Đánh giá Vagabond – khúc tráng ca của đời võ sĩ đạo.

Khách mới

  

Anh Đăng và các bạn có yêu cầu review Vagabond. Đây là việc mình cũng muốn làm từ lâu. Bài này mình viết trong tâm trạng rất hào hứng nên có hơi dài, mong các bạn bỏ qua.
———————–

Nếu chỉ được đọc một bộ manga trong đời, mình chọn Vagabond.

Nếu chỉ được sở hữu một bộ manga trong đời, mình chọn Vagabond.

Nếu chỉ được giới thiệu một bộ manga cho bạn bè, trong số tất cả những bộ mình từng đọc, mình chọn Vagabond.

Nếu được chọn 2, mình sẽ chọn thêm Real, của cùng một tác giả: Inoue Takehiko.

Mình nói vậy để bạn hiểu rằng mình yêu mến vị mangaka này thế nào. Với mình, ông là người tài năng nhất, kiên trì nhất và có sức làm việc ghê gớm và phong độ ổn định nhất trong những vị mangaka mà mình thích.

Inoue Takehiko là một tác gia đặc biệt. Ông theo học ngành văn chương, sau đó mới vẽ manga. Chính vì vậy mà tất cả những tác phẩm về sau này của ông đều thấm đẫm chất thơ, với những câu chuyện chân thực mà lay động lòng người. Các tác phẩm của ông đã đoạt rất nhiều giải thưởng danh giá nhất dành cho truyện tranh. Ở Nhật, ông được tôn sùng như một thiên tài dẫu có phần lập dị. CNN đã làm phim tài liệu về ông. Tác phẩm của ông đã vươn ra khỏi biên giới Nhật Bản, và được độc giả khắp năm châu bốn biển mến mộ.

Mình, cũng như rất rất nhiều độc giả khác, biết đến ông qua bộ truyện tranh huyền thoại Slam Dunk. Bộ truyện tranh này đã truyền cảm hứng cho rất rất nhiều bạn bè mình nhặt quả bóng cam lên và bắt đầu chơi bóng rổ. Mình chơi bóng rổ từ nhỏ, và đọc truyện tranh từ nhỏ (Rất sướng vì không mất tiền, bố mình làm ở nhà xuất bản Kim Đồng hehe). Với mình, Real và Slam Dunk là hai bộ manga thể thao hay nhất mình từng đọc.

Nhưng mình không viết bài này để nói về Slam Dunk. Mình muốn nói về Vagabond.

Vagabond là bộ truyện tranh ông bắt đầu cho xuất bản từ năm 1998, nói về cuộc đời của kiếm sĩ huyền thoại Miyamoto Musashi, dựa trên tiểu thuyết Musashi của Eiji Yoshikawa. Bạn nào đọc Yaiba rồi chắc sẽ nhớ cha già lùn xủn như con cóc cụ – sư phụ của Yaiba. Đó là một biến thể khác của Musashi đó!

Mình cũng không muốn tóm tắt lại nội dung bộ truyện. Thứ nhất, mình không thích kể lại nội dung vì như vậy sẽ tạo điều kiện cho những độc giả lười biếng. Thứ hai, truyện của Inoue Takehiko nhiều lúc giống phim của Richard Linklater – nó không có một plot line đủ bắt tai để có thể truyền đạt hết sức nặng của tác phẩm chỉ trong vài đoạn văn ngắn ngủi. Nếu bạn chưa đọc truyện này, hãy làm giàu thêm vẻ đẹp cho tâm hồn mình bằng cách đọc nó. Và đọc lại nhiều lần.

Một bộ manga hay với mình cần tối thiểu đáp ứng hai tiêu chí: hình thức và nội dung. Sau đó là một số các yếu tố khác như giá trị đọc lại, giá trị suy ngẫm, giá trị sưu tầm, giá trị học hỏi về nghề nghiệp. Bộ nào đáp ứng đủ các tiêu chí này thì xứng đáng là tuyệt tác!

Và Vagabond đáp ứng tất cả những kỳ vọng của mình, và còn hơn thế nữa.

