Bố Cục và Nghệ Thuật (và Game) (P.2): What Remains of Edith Finch

Khách mới

  

Chào cả nhà, như đã hứa, trong phần 2 của series, mình xin dùng những kiến thức khiếm khuyết và kỹ năng chém gió (được tôi luyện sau 17 năm mài đít trên các thể loại giảng đường) để bình luận về “What Remains of Edith Finch” – một tựa game mình vô cùng yêu quí.

Trước khi bắt đầu, mình muốn khuyến cáo rằng những ai chưa chơi game thì không nên đọc bài này. Một là vì sẽ có nhiều spoiler (SPOLER ALERT!), hai là để hiểu những chi tiết mình nhắc đến trong bài viết nằm ở đâu trong game, liên quan đến nhân vật nào, bạn cần phải chơi game trước đã. Mình muốn bài viết này ngắn gọn, súc tích nhất có thể, và chỉ tập trung vào khai thác những khía cạnh, những góc nhìn “mới” hơn, quan trọng nhất để tiết kiệm thời gian viết còn xách đít đi chạy deadline, nên mình sẽ tránh việc sa lầy vào kể lại nội dung tựa game.

Còn đối với những ai đã chơi qua What Remains of Edith Finch, mình mong sau khi đọc bài viết này, mọi người sẽ muốn một lần nữa bật game lên và thưởng thức câu chuyện của gia tộc Finch dưới một ánh sáng mới.

Di sản của Edith Finch

What Remains of Edith Finch là một câu chuyện kì lạ.

Ngoài trải nghiệm tuyệt vời và những cảm xúc phức tạp, What Remains of Edith Finch còn để lại cho chúng ta rất nhiều câu hỏi cùng hoang mang, rối rắm, tò mò. Và đương nhiên cái sự tò mò này thường thôi thúc ta phải làm cái gì đấy (trong phim kinh dị thì nó dẫn bạn vào chỗ chết), ngoài đời thật thì có thể ta chơi lại một (vài) lần nữa, cố gắng nắm bắt nhiều chi tiết hơn, xâu chuỗi các sự kiện lại, vân vân và mây mây; hoặc như mình thì… lên Google và ngồi đọc những giả thiết người chơi khác đặt ra (fan theory).

Nhưng thực tế thì đọc fan theory xong mình vẫn không cảm thấy hài lòng! Vì những giả thiết như “Bà Edie là kẻ giết người hàng loạt” hay “Căn nhà cũ bị chìm dưới biển chính là con quái vật đã ăn thịt từng người nhà Finch một” tuy rất thú vị, lại không khớp với trải nghiệm của mình trong game.

Qua một thời gian, mình từ bỏ việc tìm hiểu “chân tướng sự việc”, và chuyển sang tâm thế muốn dùng What Remains of Edith Finch như một nguồn cảm hứng cho cộng việc. Và từ đấy mình lại ngộ ra những một vài thứ hay ho mà mình xin cùng chia sẻ với mọi người ngày hôm nay.

Những cấu trúc và mô-típ được lặp lại và lồng ghép với nhau

Mình nghĩ ai chơi What Remains of Edith Finch cũng đều có thể lờ mờ nhận ra những phép lặp xuyên suốt trò chơi.

Hãy nhớ lại về giấc mơ của cô bé Molly: Đầu tiên, em là một cô bé đang đói – sau đó Molly lần lượt biến thành mèo, cú, cá mập đi truy đuổi con mồi, tìm cách thỏa mãn cơn đói của mình. Để rồi đến cuối cùng, Molly biến thành một con quái vật, và quay trở về chính căn phòng của mình, nơi Molly – trong hình dạng con người – đang nằm ngủ, chờ đợi để nuốt chửng chính mình. Qua một vòng lặp – Molly từ kẻ đi săn trở thành nạn nhân của chính cơn đói của mình.

Molly cảm nhận được con quái vật dưới gầm giường

Chuỗi cái chết hoặc sự mất tích bí ẩn của từng người nhà Finch một cũng mang mô-típ lặp lại: mỗi sự kiện không may đều ập đến bất ngờ – họ chết hoặc mất tích theo cách không ai lường trước hay hiểu được. Toàn bộ những sự kiện đó xây dựng nên một lịch sử đầy – như chính Edith Finch nhận xét trong hồi ký của mình – óc sáng tạo, sự cứng đầu, và điên rồ.

Những gì còn sót lại về họ là hồi ức và kỷ vật trong những căn phòng khóa kín. Qua dòng hồi ký, chúng ta lần lượt theo chân Edith Finch mở khóa từng căn phòng, từng lối đi bí mật, tìm kiếm từng mảnh ghép tạo nên lịch sử gia đình Finch, và hoàn thiện chân dung của họ vào cây gia phả.

Không dừng lại ở đó, khi chơi lại và chú ý kỹ hơn, mình lại nhận ra chính bản thân trò chơi là một cấu trúc lặp lớn.

Mọi người có thấy hai khung cảnh này tương tự không? Bên trên chính là một phân cảnh đầu game, khi Edith Finch đang trên đường mòn dẫn về căn nhà. Còn bên dưới, là phân cảnh trong hồi ức của bà Edie, khi bà đi trên đáy biển khổ cạn do thủy triều rút vào đêm Edith được sinh ra, tìm lối về căn nhà cũ.

Kỳ lạ thay, cảm xúc của cả Edith và bà Edie khi trở về cũng vô cùng tương tự nhau. Khi ở xa, họ đều thường xuyên mơ về căn nhà trước kia của mình. Trên đường quay về, ban đầu, họ đều có những cảm xúc tiêu cực: xa lạ, lo lắng, thậm chí là sợ hãi. Tuy nhiên, khi Edith bước chân vào phòng bếp, cũng như khi bà Edie đến thật gần với căn nhà cũ, cảm giác của họ trở lại thành hoài niệm và quen thuộc.


Cả Edith và Edie đều quyết định ghi chép lại về chuyến hành trình tìm về quá khứ vào hồi ký: What Remains of Edith Finch chính là hồi ký của Edith – nhưng chúng ta sẽ không bao giờ biết được, rốt cuộc Edie đã ghi lại gì trong phiên bản của mình, vì mẹ Edith đã xé rách cuốn hồi ký đó.

Và đến phân cảnh cuối trò chơi, chúng ta lại nhìn thấy con trai của Edith Finch – mang theo cuốn hồi ký của mẹ, đặt một bông hoa lên mộ phần của mẹ cậu – có phải đó lại là điểm khởi đầu cho một chuyến hành trình khác đi tìm hiểu chân tướng của lời nguyền đã đeo bám gia đình Finch từ trước khi Edith, hay thậm chí trước khi bà Edie được sinh ra?

Tất cả những mô-típ lặp đi lặp lại này đã giúp củng cố mạnh mẽ cái cảm giác rằng có một “lời nguyền” thật sự tồn tại, có cái gì đó bí hiểm và vô hình luôn kiểm soát cuộc sống, suy nghĩ, và hành động của người nhà Finch.

Đa dạng và tương phản

Tuy nhiên, nếu chỉ toàn những tình tiết lặp đi lặp lại thì What Remains of Edith Finch đã vô cùng một màu và buồn tẻ.


Thời lượng của What Remains of Edith Finch rất ngắn, chỉ tầm 2-4 tiếng chơi, và một khi bắt đầu câu chuyện, bạn sẽ tiếp tục bị cuốn đi cuốn đi mãi.

Như mình đã đề cập trong phần 1 của series, não người chúng ta rất ghét những thứ nhàm chán, trái lại, bản năng của con người là bị thu hút bởi tính đa dạng (variety) và tính tương phản (contrast).

Và ở What Remains of Edith Finch, chúng ta có thể tìm thấy đa dạng và tương phản ở gắp mọi nơi: từ bản thân những tình tiết cốt truyện, đến âm thanh, hình ảnh, và gameplay giải đố.

Một màn chơi giải đố trong câu chuyện về cái chết của bé Gregory

Mình vô cùng thích những thiết kế thị giác trong What Remains of Edith Finch. Trong game luôn có rất rất rất nhiều thứ để mình quan sát: Từ từng căn phòng của các thành viên nhà Finch, đến nghĩa trang, khu vườn, gác mái… Ở đâu cũng có vết tích của cuộc sống sinh hoạt, in bóng dáng của những con người từng sống trong ngôi nhà.

Phòng bếp của gia đình Finch với những chi tiết diễn tả về cuộc sống sinh hoạt: những tấm ảnh gia đình gắn trên tủ lạnh, cuốn sách nấu ăn, những lon cá đóng hộp Lewis đem về từ nhà máy nơi anh làm việc

Mình chăm chú và mãi nhìn – có khi chỉ đơn giản bởi vì cách sắp đặt thiết kế môi trường trong game quá đẹp, có khi vì mình cảm thấy những chi tiết này muốn nói cho mình một thông tin gì đó quan trọng. Và sự thật đúng là như thế – việc tìm thấy những chi tiết có móc nối liên quan tới nhau trong trò chơi thật sự làm mình rất vui vẻ và phấn khích. (Những ai thích tìm Easter Eggs trong game thì hẳn sẽ hiểu, haha).

