Đánh giá Arcanum: of steamworks and magick obscura khác biệt nhưng chưa hoàn hảo

Khách mới

  

Lại tiếp tục với những game crpg vĩ đại nhất mọi thời đại lần này là một sản phẩm đến từ Troijka games một tựa game cult classic mà đến nay vẫn còn một lượng fan hùng hậu. Vậy đâu là thứ đã làm cho nó vẫn còn sức sống đến ngày nay? Hãy cùng tìm hiểu điều gì đã giúp cho game giữ lửa lâu đến vậy.

Lịch sử:

Arcanum được sản xuất năm 2001 bởi Troika games. Game bán được 234000 bản và là game bán chạy nhất của Troika. Được phát triển bởi Tim Cain, Leon Boyarsky, Jason D. Anderson sau khi họ rút khỏi interplay do nhiều bất đồng quan điểm và lập ra Troika games.

Arcanum được ra đời không đến từ những ý tưởng có sẵn, giống như Fallout, hướng đi của game là một game rpg nhưng không đi theo phong cách fantasy cũ. Boyarsky đã đưa ra ý tưởng về một game lấy bối cảnh năm 1800s với cách mạng công nghiệp hóa và kết quả là một sự kết hợp của thể loại fantasy với elf, orc, dwarves và con người cùng với kết hợp phong cách công nghệ của steampunk. Đây cũng không phải lần đầu tiên kiểu phong cách này được sử dụng, giống như Fallout, công nghệ của họ không hoàn toàn đi theo thực tế khi game lấy bối cảnh tương lai nhưng lại đem theo nó bối cảnh của những năm 1850s với những công nghệ hiện đại nhưng cồng kềnh vì ở thời điểm đó (1998) chưa có nhiều công nghệ thu nhỏ như bây giờ. Đó là lý do Fallout vừa đưa đến cảm giác hiện đại mà vẫn rất cổ xưa.

Arcanum cũng đem lại cảm giác như vậy với nhiều những công nghệ ảo tưởng mà ta không hề có. Troika ký một bản hợp đồng với hãng phát hành Sierra nhưng chỉ với một nhóm 12 người với thời hạn hoàn thành game ít ỏi và bị ép deadline đến từ hãng phát hành Arcanum được ra mắt thiếu sự trau chuốt và rất nhiều lỗi vặt. Thế nhưng game vẫn được đánh giá khá tốt và bán được số lượng ổn định. Cho đến nay, mặc dù Troika đã đóng cửa nhưng Arcanum vẫn được người chơi đón nhận và trở thành một trong những game crpg thời đại.

Nội dung:

Về mặt nội dung, Arcanum lấy bối cảnh ở vùng đất Arcanum (duh). Một thế giới giả tưởng lấy bối cảnh 1850s nơi mà phép thuật và công nghệ cùng tồn tại. Công nghệ là những thứ được giải thích bởi các định luật vật lý như những loại súng sử dụng thuốc nổ và kim khí, còn phép thuật lại là sự thao túng các định luật đó để đạt được mục đích như những phép thuật sử dụng sấm sét để tấn công. Chính vì sự trái ngược đó mà phép thuật và công nghệ không thể ở cạnh nhau. Nếu một cỗ máy ở cạnh một nguồn pháp thuật nó có thể gây ảnh hưởng đến cỗ máy đó. Phần nhiều người dân chọn công nghệ vì nó có ích hơn cho họ, còn những chủng tộc như elf, dark elf vẫn tiếp tục với việc sử dụng phép thuật.

Nó cũng gây ra sự phân chia trong xã hội của thế giới khi hầu hết con người ở trong những thành phố tiện nghi còn elf thì ở trong những khu rừng và sinh ra nhiều mâu thuẫn cũng như sự thù ghét nhất định giữa hai bên. Vì lấy bối cảnh năm 1850s, thời đại của cách mạng công nghiệp hóa thế giới nên Arcanum cũng phần nhiều giống như thời điểm đó với những thành phố rộng lớn nhưng sau đó lại là những khu dân cư nghèo đói, nơi đầy rẫy những tên trộm, những xưởng sản xuất sử dụng orc như nô lệ với môi trường làm việc khắc nghiệt và nguy hiểm, những kẻ có tiền ngồi lên đầu người lao động, những nhà thổ nơi bạn có thể thỏa mãn những ham muốn của con người, kể cả cừu.

Really?

Trở lại câu chuyện chính, mạch truyện của game được bắt đầu với cảnh chiếc khinh khí cầu IFS Zephyr – chiếc du thuyền đầu tiên của thế giới – bị tấn công bởi 2 chiếc phi cơ điều khiển bởi tên half-orge. Chiếc khinh khí cầu đáp xuống mặt đất giiết hết mọi người ngoại trừ bạn và một người gnome đang hấp hối. Trước khi chết ông nhờ bạn đưa một chiếc nhẫn bạc cho một “cậu bé”. Là người duy nhất sống sót, người chơi sẽ gặp Virgil, người gọi họ là hóa thân của thần. Xuyên suốt hành trình, người chơi sẽ khám phá ra được chân tướng của kẻ đằng sau vụ ám sát, chủ nhân của chiếc nhẫn và âm mưu của kẻ muốn hủy diệt thế giới.

Đánh giá cốt truyện:

Mở đầu game là đoạn phim ngắn về chiếc phi thuyền IFS Zephyr bị bắn hạ bởi 2 chiếc phi cơ. Nhân vật chính của chúng ta được một người gnome nhờ đem một chiếc nhẫn bạc đến cho một cậu bé. Sau đó ta gặp gỡ với Vigil, người gọi ta là thần, là hiện thân của thần elf Nasrudin. Vigil là một thành viên của hội đức chúa Nasrudin họ tin vào những lời chỉ dạy của ngài và rằng một ngày Nasrudin sẽ hồi sinh để chiến đấu chống lại kẻ ác Arronax – người đã bị Nasrudin đày xuống hư không. Khởi đầu của game khá là tầm thường, vẫn là mô típ người được chọn cũ và không đem lại được nhiều tác động cho người chơi, điều duy nhất ở thời điểm hiện tại là tìm ra được người đang cố gắng giết mình.

Sau khi theo dấu chiếc nhẫn ta tìm được đến người chủ của nó là Gilbert Bates – chủ ngành công nghiệp lớn nhất ở thành phố Tarant. Bates là người sáng chế ra công nghệ hơi nước và nhiều thứ khác, nhưng sau khi nhìn thấy chiếc nhẫn ta biết được rằng Bates không thực sự là người tìm ra nó. Ông ta đã ăn cắp công nghệ này từ tay những người dwarves ở Black Mountain Clan và người gnome ta gặp ở đầu game thực chất lại là một người dwarf tên là Stennar Rockcutter, người đã cạo đi bộ râu của mình – thứ là niềm tự hào của họ – để trốn tránh khỏi một cái gì đó trước khi bị bắn rơi. Bates cho chúng ta biết đươc tộc Black mountain đã biến mất và ông ấy nhờ chúng ta giúp tìm họ vì ông cảm thấy việc biến mất của họ một phần là do mình.

Đến đây game đã phần nào thoát ra khỏi những phong cách tiếp cận của các game cùng thời và cho chúng ta nhiều việc để làm hơn trong việc tiếp cận với cốt truyện chính, tuy vẫn không thực sự thỏa mãn nhưng vẫn đủ để giúp chúng ta có động lực cho câu chuyện. Tiếp tục với công việc tìm lại tộc Black Mountain đưa chúng ta đến gặp vua của tộc Wheel Clan, Loghaire Thunderstone, người đã tự trục xuất bản thân vì việc trục xuất người của tộc Black Mountain. Người của tộc Black Moutain không đơn thuần bị trục xuất khỏi ngọn núi, ho bị trục xuất đến vùng hư không, nơi dành cho những kẻ đã phạm tội lớn như Arronax – người được nói đến trong truyền thuyết là sẽ quay về Arcanum và chiến đấu với Nasrudin; Kraka-Tur kẻ đã giết con rồng cuối cùng và biến hắn thành một người nửa rồng; và Gorgoth hắn ăn tất cả mọi thứ :v; cuối cùng là Kerghan – người tìm ra ma thuật hắc ám và thí nghiệm lên linh hồn người chết.

Bạn có thể nghĩ rằng tộc Black Mountain phải phạm phải đại tội mới bị đày đến đây, nhưng thực chất tội lỗi duy nhất của họ là để lộ ra công nghệ của mình cho con người. Họ bị đày đọa bởi những tội ác họ không làm (chính Stennar Rockcutter là người đưa nó cho Bates). Người elf rất tức giận về điều này và họ muốn tộc Black Mountain phải chịu tội. Vua Thunderstone đồng ý với điều này vì ông lo sợ chiến tranh sẽ có thể nổ ra giữa hai tộc nên việc hy sinh một tộc nhỏ là sự hy sinh đúng đắn. Không phải tộc elf tự dưng nổi nóng một cách vô cớ như vậy. Muốn hiểu được lý do này ta phải nghiên cứu lại thế giới Arcanum.

