Game AAA hay game Indie đáng chơi hơn?

Khách mới

  

Cách đây vài hôm, tựa game kinh dị Thần Trùng của nhà phát triển game Việt Nam, Đụt Studio, đã tung ra một đoạn trailer ngắn giới thiệu về gameplay và ngày ra mắt dự kiến của nó. Không chỉ riêng Thần Trùng, trong vòng nửa năm trở lại đây chúng ta còn được biết tới nhiều dự án game indie khác của Việt Nam như game kinh dị The Scourge, hay tựa game Hoa lấy cảm hứng từ hoạt hình Ghibli sắp ra mắt. Sự xuất hiện của chúng tạo nên không ít ý kiến trái chiều trong cộng đồng game thủ Việt. Đa số thì ủng hộ hết mình, có người thì đùa là chúng đủ sức tranh giải Game of the year, nhưng cũng có không ít người lên tiếng chê bai một vài yếu tố của game và cho rằng chúng quá là “trash” so với các tựa game triple AAA trên thị trường. Hãy cùng nhìn rộng ra một chút, liệu có thực là những tựa game indie không đủ tầm để so sánh với các game triple AAA? Giữa hai loại game này, đâu mới là loại game có chất lượng tốt hơn, và đâu là loại game đáng để chơi hơn?

Trước khi đi vào phân tích và so sánh về chất lượng của hai loại game kể trên, chúng ta sẽ cần phải biết làm thế nào để phân biệt đâu là game triple A, đâu là game indie. Hay nói một cách đơn giản hơn, một tựa game như thế nào thì được gọi là một game AAA, và tương tự, một tựa game như thế nào thì là game indie. Hãy cùng bắt đầu với AAA nhé.

1. AAA và indie là gì?

Triple A là một định nghĩa phổ biến trong ngành công nghiệp game. Tuy nhiên, dù được sử dụng từ cuối những năm 1990, có rất ít ai cắt nghĩa được chính xác ba chữ A đó là viết tắt của cái gì. Có nguồn cho rằng khi các công ty làm game gặp vấn đề trong việc phân biệt giữa game chất lượng cao và game chất lượng thấp, họ đã lấy ba chữ A từ hệ thống phân cấp của Hoa Kì vì A đại diện cho sự tốt nhất. Mỗi chữ sẽ mang một ý nghĩa riêng: Chữ A đầu tiên ám chỉ sự “thành công vượt bậc”, chữ A thứ hai là “gameplay tân tiến”, và chữ A thứ ba là thành công về mặt thương mại. Một nguồn khác lại cho rằng phân bậc AAA lấy cảm hứng từ thuật ngữ thể thao cho các giải đấu nhỏ, do đó mỗi chữ A lần lượt đại diện cho độ lớn của nguồn vốn, độ lớn của studio phát triển và độ lớn của nhà phát hành. Một nguồn khác cắt nghĩa đơn giản hơn, game triple A tương tự như những bộ phim blockbuster – hay còn gọi là phim bom tấn. Trong đó sự bom tấn của phim được định nghĩa bởi độ phủ sóng rộng rãi và lợi nhuận thu về khổng lồ.

Bất chấp ý nghĩa thực sự của AAA là gì, mình tin rằng đa số game thủ chúng ta ngày nay khi nghe thấy thuật ngữ “triple A” đều có thể liên tưởng tới một thứ gì đó đao to búa lớn lắm. Và nếu buộc phải chọn ra một định nghĩa hợp lý nhất, có lẽ mình sẽ chọn kiểu định nghĩa thứ hai: game triple A là game được phát triển với nguồn vốn lớn, bởi một nhà phát triển lớn và có một nhà phát hành lớn. Một phần vì mình nghĩ định nghĩa này sẽ phù hợp hơn nếu dùng để phân biệt với các tựa game indie mà chúng ta sẽ đề cập ở phần sau của video, và một phần vì các tựa game thực sự đạt được cả “thành công vượt bậc”, “gameplay tân tiến” lẫn “thành công về mặt thương mại” sẽ bao gồm cả những tựa game nhỏ, Flappy Bird là một ví dụ, và rõ ràng chẳng ai công nhận đó là một tựa game triple A cả.

The Last of Us 2 Fan Creates Incredible Poster | Game Rant

Như vậy, tóm lại, trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ thống nhất rằng những tựa game AAA là những tựa game sở hữu ba yếu tố: ngân sách lớn, nhà phát triển lớn, và nhà phát hành lớn. Những ví dụ nổi tiếng có thể kể tới đó là: Assassin’s Creed của Ubisoft, Grand Theft Auto của Rockstar, Battlefield của EA, Call of Duty của Activision, vân vân.

Và đương nhiên, trái lại với định nghĩa đó sẽ là mảng game indie, nơi tồn tại những tựa game có ngân sách không lớn, nhà phát triển không nổi tiếng và nhà phát hành ít người biết tới. Thuật ngữ indie ở đây là viết tắt của từ Independent, có nghĩa là độc lập, ám chỉ các nhà phát triển với dự án game độc lập của cá nhân họ, gần giống với thuật ngữ indie ở bên mảng âm nhạc. Nhìn chung, các tựa game indie ít được biết tới hơn so với các tựa game triple AAA, bởi danh tiếng của chúng quá nhỏ bé, hiếm khi được truyền thông để mắt tới. Và thường nhiều tựa game indie chỉ nổi tiếng sau khi được đông đảo cộng đồng game thủ trải nghiệm và công nhận về chất lượng của mình. Tiêu biểu trong số đó ta có thể kể tới đó là Paper, Please do một mình Lucas Pope thiết kế, Hollow Knight của Team Cherry với ba nhân sự cốt cán và nguồn vốn $35,000, hay gần đây nhất là My Little Nightmare II, dù được phát hành bởi Bandai Namco, thì vẫn được coi là một game indie có ngân sách thấp.

Top Indie Games To Watch Out For In 2020

2. Đặc điểm của game AAA

Với lợi thế vượt trội trong ngành, các game triple A có thể coi là những tựa game có tiềm năng nhất thị trường game. Một nhà phát triển lớn đồng nghĩa với việc tựa game đó sẽ có một đội ngũ developer đông đảo và dày kinh nghiệm. Họ sẽ được chia làm nhiều cấp bậc, nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm lại phụ trách một nhiệm vụ được chuyên môn hóa riêng. Tất cả sẽ phối hợp theo quy trình đã định sẵn và trở thành một guồng máy hoạt động trơn tru nhất có thể để chạy kịp deadline ra mắt game. Một nguồn nhân sách khổng lồ cùng với nhà phát hành lớn sẽ tương ứng với các trang thiết bị tiên tiến hơn, các phần mềm và dụng cụ hiện đại hơn, cùng với một chiến dịch quảng bá thương hiệu và marketing rạch ròi hoành cmn tráng. Kết quả là, các game triple A thường có chất lượng đồ họa cao, hiệu suất chạy ổn định, gameplay chất lượng, cốt truyện có chiều sâu, thậm chí âm nhạc trong game cũng tới từ những nhà soạn nhạc nổi tiếng. Triple A là những game được đầu tư để trở thành một game chất lượng cao, và đồng thời, được kỳ vọng để thành một trong số những tựa game thành công nhất mà nhà phát triển từng tạo nên. Giá thành của chúng cũng tỉ lệ thuận với lượng tài nguyên mà quá trình làm game tiêu tốn, và $70 cho mỗi bản copy của game sẽ sớm trở thành mức giá chung cho tất cả.

Bộ máy làm việc của một công ty AAA

Như chúng ta đều biết, đầu tư và kỳ vọng thì luôn đi kèm với rủi ro. Những cái tên như Warcraft III: Reforge, Marvel’s Avengers hay gần đây nhất là Cyberpunk 2077 là những ví dụ mẫu mực cho việc danh nghĩa triple AAA chưa chắc đã đi kèm với chất lượng game cao. Một tựa game dù có được đốt vào bao nhiêu tài nguyên, thời gian, tiền tài và nhân sự đi chăng nữa thì vẫn có thể là một game thất bại. Và chính sự thất bại ấy mới là điều mà các nhà phát triển game lớn sợ hãi hơn cả. Dễ hiểu thôi, vì chả ai muốn đầu tư ngần ấy thứ để mà nhận lỗ cả. Sự do dự trong việc đương đầu với rủi ro ấy chính là nguyên nhân gần như giết chết sự tự do sáng tạo trong quá trình phát triển của game Triple A. Không ít lần mình lướt vu vơ trên mạng và đọc được rằng, có nhiều cá nhân game thủ họ cảm thấy các tựa game bom tấn ngày nay đang quá giống nhau, nhất là về trải nghiệm của người chơi. Ví dụ như Watch Dogs và GTA, hay Ghost of Tsushima và Assassin’s Creed. Ý của họ không phải là chúng giống nhau nhiều tới mức dễ nhận ra, nhưng ít nhiều chúng đều được xây dựng dựa trên cùng một công thức có sẵn, được mọi người trong ngành ngầm quy chuẩn là công thức an toàn để đạt tới thành công.

Hệ quả của hiện tượng này là cuộc khủng hoảng ý tưởng mới trong giới làm game triple A cùng với sự bão hòa đáng kinh ngạc diễn ra do quá trình liên tục “học hỏi” lẫn nhau của các nhà phát triển. Ví dụ như năm 2017, sau cơn sốt PUBG, một loạt các tựa game khác từa tựa nó đã ra đời để ăn theo thể loại Battle Royal đang thịnh hành, như Fortnite, Apex Legend, CoD Warzone. Hay như theo sau sự thành công của Dota2 Autochess là mấy cái tên theo đuôi như Team Fight Tactic, Underlord, Hearthstone Battleground…

Game developers guide to getting started with the AWS SDK | AWS Game Tech Blog

Thật ra cá nhân mình không hề nghĩ rằng các công ty làm game triple A họ bí ý tưởng tới mức phải suốt ngày đi học hỏi từ người khác, thậm chí với lượng đội ngũ nhân sự khủng lên tới cả trăm ngàn người thì chuyện nặn ra ý tưởng mới chỉ là trò trẻ con. Vấn đề nằm ở chỗ họ thà làm theo sự thành công của người khác một cách chắc ăn, còn hơn là liều mạng theo đuổi một vài ý tưởng nào đó thiếu vững chãi. Tóm lại, game triple A được sinh ra là để kinh doanh, để lo cơm áo gạo tiền cho cả một công ty. Nó là một bài toán kinh tế phức tạp cho các lãnh đạo của công ty và họ không thể thua lỗ, từ đó tạo nên một áp lực khủng khiếp lên các nhân sự bên dưới, đi cùng với áp lực về thời gian, phần nào ức chế sức sáng tạo của mỗi nhà phát triển. Bởi vì nếu dự án game thất bại, không những thua lỗ và mất trắng khoản thời gian đã đầu tư vào việc làm game, nhiều bộ phận nhân sự còn đứng trước nguy cơ mất cả việc làm nữa.

3. Đặc điểm của Game Indie

Trái ngược lại với game AAA và quá trình phát triển các tựa game đó, thế giới game indie có ít áp lực hơn, dễ thở hơn và rộng rãi hơn rất nhiều. Nếu ví công ty làm game AAA như một nhà hàng danh tiếng có sao Michelin thì nhà làm game indie sẽ giống như một quán ăn bình dân ven đường vậy. Với lượng nhân sự ít ỏi, các dev game indie sẽ không phân chia công việc theo quy trình như bên AAA, mà thường thì mỗi người sẽ đa zi năng làm nhiều phần việc cùng một lúc. Ví dụ như trong Hollow Knight, nơi William Pellen vừa phải lên ý tưởng, vừa phải code, thậm chí đảm nhiệm luôn việc lồng tiếng cho nhiều nhân vật tự tay mình tạo ra. Làm việc trong một nhóm nhỏ đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải gánh trên vai một khối lượng công việc vô cùng đồ sộ, có thể là hết việc này tới việc khác không ngừng nghỉ. Và kể cả khi game đã hoàn thành rồi, thì suy nghĩ tới chuyện quảng bá tựa game của mình như thế nào cũng là một việc nan giải. Chính vì thế, đa số các tựa game indie mà chúng ta tiếp cận ngày nay đều có chất lượng đồ họa ở mức trung bình khá đổ xuống. Phần nhiều trong số chúng được thiết kế theo kiểu pixel cho dễ xử lí, và đặc biệt là danh tiếng giỏi lắm chắc chỉ vang tới tai một cộng đồng nhỏ những game thủ ngoài kia.

Team Cherry

Team Cherry – Hollow Knight

Tuy nhiên, đổi lại so với những khó khăn đó, game indie mang trong mình nhiều ưu điểm. Đối với các nhân sự phát triển, quả đúng là họ phải làm nhiều việc hơn thật đấy, nhưng họ sẽ không chịu nhiều áp lực về thời gian và năng suất công việc như ở bên triple A. Họ là sếp của chính họ, và họ không phải ganh đua ngày ra mắt với bất cứ đối thủ cạnh tranh đáng gờm nào cả. Điều thú vị nằm ở chỗ, các nhà phát triển game indie phần nhiều thiết kế game để thỏa mãn sự đam mê của mình với trò chơi điện tử. Trong môi trường làm việc indie, họ có quyền quyết định ý tưởng của game, và tự do sáng tạo hay điều chỉnh bất cứ thứ gì họ muốn, biến game indie trở thành những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân của họ. Không ít những cựu nhân viên của các công ty triple A đã tự mình tách ra và sáng lập nên studio game indie của riêng mình để chạm tới niềm vui thích ấy.


Nhờ thoát khỏi xiềng xích deadline, game indie trở thành một mảnh đất màu mỡ để mỗi nhà phát triển thỏa sức thử nghiệm và khai phá ý tưởng của riêng mình. Mình sẽ không nói là tất cả các nhà phát triển indie, nhưng có rất nhiều trong số họ đã tìm ra được lối đi riêng cho mình, sáng tạo nên những tựa game có một không hai mà đến cả các công ty lớn cũng chưa chắc làm được. Minecraft, Undertale, Braid, Paper Please, Her Story hay Gorogoa là những ví dụ rất nhỏ trong danh sách khổng lồ những tựa game indie mang lại trải nghiệm hoàn toàn mới lạ tới người chơi, đặc biệt là về phần gameplay. Game indie có thể thua kém về phần đồ họa, âm thanh hoặc cốt truyện, nhưng gameplay của chúng luôn để lại dấu ấn sâu đậm trong trí nhớ của mình vì sự đơn giản mà hiệu quả, lấy chất lượng bù thời lượng.

Her Story

Her Story – tựa game trinh thám với gameplay found footage

Vậy làm game indie có rủi ro không? Đương nhiên là có, nếu không muốn nói là game indie rủi ro hơn rất nhiều so với các game triple A. Người làm game indie lương thấp hơn, có ít ngân sách hơn, do đó ít công cụ và tài nguyên hơn. Họ có thể tốn tới vài năm để hoàn thiện 1 con game và chẳng kiếm được đồng nào cả, cũng chẳng có gì đáng để bỏ thêm vào hồ sơ công việc của bản thân. Trong số hàng chục hàng trăm tựa game indie khác nhau, chắc chỉ có vài cái tên là được người ta nhớ tới.

4. Góc nhìn game thủ

Đó là xét dưới góc độ của nhà phát triển, vậy còn ở góc nhìn của chúng ta, những game thủ, những khách hàng của họ thì sao? Như đã phân tích ở trên, các game triple A với danh tiếng sẵn có thì thường lấy được lòng tin và kì vọng của nhiều người hơn. Và đúng là tỉ lệ các game triple A bị đem ra trảm vẫn còn khá ít. Trong khi đó, các game indie dù ít người biết tới nhưng thường tạo nên bước đột phá trong gameplay và trải nghiệm người dùng. Giống như chuyện đi ăn nhà hàng hay vào tiệm bình dân vậy. Trong thế giới game, đối với mình, nhà hàng cao cấp thường đãi thực khách bằng những món ăn chuẩn chỉ và xứng đáng với đồng tiền bỏ ra. Còn mấy tiệm bình dân, chất lượng có thể nhàng nhàng, nhưng thỉnh thoảng vẫn có vài món ngon nức mũi hợp khẩu vị mà các nhà hàng chưa chắc đã chế biến nổi.

Góc nhìn game thủ

Game nào mà chả là game, quan trọng là trải nghiệm của bạn mà thôi

Nhìn chung, gì thì gì, triple A hay indie thì cũng vẫn là game mà thôi. Bạn có quyền chơi game này mà không chơi game nọ, tùy sở thích mỗi người. Cá nhân mình vẫn chơi đều cả hai thể loại trên, nhưng ở thời điểm hiện tại, mình sẽ dành sự ưu ái cho các tựa game indie hơn một xíu. Thứ nhất là vì mình thường tìm thấy sự đồng cảm và niềm vui thích nhiều hơn trong các tựa game indie, mỗi khi chơi chúng như thể mình đang được tiếp xúc trực tiếp với cá tính của nhà phát triển vậy. Và thứ hai, trong giai đoạn dịch bệnh và giãn cách như thế này, chất lượng của các game AAA nhìn chung đang có xu hướng đi xuống. Việc các bộ phận khác nhau trong công ty buộc phải làm việc online và ít giao tiếp hơn khiến hiệu quả công việc ngày một kém đi. Nếu không phải chất lượng game đi xuống thì cũng là hoãn ngày phát hành, hoặc tệ hơn, là hủy cả dự án. Mình nghĩ các nhà phát triển indie sẽ ít chịu sự ảnh hưởng sâu sắc như vậy, và đây có thể là cơ hội để họ giành lấy thị phần từ tay những ông lớn.


 

Tryxman

Khách mới

  
Content Writer at Game On! Nếu bạn thấy bài của tôi giống với video của Game On! hoặc ngược lại thì đúng rồi đấy. Vì tôi làm việc ở Game On! mà :)))

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


6 cụng ly

  • Quan - 24.03.2021

    Thằng viết bài copy của gameon.
    Anh chủ page xem lại nhé


  • Tryxman - 24.03.2021

    Vì thằng viết bài làm cho Game On! mà bạn :)) đọc profile của mình đi


  • Hải Stark - 24.03.2021

    Thằng viết bài này và tác giả cái video trên Game On là 1 đấy bạn ơi =))))) Đọc kỹ profile người ta trước khi lên tiếng đi


  • Thua - 26.03.2021

    Đấy, đôi lúc người đọc ko đọc profile rồi comment nhầm là thế đấy =))) cơ mà nhiều lúc tôi cũng mong mọi người tìm hiểu kĩ thêm cả người viết lẫn người đọc, bởi ng viết thì có một số bài dạo gần đây như lấy từ trang tin tức quá, còn ng đọc chưa tìm hiểu profile ng viết nên toàn gây hiểu lầm.


  • Quan - 03.04.2021

    Z là t nhầm.
    Tưởng web này anh chủ page có luật bài viết chưa từng xuất hiện ở chỗ nào khác


  • Không Hy Vọng - 11.04.2021

    Người viết nội dung đôi khi lên bài muộn hơn mà ông, có sao đâu.