Hỏa Phụng liêu nguyên, một bộ manhua với chủ đề là thời Tam quốc nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Nhưng khoan đã đừng vội thầm nghĩ nó sẽ giống với Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, hay bộ chính sử Tam Quốc Chí của Trần Thọ, hay bất kỳ một bộ truyện nào khác cùng chủ đề. Hỏa Phụng liêu nguyên là một cái nhìn rất khác của tác giả Trần Mỗ về thời kỳ này. Những nét sáng tạo độc đáo, táo bạo, cùng với dàn nhân vật được xây dựng xuất sắc và những triết lý sâu sắc mà Trần tiên sinh lồng ghép vào đã tạo nên một trong những bộ truyện hay nhất mà tôi từng đọc.
Cái hay nhất của Hỏa Phụng là những triết lý được gài gắm suốt bộ truyện. Và cái cuốn hút nhất của Hỏa Phụng là ở dàn nhân vật đáng nhớ. Kể cả với những nhân vật đã quá quen thuộc với người yêu Tam Quốc, Hỏa Phụng vẫn có thể khiến chúng ta yêu mến họ lại lần nữa, và theo một cách rất khác. Nổi bật nhất trong dàn nhân vật của Hỏa Phụng, bên cạnh cặp đôi nhân vật trung tâm Tư Mã Ý – Liêu Nguyên Hỏa, chính là bộ tám gã quân sư đệ nhất thiên hạ đến từ Thủy Kính phủ. Họ là Thủy Kính Bát kỳ, là những nhân vật nổi bật trong lịch sử với tài năng và trí tuệ, được Trần Mỗ đưa vào làm tám sư huynh đệ cùng học một thầy. Trong số họ, có những kẻ đã ra đi, và có những người còn đang ở lại.
Và đây, đơn thuần là một bài viết dành cho Thủy Kính Bát kỳ, cho những kẻ đã ngã xuống, và cho cả những người còn ở lại.
Cho những người đã ra đi…
Nhất kỳ Viên Phương – một đời dang dở
Nhất kỳ Viên Phương, đến lúc này vẫn là kẻ duy nhất là nhân vật hư cấu trong Thủy Kính Bát kỳ, ít nhất là cho đến khi gã bí ẩn đeo chiếc mặt nạ thứ tám chính thức lộ diện. Y vẫn thường được ca ngợi là kỳ mạnh nhất. Thậm chí có kẻ còn nói sở dĩ có đến tám kỳ, là vì sư phụ y muốn dùng bảy kỳ kia để khắc chế một mình Viên Phương. Là quá lời chăng? Hay chỉ là những lời tâng bốc của Viên quân? Nếu nhìn vào lần xuất sơn của y trong chiến dịch “Thành hạ nhất tụ” tại Lạc Dương, có lẽ nhiều người sẽ thất vọng, bởi vì kế hoạch đột kích bất ngờ nhằm đi trước một bước Đổng Trác, rốt cuộc lại biến Viên Phương thành trò cười, ngay cả chiêu cuối cùng ẩn mình hành thích Đổng Trác, rốt cuộc lại chỉ dành để tôn thêm cho trí tuệ siêu phàm của Lữ Bố. Bản thân y trúng thương, bất lực nằm bệt dưới đất để làm trò cười cho quân Đổng Trác. Một trong Thủy Kính bát kỳ lại thảm hại thế sao? Rốt cục tài năng của y cũng chỉ đến thế thôi ư?
Nhưng rõ ràng, cái danh của y không phải để trưng. Y thất bại, là do đã quá kiêu ngạo, quá tự tin vào tài trí của mình. Bài học xương máu tại Lạc Dương đã khiến y thay đổi. Kể từ đó, y nhường sân khấu lại cho các sư đệ mình. Còn bản thân Viên Phương lùi vào phía sau, chuẩn bị những bước cần thiết cho một cuộc chiến quyết định: Quan Độ. Và cũng ở Quan Độ, y đã hoàn toàn lột xác, trở thành một kẻ đã phần nào xứng với cái danh “kẻ mạnh nhất Bát kỳ”. Những tầng tầng lớp lớp mưu kế của y đã suýt đẩy quân Tào xuống vực thẳm. Chỉ một mình y đã khiến cho Tuân Úc trúng tên suýt chết, gián điệp của y khiến bệnh tình Quách Gia thêm trầm trọng, Giả Hủ buộc phải ở lại Nhữ Nam để chống giữ quân Khăn vàng mà y kích động, rồi cả Tư Mã Ý cũng xém bỏ mạng vì mưu kế của y. Tại Quan Độ, binh pháp, mưu lược và kế sách của Viên Phương đã khiến cho Quách Gia cũng phải thất bại, thậm chí ngay cả khi hai đại tướng mạnh nhất của y là Nhan Lương và Văn Xú đều đã không còn. Y suýt chút nữa đã có thể hủy diệt quân Tào, đem lại chiến thắng hoàn mỹ cho cả quân Viên, và cho cả bản thân y.
Phải rồi, suýt chút nữa… Viên Phương đã rất gần với chiến thắng, nhưng đến cuối cùng, y vẫn không thể chạm vào nó.
Đấu tay đôi từng người, không ai có thể địch lại y. Nhưng y lại chỉ có một mình, và một mình thì không thể đấu lại với quá nhiều địch thủ. Và cuối cùng, y ngã xuống bởi một kẻ đã ẩn mình dưới trướng y từ quá lâu.
Viên Phương là một nhân vật hư cấu, cho nên y có thể có tài năng vượt trội, là kỳ mạnh nhất trong Bát kỳ, là kẻ có thể khiến bốn người tài trí không kém y là bao phải hụt hơi. Có điều… vì là nhân vật hư cấu, nên y tuyệt không được phép để lại dấu ấn nào. Bởi vậy, tất thảy những thứ mà y làm, thảy đều dang dở. Cho đến cuối cùng, y vẫn không thể tạo được một dấu ấn nào thực sự nổi bật. Y là kỳ vất vả nhất, và… cũng là kỳ cô đơn nhất…
Thất bại của Viên Phương, cuộc đời bi kịch của Viên Phương, chung quy cũng xuất phát từ kẻ tạo ra y: Viên Thiệu. Kẻ thương con nhưng phải hủy hoại những thứ mà con yêu quý, kẻ trung thần nhưng lại ôm vọng bá chủ mà không dám để tiếng nhơ cho dòng họ, kẻ muốn lập nhưng không thể mà phải lập cho người, rốt cuộc thì y giúp con hay đang hại con? Viên Phương có trách Viên Thiệu không? Có, y thậm chí còn muốn giết chết cha của mình, nhưng y đã thừa nhận sự đúng đắn của cha mình từ rất lâu rồi, ngay cả khi ngồi trước mộ của Tiểu Trà, người con gái mà y từng yêu, người con gái đã chết bởi chính cha của y. Phải, y vốn đã thừa nhận từ lâu rồi, chẳng phải y đã tự nói với bản thân những lời đó sao? “Tại ta tham luyến nữ sắc hay chìm đắm trong nồng ấm đã mất ? Ta cười sự quả đoán của ông ta hay bội phục tầm nhìn xa của ông?” Những suy nghĩ của y về mối quan hệ cha – con đầy phức tạp với Viên Thiệu, hình bóng mơ hồ của Tiểu Trà, tất cả hiện lên trước mắt của y, trong những phút cuối cùng.
Viên Phương trước khi chết đã nở một nụ cười mơ hồ. Y cười mà như không cười, là vì sao? Vì y rốt cuộc đã chấp nhận số phận đầy dang dở của mình chăng? Cho đến cuối cùng, y đã đạt được điều gì? Chẳng gì hết. Tất cả những cố gắng của y cũng không thể giúp Viên gia thay đổi cục diện. Tất cả những cay đắng của y chẳng thể đem lại một thành tựu nào. Tất cả những gì y cố gắng vun đắp, thảy đều dang dở. Thiên hạ hay vườn hoa, rốt cục y cũng chẳng thể có được thứ gì. Trong cái giây phút dài dằng dặc trước khi giã từ cõi đời, Viên Phương đã mỉm cười, một nụ cười mơ hồ. Bởi vì có lẽ cuối cùng y đã có thể gặp lại Tiểu Trà của y, gặp lại người y mong nhớ cả một đời.
“Hoa của ta ơi, hoa của ta. Mộng của người à, mộng của người. Là dài lâu không tàn, hay là không chịu nổi gió mưa? Có lẽ, cũng giống như thứ mà thánh nhân tìm kiếm, rốt cục cũng là quay về khởi điểm của hư vô. Lấy cái phương pháp vô lý nhất, học thứ đạo lý đơn giản nhất. Thiên hạ, vườn hoa, không có gì khác biệt.”
Tứ kỳ Quách Gia – đại nghĩa Hắc ám
Thế gian không có mấy người hiểu được ý nghĩa đích thực của binh pháp Hắc Ám. Thiên hạ cũng không có bao nhiêu kẻ chân chính hiểu được Quách Gia.
“Giết người là không vui. Cứu nước càng không vui…”
“Giết người là giết người, làm gì có giết đẹp với giết ngay thẳng. Vua tàn ác, vua nhân từ đều là kẻ giết người, không có gì khác nhau.”
Năm ấy, y cho tàn sát bá tánh Từ Châu. Mười mấy vạn người bị giết sạch không còn một ai, chó lợn cũng không tha, máu nhuộm đỏ cả một vùng. Y gọi đó là “Phụng Hiếu sát lục” – “chém giết vì chữ hiếu”, giết một thành, thu phục mười thành, muốn cứu thiên hạ, phải giết cả thiên hạ. Y chính là đôi cánh đen của Tào Tháo, y chấp nhận bước vào địa ngục để giúp đôi cánh trắng của Tuân Úc có thể bay cao… Xả thân để đạt đạo nhân, tất cả vì chính sách nhân nghĩa của Tuân Úc. Đó mới là ý nghĩa đích thực của đại nghĩa Hắc Ám. Y lăn lộn khổ cực suốt mười năm trời, là để có thể nhanh chóng hoàn thành đại nghĩa của y, bởi vì y căn bản không còn nhiều thời gian nữa. Quách Gia giống như một ngọn đèn leo lét trong đêm, y là một đốm lửa sắp tàn… nhưng mà, trong màn đêm tăm tối, một đốm lửa dù nhỏ vẫn có thể chiếu sáng thế gian…
Vì sao Quách Gia lại chọn con đường đen tối của binh pháp Hắc Ám? Phải chăng trong lòng y đã không còn tồn tại thứ gì là đạo nghĩa thánh hiền? Không đâu, kỳ thực y vẫn luôn tin tưởng vào điều đó, chỉ là… cái gốc rễ của thiên hạ đã mục ruỗng, nước không ra nước, nhà không ra nhà. Muốn đạt được thái bình thịnh trị, không còn cách nào khác ngoài diệt trừ hết tất cả những mối nguy hại. Đó là đại nghĩa của y, mà thứ được gọi là đại nghĩa ấy, vốn chỉ có thể được tạo nên bởi chém giết, chẳng còn cách nào khác. Người ta có thể lầm tưởng Quách Gia căm hận thế gian này, cho nên mới ra tay tàn độc như thế ở Từ Châu. Một kẻ bệnh tật sắp chết như y hoàn toàn có thể, và có quyền căm hận thế gian…
Nhưng chỉ có điều… Quách Gia thủy chung chưa bao giờ căm hận thế gian này, dẫu nó có bất công với y đến đâu. Trái lại, y lại là kẻ yêu thế gian này hơn ai hết. Mong muốn của y luôn là làm sao có thể đem lại thái bình cho thiên hạ, làm sao để chấm dứt loạn lạc. Bởi thế, y đáng ghét bao nhiêu khi coi mạng người như cỏ rác thì lại đáng thương bấy nhiêu trong chính cuộc đời mình. Y luôn cao giọng “muốn cứu thiên hạ trước hết phải giết cả thiên hạ” nhưng kỳ thực lại luôn băn khoăn về đại nghĩa của mình. Phía sau nụ cười thỏa mãn thắng trận của y luôn là đôi mắt chứa đầy những ưu tư. Bản thân Quách Gia có lẽ cũng không biết con đường mình đi có đúng đắn không, nhưng đó là con đường nhanh nhất, ngắn nhất mà y có thể phát huy hết tài năng, tiến gần hơn đến mục tiêu trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. Nhưng rốt cục thì có bao nhiêu kẻ có thể hiểu được Quách Gia? Bao nhiêu kẻ hiểu được đại nghĩa của y? Người mà y chọn để thi hành chính sách nhân nghĩa, xây dựng căn cơ vững chắc cho thiên hạ thái bình là Tuân Úc, nhưng cả hai người lại chưa bao giờ thực sự thấu hiểu nhau trong từng ấy năm trời. Tuân Úc luôn luôn bất bình với cái binh pháp Hắc Ám kinh khủng của Quách Gia… cho đến tận những giây phút cuối cùng.
Phải đến tận khi Quách Gia cận kề với cái chết, Tuân Úc mới thực sự hiểu được đại nghĩa của sư đệ mình. Mười năm khổ ải, mười năm dấn thân vào đêm đen, mười năm lăn lộn chốn địa ngục thấm đẫm máu tươi của hàng chục vạn người, cuối cùng Quách Gia cũng có thể dùng đốm lửa tàn của mình để thắp nên hy vọng cho thế gian. Vậy nên trong những phút cuối đời, y đã khóc.
Y khóc vì điều gì? Y khóc vì biết mình sắp chết chăng? Tuyệt đối không phải. Y đã chuẩn bị cho cái chết của mình từ rất lâu rồi. Một kẻ với cơ thể tàn tạ như y, chết có gì đáng sợ? Vậy tại sao Quách Gia lại rơi nước mắt? Đó là vì trước lúc chết, cái đại nghĩa hắc ám của y đã được Tuân Úc thấu hiểu. Cái đại nghĩa mà cả đời y theo đuổi, cái đại nghĩa bị cả thiên hạ ghê tởm, cái đại nghĩa đã tạo nên ác danh cho Quách Gia cuối cùng cũng được thấu hiểu bởi người đối lập nhất với y. Hơn mười năm trời, bao nhiêu kẻ đã chết dưới cái đại nghĩa “Phụng Hiếu sát lục”? Kẻ đã sớm thấu hiểu đại nghĩa hắc ám của Quách Gia là Giả Hủ, nhưng kẻ mà Quách Gia cầu sự thấu hiểu lại là Tuân Úc. Đến cuối cùng, y cũng chỉ chờ một câu thấu hiểu của nhị sư huynh, là đã có thể nhắm mắt mà ra đi. Hơn mười năm khổ nhọc, thiên hạ cơ hồ đã định, nhờ có binh pháp hắc ám của y. Cho nên cuối cùng, y đã khóc, bởi vì rốt cục một kẻ bị bệnh tật giày vò như y, đã đạt được một điều gì đó trong cuộc đời ngắn ngủi.
Đã từ lâu, y tự coi mình là quạ. Quạ, loài chim ăn xác thối quanh quẩn tại những bãi chiến trường ngổn ngang thi thể. Quách Gia tự nhận là quạ, nhưng mà quạ, vốn là chim hiền, hiền ở chỗ mớm trả, hiền ở chỗ hiếu thuận, hiền ở nguồn cội, không ngại xấu xí. Nhưng rồi, quạ vẫn là quạ, đến cuối cùng cũng chỉ có thể quẩn quanh bên xác chết mà cất tiếng bi ca…
Quách Gia ơi…
Quốc gia ơi…
Quách Gia không còn, quốc gia liệu có thể còn chăng?
Ngũ kỳ Chu Du – đô đốc liều mạng
Trong Bát kỳ, y là kẻ giỏi về thủy chiến nhất, và có lẽ y cũng là kẻ có màn xuất sơn lặng lẽ nhất. Nhắc về màn xuất sơn của Chu Du, thứ mà người ta nhớ chỉ là Tôn Sách, là cách mà hậu nhân Tôn Tử thoát khỏi bàn tay của Viên Thuật, là cách mà Tôn gia chân chân chính chính ngẩng đầu lên mà trở lại Giang Đông. Y là một trong Bát kỳ, vậy tại sao lại có màn xuất sơn lặng lẽ và khiêm nhường đến thế? Là kém cỏi chăng? Tuyệt nhiên không phải, bởi vì đó vốn là con đường mà Chu Du thủy chung đi theo. Trở thành một kẻ nức tiếng thiên hạ như Quách Gia hay Giả Hủ? Chu Du không màng những thứ hư danh ấy. Con đường của y là phò tá nghĩa huynh Tôn Sách, là xây dựng nên căn cơ vững chắc cho Tôn gia. Nhờ Chu Du mà Tôn Sách với lực lượng ít ỏi thuở ban đầu mới có thể quật khởi trở lại, thoát khỏi vòng vây của Viên Thuật, đánh một hơi thẳng xuống Giang Hạ, quay lại Giang Đông một cách đường đường chính chính. Mưu kế của Chu Du không kinh khiếp như liên hoàn kế của Bàng Thống, không tàn bạo như Hắc Ám binh pháp của Quách Gia, nhưng tuyệt không hề kém cạnh. Mục đích tối hậu của Chu Du là tạo căn cơ bá nghiệp cho Tôn Sách tại Giang Đông, và y đã thành công một cách mỹ mãn. Đại nghĩa của y là phò tá Tôn gia, là đưa nghĩa huynh trở thánh bá chủ vùng Giang Đông, vậy nên, những thứ hào quang hay danh tiếng của một trong Bát kỳ, vốn chẳng có nghĩa lý gì với Chu Du.
Bát kỳ, suy cho cùng vẫn là những thiên tài, mà thiên tài thì thường là những con người có chút ngạo mạn. Có ngạo mạn nên mới sinh ra ganh đua, và điều đó là cần thiết. Nhưng có mấy ai có thể dằn lại cái tính hiếu thắng của cá nhân mà nhìn đến đại cuộc? Những con người như vậy trong Bát kỳ không có nhiều, nhưng Ngũ kỳ là một trong số ấy. Y chọn cách lặng lẽ ở cạnh phò trợ cho Tôn Sách tuyệt không phải vì y kém tài, mà bởi vì đó thủy chung vốn là con đường mà y đã chọn. Còn về tài năng ư? Chu Du đâu có kém ai? Y là vô địch thủy sư của Bát kỳ, là kẻ mà ngay cả Quách Gia cũng phải nể sợ mà nói với Tào Tháo một câu:
“Chúa công, trừ phi lấp đầy được Trường Giang, bằng không thì tuyệt không có cách nào đánh bại được Chu Du trên mặt nước cả!”
Và chẳng phải chính Tôn Sách cũng đã bảo với Chu Du rằng, “đệ chính là trời của ta” đó sao?
Có lẽ Chu Du vẫn sẽ cứ mãi lặng lẽ đứng cạnh Tôn Sách như vậy, nếu không có mùa hè định mệnh ấy. Bao nhiêu lần Tôn Sách liều mạng đùa cợt với số mệnh là bấy nhiêu lần y vẫn bình an, tất cả là nhờ có Chu Du. Thế nhưng người tính vẫn không thể bằng trời tính. Mùa hè năm đó, Tôn Sách bị ám hại lúc đi săn, và kể từ giờ phút ấy, Chu Du buộc phải đứng lên mà trở thành trụ cột vững chắc cho Tôn gia. Y cuối cùng cũng phải đường đường chính chính phô diễn thực lực để giữ yên cơ nghiệp của nghĩa huynh, mà đỉnh cao nhất chính là trận Xích Bích lừng danh, nơi y đã hoàn toàn đánh bại đại quân Tào Tháo.
Chu Du là trụ cột vững chãi của Tôn gia, là người gánh vác vận mệnh của Tôn gia, nhưng mà, như vậy lại tạo nên một nỗi lo lắng mơ hồ.
Nếu y có mệnh hệ gì, ai sẽ là người có thể thay thế y? Không có Tôn Sách thì còn Chu Du, thế thì… nếu không có Chu Du, vậy còn ai đây? Chính Chu Du là người đầu tiên nhận ra mối nguy này, và y cũng biết thời khắc của mình sắp đến. Vậy cho nên y bắt đầu tập cho Tôn gia cách để tiếp tục tiến lên mà không có y. Chu Du năm lần bảy lượt giả chết, liều mạng một cách đáng sợ không khác gì Tôn Sách năm xưa, chính là để rèn cho Tôn quân có thể không ỷ lại vào y nữa. Bao nhiêu lần y ngã xuống, rồi lại đứng lên, lặp lại như vậy, cuối cùng Tôn quân đã quen với cụm từ “Đô đốc đã chết”. Không còn buồn thương, không còn đau đớn, chỉ có sĩ khí dâng cao, chỉ có quyết tâm ngày càng lớn. Vậy nên, đến khi cuối cùng Ngũ kỳ cũng chịu thua số phận mà gục xuống một lần cuối cùng, y đã cười một cách mãn nguyện.
Y cười, không phải vì Kinh Châu đã định, không phải vì cường địch đã tan. Y cười, là vì sau bao nhiêu khổ cực, bao nhiêu lần liều mạng, Chu Du cuối cùng đã tập cho Tôn quân không còn lệ thuộc vào một mình y nữa. Giữa ngọn lửa rực cháy như ngày y hỏa thiêu Xích Bích, Chu Du đã mỉm cười mãn nguyện. Giang Đông từ nay không còn Du, nhưng cũng không kẻ nào có thể coi thường được nữa rồi.
“Vạn dòng đổ về, vĩ lư đón cá. Chu Du ta đã sớm đi tới vĩ lư rồi. Thời gian vừa khéo, sau trận Xích Bích, lại bồi thêm một trận lửa vĩ đại nữa. Hoàn mỹ giết địch, hoàn mỹ tan biến. Từ đây Giang Đông vô ngư, nhưng cũng vô địch rồi!”
Và cho những người vẫn đang ở lại…
Nhị kỳ Tuân Úc – đôi cánh trắng nhân nghĩa
Trong Bát kỳ, y vốn là kẻ kém nhất về chiến trận. Giữa thời loạn thế, khi mà con người thành danh nhờ bày mưu tính kế đánh trận, có lẽ chẳng mấy ai nhớ được những kẻ ở hậu phương lo việc trị an và đối ngoại.
Nhưng mà, cây muốn xanh tươi thì gốc rễ phải khỏe, nhà muốn vững chãi thì nền móng phải tốt. Quốc gia muốn mạnh, thì không bao giờ có thể thiếu những kẻ thầm lặng ở hậu phương.
Nếu không có Nhị kỳ Tuân Úc, Tào Tháo sẽ không bao giờ có thể lập nên bá nghiệp. Y là kẻ không tốn một hạt thóc, một đồng tiền có thể mang về cho Tào Tháo mười vạn tân binh. Y là kẻ đã xuất hiện kịp thời để đảm bảo chúa công toàn mạng trong lần cược mạng với trời để luyện binh ở Bộc Dương. Y cũng chính là kẻ mà đã cứu mạng Tào Tháo trong ma trận liên hoàn kế của Phượng Sồ. Tuân Úc không chỉ giỏi thỏa thuận, đối ngoại mà công việc bảo vệ hậu phương, diệt trừ mối nguy từ bên trong, từ đằng sau đều rất lợi hại. Muốn hiểu vai trò cực kì quan trọng của y như thế nào, hãy xem thất bại cay đắng của Trần Cung chỉ vì hậu phương trúng kế, xem thất bại của Viên Phương tại Quan Độ bởi chính những mối nguy từ bên trong nội bộ.
Y là đôi cánh trắng với chính sách nhân nghĩa để giúp Tào Tháo bay cao. Quách Gia có thể thoải mái thực hiện binh pháp Hắc Ám, chém giết hàng vạn mạng người để thu phục một vùng mà không lo dân chúng nổi loạn, là nhờ có Tuân Úc. Y là kẻ luôn đau đáu với nỗi niềm trung hưng Hán thất, đem lại hòa bình thịnh trị dài lâu. Y là kẻ luôn luôn đi tìm một người có tâm trồng lúa, và Tào Tháo là một người như vậy. Y chọn Tào Tháo, có lẽ là vì y cảm thấy có thể lèo lái vị bá chủ này đi theo đại nghĩa của mình, để giữ lại chút di sản của nhà Hán, để chấn chỉnh và tu sửa lại một triều đại đang lụi tàn, để thái bình về với thiên hạ. Y về với Tào Tháo, là vì y nhìn thấy một tia hy vọng cho nhà Hán giữa lúc thiên hạ loạn lạc, cho dù đó chỉ là một hy vọng nhỏ nhoi.
Năm đó y bỏ qua lời mời gọi của Viên Phương, y từ bỏ Viên Thiệu về với Tào Tháo, sở dĩ là vì trong đêm trường tối tăm, cho dù chỉ có một ánh sáng yếu ớt mỏng manh, thì cũng có thể khiến cho con người ta thân bất do kỷ mà đi theo, đến chết mới thôi…
Nhưng mà… y cả đời vất vả vì Hán thất, cả đời khổ tâm duy trì một triều đại sắp lụi tàn, có đáng không? Tào gia rồi cũng sẽ không chịu tiếp tục làm Hán thần, chút chừng mực cuối cùng mà y lao tâm khổ tứ duy trì rồi cũng sẽ tan biến, vậy y cố gắng như vậy… đáng không? Gần hai mươi năm qua rồi, mà thiên hạ vẫn đại loạn không ngừng, còn tấm lòng trung nghĩa của những kẻ trung thần ít ỏi còn lại cũng đã phân tán nơi nơi, vậy… cuối cùng y đã đạt được điều gì?
Nhưng mà… vốn dĩ y đã xác định từ lâu, rằng không quan trọng có đạt được điều gì hay không, mà quan trọng là đã tận lực cố gắng hay chưa mà thôi…
Tuân Úc… Tuân Lệnh quân… một đời vất vả như vậy, hẳn cũng đáng rồi phải không?
Tam kỳ Giả Hủ – mưu giới kỳ thủ
Trong Bát kỳ, y là kẻ tìm ra con đường của mình sớm nhất. Y từ sớm đã chọn được chỗ đứng cho mình – đó là trở thành thứ ánh sáng đằng sau bóng tối của Đổng Trác. Nhưng mà, y cũng lại là kẻ đầu tiên mất đi chúa công của mình. Năm đó tại ngoại vi thành Trường An, lần cuối cùng Tam kỳ để lộ cảm xúc, lần cuối cùng người ta còn thấy được phần yếu ớt trong con người y, lần cuối cùng Giả Hủ rơi nước mắt.
“Đoán việc như thần thì có ích gì? Chúa công vẫn không thoát chết, còn nghĩa huynh Lý Nho cũng bị ta hại chết, đây là lỗi của Giả Hủ ta!”
Kể từ khoảnh khắc đó, Giả Hủ đã ném bỏ những gì còn yếu ớt trong phần tính cách của mình, trở thành một kẻ gần như vô cảm trước mọi thứ, dù là chiến công hay thất bại. Năm đó y là một kẻ lòng đầy thù hận, năm đó y vứt bỏ mọi thứ chỉ để theo đuổi một mục đích duy nhất – lấy đầu Lữ Bố, trả thù cho chúa công. Dẫu biết rằng con đường này căn bản chẳng đem lại điều gì, nhưng y vẫn mặc kệ, ngọn lửa hận thù đã làm y mờ mắt, nhưng cũng đã luyện cho mưu kế của y lên một tầm cao mới.
Năm ngày đánh bại Lý Túc, năm ngày đánh bại quân Tam doanh, chín phần binh lực còn nguyên vẹn đánh thẳng vào thành Trường An, không kẻ nào địch nổi. Cũng ngần ấy thời gian, diệt gọn bè lũ của Lữ Bố, đẩy lùi binh lực của Mã Đằng, khiến Trường An vững vàng. Lần xuất sơn của Tam kỳ khiến ai cũng phải sợ hãi mà thốt lên “Thiên hạ này chẳng ai làm nổi chuyện đó!”
Nhưng Giả Hủ vốn không phải kẻ có nhiều mưu kế như các sư huynh đệ. Có điều, y đã chọn tinh thuần một ngón đòn duy nhất, hễ ra chiêu là trúng, hễ ra tay là thành công, kẻ địch có biết cũng không tránh nổi. Tuyệt chiêu của y, vốn cũng là một loại binh pháp Hắc Ám: Công tử hiến đầu. Đạt được thành công càng lớn, phải hy sinh càng nhiều. Địch bại vong, ta cũng tổn thất. Thứ binh pháp này hiệu quả lớn, nhưng tác hại cũng nhiều, và nhất là nó không bao giờ bền được lâu. Thế nhưng dùng để trấn áp cái loạn của thiên hạ, dùng để quét sạch những trở ngại để tạo một căn cơ mới, thì không gì bằng ngón đòn này của y. Người ta luôn nhớ tới binh pháp Hắc Ám của Tứ kỳ Quách Gia, nhưng có đâu biết rằng kẻ đã bước đi trước trên con đường đau khổ này từ lâu lại là Tam kỳ Giả Hủ?
Một người, chỉ có hiểu rõ năng lực bản thân mình mới có thể biết rõ việc gì nên làm và có thể làm, mới có thể phát huy năng lực bản thân đến mức cao nhất. Trong thiên hạ, cũng chỉ có kẻ như Giả Hủ mới có thể nhìn nhận năng lực mình không bằng kẻ khác. Y được gọi là mưu giới kỳ thủ, là vì y có thể sử dụng được cả kỳ nhân vào mưu kế của mình. Người làm được chuyện này, phải là kẻ biết mình biết người như y.
Tôn Tử viết: “Biết người biết ta, trăm trận không bại.”
Giả Hủ, cho dù y thắng không nổi, nhưng cũng không ai có thể khiến cho y bại được vậy.
Thời gian trôi đi, dưới dòng chảy tàn nhẫn của lịch sử, người ta chỉ quen nhớ về cuộc đối đầu giữa Gia Cát thừa tướng và Tư Mã đô đốc, mà quên đi rằng ở phía sau, vẫn còn một kẻ là Giả Thái úy. Đại cục đã thành, binh pháp “Công tử hiến đầu” của y không còn đất dụng võ, y lặng lẽ lùi về phía sau, chìm vào trong bóng tối. Nhưng có hề gì đâu, bởi vì đó thủy chung vẫn là con đường của y, trước giờ nào có thay đổi?
Lục kỳ Bàng Thống – người nan tẩu hay kẻ tẩu nan?
Y là kẻ đầu tiên của Thủy Kính phủ được ban danh xưng “Phượng Sồ”, một trong Nhị kiệt. Và như để xứng với danh xưng mỹ miều ấy, lần xuất sơn của Bàng Thống đã khiến cả thiên hạ một phen náo loạn, liên hoàn kế của y khiến cho những kẻ tài năng nhất lúc bấy giờ cũng phải quay cuồng và chìm trong mê trận do y bày ra. Liên hoàn kế của y khiến Tào Tháo sập bẫy gọn gàng và toàn bộ đại quân bị đánh cho tơi tả, bản thân Tào Tháo suýt chết nếu không có sự hy sinh của Tào Ngang và Điển Vi. Liên hoàn kế của y khiến cả những sư huynh đệ cũng phải ngỡ ngàng và khiến Tuân Úc phải thốt lên trong lo lắng:
“Lão Lục xuất sơn rồi!”
Lần xuất sơn của Bàng Thống khiến cả một vùng náo loạn một phen, các phe phái dù hữu ý hay vô tình cũng đều bị cuốn vào ma trận kế của y mà không kẻ nào biết mục đích của y là gì. Thế rồi, giữa lúc các thế lực còn chưa hoàn hồn, chúa công của Phượng Sồ xuất hiện, nhân cơ hội mà mở rộng thực lực. Liên hoàn kế của y đã làm suy yếu một loạt các chư hầu, nhất là Tào Tháo, dọn chỗ để cho Trần vương Lưu Sủng – chúa công của Bàng Thống nổi lên. Mưu kế của y hoàn tất, nhưng chỉ tiếc là đã không thành công. Những quân cờ trong liên hoàn kế của y, sau lúc náo loạn, đã ngay lập tức ổn định lại thế cục, từng bước phá bỏ những mối hại mà Phượng Sồ gây nên. Và đau đớn nhất đối với y, là đã tính sai con bài Tư Mã Ý, để rồi đánh đổi lại là mạng sống của chính người mà y phò tá. Trần vương Lưu Sủng bị ám sát, toàn quân tan rã, và y chỉ còn biết thẫn thờ nhìn dòng sông đầy xác chết mà thôi.
Tại sao Bàng Thống lại chọn Lưu Sủng để theo về? Tại sao khi hoàn tất mưu kế, điều đầu tiên mà y nói ra là khoe mình chọn được chúa công lợi hại hơn người mà thất đệ của y chọn?
Đó là vì… đã từ lâu, Lục kỳ mang trong mình lòng đố kỵ không ai có thể xóa bỏ, nhất là đố kỵ với Thất kỳ.
Năm đó tại lều của liên quân Quan Đông, y là kẻ đầu tiên giải được mật thư nên mới được sư phụ ban cho danh xưng “Phượng Sồ”, nhưng có ngờ đâu y căn bản vốn là người giải sai, còn thất đệ của y mới là người đúng. Từ lúc đó, Bàng Thống đã nhen nhóm một sự đố kỵ với Thất kỳ, cho nên y mới không chấp nhận người mà sư đệ chọn, cho nên y mới khổ tâm bày ra liên hoàn kế, tất cả cũng chỉ là để chứng minh mình giỏi hơn sư đệ. Nhưng rồi mọi sự đã vượt khỏi bàn tay y, liên hoàn kế hoàn tất mà không thành công, chúa chết quân tan, để lại một con phượng hoàng đau khổ bất lực…
“Sống bao nhiêu năm trên đời, nhìn sai một người, và cũng làm sai một chuyện…”
Cuộc gặp gỡ với Lưu Bị – kẻ mà Thất kỳ chọn trên dòng sông đầy xác chết đã khiến cho Phượng Sồ tỉnh ngộ và cuối cùng y đã phải công nhận tầm nhìn của sư đệ mình. Bàng Thống đã nhìn sai người, và y còn sai hơn khi cố gắng chứng minh bản thân là đúng để thỏa mãn lòng đố kỵ. Cũng từ ngày đó, y lặng lẽ ngồi yên theo dõi Lưu Bị. Y muốn theo về, nhưng lại tự cảm thấy bản thân mình không xứng đáng, mà có lẽ cũng còn vì ngày đó, y đã kết một mối thù quá sâu với kẻ mang tên Triệu Vân… Phải đến khi đích thân Thất kỳ mở lời, y mới hạ quyết tâm đến với vị chúa công chân chính, đến với người mà ngày đó y đã thực sự cảm phục.
“Kẻ tẩu nan, khi gặp khó chỉ biết lùi về phía sau, người nan tẩu, gặp khó vẫn tiến về phía trước.”
Lúc đó, y đã tự xem mình là người nan tẩu, có biết đâu rằng y vốn là kẻ tẩu nan? Đến khi sư đệ mở lời khuyến dụ, Phượng Sồ mới rũ bỏ đôi cánh nặng trĩu để mà bay cao, trở thành kẻ biết gặp khó mà vẫn tiến lên, biết rằng đến cuối con đường y sẽ phải trả giá cho sai lầm của mình năm xưa mà vẫn không ngại.
Năm đó giữ lại vì Trọng Đạt, hiện giờ lưu lại vì chúa công. Nhưng một khi đại sự đã thành, còn có thể dùng điều gì mà lưu lại đây hỡi Phượng Sồ?
Nhưng biết khó mà vẫn tiến lên, biết rằng cuối con đường là cái chết vẫn không sợ phải đối mặt, mới là người nan tẩu. Phải thế chăng, Bàng Lục kỳ?
Thất kỳ Gia Cát Lượng – kẻ trung thần kỳ quặc
Danh xưng của y là Ngoạ Long, là một trong hai kẻ được xưng tụng là “chỉ cần có một, sẽ đoạt được thiên hạ”.
Thiên hạ…
Giữa thời loạn thế, thiên hạ cũng chỉ là miếng mồi béo bở để các phe phái quân phiệt giành giật. Bá tánh cũng chỉ là công cụ để họ tranh đoạt thiên hạ. Tất cả, cũng chỉ là những thứ Thủy Kính bát kỳ dùng để trổ tài.
Hung hăng chém giết, có mấy ai thấu hiểu nỗi đau của thiên hạ, của bá tánh?
“Nói về làm loạn thiên hạ, so với Thập thường thị ngày trước, Bát kỳ nào có kém gì?”
Năm đó khi nhìn các phe phái quân phiệt giao tranh, máu chảy thành sông, xác người chất đầy núi, Vu Cát đã buột miệng cảm thán như vậy. Mà chẳng đúng sao, khi mỗi lần một kỳ xuất sơn là thiên hạ chấn động, là báo hiệu cho một trận chiến kinh hoàng?
Nhưng… có ai còn nhớ hình ảnh Gia Cát Lượng bàng hoàng thẫn thờ trước thi thể hàng vạn bá tánh Từ Châu?
“Muốn khóc mà không ra nước mắt, bởi vì… nước mắt khóc đã cạn rồi.”
Thất kỳ là kẻ xuất hiện khá sớm, và y cũng là kẻ xác định rõ con đường của mình từ rất sớm. Con đường của y, là trung nghĩa. Trung với Hán thất, với họ Lưu.
“Ý trời không ai tỏ. Nếu ông trời muốn nhà Hán vong, tất có điềm báo. Nếu trời muốn nhà Hán tồn tại… thì ta đây mới có giá trị tồn tại.”
Thế nhưng y lại là một trung thần kỳ quặc. Y trung với Hán, nhưng không bao giờ mảy may có ý theo với Hán đế. Bởi vì sao? Vì y biết, hoàng đế giờ chẳng còn là hoàng đế, mà chỉ là món đồ chơi đắt giá trong tay các quân phiệt. Vậy nên, y mới rủ tay chắp áo, chờ một minh chủ để theo về, một minh chủ họ Lưu.
Y chọn ai trong số hàng trăm hàng ngàn tông thất? Là Lưu Biểu ở Kinh Châu? Là Lưu Chương ở Ích Châu? Hay là Trần vương Lưu Sủng?
Không, người mà y chọn, lại là người có căn cơ kém nhất, lực lượng yếu nhất.
Người mà Thất kỳ chọn, là Lưu Bị.
Y thấy gì ở Lưu Bị? Cái mà y nhìn ra ở Lưu Bị, là thứ mà các lộ quân phiệt đã ném bỏ để theo đuổi sức mạnh. Ấy là nhân nghĩa. Người ta bảo Lưu Bị giả nhân giả nghĩa, cũng chẳng sao, là giả cũng được, là thật cũng được. Thời loạn thế, có ai chấp nhận đi theo con đường nhân nghĩa như gã ngốc Lưu Bị? Lưu Bị cố chấp đi theo con đường ấy, cho nên chưa bao giờ có được một lực lượng đáng kể, nhưng có hề chi? Thứ mà tên ngốc ấy hướng tới, là có được lòng ngưỡng vọng của bá tánh. Tên ngốc họ Lưu ấy đem đến một tia hy vọng cho bá tánh giữa mây đen chiến tranh, và đem đến một con đường cho tên ngốc họ Gia Cát giữa lúc y nản lòng.
Đã từng có lúc Thất kỳ nản lòng, đúng thế. Chứng kiến hàng bao trận chiến khủng khiếp, hàng vạn người bỏ mạng, thiên hạ loạn càng thêm loạn, y đã từng không biết phải làm thế nào để theo đuổi con đường trung nghĩa. Nhìn thiên hạ loạn lạc, y chỉ thấy một câu hỏi nan giải. Làm sao để chấm dứt chiến tranh, đem đến một thái bình dài lâu? Hơn nữa, y còn sững sờ khi nghe đến tư tưởng của Tư Mã Ý. Gã thương gia ấy cho rằng thiên hạ này đầy rẫy kẻ xấu, muốn đấu lại tất cả thì chỉ như trứng chọi đá. Vậy chi bằng chọn kẻ mạnh nhất mà theo, dẹp yên thiên hạ, rồi ra tay soán vị cải chính. Làm vậy, chẳng phải nhanh chóng hơn nhiều sao?
Nhưng với Thất kỳ, cái tư tưởng ấy chỉ là chiến thuật trên thương trường, là để làm lợi cho Tư Mã gia, chứ chẳng phải làm lợi cho bá tánh thiên hạ.
“Khổng Tử nói mình muốn lập mà lập người, mình muốn đạt lại cho người đạt. Kẻ bề trên không làm gương, dù kiến lập được hoàng triều cũng không duy trì được lâu, chiến loạn cũng sẽ nhanh chóng quay trở lại. Quân tử theo đuổi cái nghĩa, tiểu nhân đeo đuổi cái lợi, lấy trứng chọi đá thì có hề chi?”
Vậy nên, y đã chọn Lưu Bị, kẻ hậu nhân xứng đáng của nhà Hán để theo về. Con đường của hai kẻ ngốc đó giống nhau. Gia Cát Lượng đã tìm được minh chủ, và y sẽ đi theo cho đến hơi thở cuối cùng. Cho dù biết việc trung hưng Hán thất là vô vọng, cho dù biết sức mạnh của Lưu Bị không bao giờ có thể thắng nổi Tào Tháo, nhưng có hề chi đâu? Đó là con đường mà y đã chọn, và y sẽ không bao giờ đi chệch khỏi con đường đó.
Năm xưa lúc còn ở Thủy Kính phủ, y đã từng trả lời Lục kỳ khi được hỏi nếu đứng lớp thì sẽ dạy cái gì. Và điều mà y dạy đầu tiên, chính là đạo trung thần.
“Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi.”
Sau này nhiều lần khổ nhọc cất quân đánh Ngụy, lao lực vì Thục Hán, đến mức thổ huyết mà chết đi trên gò Ngũ Trượng, chính là minh chứng rõ nhất cho đại nghĩa của y, đại nghĩa của một trung thần kỳ quặc. Biết rằng cơ hội giành lại thiên hạ gần như bằng không, vẫn cố gắng đến hơi thở cuối cùng. Y rõ ràng nhìn thấu hết thực tại, nhưng vẫn cố chấp, bám lấy lý tưởng của mình, kiên quyết thay đổi thực tại. Biết mơ ước khó thành hiện thực nhưng không bao giờ từ bỏ, biết thực tại là thế nhưng không bao giờ chấp nhận. Cố chấp đến phút cuối cùng, chính là quyết tâm chưa bao giờ thay đổi của Ngoạ Long.
Ngoạ Long… ôi Ngoạ Long… tương lai rồi sẽ trở thành Lụy Long…
Vài lời cuối bài, dành tặng cho kẻ ngạo Tôn Sách
Đúng ra, những dòng cuối bài này phải là dành cho kẻ còn lại của Bát kỳ – kẻ mang chiếc mặt nạ thứ tám. Thế nhưng y căn bản chưa từng lộ mặt, cũng chưa từng thực sự ra tay. Cho dù Thất kỳ đã khẳng định “Lão Bát xuất sơn rồi!”, nhưng có lẽ còn phải lâu nữa, người ta mới thấy y lột bỏ chiếc mặt nạ ra để trổ tài. Vậy nên, những dòng cuối cùng, sẽ dành tặng cho một nhân vật mà tôi thích bậc nhất trong Hỏa phụng liêu nguyên. Đó chính là Tiểu bá vương Tôn Sách.
Y là hậu nhân của Tôn Tử, bậc đại trí về binh pháp của Trung Hoa, nhưng lần đầu y xuất hiện, lại là kẻ gần như chẳng có gì trong tay. Cha y bị hại chết đã lâu, cả gia tộc phân tán, y phải nương nhờ Viên Thuật, mối thù giết cha vẫn treo lửng lơ trước mặt. Mười bảy tuổi đầu, y gánh trên vai trọng trách phục hưng gia tộc, bởi vì thế, Tôn Sách cam chịu tất cả, chịu đựng tất cả, để chờ một ngày Tôn gia chân chân chính chính có thể ngẩng đầu lên. Y có gì trong tay, ngoài vài kẻ gia thần trung thành, một nghĩa đệ hết lòng phò tá, và nỗ lực của chính bản thân? Nhưng dồn nén càng lâu, phát tiết càng mạnh. Năm đó y thoát khỏi bàn tay của Viên Thuật, đường hoàng trở về Giang Đông, đánh đâu được đó, nổi danh khắp thiên hạ, được xưng tụng là “Tiểu bá vương”. Năm đó, sau bao nhiêu thời gian phải ngậm đắng nuốt cay làm tay sai cho kẻ khác, y cuối cùng cũng ngẩng đầu lên được rồi.
Tôn Sách có được thành công nhanh chóng như vậy, không phải chỉ vì danh tiếng, không phải chỉ vì sức lực và tài trí hơn người, mà còn vì ở y có một sức hút không thể cưỡng lại, khiến kẻ khác nguyện ý phát huy hết khả năng của mình để phò tá. Y không coi thuộc hạ là thuộc hạ, mà coi họ là bằng hữu, điều mà không mấy người làm được.
Tôn Sách có cái ngông cuồng của một bá chủ, có cái ngạo mà ít kẻ có được. Mỗi lần chuẩn bị làm việc lớn, y đều giơ tay hỏi trời, rằng “Ông trời, liệu ông có phù hộ cho tôi không?” Thế gian này, có mấy kẻ có được cái ngạo đến như thế?
Nhưng y thì sợ gì trời, sợ gì thần? Y nào có tin vào trời đất, nào có bị cái gì ràng buộc? Với Tôn Sách, mọi thứ như lý lẽ thánh hiền hay trung nghĩa cũng chỉ là công cụ để trói buộc người ta. Y chỉ tin vào bản thân, và y cũng chỉ làm vì ý muốn của chính mình. Tôn Sách chẳng sợ trời đất, chẳng ngại quỷ thần, chẳng từ việc gì, kể cả chuyện bất nhân bất nghĩa. Có kẻ nào có thể nghĩ đến việc giả làm địch đào mộ trung thần chết vì mình mà nhờ đó tăng sĩ khí cho quân không? Không ai dám làm, vì sợ quả báo, có điều Tôn Sách thì dám, vì y căn bản không hề sợ cái gọi là quả báo ấy. Một kẻ tự rủa bản thân rằng “Nếu trời có đạo, phải cho ta chịu nhiều đau đớn, chết không dễ chịu”, thì có sợ gì quả báo?
Vậy mà lúc nào y cũng hỏi ý trời có phù hộ mình không. Mâu thuẫn ư? Phải, đó là cái mâu thuẫn lớn nhất trong lòng Tôn Sách. Y chỉ tin tưởng vào bản thân, nhưng lại không muốn nghịch ý trời. Y có tin trời không? Có mà cũng không. Y chỉ tin trời, nếu như ông trời đó còn ủng hộ mình, còn phù hộ cho Tôn gia của y. Hỏi, nhưng cũng chính là áp đặt, vì dù câu trả lời ra sao, y cũng không thay đổi quyết định. Nếu ông trời đó dám trả lời “không”, y sẽ phủ nhận cả trời. Năm xưa cha y chết vì trung nghĩa, giờ đây Tôn Sách vứt bỏ trung nghĩa. Năm xưa cha y là trung thần, thì nay y vứt bỏ đạo trung thần để đi theo con đường bá chủ. Trung nghĩa để làm gì khi triều đại sắp lụi tàn? Trung thần để làm gì rồi bị hãm hại như cha? Tôn Sách không bao giờ tha thứ cho Hán triều, cho các chư hầu, bởi một lẽ, cha của y chết vì những kẻ đó.
Nhưng đó cũng chính là khúc mắc lớn nhất trong lòng của y. Làm trái đạo trung thần, cha y sẽ nghĩ gì? Ném bỏ trung nghĩa, trời và người sẽ nói sao? Năm đó gặp Tào Tháo, Tôn Sách tiếp tục cười mà nói rằng “Trời vẫn còn phù hộ Tôn gia”, để cho kẻ địch của y xuất hiện thật đúng lúc.
Nhưng y có biết đâu rằng Trời, vẫn còn phù hộ cho Tôn gia. Thế nhưng Trời, đã sắp không còn phù hộ cho Tôn Bá Phù nữa rồi. Năm đó, Tào Tháo đã nói thẳng vào mặt y điều không ai dám nói, rằng con đường của y đi ngược với con đường trung thần của cha, cho nên kẻ vô đạo như y nhất định sẽ chết không toàn thây. Có lẽ đến lúc đó, Tôn Sách mới bàng hoàng mà nhớ đến cái mâu thuẫn trong lòng bấy lâu nay.
Y đã sai ư?
Nhưng trong thời loạn thế này, có kẻ nào còn nghĩ đến đạo trung thần hay chăng? Không, y không hề sai, chỉ là y vẫn không bỏ được khúc mắc trong lòng về con đường của cha. Câu nói của Tào Tháo khiến y bàng hoàng trong một chốc, nhưng những lời nói của Lăng Thống – con trai của kẻ chết thay y ngày xưa – đã kéo Tôn Sách về với thực tại, cho y một quyết tâm lớn nhất của đời mình. Phải, trung nghĩa để làm gì? Cái mà y cần là Tôn gia ngẩng cao đầu. Vậy nên mùa hè năm đó, Tôn Sách hạ quyết tâm đưa Tôn gia “trục lộc Trung Nguyên”…
Nhưng than ôi… đó cũng là lúc trời ngoảnh mặt với câu hỏi của y. Trời có phù hộ cho y theo đuổi giấc mộng Trung Nguyên hay chăng?
Năm ấy tại Giang Đông, y là một con mãnh hổ không đối thủ, được xưng tụng là Tiểu Bá Vương. Thế mà giữa lúc y đang mạnh mẽ nhất, rực rỡ nhất, thì ông trời lại ngoảnh mặt với y. Một chiến tướng như y, đánh đông dẹp bắc, thâu tóm Giang Đông, rốt cục lại không thể ngã xuống trên chiến trường, mà lại ngã xuống bởi bị ám toán.
Năm ấy, y mới 26 tuổi.
Dẫu biết rằng “lên xuống là vô thường”, nhưng y còn bao nhiêu hoài bão, bao nhiêu dự định dang dở, bao nhiêu mộng lớn. Nhưng hết cả rồi, Mộng lớn không thành, anh hùng ôm hận. Khi sống oanh liệt, khi chết lụi tàn. Đến tột cùng là sống vì điều gì? Mơ ước điều gì? Đã đạt được điều gì? Để rồi cuối cùng, chẳng còn lại gì. Mộng lớn của y, mộng lớn của Tôn gia, đã rơi mất mùa hạ năm đó. Ông trời, rốt cục đã ngoảnh mặt với y.
“Ông trời… ta đã hiểu rồi. Ông đã chết rồi. Ông đã chết! Vậy nên… ngoạn mục nhưng không rực rỡ… Lên xuống là vô thường…”
Trong những ngày vật vã vì đau đớn, khổ sở vì vết thương, y… lại mơ về một giấc mộng ngày xưa. Y lại một lần nữa nhớ về cái mâu thuẫn trong lòng mình. Tôn Sách không nghĩ về dự định dang dở, về mộng lớn chưa thành, mà y nhớ về cha. Đến những giây phút khổ sở nhất, con người ta mới thật lòng với chính mình, và Tôn Sách cũng vậy. Y gồng gánh trên vai trọng trách của cả một gia tộc đã lâu, mà khiến cho người ta quên rằng, y vẫn còn quá trẻ. Và khi đối mặt với đau đớn tột cùng, y nhớ cha, như bao nhiêu người khác. Không còn là Tiểu bá vương, chỉ còn là một Tôn Bá Phù khóc vì nhớ đến một người cha đã ra đi quá sớm…
Bao nhiêu mộng lớn, bao nhiêu Xuân Thu, rốt cục chẳng còn lại gì cho bản thân Tôn Sách. Thứ duy nhất y giữ được là sự bình yên tuyệt đối trong tâm hồn lúc cuối cùng. Những giọt nước mắt đã rơi, cho một giấc mơ tan vỡ, cho bao mộng lớn chưa thành. Mười năm vất vả, đến cuối cùng cũng chỉ còn là một giấc mộng.
Hữu hình bất lụy vật
Vô khứ tích tùy phong
Là trung thần, hay gian thần, đều không còn quan trọng nữa. Chỉ cần gạt bỏ mũi nhọn, là lại quay về thuần khiết như xưa. Mệt rồi phải không? Vậy… hãy để y được nghỉ ngơi đi, trong vòng tay của cha, như những ngày còn bé…
Kết
Tôi đến với Hỏa Phụng liêu nguyên hoàn toàn là cái duyên, và có đọc rồi mới hận tại sao lại biết đến một bộ truyện hay như vậy quá muộn. Có lẽ đây là một trong số ít những bộ truyện mà dù có biết trước các sự kiện then chốt mà vẫn không mất đi cảm giác háo hức mỗi khi chờ một chương mới. Hỏa Phụng liêu nguyên đã ngót nghét 10 năm tuổi, nhưng có lẽ mới chỉ đi được non nửa chặng đường. Tôi nghĩ rằng với những ai đã yêu mến Tam Quốc, thì đây nhất định là một bộ truyện phải đọc. Vẫn những nhân vật ấy, sự kiện ấy, nhưng dưới ngòi bút của Trần Mỗ, thì lại mới mẻ và hấp dẫn lạ thường. 10 năm nữa, biết đâu chúng ta sẽ chạm đến được cái kết của Hỏa Phụng liêu nguyên? Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, thì Hỏa Phụng liêu nguyên cũng đã trở thành một trong những bộ truyện mà tôi yêu mến nhất rồi.
Tuyệt.
Cụng ly
Xuất sắc