Lại một tối muộn ngồi lướt web trong đợt dịch căng thẳng thì thấy bộ ‘Ayako’ này đã đọc từ mấy năm trước nên tiện đây muốn viết một bài review cho các bạn.
Câu chuyện là của Etsuko Ikeda, trong khi các bản vẽ được giao cho Riyoko Ikeda (tác giả nổi tiếng và được đánh giá cao của ‘Versailles no bara’ hay còn có tên ‘Lady Oscar’). Vậy nên không còn là quá ngạc nhiên với sự xuất hiện của những cô gái quý tộc cùng những lọn tóc xoăn vàng bồng bềnh và những chiếc váy đầy diềm xếp nhưng vẫn ấn tượng bởi nét vẽ đầy phong cách Gothic và chủ nghĩa Anachronism.
Tóm tắt nội dung của ‘Ayako’ như sau: Ayako là con của một gia đình quý tộc. Nhưng sự thật được ẩn giấu đằng sau rằng mẹ của cô là một tử tù đã giao cấu với một con quỷ và sinh ra cô. Muốn cho con gái của mình có một cuộc sống mới mà không phải sống một cuộc đời nghiệt ngã như mình, Tsumoto Toki tráo con của mình. Bác sĩ riêng của gia đình Ogata, một kẻ theo đuổi tiền tài sự nghiệp đã điều tra ra bí mật này. Từ đó cô phải sinh tồn trong sự ghê tởm và khinh thường…
Truyện có 6 chương:
Chương 1: Ayako ra đời
Chương 2: Bài sonnet phục thù
Chương 3: Bản fuga của mối tình đầu
Chương 4: Mặt nạ
Chương 5: Kính vạn hoa
Chương 6: Nhện đen
(Hiện tại thì vẫn đang chỉ có 3 chap trên các web manga vì vậy bài viết dưới đây mang tính spoil nặng)
Ác quỷ trong mỗi chúng ta
Khi đọc bộ truyện này mình đã không rõ ai là nhân vật chính ai là nhân vật phản diện nữa bởi vì nhân vật chính tiếp tục câu chuyện của mình bằng cách trở thành tội phạm, nhưng lại là nạn nhân giữa những cạm bẫy sai lầm của giới quý tộc và giai cấp tư sản. Người đọc sẽ phân vân về việc cái thiện và cái ác ở đâu khi những kẻ đại diện cho công lý lại dùng những mưu kế xảo quyệt và nhẫn tâm.
Ông bà Fumoto cố hết lần này đến lần khác để hãm hại Ayako. Vị bác sĩ riêng Ogata kia vì tiền bắt cóc Ayako, chôn hộ lý Minegishi dưới chục mét lớp bê tông để che giấu hành động bẩn thỉu của mình và lấy mẫu máu của Ayako để được công nhận công trình nghiên cứu tại hội nghị Quốc tế.
Trong khi đó Ayako ngoài việc bảo vệ bản thân mình, ở một khía cạnh nào đó, cô còn thấy mình – con gái của một nữ tử tù – một kẻ tàn nhẫn và gian xảo nhưng cần công lý! Do đó không thể nói rằng Ayako thường xuyên thực hiện những hành động tàn ác mà đấy là cuộc chiến chống lại sự khắc nghiệt của thế giới bất công. Còn điểm đặc biệt nữa Ayako cuốn hút người đọc bởi vẻ đẹp kì bí sắc lạnh được kế thừa từ người mẹ tử tù và dòng máu ma quỷ của mình khiến cô trở nên nổi bật hơn giữa các nhân vật trong truyện. Trên thực tế, ta có thể thấy Riyoko Ikeda-sensei luôn dừng lại để vẻ cận cảnh khuôn mặt u sầu của Ayako ngay sau khi phải thực hiện một điều gì đó khủng khiếp để bảo vệ bản thân hoặc làm rõ sự hoài nghi của mình.
Ayako là con gái của Ác quỷ, nhưng cô ấy chỉ đơn giản là cố gắng bảo vệ mình khỏi những con quỷ thực sự! Do đó từng chương truyện đan xen xuyên suốt những nỗ lực liên tục của ông bà Fumoto để loại bỏ cô bằng những tai nạn, giữa những nhân vật xấu xa và những kẻ trục lợi, những người mà đôi khi cô thậm chí còn cảm thấy yêu mến.
Những chap truyện rải đầy hoa hồng như thường thấy trong Shoujo (theo nghĩa đen thì trang truyện nào cũng có hoa), những nhân vật xấu xa đều có động cơ thầm kín, đều tiềm ẩn nguy cơ phạm tội cao vì mục đính cá nhân. Con đường mà Ayako bước đi toàn giẫm phải gai. Tuy vậy cũng có lúc Ayako đồng cảm khi giúp người bạn lấy lại tiền của mình hay chữa trị cho em gái của Koga Satoru để làm bằng chứng ngoại phạm, quá tệ là xung quanh cô ấy toàn những nhân vật trống rỗng, phù phiếm, không đáng tin cậy. Dù sao giai cấp xã hội vẫn là giai cấp xã hội, sự phân biệt này bị quy định nhiều hơn bởi điều kiện sống và định kiến xã hội.
Nhận xét
Tóm lại, ‘Ayako’ mang dáng dấp điển hình của các tác phẩm sân khấu, dựa trên những hình ảnh của giới quý tộc Anh thế kỷ 19 nhưng bối cảnh lại là Nhật bản. Dù sao đây cũng là một kiểu phong cách sáng tác của manga cũ những năm cuối thế kỷ 20. Đồng thời đây cũng là một bộ truyện rất thú vị vì bối cảnh của câu truyện (đặc biệt là về nguồn gốc của nhân vật chính, việc sử dụng kỹ thuật thay thế và những trò quỷ quyệt của Ayako), nhưng phần tiếp theo thường xen lẫn sự cường điệu hóa và đôi khi có vài móc nối khó hiểu hay nói thẳng là cẩu thả trong việc tạo logic khiến mạch truyện trở thành một thiếu sót khó có thể khắc phục.
Cốt truyện khá hấp dẫn dù việc tiếp tục xây dựng đường đi cho truyện bị bỏ dở, thiếu mất phần kết và không có hồi kết nên có lẽ ‘Ayako’ chỉ là một tác phẩm phụ của Riyoko Ikeda khiến nó càng mất nhiều điểm hơn.
Còn về phần kỹ thuật thì nét vẽ manga Nhật Bản chả có gì đáng để chê trách vì Ikeda-sensei là một trong những bậc thầy nổi tiếng trong làng Shoujo. Nhưng cái khiến mình khó chịu chính là tóc nhân vật chính trong truyện màu đen còn trên bìa có lúc lại là vàng hoặc xanh (Theo mình tóc màu đen vẫn là đẹp nhất nha).
Kết
Dù sao đây cũng là một trong những bộ truyện mà hồi trẻ trâu mình từng say mê với mô típ nhân vật chính có vẻ ngoài lôi cuốn nhưng lại cho thêm mắm muối drama vào hay những số phận nghiệt ngã plot twist được chuẩn bị từ trước dành riêng cho mỗi nhân vật chính.
Qua đó mình một phần muốn chia sẻ nhận xét của mình và đồng thời giới thiệu với những ai là fan yêu thích thể loại Shoujo Retro (và cả những ai đói khát drama như mình nữa).