Chào mấy ông! Trần Huy đây, năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, lời nói đầu môi, tui xin chúc những anh em trên Hiệp sĩ bão táp, những người đang đọc bài viết này, có một năm mới 2019 thật nhiều niềm vui và hạnh phúc, bỏ hết những chuyện buồn đau ở quá khứ và đón nhận thật nhiều chuyện vui tươi ở năm mới 。^‿^。.
Chúc đủ rồi, vào vấn đề chính nào. Chả là vừa qua, khi đang lướt newsfeed ở Facebook, tui có bắt gặp một bức ảnh khá là hài hước, nhưng cũng khá buồn khi nó phản ánh rất đúng thực trạng ngày Tết của những gamer (đặc biệt là những gamer PC như chúng ta), bức ảnh đây nè.
Nhìn vào bức ảnh chúng ta cũng dễ nhận ra phải không? Một gamer cắm mặt vào máy tính, kể cả dịp Tết, nhiều ông sẽ bảo tui là “úi giời nghiêm túc thế, làm gì đến nỗi như vậy, bla bla…” Thật sự mà nói những ngày Tết là lúc chúng ta có thời gian rảnh, và cũng là lúc tụ họp gia đình với nhau, sẽ chẳng hay ho và không đẹp mắt nếu cứ cắm mặt vào máy tính, tại sao chúng ta không đóng máy tính lại, bước xuống nhà và giao tiếp với gia đình? Từ việc nói chuyện về những dự định tương lai, về việc có người yêu, công việc hiện tại, ước mơ sau này, cho đến phụ giúp gia đình việc nhà, cùng cả nhà đón pháo hoa, xem táo quân,…
Và tất nhiên, xen kẽ với những việc đó không thể thiếu những lúc rảnh rang, vậy rảnh tay thì làm gì? Lại leo lên máy tính ngồi à? No no no, tui có ý này hay hơn đó là:
CHƠI GAME TRÊN ĐIỆN THOẠI!!!
Những game tui lọc ở dưới đây đều là những game được port (chuyển thể) từ PC lên Mobile,nên anh em sẽ không thấy bỡ ngỡ vì chúng đã quá quen thuộc với chúng ta rồi, hihi.
Hỏi: Nhưng tại sao lại là chơi trên điện thoại? Chơi trên PC không sướng hơn à?
Đáp: Chơi trên điện thoại thứ nhất là nó cơ động, mang vác hợp lý, bỏ vừa túi quần, Tết đến cũng là lúc chúng ta về quê ăn Tết, đi ra ngoài khá thường xuyên, đi thăm bà con, đi dọn mồ mả, đi chúc Tết, đi lên chùa cầu duyên, cầu sự nghiệp, bla blo… Đương nhiên là chúng ta không vác được cái máy ra ngoài rồi nhỉ?
Hỏi: Tui có phải tốn $ để tải chúng không?
Đáp: Thật tiếc là có, nhưng chúng đều là những tựa game rất hay, có tiếng tăm ở trên PC, nên việc port lên Mobile và có giá hơi cao (so với người Việt) là một điều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, với những người chơi game lậu, các anh em biết phải làm gì rồi, nên tui sẽ không hướng dẫn về phần này, cơ bản vì tui không truyền bá việc chơi game lậu.
Hỏi: Có vẻ như toàn là game offline và phiêu lưu, đi cảnh, tại sao vậy?
Đáp: Như đã nói ở trên, ngày Tết là ngày sum họp gia đình, thường xuyên phải ra ngoài,chúng ta đều không muốn rơi vào cảnh tượng:
- Mẹ: Ra dọn nhà nào con ơi!
- Con: Đợi con tí mẹ ơi, con đang trong trận, đang gánh team cực mạnh.
- Mẹ: Tao không cần biết, dừng game lại và ra ngoài dọn nhà ngay!
- Con: Nhưng game online không thể dừng được…
Đấy, tui cá là rất nhiều người gặp trường hợp đó, vậy nên lựa chọn game offline và đi cảnh là hoàn toàn hợp lý. Tại sao lại đi cảnh nhỉ? Ngày Tết mà,để đầu óc thư giãn đi. Chúng ta sẽ không muốn cắm mặt vào try hard mấy tựa game khó nhằn đâu.
Hỏi: Lắm mồm quá, danh sách game đâu?
Đáp: As you wish, sir!
1. Stardew Valley (179.000 VND – 253 MB)
Tựa game đầu tiên trong danh sách (cũng là game tui thích) đó chính là Stardew Valley, sơ lược một chút, game kể về một ông già ngày nọ sắp hẹo, để lại cho nhân vật chính một phong thư, bảo rằng khi nào thấy cực kỳ chán nản trong cuộc sống hãy mở ra. Nhân vật chính cầm phong thư và cũng rất ngoan ngoãn nghe lời không tò mò gì cả, một ngày, khi đang làm việc bàn giấy như những con người hiện đại khác thì nhân vật chính thấy nản vãi cả lồng, thế là anh mở toẹt ra, trong đó ghi: “Bố mày để lại cho mày mảnh đất ở thung lũng Stardew, hãy đến đó vì bây giờ tao biết mày buồn chán vãi cả lông ra rồi.” Thế là chàng bắt xe đò Grab ra Stardew, và cuộc hành trình làm nông dân bắt đầu từ dạo đó.
Tựa game này không chỉ có mỗi làm nông, không chỉ có mỗi việc trồng cây, cuốc đất, đập đá, câu cá, nó còn sở hữu hệ thống combat đơn giản cùng các chỉ số nhân vật như “farming”, ”combat”,… bla bla, nói tóm lại, ai đã từng combat trong Minecraft, Terraria thì sẽ thấy hệ thống combat trong game này tương tự thế. Đặc biệt hơn cả là trò chơi này chỉ được phát triển bởi một người duy nhất, Eric “ConcernedApe” Barone, và anh cũng dồn hết tâm huyết của mình vào tựa game, có lẽ chính vì thế mà game đã đạt được rất nhiều thành tích lớn nhỏ, cả trên PC lẫn trên Mobile. Còn nữa, đây là tựa game có tính chơi lại rất cao, và để hoàn thành toàn bộ game thì cũng rất dài hơi, đúng nghĩa “easy to play, hard to finish”.
2. Gone Home (116.000 VND – 734.6 MB)
Câu chuyện bắt đầu khi người chị gái Katie trở về nhà sau một chuyến ra nước ngoài (hình như du lịch, hông rõ nữa) xách đít tới nhà đặt vali xuống thì nhà trống không, đã thế lại còn khóa cửa, chẳng ai báo trước cho cô về sự biến mất đột ngột này, chuyện gì đã xảy ra vậy? Cùng lao vào tìm hiểu nào.
Về tựa game này,nếu bạn là người thích đánh đấm, hay không thích mấy tựa game có nhịp độ chậm rãi, êm đềm, hoặc bạn mong chờ một tựa game kinh dị với nhiều màn jumpscare sợ rớt tim thì bạn chắc chắn sẽ thất vọng với tựa game này, bởi xuyên suốt từ đầu tới cuối, việc bạn làm là khám phá ngôi nhà trống không, chứa đựng bao nhiêu bí mật, nội tâm của từng thành viên trong gia đình – những thứ mà bình thường bạn sẽ không bao giờ khám phá ra được, sẽ chẳng có một con ma quỷ nào nhảy từ tủ ra hù bạn, cũng chẳng có thành viên gia đình nào núp dưới gầm giường cả, bạn chỉ có một mình, cả ngôi nhà là để bạn khám phá, chấm hết.
Về nhận xét của tui, ý tưởng của game khá độc đáo, tuy nhiên kén người chơi, nên nếu bạn thích game chậm rãi, đi lung tung khám phá này nọ, thì hãy chơi, tuyệt nhất là đeo headphone vào, và chơi Gone Home bên cạnh một tách cà phê.
3. Titan Quest HD (149.000 VND – 1,3 GB)
Hỏi: À ừm, tôi thích Diablo lắm, chặt chém cày đồ khá hay, nhưng trên mobile thì có vẻ tôi chả có lựa chọn nào ngoài cái mớ hỗn tạp mang tên Diablo Immortal?
Đáp: Chuẩn rồi,nó được Blizz(ret)ard xem là Diablo chính thức và chuẩn mực trên Mobile, nhưng thực sự nó là một mớ hỗn tạp. Trong trường hợp đó,bạn có thể nghía qua chú em Titan Quest, tựa game cũ mà hay này.
Game sẽ dắt bạn về với thời đại thần thoại, lúc mà các vị thần vẫn còn gato và acay khi có đồng chí người phàm nào đấy giỏi hơn mình, khi mà chú Zeus vẫn chưa giữ được họa mi trong quần mà cứ để nó đi lung ta lung tung. Bạn sẽ nhập vai vào người hùng của dân chúng, đi đấm mồm mấy con quái nhằm mang lại bình yên cho dân lành.
Game sẽ cho các bạn nâng chỉ số tùy thích mỗi khi lên level (STR, DEX, AGI,…) cộng điểm vào skill, giết quái rớt đồ, bla bla…
Theo tui thấy,ngoài việc cái cách di chuyển nhân vật trên Mobile đụt dữ dằn và hay bị crash game (nghe bảo, không biết fix chưa) thì đây là tựa game đáng để chơi, là mảnh đất trong lành giữa rừng game online cày cuốc pay2win hiện nay.
4. This War of Mine (329.000 VND – 654,7 MB)
Đàn bà khóc khi coi phim Hàn Xẻng, Tàu Khựa. Đàn ông khóc khi thấy Ghost trong Call of Duty bị toang mồm và khi chơi This War of Mine. Chúng ta đã chơi những tựa game về chiến tranh rồi phải không nào? Nhưng stop đã, 10 games thì có game nào cho bạn nhập vai vào dân thường – tầng lớp gánh chịu hậu quả nặng nề nhất chưa?
