Bạn thích đọc truyện tranh, bạn của bạn cũng thế, và tôi cũng vậy. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi truyện tranh được làm ra như thế nào, quá trình sáng tác truyện tranh ra sao hay xa hơn nữa là cách vận hành của ngành công nghiệp 2D, về anime về manga. Bộ truyện Bakuman (Giấc mơ họa sĩ truyện tranh) chính là câu trả lời xác đáng nhất. Ở đó ta sẽ được đọc truyện tranh trong truyện tranh, cảm nhận cả ngành công nghiệp 2D trước mắt và tiếp nhận một tinh thần thuonk dank khi đọc các bộ truyện tranh khác. Bố cục thế nào, cách xây dựng nhân vật ra sao hay nét vẽ, phân chia khung tranh. Tôi vẫn coi đây là bộ truyện gối đầu giường cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về truyện tranh, về ngành công nghiệp 2D, cũng như truyền động lực lớn lao về đam mê, về ước mơ. Và tôi còn thấy bên trong bộ truyện này còn ẩn chứa một ngọn lửa nhiệt huyết được kế thừa sau bao nhiêu năm tháng.
Bakuman – tác phẩm đời thường nhưng không bình thường.
Những bộ truyện đời thường vẫn luôn là một cái gì đó vừa lạ vừa quen. Muốn viết được nó đòi hỏi tác giả phải có am hiểu nhất định và chắc tay trong mạch truyện. Sáng tạo phải đi đôi với hiểu biết, với nền tảng kiến thức. Đó là điều tôi luôn thích những bộ truyện đời thường như Bakuman, nó sẽ hợp lí và logic hơn nhiều.
Ấn tượng ban đầu đập vào mắt tôi là quá nhiều chữ, quá nhiều thông tin, và cái này quen lắm như mình đã từng gặp ở đâu rồi thì phải. Thật bất ngờ khi bộ đôi tác giả tạo nên Bakuman cũng chính là hai người đã tạo nên bộ truyện tranh nổi tiếng Death Note, nguyên tác Tsugumi Ohba và minh họa bởi Takeshi Obata. Quá nhiều chữ và thông tin thì thật là một thách thức lớn, rất dễ nản. Nhưng hãy cố gắng đọc nó, cảm nhận nó từ từ rồi bạn sẽ thấy rằng bộ truyện này hay đến mức nào.
Câu chuyện của Bakuman mở ra với cậu nhóc Mashiro. Cậu có một người chú là họa sĩ truyện tranh và thường xuyên đến phòng vẽ của chú để chơi và nhìn ngắm chú mình làm việc. Với Mashiro, chú của cậu là họa sĩ vĩ đại nhất. Cậu có tài vẽ tranh, ước mơ sẽ trở thành như chú của mình, sẽ thành một mangaka nổi tiếng, tạo ra những bộ truyện đỉnh cao nhất. Thế nhưng vì làm quá sức, chú của Mashiro đã chết trên bàn làm việc khi chỉ mới ngoài 30, giấc mơ của Mashiro cũng chết đi từ đó.
Cậu lớn lên, học tập một cách trống rỗng, nghĩ tới tương lai sau này sẽ cố gắng thi vào một trường nào đó, đi làm một công việc đời thường như bao người. Một cuộc sống bình thường và nhàm chán. Ước mơ đó chỉ thực sự sống lại khi học sinh giỏi nhất trường, có thể là giỏi nhất Nhật Bản là Takagi xuất hiện. Takagi đã đề nghị Mashiro vẽ tranh, còn mình đảm nhận cốt truyện, cả hai sẽ trở thành Mangaka (họa sĩ truyện tranh) nổi tiếng nhất Nhật Bản.
