Lời giới thiệu
Có thể nhiều bạn không biết, Far Cry bắt nguồn từ một tech demo tên là Dinosaur Island và cũng từ đó trở đi, trò chơi đã mang phong cách thực tế trong lối chơi của mình, ít ra cho đến phần 2. Và kể từ phần 3, phong cách hiện đại hóa ngày càng chiếm hữu dòng game để rồi dần dần sa vào vũng lầy của những game AAA hiện đại thời nay. Sau đây mình sẽ nói về những cái hay, khuyết điểm và những điều mà Far Cry có thể làm để cải thiện sau này.
“Far Cry từng là một trò chơi sinh tồn.”
Far Cry 1 tuy là dạng linear first person shooter, nhưng do Cry engine hồi đó mang lại rất nhiều cải tiến trong sự chân thật của môi trường rừng rậm trong game, nó vẫn cho ta những trải nghiệm mà có thể gọi là thực tiễn lúc bấy giờ. Far Cry 2 cũng từ đó, thay đổi lối chơi của mình thành open world, đưa người chơi tới một môi trường hoang dã khắc nghiệt, luôn thử thách người chơi ở nhiều góc độ. Tuy nó vẫn chưa hoàn hảo, thực chất còn rất nhiều thứ để chỉnh sửa, nhưng những yếu tố sinh tồn luôn được đưa đến đỉnh điểm, khiến người chơi phải toát mồ hôi sau những lần thoát chết hú vía. Từ những cuộc đi trinh thám xem xét đồn địch, xem lại tình trạng vũ khí bởi súng dùng nhiều sẽ hỏng hóc, dẫn tới kẹt súng hoặc chẳng hoạt động nữa và việc uống thuốc điều độ để chống trị cơn sốt rét hiểm nghèo, người chơi thay vì cảm giác như là một siêu chiến binh đi cân năm ăn bảy, họ sẽ phải trải qua sự khốc liệt không hồi kết mà vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Vậy điều gì đã xảy ra sau này với Far Cry? Với sự xuất hiện của Far Cry 3, dòng game đã đánh dấu sự đi xuống dần trong thời đại mà người chơi nào cũng phải ít nhất chơi hay nghe tới COD. Tuy có thêm những loài động vật, thú rừng hoang dã, Far Cry 3 vẫn thất bại trong việc tạo dựng sự chân thực khắc nghiệt mà Far Cry 2 đã vốn có. Và rồi cho đến Far Cry Primal, một phiên bản đáng lẽ ra là phải miêu tả chân thực nhất những tính chất trên, lại là một trò chơi mức trung chỉ cố nắm thóp ví tiền của bạn mà không thực sự bỏ ra nhiều công sức. Tại sao phiên bản hiện đại hóa lại là sự xuống dốc không phanh của nó, tại sao Far Cry nên là một game sinh tồn đúng nghĩa? Tôi sẽ cùng bạn đọc giải thích vấn đề ở những phần tiếp theo.
“Một concept sinh tồn bị méo mó do xu hướng arcade của thời hiện đại.”
Như tôi đã nói, Far Cry 2 đã giới thiệu những concept rất hay về trải nghiệm thực tế trong việc sinh tồn nơi hoang dã, nhưng do mới là khởi đầu nên game vẫn còn thiếu rất nhiều thứ để có thể khiến game vượt trội được. Liệu Far Cry 3 có cải thiện những sự thiếu sót của người tiền nhiệm? Tất nhiên là có. Map đa dạng hơn, lắm hoạt động để làm hơn, có hẳn hệ sinh thái riêng và hệ thống craft đồ với cả nâng kĩ năng nữa. Nhưng thay vì thêm những thứ đó cùng đồ họa bóng mượt để nâng cao trải nghiệm vốn có của người tiền nhiệm thì game thực chất lại đi theo hướng dẫn dắt ta lại trở thành một siêu chiến binh khác. Tuy lúc đầu mới chơi thì ai cũng sẽ nghĩ rằng đây sẽ là một game sinh tồn đích thực, đặc biệt khi mà bạn yếu level và phải cố rình rập để tiêu diệt địch, cùng với việc phải đi săn, hái cây thường xuyên để craft đồ nữa. Nhưng dần dần càng về sau thì mọi thứ trở nên càng nhàm chán khi mà bạn biết cách thức spawn của quái rừng và hệ thống skill thực sự vô bổ, cùng với những kĩ năng đáng lẽ ra phải có từ ban đầu để giúp bạn có một cuộc chơi trong một sandbox đúng nghĩa. Chính vì lí do khiến game trở thành một cuộc cày cuốc, cảm giác của việc sống còn dường như càng tan biến. Cho đến tầm giữa game, bạn hẳn đã gần như là một super soldier rồi, có thể thực sự ló mặt ra và quẩy cả team địch khi cây skill hồi máu của bạn dường như đã chuẩn bị max hết cỡ và lí do duy nhất bạn vẫn muốn stealth chỉ để là kiếm thêm exp để lên level nhanh hơn thôi. Hệ thống craft đồ cũng vậy, chỉ mở khóa dần dần khi bạn hoàn thành nhiệm vụ đã được giao, thành ra cũng chỉ khiến nó trông giống như một hệ thống phần thưởng khác, cho mình gear tốt hơn khi level up chẳng hạn. Và nói thật, ai lại đi săn thú bằng một khẩu súng trường tự động cơ chứ? Có hệ sinh thái riêng là một điều đáng khen, nhưng Ubisoft vì lí do nào đó thường không cải thiện AI một chút nào. Điều này cực kì ảnh hưởng tới việc tiếp xúc hay đi săn các loài thú trên đảo Rook này. Bọn thú không hề có sequence hành động nào phức tạp để lôi cuốn người chơi tìm hiểu tập tính của nó và tìm thời điểm tốt nhất để triển khai tấn công, đã thế hình thức tấn công và đánh trả của người chơi với những loài thú dữ thật đáng nực cười, khiến cho việc đi săn chỉ thú vị khi bạn tìm những con thú hiếm với số lượng spawn ít so với thông thường thôi. Nói chung, Far Cry 3 sặc mùi arcade với skin của một trò chơi sinh tồn. Thành ra để thực sự chơi lại con game này, tôi đã phải tải mod để khiến nó khó hơn, đúng bản chất sinh tồn so với trước. Đấy là còn chưa nói đến hệ thống map “đa dạng” rởm. Cảnh quan và địa hình thì được chỉn chu, đẹp mắt, nhưng đó chỉ là những lí do duy nhất để bạn thực sự “khám phá” trong con game này. Rất nhiều game của Ubisoft rơi vào lỗi này, đó là thay vì khiến người chơi tự mình thám hiểm, map lúc nào cũng phải đầy rẫy icon chỉ những đồ có thể nhặt được, tìm kiếm được hay quest phải mò tới. Thành ra làm những việc đó chẳng hề bỏ công một chút nào. Và nếu như game vẫn như phần hai, chỉ có một chiếc bản đồ giấy và hệ thống GPS mà không có kí tự chỉ dẫn gì nhiều thì nói thật sự kịch tính hay sự hân hoan tìm kiếm được cái gì đó mới sẽ hoàn toàn thú vị hơn nhiều và hơn hết, phù hợp với bản chất chân thật, khắc nghiệt mà game vốn đề ra. Lí do mà tôi cứ lải nhải từ “chân thật”, “sinh tồn”, “khắc nghiệt” bởi vì đó chính là những thứ mà nhà phát triển đã đề ra với người tiêu dùng. Nhưng thay vì đưa cho họ đúng hệt thứ như vậy, Ubisoft đã biến tấu concept vốn có trong phần tiền nhiệm để khiến nó phù hợp hơn với số đông người chơi, khiến họ ảo tưởng rằng mình đang thực sự trong một môi trường “chân thực”, “khắc nghiệt” và đầy tính “sinh tồn” trong khi họ cũng đồng thời tự mãn khi phá hủy một doanh trại hay có một cuộc giao đấu khốc liệt với một con báo kể cả tất cả những gì bạn làm là bắn nó vài phát, không chạy kịp bị nó vồ, rồi nhảy vào QTE và cứ thế bấm nút để đẩy con hổ ra và cứ thế liên tiếp cho đến khi nó chết. Thành ra khi nhìn vào Far Cry, tôi lại thấy những cơ hội, những tiềm tàng đã bị bỏ lỡ chỉ để chạy theo xu thế. Vì với một bối cảnh, tình huống cùng với những mechanic thực sự có triển vọng tiến xa hơn thay vì lại đâm vào ngõ cụt một lần nữa, Far Cry đã có thể thành một trò chơi đúng như những gì mà nó tự miêu tả, và cũng như Bioshock đi ngược lại cái chiều hướng COD và đã tạo tên tuổi trở thành một trong những trò FPS hay nhất mọi thời đại, Far Cry cũng có thể trở thành điều tương tự, nếu nhà sản xuất thực sự chấp nhận rủi ro.
“Far Cry dưới dạng arcade thực chất không phải một trải nghiệm tồi, nó vẫn vui là đằng khác.”
Kể cả có va vào cạm bẫy của AAA game thời nay, Far Cry thực sự vẫn là một trải nghiệm đáng có với những game thủ mới vào làng, đặc biệt với sự xuất hiện nổi trội của những tên villain khét tiếng làm vạng danh tên tuổi của Far Cry. Tất nhiên, nếu bỏ đi sự sinh tồn, khắc nghiệt và đáng lẽ ra vẫn giữ lại được sự chân thực, những câu truyện, cùng các loạt hành động nghẹt thở, bom tấn sẽ vào thay thế. Và điều khiến cho những quả bom đó không bị xịt là do những tên villain đặc trưng cho từng game từ phần 3 đến 4. Rất hiếm khi game nào mà tập trung vào villain/antagonist để khiến họ là động lực chính để thúc đẩy câu chuyện và thúc đẩy luôn cả người chơi theo nó. Cùng với những cuộc đấu súng phải nói thật là đã tay khi mà độ giật, tiếng kêu, đồ họa đều hòa quyện và tạo ra những pha hành động “khét lẹt”, khiến cho ta khó rời màn hình được, mặc dù AI thực sự như bọn thiểu năng vậy. NHƯNG, tôi vẫn thích COD trong khoản này hơn và việc chứng kiến một franchise đầy tiềm năng bắt chước đối thủ để ăn lời thì nói thật vẫn đỗi thất vọng.
“Far Cry 5 tuy vẫn giữ nguyên lối chơi cũ, nhưng vẫn có tiềm năng hơn so với người tiền nhiệm.”
Một trong những lí do chính khiến tôi thay đổi cách nghĩ về Far Cry 5 khi mà nó vẫn na ná có lối chơi cũ là bởi do bối cảnh của nó. Bối cảnh ở một vùng ngoại bang Mỹ, không phải rừng rậm hay cái gì khác quá khắc nghiệt, hệ sinh thái cũng không quá phức tạp để làm game một cách chân thực về nó và hơn cả là sự trở lại của hệ thống Buddies và việc Radio Tower không còn trong game nữa. Nói thật lối chơi mà nó có từ trước tới giờ bắt đầu từ Far Cry 3 giờ đã thực sự gặp được bối cảnh phù hợp với nó một cách gần như hoàn hảo. Nước Mỹ của sự tự do súng đạn, cảm giác phê lòi khi nã đạn vào những baddies và sự “yên bình” vùng quê của ngoại bang nước Mỹ… Và như tôi nói trên, Radio Tower không còn tồn tại nữa và người chơi sẽ tự khám phá bằng chính sức mình và bản đồ chỉ đánh dấu những thứ mình đã phát hiện thôi. Đây thực sự là đổi mới đáng mừng. Cùng với đó là sự có mặt một lần nữa của hệ thông Buddies khiến cho lối chơi càng đa dạng hơn cả, tuy chú chó cần được nerf bởi nó có thể solo cả một doanh trại địch mà không cần sự tham gia của bạn. Nói chung là đáng chơi xem sao, mặc dù vẫn chưa biết Ubisoft đã cải thiện AI của họ đến mức chuẩn chỉ chưa. Nhưng đây có thể là một hướng đi tốt từ sau sự thảm họa mang tên Far Cry Primal.
Lời kết
Tôi thích dòng game Far Cry, nhưng cũng ghét nó nhiều mặt và cũng cay đắng thay khi phải nhìn những tiềm năng sáng giá bị chôn vùi trong đống tiền thu lời được từ chính việc theo xu thế COD đó. Còn điều đó tốt hay xấu, thì cũng không thể nói rõ được trên cả một chặng đường dài của cả một series, ít ra giờ xem Far Cry 5 thế nào đã. Liệu nó sẽ lại là một thảm bại khác của Ubisoft, hay là một tín hiệu đáng mừng cho dòng game sau này?
Far Cry 3 hay nhất :b
T cg đồng ý :V
Do Farcry 2 ko dc đầu tư nhiều lắm ngoài cái engine <(")