Như đã biết, đây là một thế giới có sự hiện diện của cả yếu tố công nghệ và ma thuật. Tuy nhiên hai yếu tố này lại trái ngược hoàn toàn với nhau cho đến trước khi con người phát triển công nghệ tộc elf và dwarf sống trong hòa bình (không giống như trong các câu chuyện fantasy thông thường). Việc con người biết được về công nghệ phát triển là điều hết sức nguy hiểm cho người elf khi con người, khác với người dwarf, sự sống của họ chỉ kèo dài vài chục năm, trong khi người dwarf là vài trăm đến vài nghìn năm. Điều đó cho chúng ta thấy được sự khác biệt trong suy nghĩ của cả hai bên khi con người chỉ đơn giản muốn tìm hiểu về công nghệ và thứ làm được từ nó đã không thể nhìn trước được hậu quả.

Trong khi người dwarf sống lâu hơn nhiều, họ hiểu được tầm quan trọng của sự cân bằng và giá trị của nó cho cả 2 bên. Con người thì vẫn tiếp tục phát triển quá đà họ quên mất về những thứ xung quanh họ. Điều này làm cho người elf bị rơi khỏi cán cân, quá nhiều công nghệ làm cho việc sử dụng phép thuật bị hạn chế họ phải rút vào những rừng cây cổ xưa, nơi bị con người tàn phá để lấy chỗ “phát triển”. Qua cuộc đối thoại với Thunderstone, ta thấy được rất nhiều điểm giá trị để học hỏi. Con người khác với dwarf ở thời gian sống, nếu họ sống lâu hơn thì thay vì nói về tương lai của con cháu thì thay vào đó sẽ chính là tương lai của họ, điều đó buộc họ phải cẩn thận hơn trong hành động v.v…

Điều này cũng khá tương đồng với một tiểu thuyết pha trộn fantasy nổi tiếng là The Witcher, nơi mà một thế giới hòa bình giữa elf và drawf bỗng chốc bị phá hủy bởi con người, những sinh vật chỉ biết chiếm lĩnh và phá hủy. Với những thông tin từ vua Thunderstone, chúng ta tìm được người elf nhưng họ lại phủ nhận việc đày tộc Black Mountain đến hư không, hóa ra đó lại là ý tưởng của tộc người dark elf, những kẻ tôn thờ ma thuật đen. Việc đày tộc Black Mountain đến vùng hư không do những sai lầm của họ chỉ là cái cớ, thực chất việc đày họ đến đó là để bắt họ chế tạo một chiếc cầu hay cánh cổng dẫn từ vùng hư không đến thế giới này để Arronax có thể hủy diệt thế giới lần nữa.

Và người dwarf ta gặp ở đầu game chính là một thành viên tộc Black Mountain đã trốn thoát được khỏi vùng hư không của cánh cổng đó, ông muốn truyền tin này cho mọi người nhưng không may đã bị thủ tiêu. Đến đây thì phần đầu tưởng như là một game fantasy dần dần biến mất, thay vào đó bạn nhận ra nhân vật của mình không phải là hiện thân của Nasrudin. Trên thực tế Nasrudin chưa chết và nhóm Panarii đang thờ một bộ xương giả. Nasrudin thực chất đang sống ở hòn đảo Thanatos suốt 2000 năm qua, ông ấy còn không phải thần mà chỉ là một pháp sư quyền năng. Arronax chính là con của ông, Arronax sợ hãi sự phát triển của công nghệ nên đã tìm cách tấn công Vendigorth và sau đó bị đày đến hư không.

Nasrudin cho ta biết về một thứ vũ khí có thể tiêu diệt Arronax, nó nằm ở thành phố cổ Vendigorth. Nới đây đầy rẫy robot và những kiến trúc hiện đại hơn cả những gì Arcanum hiện tại có được. Ngoài ra game còn cho ta biết thêm về sự hiện đại này qua những tờ báo nói đến sự phát triển của nơi đây. Đây cũng là một cách khá hay để thể hiện về thế giới khi công nghệ đồ họa thời đấy chưa thể thể hiện hết được với mong muốn của tác giả. Khi bạn đã có được thiết bị có thể tiêu diệt được Arronax, Nasrudin gửi bạn đến thế giới hư không, nơi bạn tìm được Arronax và cả tộc Black Mountain. Nhưng hóa ra không phải Arronax là người xây cánh cổng này mà là Kerghan, một kẻ cũng bị đày đến đây. Kerghan giam cầm Arronax và giả dạng làm anh ta để thuyết phục người dark elves giúp hắn.

Arronax đã dành 2000 năm để nghĩ về những điều mình làm và rất hối hận với những điều đó. Bạn có thể cho anh đi cùng trong trận chiến cuối cùng chống lại Kerghan. Đương nhiên trận chiến cuối cùng với Kerghan không thể bắt đầu mà không có hội thoại. Hắn ta giải thích về hành vi của mình, như đã kể trên, Kerghan là một pháp sư thí nghiệm với linh hồn của người chết. Ở nơi giữa sự sống và cái chết, hắn thấy được linh hồn bị kẹt giữa hai thế giới, vì vậy hắn muốn tất cả những linh hồn này có thể đến được với kiếp sau để có thể được bình yên. Nên hắn quyết định sẽ đến Arcanum và tiêu diệt tất cả sinh vật sống, chỉ có vậy các linh hồn mới không vấn vương với thế giới mà có thể đến được kiếp sau một cách yên bình.


Đến đây hẳn bạn cảm thấy quen thuộc đúng không? Vì đây cũng chính là những người sản xuất ra Fallout nên kẻ xấu ở cuối game khá giống với The Master, cũng với một tiêu chuẩn riêng, một sự xấu xa cần thiết để giúp thế giới. Tuy nhiên nhân vật của Arcanum lại không thể hiện được như The Master do thời gian xuất hiện quá ít và ảnh hưởng của hắn đến toàn bộ cuộc hành trình hay thế giới Arcanum là gần như không có. Có lẽ Troika đã hơi quá cố gắng cho mô-típ người xấu này mà quên đi ảnh hưởng của nhân vật, nhất là kẻ xấu với thế giới và người chơi quan trọng thế nào trong việc hình tượng hóa nhân vật.

Và với một câu chuyện tồi tệ như vậy, những đoạn đối thoại với Kerghan cũng khá tệ, như đoạn đối thoại khuyên hắn không nên thù hận con người mà nên tin vào họ chỉ bằng trải nghiệm cá nhân của nhân vật? Lại một lần nữa Arcanum lại lấy cảm hứng từ Fallout 1 nhưng nó lại không bằng được đoạn hội thoại với The Master về thiếu sót trong kế hoạch của ông ta khi trong Fallout bạn phải có thông tin được lấy từ The Brotherhood of Steel. Và nó rất dễ bị bỏ qua nếu bạn không để ý, ở Arcanum tất cả những gì bạn làm là max Charisma? Nó làm cho người chơi bị đứt quãng giữa trải nghiệm game, họ không thấy được yếu tố nhập vai mà chỉ có chỉ số của game quyết định mọi thứ.

Và cuối cùng sau khi đồ sát hoặc cho tên trùm tự sát, game sẽ kết thúc và lại một lần nữa Fallout với những tấm ảnh nói về những việc bạn làm ảnh hưởng đến thế giới trừ việc nó không thực sự ảnh hưởng mà chỉ vài nhiệm vụ mới ảnh hưởng, lại một điểm trừ rất lớn.

Gameplay:

Arcanum có thể nói là một trong những game tiêu chuẩn của dòng game crpg. Đúng với bản chất role-playing, Arcanum đem đến cho người chơi rất nhiều lựa chọn về nhân vật từ elf, dwarves, orc, human… mỗi nhân vật đều có những thế mạnh riêng phù hợp với mỗi kiểu chơi khác nhau. Các NPC cũng sẽ có những câu thoại hoặc thái độ khác nhau tùy vào chủng tộc của bạn. Ví dụ như người elf, một chủng tộc thiên về phép thuật sẽ không được đón nhận ở những thành phố công nghiệp, thậm chí họ không được ngồi đầu toa tàu gần với động cơ vì có thể sẽ làm hỏng nó. Điều tương tự ở dwarves khi đến những nơi có phép thuật vì đây là một tộc sử dụng công nghệ.

Thế nhưng đó chỉ là về mặt role-play của game, bản thân game cũng đem lại cho người chơi một điểm bắt đầu để bắt đầu hành trình role-play của mình rất tốt. Nếu như ở Fallout 1 người chơi bắt đầu với việc là một người dân ở Vault11, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến trải nghiệm role-play của người chơi, thì ở Fallout 2 điều này đã được cải thiện bằng việc cho người chơi là một người thổ dân con cháu của nhân vật chính ở phần 1. Bảng tùy chỉnh nhân vật cũng đem đến rất nhiều lựa chọn từ chủng tộc đến hoàn cảnh và các kỹ năng khác, tuy là khá rối mắt, kể cả với những người đã từng chơi crpg.

Rất nhiều tùy chỉnh cho mọi kiểu chơi


Có thể thấy, trong bảng lựa chọn nhân vật có một thang đo cho sức mạnh magic và công nghệ, tùy thuộc vào cách xây dựng nhân vật. Nó cũng sẽ ảnh hưởng đến cách đối xử của NPC với người chơi, người elf thường không được coi trọng ở những khu vực nhiều máy móc vì ma thuật của họ có thể làm hỏng chúng, họ phải đi toa dưới cùng khi đi tàu… Về sự đa dạng, Arcanum đem lại cho chúng ta một kho tàng khá đồ sộ về mặt thế giới với quyển sách hướng dẫn game được viết như là một quyển về lịch sử thế giới Arcanum, về cách mà khoa học phát triển và định nghĩa của pháp thuật cũng như các tính đối lập của chúng.

Các NPC đều có những lời thoại đặc thù cho từng chủng tộc của người chơi, kể cả khi người chơi không mặc gì, từ bực tức đến nhẹ nhàng nhắc nhở về việc ăn mặc thiếu vải. Thậm chí tính sáng tạo còn được đẩy cao khi Troika còn làm riêng lời thoại cho phép gọi người chết sống dậy dưới dạng linh hồn để tra khảo họ.

Về các lựa chọn thì dĩ nhiên, như tất cả các game rpg cùng thời, Arcanum cho người chơi rất nhiều lựa chọn cho cách câu chuyện diễn ra. Người chơi hoàn toàn có thể chơi con đường hòa bình không giết bất kỳ ai kể cả trùm cuối, vâng bạn thuyết phục trùm cuối tự sát. Hoặc cách cổ điển là băm hết mọi người kể cả bạn đồng hành vì tất cả NPC kể cả quan trọng trong cốt truyện đều đem theo những mảnh giấy hay sổ ghi chép giúp cốt truyện tiếp tục. Điều này giúp cho việc role-play phần nào hay hơn.

Về các nhiệm vụ, Arcanum đem đến cho người chơi rất nhiều tuyến nhiệm vụ. Ngoài nhiệm vụ chính, người chơi còn rất nhiều các nhiệm vụ phụ từ những fetch quest cho đến những nhiệm vụ mà bạn nhận ở đầu game nhưng đến cuối game mới có thể hoàn thành. Ngoài ra người chơi có thể tìm những NPC có thể giúp họ nâng cấp kỹ năng. Hầu hết điều kiện của họ là tiền nhưng ở những trường hợp đặc biệt, họ sẽ yêu cầu bạn làm một nhiệm vụ cho họ. Có một số nhiệm vụ khá thú vị, từ việc đọc những quyển sách về thế giới Arcanum và tham gia vào một cuộc tham vấn chính trị cho đến những nhiệm vụ giải cứu khó khăn (hầu hết là do sự thiếu thông minh của các NPC). Nhưng cũng có nhiều nhiệm vụ khá lạc lõng với cốt truyện và dài dòng một cách vô lý. Có thể Troika đã hơi quá cố gắng trong việc kéo dài cốt truyện một cách không cần thiết. Điều này cũng ít nhiều làm hỏng trải nghiệm của người chơi.

Thế nhưng không có game nào là hoàn hảo, Arcanum cũng mang trong mình rất nhiều những điểm trừ. Thứ nhất về mặt đồ họa, Arcanum đem đến cho bạn những mảng màu nâu thỉnh thoảng xanh và đó là những màu bạn sẽ nhìn thấy trong xuyên suốt game, thậm chí là bảng hud.

Game khá tối và đơn điệu

Về gameplay, tuy Troika đã làm rất tốt trong sự đa dạng về chủng tộc, hoàn cảnh, nhưng chính thứ đó đã làm cản trở việc role-play khi các chủng tộc không thể đi ngược lại bản chất nhân vật nên khi chơi elf bạn vẫn sẽ bị người dân nói về việc họ không thích phép thuật kể cả khi bạn không theo con đường đó. Nhân vật ít nhiều bị chi phối vì chính sự đa dạng đó. Nói đến role-play, tuy người chơi có thể nói chuyện để thoát ra những tình huống khó khăn, trong nhiều hoàn cảnh, nó lại phụ thuộc hầu hết vào chỉ số Charisma và Persuasion. Ví dụ như khi đánh boss cuối bạn có thể thuyết phục hắn nhưng nó lại bắt bạn đạt max điểm Charisma và Persusasion, điều đó càng khó hơn khi max level của game chỉ ở mức 20.

Cách chiến đấu trong game cũng không thực sự ổn. Arcanum đem đến cho bạn 2 kiểu combat là turn-base và real time. Nó cũng là một phần rất lớn ảnh hưởng đến game khi ở real time tốc độ đánh của một số vũ khí và phép thuật phụ thuộc vào tốc độ click chuột của bạn, nên khi ở cuối trò chơi rất có thể cả nhóm của bạn có thể bị cung thủ tiêu diệt trong chớp mắt. Ở phong cách turn-base cũng có rất nhiều điểm thiếu sáng tạo như việc không có ước tính về số action point khi di chuyển hay xác suất tấn công làm game trở nên khó khăn hơn khi chơi ở độ khó cao, chưa kể cách tính điểm xp khá kỳ lạ của Arcanum khi nó được tính bằng số đòn đánh bạn gây ra, không phải số quái bạn tiêu diệt được.

NPC không thể điều khiển và tự lao đầu vào chết, điều này thực sự khó lý giải khi game được sản xuất bởi những người đã làm ra Fallout 1. Tuy combat không quá chất lượng nhưng lại dễ hiểu hơn cho người chơi. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, vấn đề của Arcanum đến từ rất nhiều phía. Thứ nhất là thời gian làm game hạn hẹp khiến Troika không thể chau chuốt lại game, thứ hai đến từ nhà phát hành Sierra khi họ đã bắt Troika phải đưa hệ thống real time combat vào game. Điều này được chứng minh khi trong quyển sách hướng dẫn của game không hề nhắc tới real time và cũng do ảnh hưởng của các game crpg bấy giờ với sự nổi trội của Diablo.

Nhưng những điểm trừ trong gameplay không làm cho Arcanum trở thành một game tồi, thực chất cho đến nay nó vẫn còn giữ được một lượng lớn sự quan tâm của game thủ – những người yêu crpg và trân trọng những giá trị đẹp của game. Arcanum có lẽ được đánh giá cao nhất ở cách xây dựng thế giới hay bối cảnh của game. Phong cách cyberpunk kết hợp nhuần nhuyễn với việc sử dụng phép thuật tạo nên một thế giới hoàn toàn hợp lý và thú vị. Cốt truyện tuy hơi yếu ở phần cuối nhưng với những điểm xoay chuyển khá khác biệt đem lại một góc nhìn khác cho thể loại fantasy pha trộn steampunk.

Được làm một cách rất tâm huyết từ quyển hướng dẫn như một bài báo về thế giới thực đến những cho tiết hài hước về cuộc sống của người dân vô sản trong thời kỳ công nghiệp hóa, đồng thời cũng rất sâu sắc về xã hội và con người. Sự phân hóa giai cấp không bình đẳng giữa các chủng loài và cả ở chính con người với nhau làm cho chúng ta nhiều lúc tự hỏi liệu cái chết có đúng là sự giả thoát hay là sự đấu tranh và trải ngiệm thế giới giúp chúng ta thành một con người khác, qua đó thay đổi thế giới?

Thực sự các thành viên của Interplay như Boyarsky, Cain hay Avallone luôn luôn mong muốn đột phá, họ luôn luôn tìm kiếm cái mới mà không dựa vào những ý tưởng cũ. Fallout ra đời như vậy và rồi sau đó là Planescape Torment và rồi Arcanum. Tuy hai trong số đó không có được những thành công như mong muốn nhưng nó đã để lại những di sản cho thế giới game, những bài học về dám nghĩ dám làm và vượt qua những hoàn cảnh khó khăn để đem đến cho người chơi những trải nghiệm thú vị.

Cảm ơn bạn đã đọc bài nếu cảm thấy thích thú xin hãy chơi thử để trải nghiệm trọn vẹn nhất game vì đây chỉ là đánh giá của một thanh niên không hề có một tuổi thơ gì về game này, ngay cả bản thân cũng mới chơi game này tầm năm trước thôi.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện