Manhunt, b.ạ.o l.ự.c nhưng không hề vô nghĩa.

Khách mới

  

Giờ đây nếu phải nêu ra những tựa game b.ạ.o l.ự.c nhất mọi thời đại, hẳn đa phần giới game thủ sẽ nhắc tới những Mortal Kombat, Doom, GTA,… và trứ danh cũng như tai tiếng hơn cả đó là Manhunt. Kể từ khi được phát hành lần đầu vào năm 2003 đến nay, Manhunt vẫn tiếp tục là tâm điểm của các cuộc tranh luận xung quanh tính b.ạ.o l.ự.c của video game và ảnh hưởng của nó đến nhận thức của giới trẻ. Thế nhưng với bài viết này, tôi muốn đưa ra quan điểm rằng sự b.ạ.o l.ự.c của Manhunt không những không hề vô nghĩa mà còn thực sự vô cùng sâu sắc và thấm thía, điều mà có lẽ những năm gần đây người ta mới thực sự thấy ở nó.

BÀI VIẾT CÓ NỘI DUNG 18+, BẠN ĐỌC NÊN CÂN NHẮC TRƯỚC KHI XEM.

Đầu tiên chúng ta cần nói một chút về thời điểm năm 2003, khi mà Manhunt ra mắt. Lúc đó Rockstar Games đã hứng chịu đủ búa rìu dư luận bởi độ b.ạ.o l.ự.c chạm trần của dòng game GTA khi bước vào kỉ nguyên 3D. Trước đó vào thập niên 90, video game đã gây đủ tranh cãi khi Mortal Kombat và Night Trap có độ b.ạ.o l.ự.c và nội dung người lớn đủ nhạy cảm để người ta bắt đầu phải xếp hạng độ tuổi cho loại hình giải trí này, thêm vào đó những game như Wolfenstein 3D, Doom và Quake cũng bắt đầu bị đổ lỗi cho các thảm kịch ngoài đời như vụ xả súng Columbine (điều tương tự vẫn diễn ra cho đến bây giờ).

Có thể nói rằng video game luôn không tốt đẹp cho lắm đối với giới truyền thông. Và khi Manhunt ra mắt thì nó được coi là đã thực sự vượt giới hạn khi bị mô tả là “phần mềm huấn luyện bọn g.i.ế.t người hàng loạt”. Mọi việc nghiêm trọng đến mức tại một số nước như Úc hay New Zealand, chơi hay trao đổi lan truyền Manhunt bị coi là bất hợp pháp. Vậy nhưng giờ đây nếu nhìn vào không ít các tựa game hiện đại, nhờ đồ họa và công nghệ tiên tiến mà lắm game còn m.á.u me và chân thật hơn nhiều so với Manhunt (điển hình như The Last of Us Part II hay các game Wolfenstein gần đây), game b.ạ.o l.ự.c và có yếu tố người lớn đã trở thành điều quá đỗi bình thường. Đó cũng chính là thành tựu đầu tiên mà sự b.ạ.o l.ự.c của Manhunt đạt được, đẩy xa giới hạn của video game. Nhờ những tựa game như Mortal Kombat, GTA và Manhunt mà giờ đây yếu tố b.ạ.o l.ự.c và người lớn mới trở nên bình thường và phổ biến đối với video game ngày nay, vượt qua tư tưởng game chỉ nên dành cho trẻ em như trước kia.

Và thú vị thay chính điện ảnh cũng từng chịu sự truy xét ngặt nghèo như vậy khi vào năm 1934, do vấn đề bạo lực băng đảng và mafia quá lộng hành mà đạo luật phim ảnh mới cấm cảnh b.ạ.o l.ự.c, xả súng, m.a t.úy và sử dụng đồ cồn trong phim. Phải tới tận cuối những năm 1960 và đầu 1970 với việc các bộ phim như Bonnie and Clyde, The Godfather cùng nhiều phim cao bồi miền Tây khác tận dụng yếu tố b.ạ.o l.ự.c và người lớn triệt để (phần nhiều trong số chúng vẫn bị chỉ trích cổ xúy b.ạ.o l.ự.c vô nghĩa vào thời đó) mà mới đẩy xa giới hạn của Hollywood, mở đường cho các tác phẩm kinh điển với đề tài nhạy cảm sau này. Như vậy chúng ta mới thấy được tầm quan trọng của Manhunt trong việc vượt qua những ranh giới trước đó để tạo đường cho các sản phẩm về sau.

