Cho những ai không biết thì đã từng có thời mà hãng Herocraft và DeValley thống trị cả mảng game gủng trên các con máy cục gạch. Dĩ nhiên bây giờ khác rồi vì giờ lên Smartphone thì nhà nhà đua làm game Gacha và Microtransaction, ngay cả thanh niên Herocraft này giờ cũng nối gót như thế.
Đây là 2 bài viết được gộp thành 1 bài: Trước tiên, chúng ta sẽ đến với Revival phần đầu tiên.
Revival 1 ra mắt khá sớm ngay từ cuối 2006 và đến 2007. Miêu tả đúng nhất về series này sẽ là một tựa Evolve Sim lai chiến thuật theo lượt. Luật chơi và logic khá đơn giản: Bạn bắt đầu với 1 clan thời tiền sử của bạn và một người chỉ huy ( tộc trưởng – Garrison ) có model độc nhất. Tộc trưởng không thể tấn công và cũng hoạt động như là đầu não của tất cả. Nếu tộc trưởng chết thì bạn đoán được chuyện gì sẽ xảy ra rồi đấy – Game Over. Bạn cũng sẽ có 1 thành phố cơ bản, vị trí ra sao hay khu vực tài nguyên có đắc địa hay không thì cái này sẽ là do máy quyết định ( Random ). Các tài nguyên cơ bản bao gồm 2 loại là vàng, khoáng sản ( kí tự là khối quặng ), lương thực hay con người sẽ được mã hóa vào thành phố dựa theo lượng trang trại bạn xây hay chất lượng y tế. Dĩ nhiên để xây các đơn vị nông dân hay quân đội thì sẽ cần lương thực còn chỉ số con người trong game sẽ hơi dị một chút ở chỗ nó biểu thị xem sau 1 lượt thì thành phố của bạn có thể hồi phục bao nhiêu lượng con người này ( do hao hụt sau khi luyện quân hay luyện nông dân ). Các công trình trọng yếu như công xưởng, chợ buôn, trường học, trang trại, bệnh viện đều là thiết yếu và đây là cái hay này. Công xưởng và chợ buôn sẽ cho x2 và x3 lượng vàng nếu bạn biết xây đặt trên những chỗ giàu tài nguyên như công xưởng thì đặt lên núi hoặc rừng trong khi chợ buôn đặt trên mỏ vàng. Phân hóa địa hình trong game kha khá rộng lớn và đa dạng cụ thể như những chỗ tuyết rơi và đồng bằng thường là những chỗ kém tài nguyên và ít tiềm năng phát triển nhất, bạn có thể xem các thông tin về tài nguyên thông qua việc khảo sát từng ô một. Dãy đồi là cái công quý nhất khi nó cho bạn x2 cho vàng, khoáng sản và lương thực – tuy nhiên bạn nên hiểu là công trình chỉ cho chọn 1 loại tài nguyên nên bạn cũng cần cân nhắc xem muốn cái gì hay nên lấy cái gì – lấy ví dụ như xây công xưởng trên núi rồi thì nó chỉ có nhiệm vụ cho ra khoáng sản thôi chứ vàng thì lại là nhiệm vụ của thằng chợ cơ, game không có công trình hỗn hợp đâu. Nông dân ngoài việc đóng mỏ trên các vùng tài nguyên riêng rẽ mà bạn cảm thấy có thể được thì cũng có thể tạo lập thành phố mới. Toàn bộ lượng khoáng sản có thể thu thập được từ nông dân sẽ tính liền vào luôn thành phố lấy ví dụ như cho dân đóng mỏ trên núi thì chúng sẽ chuyển cái +3 khoáng sản 1 lượt đó về hay đóng trong rừng thì +2 khoáng sản và + 1 vàng… Khá thú vị. Tuy nhiên lượng farm có hạn nên nếu bạn xây nhiều nông dân để phát triển kinh tế và làm giàu tài nguyên quá thì chả còn mấy mống farm để mà xây quân phòng thủ thành phố đâu.
Cách tính tài nguyên cũng khá độc. Game không áp dụng công thức kiểu bạn trả trước luôn cả cục bao gồm vàng và khoáng sản để luyện quân, xây nhà hay làm bất cứ cái gì đó mà thay vào đó là bạn chơi trả sau và trả từ từ. Tức là gì ? Bạn chỉ phải trả trước một cái gọi là phí đặt cọc, sau khi trả xong thì kể cả có hết vàng hay hết tài nguyên thì cái quá trình luyện hay phát triển sẽ vẫn được tiếp tục diễn ra, chỉ là sẽ chậm hơn so với nếu đầy đủ nguồn lực. Trong suốt quá trình phát triển này nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ thì như kinh tế vĩ mô, bạn sẽ trả các khoản phí nho nhỏ xuyên suốt mỗi lượt như gọi là hợp đồng để các thứ vẫn diễn ra ổn định vậy. Phát triển hoàn hảo nhất sẽ là khi cái phần chi phí trả mỗi lượt mỗi năm đó không vượt qua ngưỡng thu nhập vàng và tài nguyên của bạn.
Bên cạnh đó thì việc xây trường học và bổ sung tri thức cũng là một mechanic trọng yếu cực kì thú vị. Chỉ số tri thức có biểu tượng quyển sách và đây là cái hay này. Chỉ số này càng cao hoặc càng nhiều thành phố có giáo dục cộng vào sẽ khiến việc bạn nghiên cứu khoa học và công nghệ mới càng nhanh hơn. Đây là một trong những mechanic trọng yếu nhất của game bởi vì tôi tin là nếu bạn từng chơi game hay bất cứ gosu kì cựu nào cũng chẳng thích việc bị lạc hậu và đô hộ đâu nhỉ ? Bởi vì khi mà bên team địch đã có lính hiện đại với xe tăng mà chúng ta vẫn dùng lính ngự lâm với đại bác thì đúng là flop thật. ( Fun Fact: Kể cả khi bạn lạc hậu bạn vẫn có thể đánh bại kẻ địch hiện đại – tuy nhiên nó sẽ tốn kém rất rất là nhiều đơn vị quân và tài nguyên cũng như các thứ. Ví dụ như 1 đơn vị lính bộ binh hiện đại trụ được ít nhất 3 đến 4 đơn vị lính ngự lâm cùng úp sọt. Và thường cái trò này chỉ áp dụng được nếu chênh lệch lên đời hay các thứ không quá 1 đời ).
Nhân nhắc đến mechanic lên đời, khác với đế chế một chút đó là bạn không hẳn lên đời bằng cách nâng cấp nhà chính hay thị trấn chính mà qua đó nâng cấp các công trình phụ cơ. Mỗi khi đến giai đoạn nghiên cứu thì bạn sẽ thấy là nó có các option nghiên cứu hay học kiến thức về cái gì trước, có thể là kiến thức quân sự hoặc là kiến thức công trình,ví dụ như chợ thì có thể tiến hóa lên các đời như siêu thị, ngân hàng, sàn chứng khoán, trụ sở kinh tế… ( Khá buồn cười vì tôi tự hỏi chợ và siêu thị là cái wtf gì ? ) hay công xưởng thì tiến hóa lên thành nhà máy, xí nghiệp… Trường học thì tiến hóa lên cao đẳng, đại học và đời cuối là cái hay nhất: Trí tuệ nhân tạo. Trang trại thì tiến hóa lên thành lò mổ, vườn ươm nhân tạo các thứ trong khi bệnh viện thì tiến dần dần đến cấp cuối trở thành ” Buồng nhân bản vô tính “… Tôi chết cười bởi vì chúng ta đi từ thời tiền sử đến Cyberpunk cực kì nhanh chóng nếu biết cách chơi.
Dàn trận và combat tất yếu cũng là theo lượt. Vì một lượt được tính là 1 năm cho nên các đơn vị sản xuất cũng như kinh tế của bạn sẽ bắt kịp nhanh chóng thôi. Thanh máu của quân được biểu thị bằng các khối cục và càng nhiều khối cục thì tức là máu trâu và khỏe dĩ nhiên. Chỉ số của binh lính thì sẽ hơi khó hiểu chút bởi 5 hay 6 7 8 lực chiến không có nghĩa nó là mức dam hay gì đó mà là biểu thị cơ hội để lính có thể đánh trúng và đánh liên tục đối phương. Vì combat thô sơ chỉ hiểu đơn giản là cứ hết máu thì tức là phải chết, nên sẽ có các tình huống chẳng hạn như một tay lính hiện đại vẫn có thể kịp bắn 4 5 phát vào một con super robot trước khi bị vả 8 9 phát bùm bùm và chết. Hay kể cả một tay lính La Mã vẫn có thể phản công một khối đại bác đến tận khi đại bác còn 1 máu rồi mới bay màu… Khá nhiều tình huống combat chiến thuật trong game hồi hộp đến nghẹt thở vì mọi thứ hầu như không có 1 quy luật cụ thể hay bạn không bao giờ đoán được nếu như quân mình hay quân địch thật sự trâu đến đâu. Lính cũng lên đời từ những tay người tiền sử với giáo mác cho đến trung cổ rồi đến phục hưng và tất yếu là đến hiện đại và tương lai viễn tưởng. Về sau sẽ có thể có cả combat liên lục địa với việc bạn có thể vác thuyền chiến chở quân, chở người,… Xây thành phố và căn cứ ở lục địa mới, tiếp tục khai phá mọi thứ và combat mọi lực lượng cũng như thế lực thù địch khác trên hành tinh. Có cả cơ chế đánh cắp công nghệ đầy may rủi thông qua việc nếu bạn là một dân tộc yếu hơn hoặc chưa sở hữu công nghệ mà ở thành phố của địch có ? Xâm lược và chiếm đóng thành phố đó sẽ cho bạn access với cái công nghệ ở đó và màn hình sẽ thông báo cụ thể bạn trôm được cái gì.
Cách để chiến thắng trong game cũng rất đơn giản: Con đường bạo lực hoặc con đường phát triển. Với con đường bạo lực thì nó quá dễ hiểu rồi đấy: Loại bỏ tất cả chỉ để lại bạn và tộc của bạn là chủng tộc thượng đẳng và duy nhất ở hành tinh này. Đối với con đường phát triển thì khi đã ở cuối giai đoạn của đời tương lai bạn được trao cho lựa chọn đó là xây dựng cỗ máy thời gian. Dĩ nhiên là ngay sau khi bạn bắt đầu build cái cỗ máy thời gian này, toàn bộ kẻ địch cũng như lực lượng thù địch trên hành tinh được automatic báo động và biết gọn vị trí của cỗ máy. Nhiệm vụ của bạn lúc này là canh gác thành phố nơi mà cỗ máy thời gian đang được xây dựng một cách cẩn thận vì kẻ địch sẽ tìm mọi cách để chiếm được thành phố này và hòng phá hủy công cuộc của bạn. Đồng thời cỗ máy thời gian cũng sẽ tốn rất nhiều lượt/năm để mà build được, cảm tưởng như là phải 1 2 3 đời người ý.
Có 2 phiên bản chính của phần 1 đó là bản thường ra đầu tiên vào những năm 2005 và đầu 2006, đồ họa thô hơn và thậm chí lúc đấy còn chưa localization các kiểu. Vì Herocraft là hãng làm game Nga mà cho nên ngôn ngữ chủ đạo lúc này cũng là tiếng Nga. Chưa kể Herocraft chu đáo đến mức một số đời máy khác nhau thì game cũng sẽ có sự khác biệt về contents, assets và đồ họa… Về sau game thành công vang dội và trở nên cực kì hot và thế là ngay lập tức, bản Deluxe ra đời với những công việc như sửa lại đồ họa, sửa lại nhiều thứ thô sơ, sửa lại UI các thứ và dịch ra tiếng anh. Và nói bạn không tin chứ cũng từng có thời cả diễn đàn và các cộng đồng game ở chính VN cũng khuynh đảo với game đấy. Bạn biết trò chơi phải rất tốt thế nào khi chỉ với giới hạn chưa đến 300 400KB mà game đã có cả tá thứ cùng lối chơi quản lý chiến thuật khá nghiện thế này.
Chỉ sang đến 2008 thì sau khi Revival 1 nhận được nhiều thành công vang dội và thậm chí là còn được giải cũng như đề cử ở các hạng mục này nọ. Revival 2 nhanh chóng ra đời và tiếp tục tìm cách nắm bắt những gì đã làm nên thành công của phần đầu. Tuy nhiên thì năm 2008 này cũng gọi là cái lúc mà người ta chuẩn bị ditch game mobile để nhảy sang smartphone nhanh chóng rồi. Con Nokia N95 ra gần lúc này và tôi nhớ là hồi đó nó có cả game độc quyền hẳn hoi chẳng hạn như Splinter Cell Conviction bản Mobile smartphone gần 1Gb này, một vài game đầu của Com2us này rồi Modern Combat lúc này cũng có hẳn bản 3D học theo COD rồi nữa. Revival thì vẫn chơi được trên các đời máy này thôi nhưng nó chưa sửa đổi nhiều lắm và chạy vẫn là chạy full Java. Revival 2 tiếp tục công việc của phần 1, lần này thì ditch hẳn story mode mà thay vào đó, cho bạn cơ chế mới đó là cơ chế Clan/Faction. Về mặt lý thuyết thì các Clan này không có gì khác nhau quá là mấy vì đến lúc vào game quân đội hay công trình vẫn là cùng các mẫu Assets thôi nhưng đây là cái thú vị này. Họ có các Passive nhất định chẳng hạn như sẽ có người chuyên về kinh tế, quân sự… Rồi lại còn sở hữu cả kiến thức xuất phát điểm, phát triển nhanh hay chậm hay quản lý các thứ ra sao…, tài nguyên xuất phát điểm của họ cũng là khác nhau rồi cho đến cả thanh Reputation. Khá hay ho. Chỉ các thứ linh tinh này thôi đã tạo ra cho bạn cả tá kiểu chơi do đa dạng settings cũng như đa dạng đặc điểm. Qua đó game tiếp tục giới thiệu đến bạn một mechanic mới đó là: ” Ngoại giao ”
Khi mà các clan tìm được nhau thì họ chưa chiến nhau hay choảng nhau vội đã đâu mà có thể có lựa chọn ngoại giao trước đã. Tùy vào Reputation của bạn thì thường khi Reputation quá thấp, sẽ có một vài penalty nhất định chẳng hạn như sẽ không nhiều Clan muốn ngoại giao cùng, các options kém chi tiết hơn và đỉnh điểm đó là rất dễ dẫn đến chiến tranh. Bù lại nếu tạo được Reputation cao, thông qua việc trung lập, hợp tác phát triển cùng các clan khác nếu bạn muốn thì về sau sẽ càng nhiều clan muốn mở rộng hợp tác hơn, và quan trọng hơn nữa đó là Reputation cao sẽ mang lại thêm những khoản viện trợ tài nguyên và vàng trong tương lai nếu có. Dĩ nhiên mechanic ngoại giao là 1 con dao hai lưỡi của game. Ví dụ như hợp tác cùng phát triển có thể khiến các clan trao đổi kiến thức cho nhau, giống với ở phần 1 thì kiến thức là 1 thứ cực kì thiết yếu và quan trọng bởi nó định hình sự phát triển của bạn và cách mà bạn có thể bỏ xa các đối thủ đến đâu. Thì bây giờ, nếu giả sử các clan là same same nhau thì hợp tác chia sẻ kiến thức có nghĩa là tên kia có thể lấy được 1 cái từ bạn và bạn cũng nhận lại từ hắn 1 cái khác, cái đáng nói ở đây đó là bạn có thể so sánh cái được cái mất chẳng hạn như đổi kiến thức về chợ kinh tế để lấy kiến thức về đại học có đáng hay không ? Bởi vì Game cho phép bạn đổi kiến thức nhưng không cho phép bạn khảo sát xem thằng ôn kia nghiên cứu được bao nhiêu cái gì rồi ? Giả sử nếu bạn kém phát triển hơn chút thì thông qua đổi kiến thức bạn có thể trôm được cái gì đó rồi dần dần tìm cách mà vượt thằng kia tính tiếp. Và nó tiếp tục tạo ra thêm nhiều chiến thuật chơi mới liên quan đến đánh đổi chi phí cơ hội, kể cả nếu bạn không lựa chọn ngoại giao thì vẫn có option trung lập hay chiến tranh, đánh bọn khác để tìm cách ăn trộm kiến thức hoặc nếu phát triển vững bền thì tự bạn cũng có thể vượt xa lũ kia nếu được. Điều này tiếp tục tạo ra thêm những cái hay ho cho game đó là khi mà chọn options trung lập hay hợp tác, vẫn có các kiểu tình huống buồn cười chẳng hạn như nông dân của nhau vẫn đi tranh giành đất đai, lãnh thổ lập thành phố mới, cà đểu nhau bằng cách lập thành phố gần các mỏ của nhau nếu được có thể ép hủy mỏ của bên kia, và ở trạng thái này thì quân đội hay các thứ nước sông không phạm nước giếng. Bù lại thì luật chơi vẫn như cũ thôi, khác ở chỗ là giờ có xếp hạng. Clan của bạn có thể thống trị toàn cầu hay không hoặc đứng thứ nhì thứ ba thứ tư giả định là nó còn trụ được đến tận cuối cùng.
Bản 2 ngoài ra cũng có sửa lại A.I đôi chút ở chỗ tôi để ý cái lũ này có vẻ cực kì ma mãnh ngay cả là cho một game Mobile. Thứ nhất, nếu bạn định đưa nhiều quân đến sát các thành phố của chúng nó là chúng nó cũng biết đấy, chúng nó có thể tìm cách duy trì ngoại giao hoặc chọn bật bạn luôn các kiểu. Hoặc khi một đứa bị dồn vào bước đường cùng rồi thì nó cũng không ngại Declare War với tất cả các bên nếu có thể đâu. Game không có cơ chế khối quân sự chung kiểu NATO hay Vác Sa Va ngày xưa nên nhiều cuộc chiến tranh vẫn chủ yếu là giữa các phe phái lợi ích với nhau thôi. Chứ không có đánh 1 thằng trong khối là cả lũ sẽ cùng đánh hay gì cả.
Một vài cái sửa đổi của bản 2 nữa là giờ UI làm gọn gọn lại, nhìn vừa mắt hơn thay cho nhét nhiều thông tin vào như phần đầu. Ngoài ra nhiều khái niệm, tên tuổi đơn vị hay nhiều thứ khác được làm tinh giản gọn lại tránh mất nhiều thì giờ cho người chơi. Đổi lại thì phần lớn cơ chế chơi vẫn như cũ thôi. Cái bánh cuốn tiếp tục được thể hiện là ở chỗ tuy chỉ thêm 1 2 mechanic mới nhưng mọi thứ vẫn là cả một quá trình học hỏi. Các clan kể ra cũng khá hay nữa ở chỗ nếu bạn nhìn tên của họ, ảnh đại diện các kiểu và đầu bạn dễ liên tưởng đến ngoài đời chẳng hạn như Saiboriks là mấy anh Slavs, Natar trông giống Mỹ, Kind Brother là Nibba nên bạn biết rồi đấy, Val’s Fest trông giống Tây Ban Nha hay Lotos mặc áo kiểu Samurai Nhật, Adamant là Đông Nam Á… Khá hay ho. Game rất đơn giản để học và chơi nhưng để mà thành thạo, gosu hay nắm bắt các cái chiến thuật, ngoại giao hay đấu với ai đó thì cũng khá nan giải và hay ho đấy.
Đánh giá chung: A blast from the past, bề ngoài thì trông lố bịch nhưng phải đến lúc vào trong thì bạn mới biết nó vui thế nào. Revival series không chỉ là một kỉ niệm tuổi thơ mà còn là cả một chặng đường phát triển dài giống như chính ngoài đời vậy. Tôi nói thế này bởi vì tin hay không thì tùy, tôi cứ tưởng chắc chả ai nhớ game hay cái wtf gì nữa thì đoán xem ? Giống với Con Artist của The Last Stand thì Herocraft thành lập một chi nhánh PC, gọi lại các ông Director cũ của game và công bố Revival: Recolonization với đồ họa của PC, thêm cả một ngoằn nghèo mechanic mới và vẫn đang phát triển, dự kiến là drop cuối năm nay nếu nhanh hoặc lùi bao lâu cũng dc. Recolonization ngoài ra còn có cả một bộ cốt truyện mới được viết chi tiết và có tie in vào các cuộc xung đột ở phần 2, thêm chế độ chơi và contents thì tiếp tục đa dạng vô cùng. Tôi thật sự lót dép hóng xem nếu có bao nhiêu huyền thoại tuổi thơ khác lại quay trở lại bất thình lình và lặng lẽ.
Á đù mấy bố devs còn có cả tiểu sử và bài viết nữa…
https://www.wargamer.fr/pdf/Developing%20Revival%20-%20the%20beginning%20of%20a%20never-ending%20story.pdf?amp
HenryMason AKA TranVietBach