Lúc viết những dòng này, tôi nhớ lại một quyển truyện của Haruki Murakami, quyển “Biên niên ký chim vặn dây cót”. Tôi không nhớ quyển sách nói về cái gì, chỉ nhớ một chi tiết nhỏ. Nhân vật chính mỗi khi buồn lại mang quần áo ra là ủi. Vợ đi làm, gọi điện về nhà hỏi anh đang làm gì, nhân vật chính bảo anh đang ủi quần áo. Cô vợ hỏi ngay: Có chuyện gì vậy anh? Rồi cô vợ đi về và hỏi nhân vật chính muốn ăn gì không. Chi tiết chỉ có vậy thôi mà tôi nhớ mãi.
Ở bên phải tôi là cái tủ lạnh. Tôi mua cái tủ lạnh này với giá 2tr9, với hi vọng rằng tôi sẽ có một cái tủ lạnh đầy ắp và nhiều yêu thương, giống như cái tủ lạnh của mẹ tôi ngoài kia. Mẹ tôi có tận hai cái tủ lạnh. Hai cái tủ lạnh luôn đầy, và tôi thường tha đồ ăn ra ghế sofa, bật HBO, vừa ăn vừa ngủ trên cái ghế đó. Mẹ tôi đã la tôi một nghìn lần vì vừa ăn vừa ngủ. Con em tôi la thêm một nghìn lần nữa vì bừa bãi, sao cứ người dọn người bày. Tổng cộng là hai nghìn lần, và tôi, trong những sự vô lễ và gắt gỏng phi lý, đã đáp lại khoảng một nghìn lần. Một nghìn va chạm, nhưng tủ lạnh luôn đầy và đồ ăn luôn sẵn sàng. Đây cũng là điều mà tôi sẽ nhớ.
Tôi gọi đó là sự tinh tế, mặc dù bản thân tôi cũng không tinh tế gì. Tôi vẫn nhận ra bản thân tôi là đứa đòi hỏi, đặt cảm xúc và mong muốn của mình lên cao hơn cảm xúc và mong muốn của người khác. Một đứa ích kỉ trăm phần trăm. Nếu khác biệt thì là do được ăn học nên biết cách che giấu, lấp liếm hành động qua những mỹ từ và mục đích cao cả. Cái tình yêu thương của sự phục vụ, của sự ý nhị và hi sinh, là một cái gì đó tôi khao khát và cố gắng học. Vẫn đang cố học thôi và con đường còn dài. Con đường để học đức tính này là con đường phải tự đi một mình. Tôi hi vọng là tôi đủ sức đi đến cuối.
Đầu tiên là từ bỏ lí do. Tôi không còn nói những câu như: “Vì thế này…” để làm điểm tựa cho ý tứ của tôi. Kiểu như vì tôi nông dân nên tôi xuề xòa, vì tôi tri thức nên tôi bất bình. Tôi nghĩ rằng lí do xét đến tận cùng là vì lười, không chịu học, không chịu khó, không chịu mở mắt. Khi nhận ra những điều này thì tôi cố gắng điều chỉnh bản thân. Thật khó vô cùng. Việt Nam mình không có văn hóa tự học hỏi. Việt Nam mình như bông sen, đẹp đẽ trên bùn.
Cố gắng kiệm mình để học sự tinh tế, đầu tiên là giữ im lặng. Nếu các bạn có đọc chuỗi bài chơi mobile game của tôi, sẽ thấy tôi kêu gào từ những điều nhỏ nhất. Đầu tiên là Brawl Star, đến Clash Royale, giờ đến Rush War. Cái gì tôi cũng kêu được. Mà còn kêu hay nên tính giải trí cao. Giờ chơi nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn, tôi lại nhìn thấy cái điểm tận cùng của suy tư: Chẳng có gì để nói, để chia sẻ. Ví dụ như trò Clash Royale. Tôi không chơi thường xuyên, nhưng hay đọc tin của trò chơi, đọc tâm sự/chia sẻ về trò chơi, trên blog hay reddit. Rồi tôi nhận ra là tôi sẽ tiếp tục đọc về trò chơi, chờ update mới của trò chơi, sẽ hiểu thêm nhiều điều mới nhưng không có bất kì mong muốn nào để viết hay để chia sẻ. Nói ví von thì tôi đang đi trên con đường để học trò chơi, và học một mình trong im lặng.
Viết đến đây tôi ngẫm rằng một trò chơi có cần phải học không? Việc hiểu một trò chơi có phải là sự tinh tế không? Nhiều lúc tôi nghĩ có một sự mâu thuẫn nào đó nằm giữa việc đọc/viết và việc hiểu. Cái sự tinh tế nằm đâu đó giữa hai mức này. Cần nói, giải thích hay viện chứng lí do là chưa hiểu, chưa tinh tế. Ví dụ như tôi chơi Diablo II ở thời trung học. Tôi chơi nhiều, đọc nhiều về trò chơi, đến thậm chí bây giờ tôi vẫn nhớ cái giao diện (xấu òm) của cái forum Diablo II mà tôi hay vào ngày nào. Nhưng bảo tôi viết về trò chơi thì tôi chịu. Tôi mới viết một bài về một người bạn đã cùng tôi trong khoảng thời gian đó. Bởi vì tôi không hiểu bạn. Vì thế tôi viết về bạn, với hi vọng viết xong tôi sẽ hiểu. Nhưng có lẽ tôi không bao giờ hiểu.
Dạo này, tôi đọc những bài chia sẻ về kỉ niệm của các bạn. Tôi đã WOW vài lần, kiểu trời đù má hồi xưa mình cũng thế này nè, sao bây giờ không thế này nữa. Nhiều bài viết được viết với bút pháp hay thần lực gì đó, khiến tôi giật mình suy tư. Thú thật rằng lúc trước tôi vẫn hay đập bàn đập ghế đập chai bia bốc phét với anh Đăng, rằng ở đây chẳng ai viết hay hơn tôi. Giờ tôi thấy xấu hổ làm sao, có lẽ lần tới tôi phải xin anh Đăng cái title “To mồm nhất xóm” để cạnh cái tên tôi, để khi nhìn vào tôi biết mà tự sửa mình. Tự sửa tâm hồn mình, cảm giác có gì đó sai sai bên trong.
Tôi đang tưởng tượng cảnh anh Đăng gật gù, bảo rằng vậy là bệnh viện tâm hồn của tao đã chữa thành công ca bệnh đầu tiên. Rồi ảnh nâng ly, bảo rằng tiền viện phí là một bài Doremon, đừng có xù nhé.