Tại BlizzCon 2018, sự kiện nổi bật nhất, có lẽ không phải việc Warcraft 3 được làm lại đồ họa, mà có lẽ là việc Blizzard công bố Diablo Immortal. Thật đáng buồn, có vẻ như Diablo Immortal lại là một nước đi sai lầm của Blizzard. Phản hồi tiêu cực từ game thủ, cách phản ứng thiếu khôn ngoan của Blizzard với những sự chỉ trích ấy, tất cả đã khiến Diablo Immortal bị ném đá không thương tiếc.
Khi Blizzard nói rằng họ chưa có kế hoạch tiếp cho Diablo trên PC, nhiều người đã nghĩ rằng kế hoạch của Blizzard là tiếp cận với Nintendo Switch. Và quả thực là họ đã đưa Diablo 3 lên Nintendo Switch với phiên bản Eternal Collection. Nhưng còn game Diablo mới thì sao nhỉ? Blizzard đã chừa Diablo lại đến cuối sự kiện Blizzcon mới công bố, coi như là một bất ngờ.
Đó quả thực là một bất ngờ, nhưng lại là một bất ngờ cay đắng. Một cái tát gần như thẳng vào mặt các fan của Diablo nói riêng và fan của Blizzard nói chung. Cú tát mang tên Diablo Immortal
Chính xác thì tôi không phải là fan của dòng game Diablo, đúng hơn thì có lẽ là chưa phải fan. Trước giờ tôi chơi khá ít game RPG, nhất là kiểu game RPG như Diablo, vì vậy mà thú thật, đến tận bây giờ tôi vẫn chưa chơi một phiên bản Diablo nào cả. Dù vậy, gần đây thì cuối cùng tôi cũng đã thấy thích thú với những game RPG dạng như vậy và bắt đầu chơi một số game như Grim Dawn, Titan Quest hay The Incredible adventure of Van Helsing. Và đương nhiên rồi, tôi cũng đã bắt đầu tải và chơi Diablo 2, cũng như cuối cùng cũng mượn được một acc Battle.net để chơi Diablo 3.
Dù vậy, trong bài viết này, tôi sẽ chỉ nói về Diablo Immortal với tư cách một người chưa bao giờ chơi Diablo. Tôi rất biết phản ứng từ các fan ruột của Diablo nói riêng và dòng game Action RPG nói chúng đều tức giận và phẫn nộ với Diablo Immortal, và tôi hoàn toàn hiểu vì sao họ cảm thấy như thế.
Diablo là một dòng game huyền thoại, dù không chơi Diablo nhưng tôi vẫn biết nó là một tượng đài, kẻ đã định hình lại thể loại Action RPG của phương Tây. Bây giờ, gần như bất cứ một game RPG nào lấy bối cảnh giả tưởng, hoặc mang màu sắc Trung Cổ, là sẽ bị so sánh với Diablo. Diablo như một cái bóng quá lớn phủ lên tất cả, kẻ nào có thể thoát khỏi cái bóng ấy thì sẽ thành công, còn không, sẽ bị gọi là “bản nhái Diablo” và chìm vào quên lãng. Nói như vậy để biết sức hút và độ ảnh hưởng của Diablo lớn ra sao.
Diablo ra mắt năm 1996, 1 năm sau bản mở rộng Hellfire lên kệ. 4 năm sau là Diablo 2, rồi Diablo 2 Lord of Destruction 1 năm sau đó. Tận 11 năm sau, Diablo 3 mới ra mắt vào năm 2012. Diablo series có tuổi đời khá lớn: 22 năm, nhưng chỉ có 3 phần game chính. Mặc dù thế, sức hút của Diablo là quá lớn, đến mức có nhiều người chơi đi chơi lại các game Diablo mà không thấy chán, chơi chán game gốc, cộng đồng fan bắt đầu mày mò mod game, tạo nên những bản mod cực kỳ chi tiết và có bản mod thay đổi hẳn cả game gốc – cộng đồng người hâm mộ Diablo không bao giờ chết. Nhưng họ vẫn mòn mỏi đợi chờ một hậu bản của chính Blizzard, và khi Diablo 3 lần đầu được công bố năm 2008, cả khán phòng đã hò reo, đã hú hét ầm ĩ vì sung sướng, những tràng vỗ tay nhiệt liệt, những tiếng huýt sáo không ngớt. Họ đã chờ quá lâu để được thấy một hậu bản của Diablo.