Và sự b.ạ.o l.ự.c trong Manhunt không phải chỉ để sướng mắt như phần 2 hay nhiều game quá dựa vào m.á.u me khác để gây sốc hay thu hút đám edgy, nó còn có ý nghĩa sâu sắc và thâm thúy hơn nữa khi nhìn nhận về nội dung của game. Đầu tiên chúng ta sẽ làm rõ khái niệm snuff film một chút. Theo đó, snuff film là cách gọi các bộ phim có cảnh người chết hoặc bị giết là thật. Khái niệm này bắt đầu được lan truyền vào những năm 1970 với niềm tin rằng những phim snuff được chỉ đạo và sản xuất với mục đích thương mại đang được lan truyền trong thế giới ngầm tại khắp nơi, dù đến nay vẫn chưa hề có bằng chứng cụ thể nào.

Để “bắt nhịp xu thế” thì thị trường cũng bắt đầu đầy rẫy các loại video nasty và exploitation film với kinh phí thấp và độ b.ạ.o l.ự.c m.á.u me dày đặc để làm thỏa mãn trí tò mò người xem thời đó. Công bằng mà nói tại Mỹ những năm 70 cũng chứng kiến sự suy thoái về kinh tế, văn hóa và xã hội (không phải tự nhiên Hollywood thích làm phim về những năm 80, đặc biệt là từ 1984), cùng với đó là sự gia tăng tội phạm băng đảng vừa và nhỏ khiến cho xã hội lúc đó không thực sự được sáng sủa cho lắm (các phim như Taxi Driver, The Warriors và Joker mô tả khá tốt thời kì này). Và đó là những gì mà Manhunt cố gắng thể hiện, một cái gì đó chân thực đến mức có lúc bạn nghĩ rằng liệu chuyện này có đã và đang thực sự xảy ra ngoài đời hay không.

Theo đó nội dung của game xoay quanh James Earl Cash, một tên tội phạm bị kết án tử hình và sắp bị hành quyết bằng cách tiêm thuốc độc. Tuy nhiên James đột nhiên tỉnh dậy sau đó và được một kẻ lạ trên loa tự xưng là The Director nói rằng vừa cứu sống anh và giờ đây anh phải đền ơn bằng việc tham gia đóng phim snuff của hắn rồi sẽ được tự do. Và từ đây James sẽ phải thực hiện vô số các màn g.i.ết người vô cùng đẫm m.á.u cho bộ phim của The Director. Gameplay của Manhunt nhìn chung khá đơn giản, đây là một game hành động lén lút, người chơi sẽ phải cố tránh đụng độ trực tiếp và ưu tiên lén hạ gục kẻ địch từ phía sau bằng bất kì vũ khí gì nhặt được. Độ tàn khốc của mỗi đòn kết liễu phụ thuộc vào loại vũ khí và cách mà người chơi muốn hành quyết nạn nhân.

Game lấy bối cảnh tại thành phố Carcer City (lấy cảm hứng từ các đô thị lớn tại Đông Bắc nước Mỹ những năm 70), một vùng đất thực sự cách biệt với thế giới bên ngoài, một nơi hoang vắng và là một địa ngục trần gian thực sự. Nơi đây là thánh địa của vô số các băng đảng tội phạm (lấy cảm hứng phần nhiều từ The Warriors), mỗi băng có một cách ăn mặc, hành vi và thái độ khác nhau, thế nhưng đều là lũ ác quỷ lộng hành ở cái địa ngục này với với đủ các kiểu tội ác tày trời chúng gây ra cũng như việc chúng cũng là diễn viên của bộ phim snuff này với nhiệm vụ là săn tìm Cash. Về cơ bản chúng là hạng người mà bạn thực sự sẽ thấy mừng nếu bị loại bỏ vĩnh viễn. Lí do quá tốt cho Cash đóng bộ phim này khi anh không chỉ việc “dọn rác” mà sẽ còn được tự do sau đó đúng không?

Và giờ chúng ta thực sự phải nhìn nhận về Cash. Đầu tiên anh ta làm một tử tù, game cũng không hề biện hộ gì về tội danh khiến anh nhận bản án đó. Như vậy về cơ bản ta có thể coi Cash không phải người tốt và có lẽ hoàn toàn xứng đáng với án tử hình. Từ đây nếu anh ta (hoặc về cơ bản là người chơi) thực sự tin mình là người tốt cũng như còn chút chuẩn mực đạo đức thì hẳn Cash sẽ chấp chận cái chết của mình hơn là giết chóc để có được tự do, đúng như pháp luật và hệ thống công lý đặt ra. Vậy nhưng Cash chọn đóng bộ phim này và sẵn sàng giết vô số người, có thể nói Cash cũng cùng hạng người với đám nạn nhân của mình. Trong đa phần các màn chơi, Cash có tổng cộng 4 lựa chọn: g.iết nạn nhân thật nhanh gọn (tâm màu xanh); g.iết nạn nhân một cách tàn nhẫn (tâm màu vàng); g.iết nạn nhân một cách vô cùng đau đớn và thảm khốc (tâm màu đỏ) và tìm cách lẻn qua kẻ địch mà không ra tay (nếu có thể).

Ban đầu có lẽ đa phần người chơi sẽ chọn cách giết nhanh gọn không chỉ bởi độ hiệu quả mà còn bởi dù là game cũ nhưng cảnh kết liễu của Manhunt có cảm giác cực kì chân thực. Bạn không giết đối phương như mấy đòn takedown cực ngầu trong Mortal Kombat, Doom, Far Cry 3 hay Wolfenstein: The New Order, chả có động tác bá đạo gì khiến bạn cảm thấy như anh hùng hành động kiểu John Wick trong Manhunt cả. Các đòn kết liễu của game đều cho thấy sự chật vật và đau đớn của nạn nhân, cho thấy chút nhân tính còn lại của họ trước khi c.h.ết, cùng với đó là âm thanh rất chân thật đủ khiến những người mới chơi phải lạnh sống lưng.

Vậy nhưng bản thân tựa game sẽ lại khuyến khích bạn trở nên dã man hơn với đối phương thông qua việc The Director (với giọng lồng tiếng xuất sắc của Brian Cox) cổ vũ hành động bạo lực của Cash cũng như cuối mỗi màn chơi bạn sẽ có điểm thưởng cho độ tàn nhẫn của mình, khác hoàn toàn với nhiều game cố gắng truyền tải nội dung phản bạo lực như The Last of Us Part II khi thường xuyên nhắc người chơi rằng việc Ellie đang làm là sai trái. Và có lẽ sẽ không ít người sẽ bắt đầu thấy khoái chí với những màn hạ gục đẫm máu của game và không ngừng ra tay thật tàn khốc với kẻ thù, bởi chúng toàn là lũ rác rưởi kinh tởm cần được dọn dẹp đúng không?

Và đó là điều khiến cho yếu tố b.ạ.o l.ự.c trong Manhunt cực kì sâu sắc, bởi nhân vật chính Cash (cũng như người chơi) tự cho mình cái lí do thích đáng để làm điều đó và trên hết đó là không phải chịu hậu quả gì từ nó. Nhiều bạn ở đây có thể đã từng nghe về thí nghiệm Milgram, nếu chưa thì bạn nên xem qua về nó nhưng nói chung thì thí nghiệm cho thấy rằng con người ban đầu có thể phản đối việc xấu nhưng vẫn hoàn toàn có xu thế sẵn sàng làm hại người khác nếu được ra lệnh, miễn là họ cảm thấy mình không phải chịu trách nhiệm cho điều đó. Khi bạn có thể tự do làm điều mình muốn dù nó có kinh khủng thế nào, sẽ chả có gì đảm bảo rằng bạn sẽ không tìm thấy “niềm vui” trong đó.

Và Cash (cũng như người chơi) trong Manhunt chính là minh chứng rõ nhất cho điều này bởi The Director (cũng như chính game) liên tục yêu cầu người chơi trở nên bạo lực hơn, nếu bạn thực sự làm theo thì điều gì khiến Cash khá hơn những kẻ mình giết (vốn cũng làm theo những gì được yêu cầu)? Vâng, James có lí do của riêng mình rằng nếu anh không làm cho The Director thì anh không thể được sống và tự do nữa, đó cũng là sự biện hộ để Cash làm việc xấu bởi như tôi nói trước đó, nếu anh ta còn lòng tốt hay đạo đức thì đã chấp nhận cái chết và công lý hơn là tiếp tục nhúng m.áu 2 bàn tay của mình. Bất kì nhân vật nào, bao gồm Cash cũng đều là hạng người kinh tởm, đơn giản vì ở cái địa nguc Carcer City không có luật lệ và bạn gần như có thể bộc lộ con người thật của mình. Có lẽ ngoại lệ đó là nữ phóng viên cố gắng tìm cách phơi bày mọi chuyện, vậy nhưng nếu bạn thực sự tìm hiểu thì cũng sẽ nhận ra cô ta không hẳn là người tốt khi tận dụng vụ án cho tham vọng của bản thân.

Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu người chơi bắt đầu game không muốn mình quá bạo lực để rồi phải bất ngờ khi thấy game thưởng bạn vì đã hành động cực kì dã man cũng như việc cảm thấy khoái chí với các màn hạ sát kinh hoàng của mình (cũng là game thôi mà, có phải thật đâu đúng không). Đây cũng là điểm chung của đa phần các nhân vật trong game khi ai cũng có thể tha hồ lộng hành với quan điểm rằng mình “không thể bị đụng chạm”, một điều thực tế đến đáng sợ khi nhìn nhận ngoài đời. Và để rồi khi tay đạo diễn sử dụng gia đình Cash làm “diễn viên” cho phim của mình rồi cuối cùng cũng g.i.ết hại họ, Cash và người chơi mới thấy được rằng mình không thể tiếp tục làm con rối cho hắn.


Cuối cùng sau một loạt các biến cố khác trong game mà tôi sẽ không đề cập cụ thể, cùng với đó là cả một núi các nạn nhân mà Cash tàn s.át trên đường, anh cũng đến được dinh thự của The Director, tên thật là Lionel Starkweather để trả thù cũng như kết thúc sự điên loạn mà hắn gây ra. Tại đây người chơi sẽ đối mặt với Piggsy, một tên tâm thần g.iết người hàng loạt thích đeo mặt nạ lợn vốn là ngôi sao trong các phim snuff cũ của Starkweather nay được hắn nuôi dưỡng trong căn biệt thự của mình. Piggsy đã hoàn toàn mất hết lí trí cũng như sự liên kết với hiện thực, hắn có nhận thức của một đứa trẻ và tất cả những gì hắn biết đó là ăn và g.i.ết người.

Và màn đụng độ với hẳn là một trong những trận đấu boss đáng sợ nhất lịch sử ngành game. Có thể nói nếu người chơi chọn con đường bạo lực đẫm máu cho Cash để anh là ngôi sao phim snuff mới cho Starkweather thì Piggsy sẽ chính là kết cục của Cash. Qua đó Manhunt khéo léo cho thấy được một chuỗi tuần hoàn của game, đó là kẻ g.i.ết chóc mới nếu cứ theo con đường tay đạo diễn vạch ra thì sẽ trở thành Piggsy cho đến khi có kẻ khác tàn nhẫn hơn, cùng với đó là ảnh hưởng của bạo lực đến trí óc con người ta. Và Cash trong game có cơ hội kết thúc vòng lặp điên rồ này bằng việc kết liễu cả Piggsy và Starkweather.

Màn đối đầu vô cùng căng thẳng với Piggsy

Sau khi kết liễu được Piggsy và thực sự chạm trán với Starkweather, tất cả những gì người chơi thấy là một gã béo ăn mặc hớ hênh từ đầu game đến giờ chỉ ngồi trong căn phòng tối, trước màn hình máy tính để ra lệnh cho người chơi giết chóc cũng như tỏ ra khoái chí trước những cảnh đầu rơi máu chảy xuyên suốt game. Có thể nói chính Starkweather cũng là hình tượng châm biếm cho kiểu game thủ yêu thích game bạo lực cũng như người dùng internet những năm 2000, khi mà không gian mạng vẫn còn là miền đất hoang vu ít luật lệ hay kiểm duyệt và việc bắt gặp hình ảnh hay video bạo lực và máu me không có gì xa lạ cả, huống chi nó còn là thú vui giải trí bệnh hoạn của không biết bao nhiêu “edgelord” thời đó. Starkweather khi chạm mặt với Cash cũng hoảng loạn bỏ chạy và cầu xin lòng nhân từ chứ không có ghê gớm như lúc ngồi máy tính chỉ đạo nữa, phần nào cũng có thể coi là ám chỉ đám người hổ báo lúc sống ảo và không còn máu mặt lúc ngoài đời. Cuối cùng Cash cũng chính thức tiêu diệt Starkweather một cách vô cùng tàn bạo, kết thúc sự điên loạn hắn reo rắc bấy lâu nay.

Vậy nhưng liệu mọi chuyện đã kết thúc ở đây? Nếu bạn để ý thì sau khi bạn tạm thoát khỏi Starkweather để trợ giúp nữ phóng viên muốn lột tẩy tất cả sự điên rồ này cũng như thời điểm bạn đột nhập biệt thự của tay đạo diễn và kết liễu hắn, dù cho đã nằm ngoài sự chỉ đạo của Starkweather, tất cả các màn gi.ế.t chóc của bạn vẫn được quay phim lại một cách bình thường. Thêm vào đó kết thúc của game, với việc tên cảnh sát trưởng Carcer City thoát tội dù trực tiếp nhúng tay vào vụ việc cũng như Mr. Nasty, nhà sản xuất của bộ phim (nhân vật ở bìa đĩa game, không được nhắc trực tiếp trong game mà chỉ thoáng gợi ý) vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, khả năng cao việc Cash nổi loạn và giết Starkweather cũng nằm trong tính toán của Mr. Nasty và là một phần trong bộ phim của hắn.

Còn nữ phóng viên muốn phơi bày sự thật cũng hóa điên vì những gì phải chứng kiến. Và số phận của Cash hoàn toàn vô định sau đó. Rốt cuộc kẻ đầu sỏ đứng sau tất cả, Mr. Nasty vẫn là kẻ chiến thắng khi hoàn thành được bộ phim của mình. Manhunt không hề có một kết thúc có hậu, nhất là với đa phần các nhân vật trong game, và Cash (và người chơi) là kẻ trực tiếp tiếp tay cho điều này. Và điều thú vị nhất, đó là nếu đã chơi game bạn sẽ thấy kết thúc của game rất chớp nhoáng và gần như không hề đề cập những hậu quả trên, bạn chỉ có thể tìm ra nếu chịu khó tìm hiểu. Điều này lại càng cho thấy cái hay của Manhunt khi mà các game khác như The Last of Us 2, Far Cry 3, Spec Ops: The Line cho thấy cái kết mang tính đạo đức của chúng thì Manhunt, người chơi lẫn Cash hoàn toàn có thể không thấy được hậu quả mình để lại. Nó lại càng cho thấy cái vòng lặp bất tận của bạo lực.


Mr. Nasty, kẻ thực sự đứng sau tất cả

Khi bắt đầu chơi Manhunt, có lẽ đa phần người chơi đều nghĩ rằng “mình khá hơn thế này nhiều”. Vậy nhưng sau khi Manhunt kết thúc, bạn hãy nhìn vào bảng điểm của game để thấy rằng liệu tựa game này có thể khiến mình thay đổi nhiều đến thế nào. Bởi hãy nhớ rằng đôi lúc tựa game này không “giả tưởng” như bạn nghĩ đâu.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện