Hè năm 2015, lần đầu tiên tôi biết đến cái tên này qua Metal Gear Solid V: The Phantom pain, rất nhiều người bàn tán về nó, đúng là game bom tấn có khác, đồ họa quá sức lung linh! Tôi biết dù đây là phần 5 và tôi chưa hề chơi hay xem walkthrough bất cứ phần nào trước đó nhưng vẫn muốn chơi thử, và cảm nhận sau khi hoàn thành prologue và episode 1 là: Đây là ai ? Tôi là đâu ?? Mấy người này là ai ???? Cho dù gameplay khá chất nhưng vì sự mông lung do thiếu hiểu biết về series này nên nó tạo cho tôi cảm giác không thoải mái, và quyết định dừng chơi, 1 thời gian sau, tôi bắt đầu nổi hứng tìm hiểu về MGS, bằng cách tìm walkthrough của MGS1 (1998) nhưng kết quả khá là giống ở trên, vì tôi hoàn toàn không biết trước đó còn 2 phần được sản xuất từ 1987 và 1990. Lại 1 lần nữa tôi phải mò mẫm trên internet, và phát hiện ra là trình tự thời gian qua các phần của MGS không đơn giản như là từ a đến z, nó xuất phát ở 1 khoảng thời gian lưng lửng ở giữa timeline của dòng game, và dần dần các phần sau sẽ lấp đầy plot hole cho các phần khác. Tôi thực sự bị ấn tượng bởi cách kể chuyện này, và bắt đầu xem walkthrough của các phần theo đúng trình tự thời gian.
Bắt đầu với Metal Gear Solid 3: Snake Eater, mở đầu game là 1 cái cutscene khá chất lượng làm tôi nghĩ đây giống như 1 bộ phim hơn, và rồi cả nhạc opening của nó nữa – Snake Eater, lúc nghe tôi vẫn chưa hình dung ra ý nghĩa đằng sau lyrics của nó là gì nhưng thực sự giai điệu và giọng hát mạnh mẽ rất quần hút. Nhân vật chính, Naked Snake do David Hayter lồng tiếng có 1 chất giọng cực ngầu đã trở thành thương hiệu cho cả series, rồi đến các nhân vật khác, tất cả họ đều có 1 cách gây ấn tượng riêng, không hề bị phai nhạt hay lẫn với ai được. The Boss – Mẹ đẻ của các lực lượng tác chiến đặc biệt – người thầy, người mẹ, hay người tình của Naked Snake ? Lằn ranh giới giữa 3 khái niệm đó dường như trở nên không rõ ràng với Snake, họ đã cùng vào sinh ra tử hơn 10 năm, khó để cho 1 ai có thể hiểu được mối quan hệ này. Rồi đến biệt đội Cobra của bà ấy, toàn những lão già có tính cách và khả năng kì quái và rất khó nhằn, gồm có The Pain, The Fear, The End, The Sorrow, The Fury. Tay tướng quân Soviet điên khùng Volgin thẳng tay nã 1 đầu đạn hạt nhân xuống đất nước mình, hay những điệp viên luôn làm ta bối rối không biết là nhân vật phản diện hay chính diện như Revolver Ocelot hay Eva. Điểm cao trào của game là khi Snake phải chính tay mình giết The Boss, người đã từng nuôi dạy mình, 1 người lính luôn trung thành với tổ quốc cho dù tổ quốc có phản bội và vứt bỏ bà vì tội lỗi họ gây ra, bà không thiết gì đến bản thân, bà đã trao tất cả đời mình cho Snake. Hoàn thành nhiệm vụ vì đất nước, nhưng khi xuống mồ lại phải mang danh kẻ phản quốc đáng khinh, giờ tôi mới hiểu được những dòng lyrics của bài hát Snake Eater kia, chính là những lời của The Boss muốn nói với Snake: “I gave my life, not for honor, but for you”. Snake lúc này được phong tặng danh hiệu Big Boss vì là người hùng ngăn cản được cuộc chiến giữa Mỹ và Nga, nhưng cái giá phải trả đối với anh là quá lớn – 1 người mà anh mang ơn cả đời. Cảnh cuối cùng khi Snake nghiêm chào trước mộ của The Boss, anh rơi nước mắt, và tôi cũng vậy. “She was a true patriot”.
Rồi đến Portable Ops, Peace Walker, Ground Zeroes, The Phantom Pain, sự chuyển biến về tính cách và cách suy nghĩ của Big Boss dần làm tôi trở nên mông lung về khái niệm thiện và ác, cách mà ông ta đối xử với Venom Snake, như thể anh ta chỉ là con mồi nhử để đánh lạc hướng những kẻ muốn giết Big Boss thật, từ 1 người luôn coi đồng đội là gia đình mà trở thành 1 kẻ độc tài muốn thống trị sức mạnh hạt nhân và quân sự trên toàn thế giới. Tôi thấy cách mà Venom đối xử với đồng đội của mình rất nâng niu và trân trọng, như thể đại diện cho Big Boss thật trong khoảng thời gian mà ông chưa bị tha hóa và trở nên mù quáng vì lòng hận thù.
Câu chuyện của Big Boss tạm gác lại khi chuỗi ngày tung hoành hủy hoại thế giới của ông bị chấm dứt bởi Solid Snake, 1 lính đánh thuê tình cờ lại là đứa con nhân bản vô tính của ông, là anh em sinh đôi của Liquid Snake trong dự án Les Enfants Terribles (The Terrible Children) của Zero nhằm tạo ra chiến binh hoàn hảo nhất. Xung đột giữa 2 anh em Solid và Liquid đã trở thành yếu tố kinh điển khi mà nhắc đến Metal Gear là người ta đã nghĩ ngay đến nó. Nếu như câu chuyện của Big Boss đầy những bi thương và những gam màu u tối, thì của Solid Snake mang đầy sự hùng tráng và những bài học mang đầy tính nhân văn. Metal Gear Solid 4: Guns of the Patriots, đánh dấu kết thúc chặng đường của thế hệ người cũ, những con người từng tự dày vò lương tâm mình, biến thế giới trở thành 1 nơi hỗn loạn để đi tìm 1 thứ gọi là “tự do”.
Cả 2 người đàn ông, Big Boss và Zero, đã không thể hiểu được nguyện ước lúc đang hấp hối của The Boss, để rồi mỗi người chọn 1 con đường riêng để thực hiện chung 1 mục đích, người muốn thống trị tất cả để đưa thế giới hòa vào làm 1, người muốn đưa con người thoát li hoàn toàn khỏi các bộ máy chính trị để được tự do, để rồi bỏ lại sau lưng những lí tưởng cao đẹp đó chỉ toàn những đau thương. Lời nói của Big Boss với Solid Snake: ”Let it go, my son, I’m not here to fight” cùng 1 cái ôm thật chặt giống như vừa xoa dịu tâm hồn đang bị dày vò bởi chiến tranh của Solid Snake. “It’s over, time for you to put aside the gun, and live” cuộc chiến của anh đã kết thúc, tâm hồn của Snake giờ đây đã có thể được thanh thản, kỉ nguyên của những kẻ mù quáng đã từng suýt đẩy thế giới đến bờ vực diệt vong bằng những cuộc chiến không hồi kết giờ đã kết thúc. Thay đổi thế giới – ước nguyện của The Boss không có nghĩa là phải ép nó theo guồng quay của chúng ta, mà là cố gắng để yên mọi thứ theo cách nó vận hành, tôn trọng lý tưởng của mỗi người và tin vào của chính mình. Câu chuyện của Big Boss bắt đầu với hình ảnh ông hút điếu cigar, và kết thúc cũng bằng hình ảnh ấy trước khi ông qua đời, để lại 1 cảm xúc nghẹn ngào đến khó tả, 28 năm, 1 chặng đường.
Phần nhạc game có lẽ là 1 nửa yếu tố làm tôi yêu say đắm cái series này, 1 thiên trường ca về những người lính. Cốt truyện sâu sắc, đậm tính nhân văn, plot twist bất ngờ, pha lẫn những trò đùa khó hiểu của Hideo Kojima, tất cả để lại cho chúng ta nhiều điều phải suy nghĩ, những cảm xúc không thể nào quên, 1 tên tuổi không bao giờ trở nên già cỗi – Metal Gear Solid.