Pop Culture – văn hóa đại chúng – của những năm 80 là nơi cất giữ vô cùng nhiều kỷ niệm. Đây là quãng thời gian mà những trò chơi điện tử đầu tiên ra đời và bắt đầu được phổ biến rộng rãi, là khi những đoạn riff guitar réo rắt của Van Halen sánh đôi cùng I hate myself for loving you của rocker nữ Joan Jett càn quét phòng ngủ của những cậu trai mới lớn nghe rock ’n roll, khi ra rạp chiếu phim người ta sẽ được xem những tác phẩm sẽ thành kinh điển như The Shining, Saturday Night Fever, The Iron Giant, hay bộ anime huyền thoại Mobile Suit Gundam. Khi mà mạng xã hội còn lâu lắm mới ra đời, thì việc biết và thích những thứ rồi sẽ thành biểu tượng này sẽ quyết định bạn có phải là dân “sành điệu” hay không.
Nếu bạn không biết, hay không quan tâm đến những biểu tượng pop culture tôi vừa kể trên thì sao? Liệu khi đó bạn có xem được Ready Player One – bom tấn mới nhất của phù thủy Steven Spielberg hay không?
Theo như chia sẻ tại liên hoan phim South By Southwest của chính Steven Spielberg về bộ phim này, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Ernest Cline: bạn không nhất thiết phải là fan của pop culture mới có thể thưởng thức được bộ phim. Phát biểu này của ông ta không sai, nhưng nó chưa đầy đủ.
Với bối cảnh tương lai giả tưởng năm 2044 – 2045, khi thế giới thực bị lu mờ trước một thế giới ảo có tên gọi là OASIS, nơi mà trong đó người ta có thể làm bất cứ những trò điên rồ nào mà họ muốn. Người sáng lập ra OASIS đột ngột để lại một lời nhắn trước khi qua đời: ai giải được một chuỗi những câu đố và nhiệm vụ đặc sệt chất trò chơi điện tử trong OASIS, người đó sẽ giành được toàn bộ gia tài của ông ta cũng như nắm quyền điều khiển OASIS. Và đó cũng là lúc mà thiện và ác bắt đầu bùng nổ những xung đột, cũng như ranh giới giữa thực và ảo bắt đầu bị xóa nhòa.
Khán giả sẽ theo chân nhân vật chính là chàng trai trẻ Wade Watts và avatar (nhân vật trong game) của cậu, Parzival, để trải qua ba nhiệm vụ để “phá đảo” OASIS, nhưng cũng giống như bài Stayin’ Alive của Bee Gees mà bạn sẽ được nghe trong phim, cậu sẽ phải cố gắng để không mất mạng ở cả trong game lẫn ngoài đời thật, trước khi tính đến chuyện chiến thắng.
Xét về phương diện một bộ phim đơn thuần, RPO có cấu trúc dù chặt chẽ nhưng khá đơn giản, đúng như những gì mà Steven Spielberg vẫn luôn làm trong những bộ phim của mình: không quá cao siêu, không quá phức tạp và rất rất nhiều tính giải trí. Dù được tôn vinh như một trong những đạo diễn vĩ đại nhất mà Hollywood từng có, đặc biệt là ở khía cạnh áp dụng công nghệ kỹ xảo vào điện ảnh, thì phim của Spielberg chưa bao giờ được đánh giá cao về mặt thông điệp. RPO lại một lần nữa rơi vào tình trạng này.
Do đó, với khán giả chỉ thuần túy vào rạp để xem một bộ phim điện ảnh giải trí mà không đòi hỏi gì hơn, RPO với họ cũng chỉ là một “bom tấn” hằng năm khác của Hollywood. Nó có những giây phút hứng khởi vỡ òa, nhưng nó không có một linh hồn đủ sâu sắc để khiến họ nhớ tới sau khi xem xong.
Nhưng với những kẻ mộng mơ đã từng lớn lên cùng những Iron Giant, Gundam, Duran Duran, Space Invader… thì RPO thực sự là một kiệt tác không thể bỏ qua. Nói không ngoa, đây là một bức thư tình tuyệt vời gửi đến những con mọt truyện, mọt phim, những kẻ rúc đầu chơi điện tử thâu đêm chỉ để giải một câu đố oái oăm nào đó. Xã hội có thể không hiểu, người yêu có thể không hiểu, nhưng chỉ cần chúng ta hiểu nhau là được.
Steven Spielberg đã vô cùng thông minh trong việc ông biết chính xác fan hâm mộ cần gì, và mang đến những điều còn vượt quá mong đợi của họ. Bạn muốn gặp lại những nhân vật trong các tựa game mình đã từng chơi? Khả năng cao là bạn sẽ được đáp ứng: HALO, Minecraft, Overwatch, Streetfighter, điện tử 4 nút, và còn rất rất nhiều nữa. Hay bạn muốn thấy các siêu anh hùng trong những bộ phim mình yêu thích? Có ngay Batman, The Joker, Harley Quinn, Tron, Akira, The Iron Giant, Gundam, Công viên kỷ Jura, Alien, Star Trek, Star Wars, Robocop… Có cảm giác bộ phim là một vũ trụ hội tụ đầy đủ tất cả những nhân vật được yêu thích nhất trên thế giới – và cái vũ trụ ấy quá hoành tráng, quá thú vị, quá tuyệt vời đến nỗi nó khiến cho vũ trụ của Marvel hay DC trở nên nghèo nàn đến mức buồn cười.
Spielberg cũng cho thấy khả năng biến hóa và cầm trịch bậc thầy của mình khi dù có rất nhiều nhân vật phụ như vậy, và nhân vật nào cũng ngút ngàn cá tính, nhưng RPO vẫn không bị rơi vào tình trạng hổ lốn điểm mặt trả bài thường hay gặp phải của phim siêu anh hùng. Với mỗi nhân vật phụ nằm ngoài tuyến truyện, ông dành cho họ một tình tiết dù ngắn nhưng rất đắt giá. Những fan cuồng của Gundam hay The Iron Giant chắc chắn sẽ cảm thấy vô cùng hả hê khi thấy huyền thoại thuở bé của mình xuất hiện vô cùng hoành tráng, đắt xắt ra miếng.
Thế giới của OASIS cũng là một thế giới vô cùng quen thuộc với các gamer khi họ sẽ bắt gặp lại những cá tính rất riêng trong những game mà họ đã và đang chơi, từ chiếc áo thun mà Halliday luôn mặc trên người in hình trò chơi điện tử nổi tiếng Space Invader, cho đến những cú blink nhanh đến chóng mặt của cô nàng Tracer trong Overwatch… Rồi những chân dung game thủ cũng hiện lên rất rõ nét: những kẻ kỹ năng thấp nhưng cao túi tiền, thoải mái mua đồ khủng nhưng vẫn “chết” như thường, hay những “gosu” đứng đầu bảng xếp hạng với kỹ năng thần sầu quỷ khốc…. Rồi những kẻ không bao giờ vào guild, vào clan, không bao giờ party với ai mà luôn độc hành đánh chiếm bảng xếp hạng… Rồi cuối cùng khi những cá tính ấy hòa vào một tập thể và được phân vai rõ ràng, thằng gánh team, đứa support, đứa tanker, đứa làm assassine… chuyện đưa tên đội mình lên bảng vàng không còn là mơ ước viển vông nữa.
Sẽ là vô cùng bình thường nếu khi đi xem phim mà bạn thỉnh thoảng lại thấy có một bộ phận khán giả khác hú hét vỗ tay điên loạn… giống như mình. Lúc đó hãy dẹp bỏ quy tắc thông thường khi đi xem phim mà hòa vào nhịp sung sướng hân hoan cùng với họ. Bạn đã tìm thấy những kẻ mộng mơ giống như mình ở ngoài đời thực rồi đó.
Vì, như Og đã nói trong phim, OASIS không phải là trò mà bạn có thể chơi một mình.