Nova Drift – Liệu một game hay có nhất thiết phải cần một cốt truyện?

Khách mới

  

Mình từ nhỏ đã chơi rất nhiều game, thường thì những game có cốt truyện hay luôn đọng lại rất lâu trong tâm trí, và những khi có điều kiện thì mình vẫn luôn chọn những game như vậy để chơi. Nhưng dần dà theo thời gian, vì công việc và cuộc sống bận rộn, mình không còn nhiều thời gian để phiêu lưu vào những thế giới hấp dẫn đó nữa. Mà chỉ còn thời gian để chơi những tựa game indie, chủ yếu là để chơi và phân tích, kiểu như mỗi game chỉ chơi vừa đủ để nắm rõ toàn bộ hệ thống và tinh túy của game. Tất cả là để phục vụ cho công việc phát triển game hiện tại, vì mình luôn muốn được tạo ra những game thật hay, và việc học hỏi không ngừng là điều cần thiết.

Bên cạnh đó, nếu có game nào hay và hợp gu, mình cũng nán chân lại lâu hơn, vừa để phân tích kỹ càng nhưng cũng là để vừa thưởng thức (kiểu chơi game thuần túy ấy, vì đối với mình chơi game luôn là một trong những sở thích hàng đầu). Và một trong số những game đã nán chân mình lại có tên là Nova Drift, một game có lối chơi vô hạn với mục tiêu là High Score. Game này thực sự phù hợp với cuộc sống và công việc thường nhật của mình, với kiểu chơi lâu lâu vào làm một “Run” (một lượt chơi), bất chấp kết quả ra sao thì mình vẫn có được một niềm vui nhất định.

Vì vậy, mình muốn giới thiệu game này đến mọi người, đặc biệt là các bạn có công việc văn phòng bận rộn, hay những người có cuộc sống phải gắn liền với máy vi tính, cũng như ai đó lâu lâu muốn có một game giải trí giữa giờ làm việc căng thẳng hoặc giết thời gian vu vơ. Nào, bây giờ cùng mình review qua game nhé.

Đây là một Screenshot in-game, quá rõ ràng, nhìn vào biết ngay đây là một game bắn phi thuyền với bối cảnh ngoài không gian, một dòng game arcade mà có lẽ trong chúng ta ai cũng đã từng chơi qua một vài lần, một dòng game khá tuyến tính, cứ bắn rồi giết boss là “về nước”. Khi chơi thì lần nào cũng giống lần nào, và phải chơi đủ lâu mới giết được boss cuối. Vậy thì có gì vui nhỉ?

Để giải đáp cho câu hỏi trên, mình sẽ đi sâu vào từng khía cạnh cơ bản đồng thời cũng là những điểm nổi bật của game nhé.

Sự mới mẻ trong cách điều khiển

Trước tiên, mình sẽ phân tích qua một số điểm khác biệt của Nova Drift so với các game “bắn phi thuyền” khác. Với các game thuộc dòng bắn phi thuyền, cách bắn súng thường được cố định theo chiều di chuyển của Background với một chiều dọc hay chiều ngang, điển hình như:

Chicken Invaders, bắn theo chiều dọc (seri này có nhiều phiên bản, nếu các bạn muốn thử qua thì cũng khá là hay đấy, bọn gà rất nhộn).

Hoặc Sky Force (một sự lựa chọn không tồi cho các bạn thích chủ đề quân sự – chiến tranh, mình nhớ là có 2 bản là Reloaded và Anniversary)

Bắn theo chiều ngang thì có:

Seri bắn robot sinh vật biển khổng lồ nổi tiếng (seri này thì nhiều tên lắm G-Darius, Dariusburst, Darius…trên nhiều nền tảng), mình tra cứu thì thấy steam hiện có bán bản Dariusburst Chronicle Saviours.

và nhiều game khác nữa.

Mỗi cơ chế đều có một thế mạnh riêng, còn Nova Drift thì chọn phong cách có thể di chuyển và bắn theo mọi hướng, sự đặc biệt này sẽ mang lại cảm giác tự do cho người chơi. Ngoài ra, ngay từ khi vừa vào game, bạn sẽ phải làm quen với cơ chế di chuyển theo kiểu phản lực giống với cách phi thuyền không gian bay ngoài vũ trụ, bạn sẽ không thể đổi hướng đột ngột (bấm nút hướng nào thì phi thuyền bay theo hướng đó ngay lập tức) như các dòng game arcade cũ, cá nhân mình thích kiểu di chuyển mới mẻ này. Và điểm cộng cho Nova Drift là sự đơn giản của cơ chế điểu khiển, bạn chỉ cần dùng chuột để chơi game là đủ (bạn vẫn có thể chơi bằng phím, nhưng bản thân mình thấy chơi bằng phím khá khó, không được mượt mà trơn tru).

(Di chuyển hợp lý là yếu tố then chốt để sống còn)

 

Chiều sâu dựa trên cách chơi đơn giản

Nhưng đó chỉ là món khai vị của bữa tiệc thịnh soạn, Nova Drift khai thác rất sâu về các chỉ số của Main Character (phi thuyền) giống hệt như một game RPG. Cấu tạo một phi thuyền trong game gồm 3 phần chính, trong game được gọi là Gear (bạn có thể hình dung như một nhân vật hiệp sĩ trong game RPG với 3 slot item là Vũ khí, Khiên và Áo giáp), bao gồm:

  • Gear số 1- Weapon (Vũ khí): Với đủ loại chỉ số từ sát thương, đường đạn, đến tốc độ bắn thậm chí là khả năng tầm nhiệt…phải nói là rất tỉ mỉ. Nhưng đây không phải là sự tỉ mỉ chi li với mục đích giả lập hóa (simulator) việc điều khiển một phi thuyền, mà đơn giản chỉ là để bạn định hướng cách build bộ vũ khí cho mình. Kho vũ khí trong Nova Drift rất đa dạng, càng chơi càng unlock được nhiều loại mới với nhiều hình thái sức mạnh khác nhau. Và đôi khi mạnh mẽ một cách vô lý như kiểu 1 shot đạn bạn thổi bay toàn bộ enemy trên màn hình khi bạn gặp đủ may mắn, mình đã thử một vài kiểu build và nó làm mình thật sự phấn khích (kiểu bá đạo trong phút chốc ấy), cho dù Run đó mình không đi được xa vì chỉ tập trung tấn công mà quên đi phòng thủ.
  • Gear số 2- Shield (Lớp khiên bảo vệ): Cũng được thiết kế với hàng loạt các chỉ số vừa thân thuộc vừa mới lạ như độ chống chịu, tốc độ hồi phục, bán kính hiệu quả hay khả năng chống chịu mức độ tự hoại (vì một số loại vũ khí khi được nâng cấp vượt ngưỡng có khả năng làm hư hại chính phi thuyền của bạn khi sử dụng, kiểu như máy tính bị khi ép xung ấy) …rất nhiều. Điểm độc đáo của Nova Drift so với các game bắn phi thuyền khác chính là, chà, chắc có lẽ mình sẽ spoil một tí nhé: Bạn có khả năng build một phi thuyền theo hướng cục súc, chuyên đi va chạm và phá hoại tàu địch bằng những cú đâm trực diện kèm với lớp plasma shield thiêu đốt toàn bộ kẻ địch trong một bán kính nhất định. Đại loại là như thế này:


  • Gear số 3- Body (Loại thân tàu, nó kiểu như bạn chọn Class trong các game RPG): Ngoài chỉ số chính là Hull (như là HP của các game khác) bạn sẽ có hàng loạt các chỉ số khác như tốc độ hồi phục, khả năng chống va đập, khả năng đâm vào tàu khác…Đây chính là phần Gear quan trọng với những chỉ số được thiết kế rất tinh tế để kết nối Weapon Gear và Shield Gear, tạo thành một chiến cơ hoàn hảo. Ngoại hình của thân tàu được biểu diễn dưới các hình thái khí động học của thân tàu, đại diện cho chính những chỉ số phù hợp với phong cách chơi của bạn. Mình cực kì ấn tượng với Body Gear có tên Carrier, nó làm cho bạn như đang được điều khiển một tàu mẹ Carrier của game Starcraft, với hàng tá tàu con vây quanh để tham gia thực chiến ngay tại không gian.

(Giao diện thường gặp trong game, đây là lúc bạn upgrade cho tàu)

Sau khi chọn đủ 3 Gear, bạn tiếp tục tiêu diệt kẻ thù để lên cấp và nhận được các Mod theo cơ chế ngẫu nhiên của game. Có thể hiểu theo cách đơn giản: Gear là các món item chính của nhân vật hiệp sĩ nói trên, và mod là các viên ngọc gắn vào các item đó để tăng cường sức mạnh item, ví dụ bạn chọn Weapon Gear là súng tia nhiệt, các mod sẽ cho phép bạn bắn nhiều tia hơn, sát thương cao hơn…; nếu bạn chọn Shield Gear là giáp Plasma, thì các mod sẽ cho bạn vùng thiêu đốt rộng hơn, hay độ bền cao hơn…Vì vậy, các mod sẽ nâng cấp cũng như tương hỗ cho các Gear, từ đây bạn sẽ tạo ra một chiến hạm không gian độc nhất vô nhị cho riêng mình. Nhờ lối thiết kế linh hoạt, bạn thậm chí có thể thay đổi Gear ngay trong combat, tất cả đều do bạn lựa chọn. Và vì số lượng Gear, Mod là rất nhiều nên số lượng các cách build là vô cùng lớn, tạo nền tảng để chúng ta chơi lại nhiều lần với những thử nghiệm và trải nghiệm mới mẻ. Nghe thì có vẻ phức tạp, nhưng bạn hoàn toàn có thể dễ dàng nắm bắt toàn bộ lối chơi trong những phút đầu tiên. Đây có lẽ là điểm mạnh nhất của Nova Drift, sự đơn giản trong lối chơi. Đi kèm sự đơn giản đó là sự tinh tế, đôi lúc bạn sẽ thấy đạn và kẻ thù tràn ngập trên màn hình như một tựa game Touhou. Nhưng ngay cả một cơn mưa đạn như vậy lắm khi cũng chẳng đáng sợ mấy so với một kẻ thù thậm chí còn không bắn ra một viên đạn nào.

Sự hòa quyện của hai vị “đơn giản” và “tinh tế” của Nova Drift đã tạo nên vị ngon thuần khiết của một game arcade: Khi click vào nút “Play”, chúng ta chỉ còn một mục tiêu duy nhất là thổi bay toàn bộ vật thể trên khung hình và tồn tại lâu nhất có thể.

(Thổi bay kẻ địch bằng cách build “Phóng lựu”)

Dưới đây là một góc nhỏ của kho “đồ chơi” mà bạn sẽ unlock được, nó sẽ rất rất là nhiều.

Độ khó màn chơi và phần thưởng

Với lối thiết kế độ khó và phần thưởng theo kiểu Roguelite, đảm bảo trải nghiệm từ mỗi Run là không giống nhau. Cũng như việc cho dù bạn có chết sớm bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng có thể “gom từng chút, từng chút, từng chút như con dã tràng không cần công cáng” được một ít thành tựu, nếu bạn chơi hay thì được nhiều hơn để unlock những Gear, Mod mới cho những Run tiếp theo (hệ thống sẽ tự động unlock). Mình chơi không hay, một Run chỉ tầm 5-30p, mà vẫn thích chơi, vì cái cảm giác khi bị chết nhưng không vô ích đã làm mình rất hài lòng. (đoạn trong ngoặc kép kia là một câu trong bài Mười năm của anh Đen Vâu, vừa viết đến đoạn này thì vô tình là mình đang nghe bài đó nên thấy hợp và cho vào luôn, ai chưa nghe thì nên nghe thử nhé, hay lắm).


(Giải thích thuật ngữ Roguelite*: Đây là một hệ thống mới so với các hệ thống game tuyến tính hay Roguelike* cổ điển, với cốt lõi thiết kế là mang lại trải nghiệm khác nhau cho người chơi qua mỗi lần chơi, thường sẽ áp các yếu tố ngẫu nhiên lên mạch chơi như: loại item xuất hiện, loại kẻ địch trên map, loại NPC kèm phần thưởng… Game sẽ để người chơi chơi một mạch đến khi giết trùm cuối, nhưng thường thì ban đầu người chơi sẽ không đủ mạnh để đi đến cuối mà sẽ tích góp tài nguyên để nâng cấp chỉ số, mở khóa kỹ năng, vũ khí của nhân vật qua mỗi Run kết hợp kỹ năng chơi game dần tăng lên. Đến khi người chơi đủ mạnh cũng như kỹ năng đủ giỏi sẽ vượt qua được trùm cuối. Khi qua được trùm cuối thì người chơi có thể chơi lại với các cách build mới hoặc là phá vỡ kỹ lục bản thân về tổng thời gian vượt Run, hoặc đơn giản là một Run với lối thiết kế Endless để người chơi thiết lập các High Score mới. Vì vậy giá trị chơi lại của các game Roguelite là rất lớn. Một số game sẽ thiết kế sau khi boss cuối chết thì lại mở ra một con boss khác khó hơn, làm cho người chơi sẽ tiếp tục vòng lặp như trên, và năm 2020 vừa qua được gọi là năm của Roguelite, nếu có dịp mình sẽ review các game đó.

*Roguelike và Roguelite là các thuật ngữ vẫn chưa có định nghĩa chuẩn, đoạn giải thích trên là kiến thức nghiên cứu và đúc kết của bản thân mình để các bạn có thể hình dung khái quát về dòng game này, vì một game thường sẽ thuộc rất nhiều dòng).

Thêm một lưu ý là khi tích lũy dần qua các lần chơi, bạn sẽ tự động mở ra thêm các mode chơi mới hấp dẫn hơn, thử thách hơn. Bản thân mình cảm thấy rất thỏa mãn, vì khi mình chơi hay hơn thì lại có ngay một đám kẻ địch mạnh hơn xuất hiện để mình “thử súng”.

Nhưng có lẽ cảm nhận thú vị nhất về Nova Drift của mình là game có thể gây nghiện, và là một loại nghiện nhẹ, game có thể kéo bạn ngồi chơi 3,4 hoặc 5,6 Run liên tiếp, rồi bạn sẽ không muốn chơi hơn nữa cho dù có nhiều thời gian rảnh hay không. Và lâu lâu, buồn buồn hay rảnh rảnh, bạn lại muốn vào chơi lại, đôi khi bạn sẽ chết bất ngờ trong 2 phút hoặc lâu hơn. Chung quy lại thì sau mỗi Run bạn sẽ luôn có được một “chiếc” niềm vui, nhưng niềm vui lớn hay nhỏ thì tùy vào thần may mắn.

Âm thanh và đồ họa

Về mặt đồ họa trong game, tuy mang bản chất là một game 2D, nhưng nhà phát triển Nova Drift đã thể hiện vũ trụ hiu quạnh một cách cực kì sống động và huyền bí, từ sự xuất hiện của những mảnh thiên thạch lạc trôi, những ngôi sao băng thoáng qua làm sáng rực một vùng trời hay thậm chí lỗ đen vũ trụ nuốt tất cả mọi thứ trên đường đi…tất cả tạo nên một khung cảnh rực rỡ về thị giác. Và nhà sản xuất đã làm rất tốt với việc căn chỉnh màu sắc các con tàu cùng hiệu ứng ánh sáng, để người chơi có thể nắm được những thông tin quan trọng nhất trong một combat hỗn loạn. Đi kèm đó là âm thanh chân thực của những cú va chạm, bắn phá kết hợp với nhạc nền hiện đại theo lối EDM, tất cả như hòa quyện để đưa người chơi vào một vũ trường ngoài không gian ngập tràn âm thanh và sắc màu.

(Đây là một bài trong list soundtrack của Nova Drift – Cần gì phải đi sàn trong khi có thể quẩy tại nhà)

Tổng kết

Có lẽ vì những thể hiện xuất sắc như trên, game đã được chấm ở thang Overwhelmingly Positive trên Steam (tính tại thời điểm mình viết bài), mặc dù vẫn đang ở trạng thái Early Access.

Và để tham gia vào lễ hội âm thanh, ánh sáng đầy hấp dẫn sôi động này, giá vé vào cửa hiện tại là 165.000 đồng được bán tại cửa hàng của chú Gabe. Theo mình thì đây là mức giá hợp lý cho một tựa game hay như Nova Drirft.

Hy vọng qua review này, các bạn sẽ muốn tự thử sức với Nova Drift để cùng thiết lập những High Scroce ấn tượng cho riêng mình.

Còn đây là thành tích cao nhất hiện tại của mình kèm bộ Gear, Mod mà mình đã sử dụng.

Tạm biệt các bạn, hẹn gặp các bạn lại ở những tựa game tiếp theo nhé.

 

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • xXnithicXx - 05.03.2021

    Cảm ơn bác đã rì viu con game này nha :)) Game chơi phê cực