Anh kể em nghe về lịch sử game (P.7): Gaming Consoles Gen I – Gen IV

Chủ xị

  

Sau nhiều những cuộc nói chuyện, bàn luận về lịch sử phát triển của trò chơi điện tử nói chung, anh em Tít và Mít cũng đã dần đi đến cuối cuộc hành trình học hỏi tri thức này. Hôm nay Tít quyết định kiểm tra kiến thức của Mít một chút để xem em trai mình đã tự học hỏi đến đâu.

Tít: Hôm nay anh và em sẽ thực hiện một bài kiểm tra nho nhỏ để xem thời gian qua em đã học được gì nhé. Chủ đề sẽ là 8 đời máy chơi game cầm tay từ trước đến nay, mỗi người sẽ nói 1 gen và người tiếp theo sẽ nói về gen kế tiếp. Đồng ý chứ?

Mít: Hoàn toàn đồng ý ạ, em đã sẵn sàng từ lâu rồi!

Tít: Vậy anh sẽ nói trước về gen 1 của hệ console luôn. Những trò chơi điện tử đầu tiên xuất hiện vào thập niên 60 của thế kỉ trước. Vì thời đó máy tính cá nhân cũng chưa có mà dùng nên những trò chơi điện tử này xuất hiện dưới dạng console. Năm 1951 Ralph Baer có một ý tưởng về việc tạo nên một trò chơi điện tử tại nhà nhưng không được công ty của ông chấp nhận. Mãi đến năm 1966 khi làm việc cho công ty Sanders Associates, ước mơ tạo ra một console để chơi game của ông mới trở thành sự thật và chiếc máy đó được đặt tên là “Brown Box”. Cũng trong tầm khoảng thời gian đó công ty Magnavox cho ra đời máy Magnavox Odyssey. Chiếc máy này có một hộp nhỏ đi kèm với tác dụng xoay để chuyển qua nhiều game. Thời điểm đó Odyssey bán được 100.000 máy, một con số khủng với sản phẩm lần đầu tiên ra mắt trên thị trường thế giới. Cho dù nhiều game là vậy nhưng Odyssey vẫn không hot hơn cái tên Atari khi hãng này cho ra đời game Pong, 1 trò chơi đưa bóng qua bên đối phương với 2 thanh di chuyển trái phải. Vì vậy năm 1975, Magnavox đã tạo ra một bạn “hạ cấp” Odyssey xuống Odyssey 100 chỉ bao gồm Pong và Hockey. Bản nâng cấp của Odyssey 100 là Odyssey 200 hỗ trợ  đến 4 người và bắt đầu hiển thị điểm số trên màn hình. Kết thúc gen 1 là giai đoạn các nhà sản xuất cạn dần ý tưởng game và bế tắc vì cứ quanh đi quẩn lại những game đơn giản. Rồi đến lượt em đó!

Magnavox Odyssey

Magnavox Odyssey

Mít: Vâng, ngay sau giai đoạn gen 1, năm 1976 là sự bắt đầu của gen 2. Không như máy Odyssey chơi được nhiều game nhưng không được đón nhận nhiệt tình, các nhà sản xuất giờ đây lại tìm thấy sự thu hút của nó và quyết định tái tạo lại những chiếc máy như thế, điển hình như Atari 2600 và RCA Studio II của Atari và RCA. Cũng cần phải nói thêm rằng, trong các máy console đời gen 2 thì Atari 2600 là hot nhất. Tiếp đó người ta lại tìm cách chế tạo những máy chơi game cầm tay có màn hình kèm theo máy luôn, kiểu như máy gameboy vậy. Microvision là chiếc máy đầu tiên như vậy và được bán vào năm 1979. Khuyết điểm lớn nhất của nó là chơi trên màn hình đen trắng và có rất ít game nên nó đã bị dừng bán 2 năm sau đó. Một máy tay cầm khác là Epoch Game Pocket Computer được bán ở thị trường Nhật nhưng có kết cục tương tự vào năm 1984. Quay trở lại với chiếc máy hot nhất gen 2, Atari 2600, sở hữu một trong những game hay nhất thời bấy giờ là Space Invaders. Vì Atari 2600 là máy game thùng có kích cỡ khá to lớn nên nhiều người đã mua console của Atari để chơi được tại nhà mà không phải đem “thùng chơi game” to như cái tủ lạnh kia về. Hoàng kim là thế nhưng dương thịnh âm suy, năm 1983 chứng kiến một sự đổ vỡ lớn của ngành game mà anh đã nói với em rồi ấy. Atari tiếp sau thành công của mình tạo thêm trò chơi E.T và Pacman nhưng hoá ra chúng đều là thảm hoạ và không được đón nhận. Thêm vào đó thời kì này lại là sự phát triển của máy tính để bàn nên thị phần của máy game thùng và console đều bị suy giảm. Atari phải đốt hàng ngàn băng game E.T tại một bãi rác vì không ai mua nó.