Nhưng chỉ vài lời nói đó thì làm sao có thể vực dậy được cái ước mơ đã chết trong lòng Mashiro. Mashiro thầm thích một cô bạn cùng lớp vô cùng dễ thương tên là Azuki. Cô bạn có ước mơ trở thành một Seiyuu (diễn viên lồng tiếng anime, game,..) và cũng thầm thích Mashiro, nhưng đều giấu kín trong lòng. Takagi chính là người biết hết tất cả, nên đã kéo Mashiro đến nhà cô ấy nói chuyện. Mối tình của Mashiro và Azuki được vẽ nên một cách cực kì trong sáng và thậm chí còn “dở hơi”. Họ thầm thích nhau, chỉ bắt gặp ánh mắt của nhau là sự ngại ngùng hiện lên trên khuôn mặt, chỉ dám nhìn đối phương khi họ đã đi khuất. Để rồi bao tâm tư tình cảm được đè nén nay đã trút ra hết từ Mashiro trong lần đầu cả hai nói chuyện nhờ người dẫn lối là Takagi.
“Mình sẽ lo phần vẽ, còn Takagi lo phần cốt truyện, nên nếu manga được làm thành anime thì cậu sẽ là người lồng tiếng cho nhân vật chính, và nếu ước mơ đó thành hiện thực thì cậu sẽ cưới mình chứ?”. “Mình đồng ý”. Một lời cầu hồn đánh nhanh diệt gọn ngay chương đầu tiên của bộ truyện. Nhưng mối tình này lại dở hơi ở chỗ, cả hai đều hứa sẽ không gặp nhau cho đến khi giấc mơ đó thành hiện thực, họ chỉ động viên nhau qua email. Và trong suốt bộ truyện, họ chưa một lần nắm tay, ôm hôn thắm thiết hay đi chơi đây đó, họ chỉ cố gắng hết sức làm việc để thực hiện ước mơ. Đến khi giấc mơ đó thành hiện thực họ sẽ lấy nhau. Những lời động viên nhau qua email trở thành những thứ tuyệt vời nhất, làm nên một thứ tình yêu trong sáng và thuần khiết.
Mối tình của Mashiro và Azuki cũng là một mối tình đầy duyên nợ khi chú của Mashiro và mẹ của Azuki đã từng thích nhau, đã từng hẹn thề như thế nhưng ước vọng không thành. Con gái có lứa có thì, không thể chờ đợi một ai đó mãi mãi, còn chú của Mashiro vẫn phải bươn chải, cố gắng viết nên một tác phẩm nổi tiếng mà không thành. Để rồi cả hai cứ xa nhau dần mà dẫn đến một kết cục đau lòng. Giờ đây Mashiro phải gánh lên vai không chỉ ước mơ của cả ba, mà còn là ước mơ của người chú đã mất, sẽ làm Azuki hạnh phúc, sẽ cho ra một tác phẩm truyện tranh để đời. Và thế là hành trình sáng tác truyện tranh của bộ đôi Mashiro, Takagi cũng như việc trở thành Seiyuu của Azuki bắt đầu.

Mashiro bên trái, Takagi bên phải

Bước chân, chuyển động tay của cả hai đều gợi nhắc đến bộ truyện kinh điển Ashita no Joe
Ashita no Joe (1968-1973) là sự kết hợp của hai thiên tài truyện tranh Ikki Kajiwara và Tetsuya Chiba (một trong bốn tác giả tôi yêu thích nhất). Mashiro và Takagi đều yêu thích nó, coi bộ truyện này chính là cảm hứng vô cùng lớn của cả hai trên con đường trở thành mangaka chuyên nghiệp, là hình mẫu đỉnh cao về sự cộng tác giữa hai con người, một người viết truyện, một người vẽ minh họa. Mà thú thật phân cảnh Mashiro và Takagi nói về Ashita no Joe cũng là lý do lớn khiến tôi gắn bó và quyết tâm đọc hết Bakuman. Bởi nếu tôi được chọn một danh sách những bộ truyện tranh hay nhất mọi thời đại thì cái tên Ashita no Joe chắc chắn sẽ luôn nằm ở đó với những vị trí cao nhất. Hình tượng về Joe Yabuki với ngọn lửa nhiệt huyết cháy bùng võ đài chắc chắn sẽ sống mãi trong lịch sử truyện tranh.
Mà không chỉ có mỗi Ashita no Joe đâu, vì công việc của hai là sáng tác truyện tranh nên phải cần rất nhiều tư liệu, nghe cách họ bàn luận, đánh giá, chia sẻ về các bộ truyện đỉnh cao khác cũng đủ để phấn khích rồi. Từ đây ta sẽ có cái nhìn rất rộng về manga, về những tác phẩm kinh điển đã được ra đời, cách thức xây dựng nhân vật, tình huống và những truyện bên lề khác.

Phoenix, Glass Mask, Slam Dunk đều là những bộ truyện hay bậc nhất, tất nhiên tôi thích Phoenix nhất rồi, nó vẫn luôn là tác phẩm vĩ đại nhất từng được ra đời.
Nhìn thấy tấm poster Naruto dán trên tường, những quyển truyện Bleach trên bàn, lệnh truy nã của Luffy dán trên phòng của ban biên tập hay lúc Mashiro luyện vẽ với hình ảnh của Songoku cũng đều là những chi tiết khiến tôi cảm thấy thích thú. Tôi vẫn thường soi các trang truyện kỹ càng để tìm những chi tiết nhỏ nhỏ như vậy, cảm tưởng như các nhân vật nổi tiếng cameo hết vào trong bộ truyện này vậy.
Làm thế nào để tạo ra một manga đỉnh cao có thể được làm thành anime, làm sao để câu chuyện đi vào lòng độc giả, tạo một dấu ấn riêng biệt giữa vô vàn các đầu truyện mới ra đời bây giờ quả thực là điều rất khó. Đó là những câu hỏi lớn mà bộ đôi của chúng ta phải đi tìm câu trả lời. Từ bối cảnh câu truyện, phác họa nhân vật, đến việc đặt tên và hướng đi cho nó, mọi thứ mọi cái đều ảnh hưởng rất lớn đến việc bộ truyện có thành công được hay không. Và đó cũng là lúc ta nhận ra ta có cảm hứng dồi dào thế nào trong việc sáng tác truyện tranh, chúng ta đã bị lôi cuốn từ bao giờ.
Cả hai đã dần phát triển được phong cách nghệ thuật của mình, tránh đi vào lối mòn là truyện chiến đấu đơn thuần, nhưng vẫn là chiến đấu một cách khác biệt, một cách không chính thống, phải có gì đó bí ẩn pha chút đen tối. Và điều thứ hai chính là phong cách hài hước nghiêm túc, hài hước không rẻ tiền, đặt những tình huống gây cười đặc biệt. Đến lúc này tôi chợt nhận ra những phong cách mà Mashiro và Takagi làm cho bộ truyện của mình để đi đến thành công cũng là những điều mà bộ đôi tác giả Ohba và Obata đã làm với Bakuman, với Death Note và biến chúng thành những tuyệt tác. Cảm tưởng như cả hai đã hòa mình vào nhân vật, nói lên quá trình sáng tác truyện tranh của chính họ.
Bộ truyện nào cũng không thể thiếu những người bạn, những địch thủ để đẩy tiến trình câu chuyện lên cao, và Bakuman cũng vậy. Cả hai tác giả đã khắc họa những mangaka khác trong bộ truyện, mỗi người một tính cách, một phong cách truyện tranh khác nhau như minh chứng cho câu nói “Hãy cho tôi xem truyện tranh của bạn, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào”. Và điều đặc biệt hơn nữa, những nhân vật cảm giác như được lấy cảm hứng ngoài đời. Hiramaru là một con người lười biếng, truyện của anh đơn giản nhưng lại lôi cuốn cực kì, gắn nhiều với các loài động vật giống như “Lão Khỉ” Hideaki Sorachi (Gintama), lắm lúc lại lười nhác giống Togashi Yoshihiro (Yu Yu Hakusho, Hunter X Hunter) mấy năm trời chưa ra chương truyện mới, độc giả chỉ biết than trời.
Nizuma Eiji là một thiên tài truyện tranh, chỉ cần đặt bút là vẽ bởi nhân vật, bối cảnh câu chuyện như chuyển động hết trong đầu giống như tác giả Oda Eiichiro (One Piece). Aoki là một cô gái mang nét kiêu sa, có phần kĩ tính với những bộ truyện tranh mang đậm nét shoujo như tác giả Takeuchi Naoko (Thủy thủ mặt trăng). Và còn rất nhiều những biên tập viên, tác giả khác đã tạo nên một thế giới gần gũi và chân thật. Có thể coi Bakuman là bộ truyện chiến đấu phi chính thống, thay vì súng, gươm, giáo, mác thì những nhân vật dùng ngòi bút và chất xám để chiến đấu với nhau, để cạnh tranh và làm nên một bộ truyện tranh tuyệt tác.
Đặc biệt là những ý tưởng đơn lẻ, những tác phẩm được các nhân vật trong bộ truyện tạo ra đều rất hay và lôi cuốn. Bởi vậy mới nói như ta đang được đọc truyện tranh trong truyện tranh vậy, từ chiến đấu, trinh thám, shoujo, hài hước, thể thao,… đều cực kì hấp dẫn, phá cách. Một số bộ còn hay đến mức cả hai tác giả Obha và Obata đã vẽ riêng truyện ngắn để chiều lòng fan. Từ bối cảnh, liên tưởng, cảm hứng nhân vật đều rất thật giống như một lát cắt đời thường ta bắt gặp trong cuộc sống, bộ truyện này mang lại cảm giác thật hơn bao giờ hết. Và tất cả những họa sĩ đó đều chiến đấu ở tạp chí Shonen Jump, một tạp chí danh tiếng ngoài đời. Một điều thú vị nữa là chính bộ truyện Bakuman cũng được đăng trên đó và trở thành một tác phẩm danh tiếng.
Shonen Jump và sự khắc nghiệt của ngành công nghiệp 2D nói chung.
Shonen Jump hay đúng hơn là tạp chí truyện tranh hàng tuần Weekly Shonen Jump, nơi mà Mashiro và Takagi hướng tới chính một tượng đài huyền thoại của truyện tranh Nhật Bản. Đây chính là nơi khởi nguồn cho những cuộc hành trình vĩ đại, nơi sinh ra những nhân vật mang tính biểu tượng nhất, nơi cho ra đời những bộ truyện tranh đỉnh cao nhất tồn tại với thời gian. Đó là Dragon Ball, Slam Dunk, Dragon Quest, Dr.Slump, Naruto, Gintama, One Piece, Fist of the North Star, Saint Seiya, Jojo’s Bizarre the Adventure, Kochikame, Captian Tsubasa, Yu Yu Hakusho, Bleach, Yugi-Oh, HxH, Rurouni Kenshin, Toriko, Hikaru no Go, Death Note, The Prince of Tennis, EyeShield 21, Shaman King, Kinikuman… và còn rất rất nhiều nữa.
Tôn chỉ của Jump luôn là tình bạn, nỗ lực, chiến thắng đã giúp tạp chí này đứng vững qua nhiều năm và trở thành tượng đài lịch sử. Đó cũng chính là điểm chung của những bộ truyện trên, truyền cảm hứng và động lực cho hàng triệu độc giả trên khắp thế giới. Và có lẽ đời đọc truyện của tôi và rất nhiều người ở đây cũng đều gắn bó với Jump. Ở nơi đó ta bắt gặp những gã ngốc nghếch, những kẻ ham ăn, có phần trẻ trâu nhưng luôn sẵn sàng hết mình vì bạn bè, đồng đội mà không ngại khó khăn, không ngại chiến đấu.
Tre già măng mọc, khi hàng loạt các tác phẩm kinh điển đã kết thúc, các tác phẩm mới lại tiếp tục ra đời và phát triển, tiếp tục xây dựng vị thế của Shounen Jump trong lòng người đọc. Dr.Stone là bộ truyện tôi mong ngóng từng ngày nó được xuất bản tại Việt Nam, đây cũng là bộ tôi thích nhất ở hiện tại. The Promised Neverland, tôi nhớ đã thức nguyên đêm để đọc nó, cảm giác quá đã và đến giờ vẫn mua thường xuyên khi nó được xuất bản. Với My Hero Academia thì tôi ước có thể đọc nó với tâm thế như mình hồi ngây dại, hồi mới bắt đầu đi vào con đường đọc truyện tranh thì sẽ thấy nó tuyệt đỉnh hơn rất rất nhiều. Black Clover cho tôi cảm giác như được đọc lại Naruto một lần nữa vậy, những đoạn hú hét, những phân cảnh về cặp đôi vừa là bạn vừa là đối thủ, “thiên tài” và “phế vật”. Act-Age, bộ này thì cho tôi cảm giác như được đọc lại Glass Mask một lần nữa vậy, có một nét gì đó nữ tính, nét nghệ thuật và những đôi mắt được vẽ một cách trau chuốt và tỉ mỉ đến ngỡ ngàng. Còn Kimetsu no Yaiba giờ đã trở thành hiện tượng mới trong năm qua khuấy đảo thế giới.
Thế nhưng để cho ra đời những tác phẩm xuất sắc mang tính biểu tượng như thế là cả một chu trình đào thải khắc nghiệt. Weekly Shonen Jump đúng như cái tên của nó, phát hành hằng tuần với 20 chương mới của 20 bộ truyện khác nhau. Các tác phẩm được xếp hạng hàng tuần dựa theo ý kiến của độc giả từ cao xuống thấp một cách cực kì khắt khe. Những tác phẩm nào bị xếp thứ hạng dưới 15 liên tiếp sẽ bị hội đồng xem xét đưa ra ý kiến liệu nó được tiếp tục hay sẽ bị trảm để các tác phẩm mới ra đời. Bất kể bộ truyện đó đã có những thành tích nào, bề thế nào đi chăng nữa, nếu nó dở và không thu hút được độc giả nữa, nó sẽ bị trảm để nhường vị trí cho các tác phẩm mới. Chỉ cần hay, chỉ cần thu hút được độc giả bộ truyện đó sẽ được tồn tại ở Jump, và điều đó cũng tồn tại mặt trái khi bộ truyện nào nổi tiếng và đang có sức hút sẽ bị kéo dài quá đáng, tác giả nhiều khi không thể chống lại điều đó.
Boruto là một ví dụ điển hình cho việc truyện dở khi đã có một bệ đỡ vững chắc là bộ truyện Naruto danh tiếng. Nhưng với cốt truyện nhạt không tưởng, tạo dựng nhân vật yếu kém đến mức thảm họa và quá dựa dẫm vào Naruto như một phiên bản vắt sữa, cùng với việc doanh thu liên tục sụt giảm, nó đã bị sút khỏi Weekly Shonen Jump một cách không thương tiếc. Tất nhiên Boruto là con ông cháu cha nên nó vẫn được sáng tác tiếp ở tạp chí khác. Còn các bộ truyện khác không tạo được dấu ấn sẽ phải đón nhận kết cục đau thương nhất là bị ép end, tác giả sẽ phải tự tay giết chết đứa con tinh thần của mình, viết ra những cái kết vô hồn. Những Toriko, Beelzebub, Shaman King, Nuarihyon no mago là những bộ truyện tôi còn rất nuối tiếc vì kết thúc của nó hay Bleach là một sản phẩm đáng tiếc khi bị kéo dài quá đáng, dẫn đến một cái kết đến giờ độc giả vẫn chưa thôi bàn tán.
Bài viết hay quá, hơn những gì tôi mong đợi từ một bài blog.
Thank Bro
Bài viết hay và chứa nhiều những tâm tư tình cảm mà bạn dành cho bộ truyện cũng như bộ truyện đã tác động thế nào đến bản thân bạn. Cám ơn bạn đã giới thiệu cho mình 1 bộ truyện hay và mình đang bắt đầu đọc nó đây. 🙂
Cảm ơn bạn, bạn là người dịch Chrono Trigger và Black 2 sang tiếng Việt đúng không, mình rất thích bản dịch của bạn.