Phần trước chúng ta đã tìm hiểu qua về Steam cũng như cách thức vận hành của Steam Market. Ở phần hai này chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về những thứ ẩn sau Steam Market. Đây không là những công thức tài chính hay những lời khuyên chuyên môn mà thuần là những chia sẻ cá nhân của người viết bài.
Trước hết xin giới thiệu một chức năng của Steam, gọi là commodity. Commodity là một chức năng cho phép người mua đặt giá mức mua của mình. Nếu có bất cứ sản phẩm bán nào ở mức đó hoặc thấp hơn mức đó thì Steam sẽ tự động mua. Đây là cách hữu hiệu để đặt mua một số lượng lớn vật phẩm hoặc “săn” những món đồ giảm giá đặc biệt.
Nhìn vào bảng trên ta thấy vật phẩm đang có 73840 người rao bán với mức giá thấp nhất là 0,49 $. Trong đó có 1 đơn hàng đặt giá bán là 0,49 $, 6 đơn hàng đặt giá bán là 0,50 $, 8 người đặt giá bán là 0,51 $ và tiếp tục. Ở phía bên người mua có 106831 đơn đặt hàng với mức đặt mua cao nhất là 0,49 $ (1 người). Tương tự có 2 đơn hàng đặt mức giá 0,48 $, 1731 đơn hàng đặt mức giá 0,47 $ và tiếp tục. Quy tắc là đơn mua cao nhất nếu lớn hơn hoặc bằng đơn bán thấp nhất thì tự động mua, ở đây chúng ta thấy có 1 đơn hàng có mức mua và bán cùng là 0,49 $. Vậy Steam sẽ tự động xác nhận và tiến hành mua và bán cho 2 đơn hàng này.
Bảng thứ hai của commodity sẽ cho chúng ta thấy nhu cầu của vật phẩm. Màu xanh dương là nhu cầu mua và màu xanh lá là nhu cầu bán.
Thế giả sử bên bán người ta “chán đời” hoặc “nhầm số” mà bán món đồ này với mức giá 0,049 ~ 0,05 $ (rẻ hơn 10 lần) thì sao? Nguyên tắc là người mua trả giá cao nhất được mua với mức giá được đề nghị ở bên bán, ở đây là người đặt lệnh mua 0,49$ sẽ được mua món đồ đó với giá chỉ 0,05 $. Con số bé có thể làm bạn không thấy mức độ của vấn đề nhưng giả sử một món đồ 1000$ mà người bán “ghi thiếu 1 số 0” chỉ còn 100$ thì sao? Vâng bạn lời 900$, chỉ cần đặt lệnh mua cao nhất ( hơn lệnh mua cao thứ nhì 0,01$ cũng được).
Vậy ứng dụng của commodity là như thế nào? Khi được gọi là đầu tư thì chắc chắn chúng ta không dựa vào “may mắn” và dành cả ngày để chỉnh giá và cầu nguyện. Ví dụ trên chỉ là ví dụ vui vẻ để những trader (người buôn bán) giải khuây cho nhau. Ứng dụng cụ thể của commodity sẽ được nhắc đến ở phần sau của bài viết. Trước hết hãy cùng phân tích một chút về Steam Market
Steam Market là một thị trường và nó tuân thủ đúng những quy tắc thị trường. Cụ thể là đồ thị sẽ là hình sóng và tuân thủ theo quy tắc Elliott.
Nếu là quy tắc thì hẳn phải dự đoán được? Đúng là vậy, chúng ta có thể dự đoán và tính toán được những dao động nhỏ theo chu kì. Nôm na là nếu không có gì tác động từ thị trường thì với dữ liệu mẫu (thường là một tháng hoặc lâu hơn tùy món hàng) chúng ta sẽ tính ra được những thời điểm giá sẽ đi lên hay đi xuống. Bạn bán ở đỉnh và mua lại ở đáy, suy luận thì là vậy nhưng hãy nhớ mức thuế 15% ở đây. Cái 15% này hầu như sẽ ăn hết khoản lãi của bạn từ hành động trên. Một chuyên gia tài chính không thể dùng thuần toán học để lấy tiền từ Steam được, chúng ta phải có một thứ rất quan trọng khác, đó là kiến thức về thị trường và hiểu biết về món hàng.
Vài năm trước khi thị trường trade đồ còn phổ biến thì có nhiều trang web chuyên về hình thức này. Tựu chung mỗi trang web có một “giá cả” riêng cho từng món đồ và tuy rằng nó gần gần nhau nhưng bạn có thể lợi dụng sự chênh lệch cũng như sự điều chỉnh chậm chạp giữa các nơi để kiếm chút chênh lệch. Ví dụ đơn giản như là một món đồ tên là Key trong Dota 2 từng phổ biến cách đây nhiều năm. Con số lấy từ hồi mình bắt đầu tìm hiểu thì Key mua trực tiếp trên Steam là 2,49$. Mua ở thị trường ngoài nhưng vẫn dùng $ thì Key có giá khoảng 2$. Tuy nhiên mua bằng tiền VND thì Key chỉ có giá 37000 VND. Tại sao có sự chênh lệch này? Bởi vì có rất nhiều “thị trường” tiêu thụ Key và Key được sử dụng như một giá trị tương đương. Do không có một quy chuẩn riêng nên có nhiều cách để lợi dụng điều này kiếm lợi. Giống như bạn bỏ công sức và liều một chút để có thể mua Key giá rẻ hơn (càng liều thì càng rẻ), ở đây luôn có cách cho những bạn đủ thông minh để nhìn ra và quan trọng hơn là đủ liều. Mình quen một người anh chỉ mua – bán – trao đổi các vật phẩm trong game Dota 2 thời kì đó và kiếm được cả trăm triệu nhờ việc này. Mua Key “bẩn” với giá rẻ (tầm 30 000 VND) và ngay lập tức dùng Key đó đổi ra vật phẩm được tính toán trước (công đoạn này giống như “rửa” Key, không cần lãi). Vật phẩm đó được mang lên một trang web và trao đổi với những vật phẩm mà anh ấy dự đoán sẽ tăng giá trong thời gian tới (ảnh dưới). Do uy tín và thu mua số lượng lớn nên anh ấy (tạm gọi là anh A) có nguồn hàng sẵn và mua được giá rẻ. Những vật phẩm được lựa chọn đó sẽ được anh A bán lại ở trang web khác hoặc trên Steam Market khi được giá. Có những chức năng và phần mềm Auto giúp việc này và việc chủ yếu cần làm làm là tính toán và giao dịch ở số lượng lớn. Sẽ có rủi ro nhất định nếu Steam phát hiện đó là Key “bẩn” và Ban (khóa) tài khoản đó, nhưng anh A luôn có nhiều nick dự phòng và phân chia nhiệm vụ rõ ràng, việc Ban một nick không làm gián đoạn một hệ thống. Anh A coi đó như tiền rủi ro và là một phần tất yếu. Số lượng lớn, hệ thống tự động, thị trường lộn xộn, máu liều cùng khả năng quan sát nhận biết đã giúp anh A kiếm được cả trăm triệu tiền lãi từ việc này. Vừa học vừa chơi mà 2 năm vẫn dư ra được 100 triệu, không tệ chứ nhỉ?
Tuy nhiên anh A vẫn chưa phải dạng “có số có má” của thị trường đặc biệt này. Lí do anh A “giải nghệ” là vì có nhiều đối thủ mạnh hơn thâu tóm. Cách đây cũng một thời gian Steam mạnh tay xóa bỏ Key và tấn công vào các trang buôn bán thứ 3 nhằm tránh tình trạng cá độ, cờ bạc (vốn là thế mạnh của các web này) và thu thị trường về một mối (Steam Market) thì các “tay to” đó bung ra dành hết thị phần. Họ thu mua các món đồ đang lao đao trong bão giá và đẩy mạnh tính “độc quyền” lên. Cách đây vài năm DC Hook (món đồ thương hiệu của Dota 2) có giá chỉ khoảng 120 Key (gần 4 triệu) mà giờ đã lên 7 triệu. Cái giá này mới chỉ là do tính “ép giá” của thị trường chứ không có một sự tác động đặc biệt nào đến từ nhu cầu cả. Câu chuyện sẽ còn khác đi nhiều nữa nếu bàn đến nhu cầu và tâm lý người dùng và sự tác động của nó lên giá cả nói chung. Đây mới chính là nguyên nhân tạo nên những cú tăng và giảm thần tốc trên biểu giá.
Chúng ta có thể hiểu rằng lợi nhuận trên Market đến từ tổng hợp về khả năng của nhiều thứ: tư duy toán học của chúng ta, hiểu biết về cơ chế, cách thức (cũng như lỗ hổng) của hệ thống, tầm nhìn cũng như hiểu biết về riêng từng thị trường (từng món hàng) nhắm vào. Có thể nói Steam Market tiền thân là sân chơi của Dota 2 và CSGO, hai game “bá chủ” của Steam mà theo thành công lan mô hình sang cho các trò chơi khác. Việc Valve quyết tâm biến Market thành thị trường buôn bán duy nhất của các trò chơi trên Steam đã thành công được phần nào. Đây là thị trường chung, tâm lý người tiêu dùng sẽ là một nhân tố quan trọng. Ở phần tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu tâm lý chung của người dùng Market và qua đó đạt danh hiệu “người tiêu dùng thông minh” trên Steam Market này.