[REVIEW MANGA] JOJO STEEL BALL RUN: CUỘC ĐUA NGỰA XUYÊN KHÔNG GIAN

Khách mới

  

Nếu nhận được câu hỏi rằng: ai mới là “quỷ vương bất tử”, thì bạn sẽ trả lời như nào? Tôi cá chắc rằng 90% những ai nghe đến biệt danh này đều đồng lòng với nhau là “không phải tài năng trẻ Faker thì còn ai nữa!”. Nhưng đối với cộng đồng “dâu dâu” toàn đa vũ trụ, chúng tôi thường hay đùa vui là đó phải là bố già Hirohiko Araki, tác giả bộ truyện “Cuộc phiêu lưu kì bí của JoJo” (ジョジョの奇妙な冒険).

Ra mắt những chương đầu tiên trên tạp chí Shounen Jump từ tận năm 1987, trải qua 8 phần truyện với hàng tá những câu chuyện kì bí, Araki vẫn còn tỏ ra sung sức khi vẫn có thể cầm bút, vẽ ra câu chuyện về chàng thanh niên kế nghiệp Heisenberg ở phần 9 ra mắt gần đây.

Điểm lôi cuốn của series này thì vô số kể. Từ loạt meme mà anh chị em spam khắp các trang mạng xã hội, đến những pose sang, xịn, mịn, rồi cả việc được hợp tác với các hãng thời trang sành điệu (các bạn có thể tìm kiếm từ khoá Jojo x Gucci để biết thêm); nghiêm túc hơn thì ta có những màn chiến đấu mãn nhãn với hệ thống sức mạnh thú vị (hiện tại có 3 hệ thống chính là Gợn sóng, Stand và Vòng quay) được vận dụng rất linh hoạt. Tuy vậy, trong loạt 9 phần truyện, có một phần được xem như đỉnh cao của dòng JOJO, mở ra hướng đi mới sau sự kiện reset toàn bộ vũ trụ của Pucci, đó chính là phần 7: Steel Ball Run! Hãy cùng tôi tìm hiểu phần truyện này có gì độc đáo hơn các phần khác nhé.

Giới thiệu chung

Khác với 6 phần trước cùng chung một vũ trụ, ở phần 7 chúng ta lại dõi theo diễn biến ở một vũ trụ hoàn toàn khác. Câu chuyện xoay quanh chàng què Johnny Joestar, vốn là cựu vô địch đua ngựa, và Gyro Zeppeli, một chàng đao phủ từ bỏ tất cả vì chính nghĩa. Cả hai người đều tham gia cuộc đua ngựa Steel Ball Run với giải thưởng lên đến 50 triệu đô diễn ra ở miền viễn tây nước Mỹ. Những tưởng là cuộc đua ngựa bình thường cho đến khi tổng thống Funny Valentine nhúng tay vào hòng thao túng cuộc đua, đồng thời đoạt lấy xác thánh (vốn là thứ cực kì thiêng liêng, mang sức mạnh không thể tưởng tượng nổi). Mỗi chặng đua là mỗi lần thập tử nhất sinh của chàng trai nhà Joestar và JoBro của anh ấy khi liên tục phải căng não với các “miniboss”, đặc biệt là Dio Brando, một nhân vật cực kì đặc biệt xuất hiện từ tận phần 1 đến hiện tại.

Steel Ball Run

Chi tiết

Sau khi đọc qua phần nội dung trên, chắc có bạn cũng suy nghĩ “Đua ngựa thì có gì mà vui, anh em tao xem đua xe công thức 1 cơ”. Nếu chỉ là đua ngựa thì đồng ý không quá hấp dẫn thật, nhưng mà đây chỉ là một phần ba câu chuyện thôi. Hai phần còn lại đợi bạn đọc khám phá đó chính là “cốt truyện” và “đánh nhau”. Sau đây tôi sẽ review 2 phần sau đó nhé.

Chúa Jesus xuất hiện trong JOJO

Yeehaw!

Về phần cốt truyện: đánh giá chung thì truyện xây dựng được một thế giới rõ ràng, phát triển nhân vật hợp lí (nhất là Johnny). Mở đầu câu chuyện cũng khá là… “kì bí” khi tác giả tập trung giới thiệu bối cảnh truyện và một nhân vật… phụ, lại còn mang tư tưởng chính nghĩa, sức mạnh thể chất vượt trội nữa chứ, làm ai cũng tưởng người này là nhân vật chính. Đến lúc Johnny xuất hiện thì mới té ngửa ra: “À, nhân vật chính của chúng ta là một thằng què, bị cha phân biệt đối xử, bị gái bỏ, bị què không phải do ngã ngựa mà là do bị đánh”. Thật là thảm hại hết sức.

Đối lập hoàn toàn với một Johnny có phần trẻ con, ương bướng, thích khẳng định bản thân chính là Gyro Zeppeli. Xuất hiện ngầu lòi với hàm răng mạ vàng in nổi tên bản thân mình cùng mấy hòn bi lủng lẳng bên quần, anh nhanh chóng thu hút sự chú ý của cậu bé Johnny. Nói sơ qua về Gyro, anh tham gia cuộc đua này với lí do cao cả hơn Johnny rất nhiều: đó chính là cứu lấy một cậu bé vô tội khỏi án tử bằng cách chiến thắng cuộc đua lớn nhất nước Mỹ này. Hành trình của cả hai bắt đầu từ đây.

Tuy nhiên, con đường mà hai người đi rốt cuộc lại là “con đường vòng”, “vòng quanh” như kĩ thuật spin của Gyro vậy. Xuyên suốt câu chuyện là hành trình thu thập những mảnh xác thánh, thứ có khả năng ban cho con người Stand, cũng là thứ quyền lực tuyệt đối mà tổng thống đương thời nhắm đến. Từng chặng, từng chặng cứ thế vượt qua, khó khăn thử thách nào cũng được hai anh em giải quyết bằng Spin & Stand cả. Tuyến nhân vật phản diện cũng không phải là dạng vừa, đó là gia đình Bùm Bùm, là lính hoàng gia Wekapipo, là bước chân thần tốc Sandman, là con khủng long Dio Brando,… và không thể không nhắc đến Funny Valentine cùng con bài tẩy Dirty Deed Done Dirt Cheap của hắn.

Mẹ Dio hi sinh vì con

Trong các nhân vật kể trên, ấn tượng nhất với tôi có lẽ là tên Dio. Tác giả xây dựng hắn đúng chất của một kẻ mang trong mình “quá khứ của kẻ phản diện”. Lúc mới biết bú sữa mẹ, hắn đã bị chính ông già thả trôi sông. May mắn sống sót, lúc lớn lên một tí hắn phải đi làm thuê với mẹ ở một nơi hết sức kinh khủng. Chủ thuê bắt làm việc cật lực đã đành, còn bóc lột đến mức mà miếng ăn còn túng thiếu. Trong một lần phân phát súp nóng, mẹ của Dio vì quá nghèo đến nỗi không mua nổi một chiếc bát, chiếc thìa, đành cắn răng chìa hai bàn tay ra, thà chịu bỏng chứ không để con mình phải lấy chiếc giày bẩn ra hứng súp. Việc này đã làm đôi bàn tay bà hoại tử, dẫn đến cái chết sau đó. Từ đây Dio quyết tâm vực dậy, trả thù người cha khốn nạn của hắn bằng mọi giá. Và Dio thì vẫn là Dio của mọi phần: gian xảo, ranh ma. Hắn đã thành công về đích đầu tiên trong cuộc đua, sống dai hơn cả nhân vật chính, nhưng kết cục thì bạn đọc tự trải nghiệm xem lấy nhé.

Cơ mà nhắc đến chính diện và phản diện nãy giờ mà không có nhân vật nữ nào cũng kì quặc ha. Thực ra trừ phần 6 ra thì phái nữ chưa bao giờ là nhân vật chính của bộ truyện cả. Ở phần 7 này chúng ta chỉ bắt gặp Hot Pants và Lucy Steel (vợ của nhà tài trợ cuộc đua Stephen Steel, sau này cũng bị Valentine bắt về “làm vợ”). Điểm cộng trong cách triển khai câu chuyện mình nghĩ có lẽ là sự phân bổ thời gian hợp lí cho các nhân vật, không lạm dụng flash back, tạo được các tình tiết hết sức xoắn não (bí ẩn “Ai đã bắn Johnny” liệu bạn đã hiểu hết?). Còn điểm trừ thì có lẽ không nhiều, phải chăng là sự lặp lại của mô típ JOJO cùng JoBro phiêu lưu mạo hiểm.

Về phần “combat”: tiếp tục phát huy những gì tinh hoa nhất của 6 phần trước đó, những màn combat trong SBR xoay quanh hai cơ chế chính: Stand và Spin. Johnny mang trong mình stand Tusk có thể tiến hoá lên 4 dạng, cùng đạn ngón tay mà anh vận dụng từ Spin (tiếc là anh bị què nên không vận dụng thêm đạn ngón chân nữa); còn Gyro lại chuyên về sử dụng Spin, một kĩ thuật vốn được gia tộc anh sử dụng để phạm nhân không đau đớn khi bị xử tử. Khác với các phần khác đa số vốn lao đầu vào đấm nhau túi bụi đến khi một bên rụng thì thôi, SBR tập trung vào cách nhân vật triển khai thế trận. Đơn giản là ai não to hơn thì thắng, chứ không có chuyện nhân vật chính áp đảo đối thủ của mình như cách Jotaro hay Giorno đã làm. Hơn thế nữa, Johnny cũng đã thua và phải rút lui vài lần (chúng ta mới chỉ bắt gặp chủ yếu ở Joseph). Hệ thống Stand ở phần này đa số không còn hình người như các phần trước mà hoá hình đa đạng, đúng chất kì bí của bộ truyện, phục vụ mục đích chiến thuật chứ không phải tay bo 1v1.

Cơ chế Spin cực hay được dựa trên nguyên lí tỉ lệ vàng

Tiện nói luôn về nét vẽ, ở phần này tác giả đã có sự cải thiện rõ rệt. Bên cạnh việc vận dụng các hiệu ứng âm thanh (sfx), từ lâu đã làm nên tên tuổi, thì độ mượt của tranh (thể hiện qua mấy hòn bi của Gyro) đã cho chúng ta thưởng thức được thứ gọi là manga. Thoại của nhân vật cũng được đầu tư kĩ lưỡng nữa, đôi khi còn là wall of text chứ không phải là đôi ba câu hô hào đánh đấm bình thường. Thậm chí, tác giả còn sáng tác luôn một bản nhạc ngắn với mục đích chọc cười độc giả nữa (bài Pizza Mozzarella của Gyro).

Tổng kết

Trong một rừng manga hiện có, với thực trạng “nồi lẩu thập cẩm” của những bộ manga theo mùa, những bộ isekai công nghiệp, người ta đôi khi vô tình bỏ quên những bình rượu cũ kĩ ủ lâu trong kho như JOJOs. “Chất, dị, kì bí”, đó là những gì tôi có thể miêu tả về series này. Còn bạn thì sao, hãy thử đọc series này, biết đâu lại thức tỉnh được stand của riêng mình thì sao.

P/s: bộ truyện JOJO đã được một nxb mua bản quyền và sớm xuất bản ấn phẩm tiếng Việt trong thời gian tới, có bạn nào hóng như mình không nè.


Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • Viên Kim Lân - 07.09.2023

    Mình không đồng ý ý kiến combat của bạn. Các phần trước bên chính diện vẫn sử dụng cái đầu để đối phó kẻ thù chứ không phải lao vào đánh như bạn nói.