4 năm sau, Diablo 3 chính thức ra mắt, nhưng không thành công như Diablo 2. Hàng loạt những bất cập, những lỗi game như bắt người chơi phải online mới chơi được game dù game thiên về chơi đơn, server sập liên tục khiến trải nghiệm người dùng bị ngắt quãng liên tục, độ khó bất hợp lý, rồi đấu giá, mua bán bằng tiền thật khiến Diablo 3 bị chỉ trích khá nhiều. Tuy nhiên, ngày đó Blizzard vẫn còn biết cách lắng nghe, Team 3 – team đảm nhận phát triển Diablo cật lực sửa lỗi, tập trung phát triển bản mở rộng Reaper of Souls cho game, nhưng trước cả khi Reaper of Souls ra mắt, Blizzard đã hủy bỏ bản mở rộng thứ hai của game, bản mở rộng mà theo Team 3, sẽ là bản mở rộng làm Diablo 3 thực sự trở thành một siêu phẩm đúng nghĩa.
Nhưng ban lãnh đạo của Blizzard không nghĩ vậy, có lẽ họ đã hết kiên nhẫn với Diablo 3, có thể họ không tin tưởng vào Reaper of Souls, và họ không muốn mạo hiểm thêm nữa. Nhưng sự thật thì Reaper of Souls đã biến Diablo 3 trở thành một trong những game nhập vai hay nhất thập kỷ.
Ấy thế mà, Blizzard vẫn hủy bỏ bản mở rộng thứ hai, xem như họ đã hết quan tâm tới Diablo 3. Team 3 chia năm xẻ bảy, có người nghỉ việc, có người chuyển sang các dự án khác – World of Warcraft và Overwatch, những người ở lại tiếp tục update, vá lỗi cho Diablo 3 và phát triển nốt gói mở rộng nhỏ Rise of the Necromancer.
Và cũng đồng thời phát triển một dự án mới, với tên “Project Hades”, giờ chỉ còn lại một vài tin đồn về nó: một Diablo với phong cách Dark Souls, với một độ khó khác, một góc nhìn camera khác, thậm chí có lẽ sẽ không ai coi nó là một Diablo.
Nhưng rồi đến năm 2016, “Project Hades” tiếp tục bị hủy bỏ, và Team 3 chuyển sang phát triển nốt DLC Rise of the Necromancer, và phát triển một game mới, với tên “Project Fenris”, dự án mà nhiều người tin nó chính là Diablo 4. “Project Fenris” đang phát triển tốt, đúng hướng và có lẽ nó sẽ không gặp phải số phận hẩm hiu như bản mở rộng thứ hai của Diablo 3 và “Project Hades”.
Tua nhanh thời gian, chúng ta đến với BlizzCon 2018, bên cạnh việc công bố Warcraft 3 Reforged – phiên bản làm lại của Warcraft 3, Blizzard còn nhá hàng về việc Diablo sẽ tái xuất ở cuối sự kiện. Liệu rằng đó sẽ là công bố chính thức của Blizzard dành cho “Project Fenris”/Diablo 4?
Đúng là Blizzard đã đem Diablo trở lại, nhưng lần này, không còn tràng vỗ tay nào, không còn tiếng hò reo, không còn những tiếng huýt sáo phấn khích như 8 năm về trước. Tất cả chỉ là sự tĩnh lặng, những ánh mắt khó hiểu, những câu hỏi chạy điên cuồng trong đầu, những tiếng thở dài não nề, chán nản, và có lẽ có cả những câu chửi thề. Blizzard rốt cuộc đã làm gì với Diablo vậy?
Diablo Immortal, chứ không phải Diablo 4, và là một game dành riêng cho mobile, chứ không phải dành cho PC. Diablo Immortal, cũng không phải được Team 3 phát triển, mà ra đời từ đối tác Trung Quốc NetEase của Blizzard. Đây là một hậu bản không ai mong muốn. Nếu các bạn đã xem gameplay trailer của Diablo Immortal, thì hẳn các bạn cũng đã phần nào nhận ra vấn đề của nó. Với cá nhân tôi, Diablo Immortal có một đồ họa, gameplay tạm chấp nhận được, nếu không muốn nói là khá vui mắt và với một game mobile thì như thế cũng là đủ.
Nhưng chúng ta không thể xét Diablo Immortal với vị thế là một game RPG Trung Quốc (dù nó đúng là đậm chất Trung Quốc thật). Đây là một game mang tên DIABLO, nhưng nó không hề có phong cách của Diablo, đến cả một kẻ không biết gì về Diablo như tôi cũng còn nhận ra điều đó, thì thử hỏi các fan của Diablo cảm thấy ra sao? Nói như một người bạn của tôi, thì “Diablo giờ chỉ là một cái skin được mua về để đắp lên một cái game RPG tầm thường”
Hoặc nói như một nhà báo của Polygon sau khi chơi thử Diablo Immortal: “Thật dễ dàng để bạn cảm nhận được một chút gì đó của Diablo, nhưng hóa ra nó cũng chỉ là ảo ảnh. Nó nhìn giống Diablo, nghe giống Diablo, thậm chí chơi cũng na ná Diablo. Nhưng cảm giác thỏa mãn khi bạn đập nát kẻ địch của mình như mọi game Diablo khác, đã không còn nữa. Diablo này, không còn có được cái hồn của Diablo”. Cái hồn của Diablo là gì? Là một câu chuyện có khối lượng đồ sộ (điều quá quen thuộc với các game của Blizzard), là những đoạn cutscene mỹ miều, hoành tráng và hấp dẫn, là cơ chế gameplay gây nghiện và sức hút khó tả, là một không khí u tối đặc trưng. Tất cả những thứ đó, đã làm nên sức hút khủng khiếp của Diablo – kẻ định hình dòng game RPG phương Tây.
Diablo Immortal thì sao? Nói trắng ra, Diablo Immortal là một game RPG chất lượng tạm ổn, theo tôi thấy thế, nhưng chính vì nó có danh xưng “Diablo” ở trong tên, một game “tạm ổn” không bao giờ được phép mang cái danh xưng vĩ đại ấy, cho nên Immortal dễ dàng bị chỉ trích, thậm chí là chửi bới không thương tiếc. Cái cách Blizzard giới thiệu Diablo Immortal cũng góp phần “nâng tầm” việc game bị phản đối. Họ cố tình để đến cuối sự kiện mới công bố, để tạo hype, nhưng rốt cục lại phản tác dụng, không ai mong chờ một bản copy rẻ tiền như thế này của Diablo hết. Và khi nhà phát triển Wyatt Cheng trả lời: “Vậy chứ quý vị chẳng lẽ không có điện thoại sao?” khi được hỏi về việc tại sao lại đem một huyền thoại của PC ném lên mobile, tôi biết rằng vậy là Blizzard đã thua canh bạc với Diablo Immortal. Và hậu quả là hàng trăm ngàn lượt dislike trên youtube, hàng ngàn bình luận tiêu cực ở khắp các diễn đàn, rồi như để đổ thêm dầu vào lửa, Blizzard đi xóa các dislike và bình luận tiêu cực nhằm cứu vãn tình trạng thê thảm của game.
Nói về chất lượng của game khi nó còn chưa ra mắt là quá sớm, nhưng từ những cái nhìn đầu tiên, từ cái cách Blizzard chữa cháy một cách vụng về cho việc này, tôi không thể không nghĩ rằng Diablo Immortal sẽ là một thảm họa về chất lượng. Nó có thể sẽ vẫn bán chạy trên mobile, nhưng chắc hẳn đánh giá sẽ rất thấp và các fan sẽ không tiếc lời chỉ trích nó. Đem Diablo lên mobile thật ra có lẽ không sai, nhưng cái cách họ giới thiệu game và cái cách họ trả lời fan, là hoàn toàn sai. Có tin đồn rằng đáng lẽ ra Diablo 4 mới là game cuối cùng được công bố ở BlizzCon, nhưng rồi Blizzard đã hủy bỏ phút chót. Blizzard cũng đã phủ nhận tin đồn này, nhưng tôi nghĩ rằng, giả sử Diablo 4 được công bố, rồi sau đó Diablo Immortal mới được giới thiệu, đánh giá về game hẳn đã không tệ hại đến thế.
Ngay cả nhà phát triển của Diablo 2 – Mark Kern cũng đã nói: “Từ những gì tôi đã thấy, có vẻ Blizzard không còn hiểu game thủ nữa”
Blizzard, nếu họ không muốn dòng game huyền thoại Diablo mất đi danh tiếng, nếu họ không muốn Diablo bị hủy hoại, họ cần phải hành động. Tình trạng của Diablo Immortal, hệt như tình trạng của Call of Duty Infinite Warfare 2 năm về trước. Cả hai đều bị đánh giá cực thấp khi mới được công bố, lượng dislike và bình luận tiêu cực áp đảo, nhưng Infinite Warfare đã chứng tỏ mình…bị oan vì chất lượng của game là rất tốt.
Thế còn Diablo Immortal? Thời gian sẽ trả lời, cho đến lúc đó, Blizzard sẽ vẫn phải ăn chửi thay cơm hàng ngày, còn sau khi game ra, có ăn chửi tiếp không, là hoàn toàn phụ thuộc vào họ.
Chúa Quỷ Diablo có lại một lần nữa càn quét khắp mọi cỗ PC, khắp mọi chiếc máy console hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào Blizzard. Diablo Immortal, có lẽ là một canh bạc thất bại, nhưng với danh tiếng bao lâu nay của Blizzard, chắc chắn họ sẽ không muốn để mọi thứ mình gây dựng bao năm qua bị đổ vỡ.
Chúng ta hãy cùng đặt hy vọng một lần nữa, vào Diablo 4.
Game này bị chê kinh quá, 277N dislike
Một cái game mobile Trung Quốc được gắn cái mác Diablo, nhìn đã ngứa mắt chứ đừng nói là chơi.
Ly bia này dở quá. Lảm nhảm cả bài rồi hóa ra chỉ đi lặp lại mấy câu mà báo chí viết đi viết lại sau cái Blizcon năm ấy.