Tủ đồ chơi của bố tôi

Khách quen

  

Có một thời khi em trai tôi học tiểu học, cứ cách vài tuần hay một tháng, bố tôi lại mua đồ chơi vài lần. Với tụi con trai ở thời điểm đó, nếu không game, iPad thì về nhà sẽ có đồ chơi lắp ráp và xe hơi. Dĩ nhiên, bố mua rất nhiều đồ Lego cho thằng nhóc. Tính ra từ hồi mới sinh cho đến hết lớp 7, em tôi không lúc nào không có Lego bên cạnh. Tuổi mẫu giáo bắt đầu biết cầm đồ táy máy thì cả thùng Duplo màu khối hình học, sau đó là set Duplo theo từng chủ đề như cửa hàng, xe cứu thương. Đến tuổi lớp 1 lớp 2, đã có ý thức không cho đồ chơi vào miệng thì bắt đầu mua những bộ đòi hỏi sự lắp ráp khéo léo như máy bay mảnh ghép nhỏ, rồi kỳ công hơn là những con quái thú trong Bionicles (thời mình học tiểu học thì bộ này mới ra đời). Tôi ở tuổi teen nên thích tách mình với gia đình, còn em tôi không kiếm bạn chơi được nên tự mày mò Lego. Và không gì vui hơn khi có thêm một đồng minh chơi cùng.

Tôi nhớ vào thời điểm thi đại học lần đầu và thi lại đại học, em họ tôi thường xuống chơi với thằng nhóc. Ngộ ở chỗ là lúc em tôi mới đẻ thì thằng em họ dữ với nó lắm, vậy mà đến lúc có đồ chơi hai đứa thân thiết nhau đến lạ. Không chỉ lơ bố, lơ mẹ, lơ chị, thằng em tôi bỏ cả iPad chỉ để tập trung ngồi bới móc thùng Lego với thằng kia. Tàn cuộc chơi là để lại cả bãi chiến trường, kêu dọn mãi mà hai thằng cứ lầy lội trong phòng. Bày bừa từ dưới nhà lên tầng trên vào phòng ngủ. Mẹ tôi vốn là người ngăn nắp, nên cớ sự ấy gây ra khó chịu. Nhưng bố mẹ tôi dù có bực tức về em tôi đến mấy vẫn thực lòng muốn thằng em họ ở bên, vì nhờ nó mà em tôi có đứa bạn, có sự tương tác thật sự. Chỉ là hơi ớn về mấy bãi chiến trường thôi.

Tôi cá là anh em trong đây cũng biết mấy con Minifigure trong bộ Lego, còn nếu chưa biết thì cứ Google search Lego the Movie là biết bộ dạng của mấy bạn này ra sao. Thề là mỗi lần cùng thằng em dọn mấy con này tôi lại nổi da gà khi thấy cảnh đầu con đồ chơi một bên, mình nhân vật ở góc khác. Bố và tôi nhủ với nhau chẳng khác gì trò diệt chủng. Nhưng bố tôi tận hưởng cách hai đứa chúng nó chơi. Bố nhìn hai đứa trẻ với ánh mắt vô cùng trìu mến, nói giọng thỏ thẻ thích thú: “Bố nghĩ bố thích là khi thấy hai đứa cầm món đồ chơi kể chuyện. Tự tụi nó dẫn dắt câu chuyện đấy”. Booyah! Tự nhiên tôi mới nhớ khi xem Toy Story phần đầu, Andy có thể cùng Woody và Buzz chơi và thiết kế câu chuyện suốt cả ngày liền. Syd tuy nó quái đản nhưng cũng không khác gì thằng nhóc em mình – đầu món này cắm vào mình món kia. Cách tụi nó chơi là sự kết hợp giữa Andy và Syd.

Mỗi lần mua là bày, mà bày xong bừa ra. Bừa rồi lại dọn. Dọn không kỹ thì sót rồi va vấp đau chân. Thế là mẹ tôi luôn có điệp khúc: “Anh đừng có mua thêm đồ chơi cho nó nữa! Mua cho đã rồi có ý thức dọn dẹp quý trọng gì đâu!”. Thằng nhóc được cái cũng ngoan, và có sự cầu toàn đến mức tuyệt đối, nên nó dần học cách bỏ đồ chơi vào từng thùng. Bỏ vào thùng, xong lại bỏ ra tự thiết kế cái showroom xe hơi – từng chiếc Siku một được xếp thành từng hàng trên nắp thùng đồ chơi nhựa. Vài ngày xong xe này chau đầu xe kia, thế là lại thành đống đổ đốn. Rồi lại la. Lại dọn. Xong chứng nào tật nấy.

Có một điều kỳ lạ về sự mua đồ chơi của bố với em trai tôi. Trước khi có nó, bố tôi đã quyết không đồng ý mua hay làm gì nữa là mọi thứ coi như xong. Đã rất nhiều lần tôi rơi vào cái “án tử” quyết định đó. Ngày xưa, mỗi lần xin bố mẹ mua một con búp bê hay bất kỳ bộ lắp ráp mới nào, tôi phải học cách thương thảo rất nhiều. Nhưng khi có em tôi, mọi thứ khác hẳn. Cách bố đưa ra quyết định không còn như trước nữa. Có thể không đồng ý lúc trước vì một chuyện chi phối cảm xúc nào đó, rồi vài ngày sau nguôi lại thuận tình cho qua. Thậm chí không cần thương thảo cũng tự nhiên có món đồ mới mẻ trong tay. Đã vài lần tôi gào lên trong nhà vì thấy bố mẹ dạy nó dễ hơn tôi. Rồi thằng em tôi càng ngày càng lanh, nó cùng bố lướt trên mạng thấy món đồ Lego mới là mua. Mykingdom từ chốn xa lạ nào đó bỗng trở thành chốn quen thuộc. Mỗi lần đi chơi với gia đình, bố và em đều cố dừng lại ở đấy một chút để kiếm một cái gì đó. Không Lego thì xe đồ chơi của Siku (thề rằng Siku làm mọi thứ tinh xảo giống xe thật), không Siku thì các mẫu động vật của Schleich. Mỗi lần mua một con vật trong bộ sưu tập mới của Schleich, bố lại xuýt xoa, ngồi xuống nâng niu món đồ ấy, tỉ mẩn chỉ tôi: “Này con thấy không, thằng Schleich nó làm cái mắt con này quá đẹp ấy. Này nhìn cái tai của nó này, vẻ mặt phụng phịu này. Ui chu cha nó ngầu. Quá tuyệt vời. Quá xuất sắc”. Bố thích đến nỗi mua luôn cả đồ chơi cho tôi. Giống như lần tôi thi đại học lần hai, bố tặng con ong chăm chỉ của Lego. Rồi năm 12 mua một set meerkat, một con dáng đứng hiên ngang dũng mãnh và một bầy cầy. 

Sau này những món đồ em tôi không còn ngó ngàng đến bỗng chốc thành đồ chơi của bố. Cái tủ sách ở nhà được chia làm hai dãy bỗng chốc chỉ còn gói gọn lại một bên đựng sách, một bên đựng đồ chơi. Đồ chơi do em tôi xếp. Tầng dưới cùng là động vật biển, tầng một là động vật vùng thảo nguyên, tầng ba là động vật quý hiếm nhìn khá ngộ nghĩnh, tầng trên cùng là những con khủng long có số má. Thậm chí những con khủng long quá khổ được trưng cùng với kệ trưng bày giấy khen của thằng nhóc. Rồi trên lầu, tủ sách y khoa của bố chật kín sách về nghiên cứu và điều trị cũng còn vài tàn tích như bộ nhân vật trong Big Hero 6, “sư phụ” Mèo trong Siêu Nhân Mãnh Thú, bộ xương ngồi chết cứng bên bồn cầu (bộ này bố thích thú lắm, mà nó buồn cười thiệt). Tủ sách trên lầu toàn bầy ngựa chiến, xì trum đua ngựa, xì trum cung Kim Ngưu, bộ nhân vật Ice Age và vài nhân vật nữa. Mùa Tết, em tôi rảnh rỗi dán từng con đồ chơi lên kệ gỗ, bám bụi rồi để đó. Còn những món đồ chơi của bố lúc nào cũng vậy, được bỏ vào tủ, sạch sẽ và thoang thoảng mùi nhựa hơi hắc khi mở tủ ra.

Ngày tôi còn bé, mô hình xe hơi nhỏ còn rất ít, thường gói gọn trong một tủ kính ở các nhà sách và Trung tâm thương mại. Từ món đồ chơi Nhật như dòng Tomica, đến dòng lừng lẫy như Hotwheels, bố tôi đều cố gắng mua đủ. Tôi nổi thói tomboy nên cũng đua đòi mua xe hơi, đến buổi học cuối cùng của tiểu học tôi nổi máu mang xe cho mấy thằng con trai trong lớp. Lúc bố mở chiếc hộp đựng đồ chơi cho em, liền hỏi chúng đâu. Tôi giấu trong lòng. Đến giờ bố vẫn không biết. Nhưng lúc đó tôi thấy một cảm giác hụt hẫng lắm. Thường bố thích chọn kiểu càng giống đời thật càng tốt, nên Hotwheels bố không thích mấy. Nó chỉ được kiểu phá cách, màu mè, còn thiết kế bánh xe lỏng lẻo. Mấy thằng được tôi cho đồ, ngay chiều đó hư món ấy luôn. Mà thực chất tất cả những món đồ chơi bố mua đều chỉ mang tính trưng bày. Mọi thứ chỉ đẹp khi ở trong tủ kính, khi bước khỏi ranh giới cánh cửa thì khoảnh khắc nâng niu nhìn ngắm chỉ ngắn ngủi thôi. 

Khi phải từ giã thế giới đồ chơi của mình, em tôi chả tiếc gì. Nó lại có bạn, Facebook, câu lạc bộ. Thế giới của nó lớn hơn nhiều so với mẩu chuyện nó từng cùng thằng em họ nó kể với món đồ chơi. Tuổi teen thời nay gắn với những chuỗi lo toan của vẻ bề ngoài, meme, gen Z, chọn tụ, Instagram, sống ảo. Còn bố, bố tiếp tục chơi với thế giới đồ chơi của nó. Bố tôi là người hướng nội, em trai tôi lại hướng ngoại. Thành ra nếu một ngày ai đó nổi đoá muốn mang hết mớ đồ chơi bỏ đi, tôi nghĩ bố sẽ đau khổ lắm. Dù bố không dành thời gian để kể chuyện, phá tung món đồ chơi như những đứa trẻ. Nhưng nó mang ý nghĩa tinh thần lớn với bố sau thời gian sấp mặt ở công ty, là lúc bố một mình không sách không máy tính bên cạnh. Nó là hiện thân bù đắp cho tuổi thơ thiếu thốn đồ chơi của bố. Giống như một anh bạn bác sĩ tôi biết, nhà ảnh ở vùng miền quê núi, lớn lên bằng đồng lương ít ỏi của cha mẹ làm việc ở trường học nên có thèm đồ chơi mấy cũng không có nổi. Khi ra trường, anh đã mua chiếc máy bay trực thăng nhỏ để chưng. Bởi thị trường mấy món đồ chơi trưng dụng giờ cũng thịnh hành lắm. Người ta mua để bù đắp lại cho thuở thiếu thời thiếu hụt, nhưng cũng là để trở thành đứa trẻ khi cầm món đồ chơi đó. Chỉ trong vài phút ngắn ngủi cũng mãn nguyện.

Hồi năm 4, tôi có viết một series về Toy Story bốn phần. Trong phần 3, Andy buộc phải cho hết đống đồ chơi cho cô em họ, giữ lại Buzz Lightyear lên đại học. Trước khi thực sự trao món đồ chơi cho bé Bonnie, cậu đã dành cả ngày để sống lại những ngày tháng hoá thân với những người bạn ấu thơ ấy. Để rồi chúng thuộc về cô bé, cậu lại phảng phất nét buồn và vương vấn. Mọi khoảnh khắc trong phút chốc được quay chậm dần, chậm dần. Cho đến khi lái xe rời đi, Andy vẫn ngoái lại nhìn đứa em họ ôm những món đồ chơi. Trong suốt bốn phần ấy, chỉ có một lần bạn bè Andy xuất hiện vào dịp sinh nhật 6 tuổi của cậu. Cậu và Syd là hai đứa trẻ thiếu vắng sự chăm sóc của bố. 

Tôi gọi Toy Story là một bộ phim thành công về mặt văn hoá. Bởi vì lần đầu có một bộ phim hoạt hình thể hiện từng gương mặt tổn thương của những người đàn ông. Rằng nỗi đau tột cùng của người đàn ông không trút ra bằng nước mắt được. Từng món đồ chơi, bắt đầu từ Buzz Lightyear, đến Woody, rồi các nhân vật phản diện, đều thể hiện nỗi đau tột cùng của việc bị chối bỏ, bị thay thế, của những ước mơ chết dần của con người, của thoả hiệp trước số phận bị định đoạt. Trong Toy Story phần 1, Woody phải vật lộn với căn tính cá nhân để chấp nhận Buzz Lightyear là người bạn thân thiết của Andy. Buzz Lightyear đau đớn nhận ra mình không thể bay dù được thiết kế là một phi hành gia. Ở phần 2, chúng ta có thêm những nhân vật phản diện Stinky Pete – với nỗi đau mình là món đồ chơi bị bỏ lại. Phần 3 là Lotso, từ con gấu bông trong vòng tay ấm êm với nỗi đau bị chối từ, trở thành kẻ ác. Phần 4 vẫn lại là Woody, hình mẫu đàn ông với giá trị cổ điển vật lộn tìm lại mình khi không còn được ai chơi.

Tôi từng nghĩ Andy là đứa trẻ yếu đuối, được bảo bọc nên mới bấu víu đồ chơi đến thế. Còn Syd là thằng đàn ông chính hiệu. Lúc tôi chia sẻ điều này với một đứa em thân hiện làm phim, nó chỉ bảo “Really? Chị nghĩ thật vậy sao?”. Đứa em này tôi thân từ năm lớp 7, nó dị biệt vì tính tình mải mê với thế giới tưởng tượng của riêng mình. Và bằng thế giới đồ chơi tưởng tượng đó, nó được học bổng toàn phần của RMIT. Thằng bé tuy được bảo bọc từ bé nhưng lại không quá yếu đuối về nội tâm. Tôi chợt ngẫm lại, bố tôi là người có sự yếu đuối ngầm. Nhưng từ nhỏ bố có được bảo bọc đâu, cũng lớn lên bằng đòn roi. Bố ít khóc, chỉ khi ông nội mất và một vài chuyện nhỏ mới hức hức trên lầu. Thậm chí anh bạn bác sĩ của tôi cũng vậy. Lớn lên ở vùng quê miền Trung, tôi cá là bạn tôi ít khóc, nhưng có những yếu đuối trong lòng không thể bộc lộ ra hết được. Vậy thì quy kết bảo bọc cũng không hẳn là đúng. Bởi vì ai mà chả có lúc mệt mỏi trong lòng? Đồ chơi cũng là cách phóng chiếu và phản ánh thế giới của con người mà thôi. 

Bởi, hồi mẹ và chị người làm than phiền về chuyện mua đồ chơi quá mức của bố, chị ấy nói: “Con nghĩ chú không hề mua cho thằng Bin đâu. Chú mua cho chú đó”. Tôi nghĩ rằng mỗi người đàn ông đều cần có một thế giới đồ chơi để tưởng tượng và đắm chìm vào. Vì thế giới ở ngoài đã đủ khắc nghiệt, đã bắt họ mạnh mẽ và cứng rắn rồi, thế giới đồ này là thứ để họ dạo chơi trong một phút ngắn ngủi nào đó. Để họ có quyền làm đứa trẻ bé thơ, yếu đuối và bay bổng trong thế giới tưởng tượng của chính họ.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • Thanh Tùng - 08.07.2021

    Người ta nói người đàn ông chỉ như 1 đứa trẻ to xác. Cũng k hẳn đúng nhưng nó phản ánh mối quan hệ của người đàn ông với các món đồ chơi. Đàn ông học kỹ thuật nhiều vì nó cũng như đồ chơi vậy. Thuở niên thiếu người ta không có cơ hội để chơi, lớn lên có tiền rồi thì không có đủ thời gian nữa, nhưng trong một giây phút ngắn ngủi, họ vẫn muốn trở lại cậu bé ngây thơ với những khao khát khám phá, đắm mình cùng những món đồ chơi nhỏ. Nhất là những người sống có nội tâm, hay suy nghĩ thì thường thế. Bố của bạn phải nói giống hệt mình. Đối với mình, ngay hiện tại, nếu phải chọn Facebook, sống ảo vv và 1 chiếc TV và những món đồ chơi Lego để làm mục đích giải trí, mình sẽ bỏ ngay Facebook. Chỉ tiếc rằng trò chơi nào cũng cần bạn bè, và khi ta lớn, đi làm thì đâu còn bạn mà chơi Lego cùng (bạn nhậu thì có), vậy nên cũng như bố bạn, chỉ có thể ngắm nhìn những món đồ chơi mà thôi. Hoặc là cho cậu bé nào đó, giống như mình ngày xưa để những giấc mơ, câu chuyện đc viết tiếp.
    PS: Bố bạn là người đàn ông hạnh phúc vì có 1 công chúa luôn quan tâm, để ý đến mình


  • ARI.leisurely - 17.08.2021

    bài viết hay quá chị <3