“Con rồng” đã giết chết ông Sven (chồng bà Edie) nằm ở đầm lầy bên hông căn nhà, chúng ta cũng có thể tìm thấy bài báo nói về cái chết của ông Sven trong phòng bà

Radio của chú Walter đã từng xuất hiện trong truyện tranh về cái chết của Barbara

Tương tự, thiết kế câu chuyện, âm thanh, và gameplay, vân vân, cũng như thế, đầy những sự đa dạng và tương phản. Những phân đoạn mang màu sắc tương phản trong game luôn được xếp xen kẽ với nhau, khiến cho câu chuyện của What Remains of Edith Finch rất gây bối rối, nhưng cũng vô cùng phong phú và thú vị.

Ví dụ những lời trong nhật ký của Molly: đôi khi khung cảnh giấc mơ của em rất ngây ngô, đáng yêu – em biến thành một con mèo – hoặc khi em là một con cá mập ở trên cạn tìm cách lăn xuống biển; nhưng những lúc khác, giấc mơ của Molly có thể đen tối, đáng sợ, hung bạo – em làm con cú, con cá mập, em đói, em đi săn và xé toạc con mồi của mình ra.

Các phân cảnh trong màn chơi về Molly

Ví dụ như cuốn truyện tranh về cái chết của Barbara luôn xen lẫn những tình tiết hài hước, quái dị, và đáng sợ.

Barbara tức giận bạn trai mình, đuổi anh ta ra ngoài, nhưng vẫn giữ lại cây nạng “làm kỷ niệm”

Tuy nhiên, giữa những phân đoạn đầy chi tiết và tương phản như thế, What Remains of Edith Finch cũng chừa cho chúng ta những khoảng trống và đoạn nghỉ để chúng ta bình ổn lại cảm xúc và có không gian để sắp xếp suy nghĩ của mình.

Ví dụ như đoạn đường dài từ tầng hầm nơi ông Walter sống ẩn dật sau cái chết của Barbara dẫn vòng lại về căn nhà.

Rõ ràng, thiết kế bố cục tỉ mỉ đã tạo cho What Remains of Edith Finch một sức hút kỳ lạ.

Dẫn dắt ánh mắt, cảm xúc và tư duy của bạn

Trong phần trước, khi nói về bố cục, mình có đề cập rằng người nghệ sĩ sẽ biến đổi các thành tố trong sản phẩm nghệ thuật để dẫn dắt cảm xúc của người xem, cả nhà còn nhớ không?

What Remains of Edith Finch cũng thế.

Nếu thật sự để ý kỹ, có rất nhiều chi tiết không khoa học, không thực tế trong game.

Đầu tiên là môi trường, không gian. Rõ ràng lúc bắt đầu game, chúng ta có thể thấy thời tiết rất âm u: bầu trời phủ mây đen rất dày. Âm thanh game đồng dạng rất ảm đạm.

Tuy nhiên, ngay khi Edith đặt chân vào nhà bếp, điều kiện ánh sáng lập tức thay đổi: Mọi căn phòng đều có nắng vàng ấm áp và mềm mại từ cửa sổ rọi vào. Nhạc nền đồng thời chuyển sang những giai điệu tươi tắn. Những thay đổi này cũng đánh dấu sự thay đổi trong tâm trạng của cô – cảm thấy an toàn và gần gũi khi về nhà.

Chi tiết vô lý thứ hai chính là bản thân nội thất bên trong căn nhà. Lúc Edith quay lại thăm nhà đã là năm thứ 7 từ lúc cô và mẹ rời đi, nhưng rõ ràng tình trạng vật dụng và nội thất trong nhà (mặc dù lộn xộn) nhưng đều sạch sẽ và tinh tươm. Kể cả miếng bánh pizza sinh nhật của Barbara vẫn hãy còn nguyên vẹn.

Cuối cùng là chi tiết về đèn điện. Đến tận hai lần trong game, chúng ta được nhắc nhở rằng căn nhà bị cúp điện hoàn toàn vào đêm Edith và mẹ cô rời căn nhà. Nhưng theo chân Edith qua dòng hồi ký, khi đêm buông xuống, toàn bộ đèn trong nhà đều lần lượt được tự động bật lên. Để cho chúng ta có thể trải nghiệm những khung cảnh vô cùng xinh đẹp, lãng mạn, mơ mộng và ấm cúng như thế này.

Các bạn thấy đấy, chúng ta đang ở trong câu chuyện của Edith Finch, từ góc nhìn của cô, cho nên, sự thay đổi trong tâm thế của người kể chuyện cũng thay đổi luôn cảm xúc của chúng ta về câu chuyện và cách ta cảm nhận nó.

Tương tự, thực tế mà nói, chúng ta cũng có thể lờ mờ cảm nhận được cái chết của những thành viên nhà Finch vốn rất đau đớn và kinh hoàng: Cô bé Molly mới 10 tuổi đã ngộ độc chết, Gregory một tuổi chết ngạt trong bồn tắm, Calvin 11 tuổi té chết từ xích đu, Lewis “tự sát” trên băng chuyền nhà máy đóng cá hộp, vân vân.

Nhưng cái chết đấy, khi truyền tải đến người chơi chúng ta, lại có cảm giác như những câu chuyện cổ tích, thậm chí mang cái kết “có hậu”.

Bà Edie đã đặc biệt lựa chọn truyện tranh này để đặt lên “góc tưởng niệm” Barbara, bà tin rằng điều Barbara muốn nhất là được mọi người chú ý, nên cái kết/cái chết của cô trong truyện là một kết thúc có hậu

What Remains of Edith Finch không phải game kinh dị, cũng không phải game trinh thám: những nhà làm game không cố ý tạo cho chúng ta cảm giác “rờn rợn” hay “căng thẳng”. Trái lại, họ cố ý tạo cho người chơi cảm giác ấm áp, thân mật và gần gũi: với từng nhân vật trong câu chuyện – những người đã mất và chúng ta không được cùng tiếp xúc; với căn nhà, với câu chuyện.

Đấy là cách cảm nhận của Edith và bà Edie, những người luôn dành rất nhiều tình cảm cho di sản của gia đình.

Căn phòng của bà Edie chứa đầy những tài liệu về lịch sử của gia đình Finch. Edith cũng nhận xét trong hồi ký rằng bà Edie là một fan ruột của gia đình này. Bà cũng là người đã vẽ chân dung tưởng nhớ và lập “bàn thờ” cho từng người đã khuất trong nhà

Tuy nhiên, Edith không chỉ có bà Edie, cô còn có mẹ. Mẹ cô – Dawn Finch, có cách nhìn và suy nghĩ hoàn toàn khác cô và bà Edith. Bà là một người theo chủ nghĩa duy vật, bà không tin vào lời nguyền nào cả, trái lại, bà tin rằng chính sự mê tín và nỗi ám ảnh với “lời nguyền” vô hình mới là cái đã ăn mòn dần sức sống của người nhà Finch.

Trong khi Dawn Finch quyết định phong tỏa hết phòng ốc trong nhà, bà Edie lại gọi người đi khoan những cái lổ kính trên cửa.

Trong khi Dawn Finch muốn bỏ chạy, muốn rời đi khỏi căn nhà, bỏ lại tất cả điên rồ cùng bi kịch, bà Edie lại cương quyết muốn ở lại cùng với những di sản mà bà yêu quí, bất chấp tuổi già.

Trong khi Dawn Finch muốn bảo vệ gia đình khỏi “lời nguyền”, bà Edie lại hy vọng con cháu mình sẽ ở lại, và cố gắng tìm ra sự thật đằng sau tất cả.

Đứng giữa hai luồng tư tưởng đó, và rất rất nhiều bí ẩn và bất hạnh, Edith luôn cảm thấy tò mò, phân vân, và bối rối.

Hẳn con trai cô cũng cảm thấy như thế, đặc biệt là sau khi đọc hồi ký của mẹ.

Chúng ta – người đồng hành cũng các nhân vật trong truyện – cũng vậy.

Đến cuối cùng, chúng ta vẫn không biết liệu lời nguyền có tồn tại hay không? Chuyện gì đã thật sự xảy ra với những người nhà Finch? Edith đã chết như thế nào?

Chúng ta sẽ không bao giờ thật sự biết chắc được câu trả lời.

Cũng như con trai Edith, Dawn Finch, bà Edie, và bản thân Edith Finch.

Di sản của Edith Finch chính là những bí ẩn, những nỗi buồn, những bi kịch những bối rối, những hoang mang, và cả tình cảm hoài niệm, trân trọng, gần gũi đấy.

Thế bạn sẽ quyết định như thế nào? Bạn sẽ tiếp tục đi tìm những bí ẩn của nhà Finch cho đến cùng và níu giữ những di sản đấy? Hay bạn sẽ chấp nhận xem tất cả như một chuỗi sự kiện trùng hợp đáng tiếc và bỏ nó lại phía sau?

Lời kết

Cuối cùng, trước khi kết thúc bài viết, mình chỉ muốn nói rằng tất cả mọi người đều có quyền có những hiểu và cảm nhận riêng về tựa game mình chơi. Sẽ không bao giờ có cái nhìn “đúng” hoặc “sai”.

Nếu chúng ta cứ gò bó bản thân hoặc người khác trong khuôn khổ của “hiểu đúng”, “cảm nhận đúng” hay “cảm nhận sâu sắc thật sự” (như cách dạy văn học văn ở đại đa số trường phổ thông ngay nay), chúng ta sẽ vô hình trung tự hạn chế bản thân không được tiếp xúc với những góc nhìn phong phú, mới lạ hơn.

Trên đây là góc nhìn của mình về What Remains of Edith Finch, còn của các bạn thì sao?

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện