Với việc Silent Hill 2 remake cùng một loạt các dự án Silent Hill khác được công bố, dòng game kinh dị tâm lí kinh điển của Konami đã chính thức trở lại sau 10 năm vắng bóng. Một điều tôi để ý đó là ngoại trừ Silent Hill f là do một studio Nhật Bản thực hiện thì các dự án còn lại đều của các studio phương Tây. Và nếu bạn là fan hoặc ít nhất gắn bó với dòng game SH thì sẽ đều quen thuộc với quan điểm số đông rằng các game SH của phương Tây không hấp dẫn bằng nếu không muốn nói là vô cùng yếu kém so với 4 game SH đầu tiên do Team Silent tạo nên. Bản thân tôi vốn đã chơi gần như toàn bộ dòng game Silent Hill (ngoại trừ Shattered Memories và Book of Memories) dù cho vẫn thấy nhiều điểm tích cực ở một số phiên bản sau phần 4 thì cũng phần nào đồng tình với điều này. Tôi vẫn nghĩ rằng một studio phương Tây với đủ tài năng, kinh nghiệm và tâm huyết vẫn có thể tạo nên một game Silent Hill xuất sắc, vậy nhưng rốt cuộc thì tại sao các game SH phương Tây lại thường kém hấp dẫn đến vậy?
Đầu tiên tôi xin được phép hỏi những người đã chơi hoặc xem cốt truyện của 4 tựa game Silent Hill rằng các bạn có thực sự nắm rõ hết những gì đã diễn ra trong các tựa game trên hay không. Bởi công bằng mà nói đa phần những người đã trực tiếp trải nghiệm game cũng chưa chắc đã nắm rõ được hết nội dung của chúng. Đầu tiên cần nhấn mạnh rằng Silent Hill lấy cảm hứng chính từ các bộ phim surreal của David Lynch hay David Cronenberg, ví dụ như Eraserhead, Twin Peak, Videodrome, Existenz, Lost Highway, Blue Velvet, Mulholland Drive,… cùng với đó là một số phim tương tự như Jacob’s Ladder, The Shining, Santa Sangre,… Điểm chung của các bộ phim surreal trên đều bao gồm các chi tiết và hình ảnh vô cùng trìu tượng và khó hiểu, bởi surreal là một trường phái nghệ thuật nhấn mạnh vào việc thể hiện giấc mơ của con người, cụ thể là những kiểu giấc mơ cực kì lố bịch và khó hiểu mà hẳn ai cũng trải qua vài lần.
Bởi thế nên có thể nói mỗi người sẽ lại có một cách nhìn và quan điểm riêng nội dung và hình ảnh của Silent Hill cũng như các phim trên, thậm chí một người cũng sẽ thay đổi góc nhìn nếu chơi game hay xem các phim đó những lần tiếp theo. Điều này vốn cũng là chủ ý của các tác phẩm surreal khi chính đạo diễn David Lynch, người truyền cảm hứng lớn nhất cho Silent Hill cũng nói rằng ông không muốn giải thích phim của mình dù nó khó hiểu đến thế nào mà thay vào đó là để người xem tự đưa ra góc nhìn của riêng mình. Vậy nên đến nay nếu lên các diễn đàn, hội nhóm hay video phân tích về SH thì bạn có thể thấy muôn vàn giả thiết cũ mới về những tựa game này, nhiều nhất vẫn là Silent Hill có các chiều không gian khác nhau hay thị trấn này có tri giác như một thực thể sống và trực tiếp tác động nhân vật chính, vân vân.
Đúng là việc fan đưa ra các giả thiết khác nhau là điều gần như có chủ đích bởi Silent Hill vốn cũng là surreal, vậy nhưng thực sự thì đa phần những gì diễn ra trong 4 game trên đều có thể giải thích được nếu bạn chịu khó chơi chúng nhiều lần, xem kĩ từng chi tiết (đặc biệt là các ghi chép trong game) hoặc ít nhất là xem thông tin đưa ra từ phía nhà phát triển hoặc chi tiết nhất vẫn là từ wikia fandom của game. Theo đó ta có thể giải thích ngắn gọn rằng thị trấn Silent Hill được người thổ dân bản địa coi là có năng lực tâm linh cực lớn, cụ thể thị trấn này có khả năng “hiện thực hóa” suy nghĩ và giấc mơ của một nhân vật thành hiện thực ở một góc độ nào đó, thường là mặt tiêu cực. Cứ hiểu rằng trí óc nhân vật này đang nhìn nhận được những thứ mà chỉ họ thấy được, như một giấc mơ nửa thực nửa ảo từ trí óc của một người khác hoặc chính họ. Trong Silent Hill 1, giáo phái tôn thờ ma quỷ của thị trấn muốn tận dụng năng lực tâm linh nơi này để tạo nên “thiên đàng” (cứ hiểu rằng bọn họ muốn sống trong giấc mơ địa ngục của mình), bởi vậy đã tìm cách hiến tế Alessa.
Bởi vậy mà phần 1 có thế giới và quái vật xoay quanh ác mộng và suy nghĩ tiêu cực của Alessa. Sang đến phần 2 khi mà Alessa và Cheryl được nhập lại làm 1 và đưa khỏi thị trấn thì Silent Hill tiếp tục tái tạo “địa ngục” của 3 nhân vật tới đây đó là James, Eddie và Angela, trong khi đó Laura vì là một đứa trẻ ngây thơ vô tội nên không thấy gì tại đây. Điều tương tự cũng xảy ra với Heather trong phần 3 và Walter trong phần 4 khi thị trấn tái hiện suy nghĩ và ác mộng của họ. Bởi chi tiết này còn phức tạp hơn nhiều nên tôi sẽ chỉ nói ngắn gọn như vậy, bạn đọc có thể tự tìm hiểu thêm trên mạng. Đồng thời còn vô số các chi tiết nhỏ quan trọng khác trong các game này mà kể cả fan cứng SH cũng chưa chắc nắm bắt được.
Và vấn đề ở đây đó là sau phần 4, các nhà phát triển phương Tây rõ ràng cũng không nắm bắt được đẩy đủ nội dung gốc và dựa quá nhiều vào giả thiết của các fan, dẫn tới việc cốt truyện và nội dung của các game này không được “hòa hợp” với các phần trước cho lắm. Điển hình như Silent Hill: Origins vốn là prequel của phần 1 thế nhưng có vô số các tình tiết cốt truyện không hề ăn khớp giữa 2 game. Điển hình là việc trong phần 1 lí do Alessa bị bỏng toàn thân là do nổ lò hơi tầng hầm gây hỏa hoạn trong khi hiến tế, vậy nhưng trong Origins thì Dahlia lại chủ động thiêu Alessa như một phần nghi lễ, còn rất nhiều chi tiết khác nữa nếu bạn đã chơi 2 game. Chính bản thân nhà phát triển Climax Studios sau đó cũng cho biết là do quá trình phát triển kém thuận lợi cũng như bản thân họ không nắm rõ hết nội dung phần 1 nên mới dẫn đến việc này.
Sau đó Silent Hill: Homecoming cũng gặp vấn đề tương tự khi game cho rằng giáo phái thờ ác quỷ có khả năng “điều khiển” năng lực tâm linh của Silent Hill, qua đó áp đặt điều tương tự lên thị trấn Sherpherd’s Glen gần đó, cùng với đó là việc quái vật trong game là thật và các nhân vật khác đều thấy chúng như nhân vật chính Alex. Và Silent Hill: Downpour thì cho rằng thị trấn này có tri giác và đang “dạy bài học” cho các nhân vật tại đây với luật chơi riêng cùng vòng tuần hoàn của nó. Vậy nên các phiên bản sau đó cốt truyện có thể nói là kém đồng đều và ăn khớp, có thể dễ dàng cảm thấy chúng giống fanfic hơn là cái gì đó tiếp nối 4 game đầu.
Bên cạnh đó nếu bạn đã chơi cả 3 tựa game SH trên (và có lẽ cả Shattered Memories) thì sẽ đều thấy chúng na ná nhau ở điểm, đó là đều cố gắng bắt chước Silent Hill 2 ở một góc độ nào đó. Bởi đương nhiêu nếu đa phần fan cũng như những ai biết đến SH đều coi phần 2 là xuất sắc nhất, phần lớn nhờ vào cốt truyện và nhân vật gần như không chê vào đâu được của nó cùng nội dung mang tính người lớn cực kì sâu sắc và đáng suy ngẫm. Và theo tôi nhận thấy thì dường như phần đông mọi người, bao gồm cả fan khi nhắc đến Silent Hill là chỉ nghĩ đến phần 2 mà ít khi nhắc đến các game khác của Team Silent dù cho chúng cũng có cốt truyện, nhân vật và gameplay cực kì ấn tượng và xuất sắc (theo tôi thì đa phần bạn đọc cũng vậy), cũng phải tự nhiên mà chỉ nó được remake. Và Silent Hill 2 thực sự đã thành nỗi ám ảnh cho các nhà phát triển SH sau đó khi cố gắng lặp lại phép màu tương tự.
Bởi vậy nên 4 game SH phương Tây đều có yếu tố sao chép từ phần 2 như: nhân vật chính đến với thị trấn vì biến cố trong quá khứ đeo bám mình (thường là tội ác), một cú plot twist gần cuối game tiết lộ biến cố đó và một con quái vật là hiện thân cho biến cố hay tội ác đó đeo bám cũng như trừng phạt nhân vật chính cho đến cuối game. Trong số 4 game SH phương Tây này, chỉ có Shattered Memories có cốt truyện được đánh giá cao, Downpour thì được coi là khá, Origins bị cho là kém nổi bật và Homecoming bị chê bai thậm tệ. Công bằng mà nói đây không chỉ là vấn đề của riêng SH khi nhiều game khác lấy cảm hứng từ SH cũng coi như dòng game này chỉ có phần 2 và cố gắng sao chép nó.
Và yếu tố theo tôi được sao chép nhiều nhất chính là Pyramid Head khi giờ đây nó được coi là biểu tượng của dòng game này cũng như việc các game kinh dị tâm lí khác cũng cố gắng có được một phiên bản quái vật tương tự, cả về mặt thiết kế lẫn tính biểu tượng. Bản thân cha đẻ của Pyramid Head là Masahiro Ito cũng tỏ ra ngán ngẩm khi ai cũng cố sao chép quái vật của mình. Trong chính dòng game SH, không chỉ bị sao chép trong Origins với Butcher hay Homecoming và Downpour với Bogeyman (2 quái vật khác nhau cùng tên), thậm chi Bogeyman của Homecoming có hình dáng sao chép y nguyên Pyramid Head. Đó là chưa kể 2 bản phim người đóng, Pyramid Head xuất hiện như thể siêu phản diện cơ bắp trong Marvel hay DC thay vì hình dáng tàn tạ và thê thảm trong phần 2.
Đúng là việc Pyramid Head xuất hiện bên ngoài phần 2 thường là do Konami muốn quái vật kinh điển này xuất hiện nhiều hơn hay người thực hiện phim và game muốn một chút “fan service”, thế nhưng nếu ai nắm rõ nội dung của Silent Hill 2 sẽ phải đồng ý với tôi rằng Pyramid Head chỉ nên ở trong phần 2 mà thôi. Bởi Pyramid Head là hiện thân cho việc James Sunderland muốn tự trừng phạt bản thân mình (nó vốn xuất phát từ bức hình đao phủ anh nhìn thấy trước đây tại thị trấn), bởi vậy Pyramid Head chỉ nên là sản phẩm trong đầu James mà thôi.
Đồng thời một yếu tố cốt lõi nữa cho việc các game SH phương Tây kém thành công đó là việc chúng chạy theo xu thế ngành game đương thời, thậm chí chúng cũng phản ánh khá đúng thực trạng ngành game khi đó. Cụ thể thì bởi thành công vang dội của Resident Evil 4 vào năm 2005 gần như thay đổi hoàn toàn cục diện ngành game khi đó, đặc biệt là với thể loại game kinh dị khi nhà phát hành muốn camera sau lưng nhân vật chính cũng như đề cao yếu tố hành động. Cũng vì thế mà Team Silent bị Konami cho giải thể và giao dòng game SH cho các nhà phát triển phương Tây. Cụ thể thì Silent Hill: Origins ban đầu có camera sau lưng và nhấn mạnh vào hành động giống với RE4 cho đến khi Climax Studios đóng của trụ sở LA và chuyển cho phía UK thực hiện, game chuyển sang dạng camera, điều khiển và gameplay giống 4 game đầu tuy nhiên vẫn đề cao hành động và có QTE (quick time event).
Silent Hill Homecoming do Double Helix Games phát triển gần như chuyển sang hành động chặt chém với combo và QTE khá giống God of War lúc đó, cùng với cho phép chọn lời thoại và hành động cho nhân vật như các game RPG của Bioware hay Bethesda khi ấy. Shattered Memories cũng là kết quả của xu thế điều khiển chuyển động (motion control) và được phát triển riêng cho Wii. Sang đến Downpour, game cũng ảnh hưởng bởi xu thế game thế giới mở khi đó (nhà phát triển Vatra Games là các cựu bình thực hiện Mafia 1 và 2), cùng với đó cũng duy trì mốt QTE và chọn lời thoại cùng hành động cho nhân vật. Và riêng với Book of Memories thì ban đầu vốn dự định là kinh dị giải đố thế nhưng sau đó Konami yêu cầu Way Forward biến game thành dungeon crawler để bắt trend Diablo III khi đó. Và với việc game kinh dị sinh tồn ngày càng thất thế trên thị trường thời điểm Downpour ra mắt vào 2012, thay vào đó là việc game hành động tốc độ cao như Call of Duty, Uncharted và Gears of War thống lĩnh thị trường thì không có gì ngạc nhiên khi Konami hết hứng với Silent Hill, chính bản thân Resident Evil cũng ảnh hưởng bởi xu thế với RE6 là ví dụ rõ nhất.
Vậy thì cách nào hiệu quả nhất để các nhà phát triển phương Tây có thể tạo nên một game Silent Hill chất lượng? Trong bài có lẽ bạn thấy tôi không đề cập mấy đến Silent Hills PT của Kojima hay đánh giá cao Shattered Memories, lí do là bởi Silent Hills vốn dự định là reboot và Shattered Memories là reimagination của Silent Hill, về cơ bản chúng không liên quan hay phụ thuộc gì đến mạch truyện chính của dòng game Silent Hill, qua đó nhà phát triển có thể tự do sáng tạo và mở ra những chân trời mời. Đó cũng là lời khuyên của tôi như fan Silent Hill, đó là mạch truyện về cơ bản có thể coi là kết thúc từ Silent Hill 3, thay vì cố gắng bám theo 4 phần đầu cũng như cố sao chép phần 2, các nhà phát triển nên vượt khỏi giới hạn đó và thực tạo nên bản sắc riêng cho tựa game SH của mình.