Mấy hãng game nhỏ nhỏ (P.3)

Khách mới

  

Trong một lần được phỏng vấn thánh Elon đã từng phán “có một phần tỷ khả năng là chúng ta không phải đang sống trong một thế giới mô phỏng”. Nếu câu nói này được tuyên bố bởi tui, một mít tờ nobody, thì không có gì để phàn nàn, anh em có thể thè lưỡi, trợn mắt rồi ngoảnh đi và quên hẳn luôn chỉ sau khi ăn tô cháo lòng 10 ngàn ở một quán lề đường bên hông công viên Tao Đàn. Còn đây là lời tuyên ngôn của một “vị” đang lên kế hoạch cho loài người thưởng thức món khoai tây chiên và gà rán sao Hỏa chua ngọt, thế nên không có lý do gì mà hông tin lời ổng, ngay cả Ngân hàng Mỹ quốc còn tuyên bố hùng hồn là 20% đến 50% là chúng ta đang sống trong một thế giới giống như trong phim Ma trận. Vãi hồn, nếu ai theo chủ nghĩa hay nghi ngờ người khác thì cho rằng thế giới này điên loạn hết rồi, có một cái gì đó rất sai đang diễn ra và như pre-thánh Quảng đã phán là “Thật không thể tin nổi”. Riêng đối với bản thân tui, một người trung dung, hững hờ thế sự thì chuyện này nghe cũng được, vậy hả, ờ, simulator thì simulator, không biết 2 chai bia trong tủ lạnh tối coi phim uống có đủ hông nữa.

Thánh Elon

Thánh Elon

Mới hôm qua tui mần mò kiếm phụ liệu cho bài viết này, như lời gợi ý của ông bạn là rất muốn biết thêm thông tin về cái hãng làm ra cái game Inside mà mấy tháng trước ổng chơi. Viết theo đơn đặt hàng hả? Ờ thì chán cmn, thôi vậy viết thì viết, dẫu gì cũng chưa tìm được thêm hãng nào ngon. Nào là review, phỏng vấn, wiki các thứ, đọc gần hết buổi sáng. Playdead là một hãng làm video game của Đan Mạch, được thành lập vào năm 2006, bởi Arnt Jensen và Dino Christian Patti, blà blà blà, tiếp theo toàn là những lời có cánh dành cho mấy thím bên đó. Đệt, sao tụi nó khen quá trời, có nên chơi thử hông ta? Mười lăm phút sau cái icon mờ mờ hình cậu bé đã xuất hiện trên desktop. Cuối giờ chiều tui hỏi gấu có muốn dẫn con đi ăn Baskin Robin hem, mà thiệt ra trong bụng là muốn đi siêu thị để vác mấy chai Bud về tối chiến cùng “bên trong” tâm hồn đang khô héo và buồn tẻ đến nhạt nhoà này.

Nàng Bud

Nàng Bud

Được mang ra khỏi vùng đất băng giá, khoác trên mình chiếc áo choàng màu đỏ rực, nàng Bud đã lạnh cóng và run rẩy, tui từ từ gỡ chiếc nón đang bám chặt trên đầu nàng, miệng nàng bắt đầu tuôn ra những luồng hơi thơm phức, tui hôn nhẹ lên môi nàng, rồi ưỡn cổ lên như muốn nuốt trọn tâm can cô ấy vào lòng. Và chiến Inside liền một mạch cho đến tận 2 giờ sáng bữa sau.

Playdead – Chơi đi, chết bỏ

Tui dịch tên hãng game vậy chắc cũng có nhiều bà con phiền lòng, nhưng tình thiệt là tui thấy cái lò game này nó làm ra trò nào cũng kiểu không phải sợ mất mạng rồi phải chơi lại từ đầu, mà là sợ phải chơi lại ngay cái cảnh đó nữa, chuyện sống chết đến đây không còn quan trọng. Chắc chắn đây là một hãng làm game kinh dị, nhưng không phải cái kiểu kinh dị zombie, máu me tè le hột me các thứ như Resident Evil hay Doom, mà là thể loại đem lại nỗi sợ hãi luồn lách qua mỗi ngóc ngách trong tâm hồn người ta, nó thẩm thấu, ăn mòn kể cả những con tim dũng cảm nhất. Bắt đầu có vẻ nói quá, nhưng nếu bro nào đã từng chơi qua 2 trò của Playdead thì sẽ phần nào thông cảm với ý của tui. Sau 10 năm vật vã Playdead chỉ cho ra đời vỏn vẹn 2 game đó là Limbo và Inside, thế nên nó mới thuộc về mấy hãng game nhỏ nhỏ, nhưng sự thật tinh thần không hề nhỏ chút nào.

16026

Limbo

Chế nào mà thích phim Inception chắc chắn biết Limbo, mà điều thú vị là năm 2010 cả hai cùng được ra mắt, vậy là tư tưởng lớn gặp nhau. Thế giới trong game của Playdead luôn u ám, nơi đó được xem là biên giới cuối cùng của địa ngục. Trong quá trình làm cả nhóm không có lấy một thứ gọi là tài liệu thiết kế, mà là dựa trên một ý tưởng chủ đạo sau đó phang ra tiếp, rồi dần dần mọi thứ thành hình như những mảnh ghép trong trò xếp hình, thời điểm nào mà hỏa quá thì cả nhóm sẽ đưa ra một quyết sách tối hậu để hoàn thành. “Tui không quan tâm tới việc là phải kể một câu chuyện liền mạch, hay ho gì đó, điều quan trọng là tui có được một cảm xúc thật đặc biệt. Cũng giống như cái cảm giác cô đơn khi trò chơi kết thúc, hoặc là cảm giác khó lột tả khi gặp lại đứa em nhỏ của mình”. – Arnt chia sẻ. Limbo ra mắt thành công ngoài mong đợi, nhận được vô vàn các lời khen từ giới phê bình, và trở thành một hình mẫu cho dòng game indie.

Arnt Jensen và Dino Christian Patti

Arnt Jensen và Dino Christian Patti

Sáu năm sau khi Limbo phát hành, Inside ra đời. Không biết phải nói sao chứ, nếu một game độc lập mà được sự tài trợ của nhà nước thì theo tui biết trước giờ chưa có tiền lệ luôn. Chắc là mấy chế làm trong chính phủ Đan mạch phải ghiền Limbo lắm, mới ráng kiếm ít tiền để tài trợ cho Playdead làm trò khác để có cái chơi tiếp. Mà nói thiệt nếu tui mà làm trong chính phủ tui cũng sẽ tìm cách để hỗ trợ mấy sếp này thôi, hãng game bây giờ đã là thương hiệu quốc gia rồi còn đâu, hình như bên nước mình cũng có hỗ trợ, mà là hỗ trợ khởi tố hình sự các thứ.

db0f4f963929412b38d8656cea5b6786

Đùa vớ chú hả

Mấy tuần trước tui lướt qua một bài nói có khứa dùng cả sọ người thiệt để làm nhạc, nghe cũng ớn ớn, mới đây xem lại thì mới biết chính là mấy chụy trong Playdead chứ không ai khác, ông làm nhạc ổng bộc bạch “Cái ý tưởng dùng sọ đầu để làm nhạc xuất phát từ việc tui thấy rất thú vị khi một người nghe giọng của mình hoàn toàn khác xa với cái giọng thì thầm trong đầu ta mỗi ngày, với lại mỗi lần tui làm một dự án mới tui cũng muốn tìm tòi ra một thứ âm thanh gì đó thật đặc biệt và nguyên bản”. Nghe ông làm nhạc nói vậy, đố bro nào không tò mò tìm game để hốt cho bằng được. Riêng tui nghĩ cái vụ sọ người này là nó liên quan đến cái air chung của game, âm thanh xuất phát từ phía bên trong con người ta, mà người chết luôn mới ghê. Nói tới đây tui bắt đầu spoil nặng đoạn tiếp theo, nếu bà con muốn xử Inside thì bỏ qua đoạn này đọc đoạn tiếp nhe, nếu không thì hối hận không kịp.

1200

Inside

Như từ đầu tui có nói tới vụ thế giới giả lập mà bản thân cũng không mấy quan tâm, nhưng khi chơi xong Inside thì mấy thím trong Playdead làm tui phải rùng mình và tự thuyết phục rằng, mình có thực không phải đang sống trong simulator hả trời. Tinh thần chung của Inside chính là “mind control”. Mấy người đeo mặt nạ thì điều khiển zombie bằng cái nón chụp, con sâu thì điều khiển con heo bằng kí sinh trùng não, người chơi thì điểu khiển nhân vật bằng PC, cái bị thịt thì điểu khiển nhân vật thông qua người chơi và cuối cùng Playdead điều khiển người chơi thông qua trò chơi. Nếu cứ theo cái tứ đó, thì không có lý do gì không có một thế lực sử dụng “mind control” với Playdead, hô hô. Tui nghe nói là có một kết thúc thứ hai dành cho những người không đi theo cái vòng lặp có ý đồ đó. Có vẻ như mọi người bắt đầu bị ám ảnh bởi tư tưởng này, do sự xuất hiện ngày càng nhiều những yếu tố ngờ ngợ mà người ta nhận thấy mình đang ở trong đó. Sự thất bại ê chề của “No Man Sky” làm ta nhận thấy còn quá sớm để tạo ra một thế giới hoàn toàn giả lập bằng code, hoặc sự nổi lên của show truyền hình Westworld khiến ta càng tin vào việc mình có thực sự đang làm chủ bản thân mình hay không nữa.

“Đã đúng thời điểm để mọi chuyện bắt đầu tốt lên, mấy game nhỏ đã tiếp cận một lượng lớn người chơi, do đó thu hút được một lượng lớn nhà làm game nhỏ muốn khẳng định mình. Bản thân tui đã quá mệt mỏi với việc chơi mấy game AAA, mặc dù có sự trau chuốt về hình ảnh và nội dung, nhưng họ vẫn mang đến một gameplay dở tệ” – Trong một buổi phỏng vấn trên Gamasutra thời điểm ra mắt Limbo năm 2010, đồng sáng lập Playdead Dino Patti đã tuyên bố như vậy. Mới đây có một chuyện đáng tiếc xảy ra là Dino đã giã từ cuộc chơi với Playdead sau khi ra mắt Inside, sếp nói trên twitter là muốn tìm một thử thách mới và bán lại toàn bộ cổ phần cho bạn nối khố Arnt Jensen. Nếu nhìn Playdead như những con người cầu toàn, ra game ít mà chất, thì tui không đồng ý với nhận định đó, vì tui cho rằng họ là những thánh mới trong nền công nghiệp giải trí tương lai, họ tạo ra những kiệt tác chứ không phải trò chơi điện tử, như lời Arnt Jensen “This is not going to be a game”.

(còn tiếp)

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • Hữu Doth - 18.10.2016

    game địa ngục này thấy thằng em chung phòng nó chơi, coi cũng ghiền ghiền, chết liên tục =)) cũng may nó không troll kiểu mario chơi lại từ đầu chứ ko cũng dễ đập máy lắm