Có một từ để miêu tả một dạng người khi làm gì đó là phải làm cho tới cùng, từ đó là từ “completionist”. Nếu áp dụng từ này vào video game thì một game thủ có tính cách completionist chính là những kẻ chơi sẽ hoàn thành trọn vẹn tất cả những gì tựa game đưa ra, cụm từ “bình dân học vụ” một chút sẽ là “chơi nát game”. Còn về thực tế mà nói, thì game completionist đa phần sẽ có một chút bị OCD – rối loạn cưỡng chế nhẹ và việc hoàn thành nát game là một trong những cách thể hiện điều đó.
Để làm được việc này thì thường người chơi phải tìm hiểu, tập luyện chuẩn bị cho rất nhiều thứ, bao gồm những thử thách quái dị lẫn những bí mật được ẩn giấu trong game, để rồi chí ít thì có thể tự hào để mà có dịp bước ra “khoe khoang” với bàn dân thiên hạ. Youtuber nổi tiếng nhất với việc hoàn thành trọn vẹn một game có lẽ chính là “The Completionist” với những review lẫn chia sẻ trải nghiệm khá hài hước và đôi khi gây tranh cãi. Hôm nay thì Thalionir Hùng Lý tui, vốn dĩ cũng là một kẻ “tiệm cận” completionist xin đưa ra những dấu hiệu mà khi bạn xem một kẻ chơi game hoặc vào tài khoản game của người đó để nhận ra họ có phải là một completionist hay không (có phần chủ quan cũng như có tham khảo các nguồn khác).
100%
Đây chính là con số thường xuyên xuất hiện nhất ở file save của bạn nếu bạn thật sự là một người thích hoàn thành game tuyệt đối. Nếu như ai mà không hiểu cái cảm giác sung sướng khi đã 100% một tựa game, hay bản thân chưa tự ép mình là “phải chơi cho đủ (tiền)” thì có lẽ bạn chưa phải là một completionist. Đồng thời, có lẽ 100% cũng là con số cửa miệng xuất hiện mỗi khi có ai hỏi bạn đã chơi một game nào đó chưa: chẳng hạn như “chưa có xong 100%” hoặc “phải chơi cho hết 100% đã mới tính là chơi rồi”. Thậm chí, ở một vài tựa game con số này còn có thể lên đến mức kỳ cục là 120% hay thậm chí 240% (Đang nói mày đó, Arkham Knight với vụ New game plus và bộ suit xấu òm). Và thường thì để đạt được con số này thì bạn sẽ phải làm những điều trong các mục được nhắc đến sau đây.
“Xoá sương mù bản đồ”/ Đi sạch map
Một câu cực kỳ cổ điển với những gamer lâu năm. Hồi trước, đặc biệt ấn tượng với cá nhân tui là ở các tựa game chiến thuật RTS như Battle Realms, AoE hay Cossack thì luôn luôn bản đồ là một màn đen bao phủ, và chỉ có cho một nhân vật đi mở bản đồ như thể một scout đích thực thì mới có thể nắm hết địa thế. Thậm chí cả bản đồ khi kéo qua lại vẫn còn một vệt màu đen cũng cảm thấy khó chịu (và đó cũng là lí do tui mất quân đi scout hoài là vậy).
Một phiên bản tương tự của việc này chính là những dungeon trong một game RPG, vì quả thực game RPG mà không có dungeon cho đi khám phá thì không phải đạo chút nào. Khác với việc cần nắm “địa lợi” để tác chiến, đa phần trong dungeon là để tìm xem có vật phẩm ẩn hay boss ẩn nào hay không, và đa phần là không nhưng nếu có thì lại vui mừng kiểu “may mà cũng đã chịu kiểm tra”. Nếu bạn là một completionist hạng nặng, cái mini map của bạn phải sáng hết mới chịu.
Và điều trên sẽ dẫn sẽ dẫn đến mục tiếp theo.
Bản đồ sạch boong kin kít không tì vết
(Note: hình ảnh ở trên là chụp khi chơi NG+, cái dưới là ở lần hoàn thành lần đầu nên chỉ số level chênh lệch)
Mở bản đồ xong thì chắc chắn là các điểm nhận nhiệm vụ hoặc các mốc để khám phá sẽ hiện lên ầm ầm. Đặc biệt ở game thế giới mở, đôi khi bạn chẳng cần đi phá sương mù bản đồ mà nó sẽ hiện lên ngay lập tức. Nếu là một fan của thể loại này, chắc các bạn sẽ hiểu cái nỗi khổ tâm khi mà vừa mở bản đồ lên là các marker nhiệm vụ hoặc bí mật hay bất kỳ cái gì đó hiện lên dày đặc đến phát chán. Và thế là sẽ bắt đầu quá trình từ nhiệm vụ phụ cho đến collectibles, cái gì cũng phải lấy cho được, cấm tiệt không cho cái nhiệm vụ nào còn xuất hiện.
Và chưa hết đó là cái cảm giác vô cùng, vô cùng bứt rứt khi thấy bản đồ còn có một cái gì đó “khác thường” hiện lên như thể cái gai trong mắt, làm mọi cách biến cái bản đồ về cuối là phải hệt như một bản đồ giấy. Thế nên với một số game mà bản đồ có vẻ trống như GTA thì chơi còn đỡ mệt, chứ cỡ như Witcher 3, Far Cry, Assassin’s Creed thì dẫu có bị lặp lại và chán (thường khiến nhiều người dễ nản mà bỏ) thì đúng là cực như trâu bò chỉ để… đi lòng vòng mà thôi.
Vì phải chạy lòng vòng như vậy mà bạn sẽ tự hỏi câu hỏi trong mục tiếp theo.
“Nhiệm vụ chính là cái gì?”
Đây thật sự là một điều vô cùng buồn cười, đặc biệt với game thế giới mở hoặc sandbox như đã nói ở bên trên. Để hoàn thành game thì thật sự không phải chỉ có nhiệm vụ chính là đủ, mà còn là những nhiệm vụ phụ đầy ắp xung quanh, và có lẽ chỉ có khoảng 20% trong số đó thật sự liên quan đến cốt truyện chính, còn lại thì đa phần là những nhiệm vụ riêng biệt góp phần giúp người chơi hiểu biết thêm về lore của thế giới trong game lẫn có những trải nghiệm cá nhân đặc biệt. Tuy vậy, đây cũng là một điều thường khiến người chơi bị ludonarative dissonance – gặp mâu thuẫn giữa gameplay và kể chuyện.
Tui sẽ chỉ cần lấy ví dụ trong Witcher để miêu tả quá trình này: Geralt đang trên đường đi tìm lại Ciri đang bị bọn Wild Hunt săn đuổi, số phận con gái mình đang như chỉ mành treo chuông… Khoan khoan, để đi giết con quái này đã tại có witcher contract… Ở làng bên kia có người cần mình tìm người anh em thất lạc… Ồ Triss rủ mình qua nhà và đi ăn tiệc… Này tại sao tui lại dính vào đống âm mưu làm phản chống Radovid vậy… Có ngọn hải đăng cần tui giải trừ tà ma… Ciri ơi chờ chút nha, sẽ xong thôi mà… Ồ khoan, có witcher gear giấu ở đảo này kìa… Và rồi cứ thế…
Optional hay không, làm tuốt
Optional trong video game thường là theo dạng như “này, bạn chơi sao cũng được, nhưng nếu có thể bạn hãy chơi theo cách tụi tui (nhà phát triển) muốn thử xem sẽ vui lắm”. Ai chơi Assassins Creed chắc chắn sẽ hiểu cực rõ cái màn optional objective để có thể full 100% synchronization (yup, con số 100% lại hiện lên kìa), và nó là một dạng “áp lực” để khiến cho người chơi có thể nghĩ ra những cách khá sáng tạo cũng như là… khổ hạnh để thực hiện cho bàng được. Không làm được hả, restart mission lại thôi. Có khi một màn/một nhiệm vụ chơi cả tiếng không xong âu cũng vì cái điều kiện quái quỷ này.
Một trong những phiên bản tương tự của việc này chính là phải qua màn theo kiểu full điểm. Như Overcooked chẳng hạn, chỉ cần 1-2 sao là đủ qua màn rồi, nhưng không, phải 3 sao!!!
Achievement đầy đủ/có Platinum Achievement
Cái này đúng nghĩa khổ dâm chỉ để lấy cho bằng hết achievement trong game. Nỗi khổ lớn nhất của việc làm điều này, thường là sau khi hoàn thành game lần đầu, chính là rồi sẽ không thể nào mà chơi theo kiểu tận hưởng nữa, mà là một sự cố gắng đến kinh khủng đặc biệt nếu đó là một achievement khó. Hình ảnh thường thấy của một người completionist muốn đạt được achievement chính là mở Alt+Tab qua lại để vừa đọc achievement guide vừa chơi game một cách khổ sở :)) (Hoặc máy và điện thoại một bên khi chơi console). Đây cũng là một cách khá con dao hai lưỡi để giúp người chơi khám phá hết toàn bộ tính năng của game cũng như thử thách bản thân để rồi được thưởng (như ở PS4 sẽ có Platinum achievement để công nhận bạn đã phá sạch game ấy), nhưng bù lại cũng dễ đập máy bỏ game lắm.
Còn nếu như chỉ muốn chơi một lần mà có thể lấy hết đống achievement này, chắc chắn là sẽ bị spoil hết do achievement guide nó cũng sẽ spoil vài thứ và mất đi thú vui khám phá. Tuy nhiên, đôi khi niềm vui đạt được achievement cao hơn nên đành chịu.
Note: Đây là cái mục duy nhất tui không đặt nặng trong tính cách completionist của mình. Tui thích đang làm gì tự nhiên nó pop lên sẽ vui hơn.
Max level/Max stat/Max skillpoint
Chắc không cần phải nói thêm nhỉ? Dĩ nhiên là đã chơi cho trọn vẹn thì phải luyện lên đến level tối thượng, đầy đủ điểm để thử những skill khác nhau nữa chứ. Đã gọi là completionist mà không max hết được thì đúng là hài hước phải không?
Phải có tất cả mọi thứ trong game – Rương/Túi bao giờ cũng chật kín
Xin dám nói đây là một căn bệnh nan y với gamer nói chung và các completionist nói riêng. Cái bệnh lượm đồ, hay còn gọi là hoarding này nó đến từ hai dạng tâm lý luôn đi song song với nhau: Một là phải có hết vật phẩm do tính cách sưu tầm của một completionist và hai là “lỡ như sẽ đến lúc mình cần đến thứ này thì sao?”. Và cứ như thế, inventory menu hay thậm chí rương đồ bao nhiêu cũng không đủ, thậm chí còn phải mod và cheat. Còn nhớ ngày trước khi chơi Marvel Heroes Omega, tui tốn phải $50 chỉ vì cần mở rương chứa đồ chứ chả phải vì mua nhân vật.
Kinh nghiệm cá nhân: Hình minh họa 1 là tui trong Deus Ex: Mankind Divide, đang trong chế độ chơi stealth non-lethal, và chẳng hiểu vì cái quái gì mà tui phải trữ gần hết toàn bộ súng đủ thể loại, đã vậy còn phải sắp xếp cho chúng cùng một thể loại với nhau mới chịu. Hình 2 thì, vì lí do là ở nhiệm vụ “No place like home” trong DLC BaW sẽ cho Geralt có nhà và các kệ trưng bày vũ khí và quần áo nên… tui giữ hết toàn bộ kiếm và quần áo (thường chỉ lựa từ cấp relic trở lên mới giữ), tìm được cây tương tự mà level cao hơn sẽ bán cây level thấp hơn. Bao giờ mở inventory game cũng bị lag =)) (và vâng, tui mod 9000kg inventory chỉ vì trò này thôi).
Phải full DLC/Bản mở rộng
Đầy đủ đồ trong game đã đành, phải đầy đủ nội dung của game ở đời thực mới vừa lòng. Đây là một vấn đề cực kỳ đau đầu lẫn đau túi tiền với riêng cá nhân tui, vì đã mua là tui phải mua bản đầy đủ, phải full hết. Dẫu cho DLC đôi khi chỉ vớ va vớ vẩn là quần áo, vài cây súng có skin đẹp đẹp, hiếm hoi lắm mới có những DLC cho thêm phần chơi mới kiểu như của Witcher 3 Hearts of Stone/Blood and Wine, Season pass của Arkham Knight có A Family Matter cho điều khiển Batgirl trước khi thành Oracle, DDeus Ex: Human Revolution Director’s cut có thêm một tuyến cốt truyện phụ hay Metro Exodus có The Two Colonels và Sam’s Story.
Nói chung, game nào mà có bản GOTY hay bản full sẵn mà không phải mua lắt nhắt, bụp liền.
P/S: đó là lí do mà tui đồng ý với S.O của tui là The Sims là game mà tụi tui có thể chơi crack mà không cảm thấy nhục nhã… Vì không thể nào mà đủ tiền mua cho hết đống expansion pack đó được!
Không bao giờ skip cutscene
Ngày nay thì game đã có lồng câu chuyện vào rất là nhiều, số lượng tựa game thuần gameplay như thời cổ điển thật sự cũng không còn quá nhiều. Dĩ nhiên thì công cụ được sử dụng nhiều nhất để kể chuyện trong game chính là cutscene. Dẫu quả thật có rất nhiều game đã tận dụng đến mức lợi dụng cutscene triệt để để kể một câu chuyện cho người chơi thưởng thức – đang nói bọn bây đó, Metal Gear Solid series. Và quả thật thì dẫu việc tận dụng đó tốt hay là xấu, thì việc bỏ qua chúng (nếu có thể, một vài game chả có nút skip) để chẳng hiểu gì về cốt truyện (dẫu hay hoặc dở) cũng khó có thể chấp nhận được với một completionist. Cutscene câu chuyện hay thì nhớ, dở thì quên đi, song skip cutscene vẫn là một tội ác.
P.S: NGHE RÕ CHƯA ADMIN!?
Bonus: Sưu tầm vật phẩm liên quan đến game yêu thích
Tui: Trời ạ ai lại điên đến vậy nhỉ, mua đồ trong game lẫn full game đã là quá lắm rồi, còn tốn thêm mua đồ ở ngoài sao!?
Cũng là tui:
Combo “completionist” + “chơi dở” là tệ nhất. Đặc biệt là khi bạn lỡ thích một game vì mấy thứ ngoài độ khó nhưng dần dần không bao giờ hoàn thành hết game được vì nó khó ko tả nổi đến mức bạn bắt đầu chửi rủa rồi ghét game luôn, lol. Cái thú vui quét sạch này nên cho người pro thôi
tôi nghĩ tôi hiểu ông đang nói về cái gì Nhật Minh ơi @@ là pantheon nào thế?