Các console xuất hiện trong gen 2

Các console xuất hiện trong gen 2

Tít: Được rồi, ngay sau cuộc khủng hoảng, ngành game chấm dứt gen 2, Nintendo chính là hãng đã mở ra kỉ nguyên của gen 3 với những chiếc console chơi tại nhà mang tên Famicom. Chiếc Famicom này hỗ trợ độ phân giải tốt hơn với nhiều màu sắc hơn, một cải tiến lớn về mặt đồ hoạ làm người chơi cảm thấy rõ rệt được sự thay đổi. Bắc Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất của NES (Nintendo Entertainment System) và công lớn nhất có lẽ phải kể đến Mario, một biểu tượng của Nintendo cho tới tận bây giờ. Nổi lên sau đó, Sega với ý định sẽ tranh giành thị phần với Nintendo nhưng không thành công kể cả là thị trường ở Mỹ hay Nhật. Tuy vậy nhưng những thị trường nhỏ hơn như châu Âu, Sega vẫn tìm được chỗ đứng cho riêng mình, đặc biệt phải kể đến Brazil là nơi tiêu thụ nhiều nhất do chính sách cấm nhập khẩu từ Mỹ nên những máy Sega còn được sử dụng đến thập niên 90. Cùng thời điểm đó, Atari bị bán lại cho Jack Tramiel nhưng những nỗ lực đưa Atari về thời hoàng kim của nó không mấy thành công. Phiên bản Atari 7800 nhỏ gọn hơn, rẻ hơn 2600, có tính cạnh tranh cao so với NES. Dù không thể đánh gục và chiếm được thị phần của Nintendo nhưng ít nhất thì sản phẩm mới này cũng giúp Atari thoát khỏi cảnh nợ nần. Cuối giai đoạn gen 3 này, Nintendo cho ra mắt một sản phẩm mà phải nói rằng gắn liền với tuổi thơ cả nhiều người bây giờ, đó là Game Boy. Với dòng sản phẩm này, Nintendo chính thức chiếm lĩnh toàn bộ thị trường máy chơi điện tử cầm tay, một kết quả đáng ngưỡng mộ.

NES hay còn được biết là Famicom-biểu tượng của gen 3

NES hay còn được biết là Famicom – biểu tượng của gen 3

Mít: Nippon Electricity Company (NEC) là công ty đầu tiên mở ra thế hệ console gen 4. Những chiếc máy của hãng này sử dụng engine PC, nâng cấp chip đồ hoạ một cách tối đa cho máy TurboGrafx.  Thêm vào đó, máy TurboGrafx cũng lần đầu tiên đưa ứng dụng thẻ nhớ để lưu game vào sử dụng. Mỗi thẻ này lưu trữ một game riêng gọi là HuCard, giống như băng đĩa game ngày nay vậy. Tuy chiếm được cảm tình tại thị trường Nhật nhưng rất khó cho TurboGrafx có thể làm nên kì tích tại các thị trường phương Tây, nơi người ta vẫn đắm chìm với những máy game của Nintendo. Không nản chí, NEC tiếp tục cải tiến đồ hoạ đáng kể từ 8-bit thông thường lên 16-bit. Đặc điểm chung của console đời gen 4 là chip đồ hoạ cho phép làm được nền game đẹp, nhân vật to hơn và nhiều chi tiết hơn, tăng sự rõ nét hình ảnh, giảm răng cưa. Các game điển hình cho NES thời kì này có lẽ là Megaman, Shatterhand, Super Mario Bros 3. Năm 1990, Famicom được Nintendo nâng cấp thành Super Famicom và đặt tên là Super NES (SNES). Bản nâng cấp lên gen 4 này của Nintendo đủ muộn để SEGA thâu tóm được một phần thị trường Bắc Mĩ với hàng triệu máy đã được bán ra. Cùng năm này, SEGA tung ra trò Sonic the HedgeHog được tung hô hệt như Space Invader ngày đó của Atari. Lúc này thị trường bán máy console chơi game đã được chia ra khá rõ rệt. Châu Âu có Sega, Nhật có Nintendo, còn Bắc Mĩ là thị trường lớn duy nhất vẫn đang bị tranh giành. Còn về mảng game cầm tay, Nintendo vẫn dẫn đầu vời càng ngày càng nhiều siêu phẩm xuất hiện trên Game Boy như Pokemon, Tetris, Kirby. Mạnh dạn cải tiến, Nintendo nâng tầm Game Boy lên Game Boy Color với những trò chơi cũ đã được thêm màu, sức hấp dẫn này quả đúng là có một không hai và người ta vẫn chơi những game trên hệ máy này bằng giả lập cho đến tận bây giờ.

SNES và SEGA Genesis cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc gen 4

SNES và SEGA Genesis cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc gen 4

Tít: Học bài tốt đấy chứ nhỉ! Được rồi hôm nay đến đây là đủ, từ gen 5 đến gen 8 chúng ta sẽ nói trong lần tiếp theo nhé!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện