại trạm vũ trụ trên mặt trăng, người bạn duy nhất bạn có là một chú robot. Một ngày nọ bạn đang làm việc thì phát hiện thấy một bản sao của chính mình giữa nơi đồng không mông quạnh và phải tìm ra chân tướng của sự việc. Đây chính là câu chuyện về Sam trong bộ phim Moon (2009). Lấy bối cảnh Trái Đất đang suy vong vì hết năng lượng, bỗng nhiên con người phát hiện ra một loại đá trên Mặt Trăng có thể giúp con người giải quyết vấn đề năng lượng. Sam là nhân viên được gửi lên trạm vũ trụ để thực hiện công việc khai thác này. Bộ phim là hành trình Sam đi tìm ra chân tướng sự việc. Bộ phim với cách dẫn truyện từ từ, chậm rãi khiến cho người xem cảm nhận rõ được sự cô lập của Sam ở ngoài không gian. Đan cài vào đó là những ẩn dụ đầy tính triết lý về con người như xã hội đang chi phối con người như nào, công nghệ và cuộc sống tiện nghi là thiên đường hay là đang cầm tù chúng ta.
8. Brokeback Mountain (2005)
Chắc hẳn các bạn bất ngờ lắm khi mình đưa một câu chuyện tình vào trong danh sách này đúng không? 2 con người yêu nhau cơ mà, họ có cô đơn đâu. Thế thì từ từ đã. Bộ phim kể về sự cô đơn của 2 chàng cao bồi đồng tính khi họ bị những định kiến xã hội cô lập mình.
Câu chuyện bắt đầu với việc 2 chàng cao bồi cùng nhau cùng nhau đi chăn cừu thuê trên núi Brokeback, qua những lần tiếp xúc và tâm sự 2 người đã hiểu và có tình cảm với nhau. Nhưng sau đó, khi công việc kết thúc, 2 người trở về nhà, đều lấy vợ, sinh con và có một cuộc sống như những người đàn ông bình thường.
Brokeback Mountain mang đến một câu chuyện vô cùng buồn về 2 anh chàng cao bồi đồng tính. Họ yêu nhau nhưng không thể đến với nhau vì những định kiến của xã hội về người đồng giới. Họ cũng không thể kết nối với gia đình nhỏ hiện tại của mỗi người do bản dạng giới của họ. Họ bị cô lập ở mọi mặt. Bộ phim của đạo diễn Lý An ngoài việc mang đến một câu chuyện buồn và rất đáng suy nghĩ thì còn mang đến những shot quay tuyệt đẹp về những vùng quê nước Mỹ những năm 60 của thế kỷ trước.
9. Lost In Translation (2003)
Sẽ ra sao nếu bạn lạc lõng giữa một thành phố xa lạ, do bất đồng ngôn ngữ nên bạn không thể giao tiếp với ai. Đấy chính là câu chuyện giữa Bob và Charlotte. Bob dù cho có sự nghiệp vững chắc, ông có một bản hợp đồng cực kỳ béo bở nhưng ông lại ghét công việc mà ông đang làm. Gia đình của ông đang bên bờ vực đổ vỡ với cuộc hôn nhân lạnh nhạt và đứa con trai đang dần xa cách với ông. Charlotte cũng đang gặp vấn đề với cuộc hôn nhân của mình. Chồng mới cưới của cô làm nhiếp ảnh gia nên anh ta chỉ mải chạy theo các ngôi sao mà bỏ vợ mình cô đơn. Charlotte đã thử đi học cắm hoa, hội hoạ, … nhưng do rào cản ngôn ngữ nên cô cũng không thể kết nối được với những người xung quanh cô.
Bộ phim có rất nhiều khung hình quay góc nhìn của Charlotte thông qua khung cửa kính, như khi cô nhìn Tokyo hoa lệ qua cửa kính khách sạn hay phân cảnh cô nhìn đường phố qua cửa kính tàu điện. Điều này như ám chỉ rằng cô có thể nhìn thấy mọi thứ nhưng không thể chạm tay vào nó. Bên cạnh đó, những khung hình quay đôi mắt mệt mỏi của Bob, Charlotte cầm ô đứng lạc lõng giữa đám đông, hay như khi họ cùng nhau trong phòng hát karaoke với những đoạn hội thoại rời rạc cũng tạo nên một bầu không khí cực kỳ ảm đạm.
10. The Elephant Man (1980)
Đây có thể coi là bộ phim kỳ lạ và độc nhất trong danh sách phim này. Phim kể về John Merrick, một người đàn ông dị dạng. Anh bị ông chủ của mình đối xử tệ bạc và lôi ra làm triển lãm để thu lời. Rồi một hôm, bác sĩ Frederick nhìn thấy John và quyết định mang anh về chữa trị và ông phát hiện ra John rất thông minh, có trí nhớ siêu phàm và có khả năng ăn nói lưu loát.
Bộ phim được coi là nhân văn nhất của David Lynch, đạo diễn vốn toàn làm những bộ phim siêu thực. Bộ phim đã khai thác được hết bản chất xấu xa của con người, đặc biệt là những người của tầng lớp trên. Họ sẵn sàng mang một người khuyết tật ra để trưng bày như 1 con thú vật. Một xã hội nơi mà giới thượng lưu bàng quan trước sinh mạng và cuộc sống của những người ở tầng lớp dưới. Nhưng cũng đồng thời David Lynch cũng khai thác những mặt tốt mà con người thông qua John.