Về hình thức

Vagabond là bộ manga vẽ đẹp nhất, chi tiết nhất mà cũng phóng khoáng nhất mình từng đọc. Từng đường nét và biểu cảm của nhân vật, dáng người, phong cảnh, chiêu thức, tất cả đều ở trình độ cao nhất! Phong cách vẽ của Inoue Takehiko là phong cách tương đối tả thực, đến mức trần trụi, hoàn toàn không có bóng dáng các cô mắt to bằng quả cam, ngực to bằng quả bưởi, hay các anh cơ bắp cuồn cuộn như quả bí ngô. Tất cả đều rất chân thực. Mình đánh giá Vagabond về mặt này cao hơn so với một bộ truyện tranh khác vẽ cũng rất đẹp đó là Gantz, vì Gantz dùng rất nhiều sự hỗ trợ của máy tính để vẽ dáng người hay phần background, và thỉnh thoảng nhìn rất rối. Với Vagabond, tất cả đều đạt đến độ chi tiết vừa đủ và rất có hồn. Inoue Takehiko vẽ kỹ nhưng không bị gò, bức tranh dù nhìn hoàn chỉnh nhưng vẫn không mất đi sự sống. Đây là phong cách vẽ ông phát triển từ bộ Slam Dunk, và đến Vagabond thì ông hoàn toàn làm chủ được nó. Ông là một trong hai họa sĩ ảnh hưởng rất lớn đến phong cách vẽ của mình. (Người thứ hai là James Jean).

Về nội dung

Vagabond là một tuyệt tác nghệ thuật kể chuyện có tính triết học rất cao, chứ không phải chỉ đơn thuần là một tác phẩm giải trí. Nếu bạn đã quen với việc ngồi “luyện” manga một lèo mấy chục tập thì chắc chắn Vagabond sẽ làm bạn ong hết cả thủ chỉ sau khoảng 1 tiếng đồng hồ. Câu chuyện theo chân Musashi từ khi còn là một cậu bé ngỗ ngược đến khi anh ta đã trở thành một kiếm sĩ huyền thoại, và ngoài chuyển biến về kiếm pháp của nhân vật chính còn là chuyển biến vô cùng phức tạp về tâm lý của anh. Từ trạng thái muốn tìm minh chủ để phò tá, đến muốn trở thành kiếm sĩ vô địch thiên hạ, mạnh hơn hết thảy, đến đỉnh cao của nhận thức bản thân và chiến thắng được con quái vật luôn ngự trị trong tâm hồn mình. Vagabond luôn khiến mình cảm thấy xúc động, vì chủ đề của bộ truyện là một chủ đề mình đặt làm quan tâm số 1 trong đời: làm sao để chiến thắng chính mình và trở thành một người đàn ông thực sự bản lĩnh.

Điểm xuất sắc nhất

Về câu chuyện của Vagabond là nhân vật. Những nhân vật trong Vagabond rất “đời sống”, hoàn toàn không có siêu năng lực nào ngoài năng lực đến từ nỗ lực của bản thân, và tất cả đều có những điểm khiến người đọc liên hệ được với bản thân mình. Với mình, Musashi giống như Ronaldo (trừ khoản đồng bóng): thành quả đến từ khổ luyện, và luôn tự đặt ra cho mình những thử thách sau lớn hơn thử thách trước mà từ đó hoàn thiện bản thân. Nhưng cũng như Ronaldo, kẻ thù lớn nhất của anh ta chính là cái tôi quá lớn của bản thân mình. Anh là một con sói cô độc, cô độc đến phút cuối cùng. Thiên địch của Musashi, Kojiro, thì giống như Messi, một thần đồng kiếm đạo từ nhỏ nhưng lại có tuổi thơ tật nguyền và bất hạnh. Kojiro dùng kiếm như một đứa trẻ chơi đồ chơi, nhưng trí não của anh thì vẫn như một đứa trẻ con mãi không lớn. Matahachi thì như một biểu tượng của một thằng đàn ông mãi không thắng nổi chính mình, ôm mộng dời non lấp bể nhưng không bao giờ vượt qua những cám dỗ thấp hèn, của danh vọng, của dục vọng, của tiền bạc, và của dư luận. Otsu – nếu có thể gọi như vậy, là “waifu” trong tâm tưởng mình. Một cô gái giàu đức hy sinh, thậm chí hy sinh luôn cả tình yêu của mình để chăm sóc cho mẹ, cho thằng chồng bạc nhược, cho bà mẹ chồng oái oăm…

