Gọi là trong đời thôi chứ thực ra giờ tôi mới được 20 cái xuân xanh. Đọc truyện từ tấm bé, trừ đi cái thời gian tập ăn tập nói tập gói tập mở thì chắc cũng ngót nghét 15 nồi bánh chưng. Cái tuổi thơ tôi là xem tranh rồi đọc, đọc và đọc cứ thế cho tới bây giờ. Truyện tranh mới ra thì cũng nghía qua một chút, đầu truyện hay hay xuất bản thì cũng lượn qua và mua tập 1 hay tập cuối làm kỉ niệm, để thế thôi chứ không dám đọc và nếu hay quá sức tưởng tượng thì thôi cũng đành phá luật để xem rồi bọc lại ngay ngắn mà đem cất. Tôi cũng chưa đạt đến cái cảnh giới của các otaku hay các wibu bởi biết rằng để đạt đến thì chắc nó còn xa vời lắm lắm và cũng không xem anime nhiều nữa. Tôi chỉ dám nhận là một kẻ mê truyện tranh, đủ để gặp người hợp cạ thì có thể tâm sự cả một ngày dài. Giờ đọc qua những bộ gần đây, thấy cũng hay nhưng có lẽ cái kỉ niệm, cái cảm xúc thì không thể nào bằng cái ngày đó.
Quay lại với manga thể thao thì đó là một thứ cực kì đặc biệt, nơi đó có máu, mồ hôi và nước mắt, nơi mà chỉ nỗ lực luyện tập mới đem lại thành công và cảm giác được đứng trên sân đấu, cháy hết mình vì đam mê và chiến đấu trên tinh thần cao thượng. Đọc manga thể thao có khó hiểu không? Mình không biết luật có đọc được không? hoàn toàn được, thậm chí cực dễ hiểu là đằng khác. Nhân vật chính trong các bộ truyện thường là các tay mơ, những kẻ ngoại đạo, những hòn ngọc thô đang cần được mài giũa. Chúng ta sẽ được đồng hành cùng nhân vật, trưởng thành cùng họ, hiểu thêm về những môn thể thao, cùng vươn tới những mục tiêu xa xôi, đẹp đẽ.
Và cũng vì là thể thao nên cực kì khốc liệt đến độ nhịp thở như hòa cùng nhân vật, đến độ mồ hôi chảy cả trong truyện cũng như trên trang giấy. Bên cạnh đó còn có những yếu tố hài hước đặc trưng không thể thiếu, những phân cảnh đời thường, đủ độ chân thực, không đến mức bắn chưởng tung tóe. Còn phải nhắc thêm nữa là nó truyền cảm hứng và tình yêu với các bộ môn đó cực kì lớn. Anh em chúng tôi cũng đã từng tập những cú sút siêu phàm trong truyện, cố gắng làm một chiếc gậy bóng chày, một cái găng bắt bóng hay khoét cái rổ nhặt rau của bà rồi treo lên để ném bóng rồi sau bị ăn chửi như thế nào, cố tìm kiếm kênh trực tiếp xem các bộ môn đó, chăm chú nghe bản tin thể thao ra sao… đến bây giờ khi viết những dòng này tôi vẫn còn nhớ rõ.
Danh sách dưới đây là những bộ truyện hay nhất của tôi, cùng tôi đi qua bao năm tháng, cùng tôi lớn lên, mỗi bộ là một môn thể thao khác nhau, và tôi cũng đắn đo rất nhiều khi lên danh sách để đảm bảo mỗi bộ đều mang một màu sắc riêng biệt nhưng giờ chốt sổ được rồi. Mà các truyện ở dưới cũng khá là cũ và hoàn thiện cả rồi, bộ gần đây nhất thì đã kết thúc từ năm 2009. Tôi cũng xin phép viết tên các nhân vật theo bản dịch các nhà xuất bản cũ, dẫu điều đó không đúng với nguyên tác và không tôn trọng tác giả nhưng với tôi nó lại dễ nhớ và cái cảm xúc ngày đó dễ ào ạt ùa về hơn. Bài viết hơi dài một chút nên rất cảm ơn mọi người nhiều lắm lắm khi đã xem.
Đường dẫn đến khung thành – Jindo
Nhắc tới thể thao thì không thể không nhắc tới bộ môn thể thao vua làm say đắm biết bao nhiêu tín đồ trên khắp thế giới. Sáng đá bóng, trưa đọc truyện bóng đá, chiều lại chơi game đá bóng, tối lại xem bóng đá. Cứ cái chu trình như vậy, bóng rồi đá, đá rồi bóng, đá, bóng, bóng, đá nó cứ loạn cả lên suốt ngày dài, nói tóm gọn bằng câu ăn bóng đá, ngủ bóng đá cũng được. Jindo là một phần trong đó, một bộ truyện tinh quái, tràn ngập bóng đá với nét vẽ đẹp, các cú sút thể hiện uy lực, đường nét, tính cách nhân vật được phát triển rõ ràng, mạch lạc và một điều nữa là cực cực hài hước. Đó là điều tôi mê Jindo, cầm quyển truyện mà có thể cười híp mắt, cười rung bụng, cười ngoác không ngậm được mồm, cười đến độ bò lăn rồi ho sù sụ, cười đến mức như dại như hâm, đến độ người khác tưởng thằng này cười như ở Châu Quỳ mới ra. Chắc chắn rằng đây là bộ truyện tràn ngập tuổi thơ với chúng ta, một bộ truyện phải đọc một lần trong đời.
Đó là câu chuyện về đội bóng Suya, về Jindo, một anh chàng nhỏ con mà có võ Hong Kong, thành phần cá biệt của đội bóng, không hề biết một tí luật bóng đá nào, không bao giờ từ bỏ, không chấp nhận thua cuộc, và chỉ biết một điều là đưa bóng vào lưới đối thủ. Bên cạnh đó là anh chàng đội trưởng Yara máy ủi với thể lực kỹ thuật hoàn hảo với tuyệt kĩ đẩy vai và luôn phải đứng ra giải quyết rắc rối của Jindo. Thủ môn Ken bốn mắt bình tĩnh và tỉnh táo. Taburo – một anh chàng đặc biệt mà giờ tôi vẫn nhớ trên trang giới thiệu ghi là chàng libero trầm tĩnh nhưng lại quá nhiệt tình, vì Jindo mà quay lại với bóng đá, cũng vì chính cậu mà lại phải từ bỏ đội bóng một lần nữa. Yukidaro với biệt danh mồm méo có một mối liên hệ đặc biệt với đội bóng Suya, không phải là một người thay thế mà là một mảnh ghép quan trọng khi Taburo rời đi, cũng là người luôn bị chàng lùn Jindo lôi kéo vào các trò nghịch ngợm.
Một chàng hậu vệ lãng tử siêu ngầu nữa là Iosha với đôi chân pha lê, chàng hậu vệ mạnh mẽ nhưng bị chấn thương, chuyển đến trường Suya để rời bỏ bóng đá nhưng rồi lại khoác lên mình chiếc áo ấy một lần nữa và chỉ vào sân những lúc quan trọng nhất, lúc đội bóng cần anh nhất. Thêm một nhân vật tuy không phải thành viên đội bóng nhưng hễ những ai mà từng đọc sẽ đều bật cười và hoài niệm, đó là Tổng Quyền.
Jindo có một lối chơi bóng đặc biệt không đâu có, những pha diễn xiếc với trái bóng trên sân đấu, những kiểu ghi bàn đều không giống ai, để lại một ấn tượng cực kì mạnh mẽ và những tiếng cười không dứt. Cốt truyện phần 1 xoay quanh đội bóng Suya với một công thức quen thuộc là Jindo quậy phá ngoài sân cỏ với cầu thủ chủ lực đối phương, gặp lại nhau ở sân bóng, bị dẫn trước và sau đó ngược dòng. Cốt truyện có thế thôi mà say mê biết bao thế hệ ở Việt Nam bởi càng đọc, câu chuyện càng trở nên cuốn hút, nét vẽ tác giả càng trở nên đẹp hơn, chiến thuật trên sân đấu càng rõ ràng, các trận chiến ngoài sân cỏ cũng dữ dội và hấp dẫn không hề thua kém các bộ truyện đánh đấm thời bấy giờ, nêu bật tinh thần chiến đấu và tình đồng đội, cho tôi cảm giác giải trí đúng nghĩa là tận hưởng truyện tranh.
Đội bóng Suya toàn những thành phần thấp bé hay phì lũ ấy đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đồng đội hơn bao giờ hết, cùng những thành viên chủ chốt ấy hướng tới danh hiệu cao quý nhất Nhật Bản. Họ sẽ đương đầu với biết bao đối thủ mạnh mẽ trên cả nước để phục thù với đội bóng mạnh nhất Kowaki, đội bóng của Hiro – người bạn cũ của Yara, người anh trai song sinh của Ken, người mà đã từ bỏ cả hai, theo đuổi những mục đích cao hơn mà bỏ đi tình cảm bạn bè. Mỗi đối thủ của đội Suya đều đáng gờm theo nhiều cách khác nhau. Đó là Siri Cacloba với viên đạn màu đen, Rasuran với cú sút vòng cung, Ichidaro người anh của Yukidaro với khả năng vượt bậc và toàn diện, chàng thủ môn với cách bắt bóng hoa mỹ Hakone, Hiro với cú sút phi đạn, Chika năm yên. Những khắc tinh của Jindo là Iwao, Oba hay đó chính là Taburo, người đã từng là bạn nay trở thành đối thủ, người đã hiểu Yara, hiểu Jindo nhất.
Jindo và Yara là đầu tàu của cả đội bóng. Họ gọi nhau một cách thân mật là bạn hàng xóm, họ sẽ chẳng cần phải tâm sự hay nói chuyện gì nhiều, thứ họ gắn kết là trên sân bóng, là người kiến tạo kẻ ghi bàn, là kẻ gây rối người giải quyết và lúc cần nhất để thấu hiểu, động viên tinh thần thì đánh lộn là điều tốt nhất, đánh thật mạnh, đánh thật đau rồi lại ngã vật ra mà cười sảng khoái rồi đứng dậy mà tiếp tục chiến đấu. Mọi người thích Jindo, thích Yara vì lẽ dĩ nhiên, thích Ken vì sự bình tĩnh và tỉnh táo, thích Iosha vì tinh thần bất khuất và tài năng dẫu cho chấn thương khiến anh không phát huy thực lực thì Taburo lại có thể khiến người ta vừa e sợ, vừa ghét nhưng cũng vừa yêu.
Anh có một quá khứ không mấy tốt đẹp nhưng vì tình yêu với trái bóng, vì những người đồng đội mà rũ bỏ mọi thứ tiến về phía trước, trở thành chốt chặn không thể thiếu của đội bóng Suya. Thế nhưng cái quá khứ ấy lại đeo bám anh, buộc anh phải xa rời bóng đá một lần nữa. Anh đã chọn cách rời đi, nhận hết tội lỗi về mình để đội bóng được an toàn mà tiếp tục ước mơ vô địch. Nhưng anh không rời bỏ bóng đá mà tiếp tục ở một ngôi trường khác, đem đến đó thứ đội bóng này còn thiếu: sự đoàn kết. Khi tái ngộ, người đọc có ghét anh không? Họ rất ghét, coi anh như một kẻ phản bội đội bóng, bản thân tôi cũng thế. Nhưng đây là thể thao, chỉ có chiến đấu hết mình mới chính là cách tốt nhất để tôn trọng công sức tập luyện của bản thân cũng như tôn trọng đối thủ. Mà có lẽ khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, vẫn là bóng lưng ấy, số 4 ấy, ngày đó ra đi bảo vệ đội bóng, nay lại đứng trầm buồn mà khiến tôi cảm giác bồi hồi. Anh đã không thể vào được chung kết, chỉ nhắn nhủ Yara rằng hãy trả món nợ năm ngoái bằng cách sút tung lưới Kowaki đi. Đó cũng là một nuối tiếc thật lớn, tiếc rằng Taburo không thể đồng hành cùng những người bạn ở Suya lên ngôi vô địch.
Phần 1 đã kết thúc như thế, họ, đội bóng Suya đã đạt được mục đích của mình nhưng phải chia tay mỗi người mỗi ngả, Jindo, Yara, Ken, Iosha, Yukidaro đều có cho mình con đường riêng phía trước. Một kết thúc vừa đủ nhưng lại cảm thấy thật buồn và nuối tiếc, trở thành cái bóng quá lớn cho các bộ Đường dẫn đến khung thành sau đó. Những Sôi động cầu trường, Jindo đi nhô, Cơn lốc sân cỏ, Vũ điệu trên sân cỏ (thật ra lâu quá rồi không nhớ tên chính xác bộ này nhưng nội dung nối tiếp Sôi động cầu trường, Tanaka sang Tây Ban Nha học bóng đá, không biết có hiệp sĩ nào nhớ không) không thể khỏa lấp được. Nhà xuất bản Kim Đồng đã từng phải in một phần của Jindo phần 2 vào cuối mỗi bộ truyện trên để níu kéo người đọc, sau đó đưa ra quyết định cuối cùng tái bản lại Jindo trên nền bìa xanh lá bắt mắt, kèm theo những phần in thiếu và phần 2. Phiên bản này đã trở thành huyền thoại với một lối dịch chỉ gói gọn trong một từ là CHẤT, đậm mùi võ lâm Trung Nguyên và tinh thần hào hiệp.
Sang đến phần 2 của bộ truyện, Jindo đã gia nhập vào đội bóng Meihou theo nguyên tác là đội bóng cấp 3, theo bản dịch hồi đó là trường đại học. Cậu đã gặp những người bạn mới, những đồng đội mới, câu chuyện ngày càng phát triển đặc sắc, tính chiến thuật được đề cao và những lớp nhân vật thú vị hơn. Đó là anh chàng có quả đầu đỏ trông thì ngổ ngáo nhưng lại rất dễ gần chơi vị trí tiền vệ tên là Nedu; đó là Hanyu tiền đạo với cú sút kinh hoàng gãy cành cây, rách lưới sắt, rơi máy bay và tỉ lệ sút 10 ăn 1; đó là bộ tứ hậu vệ thép mệnh danh là bức tường Meihou gồm đội trưởng Mao đầy trách nhiệm ưa thể lực, Oishi đầu láng cứu bóng ra biên, Shirakawa con trai ông trùm Yakuza và anh chàng máy nổ Sanza thành viên U-21 Nhật với sở trường cú xoạc bóng lưỡi liềm giống đội trưởng Đức Philip Lahm; thủ môn nhỏ tí của đội là Kagari, đại vô phúc Tori, Tiểu Cát, hay là cục vàng Kubo. Lớp nhân vật của phần 2 thực sự tuyệt vời, riêng biệt, mức độ gây cười thì phải nhân lên gấp vài lần.
Giây phút tuyệt vời nhất phần 2 với tôi chính là sự hội ngộ của những đồng đội Suya, là sự hội ngộ của Jindo và Yara, sự hội ngộ của hai người bạn đã từng kề vai sát cánh. Họ đã trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn và bên họ là những người đồng đội mới, với Jindo là Nedu và Hanyu cùng tập thể Meihou rắn chắc trong phòng thủ. Còn phía Yara, vẫn là những con người của Suya, Ken đã không còn bắt gôn nữa mà khoác lên mình chiếc áo số 7 với khả năng chẳng hề kém so với người anh Hiro, thêm Rasuran háo sắc với tuyệt kỹ cú sút vòng cung gia nhập. Tôi đã chờ, đã chờ trong háo hức tột độ về cuộc đối đầu đỉnh cao ấy, càng háo hức hơn khi nhìn thấy Taburo, Iosha xuất hiện hay là sự đáng sợ luôn chực chờ bùng nổ từ Hiro. Thế nhưng tôi lại phải thất vọng lần nữa, trận đấu ấy sẽ không bao giờ được diễn ra, tác giả Motoki Monma đã để một cái kết mở, một cái kết đến giờ đã hơn 10 năm.
Đến tận bây giờ khi đọc lại, vẫn cười sằng sặc đấy, vẫn hồi hộp đấy nhưng xen lẫn là sự nuối tiếc, nuối tiếc về người sút thứ 6, về trận đấu của Meihou với Kuminidai mà trong đầu vẫn luôn tưởng tượng cuộc đọ sức giữa Jindo và Yara sẽ diễn ra thế nào hay chứng kiến một Iosha hoàn hảo thi đấu với 100% công lực sẽ kinh khủng ra sao. Có lẽ tất cả vẫn chỉ là sự nuối tiếc, mang lại một cảm giác không buồn mà lại lâng lâng khó tả, có lẽ vẫn là sự tưởng tượng trong trí óc, vẫn nhớ về một kỉ niệm chưa trọn vẹn nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết.
Teppi
Đến với HSBT, tôi may mắn được trải lòng mình về những bộ truyện yêu thích nhất, may mắn được viết về các tác giả truyện tranh yêu thích nhất là Fujiko và Osamu Tezuka, và đây sẽ là người thứ ba, một người nữa tôi sẽ viết ở cuối danh sách. Ông ấy là Tetsuya Chiba, một tác giả nổi tiếng của Nhật Bản về đề tài thể thao. Đối với tôi, truyện của ông sẽ chỉ miêu tả bằng một từ thôi, đó là CUỐN. Cầm quyển truyện lên thì không thể nào mà đặt xuống được, vô thức mà lật giở từng trang cho đến khi nhận ra mình đã học hết từ bao giờ, cảm nhận rõ ràng nhịp thở của mình như hòa vào nhân vật, từng chuyển động, từng cú đấm, nhát kiếm hay những đường gậy được thể hiện rõ ràng.
Tôi thích nét vẽ của ông, thích nhìn phong cảnh, nhìn những biểu cảm khuôn mặt, cái điệu cười sảng khoái, cái khuôn mặt có vẻ cam chịu hay lúc hốt hoảng với giọt mồ hôi lăn dài. Các nhân vật ông tạo ra có phần nào đó điên, điên trong tính cách, điên trong hành động và điên trong thể thao. Đó là những viên ngọc thô đúng nghĩa, những ngọn cỏ dại mọc lên sau cơn mưa với sức sống mãnh liệt và gai góc, những con thú mạnh mẽ sống theo bản năng.
Ông chính là đồng tác giả của bộ truyện kinh điển của Nhật Bản mang tên Ashita no Joe (Ngày mai của Joe) về bộ môn boxing đã từng xuất bản ở Việt Nam với cái tên Thiết quyền lãng tử, về hành trình của Joe Yabuki – một viên ngọc thô tài năng. Joe đơn giản và ngây dại, cố gắng hết sức để vươn lấy chiến thắng. Cái kết của nó thật xúc động, thô sơ đầy tinh khiết, một cái kết kinh điển của truyện tranh Nhật Bản mà mỗi lần nhìn lại nó, tôi chỉ biết ngắm nhìn thật lâu, tận hưởng vẻ đẹp. Vẻ đẹp của ngọn lửa bùng cháy mãnh liệt để lại những đám tro cực kì thuần khiết và tự nhiên.
Dù Ashita no Joe mới là truyện đỉnh cao nhất của ông nhưng tôi muốn viết về Teppi, bởi đây là truyện đầu tiên tôi đọc của ông, nó cũng đem lại những kí ức hoài niệm đặc biệt như chính Jindo đã mang lại. Teppi là một bộ truyện cực hay với thế hệ 8x, 9x ngày đó. Câu chuyện kể về cậu bé Teppi và bộ môn kiếm đạo Nhật Bản với cái tên Kendo, một bộ môn đầy nghi thức và đề cao phẩm chất, tác phong, tu dưỡng đạo đức của người tham gia. Còn cậu bé Teppi sinh sống và lớn lên ở trong rừng với một người cha ham mê tìm kho báu. Thiếu đi tình thương và sự nuôi dưỡng, cậu cứ thế lớn lên như một cây cỏ dại, không học hành, không lề thói, vô tổ chức, cậu và ba cậu ăn nói cộc lốc, sống với nhau như những người bạn, uống rượu, đánh bạc, ăn trộm khoai lang từ ruộng người dân.
Thân thế của ba và cậu dần được tiết lộ: họ là chủ của một gia đình giàu có và danh tiếng ở Tokyo, họ được đưa trở về nơi tiện nghi hiện đại ngay sau đó. Cậu bé Teppi của rừng xanh đã quen với sự vô tổ chức ấy nay đã được gặp lại mẹ, bà và các anh chị em của mình, nhưng phải sống trong một môi trường mới, đầy phép tắc và hiện đại. Cậu ăn bốc bằng tay, đại chiến cả với người bà của mình, chọc giận thầy giáo và vô số những việc quậy phá khác, đảo lộn mọi thứ ở nơi cậu sinh sống. Không học thức, không lễ nghĩa, không cách cư xử, cậu chỉ sống theo bản năng sẵn có, như một con thú hoang được đem về thành phố nuôi nấng. Và cũng vì thế, cậu lại có được một sức mạnh thể chất vượt trội so với mọi người, bén duyên với bộ môn Kendo.
Thật sự nghe đến đây, chúng ta sẽ chẳng thấy có điểm chung gì giữa cậu và Kendo cả. Một bên quá trọng nghi thức, từ cách buộc mặt nạ, áo giáp đến cách chào hỏi và vung kiếm; một bên tự tung tự tác, không lề thói. Cậu không hề biết cách buộc mặt nạ, không biết đánh kiếm căn bản. Thứ cậu có là những đường kiếm loạn xạ bát nháo cộng với sự di chuyển linh hoạt và bản năng như loài thú săn mồi. Những trận đấu kiếm khốc liệt đến nghẹt thở, xen kẽ những trò đùa nghịch tai quái đã làm nên độ hấp dẫn đặc trưng của Teppi. Những hành động tai quái ấy của Teppi những tập đầu tưởng chừng sẽ khiến bộ truyện trở nên vô nghĩa, nhộn nhạo, một tác phẩm tùy hứng khuyến khích bạo lực ngỗ ngược, thế nhưng nó lại làm nổi bật ẩn những thông điệp đầy nhân văn.
Tác giả đã mượn câu chuyện thể thao để truyền tải những thông điệp nhân văn về nhân cách con người, không có ai sinh ra là người xấu xa; đề cao tầm quan trọng của giáo dục, của cha mẹ, của thầy cô; và chỉ có sự cố gắng nỗ lực của bản thân mới mang lại thành công. Một bể cá không thể đếm hết ngay được mà phải nhẫn nại vớt từng con sang hồ khác mới đếm được, cũng như kiến thức phải tích cóp dần dần; cái cây dại ấy không thể uốn hình ngay mà phải từ từ từng chút một.
Cậu bé Teppi hỗn hào đó bị đuổi khỏi trường Vệ Minh nhưng với tình yêu kiếm đạo, cậu đã cố gắng thi vào trường Đông Hải dù không biết một chữ nào trước đó. Cậu kiêu ngạo và phá phách, tự tin với đường kiếm bát nháo của mình nhưng lại thất bại một cách thảm hại trước một tay kiếm vô danh và nhận ra chỉ có tập luyện mới đem lại thành công. Cậu coi thường những đường kiếm cơ bản nhưng cuối cùng lại dùng chính nó đánh bại đối thủ mạnh nhất cuộc đời, nhận ra sự quan trọng từ những thứ giản đơn nhất. Và trên tất cả là tính cách của cậu đã dần thay đổi khi quay lại Minh Tuyền, khu rừng ngày xưa, nói chuyện thoải mái và đầy lễ phép với những người trong làng, một sự thay đổi đáng ngạc nhiên so với những tập đầu tiên.
Teppi cũng là bộ truyện tôi có nhiều nhất, xếp thành một chồng thì đủ các kiểu, quyển thì trắng phau phau, quyển thì vàng ố hết cả, dày mỏng có đủ. Có cả những lời cáo lỗi bạn đọc vì lượng giấy khan hiếm phải đổi sang loại giấy khác hay cắt giảm số trang, đó thật sự là một dấu ấn riêng biệt. Tôi vẫn luôn cho rằng chỉ cần nhìn cái chồng đó thôi ta có thể thấy cả lịch sử thăng trầm phát hành truyện tranh ở Việt Nam vậy. Cái kết của Teppi thật đẹp và nó trọn vẹn hơn Jindo chứ không để lại nuối tiếc. Ánh nắng của buổi sớm, của sự hy vọng về những điều tươi sáng tốt đẹp rạng ngời trên trang truyện. Hành trình của Teppi và những người bạn không bao giờ kết thúc, nó sẽ luôn tỏa sáng và còn mãi như thứ ánh sáng rạng ngời này vậy.
Một tác phẩm khác của ông là Ashita Tenki Ni Naare với bộ môn đánh golf đã được xuất bản với cái tên lạ lùng Tân Teppi, do sự tương đồng về nét vẽ và NXB Trẻ muốn vắt sữa trước sự thành công của Teppi. Mặc cho những bất hợp lí về nội dung, bối cảnh, nhân vật thì vẫn là nét vẽ ấy, phong cách ấy đã lại làm say mê biết bao thế hệ và lại gói gọn trong một từ thôi đó là CUỐN. Bộ truyện đã thay đổi cái nhìn của tôi về bộ môn golf, không còn là bộ môn của giới thượng lưu, của những ông sếp bụng to bên những sân chơi nghìn tỷ nữa, mà ở đó có sự phối hợp hoàn hảo giữa người đánh golf và người giữ gậy cùng những trận chiến cực kì khốc liệt. Mỗi cú đánh đều phải tính lực gió, xem lỗ golf, rồi thực hiện một cách bài bản, những cú hole in one bá đạo, những tình huống thót tim khi bóng rơi xuống hố cát hay không thể tìm thấy, sự hồi hộp căng thẳng trước những cú đánh quyết định.
EyeShield 21
Đây có thể nói là bộ truyện tôi thích nhất về tinh thần đồng đội, về cách khai thác nhân vật, cách chiến đấu ác liệt cũng như chiến thuật đỉnh cao. Được viết bởi Inagaki (đồng tác giả Dr.Stone) và minh họa bởi Murata (người vẽ bộ OnePunch Man), những cái tên chất lượng như thế nên tôi cam đoan bạn sẽ được thưởng thức một thứ truyện tranh tuyệt vời. Cách khai thác nhân vật trong EyeShield 21 thì phải nói đặc sắc, mỗi nhân vật được tạo dựng một cách cực kì rõ ràng và sắc nét, và cũng là bộ truyện shounen mà tôi cảm nhận các nhân vật nữ được đưa vào không phải để cho có hay mờ nhạt, khuất lấp hay khoe hàng.
Bàn qua một chút về luật của bóng bầu dục. Sân bóng có chiều dài 100 yard (91,44 m), cuối mỗi sân là vị trí end-zone, cầu thủ nào đặt được quả bóng bầu dục vào vị trí đó của đối phương sẽ ghi 6 điểm được gọi là cú Touch-down. Sau đó là cú đá vào cầu môn sẽ ghi thêm 1 điểm hoặc ghi điểm bằng try for point sẽ được 2 điểm, cú đá phạt thành công là bóng sẽ chui qua hai cột gôn cao và trên xà ngang, hiểu nôm na là chui qua chữ U này đó, sẽ được 3 điểm. Trên sân đấu sẽ gồm 11 cầu thủ, một số vị trí quan trọng là quater back (thủ quân, người phát bóng và chỉ huy chiến thuật), recevier (người bắt và phân phối bóng), line man (những người to khỏe có sức mạnh để đẩy, ngăn chặn đối phương), running back (người có khả năng bứt tốc và chịu trách nhiệm ghi những cú touch down), kicker (thường đảm nhiệm vị trí sút phạt). Thời gian mỗi trận thi đấu có thể kéo dài đến 3 tiếng, đây chính là bộ môn của những người đàn ông mạnh mẽ, một bộ môn khốc liệt đã chơi là chấn thương. Mà nếu luật như trên có rắc rối, không hiểu thì cũng chẳng sao, đọc truyện còn nhiều thứ rắc rối hơn cơ nhưng các chiến thuật đều được đưa ra và giải thích một cách rõ ràng.
Đây là câu chuyện về đội bóng Deimon Devil Bat, một đội bóng được thành lập bởi ước mơ, hi vọng với ban đầu chỉ vài thành viên. Đó là chàng mập Kurita sở hữu khả năng đẩy tạ lên đến 160 kg, nhưng lại rụt rè và nhút nhát ở vị trí line man. Tiếp theo là tên ác quỷ địa ngục Hiruma – đội trưởng của Deimon, một thiên tài đầy mưu mẹo có quả đầu như siêu xay da, để có thể miêu tả về anh chàng này thì chắc là giống Senku trong Dr.Stone nhưng mưu mẹo và tinh quái hơn vài lần. Cuối cùng là nhân vật chính, cậu nhóc Sena luôn bị bắt nạt, chỉ biết chạy chạy và chạy từ bé cho tới mãi sau này.
Chính Hiruma đã phát hiện ra tài năng của Sena trong việc chạy khi có thể đạt được tốc độ 40 yard (36 m) trong 4 giây 2, một tốc độ được coi là ánh sáng trong bộ môn bóng bầu dục. Hiruma đã đặt cho cậu cái tên EyeShield 21 mang ý nghĩa là biệt danh của một cầu thủ trung học nổi tiếng ở Mỹ với thể lực tốc độ hoàn hảo đã đi vào huyền thoại, bắt cậu phải che giấu danh tính của mình, đeo chiếc lá chắn mắt mỗi khi ra sân. Khi vào sân cậu là EyeShield 21 mạnh mẽ với tốc độ kinh hoàng ghi những điểm touch down, khi rời sân lại là anh chàng nhỏ bé, nhút nhát rụt rè dễ bị bắt nạt. Tôi cảm tưởng cậu như một vị anh hùng bí ẩn, mạnh mẽ, cái lá chắn mắt kia chính là bộ đồ không thể thiếu mỗi khi xung trận, như người bàn là không thể thiếu bộ giáp, siêu nhân không thể thiếu quần xì.
Và cứ thế theo tiến trình của truyện, các thành viên của đội bóng Deimon lần lượt được gia nhập, mỗi người đều được phát triển một cách mạch lạc và rõ ràng. Là khỉ Monta, một siêu dự bị môn bóng chày nhưng lại bén duyên, trở thành một trong những recevier mạnh nhất bóng bầu dục, là người bạn thân nhất của Sena; Komosubi mũi cà chua với chiều cao lùn tịt nhưng lại có sức khỏe phi thường, chuyên nói ngôn ngữ của những người đàn ông mạnh mẽ, thần tượng và coi Kurita là sư phụ; Yuki – một học sinh yếu ớt, chỉ biết chăm chú học hành, bị đóng đinh với hình ảnh mọt sách, quanh năm suốt tháng ngồi trong cung cấm với đống sách vở nhưng đã giác ngộ, phá bỏ đi rào cản khi nhìn thấy Sena chạy trên sàn đấu. Ba anh em họ Hả, Taki não phẳng, Suzuna, Mamori đã tập hợp lại thành đội bóng kiên cường. Và thành viên cuối cùng Musashi, bộ ba thành lập nên Deimon với Kurita và Hiruma, chàng kicker với những cú đá phi thường, đã từng phải rời bỏ đội bóng vì phải gánh vác công việc gia đình. Cái giây phút Musashi trở lại khiến tôi thật sự phấn khích, anh trở lại hùng dũng như một vị thần.
Nhớ về EyeShield 21 là tôi nhớ về những cơn mưa, nhớ về những giọt nước mắt. Nhớ về những giọt nước mắt của Sena khi đã cảm giác yêu quý bộ môn thể thao này như thế nào, nhớ lại mọi thứ đã kết thúc, cậu chạy một mình trong màn mưa ở sân trường. Tôi nhớ về những màn tập luyện khắc nghiệt, kẻ nào gục ngã sẽ bị bỏ lại, những giọt nước mắt của từng nhân vật, của Monta, Komosubi, Mamori, Suzuna, Kurita, và mái tóc của đội trưởng Hiruma che giấu đi nó. Nhớ về Yuki quật cường yếu ớt đã gục ngã trên con đường, Sena đứng nhìn cậu thật lâu dưới màn mưa rồi cõng cậu mà chạy tiếp đoạn đường còn lại.
Mỗi trận đấu diễn ra gói gọn đầy đủ cảm xúc, vui có, buồn có, điên rồ cũng có, bất khả thi cũng đủ cả. Chỉ biết một điều khi nào thời gian còn, họ sẽ tiếp tục chiến đấu, Sena sẽ tiếp tục chạy để ghi điểm, Hiruma sẽ tiếp tục chiến thuật, Monta sẽ tiếp tục bắt bóng, Kurita sẽ tiếp tục đẩy và chặn người, Musashi sẽ không ngừng sút. Khiêm tốn là điều ai cũng có thể làm, nhưng một khi đã tự nhận mình là số một rồi đi thách thức người khác thì khi thua thứ chờ đợi mình chỉ là sự nhục nhã ê chề, đã dùng chính cái tên của mình để đặt cược rồi thì nhất định phải thắng. Đó chính là những điều Musashi đã nói, cũng chính là điều Sena luôn tự cố gắng, luôn phấn đấu để xứng với cái tên EyeShield 21.
Cậu bé nhút nhát với đôi chân ma thuật đã vượt qua mọi đối thủ, tiến gần đến với danh hiệu đó, minh chứng cho tin đồn bằng thực lực của bản thân. Từng đối thủ mạnh mẽ bị khuất phục kể cả EyeShield hàng thật, buộc hàng real phải công nhận hàng fake. Running back mang tốc độ ánh sáng, Thần công 60 yard, những danh xưng của Hiruma đặt ra cho đội bóng để đối thủ khiếp sợ nay đã trở thành hiện thực với một nỗ lực luyện tập không biết mệt mỏi, bên cạnh Sena chính là Musashi. Trận đấu cuối cùng đó, cả đội Deimon đã thi đấu hết sức mình, không thể chạy, không thể bắt bóng được nữa, chỉ có thể ghi điểm bằng cú sút bóng, với khoảng cách không tưởng, 60 yard. Sena đã chiến thắng được EyeShield 21 thật và giờ là lúc Musashi cũng phải chiến đấu với danh xưng của mình, một cú sút gói gọn ước mơ của mọi thành viên Deimon, một đường cong được vẽ nên trên trời xanh, huyền huyễn đấy, cường điệu đấy nhưng lại đẹp đẽ đến lạ lùng.
Slam Dunk
Một bộ truyện thể thao đỉnh cao nhất, có thể sánh ngang với những bộ truyện chiến đấu, là lá cờ đầu của truyện tranh Nhật Bản, đó chỉ có thể là Slam Dunk, bộ manga về môn bóng rổ. Slam Dunk là một thuật ngữ trong bóng rổ, thay vì ném bóng để ghi bàn, cầu thủ sẽ bật thật cao, dùng tay của mình nhét thẳng quả bóng vào rổ rồi đu người trên đó một cách ngạo nghễ để ăn mừng. Nếu ném rổ thể hiện sự kỹ thuật hoa mỹ thì những cú Dunk lại thể hiện sự mạnh mẽ tầm vóc, ghi điểm theo cách này sẽ khiến khán giả phấn khích tột độ, máu trong người sẽ sục sôi muốn bùng cháy hơn bao giờ hết.
Bộ truyện này mang đến cho tôi một cảm giác rất thật, thật đến từng cử động, các kỹ thuật, tâm lý nhân vật và những giọt mồ hôi chảy dài trên người cầu thủ, không hề cường điệu và tất cả đều có thể tập luyện được ngoài đời. Những trận đấu bóng rổ cứ thế diễn ra một cách liên tục, không một giây nghỉ ngơi, tấn công, tấn công liên tục, ghi điểm rồi tái lập phòng thủ. Cái tạo nên thành công của Slam Dunk là sự đơn giản, chân thật.
Ba đầu truyện trên chúng ta đã được làm quen với các chàng lùn thì đây sẽ là một chàng kều với chiều cao gần 1m90. Đó là anh chàng Hanamichi với quả đầu đỏ rực. Tôi ấn tượng với quả đầu của anh chàng này, nó rất thật, nhìn nó ta có thể đoán được tính cách, chơi ngông, dễ nổi nóng nhưng lại rất máu lửa và quyết tâm khiến tôi liên tưởng đến thanh niên Nedu trong Jindo. Hình tượng Hanamichi đúng chuẩn khuôn mẫu với các tay anh chị học đường Nhật Bản, một đề tài rất được ưa chuộng dẫu trong thời kì nào đi chăng nữa. Màu tóc đỏ rực đó khiến cậu luôn luôn nổi bật, gây sự chú ý đến tất cả mọi người, qua đó càng làm rõ nét tính cách đặc biệt của bản thân khiến người đọc cực ấn tượng không thể quên nổi. Những bộ truyện, anime hiện giờ, người ta sẽ dễ dàng cho nhân vật một cái đầu quái dị, một màu tóc độc lạ để tạo ấn tượng nhưng tôi lại thấy nó nhạt nhẽo hơn bao giờ hết, hoặc là cái khẩu vị cảm nhận của tôi nó cứ dở dở ương ương vậy, nhớ mãi về quả đầu đỏ của anh chàng này thôi.
Bộ truyện ban đầu xoay quanh Hanamichi và nhóm bạn của cậu, đúng chất anh chị học đường Nhật Bản nhưng dần dần về sau các yếu tố thể thao càng xuất hiện rõ ràng và hướng về một bộ thể thao đúng nghĩa. Đó cũng là chiều hướng phát triển tính cách của anh chàng đầu đỏ này. Một anh chàng ngổ ngáo ban đầu chẳng biết một tí gì về bóng rổ lại bị cô gái dễ thương là Haruko lôi kéo. Cậu tiến đến với môn thể thao và dần nhận ra mình đã yêu thích nó từ bao giờ, muốn sống chết và cống hiến hết mình cho nó. Hanamichi sở hữu cho mình chiều cao lí tưởng và sự tiến bộ vượt bậc trong bộ môn này. Cậu tự gọi mình là vua bắt bóng bật bảng và luôn vào trận với tâm thế mãnh liệt nhất, sẵn sàng cứu bóng bất chấp chấn thương.
Và cũng vì là tay mơ nên ban đầu cậu chỉ biết dùng những cú Slam Dunk để ghi điểm. Tính cách anh chàng này càng được tô điểm đặc sắc khi trong trận đấu then chốt, chỉ vì sai lầm của mình mà để đội bóng của mình thua cuộc, anh đã cắt phăng mái tóc đỏ của mình để chuộc lỗi và ghi nhớ, cắt đi thứ từng là niềm tự hào, niềm yêu thích của bản thân mà để lại quả đầu đinh, bởi vì hiện giờ đối với anh bóng rổ là thứ quan trọng nhất. Một chi tiết nữa tôi cũng rất nhớ về Hanamichi là khi bị chấn thương rất nặng, trong cơn mê sảng cậu đã nhớ về câu nói của Haruko: “Cậu có thích chơi bóng rổ không? Tớ rất thích. Lần này thì tớ hoàn toàn nói thật.”
Bên cạnh Hanamichi là những người đồng đội trong màu áo Shohoku, mỗi người đều có câu chuyện riêng biệt rõ ràng. Là đội trưởng mạnh mẽ Takenori, người anh trai của Haruko luôn được gọi với cái tên khỉ đột, cũng là minh chứng cho việc không ai tài giỏi hoàn toàn khi trong quá khứ, anh là một người nặng nề chậm chạp, có khổ luyện mới thành tài. Ryota – một cầu thủ thấp bé hoàn toàn không phù hợp với bộ môn này nhưng lại có tốc độ linh hoạt, là một vị trí cực kì quan trọng trong đội bóng, biến những khuyết điểm thành thứ vũ khí đáng sợ. Thiên tài bóng rổ Rukawa, một con người lạnh lùng quyết đoán, cực kì thu hút và bóng rổ là thứ tồn tại duy nhất với cậu, và cũng là người mà Hanamichi luôn coi là đối thủ, mục tiêu để hướng tới. Có thể coi cả hai như hình mẫu đặc trưng cho những nhân vật đối trọng với nhau trong các bộ truyện sau này. Cả hai có thể không ưa nhau đấy nhưng vào những lúc nguy cấp, cần thiết, họ vẫn phối hợp với nhau để giúp cho Shohoku giành chiến thắng, thể hiện tinh thần đồng đội quan trọng hơn bao giờ hết.
Một mảnh ghép quan trọng khác nữa là Ono, một người đã từng được coi là thần đồng bóng rổ nhưng lại trượt dài và sa ngã. Nhưng trong thâm tâm cậu, bóng rổ vẫn là niềm đam mê không thể chối bỏ. Ono gia nhập băng đảng nhưng lại không hề hút thuốc lá bởi cậu vẫn ý thức được không để bản thân bị yếu đi, vẫn muốn một ngày nào đó quay lại với môn thể thao ấy. Và khi trở lại, cậu đã cắt phăng mái tóc dài của mình như để rũ bỏ hết quá khứ mà tiến về thể thao chính thống. Ono đã trở lại và trở thành vua ghi điểm của Shohoku.
Mà tôi cũng lại ấn tượng về những quả đầu nữa, bên cạnh hai quả đầu của Hanamichi và Ono là những quả đầu đến từ đội Sannoh – đội bóng mạnh nhất truyện mà Shohoku phải đương đầu. Đó là những quả đầu được cắt ngắn gọn gàng gần như trọc lông lốc, nghĩ lại giống các trùm ở các bộ truyện trên quá, đội bóng Kuminidai trong Jindo, quả đầu sư cọ của Yayni trong Teppi hay Agon trong Eyeshield 21. Có vẻ như trọc cũng là đặc điểm các tên trùm cuối, như tên trùm nào cứ đi săn hàng siêu thị giảm giá vậy á.
Cho đến bây giờ, Slam Dunk vẫn luôn nằm trong top các đầu truyện hay nhất Nhật Bản, là niềm cảm hứng vô tận với giới trẻ khi tiếp xúc với bóng rổ. Và đối với tôi cũng thế, khi nhắc đến bóng rổ là chỉ nghĩ đến Slam Dunk, nhớ về thứ truyện tranh đặc sắc chân thực hơn bao giờ hết. Mà Mito – người bạn thân của Hanamichi cũng ngầu không kém nữa, giá như tác giả cho cậu ta trở thành một phần của Shohoku thì cũng tuyệt vời biết mấy.
Touch
Đây chính là cái tên của vị tác giả cuối cùng tôi muốn giãi bày, tên ông ấy là Adachi Mitsuru, người ta hay gọi ông với tên thân mật “bố già”. Ông là chủ sở hữu của hơn 200 triệu bản in trên toàn cầu, được lưu danh bằng câu nói ở Nhật Bản rằng nếu bạn là giáo viên mà không biết đến Adachi thì đừng làm giáo viên nữa thì hơn. Thật vậy, nội dung trong các tác phẩm của ông đa phần đều nói về thể thao, về học đường, về tuổi trẻ đời thường với một phong cách không lẫn đi đâu được đã gần 50 năm nay, thậm chí là còn trùng lặp, cố chấp, thậm chí ông còn chẳng phân biệt được các nhân vật của mình. Mọi người hãy thử nhìn cái bức ảnh dưới về các nhân vật chính của con người này đi.
Nói thế thôi chứ thời gian đầu đọc truyện của ông, tôi cũng chả thể nào phân biệt nổi nhân vật nào với nhân vật nào, cày song song hai bộ lắm lúc còn thấy chúng nó giống nhau. Bởi vẫn những nét vẽ quen thuộc, những câu nói ẩn ý đầy tinh tế mang lại những nét hài hước đặc trưng, những khung cảnh đời thường chân thật, những khung tranh không lời, tất cả đã tạo nên một phong cách riêng biệt khiến người đọc say mê. Mà chỉ cần biết truyện này là của Adachi, tôi hoàn toàn yên tâm chọn cho mình một chỗ ngồi đẹp, thực hiện đủ thứ nghi lễ và lật giở từng trang. Từ Touch, Rough, H2, Cross game, Katsu!, nhiều nhiều nữa cho đến tận bây giờ là Mix, truyện của ông vẫn có một ma lực thần bí nào đó cuốn hút lắm. Mà đọc không phải một lần, đọc nhiều lần, đọc đi đọc lại mới chợt nhận ra ngày trước mình đã bỏ quên đi mất chi tiết này, cái cười mà nó đem đến không cuồng dại mà nó ấm áp và nhẹ nhàng như mặt trời đang sưởi ấm trong lòng, có thể khiến ta bật cười một cách vu vơ, vui vui đến lạ trong ngày mới. Vì vậy truyện của ông vẫn là ưu tiên số một của tôi khi rong ruổi trên con đường tìm lại kí ức trong những hội sách cũ.
Không giống các bộ truyện trên khi khai thác nhiều về thể thao, truyện của Adachi thông qua thể thao để vẽ nên cái đời thường, vẽ nên những khung cảnh chân thực cuộc sống, là tình yêu, là tình bạn, tình cảm gia đình ruột thịt, ước mơ, hoài bão tuổi trẻ. Mang những yếu tố tình cảm nhưng truyện của ông lại cực kì ẩn ý và tinh tế, không nói những lời hoa mỹ, không cần những điều đao to búa lớn, không ôm hôn nồng thắm hay những khung cảnh lãng mạn mà chỉ cần một câu nói ẩn ý, một hành động tinh tế hay khó nói quá họ sẽ nhờ thể thao làm cầu nối, là ước mơ đến Koushien, ước mơ được đứng trên sàn đấu thể thao để thỏa mình.
Sẽ thật là khó chọn hay có thể nói là độc ác nếu phải so sánh những tác phẩm của ông với nhau vì chúng thật nhẹ nhàng, thật tinh tế và thật an bình mà những khi gặp tình trạng khó ở, tôi sẽ chọn truyện của ông để bình tâm. Tôi muốn viết nhiều lắm về các tác phẩm của ông, muốn khai mở lắm cái thế giới đó. Tôi đành chọn Touch để khai mở thế giới đó vì đây cũng là tác phẩm đầu tiên tôi đọc của ông, lại truyện đầu tiên nữa nhưng biết sao giờ, bởi ta yêu cái hương vị đầu tiên, nhớ cái ấn tượng ban đầu, thích cái giai điệu ngày đó và quên sao được những cái rung động thuở đầu đời. Touch là một thứ như thế.
Touch (tầm với) đã từng được xuất bản ở Việt Nam với cái tên “Anh em sinh đôi”, tác phẩm nổi tiếng nhất của Adachi, một tác phẩm mà cõ lẽ tôi lại phải lặp lại những từ như nhẹ nhàng, ấm áp, tinh tế bởi với vốn từ hạn hẹp của mình tôi cũng chẳng biết diễn tả ra sao nữa. Khi lần đầu cầm quyển truyện “Anh em sinh đôi”, tôi đã nghĩ tranh vẽ như dành cho bọn con gái thế này ai mà thèm đọc, thế nhưng đến giờ nét vẽ của ông lại luôn ấn tượng với tôi nhất, quen thuộc và đẹp đẽ nhất.
Cả ba đứa trẻ cứ thế lớn lên cùng nhau cho tới khi hai anh em nhà Uesugi nhận ra sự khác biệt của tên còn lại, hắn nay đã trở thành một cô bé xinh đẹp. Hai anh em và một cô gái, một motip quen thuộc đến nhàm chán nhưng Touch không đi theo cái lối kể đầy hận thù chém giết đến mấy kiếp hay u uất khóc hận phải hét lên giữa trời xanh, đơn giản thôi đó là sự nhẹ nhàng. Nhật Bản là quốc gia yêu bóng chày, yêu đến điên dại, si mê, với thế hệ các học sinh cũng thế, ước mơ được đến, được chơi ở Koushien – sân vận động tổ chức vòng chung kết bóng chày học sinh toàn Nhật Bản dưới sự cổ vũ của hàng ngàn người là điều duy nhất họ mong muốn thời trai trẻ, có thể kể lại với con cháu bằng một phong thái tự hào và ghi những dòng hồi kí vào trang đẹp đẽ nhất của cuộc đời. Đó cũng là ước mơ của hai anh em và Minami – cô bé hàng xóm.
Hai anh em sinh đôi là Tatchan và Katchan dù giống nhau ở ngoại hình nhưng tính cách mỗi người mỗi khác. Người em Katchan đứng đắn, mẫu mực, chăm chỉ cần cù, là tay ném chủ lực của đội bóng, còn người anh Tatchan lại trái ngược hoàn toàn, lười nhác, ba lăm, nói đúng hơn là hình mẫu đặc trưng của các nhân vật chính trong truyện của Adachi. Cả hai khác nhau như thế nhưng đều có tài năng về thể thao và hơn cả đều yêu quý Minami – cô bạn hàng xóm thời thơ ấu, cùng một mong muốn Minami sẽ được hạnh phúc mà mỗi người đều có cách thể hiện khác nhau. Hai anh em họ khác nhau đấy, có thể coi là đối thủ đấy nhưng giữa họ vẫn là mối quan hệ máu mủ tình thân, họ vẫn quan tâm và yêu thương lẫn nhau. Đó là khi người anh Tatchan ngủ cả ngày rồi thao thức, bật dậy giữa đêm đắp chăn cho người em mệt mỏi đang say ngủ vì tập luyện, để sáng hôm sau khi Katchan dậy sớm tập luyện cũng lại đắp chăn cho ông anh ngốc đang ngủ say. Và cứ thế cái ấm áp tinh tế của bộ truyện cứ thế được trải dài, xen kẽ những trận bóng chày quyết liệt đầy khao khát tuổi trẻ mang đậm những nét riêng biệt của Adachi.
Tôi muốn viết nữa viết tiếp về cái cốt truyện tuyệt vời của Touch, nhưng cứ viết thật dài rồi lại xóa đi, cứ thế không biết bao nhiêu lần rồi bởi nó đơn giản nhưng lại nhiều hàm ý, nó dễ đoán nhưng lại khó lường. Mà tôi cũng chả biết mình đang viết gì nữa nhưng cũng đủ để khi đọc lại bài viết này thì chắc phần hồn trong người sẽ hiện ra và nói “Sao còn chưa đọc lại Touch, sao còn chưa bước chân vào thế giới của Adachi đi!”. Ừm, điều đó thì tất nhiên rồi. Đến giờ tôi vẫn đang ngóng chờ Mix, câu chuyện lấy bối cảnh 20 năm sau của Touch, cũng tại ngôi trường của Tatchan, Katchan và Minami nhưng chắc còn lâu lâu lắm “bố già” mới sáng tác xong.
Lời kết
Truyện tranh đối với tôi như một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Có những lúc phải buộc lòng bán đi những quyển truyện, tôi cảm thấy như bán đi linh hồn mình và buộc phải biết rằng trong đời, chúng không thể đi theo mình mãi mãi. Tôi chẳng quan tâm tiền bán được bao nhiêu, tôi chỉ buồn, chỉ lo những quyển truyện của tôi sẽ vào tay những người không biết nâng niu, bôi bẩn lem nhem, một tay cầm truyện, một tay ăn uống, sẽ bị đối xử tệ bạc, bị gấp nếp, bị xé nham nhở một cách thiếu trách nhiệm. Nhưng hiện giờ tôi vui vì đã có thể viết nên danh sách này, vui vì đã có thể chôn giấu một phần linh hồn mình ở đây. Để những hôm trái gió trở giời, lòng bất ổn đầy hoang mang, tôi có thể tìm lại chính mình ngày đó, đã từng say mê và cuồng dại đến vậy.
Ngày xưa nhiều truyện hay để xem, mấy truyện ra sau này đa phần trash
Mấy bộ này toàn huyền thoại cả rồi, thêm bộ Dan Doh đánh golf nữa cũng hay
Bài viết nhắc lại kỉ niệm một thời của mình. … 32 tuổi rồi nhưng giờ vẫn thích đọc truyện tranh, những bộ truyện nêu trên là những truyện có lẽ mình đọc đi đọc lại không dưới 10 lần.
Ông anh trai của em năm nay cũng gần đầu 30 rồi vẫn đọc truyện tranh. Có lẽ truyện tranh là một cái gì đó đặc biệt lắm khi hai anh em đã sống và lớn lên với nó. Em vẫn chưa đến tuổi đó nhưng chắc chắn sau này vẫn sẽ đọc, mãi sau này chắc vẫn vậy. Cảm ơn cụng ly của anh lắm.