Bóc phốt làng game năm 2020

Khách quen

  

2020 là cái năm mà khi nhắc đến thì nhớ ngay đến cháy rừng hàng loạt, biểu tình tràn lan, dịch bệnh khắp muôn nơi khiến cả thế giới sục sôi. Và làng game năm nay cũng không phải là ngoại lệ, rất nhiều vụ lùm xùm trời ơi đất hỡi đã làm rung chuyển cộng đồng game thủ dữ dội hơn cả cơn động đất 101 độ richter. Thôi thì chúng ta cùng ôn lại những cái phốt chất con nhà bà lượng để nhìn lại một năm đầy tai tiếng chuẩn bị chào đón năm 2021 tệ hại hơn, ngoài ra tôi sẽ cho điểm đánh giá dựa theo cảm nhận của CÁ NHÂN về từng cú phốt này, điểm càng cao nghĩa là nó càng đi vào lòng đất. Còn bây giờ thì:

“Ngẩng mặt nhìn đống mứt

Cúi đầu uống chương dương

Bóc phốt đã sang chương 

Mời anh em thưởng thức”

WWE 2K20 dở chứng

Để mở đầu cho chuỗi sự kiện tệ hại năm nay chúng ta sẽ đến với con bò sữa của Take Two Interactive- một hãng game sẽ được tôi ưu ái hơn trong 2021. Tựa game WWE 2k20 được phát hành vào tháng 10 năm 2019 nổi tiếng với những cái bug nhiều như thể xuất bản ra từ cái lò bethesda, . Tựa game này nói đúng hơn là một bước đi lùi đậm chất Michael Jackson của tất các chế độ từ My Career đến Showcase bởi animation nhân vật đơ hơn cả Lưu Diệc Phi khiến những chuyển động nhẹ nhất như đấm đá trông rất gượng gạo và tạo cho người chơi cảm giác khó chịu bức rức trong người. Về model nhân vật, chúng ta có Alexa Bliss ngoài đời thật và cái đéo gì đây? Ôi đôi mắt ngọc ngà của tôi phải chứng kiến sinh vật dị hợp bị tạo hóa ghẻ lạnh kia đang nhìn tôi chòng chọc như thể nó đang chơi Yandere Simulator vậy, mấy ông phụ trách model ơi đừng ngủ nữa nhà mình còn gì đâu, còn mỗi cái game WWE 2k20 copy trắng trợn từ phiên bản WWE 2k19 khiến pro gamer trò tìm điểm khác biệt phải khóc ra máu khi so sánh giữa hai con bò sữa này.

Điều hề hước nhất trong số đó, bước sang 2020 bỗng nhiên có một bug khiến nó từ chối chạy như điểm học kì từ chối bạn lên lớp vậy. Để tôi nói thế này cho dễ hiểu, mọi chế độ trong game sẽ dẫn đến tình trạng crash văng ra ngoài khiến cho WWE 2k20 ở tình trạng hầu như không thể chơi được, một số gamer đã chữa cháy tình huống này bằng cách đổi ngày giờ trên máy họ về lại năm 2019 và tựa game hoạt động hoàn toàn trơn tru. Đúng là một trò đùa khi tựa game cộp mác 2020 lại không thể chạy trong năm …. 2020

Đánh giá của tôi: 5/10

Warcraft 3 reforged

Shame on you Blizzard, thế quái nào họ có thể khiến tựa game này tệ hơn sau 16 năm được nhỉ? Để đánh dấu quá trình sụp đổ thành công mĩ mãn của mình, Blizzard quyết định tạo ra một mớ hỗn độn, một cơn ác mộng đích thực đối với bất cứ ai là fan hâm mộ của dòng game rts. Cái ngày mà warcraft 3 refund ra mắt là ngày buồn nhất phải không em, khi mà “niềm tin đã mất, giọt nước mắt cuốn kí ức anh chìm sâu, chạy về nơi đâu, trên tay là điểm 0,6 to như cái xe bò”. Warcraft 3 refund là điệp khúc của những cú lừa khi mà chất lượng cinematic ở bản demo 2018 khác xa hoàn toàn so với bản 2020, blizzard đã vẽ ra cho người chơi một bức tranh phong thủy tuyệt đẹp và tất cả những gì chúng ta nhận được là bức vẽ thô của một thằng nhóc 3 tuổi.

Do mùa đông năm nay lạnh teo vòi nên nhiều tính năng của phiên bản cũ cũng bỗng dưng tan vào làn sương sớm, đáng chú ý nhất chính là tước đi quyền sở hữu custom map của người chơi. Như một hành động rút kinh nghiệm từ cái ngày Valve đi đêm với Dota, Blizzard tuyên bố bắn bỏ bất kì người nào làm ra mấy cái map trong world editor và gọi họ là thằng đầu bình quấn chiếu, tất cả các map trong custom 100% thuộc quyền sở hữu của Blizzard và người tạo ra những cái map ấy không nhận được đồng xu cắc bạc nào, thế thì có ma mới chịu làm custom map cho ông đấy blizzard.

Điều tệ hại nhất chưa dừng lại tại đó, mấy ông ngó thử cái cảnh cutscenes tập dưỡng sinh này xem thêm tí nhạc bolero nữa không chừng thành cảnh hai soái ca khiêu vũ với nhau đấy chứ đùa. Thế nên sự tức giận của cộng đồng là vô cùng to lớn trước bản tính cẩu thả, tham tiền, treo đầu dê bán thịt chó, Blizzard như muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng hãng đã thành tinh rồi, đã nằm trong vòng tay của Activision rồi, đừng mong blizzard của ngày xưa trở về nữa.

Đánh giá của tôi: 9/10

Bên lề Geforce Now

Trong tương lai gần hơn 2077, người ta đã vẽ ra được hướng đi mới cho ngành công nghiệp game, đó chính là hệ thống chơi game trên đám mây, hay còn gọi là Cloud stream. Đó là thời đại mà những game thủ máy yếu cũng có thể chơi những tựa game bom tấn được khi người ta chỉ cần một bộ pc có khả năng chạy được những phần mềm này và kết nối mạng ổn định, Geforce Now chính là đại diện cho tương lai tươi sáng đó, nếu nó không vướng vào những lùm xùm về bản quyền. Việc đầu tiên tôi muốn nói ở đây là Geforce không hề giống Netflix hay Xbox game pass, để chạy game được trên nền tảng này việc đầu tiên phải làm là…mua game.

Playstation Now cung cấp cho bạn một lượng lớn game triple AAA trong đám mây của họ, bạn chỉ cần trả đúng số tiền đó thì chơi bao nhiêu game tùy thích thì có lí do gì phải sử dụng Geforce không nhỉ, và để có thể chơi được game trên Geforce Now thì bạn đồng thời phải tải tựa game đó về trước, điều này hoàn toàn khác xa với định nghĩa cloud gaming ban đầu. Bên cạnh những lí do khó hiểu trên thì Geforce Now dính một cái phốt khá to về bản quyền khi mà Capcom, Activision Blizzard và The long dark gỡ game của họ khỏi store vì Geforce Now chưa hề xin phép nhà sản xuất để đưa những tựa game của những hãng này lên nền tảng cloud gaming, nhà sản xuất the long dark còn nói rằng có rất nhiều hãng game indie không hề biết rằng game của họ bị sử dụng trái phép và tất nhiên cũng không hề nhận được bất cứ khoản lợi nhuận nào. Điều này vô hình chung đã tạo cho mọi người ác cảm với công nghệ cloud gaming và cũng là bước thụt lùi khá lớn trong nền công nghiệp mới nổi này.

Đánh giá của tôi: 3/10

Microtransaction trong Dead or Alive 6 

Nếu gọi tựa game này là game đối kháng cho wibu thì có hơi quá, nhưng mà 30 giờ đồng hồ của tôi trong tựa game này là để ngắm các cô nàng nóng bỏng quần nhau túi bụi chứ chả quan tâm đến đánh đấm lắm. Dead or Alive 6, hay còn gọi là Doa 6 được sinh ra là để chơi bằng một tay có giá 220k trên steam cùng với 440 cái DLC và 4 cái season pass cốt là để ngồi lên đầu the sim 4 và gọi EA là thằng nhóc con hỉ mũi chưa sạch. Với mỗi cái DLC từ 30k cho một skin của nhân vật đến nguyên set skin bằng giá với game gốc 220k cộng thêm giá mỗi season pass đâu đó tầm khoảng 80 đến 90 đô khiến tiền mua full tựa game này còn nhiều hơn tiền tôi bỏ ra mua gối in hình waifu về nhà ôm, ý chết lộ rồi. Đôi khi những lúc ngồi trong bồn cầu quên đem theo điện thoại, tôi tự hỏi bản thân rằng Doa 6 là game đối kháng hay là game thời trang nữ sinh trá hình và cho tới bây giờ tôi vẫn chưa có được câu trả lời.


Mà hình như là thế vẫn chưa thỏa mãn cơn đói của koei tecmo games khi vào tháng 3/2020 họ quyết tâm trút sạch túi tiền của dân chơi wibu bằng cách bắt phải trả thêm 1 đô la đồng nghĩa với hơn 20k để có thể đổi màu tóc của nhân vật, lưu ý ở đây rằng 1 đô là chỉ để thuê màu tóc đó, có nghĩa là đổi màu tóc từ đen sang trắng cần 1 đô nhưng bạn ko thích màu trắng muốn đổi lại màu đen thì cũng phải ói 1 đô ra, tôi biết là microtransaction hiện tại đã Konami rồi nhưng nào ngờ đâu nó lại là EA. Một tính năng cơ bản nhất đáng lẽ ra phải có sẵn cho tất cả game thủ thì koei tecmo nhốt lại dưới ngục tù DLC và chìa khóa duy nhất để cứu nó ra chính là tiền, rất nhiều tiền. Đây nên được xem là mặt tối khác của ngành công nghiệp game nên tránh và là hồi chuông cảnh báo cho lượng microtransaction tràn lan hiện nay.

Đánh giá của tôi: 8/10

Vụ kiện giữa Epic game và Apple 

Trước khi đi vào cái drama cực kì bổ phổi này, tôi muốn giải thích cho các bạn hiểu rằng mỗi một tựa game trên bất kì một store nào cũng đều bị tính phí phát hành hay còn gọi là thuế, mức thuế phổ biến nhất hiện nay là 30%, có nghĩa là bạn mua một game giá 100 đô thì 70 đô sẽ về tay nhà sản xuất trong khi 30 đô còn lại sẽ về tay nền tảng phát hành, mức phí này là hoàn toàn cần thiết cũng như rất quan trọng trong việc xây dựng một store ổn định, bảo mật và đầy đủ tính năng hỗ trợ người dùng như Steam, App Store và Google Play. Epic chính là kẻ nổi loạn khi hãng hoàn toàn không đồng tình với mức thuế này mà yêu cầu các ông lớn ở trên phải giảm tiền thuế xuống, tất nhiên là chẳng ai đồng ý cả. Thế nên Fortnite hầu như chỉ có trên nền tảng của Epic, trừ ios ra. Do ios là hệ điều hành di động bảo mật cực kì cao nên bạn không thể cài bất kì phần mềm bên thứ ba nào trên ios, thế là epic đành cố đấm ăn xôi chấp nhận mức thuế quan 30% để tựa game này có thể xuất hiện trên App store, đó là cho đến tháng 8 năm nay khi Epic mở cửa hàng bán đồ cho người chơi ngay tại trang của mình, nhận tiền trực tiếp từ người chơi mà không thông qua Appstore của Apple. 

Bất kì kẻ phá luật nào cũng phải chịu sự trừng phạt, Apple và Google đã phát hiện ra được Epic đang lách luật để không phải trả thuế, vì thế vợ chồng đồng lòng tát Fortnite bay ra khỏi bản đồ địa lý. Như có một sự chuẩn bị từ trước, Epic khiến cả thế giới một phen hú hồn con chồn khi lập tức đâm đơn kiện cả hai và đăng tải một video parody lại đoạn quảng cáo Macintosh của Apple…36 năm trước nhằm công kích nhà táo. Qua nhiều nguồn thông tin khác nhau, chúng ta có thể rút gọn màn solo yasuo này như sau: Epic kiện Apple, ví nhà táo như “kẻ độc tài” của hệ điều hành ios trong khi Apple lại tự tay phát triển hệ điều hành này, tự tay cập nhật cũng như tự làm ra tất tần tật mọi thứ liên quan đến ios. Hừm ông bà ta thường có câu gì nhỉ, à đúng rồi “vừa ăn cắp vừa la làng”. Cuối cùng vụ kiện này cũng kết thúc như bao vụ kiện khác khi cả hai lập ra thỏa thuận trong bí mật nhưng ai trong chúng ta cũng biết bên nào thắng rồi đúng khônggg? Không biết hả, thử bật điện thoại của bạn lên App store hay CH Play tìm kiếm Fortnite đi nào.

Đánh giá của tôi: 6/10

Square Enix cùng Marvel Avenger 


Quan điểm của tôi về việc game ăn theo phim luôn xịt và Marvel Avenger lại một lần nữa khẳng định lại điều này. Tất nhiên vẫn có một vài cái tên nổi trội nhưng đa phần các game dựa trên phim hiện nay đều có chất lượng dưới trung bình đến thấp nếu không muốn nói là tệ đến quá tệ. Ngay từ trailer đầu tiên, nhiều người đã đặt quá nhiều sự kì vọng vào tựa game này và mong nó sẽ thành công như bộ phim mang lại, sự thật thì khác hoàn toàn so với những bức tranh trong sự kiện E3 2019 vẽ ra. Với con điểm 3 chấm chẵn trên PC chứng minh được bản port này nhiều bug và optimized kém đến mức nào, Marvel Avenger sở hữu animation tuy trau chuốt nhưng lặp lại rất nhiều cộng với màn đánh boss mà tôi không thể kiếm từ nào hay hơn là “brain dead” khiến cho gameplay tổng thể rất nhợt nhạt thiếu điểm nhấn.

Tạo hình của nhân vật đặc biệt là Black Widow gây ra rất nhiều tranh cãi cũng như không đáp ứng được phần lớn kì vọng của game thủ nói riêng và fan hâm mộ Avenger nói chung. Nếu bạn mua tựa game này để chơi chung với bạn bè? Oke hết không sao cả nhưng nếu bạn muốn trải nghiệm solo hay multi thì tôi phải dừng bạn ngay tại đó, AI trong game quá thông minh ép bạn phải chơi online nhưng làm sao có thể chơi online được khi lượng người chơi hiện tại chỉ vào khoảng trên dưới một nghìn người do game đã mất hơn 90% lượng người chơi chỉ sau vài tháng phát hành.

Do có nhiều thiếu sót, doanh thu 3 triệu bản của tựa game đầy tranh cãi này chỉ đáp ứng được 60% kế hoạch đặt ra của Square Enix. Thậm chí sau hai tháng phát hành vẫn chưa đem lại bất kì khoản lợi nhuận nào cho công ty với khoản lỗ dự tính lên đến 67 triệu Trump. Tuy nhiên Square Enix vẫn không thừa nhận thất bại này mà gọi sự thất bại của Avenger do bệnh dịch covid đang hoàng hành chứ không phải do sự yếu kém từ khâu sản xuất. Với nhiều kế hoạch ra mắt thêm các DLC mới trong tương lai, liệu Marvel Avenger có được một cú lật kèo ngoạn mục như cách mà No Man sky đã làm hay là bị quên lãng như Anthem? Chúng ta hãy cùng chờ xem.

Đánh giá của tôi: 7/10

Bệnh lâu năm khó chữa của EA

Liệu bạn có tưởng tượng được rằng, bỏ ra 60 đô mua một game triple A về lại phải xem thêm quảng cáo không? Đó chính là trải nghiệm xàm lông nhất mà tôi từng phải buộc mình vượt qua khi chơi tựa game UFC 4 của đại ca EA. Vắt sữa, DLC và hút máu vẫn chưa làm hài lòng cơn khát tiền của EA, thế nên hãng đã quyết tâm thêm quảng cáo vào giữa trận đấm bốc máu lửa trong phân đoạn replay và gọi loại quảng cáo này một hình thức không hề mới trong các tựa game UFC. Đành rằng các biển quảng cáo và vật phẩm trong game sẽ có quảng cáo của các nhãn hàng, điều này fan của các tựa game thể thao cũng đã quen với nó, dù là trong game hay ngoài đời thật. Tuy nhiên, lần này EA còn cho quảng cáo hiện chình ình giữa màn hình  mỗi phân đoạn replay tình huống. Thế là fan của họ cũng máu lửa không kém khi bài post video bóc phốt trên reddit nhận được hơn 96 nghìn lượt upvote cùng 3 nghìn 800 bình luận thể hiện cơn giận giữ của cộng đồng.

Ngạc nhiên thay, lần này đại ca EA đã chịu xuống nước, chỉ vài tuần sau đó công ty đã gửi đi thông báo rằng hum hum “Chúng tôi muốn người chơi của mình có trải nghiệm tốt nhất khi chơi UFC 4, vì thế nên hình thức quảng cáo trong replay sẽ không bao giờ xuất hiện lại” yeah duh nếu muốn chữa bệnh sỏi thận tôi đã xem youtube rồi. Nói thật chứ không hiểu sao tôi thấy so với mấy cú phốt lần trước thì lần này EA xử lý gọn gàng hơn rất nhiều, không biết có phải muốn cải thiện hình ảnh với game thủ không nữa. Nếu bạn nào còn tò mò về các cú phốt trong quá khứ của EA thì xem lại video bóc phốt EA của tôi tại Game Cực Hay nhé! Thank you next.

Đánh giá của tôi: 4/10

Vòng quanh The lust of a*s part 2

Một trong những tựa game gây tranh cãi nhất năm nay, không thể không gọi tên The Last of us part 2, độ hype của cộng đồng rất lớn khi bản tiền nhiệm của nó đạt được rất nhiều thành công (tất nhiên là cũng không bằng Cyberpunk 2077 đâu nhỉ), người ta tin tưởng rằng tựa game này sẽ là quả bom của năm, là cái liềm vàng gặt mọi thành tựu mà một tựa game hành động phiêu lưu. Ngày 19 tháng 6, cái ngày mà tựa game này được phát hành chính là ngày chúng ta chứng kiến trận chiến đấu võ mồm to nhất lịch sử làng game, có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra và game thủ cũng chứng kiến được sự toxic của một bộ phận game thủ PS4 sẵn sàng xù lông mọc cánh ra gọi bất cứ ai chê tựa game này hoặc là chỉ chơi qua youtube hoặc là trình độ quá thấp để có thể trải nghiệm cốt truyện đỉnh cao mà game mang lại (add hình điểm metacritic 3.4), oh boy người ta công kích lẫn nhau, mạt sát nhau và liên tục đòi giao cấu mẫu thân với nhau cả ngày lẫn đêm. Cuộc đấu khẩu lần thứ nhất này buộc một thằng nghiện game như tôi buộc phải bỏ ra 60 đô trải nghiệm siêu phẩm này, và nhận ra rằng con điểm 3.4 đấy có hơi nặng tay với game một chút, nó phải 3.5 mới đúng.

Có nhiều người khen lấy khen để Naughty Dog đã hoàn thành xuất sắc phần đồ họa, animation cực đỉnh cộng với lối chơi cuốn hút. The Last of us 2 đối với nhiều game thủ là phần hậu bản hoàn thiện và xứng đáng với những thành công mà nó kiếm được. Cũng có nhiều người khác, trong đó có tôi, chỉ trích những mặt thiếu sót của cốt truyện bị thêm thắt quá nhiều yếu tố dư thừa cộng với cái chết gây ức chế nhất nhì vũ trụ, bỗng dưng té đập đầu vào đá mà chết của Dick Grayson trong Injustice bỗng nhiên còn có lí hơn việc bị ăn gậy golf vào đầu cái bonk của ai đó dẫn đến cái chết khiến phần đông game thủ không thể chấp nhận được, chơi game chứ có phải xem boruto đâu.

Gần phân nửa thời gian chơi của game bạn sẽ được hóa thân thành đứa mà bạn căm ghét. Cốt truyện khó hiểu là để bổ trợ cho cái ending cũng hiểu khó không kém, Naughty Dog làm cái ending như thể muốn dồn vào họng người chơi quyển giáo dục công dân lớp 6 và xóa bỏ hoàn toàn cái lí do để người ta bỏ ra 40 giờ đồng hồ chơi game muốn lòi trĩ chỉ để thì thầm vào tai bạn rằng “Trả thù là xấu trả thù là không tốt”. Dĩ nhiên, đây cũng chỉ là cảm nhận của tôi thôi, còn nếu bạn chơi và cảm thấy nó hay và xứng đáng với số tiền bỏ ra thì quá tốt, chúc mừng bạn.

Và tất nhiên với nhiều ý kiến trái chiều như thế thì việc The last of us 2 nhận 7 giải thưởng tại The game award năm nay trong đó có giải dẫn truyện xuất sắc nhất và giải thưởng cao quý Game of the year đủ hiểu rằng sự việc này gây ra nhiều tranh cãi đến mức nào, điểm metacritic hiện tại của game sau 6 tháng chỉ được 5.7 trở thành tựa game GOTY có điểm meta thấp nhất mọi thời đại, thậm chí ngay cả tựa game đầy tai tiếng Overwatch hoàn toàn không có cốt truyện đoạt giải GOTY năm 2016 còn được 6.5 cũng đủ hiểu sự thất vọng của người dùng đối với The Last of us 2 như thế nào. Người ta rủ tai nhau rằng The game award đã bắt chước theo oscar với công thức nữ quyền+da đen+LGBT auto thắng giải đã khiến lòng tin của nhiều game thủ trên toàn thế giới sụt giảm nghiêm trọng. Hi vọng năm 2021 sẽ tốt đẹp hơn với những giải thưởng ít gây tranh cãi hơn.

Đánh giá của tôi: 8/10

Vấn đề về việc tăng giá game

60 đô luôn là cái giá mặc định cho những tựa game bom tấn hàng chục năm nay. Con số này luôn luôn là nền tảng để các bạn có thể trải nghiệm tựa game đó một cách cơ bản nhất, nhà sản xuất có thể kiếm nhiều tiền hơn bằng cách thêm DLC hoặc những phiên bản khác như deluxe edition, ultimate edition. Và năm 2021 theo dự đoán sẽ tăng giá cơ bản của game thêm 10 đô tức là những game sau sẽ có giá 70 đô. Việc tăng giá game có thể chấp nhận được và chỉ là vấn đề thời gian vì giá của các hình thức giải trí khác tăng phi mã trong lúc ngành công nghiệp game suốt chục năm qua chỉ giữ ở mức 60 đô. Ngày càng có nhiều tựa game tiêu tốn một lượng lớn tiền của và nhân lực thế nên chúng ta hoàn toàn thấu hiểu vấn đề này, thế nhưng do đâu lại tạo nên làn sóng tranh cãi lớn trong cộng đồng game thủ đến thế? Hóa ra, người ta tranh cãi nhau không phải vì 70 đô là quá đắt đỏ mà liệu tựa game đó có xứng đáng với số tiền phải bỏ ra không, đáng tiếc thay người đi đầu trong việc tăng giá game này chính là con bò sữa NBA 2k21. Về vấn đề này, đại diện cho 2K đã trả lời trước phỏng vấn “Mức giá của 2k đưa ra phù hợp với chất lượng của game”.

Liệu chúng ta có đủ niềm tin vào câu nói này không khi mà NBA 2k20 có chất lượng mà tôi muốn nhấn mạnh là cực kì tệ hại, microtransaction tràn lan, hình thức game copy paste muôn nơi và đủ loại thập cẩm bug glitch mang về cho game con điểm metacritic 1.3 đỏ chót chứng minh rằng tựa game này thực sự không đáng tiền và người ta hoàn toàn có lí do để lo lắng về chất lượng của hậu bản sắp tới. Game thủ không ngại tăng giá, cái họ ngại là liệu tựa game 70 đô đó có đáng đồng tiền bát gạo và kì vọng của họ hay không. Bản thân tôi thì không đồng tình với xu thế gần đây của các tựa game AAA, khi mà game nào cũng cố gắng có hình ảnh hoành tráng và tạo hình nhân vật giống người thật nhất, thế giới trong game thì phải rộng lớn như một thành phố ngoài đời thực, thậm chí còn thường thuê thêm sự xuất hiện của các người nổi tiếng, ngôi sao điện ảnh… để xuất hiện trong game cũng như quảng bá cho nó. Chẳng cứ đâu xa, những tựa game indie như Hades, Dead Cells, Ori… đã cho thấy, chúng ta hoàn toàn không cần phải bỏ cả núi tiền để theo đuổi những thứ kể trên, mà vẫn có thể tạo nên những tuyệt phẩm game đi vào lịch sử.  

Đánh giá của tôi: 5/10

Cyberbug 2077

Ngay sau sự kiện the game award khủng khiếp người ta lại phải chứng kiến màn ra mắt đầy thất vọng của tựa game được mong chờ nhất năm: Cyberpunk 2077. Sau tổng cộng 3 lần delay, bắt đầu từ tháng 4 sang tháng 7 rồi từ tháng 7 sang tháng 11 sau đó lại thêm 1 tháng nữa tức ngày 10 tháng 12 tựa game này mới được phát hành. Tuy nhiên chất lượng của siêu phẩm này lại khiến người ta chỉ biết lắc đầu ngao ngán dở khóc dở cười, ngay ngày đầu tiên ra mắt, các tờ báo liên tục đưa tình về tình trạng bug glitch ẩn nấp dưới muôn hình vạn trạng khiến cho game hầu như không tài nào chơi được, lượng bug nhiều đến mức người ta có thể đem nó sánh vai với cường quốc năm châu Fallout 76. Thế giới mở trong Cyberpunk phải miêu tả thế nào được nhỉ, thiếu chất như ubi thì không hẳn mà đỉnh cao như rockstar cũng không đúng, bạn có thể ví như một món ăn rất ngon nhưng càng ăn nhiều càng ngán và đến lúc nào đó phải nôn mửa cả ra.

Physics lẫn tương tác trong game thì dở thôi rồi, mặt nước vô hồn, đạn bắn không tạo lỗ, cử động miệng nhân vật khá thô và npc thì chỉ là một đoạn mã lập trình không hơn không kém, nó không mang lại cho người ta cảm giác được hòa mình vào Night city. Bên cạnh đó không thể không kể đến rất nhiều chi tiết không được như những gì mà CD Projekt Red đã hứa hẹn, có rất nhiều tính năng bị ẩn đi do game phải rush để kịp thời hạn mặc dù đã bị delay năm lần bảy lượt. Cấu hình yêu cầu của game cũng quá khủng, khủng hơn nhiều lần so với bản cấu hình đã thông báo trước đó cho thấy màn marketing chui xuống lỗ và sự yếu kém về mặt optimized mà cyberpunk đang gặp phải.

Hiện tại đã có rất nhiều bản cập nhật đã ra mắt fix được rất nhiều vấn đề hiện tại, tuy nhiên vẫn còn một quãng đường dài để CD Projekt Red phải đi để có thể lấy lại niềm tin của game thủ cũng như hô biến Cyberpunk 2077 thành công như những gì mà hãng đã làm được với phịch thủ 3. Nếu bạn hứng thú với Cyberpunk 2077, đừng quên nhấn nút đăng ký kênh Game Cực Hay, sắp tới sẽ có một video bóc phốt riêng cho tựa game này cũng như phân tích kỹ lưỡng nội dung game nhé! 

Đánh giá của tôi: 9/10

Hi Hi

Trên đây là mười cộng một cái phốt mà tôi đã bới móc được trong năm 2020. Bài viết này như một lời cảm ơn đến tất cả các bạn đã đồng hành với tôi trong quãng đường dài vừa qua, hi vọng các bạn sẽ tiếp tục ủng hộ những bài viết tiếp theo trong tương lai sắp tới. Chúc các bạn 

“năm mới sống khỏe như trâu, 

sống dai như đỉa sống lâu như rùa, 

tiền tài danh vọng từ lưa, 

gia đình đầm ấm cho vừa lòng nhau”.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện