Nếu bạn từng nhớ thì tôi có viết vài bài về phong cách game kiểu King’s Field cũ của From Software – cụ thể khi đó game mà tôi viết là Shadow Tower series. Thần giao cách cảm một ngày rất đẹp trời tháng 10 đang ngồi lướt sale gần đó và thằng Steam tự nhiên bất chợt gợi ý cho tôi một tựa game – tôi không biết nếu có spyware đọc những cái gì mà tôi chơi không và Steam quyết định gợi ý cho tôi Lunacid – thoạt nhìn những hoạt ảnh pixel kiểu phong cách Low Poly khối to PS1 rất dễ đánh lừa bạn nhưng bạn sẽ không biết một trò chơi có thể tuyệt đến đâu nếu không tự tay thử nghiệm, và thật bất ngờ, Lunacid có lẽ là một trong những trò chơi sảng khoái nhất của cả năm 2023 này khi cách mà nó đến rất bất ngờ và phong cách cũng khá độc so với phần lớn những cái đại trà bây giờ.
Gameplay: Đây là một tựa game Indie với kinh phí khá vừa phải thôi, người đẻ ra nó là Dev Stylish Kira:
Trước đó Kira đã làm ra tựa game Lost In Vivo cũng nhận được rất nhiều đánh giá tích cực và vì thế lần này họ quyết định thử nghiệm với phong cách của King’s Field và Shadow Tower với thành quả là Lunacid. Trò chơi mở màn bằng một đoạn phim cắt cảnh khá ấn tượng với đôi nét về Lore ở trong game. Cách làm này gợi nhớ lại phần mở đầu của Shadow Tower 1 trên PS1 tuy nhiên cái twist là nằm ở chỗ Kira không cảnh báo với bạn rằng chúng ta sẽ lại bước vào một hành trình xuống đáy xã hội và ngoi lên khác =))) Và vì thế cái mà bạn được nhìn thấy ở đây là cảnh gã đẩy xe bò chở toàn xác chết và rác thải mang ném hết xuống The Great Well – Giếng sâu khổng lồ, bàn tay trái của bạn vẫn cố tìm cách bám vào chiếc xe như bấu víu lấy chút sự sống cuối cùng còn xót lại cho đến khi lão già mất nết rút chiếc rìu ra và bổ một nhát đau đớn – giải thích cho việc tại sao bạn chỉ thấy tay phải của bản thân ở trong game mà không thấy tay trái đâu. Lúc này bạn chính thức lọt hố và hành trình ngoi lên từ đáy xã hội bắt đầu, trò chơi cho phép bạn tự điều chỉnh một số thứ như gương mặt đại diện của nhân vật, Class chiến đấu với những class như Knight – cho những ai chỉ thích Strength build, các chỉ số kháng nguyên tố ở mức tiêu chuẩn; là phù thủy, Thief là trộm, Cleric là thầy y, Undead là quỷ, Vampire là ma cà rồng, Shinobi là Ninja và Forsaken là những kẻ bị ruồng bỏ. Mỗi một class cho bạn một vài ưu điểm và nhược điểm trong game ví dụ như Thief có khả năng tìm được nhiều đồ khi chém thùng hay chém cây, chém lọ các thứ hơn với chỉ số các thứ chỉ mặc định ở con số 5, Knight mạnh về cận chiến nhưng Phép và các chỉ số có liên quan còn thiếu xót, Witch có ma thuật mạnh với chỉ số INT và RES cao nhưng máu khá giấy nếu phải cận chiến nhiều. Shinobi và Vampire có lợi thế về speed và dexterity – tốc độ di chuyển mặc định sẽ khá nhanh và nhảy cao, vũ khí tầm xa khá mạnh mẽ tuy nhiên Shinobi có máu khá giấy trong khi Vampire cực yếu với lửa và ánh sáng, ngoài ra nếu bạn chọn là Vamp thì cả class này thay đổi cách chơi một chút thông qua việc hút máu, hồi máu bằng việc uống máu và cực kì nhạy với nước hay nước thánh. Class Forsaken về cơ bản là kiểu người bị ném ra khỏi tất cả mọi thứ, chỉ số bắt đầu cái gì cũng chỉ 1 -1 -1, lợi thế duy nhất mà class này có là kháng độc mạnh mẽ trong khi các chỉ số khác thì bình thường, những điều này đồng nghĩa với việc đây là class khó nhất của game và đặt mọi kiến thức cũng như khả năng của bạn lên bàn cân khi chơi class này.
Lunacid cũng có một hệ thống trạng thái khá hay ho mà đọc dữ liệu từ máy tính của bạn vào game. Trong game bạn thấy có thanh trạng thái Lunacid như tên game, thanh này càng cao càng tốt và có một số đánh đổi nho nhỏ như: Nó làm tăng lượng EXP mà bạn nhận được ( Cực kì hữu dụng nếu bạn muốn cày level ), tăng sát thương ma thuật của bạn lên quái vật ( Witch và những ai có chỉ số INT cao rất có lợi ) đổi lại là bạn phải nhận thêm đúng lượng sát thương tăng lên đến từ quái và kháng hiệu ứng cũng kém hiệu quả hơn. Nó còn đọc luôn cả thời gian từ máy tính dẫn đến một cái rất hay ho đó là thay đổi luôn cả thời gian ở trong game, nếu bạn chơi vào buổi đêm gần trăng tròn thì bạn sẽ thấy Lunacid lên rất nhanh và mượt, thậm chí có thể triggered một số event đặc biệt liên quan đến thế giới trong game. Đồng thời game cho phép cày level ổn định kể từ khi quái vật sẽ luôn respawn lại sau khi bạn đi ra đi vào các khu vực nên bạn hoàn toàn có thể build Lunacid thật cao để buff EXP.
Combat của Lunacid hướng tới yếu tố chậm rãi nhưng chắc chắn. Giống với King’s Field, bạn chiến đấu theo kiểu tụ lực đánh – giữ chuột trái cho đến khi thanh lực đạt Full rồi thả ra và nhát đánh sẽ là Max Dam. Chỉ số Speed có thể tác động làm gia tăng tốc độ đánh của bạn lên, tức là làm thanh lực xạc nhanh hơn, do đó bạn có thể thả tay sớm hơn và đánh nhanh hơn. Có cả các cơ chế nhất định như đòn đâm, phím block để tạo thêm tính chiến thuật với các chỉ số phụ trợ là Strength và Defend. Ngoài vũ khí cận chiến ra thì bạn cũng có thể chơi cả súng hỏa mai, nỏ, cung tên, các loại vũ khí bắn phép kiểu gậy, đèn, nến… Khá thú vị và chỉ số Dexterity lẫn Inte sẽ giúp cho 2 cái này. Hệ thống ma thuật thông qua việc đeo nhẫn cho phép bạn cầm 2 phép một lúc. Phép cũng phải giữ một lúc để Cast và điểm hay ho đó là đôi khi bên cạnh thanh Mana, Phép cũng có thể được Cast với sự đánh đổi của máu và Game cho phép cái tình huống hài hước là bạn thật sự chết vì hết máu trong khi Cast Phép. Tôi tin là bạn sẽ không thấy Combat của Lunacid quá nhàm chán hay tù túng kể cả khi game có rất nhiều thứ dựa dẫm vào timing. Game ngoài ra thả lỏng cho bạn ở chỗ các mảnh tinh thạch dùng làm điểm Save Game cũng có thể dùng làm Teleporter cho phép bạn Fast Travel qua nhiều không gian nhanh chóng thay vì cứ phải đi theo lối mòn bình thường, bởi vì tùy vào cách bạn chơi mà game có thể rất dài đấy, tôi có hơn 10 tiếng trong game chỉ quanh đi quẩn lại ở 3 khu vực đầu chứ còn chưa sang đến các vùng khác.
Điều cách tân Lunacid so với công thức cũ của From Software một chút đó chính là việc bạn hoàn toàn có thể coi Lunacid như là một game kiểu lai Immersive Sim dạng nhẹ- Bạn được phép phát minh ra nhiều cách để đạt được mục tiêu thậm chí là cả những cái cách kiểu chính Kira cũng không nghĩ đến. Tôi lấy ví dụ như trong game, Kira cho bạn một phép thuật gọi là Rock Bridge – như họ giải thích đó là bạn có thể cast phép này lên bề mặt kiểu dung nham hay băng hay khoảng không để tạo thành cầu nối đi qua. Nhưng nếu tôi nói với bạn bạn có thể cast cả phép đó lên khoảng không để tự tạo không gian platform lên những tầng siêu cao trong Dungeon của game ? Cái cầu khi cast tuy sẽ chỉ tồn tại trong chưa quá 20 giây nhưng nếu dùng đúng cách, bạn hoàn toàn có thể lên cao và xa hơn so với khả năng bạn nghĩ. Hay nếu bạn không thấy thích cái này, phép Cast quan tài hay cast vật thể cũng có thể được xem là một giải pháp thay thế bởi vật thể có thể xếp trồng chéo lên nhau tạo thành các cột cao cho bạn nhảy lên nếu đứng được, có cả những kiểu Secret Wall hay vùng ảo ảnh đánh lừa bạn rằng không có đường đi nhưng nếu chịu khó bỏ thời gian khám phá và thử nghiệm bạn lại phát hiện ra được điều gì đó mới mẻ. Cái cảm quan khiến cho Lunacid đối với tôi khá tuyệt vời đó là cách trò chơi tỏ ra khá thoải mái và rộng mở với mọi thứ, không có kiểu hướng dẫn, dắt tay chỉ việc hay bảo gì rồi mới làm, bạn được thả rất tự do khám phá tất cả mọi thứ của game. Cốt truyện nó cũng rất chung chung đó là bạn phải tìm cách thoát lên trên mặt đất chứ không ở mãi dưới đáy xã hội được, nhưng rồi bạn nhận ra cách để thoát lên cũng lại đồng nghĩa là bạn phải đi sâu hơn vào những khu vực và thế giới bên dưới lòng đất của The Great Well, mà sau khi đã đi sâu vào rồi thì bạn lại không chắc mình có muốn lên nữa, hay nói đúng hơn là cái thế giới trên mặt đất có gì đáng để lên nữa. Xuyên suốt game thì phim cắt cảnh hay những thứ bị động linh tinh sẽ là rất ít, gần như đến không có bởi vì game muốn tạo ra cái trải nghiệm đó là nhân vật chính là chính bạn, bạn đang trải nghiệm và nhìn mọi thứ từ góc độ của bạn chứ không phải ai bảo bạn là gì, cốt truyện sẽ không chỉ giải đều vào items, không gian, môi trường hay NPC mà nó còn cho phép bạn phỏng đoán theo chính những gì bạn nhìn thấy, hay có một quy luật vô hình đằng sau nào đó mà bạn cảm nhận được. Và yếu tố Lunacid như tôi nói ở trên còn ảnh hưởng đến cốt truyện theo kiểu chỉ có một số event nhất định được trigger khi bạn chơi vào buổi sáng hoặc buổi đêm, nó khá là dị nhưng cũng rất hay bởi vì tùy theo điều này, sẽ có những người có trải nghiệm khác nhau và bạn không thể spoil được ai đó có thể gặp phải cái gì đó mà một người khác nữa thì không. Game có một khu vực nghỉ chân gọi là Wing’s Rest cũng khá hay ho nơi bạn luôn có thể Teleport về sau những giờ combat căng thẳng, chỉ đơn giản là ngồi ghế hay mua items, chế đồ, nâng cấp vũ khí etc khá thú vị. Các NPC của game có thể nói là bạn sẽ không gặp quá nhiều trên đường đi cho lắm nhưng một cái rất hay của Lunacid là cách mà tất cả họ trở nên đáng nhớ với người chơi chẳng hạn như cô quỷ Demi luôn ngọt ngào với bạn bất kể trong tình huống nào, bà quạ Sherryl buôn đồ lậu cho bạn nhiều món khá hay ho miễn là bạn không mua quá Stock hoặc bà ấy sẽ nâng giá mọi thứ lên chóng mặt, Etna dạy bạn chế đồ và mở một quán Bar nơi bạn gặp ông lão bộ xương Clive – Clive có thể ngồi buôn chuyện với bạn và kể cho bạn nghe rất nhiều về thế giới quan của Lunacid và những gì xảy ra ở nơi này. Game cũng có Multiple Ending nhưng tôi nghĩ đây sẽ là trải nghiệm cá nhân của riêng bạn thì hơn vì cách mà Multiple Ending của game đạt được cũng rất là thú vị.
Nếu nói về khuyết điểm của Lunacid, thì có lẽ có vài khuyết điểm không quá đáng kể, tôi lấy ví dụ như vẫn còn có nhiều Bug linh tinh như ngã khỏi Collision và chìm sâu vô định, kẹt vật thể và kẹt collision – những cái này thỉnh thoảng mới xảy ra và tôi có bị ăn vài shots trong suốt 2 tháng chơi game. Audio thỉnh thoảng không sync vào với game khiến bạn không nghe được nhạc – cái này tôi bị đúng 1 lần, và nếu bạn là những kiểu Gamer hiện đại thì Level Design của Kira sẽ khiến bạn khóc thét bởi họ thật sự rất biết trêu ngươi bạn khi họ chọn những kiểu level design quái gở nhất bạn từng thấy khi đường đi ngoằn nghèo, ngõ ngách và combat đôi khi thích chèn ép bạn theo kiểu ném bạn vào góc hẹp và cho quái chơi trò áp sát người kè kè. Với đồ họa và âm nhạc nói chung của game indie thì không đòi hỏi nhiều nhưng nếu bạn hỏi tôi, Kira là một nhà làm game tuyệt vời và Lunacid có những cái hồn rất kiến tạo của nó trong phong cách đồ họa lấy ví dụ như những khu vực biển máu Sanguine – chơi chữ bởi vì Sanguine là một nhãn hiệu rượu vang đỏ khá là đậm và trong game thì bạn phải chìm trong một biển máu vô định, tầm nhìn xung quanh bạn có thể hiểu đây là một cái hang nhưng là hang rất lớn, bạn phải thật sự đi rất xa trước khi đến được gờ tường của hang và cái Vibe thật sự quá tuyệt vời bởi vì bình thường, làn sương đỏ mùi máu, âm vang của hang và cái cách mà Draw Distance bị giới hạn ở khu vực này khiến bạn chỉ nhìn thấy toàn một màu đen sâu thẳm – lâu lắm rồi tôi vẫn chưa thấy game hiện đại nắm bắt lại được cái này kể từ thời PS2 và đầu PS3. Các địa danh trong Lunacid khá đa dạng từ những hang động thác nước của Hollow Basin, khu rừng Yosei Forest nơi có những tròm cây cao có thể mở lên đỉnh Forest Canopy hay một hang động nơi chỉ toàn cây ăn thịt mở xuống khu hầm mộ The Catacomb – Accused Tomb, từ Catacomb bạn mở được đường ra biển máu Sanguine Sea đến lâu đài Castle Le Fanu ở xa tít mù khơi hay tìm đường về khu mỏ Fetid Mire… Từ lâu đài Le Fanu bạn lại tìm đường đến tầng dung nham Boiling Grotto hay nếu lên phòng ngôi báu của lâu đài, bạn chạm trán Boss đầu tiên của game đó là hoàng từ Crillal rồi từ đường đó mở xuống khu hầm ngục Terminus Prison. Từ Terminus Prison bạn có thể tìm đường đến khu đấu trường Forlorn Arena hoặc Labybrinth Of Ash… Nếu không ai bảo bạn Kira học Level Design này từ King’s Field và Shadow Tower kiểu gì cũng sẽ có kẻ nghĩ đến Dark Souls. Ah yeah, bên trên tôi có nói đến Boss thì cũng là một khuyết điểm đáng buồn là cả game chỉ có đúng duy nhất 2 con Boss – hoàng từ Crillal và hiệp sĩ Succsarius Knight. Cả hai đều là những trận Boss fight dai dẳng đến từ việc chúng rất là Sponge – thanh máu tụt cũng rất chậm và bạn sẽ muốn nghĩ đến việc chơi Full phép và đập Full một tấn hiệu ứng lên người chúng hơn là chỉ Melee hay bắn cung nỏ thuần. Ngoài ra với việc đồ họa biết tận dụng một Art Style tuyệt vời như thế thì Enemies lẫn NPC Design cũng khá đặc tả, gợi cho bạn tất cả những kí ức Low Poly một thời của máy PS1 và PS2.
Âm nhạc của Lunacid so với một game Indie thì có thể nói tuyệt vời trên cả tưởng tượng. Vì là game Indie nên các track nhạc chủ yếu là các giai điệu Loop kiểu Lo-fi, Synth, Techno và được chơi lẫn soạn bằng tay, bạn có thể thấy cái giai điệu khá là ma mị và bắt tai thế nào. Bên cạnh việc tự sáng tác vài track nhạc của Kira – Tên đầy đủ của họ là Akuma , đây là cái game kì lạ nơi bạn thấy thằng cha Thor High heel cũng trổ tài âm nhạc ở đây ! Ý tôi là tôi còn chả biết Thor High Heel làm cái quái gì ở đây cơ ? Bạn nên ghé qua kênh Youtube của gã này, hắn làm rất nhiều Video tuyệt vời chủ yếu cover các game độc và các game kén được phát hành chỉ nội địa trong một số khu vực nhất định, cụ thể là game thời PS3 đổ xuống. Tôi sẽ để link của gã ở đây
https://www.youtube.com/@thorhighheels
Ngoài ra còn có cả Jarren Crist cũng là một tay nhạc sĩ chuyên làm nhạc cho game Indie cũng rất tuyệt, cái cách mà giai điệu của tất cả Blend in vào cho ra một trải nghiệm tuyệt vời đặc biệt nhất là khi bạn Teleport về Wing Rest, và tự hỏi sao những giai điệu càng ngày càng to dần và hóa ra bạn nhìn thấy Demi đang đứng chơi đàn. Voice Acting của game cũng rất là thú vị bởi vì thay vì có lồng tiếng cụ thể, tất cả những gì họ nói là những âm thanh kiểu ai đó nói méo giọng và được tua rất nhanh !
Đánh giá chung: Lunacid chắc chắn là món Deal hời nhất mà bạn có thể có được từ một game Indie. Đây là cái game nơi mà bạn chứng kiến tất cả những tinh hoa của game PS1 và PS2 ùa về, nó tốt đến một cách tuyệt vời vì chả ai nghĩ đằng sau những thứ như Pronoun which NPC còn chả thèm đọc Pronoun của bạn làm gì đâu hay những thứ quái gở Low poly vô định lại có những Design được Mixed vào với nhau tuyệt vời như thế. Cốt truyện không quá sâu sắc nhưng bắt trọn người chơi trong khoảnh khắc vì đơn giản là nó không quá cố để xa đà thành một thứ gì đó. Có rất nhiều điều mà tôi muốn nói với bạn ở game nhưng tôi chợt nhận ra là bạn cần chơi nó cái đã thì cái mớ Text của tôi mới có nghĩa lý gì đó. Sau khi bạn hoàn thành Lunacid, cái trải nghiệm của ” Giấc Mơ ” này sẽ còn mãi với bạn và hãy nhớ một điều rằng, khi bạn tỉnh dậy và lại bước ra cái thế giới bên ngoài tàn nhẫn kia, bạn không đơn độc bởi vì tất cả yêu bạn: Demi yêu bạn, Etna cũng yêu bạn, Clive cũng yêu bạn như cách một ông già yêu quý một đứa trẻ ngây thơ chưa từng trải, Sheryl cũng yêu bạn vì đơn giản có bạn bà ta mới có hàng để bán và quan trọng nhất là Kira không muốn bạn biết nhưng Kira cũng yêu bạn rất nhiều đấy, vậy nên cầm kiếm lên và ra ngoài kia chiến đấu với cuộc sống đi.
HenryMason AKA TranVietBach