Nay mình ngồi xem trailer Black Myth: Wukong lại nhớ thằng bạn Trung Quốc. Tên nó là Shao. Nó từng mở trailer Wukong và giới thiệu với tất cả đám sinh viên quốc tế, trong những ngày đầu cả đám gặp nhau. Cách nó nói cho thấy sự nhiệt tình và ẩn sự “yêu nước” bên trong. Cũng có thể nó thích Tôn Ngộ Không. Đến ngày cuối nó bảo tiếc là chưa có cơ hội chơi game với mình. Mình cũng tiếc điều này. Có những cái tưởng vớ vẩn nhỏ nhặt như vậy mà mỗi khi nghĩ lại thấy lấn cấn trong lòng.
Nó có một nhóm bạn chơi WoW với nhau. Đám bạn là bạn đại học của nó, và giờ đều đặn mỗi tối, mấy đứa lại tụ tập trong thế giới của WoW. Mình bảo có đám bạn chơi game mà chơi được với nhau lâu như vậy là hiếm. Có thể coi là may mắn hay thành tựu cuộc đời chứ chả đùa. Nó cũng chơi Liên Minh và một trò tên là Ai-vi-on mà mình không biết, chỉ nhớ là phát âm như vậy. Mấy trò không chơi nên mình cũng đứng yên cười trừ. Sau biết mình chơi Dota thì nó giới thiệu mình với một đứa người Nhật ngồi gần mình, rằng thằng này cũng là gamer đó, mày đừng thấy nó serious mà xa lánh nó, nó chơi cả Dota và CSGO đấy có biết không. Thằng kia mặt tươi tỉnh hẳn. Thế là từ sau thằng bé đó hiên ngang mở xem live Liên Minh trong giờ, không ngại ngùng giấu giếm.
Cứ chiều chiều tầm 2h nó lên lab, mua một hộp mì, hộp mì có hình con vịt mặt ngơ (hình như tên là nisin?) và ngồi xem Liên Minh đến khoảng 4h. 4h, khi bầu trời ửng đỏ thì một con bé người Nhật đến. Con bé tóc ngắn, có vẻ kiệm lời ít nói, giọng hơi lạnh, khác xa với những bộ phim mà mình hay xem. Con bé sẽ đến đứng sau thằng bé, chờ thằng bé thu xếp đống đồ lộn xộn trên bàn, rồi cùng nhau đi cân đo đong đếm mấy cục kim loại và mài giũa khoan cắt trong góc phòng. Tầm 5h, khi bầu trời tối dần và xa cách, cả nhóm sẽ ngừng tay và ngồi nói chuyện với nhau, quây gần thành vòng tròn. Dù cả đám con trai ngồi trên ghế nhưng con bé chỉ đứng, dựa mông vào mép bàn, và thường chỉ trả lời khi được hỏi. Mình quan sát đủ lâu để biết rằng, con bé này cũng biết là: nó giọng kém nhưng cười xinh. Nên nó cười bù phần nói. Ngồi một lúc thì cả hội giải tán, đâu đó tầm 6h, và con bé và thằng bé sẽ bắt chuyến xe bus lúc 6h15 để về thành phố.
Bến xe bus nằm ở một góc heo hút bên rìa trường. Trường mình ở trên núi, một góc tựa vào rừng có những cây rất cao mà mình chưa thấy bao giờ. Từ trường có con đường uống quanh rừng, một bên là rừng bám vào núi, một bên là cánh đồng lúa, mà mùa đông sẽ trắng xóa mênh mông do tuyết. Tưởng tượng lúc 6 hay 7h tối 2 đứa đi về với nhau trong gió tuyết và ánh đèn đường, con bé kia mà hỏi những câu kiểu như: “Hôm nay ai thắng?”, “Có cách lên đồ nào mới cho AD không?”… Rồi chúng nó sẽ hôn nhau trong cái trạm xe bus vắng teo, giữa cái đồng không mông quạnh đầy tuyết và trăng, thủ thỉ vào tai nhau những lời kiểu như “Anh sẽ là thằng AD mạnh nhất”. Nếu đúng như thế thì mừng cho thằng bé, có cái phúc phần hiếm có của đời. Nhưng chắc là không, may mắn thường nằm nhiều trong trí tưởng tượng. Ví dụ như đoạn trên là nằm trong trí tượng tượng của mình. Lúc 6h hai đứa nó về thì mình vẫn đang ngồi dính mông vào ghế, một cái ghế lạnh lẽo không chút tình người. Lúc 6h nhìn cảnh hai đứa đi về cùng nhau, khuất bóng sau dãy hàng lang trải dài và u quạnh màu đèn sáng trắng, mình hay tự hỏi thời đại học mình đã làm gì. Câu hỏi này không tốt cho sức khỏe. Vì hỏi xong thì mình thấy mệt mỏi, buồn bã và hối hận.
Trong cái phòng đó có một nhóm chơi game mobile với nhau, một trò gì đó rất mộng mị, có lẽ giống trò Âm Dương Sư từng phát hành ở Việt Nam. Mình biết cái tên vì mình tò mò, hỏi nan desukaa, chữ a kéo dài hi vọng, hi vọng rằng bọn nó sẽ tinh ý mà trả lời bằng tiếng Anh. Nhưng chúng nó mới ngoài 20, chúng nó không tinh ý cho lắm, chúng nó nói trời nói đất làm mình không hiểu. Đang ngơ ngác thì chị Thảo bảo giống trò Âm Dương Sư. Chị bảo hồi mới sang chị cũng chơi mấy trò như thế để “hội nhập”. Ngoảnh đi ngoảnh lại giờ không thấy ai còn chơi, đám mới vào thì chơi trò mới, đám cũ thì ra trường, tính ra cũng nhiều năm của chị đã qua rồi. Lúc vào chị trẻ nhất, khuôn mặt rạng rỡ tươi cười, vẫn nghĩ rằng có thể tốt nghiệp trong 5 năm, nhưng giờ đã già cả, đã thức tỉnh, đã hiểu, đã thành senpai. Chị bảo chúng nó phải gọi chị bằng cô, và giờ chị chỉ quát mắng chúng nó với vẻ bề trên nghiêm túc mẫn cán chứ không thể chơi cùng, mặc dù chị bảo, nhiều lúc nhìn chúng nó chơi ngu chị cũng thấy tức.
