Hưởng ứng phong trào của anh Đăng Bông về Doraemon thì tôi cũng có đôi ba lời tâm sự về cái tuổi thơ của mình góp chuyện cho quán. Tôi lớn lên cùng với thế hệ cuối 8x, đầu 9x trong xóm, lớn lên cùng những buổi đá bóng lội mưa, những hôm cày PS mệt nghỉ và đêm về với ngọn đèn leo lắt cùng những quyển truyện rách tả tơi qua tay rất nhiều người.
Tôi lớn lên cùng Sôn Gô Ku ăn-bún-riêu-rau-sống-nhiễm-trừ-sâu-mà-chết, câu thần chú cô-ca-cô-ca- hột-gà, món võ chó sói sớt gà cồ cùng tâm hồn vô cùng trong sáng của thần rùa Kame khi chỉ nhờ Bulma đấm lưng, cùng Đai, Pốp, Mina với công chúa Leona phiêu lưu mà về sau mới biết đó là Dragon Quest, cùng Teppi ban đầu còm nhom sau dần dần bé tị tị nhưng lại cứ đấu kiếm gây sự với mấy thằng to và bằng cách nào đấy cậu lại mập mạp và đi đánh golf, những quả sút thần kì nứt tường, rách lưới, sút đôi, lôi thú, vòng cung, phi đạn, bay lượn trên không trung đến từ Subasa và Jindo để sáng hôm sau cả bọn tranh nhau để tao sút cho mà xem, những vụ án đến rùng mình, li kì mà trùm chăn đọc cho hết sợ của Conan mà phần sau lại còn có chuyện của Ninja, từng được in và lấy tên là 12 con giáp, huyền thoại truyện tranh Việt Nam mang tên Dũng sĩ Hesman của bác Hùng Lân dài quá thể, chém hết thằng phản diện bố đến chém thằng phản diện con, thằng cháu, thằng cháu rể, con dâu, dì, chú, bác, chút chít chụt chịt, Thần đồng Đất Việt của chú Lê Linh chứ không phải tập đoàn nào đó phát hành đến mấy trăm tập một cách lố và nhạt toẹt. Và không thể thiếu tuổi thơ êm đềm cùng mèo máy và đồng bọn.
Mèo máy cùng đồng bọn luôn là những kỉ niệm đẹp đẽ nhất trong tôi. Quyển truyện đầu tiên tôi đọc chính là Doraemon. Tôi còn nhớ truyện Doraemon đầu tiên có màu là chuyện về Tây du kí, sau dần dần mới phổ cập màu như bây giờ. Với chúng tôi không có đủ tiền để mua đầy đủ các tập, đó là sự chuyền tay nhau và trao đổi, dành dụm mãi mới được một quyển và cú thật sự khi hai thằng lại mua hai quyển giống nhau. Tôi mua rất ít hoặc đúng hơn là không đủ tiền bởi nó đã được dùng vào việc có thể như khai phá thế giới ảo cùng chiếc tay cầm, góp tiền mua một quả chục thằng vào đá. Còn lại là số tiền ít ỏi để đi mượn những quyển truyện từ hàng cho thuê. Còn nhớ lắm những trưa hè nắng nóng trên chiếc xe đạp cà tàng, anh em tôi chở nhau băng băng tiến về hàng thuê, cái động lực thôi thúc mạnh mẽ lắm, không gì cản nổi cả, tôi còn nhớ bị ông anh gõ cho đến lõm đầu vì bỏ quên tiền ở nhà, đi vài cây số mà không được gì.
Cho đến tận bây giờ khi Tết về quê, anh em mới gặp nhau vì giờ mỗi người mỗi nơi làm việc, học tập, ông anh nói : Mày dở à, trời thì nắng lại phi xe xa tít đi thuê truyện, lớn đầu rồi còn đọc truyện tranh. Tôi chỉ cười, cái tính tôi hâm hâm vậy, luôn thích tìm những kí ức xưa cũ. Văn hóa đọc giờ cũng thay đổi khi giới trẻ hiện nay họ có đủ tài chính để sắm cho mình những quyển truyện đẹp, hoặc là tự tìm đọc trên mạng, vài cú lướt là hết, không tận hưởng cảm giác vui thú khi ngửi từng trang truyện, cẩn thận lật từng tờ, nâng niu và luôn đặt nó ở nơi cao ráo sạch sẽ, lo mất ăn mất ngủ khi không tìm thấy truyện để giao lại cho hàng thuê. Hay mấy đứa bạn kêu sao không xem anime cho hay, đọc làm chi cho đau mắt, tôi cũng lại cười kiểu hâm hâm, tính tôi thích đọc thôi chứ xem không ham.
Bác chủ cho thuê vẫn nhận ra mỗi khi tôi đến, cười hớn hở, dạo này lớn nhỉ, tôi còn buồn biết bao khi bác nói sắp thanh lí tất cả truyện vì giờ bọn nó cũng không còn đi thuê nhiều nữa rồi, cái cuốn sổ chỉ đặc tên tôi và mấy người khách quen. Tôi ước giá như mình có thể mua hết chỗ đó. 200 ngồi đọc tại nơi, 500 mang về và cọc tiền ở đó. Cái giá ngày xưa đã thay nhưng tâm thế vẫn vậy, rửa tay thật sạch sẽ, giở từng trang thật nhẹ nhàng, và cú thật sự khi thằng nào đấy đã xé mất trang nào hay gấp nếp để đánh dấu, không tôn trọng tác giả gì cả.
Truyện giờ nhiều như lá mùa thu, nhưng để kiếm cho mình một tựa hay thì khó quá, tôi lại quay lại với những seri tuổi thơ nay cũng ngót nghét hai mấy nồi bánh chưng mà vẫn còn tiếp diễn, theo như bên Nhật thì cả một thế hệ trong gia đình truyền tay nhau đọc, bố mẹ truyền lại cho các con niềm say mê và yêu thích, nét vẽ khác đi nhưng tác giả vẫn còn đó, cái hồn vẫn còn đó, kỉ niệm vẫn còn đó. Vì thế tôi luôn quay lại với Doraemon. Sẽ không có những phân cảnh hào nhoáng mà trống rỗng, nhân vật chính cầu kì hết mức có thể, những đoạn đối thoại dài loằng ngoằng, cốt truyện hack não rối rắm đến khó hiểu, các đoạn twist giật gân, và cố làm cho nó đen tối nhất, những cảnh hở hang, kinh dị nhét vào chỉ để câu khách chứ không có mục đích gì.
Mà mỗi khi lật giở từng trang Doraemon, kỉ niệm lại ùa về một cách mạnh mẽ, mở ra trước mắt một thế giới êm đềm, bình yên với khu phố thân quen, những nhân vật đã được định hình sẵn trong đầu, không cần quá trau chuốt về biểu cảm, tính cách nhân vật, mà từ đó những câu chuyện, các mối quan hệ, bài học cứ tự nhiên hiện ra. Cái cách mà ông Fujiko cho người đọc tiếp cận nó chân thật lắm, chẳng cần cầu kì mà vẫn in đậm trong lòng mỗi người. Tác giả Fujiko đã không viết bất cứ cái kết nào hàm ý rằng câu chuyện về mèo ú và những người bạn sẽ không bao giờ kết thúc, sẽ luôn là ước mơ, bến bờ hạnh phúc với bất kì thế hệ nào cho đến mai sau đi nữa. Đây có thể coi là thứ truyện tranh thuần nhất, tinh khiết nhất giữa muôn vàn chiếc lá mùa thu hiện giờ.
Những năm tháng tiểu học thật đáng nhớ, tôi đọc nhiều Doraemon đến nỗi chỉ cần giở một trang bất kì là tôi có thể đoán nội dung và nó nằm ở tập nào. Đến bây giờ truyện đã tái bản và lung tung tất cả nhưng chắc một điều tôi vẫn nhớ được nội dung từ truyện dài, truyện ngắn, màu kỹ thuật số, plus hay đến cả đội quân Doraemon. Tôi thích nhất là những tập truyện ngắn, có thể đọc bất cứ phần nào, luôn trọn vẹn không bị ngắt mạch dòng cảm xúc.
Sẽ khó thể nói tập truyện nào là hay nhất, bởi nó mang lại cho tôi cái cảm giác đầy đặn, thích thú như đắp chăn mà bật quạt thật to, mưa rơi thật mạnh bên cửa sổ mà ngồi nhìn lơ đễnh, thưởng thức cái giá lạnh rét run mà thở ra những làn khói trong căn nhà của mình, một ngày thoải mái tự cho mình lười nhác không phải làm bất cứ điều gì. Doraemon mở ra cho tôi một thế giới bình yên quên đi hết mọi thứ, những giây phút giải trí vui cười thoải mái, có lúc lại trầm lắng suy tư, những bài học triết lí nhân văn được Fujiko cài cắm một cách nhẹ nhàng tinh tế. Là lúc bà nội Nobita dạy cho cậu bài học về con lật đật, thế nào là không gục ngã, là lúc thầy giáo chỉ cho cậu tại sao đôi mắt con người luôn ở phía trước. Là những bài học về môi trường thiên nhiên, con người luôn phải gắn với nguồn cội, là truyện về cô Bồ công anh, về chú khủng long Pisuke, về bé bão ngang tàng nhưng luôn hết mình về những người yêu thương nhất.
Để mà nói nhớ nhất đối với tôi chính là phần truyện ngắn cuối tập 6 khi Doraemon phải trở về thế giới tương lai. Cái cách Nobita run cầm cập trước mỗi cú đấm của Jaien, cách cậu nén đau mà không gọi Doraemon để mèo ú yên tâm quay về tương lai đã lấy đi nước mắt của một đứa trẻ tiểu học như tôi, trang truyện ướt đẫm từ bao giờ, mà đến giờ lớn đọc lại vẫn còn nhớ, vẫn còn rưng rưng. Cái kết của chương truyện thật nhẹ nhàng tinh tế, Doraemon đã không còn ở đấy, ánh nắng vẫn chan hòa rọi xuống căn phòng của cậu nhóc hậu đậu đang ngủ say, không đoạn hội thoại nào nhưng cũng cảm thấy buồn da diết, nhưng không đến mức quá bi lụy. Tôi có xem lại bản anime lại thấy nó rườm rà, sướt mướt và nhiều đoạn không cần thiết, có lẽ tôi vẫn hợp với truyện hơn.
Tôi cực kì nghiện truyện và có một thói quen khi ưng một tác phẩm nào đó, tôi sẽ lùng đọc hết các tác phẩm của tác giả ấy mà thôi. Như Osamu Tezuka, cây đại thụ của làng truyện tranh Nhật với kiến thức uyên thâm, giàu tính triết lí, có một Bác sĩ Quái Dị phá cách đặc biệt với triết lí nhân sinh sâu xa, một Kimba lừng lững tượng đài, thân thuộc hơn những gì Lion King của Disney thể hiện, Cậu bé ba mắt, Chim lửa,… Như Tetsuya Chiba với những bộ truyện thể thao mạnh mẽ, từng giọt mồ hôi ẩn hiện trên trang sách, những trường đoạn nhịp thở như hòa cùng nhân vật, nghị lực và khát khao vươn tới đỉnh cao, là Thiết quyền lãng tử, là Teppi, là Teppi chơi golf (do nhà xuất bản Trẻ chứ ai); bậc thầy tái hiện khoảnh khắc đời thường và những ẩn ý mang tên Adachi Mitsuru, tình yêu, tình bạn, ước mơ, kí ức tuổi trẻ được khắc họa một cách dung dị đời thường mà sâu sắc, là Touch, Rough, H2, Cross game, Katsu!….
Còn về Fujiko, ở ông tôi thấy được phong cách viễn tưởng, yêu thích khoa học, những điều kì bí, phiêu lưu và khám phá, mà thông qua đó cái triết lí nhân sinh được bộc lộ ra, rất đời.
Doraemon là tác phẩm đầu tiên tôi đọc của ông và sau bao lần lê la ở các hàng mượn truyện, tôi đã đọc được hầu hết các tác phẩm của ông. Từ Cậu bé siêu nhân cho đến Siêu nhân Mami, Ninja Hactory, Nhóc Bakeru, Chú mèo Poko, Cuốn từ điển kì bí cho đến những truyện xưa cũ nhất là Hiệp sĩ thế kỉ 21 và Con ma Quytaro,… Ở những tác phẩm của ông ta thấy được những phong cách đặc trưng, các lớp nhân vật quen thuộc cùng nét vẽ mộc mạc mà thân thiết ấy. Ta bắt gặp cậu bé Mitsuo được Batman trao cho bộ đồ siêu nhân có sức mạnh phi phàm để hành hiệp, Mami phát hiện được khả năng tiềm ẩn của mình để chiến đấu chống lại cái ác, Kiteresu tìm được cuốn từ điển kì bí của cụ tổ, nắm bắt tri thức trước thời đại… Ông đã cho tôi những giấc mơ, niềm tin vào những điều kì bí, sức mạnh siêu nhiên, sự mạnh mẽ khi con người nắm được tri thức, sức mạnh khoa học, một thế giới bình yên đến lạ mà con người chỉ muốn chui vào đó.
Khi lớn cuộc sống thay đổi, tôi ngày càng nhiều nỗi lo hơn, áp lực học tập, công việc ngày càng lớn và tâm trạng tích tụ ngày càng nhiều. Tôi thích những cái xưa cũ, những giá trị tốt đẹp từng tồn tại, tôi với lấy nó để giải tỏa đi những gì tích tụ trong lòng. Tôi nhớ đến tập truyện ngắn của Fujiko, mẩu truyện ngày bé đọc mang tựa đề Tâm linh và hiện thực.
Câu chuyện mở ra với cậu sinh viên đang phải đối diện với những áp lực của cuộc sống, khó mà cân bằng mọi thứ. Cậu rời xa quê hương, nơi thân thương mộc mạc để lên Tokyo- chốn phồn hoa nhộn nhịp với ước mơ, hoài bão. Những tưởng kí ức thân thương ngày ấy sẽ bị áp lực cuộc sống, danh vọng đồng tiền đè nén mà chôn vào một nơi tối tăm trong tâm trí thì nay lại được mở ra và ùa về mạnh mẽ. Cậu thấy lại hình bóng người con gái từng thương đã mất vẫn còn bước đi trên phố. Từ đây cậu nhớ lại mọi thứ, nhớ lại quê hương, nhớ lại kỉ niệm của cả hai mà về lại nơi đó ngay đêm tối. Với những nét vẽ đặc trưng cùng những tín ngưỡng, phong tục tâm linh của người dân miền quê Nhật Bản mà Fujiko đưa vào khiến câu chuyện trở nên trầm lắng hơn so với những tác phẩm khác. Một lời nhắc nhở nhẹ nhàng về những giá trị xưa cũ, những thứ đẹp đẽ nhất đang bị che mờ. Mỗi lần đọc là mỗi lần tôi suy nghĩ về giá trị cuộc sống, về những kí ức tuổi thơ. Những giá trị của câu chuyện vẫn còn đó, con người ngày nay đi nhanh hơn, ăn uống cũng nhanh hơn, muốn tiếp cận hay làm việc gì đó nhanh nhất có thể. Cuộc sống tấp nập và hối hả này thôi thúc con người vào guồng quay cuộc sống không ngừng nghỉ, liệu còn giây phút nào nhớ đến tuổi thơ, nhớ đến kỉ niệm, tự cho mình thảnh thơi. Tôi như thấy hình bóng nhân vật trong cuộc đời mình, tôi dần thay đổi thói quen, sống chậm lại, tôi đi xe bus nhiều hơn, ngắm nhìn đường phố này, hướng cái nhìn chậm rãi vào dòng người hối hả trên đường. Hoặc là tìm đến thế giới của Fujiko, thế giới yên bình, với tay tìm lại miền kí ức, tôi chọn cho mình một nơi yên tĩnh không ồn ào và lật giở từng trang.
Những lúc mệt mỏi áp lực, tôi luôn tìm đến những chốn bình yên như thế này, thả hồn vào từng tập truyện, kiếm tìm cho mình những phút giây êm đềm của quá khứ, nơi anh em tôi, bạn bè tôi vui đùa. Tôi luôn muốn có một tủ truyện đầy đủ những kí ức ngày xưa, để mỗi khi rảnh, lại được giở ra và chăm chú cảm nhận. Doraemon và những tác phẩm của Fujiko sẽ luôn được tôi để vào ngăn trang trọng nhất, cả trong tủ sách lẫn trong cuộc đời.
Bài viết làm mình nhớ lại tuổi thơ với mấy cuốn Doraemon ngả vàng đời đầu của NXB Kim Đồng 😀 lâu rồi mình chưa đọc bài nào hay như vầy 😀
Đúng rồi bạn, truyện hồi đó hay ngả vàng do chất lượng giấy không tốt với cả khan hiếm giấy nữa, nhớ bộ Teppi một nửa vàng nửa trắng do trải qua hai thời kì, nửa sau được in vào thời giấy đã chất lượng hơn và tốt hơn nên trắng
bài viết hay, đọc rất cảm xúc nhưng tiếc là mình ko giỏi văn nên ko nhận xét cho hay dc
Giọng văn nhẹ nhàng giống con gái quá. Nhưng con gái thì lúc đó hay đọc Nữ Hoàng Ai Cập 🙂