Hồi trước, ấn tượng đầu tiên khi xem Harry Potter mấy tập đầu, trong đầu thầm nghĩ, ủa sao cái phim này có gì hay ho đâu mà cả thế giới phải điên đảo thế, rồi còn nghe nói là mày phải đọc truyện thì xem phim mới thấy cái hay của nó, gần đây là Deadpool, nếu bro nào chưa đọc qua truyện tranh thì khi xem chỉ biết ngớ người ra mà chẳng hiểu sao người ta lại mắc cười. Có một lần, tui đi đám cưới của ông bạn, chưa đến giờ đãi tiệc tui với chú rể kéo ra quán bia lạnh gần nhà cô dâu làm một chầu say bí tỉ, trong lúc chén thù chén tạc có nhắc đến chuyện làm cách nào để nghe được nhạc hay nhiều hơn, trong đó ông bạn tui có một ý là nếu ông tìm hiểu kỹ về bài nhạc đó, hoàn cảnh được viết ra, rồi những lời tâm sự bên lề của tác giả đó thì khi nghe nhạc sẽ thấy vãi hơn. Về sau tui bắt đầu có thói quen đai loại vậy và tui thấy bài nhạc mình đang nghe đem lại nhiều cảm xúc hơn mình nghĩ, nhiều khi còn không biết là lời nhạc nó nói về điều gì nữa, mà chỉ biết là ông nhạc sĩ ổng phải ở trong rừng cả năm trời mới cho ra được bài này, cũng chẳng phải sâu sắc gì ráo, mà nghe thấy hay hơn vậy thôi.
Mới đây tui chơi một trò mà đọc review thấy khen dữ lắm, cũng hậm hực vào chơi trong lòng hy vọng chiến được một tựa game hấp dẫn, nào ngờ mới dzô được mấy màn là thấy chán ngắt, mà tìm hiểu kỹ thêm thì thấy người ta nói là nguyên trò chỉ có nhiêu đó thôi, chỉ có một mình chú trên hoang đảo và giải những câu đố khó điên cuồng cho đến kết thúc. Haizz, vậy thì hay chỗ nào đâu, đành kéo icon The Witness bỏ vào thùng rác và quên hẳn đi. Cho đến mấy bữa này vô tình đọc được một bài phỏng vấn của tác giả tựa game này, ổng có nói một câu đại loại là “Tui muốn làm cái game này cho những người đã đọc cuốn Gravity’s Rainbow”. Đệt, vậy là vỡ lẽ, đây là thể loại sâu cmn sắc rồi còn gì nữa, vậy là tui có ý định đọc luôn cuốn này, rồi sau đó chơi lại The Witness thử xem sao, một phần là vì tò mò, một phần cũng muốn tìm hiểu xem truyện này có liên quan gì đến cảm xúc khi mình chơi tựa game này.
Jonathan Blow, Picasso của làng game indie
Nếu bro nào đã từng chơi Braid thì có thể sẽ biết đến Jonathan Blow (ảnh bìa) , anh là người đã làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn của mọi người về thể loại game indie và là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhà phát triển game độc lập. Trong một lần du lịch Thái Lan, Jon đã có ý tưởng cho một tựa game mà nhân vật có thể tua ngược về thời điểm trước khi mình phạm sai lầm hoặc thậm chí mất mạng. Cách chơi sáng tạo cùng với cốt truyện sâu sắc khiến Braid được giới chuyên môn đánh giá là một trong những game platformer hay nhất mọi thời đại, đồng thời khiến Jon trở thành đại gia đầu hói.
Thành công của Jon cũng không phải là duy nhất, ta có thể bắt gặp đâu đó những câu chuyện đại loại như triệu phú làm game sau một đêm, hoặc tựa game thành công chỉ một người làm duy nhất. Nhưng ở Jon có nhiều điều để nói hơn là một nhà làm game thành công, đó là tinh thần độc lập và tính kiên trì cực cao. Ngay từ tiểu học Jon đã tách hẳn sự lệ thuộc khỏi ba mẹ “Tui đã nhận ra là không có nhiều thứ để học ở nhà, ý thức tự lực cánh sinh và suy nghĩ độc lập là thứ tui đã thấm nhuần từ nhỏ”. Ngay sau tựa game đầu, Jon bắt tay vào dự án trong mơ của mình, anh đã sử dụng toàn bộ nguồn thu từ thành công của Braid để nuôi nấng đưa con tinh thần thứ hai này.
Vậy là sau 7 năm ròng rã, cộng với gần sáu triệu đô vắt cạn từ Braid cũng như vay mượn thêm từ bạn bè, Jon đã cho ra đời The Witness. Tựa game mà như anh nói là “Mọi người nói là sẽ không khôn ngoan khi lấy tiền từ Braid để làm một game khác, bởi vì nếu tui không xong hoặc game nổ xịt thì tui sẽ rỗng túi”, nếu là bản thân tui nếu được như vậy chắc là không đủ liều để làm điều Jon đã làm, “Tui bỏ hết tất cả trứng vào một giỏ để làm điều mà tui muốn làm, không ai có thể can thiệp, không ai có thể chỉ bảo là phải làm cái này, làm cái kia”. Vậy đó, “indie spirits” là đây chứ đâu nữa, đây có thể là phát biểu khiến tui có thể phải mất ngủ nhiều ngày liền để suy nghĩ về nó.
“Tui cố cho các bạn làm game khác biết là tui cảm giác như đang trò chuyện với người ngoài hành tinh, và họ chỉ không biết là tại sao tui lại làm vậy”. Một nhà làm game độc lập muốn mang triết lý sống của mình vào một trò chơi điện tử là điều trước giờ khá hiếm, một trò chơi mà tác giả không muốn dùng ngôn ngữ để giao tiếp, thay vào đó anh muốn xây dựng một nền tảng hiểu biết và trải nghiệm dựa vào việc tìm ra lời giải của những bảng đố trừu tượng. “Tui không muốn làm game cho Metacritic, tui muốn làm game cho ai đã từng đọc Gravity’s Rainbow”. Theo suy nghĩ cá nhân thì tui thấy Jon giống một nhà văn, một hoạ sĩ hơn là một nhà làm game, anh muốn mang trải nghiệm chơi một trò chơi giống như là đang đọc một cuốn tiểu thuyết, xem một bức tranh, và nó đem lại cho người chơi nhiều cảm xúc sâu sắc mà tác giả muốn gởi gắm vô đó, không phải bằng ngôn ngữ mà bằng hình ảnh và suy tưởng.
Vậy là The Witness ra mắt, tuy là một game khó gặm nhưng cũng được không ít lời khen từ cộng đồng lẫn dân chuyên môn. Điều đó chứng tỏ một điều người chơi vẫn chấp nhận một trò mà không ít người thấy nó là nhạt nhẽo, nhưng một số xem nó là một kiệt tác, một trải nghiệm gaming hoàn toàn mới. Dự án tiếp theo của Jon theo anh tiết lộ có tên là Game 3, và được dự định thời gian phát triển là 20 năm, một quảng thời gian có thể nói gần một phần ba đời người, và tất nhiên không phải là một game giải đố. Chờ 20 năm để được chơi một trò chơi thì nghe có vẻ hơi lâu, nhưng nghĩ lại cũng đáng, thôi thì ráng thôi biết sao giờ.
“Có một lần tui đi thăm ba tui ở Vienna, tui đi vòng vòng thị trấn và nhìn thấy một cụ bà khoảng 90 tuổi đang quét đường. Tui nói với ba tui là “cụ bà hiền hậu kia đi quét đường để làm gì?” Ba tui trả lời “Đó là công việc của bà, bà cảm thấy mình còn có ích, và rất vui khi được làm con đường trở nên sạch sẽ”. Chúng ta thường đối xử với người già rất tệ, chúng ta đưa họ vào nhà dưỡng lão và vờ như họ không còn tồn tại. Nhưng ở Vienna những người già sẽ không bị đối xử như vậy, họ sẽ luôn cảm thấy mình luôn là một phần của cộng động, và mọi người ở đây rất tôn trọng họ”. Billy Joel đã trả lời như vậy khi được hỏi ý nghĩa của bài hát Vienna. Bài này mới nghe tui cũng thấy thích nhưng càng thích hơn khi nghe được lời tâm sự trên của tác giả. Đối với The Witness cũng vậy, biết được nhiều điều về game này khiến tui đã quyết định chơi lại, và cảm thấy thích thú hơn rất nhiều so với lần đầu ngơ ngác tự hỏi “trò này hay ho chỗ nào đâu trời ?!”.