Tựa game này sẽ cho bạn cảm giác được làm dân đen trong chiến tranh. Bạn sẽ được game cho điều khiển ba nhân vật, ở trong một cái nhà trông như sắp sập tới nơi, để hoàn thành game bạn phải sống sót qua số ngày game giao (hình như là 20, lâu rùi tui hông chơi lại). Để sống sót, bạn phải điều khiển ba cu đụt này đi lượm lặt đồ ăn, thức uống, súng ống, những thứ có thể trao đổi như thuốc lá, tiền, rồi sau đó là chế tạo đồ, bla bla…
Lượm lặt hết thì phải đi xin, đi cướp, ơ stop đã, cướp của ai? Xin của ai? Của quân đội à? Có, bạn cướp hay xin của chúng nó được, nhưng ở đây tui xin phép chỉ bàn về thường dân. Game rất hay khi đánh vào tâm lý thương hại của chúng ta bằng những hình ảnh tang thương, đau đớn của thường dân mỗi khi ta đến thăm nhà họ, ông kia thì có mẹ bị ốm, cần thuốc men, bà kia thì chồng chết, đang sống vật vã qua ngày, v.v… Rất nhiều hình ảnh chân thực tới mức rất nhiều gamer đã phải rơi lệ vì tựa game này. Tôi xin phép kể về một kỉ niệm buồn khi chơi nó.
Chuyện là hôm ý tôi đi cướp cái nhà của hai ông bà già, bà già bị ốm, nên ông già phải canh nhà, tôi thì chỉ định xin đểu ít tài nguyên thôi, nhưng ông già làm dữ nên tôi xiên ổng luôn, thế là tôi vét tài nguyên (nhưng vét không hết do đầy balo) rồi chuồn, hôm sau tôi quay lại căn nhà đó, bà vợ chẳng còn nằm trên giường bệnh nữa, bà gục khóc bên xác của ông chồng. Kể từ lúc đó,tôi không còn đụng vào TWOM nữa, bởi tôi – một người ít khi đổ nước mắt, nhưng cũng rất nhạy cảm với mấy cảnh này, nếu tôi chơi nữa thì tôi sợ sẽ khóc mất. Thế là tôi dẹp game luôn.
Đây là một tựa game màn hình ngang, nhưng không vì thế mà nó kém đi độ hồi hộp, nhất là lúc sắp combat và combat, cảm giác biết có thứ gì gây tiếng động đằng sau cái cửa nhưng không biết được, lúc thì đó chỉ là con chuột mà NSX đưa vào để cú lừa người chơi, lúc thì đó là thằng quân đội củ hành tay cầm cây S686 sẵn sàng phơ bất kì chú nào bước vào, ai mà biết được, nói hết thì mất hay, vì thế hãy chơi TWOM nếu bạn muốn khóc, và muốn hiểu cảm giác làm dân đen như thế nào trong mùa chiến tranh!
5. To the Moon (109.000 VNĐ – 1,3 GB)
Làm các gamer lệ cay khóe mi không kém chính là To The Moon, kể về hai vị tiến sĩ chuyên sử dụng công nghệ để sửa lại giấc mơ, kí ức cho những bệnh nhân hoặc những người cao tuổi sắp lìa đời mà vẫn nuối tiếc về quá khứ. Một ngày nọ, họ gặp một ca khá “kì quặc”, đó là ông lão đang hấp hối Johnny, ông bảo rằng ông muốn “lên mặt trăng”. Tại sao ông lại muốn “lên mặt trăng”? Ông cũng không rõ, hai vị tiến sĩ cũng thế, vì vậy chỉ còn cách sử dụng công nghệ để đi vào kí ức của ông, quay về quá khứ, thời trai trẻ, giải từng câu đố, xâu chuỗi những dữ kiện quan trọng trong cuộc đời, như người vợ tên River, con thỏ giấy, ngọn hải đăng,… tất cả đều hiện ra từ từ, rõ nét, và hơn hết là cả câu chuyện ý nghĩa đằng sau từng đồ vật, sự kiện.
Nhắc đến To the Moon, là người ta nhắc đến những bản OST tuyệt đỉnh trong game, chúng đều được viết một cách tỉ mỉ và chuyên nghiệp dưới tay nhà soạn nhạc trò chơi điện tử – Laura Shigihara, cô cũng đồng thời soạn nhạc cho tựa game nổi tiếng Plants vs Zombies.
Cũng như Gone Home, tui recommend chơi game này bên cạnh một tách cà phê và đội một cái tai nghe.
Đôi dòng từ Trần Huy
Ai dám bảo rằng game là thứ độc hại, chỉ toàn chém giết, bắn phá lẫn nhau? Ai dám bảo rằng game không mang đến những cung bậc cảm xúc cho tâm hồn?
Game cũng như sách vậy, có những cuốn sách vô bổ, đồi trụy, cũng như có những tựa game đầy độc hại về tiền bạc và thời gian.
Người khôn ngoan là người biết chắt lọc ra những gì tốt nhất cho bản thân để học hỏi. Tôi mong sau cái list game mobile mùa Tết này, các bạn sẽ có những giây phút thật giải trí, thật thoải mái, và trên hết là rút ra được những bài học cực kì quý báu trong những tựa game trên. Xin chào và hẹn rất lâu gặp lại.