Rồi còn bà mẹ của Matahachi, một bà già ác mồm ác miệng nhưng đến lúc chết vẫn đau đáu vì con. Rồi vị thiền sư Soho, hình mẫu “The Mentor” chuẩn mực mà bất cứ nhân vật chính nào cũng cần trong cuộc hành trình của mình. Rồi Gion, rồi Jotaro… mỗi người mỗi vẻ, như một sắc màu chấm phá cho bức tranh tuyệt tác có tên Vagabond.


Mình đã đọc đi đọc lại Vagabond nhiều lần, và lần nào cũng tìm thấy một điều mới mẻ và thích thú với nó: một nét vẽ tài hoa, một câu thoại hay, một ý tưởng triết học có tính phổ quát đến vạn người và vạn vật. Mỗi lần đi nước ngoài, mình đều tìm mua một cuốn Vagabond trong bộ 12 cuốn. Việc này rất khó khăn vì chưa chỗ nào có trọn bộ 12 tập. Đến nay, mình đã có 9/12 tập, và mục tiêu trong năm nay của mình là sưu tập trọn bộ 12 cuốn Vagabond.

Bộ truyện tranh này cũng mang lại cho mình nhiều bài học về nghề nghiệp. Cụ thể như sau:

  • Nghề chính của mình là làm trong một agency sáng tạo, và một yêu cầu lớn của lĩnh vực này là bạn luôn phải biết cách kể một câu chuyện hay. Kể cho đồng nghiệp, kể cho sếp, kể cho khách hàng, kể cho người tiêu dùng. Vagabond là một tấm gương lớn cho mình trong việc kể một câu chuyện có sức công phá lớn một cách hiệu quả nhất, thông qua những câu thoại và hình ảnh hết sức gãy gọn của nó.
  • Ngoài việc chính thì mình còn vẽ tranh – để in lên sản phẩm bán lấy tiền hoặc cho những cá nhân/tổ chức có yêu cầu. Phong cách art của Vagabond ảnh hưởng đến mình lớn tới nỗi mình luôn tả khối cho hình vẽ theo phong cách của Inoue-senpai, dùng rất nhiều nét nhỏ đi cạnh những mảng màu đặc và lớn.
  • Nghề thứ ba của mình là viết kịch bản phim điện ảnh, và bài học lớn nhất Vagabond dạy cho mình là bạn phải kể một câu chuyện mà trong đó người ta quan tâm đến nhân vật, để làm được như vậy thì cần xây dựng cho nhân vật một quá trình phát triển về tâm lý cũng như kỹ năng xuyên suốt câu chuyện (character’s arc). Câu chuyện của Musashi là điển hình cho một câu chuyện có character’s arc rất chắc.

Có những hôm ngồi uống cà phê một mình, mình bất giác nhớ lại một chi tiết trong Vagabond và… ứa nước mắt, hoặc nổi gai ốc. Cái kết của bài này mình xin để ngỏ, cũng giống như cái kết của Vagabond. Dù bạn là ai, bạn đang phải chiến đấu với cuộc chiến lớn thế nào, hay địch thủ mạnh ra sao, thì hãy luôn nhớ điều quan trọng nhất: chiến thắng chính bản thân mình là chiến thắng quan trọng nhất trong cuộc đời này.

Peace.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • Không Hy Vọng - 19.01.2020

    Yêu Vagabond không chỉ vì nó chân thực mà vì một vị kiếm khách đã truyền cảm hứng cho bao nhân vật khác hiện nay.