Thằng Shao với chị Thảo hay nói chuyện với nhau, một phần vì chị Thảo là senpai, một phần vì đồ án liên quan, nhưng phần chính là tính cách quảng giao của 2 người. Chị Thảo người Hải Phòng nên có tính cách Hải Phòng, tức là hành động nhiều năng lượng và phong cách có cái chất đanh và phần nào liều lĩnh vui vẻ. Thằng Shao thì dễ mến. Phải kể thêm là bố mẹ nó sống ở Mỹ, nên nó cởi mở, biết đùa và thích ăn KFC. Nó cũng như nhiều sinh viên Trung Quốc khác có vẻ thân với đám Việt Nam. Xét cho cùng thì cũng giống nhau. Giống nhau nên cách bị đối xử cũng giống nhau. Có lần nó nói với chị Thảo là tìm cách rủ mình đi chơi, vì thấy mình bị căng thẳng. Chị Thảo có nói lại với mình như vậy, cũng kể thêm là trước mình ở vị trí này cũng có một đứa Trung Quốc, làm được vài tháng rồi bỏ đi, sau vì có giáo sư Trung Quốc làm to trong trường nên chuyển sang đó, gây ra những sự tai tiếng không cần thiết. Nghe xong cũng thấy quý thằng Shao và cảm thấy gần gũi trong lòng.
Nó nhắc đi nhắc lại trò Wukong này phải đến mấy lần. Mặc dù mình không có lòng dạ nào mà nghĩ đến một trò xa xôi và không đúng gu, nhưng nghe thì cũng hay. Nó hay cố gắng giải thích cho mình, với cái vẻ chân thành sợ mình không hiểu. Nó rủ mình vào party WoW của nó, nhưng hồi đó mình dùng Internet của trường, bị chặn Battle.Net. Mình bảo là để lắp mạng riêng rồi mới chơi được. Cũng bảo với nó là thích vào trong party rồi làm mấy trò nhảm nhí lặp đi lặp lại như spam z, x, c rồi chat all kiểu “today is a good day”, rồi đi nhặt mấy cái vật phẩm đánh quái rớt ra, nhẩm tính phải đánh bao nhiêu con, nhặt bao nhiêu lâu mới đủ để đúc một cái kiếm. Một tuần một tháng hay một năm. Rồi suy nghĩ một năm là ngắn hay dài. Rồi thẫn thờ rồi phàn nàn kiểu trò chơi P2W quá đánh mãi không đủ cái kiếm còm là sao. Mà cái kiếm đó giá chắc 1 đô la chứ bao nhiêu. Ra đường đánh rơi 1 đô la chắc nhắm mắt hít vào thở ra là quên, nhưng trò chơi P2W ki bo cái kiếm thì mình sẽ lên đủ nơi trình bày ý kiến, viết bài ca thán đúng 1 tuần.
Thằng Shao bảo có cái expan mới WoW hay lắm, một thằng bạn tao trước bỏ nhóm giờ chơi lại với bọn tao rồi. Nó bảo mày chơi cùng thì vào party bọn tao, bọn tao cũng mới chơi được một hai tháng thôi. Mình nhận lời nhưng không có cơ hội để thực hiện. Giờ không biết party thằng Shao có còn không. Nó là một lời mời đáng nhớ, có lẽ nhiều năm nữa mình vẫn nhớ, và nhớ hơn nhiều lời mời khác của cuộc đời.
Thằng Shao tương đối giàu, chị Thảo kể bố mẹ nó là đại gia, giờ sống ở Mỹ. Nó sống riêng, thuê nhà riêng, chẳng quan tâm học bổng (mặc dù vẫn được học bổng) và nó học và làm với tâm thế thoải mái. Nó là “người Trung Quốc được yêu mến” trong cộng đồng. Cũng một phần là nó biết cả tiếng Nhật và tiếng Anh, không cạnh tranh (tiền quỹ, học bổng) với ai, không chơi theo nhóm. Mọi người luôn thấy nó đi một mình trên một cái xe đạp nhìn rất còm cõi cũ kĩ. Mình cũng không thấy nó chơi với đám “Trung Quốc đại lục”, vốn là một nhóm đông vui, ồn ào, và mình rất hay gặp ở siêu thị vì cùng mua những thứ giống nhau vào những khung giờ giống nhau (giờ giảm giá). Cảm giác nó sống tự tại và phần nào độc lập cô quạnh. Bố mẹ gia đình ở Mỹ, bạn bè cũ ở Trung Quốc, sống một mình ở Nhật Bản, mà thuộc loại thông minh có đầu óc, thông thạo 2 ngôn ngữ (chưa kể tiếng mẹ đẻ). Dạng như nó ở cái góc rừng núi này làm gì? Mình cũng muốn hỏi nó nghĩ gì mà ở đây lâu thế, cơ mà chưa có cơ hội. Giờ nghĩ lại có khi nó đến đó để sống một mình và chơi WoW hàng đêm. Sống như vậy vài năm có khi sẽ trở thành người hiền hậu, vui tính và biết thương người.
:”(( thiết nghĩ senpai nên in tạp văn thành bộ.