Top 30 games offline yêu thích nhất theo kinh nghiệm bản thân từng chơi qua – Phần 2

Huyền thoại ★

  

Nếu bạn đã là một người yêu thích thế giới game, thì tuyệt nhiên bạn hoàn toàn có thể nhận ra được nó có ý nghĩa trong cuộc sống của bạn nhiều đến mức độ nào. Tôi khá là chán ghét các định kiến về game của nhiều người, với tôi chúng có ý nghĩa rất nhiều, khi thông qua game tôi có thể bước vào cả một thế giới đầy đam mê và giúp tôi chìm đắm vào sự tưởng tượng mà quên đi buồn phiền từ thế giới bên ngoài. Và giờ đây tôi mong muốn tạo ra một list bự về game và cả lý do vì sao tôi yêu thích chúng đến như vậy để mọi người có một cái nhìn hoàn toàn khác về ngành công nghiệp này, và tất nhiên tôi sẽ chú trọng những yếu tố khác mạnh hơn cả yếu tố giải trí. Sau đây sẽ là 30 games tốt nhất tôi đã kinh qua, và tôi sẽ cố gắng để giới thiệu thêm nhiều game nữa theo tôi đánh giá là khá tốt dến thậm chí tuyệt vời, mặc cho tôi đã chơi qua hay chưa.

Xin nhắc trước, thứ tự những yếu tố để tôi yêu thích một game là như sau: Câu chuyện – Nhân vật – Lối chơi – Đồ Hoạ – Ý tưởng. Vì thế list của tôi vẫn mang yếu tố rất chủ quan cũng như không phải game nào tôi cũng kinh qua rồi vì những hệ máy khác nhau, bản quyền, v.v… Mong các game thủ thông cảm. Và mỗi series chỉ ráng chọn ra một game thôi nhe, dù thật sự rất muốn ghép nhiều game vào một vị trí hoặc nhiều game của một series, và tôi sẽ cố gắng đa dạng hoá thể loại game nhất có thể.

Cũng xin mọi người hãy nhớ một điều kể từ đây, ở mấy bài top này của tôi thật ra chỉ là theo thứ tự tôi có thể nghĩ đến đầu tiên khi được hỏi câu “Bạn thích game nào nhất?” nên có thể sẽ không phù hợp với nhiều người về thứ tự lẫn concept, nhưng hãy xem thử nhé.

PS: Tôi ít chơi game online, thế nên xin hãy hiểu vì sao tôi không đem game online vào list này.

PPS: Tôi không có XBOX 360, XBOX One, Wii (chỉ có giả lập Dolphin chưa chơi gì nhiều), PS3 và PS4… Nên có những game exclusive tôi chưa được chơi không có mặt cũng xin thứ lỗi (như The Last of Us, Uncharted, Halo, Ninja gaiden chẳng hạn).

PPPS: Đây là list của tôi, và sẽ dành nhiều yếu tố tình cảm hơn là chuyên môn… chắc sẽ không hợp ý nhiều người, nhưng mọi người cứ đóng góp ý kiến nhé.

20. Max Payne 2: The Fall of Max Payne

Trong ba bản Max Payne, nếu ai đã xem bài kể về Max của tôi sẽ biết tôi dành tình cảm lớn nhất cho Max Payne 2, mặc cho nó đã 14 tuổi rồi.

Tôi đánh giá đồ hoạ là yếu tố thứ 4, thế nên Max Payne 3 không được chọn cũng có thể hiểu được, nhưng yếu tố lớn nhất làm cho cảm tình của tôi với hai tựa game Max Payne đầu tiên lớn lao hơn vẫn là cách kể chuyện như truyện tranh, âm nhạc sầu não và cái màu xám xịt bao trùm cả game.

Cách kể chuyện xuất sắc về cuộc đời khốn khổ của Max khi dính đến Mona Sax và The Cleaners lẫn phải chống lại đồng nghiệp, gameplay được tuốt lại chỉn chu hơn phần 1, bullet time luôn là một điểm cộng và những yếu tố bất ngờ khác làm cho Max Payne 2 dù ngắn vẫn có dấu ấn rất đậm nét. Cả về lối chơi lẫn câu chuyện, sự dữ dội của nó được tăng lên rất đáng kể nhưng không quên cho chúng ta những khoảng lặng để ta không thể quên được sự âm u bao quanh gã đàn ông bất hạnh ấy.

19. Stardew Valley

Từ bỏ chốn chặt chém, những câu chuyện phức tạp hay những pha combat ngoạn mục hay những pha xả đạn liên hoàn, hãy về Pelican Town và nhận lại mảnh vườn của người ông quá cố và bắt đầu một cuộc sống điền viên mới ở nền đồ hoạ 16-bit thân thương với những kẻ hoài cổ. Kế thừa những tinh hoa của Harvest Moon (cũng là một series hay) và thậm chí còn nâng tầm với những NPC vô cùng thú vị, Stardew Valley có một content rộng lớn hơn rất nhiều so với cái khái niệm “game làm vườn” mà nhiều người sẽ nghĩ đến. Trồng một mảnh vườn, nuôi vài con gia cầm hay gia súc để lấy nông sản, câu và bán vài con cá, đào mỏ tìm đá quý, thực hiện các nhiệm vụ được đưa ra và giải mã những bí ẩn của làng… gần như không ngày nào đủ thời gian để chúng ta làm được những việc mình muốn trong Stardew Valley cả, và đó là cả một trải nghiệm tuyệt vời.

18. Sherlock Holmes: Crime and Punishment

Khi biết được thủ phạm là ai, bạn sẽ làm gì, giao nộp hắn hay thấu hiểu và để cho hắn tiếp tục tự do vì một nguyên nhân cụ thể nào đó? Đó chính là chủ đề bao quanh tựa game này khi bạn vào vai Holmes và sử dụng khả năng quan sát lẫn suy luận của vị thám tử lừng danh để phá án, để rồi sử dụng lương tâm của anh mà “phán án”. Hình ảnh chân thực đến trần tục và cả kinh dị, lồng tiếng xuất sắc và những vụ án rất đa dạng và phức tạp (thậm chí còn có một số quen thuộc từ sách ra như Peter Đen hoặc Tư trang Abbey Grange) sẽ khiến cho bạn hoàn toàn có cảm giác được trở về thời Victoria và theo chân Holmes như cái cách Arthur Conan Doyle đã làm. Hay nhất, nó hoàn toàn không có sự tuyến tính, bạn phải tự suy luận và tìm ra hung thủ sao cho hợp với đường lối suy luận mình đã đưa ra, và sự thật hay đáp án đúng chỉ được công bố sau khi bạn đã hoàn thành một vụ án để biết mình đã thành công hay thất bại khi làm Holmes.

Bạn nghĩ rằng công lý lẽ ra nên luôn được thực thi, giết người thì phải bị bỏ tù phải không? Và Sherlock Holmes vốn là một người coi trọng pháp luật thì sao lại có việc lựa chọn “bắt hay thả”. Thật ra thì có phải vụ án nào Holmes cũng bắt tội phạm đâu, thậm chí biết kết quả nhưng chẳng nói cho ai nghe, hay có những câu chuyện đằng sau đấy cho thấy mọi thứ phức tạp hơn hẳn, game này cũng đưa ra những viễn cảnh như vậy để ta thay Holmes lựa chọn. Và dĩ nhiên, nếu nhận ra bạn sẽ thấy game dựa vào tựa sách của Dostoyevsky.

Note: ba game Sherlock Holmes hay nhất tôi từng chơi là The Testament of Sherlock Holmes, Crime and Punishment và Devil’s Daughter. Nhưng Testament thì khá tuyến tính, còn Devil’s Daughter thì sử dụng việc giải đố và mini-game nhiều đến quá đáng mà không thú vị như Crime and Punishment.

17. Gun

Tôi chưa có cơ hội được đụng vào Red Dead Redemption, hơi buồn… Nhưng để tìm một tựa game cao bồi “có phần” sandbox và cốt truyện lẫn nhân vật hay để thay thế thì câu trả lời của tôi rất đơn giản, Gun. Đây chắc là tựa game xả đạn “tù tì tắp lự” nhất mà tôi từng biết, vì cứ mỗi lần cắt cảnh xong là bắn, bắn đến điên cuồng. Thêm nữa tuy đây là game third person nhưng khi vào chế độ bullet time thì nó lại là FPS trong vài giây và nó khá là ngầu. Xét đến đồ hoạ thời đó thì cũng có thể gọi là đẹp khi ta cưỡi ngựa đi vòng quanh một bản đồ khá là nhỏ với vài nhiệm vụ vui vui như săn bắn hay bắt cướp đúng chất một gã du hành. Và tôi đã nói Gun có một trong những OST hay nhất chưa nhỉ?

Cốt truyện thì lại là mô-típ trả thù quen thuộc khi chúng ta theo chân Cole White trả thù cho “cha nuôi” Ned và khám phá ra những âm mưu và bí mật về Thành phố Vàng và cả là về văn hoá da đỏ cũng như sự ức hiếp của người da trắng dành cho họ. Nói cho cùng, tuy ngắn ngủi chỉ khoảng 8-10 giờ chơi nhưng nó đã mô tả gần như đầy đủ các “huyền thoại” về miền viễn tây hoang dã lừng danh một thời.

Note: có một game cao bồi khác tôi cũng khá thích là Call of Juarez: Gunslinger, nhưng Gun làm tôi có cảm giác cao bồi thực thụ hơn.


16. Tomb Raider 2013

Thật là đau đầu khi phải lựa chọn giữa bản 2013 và Rise of the Tomb Raider, tôi thích gameplay của Rise gần như tuyệt đối, thế nhưng xét về xây dựng nhân vật, câu chuyện và tình huống thì bản reboot 2013 thắng thế hoàn toàn, và đồ hoạ cả hai không hơn kém nhau nhiều đến vậy, và xét ra thì chính Tomb Raider là nền tảng để gameplay của Rise phát triển nên tôi đánh giá nó cao hơn.

Kể về Lara trong chuyến hành trình đầu tiên, trải qua sự trưởng thành, tàn nhẫn của cô khi phải giải quyết những bí ẩn và tìm lại bạn bè, Tomb Raider làm rất tốt việc reboot cả một dòng game tên tuổi lẫn cho chúng ta những cái nhìn mới về lore của Lara Croft và đào sâu khá nhiều vào cả những nhân vật phụ, làm chúng phần nào đó có thể cảm nhận được câu chuyện tốt hơn (dù không chạm mức).

Và không cần phải nói nó đã thành công vang dội thế nào vào năm 2013, thế nhưng năm ấy lại là năm của những game khủng khác nên nó cũng hơi chìm.

15. Borderlands 2

Một tựa game chả cần chi cốt truyện lằng nhằng và vui là chính theo nghĩa xác thực nhất có thể. Nhưng phải nói, nó chắc là tựa game FPS pha RPG hay nhất mà tôi từng chơi (không tính Fallout hay Deus Ex khi có thể chuyển góc 3rd person). Bốn class khác nhau với các kỹ năng khác biệt, một plot có lẽ chỉ ở mức bình thường nhưng cái cách xây dựng nhân vật của nó thì hài không thể tả, gần như không có bất cứ một nhân vật nào là “đàng hoàng” dù tạo hình có ngầu cool đến mấy. Đáng nói nhất vẫn là villain Handsome Jack – villain hài bậc nhất từ trước đến nay nếu bạn chú ý đến các đoạn hội thoại phát radio của hắn, thú thật ta không thể nào nhìn nghiêm túc được gã này cho đến gần cuối game. Àh tôi kể đến con Clap-Trap lắm mồm xuyên suốt game chưa?

Về mặt gameplay, nó nhanh đến khủng hoảng, nhưng buồn cười theo một nghĩa khác khi bắn xong một wave thì chắc chắn không ít tai nạn xảy ra làm mình phải buồn cười. Và thêm nữa là nền đồ hoạ cell-shading rất hoạt hình càng làm nổi bật các yếu tố hài hước mà game đề ra. Trò này mà co-op thì chỉ có sảng khoái từ đầu đến cuối.


14. Onimusha: Dawn of Dreams (Onimusha 4)

Tôi đã review một bài dài về game này, và dĩ nhiên nó phải nằm trong top yêu thích của tôi. Phải, tôi chưa hề trải nghiệm Demon Siege nhiều, nhưng xét về nhiều phương diện tôi vẫn đánh giá cao bản 4 này. Một câu chuyện cảm động, nhân vật được xây dựng tốt, gameplay hay cả về phần giải đố và đặc biệt là combat trở nên gọn gàng hơn hẳn giúp cho nó trở thành một trải nghiệm hack ‘n’ slash pha RPG (ít thôi) cực tốt. Tôi không muốn kể quá nhiều về plot của game vì nó có lẽ là phần tốt nhất nhì cả game nếu bạn thích kiểu xây dựng theo manga hay anime.

Tôi chơi game này hai lần và đó có lẽ là hai tuần rất tuyệt trong trải nghiệm chơi game của tôi từ trước đến nay.

13. Battle Realms

Ở thể loại Real-time Strategy, hay dàn trận như ta vẫn hay gọi thì có rất nhiều cái tên đi vào huyền thoại mà tôi sẽ có honorable mention nho nhỏ, nhưng nếu chỉ nói riêng cá nhân tôi thôi, thì tôi vẫn chọn Battle Realms là game dàn trận mà tôi yêu thích nhất. Vì đây là game dàn trận đầu tiên tôi biết đến, đầu tiên chơi và gần như tất cả các khái niệm về game dàn trận của tôi bắt đầu từ đây lúc tôi khoảng 8,9 tuổi.

Không những là tựa game dàn trận đầu tiên, nó là tựa game dàn trận khiến tôi tốn công đến mệt mỏi ngày nhỏ khi phải học thuộc dân luyện ở nhà nào sẽ ra lính nào của từng clan, và làm cách nào để có Yin Yang mà gọi tướng… và sau khi chơi phần main của Kenji rồi thì tôi khá kết nhà Serpent, dù Lotus vẫn luôn là bá đạo nhất. Tuy vậy thì bản expansion Winter of the Wolf cũng vui ấy chứ.

12. Assassin’s Creed IV: Black Flag

Assassin Creed 2 có một câu chuyện về Ezio xuất sắc, thậm chí cả trilogy về Ezio đều hay như nhau nhưng gameplay có phần cứng, Unity và Syndicate có câu chuyện không hay lắm nhưng gameplay mechanic rất thực. Tổng hợp lại, tính cả độ đa dạng, tôi phải trao cho Black Flag ngôi vương (dù tôi rất thích Ezio).

Sự pha trộn giữa lái tàu chiến đấu và cả lối chơi leo trèo assassin quen thuộc, một câu chuyện về cuộc đời đầy tai biến của Edward Kenway – một gã chả có gì gọi là khí chất của anh hùng, cho đến khi hắn nhận ra “chân lý” của assassin sau một thời gian dài “giả mạo”. Hơn nữa, gần như toàn bộ nhân vật phụ đều có điểm nổi bật nhất định, hay thậm chí cả là cảm động về sự hy sinh của nhiều nhân vật được lồng ghép rất tốt trong lịch sử của các hải tặc Carribean mà lừng danh nhất có thể nói đến Black Beard (chắc tôi phải tìm hiểu về Thời hoàng kim của các hải tặc mới được).

Gameplay thì tôi còn nhớ có người than Assassin 2 có hệ thống cận chiến hơi cứng còn stealth tốt, Assassin 3 thì cận chiến gần như toàn bộ mà stealth thì quá ít cơ hội (đang ở giữa chiến tranh thì đánh cận chiến nhiều là đương nhiên, stealth là optional cũng hợp lý), thì Black Flag có sự trung hoà của cả hai. Ngoài ra thì việc sử dụng tàu chiến là chủ yếu cũng giúp làm thay đổi không khí khá nhiều và không cần phải nói nó rất đẹp xét đến cả đồ hoạ hiện nay.

Chắc cũng nên nhắc thêm nếu ai thích làm assassin thì chơi Black Flag, còn ai thích làm templar thì nên chơi Rouge có nền đồ hoạ và gameplay gần như y hệt, khác câu chuyện và nhân vật thôi.

11. Dishonored

Nghĩ đến thôi tôi đã muốn chơi lại. Dishonored là một trong những tựa game có theme steampunk, siêu nhiên và stealth hay nhất mà tôi từng chơi. Có người bảo đây là kẻ kế thừa Thief thành công nhất, và tôi đồng ý cả hai tay. Lối chơi góc nhìn thứ nhất, sự tự do và đa dạng trong việc hoàn thành màn chơi (và nó sẽ có ảnh hưởng ending) làm chúng ta phải thật sự đầu tư hết tâm trí vào việc làm thế nào là tốt nhất và có giá trị chơi lại cực kỳ cao. Về cốt truyện, chúng ta theo chân Corvo Attano bị hàm oan về việc giết người, và anh giải oan cho mình bằng cách… đeo mặt nạ, học phép thuật và giết thêm nhiều người nữa. Đùa thôi, cốt truyện game khá lắm.

Chắc hôm nào tôi sẽ chơi lại bản này để lấy lại trí nhớ, hồi trước cũng chơi khá ẩu.

Những cái tên khá hay nhưng không lên được top này nhưng tôi vẫn muốn nhắc đến: Pokemon series (ya, tôi thích hầu hết game Pokemon, mà Black and White chắc là nhất), Elder Scrolls V Skyrim (tôi không hề là một fan của Skyrim, thật đấy dù tôi vẫn đánh giá game này cao), PES Series, Dynasty Warriors Series, Dragon Age series, Half-Life 2 (đơn giản do chưa chơi hết thôi), God of War series, CAC: Yuri’s Revenge, Empires II, Doom 2016, Hitman Absolution, The Darkness 2, Castlevania: Symphony of the Night… Èo nhiều quá không kể hết, ai có gợi ý hoặc nhắc nhở gì hãy comment nhé, có gì tôi sẽ xuống bàn luận cho vui.

Cũng chia sẻ luôn đáng tiếc nhất của tôi là chưa chơi trọn vẹn một tựa game Legend of Zelda nào, chỉ mỗi bản Link to the Past tôi còn chơi được đoạn đầu. Nhưng chắc sẽ đến với chúng sớm thôi.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện