Tôi chắc hẳn mọi người đã từng nghe tới “Mystery” ít nhất một lần trong đời. Là một thể loại kì bí, “Mystery” luôn khiến khán giả không ngừng tò mò với những ẩn khúc của mình. Có thể đó là một ngôi nhà ma ám với những sự thật ghê rợn ẩn náu đằng sau, hoặc một ngôi trường phép thuật đầy huyền ảo, luôn mong chờ một thằng nhóc có vết sẹo trên trán khám phá mọi ngóc ngách của mình. Dù bạn có biết tới “Mystery” theo cách nào đi nữa, chúng ta cũng nên nhớ tới cái gốc của nó. Và đó chính là dòng “Trinh thám” vang dội một thời của các vị thám tử lừng danh.
“Bạn đã đọc trinh thám bao giờ chưa?”
Đa số sẽ nghĩ ngay tới thằng nhóc Conan. Còn với những người mê đọc sách, họ chẳng xa lạ gì hình tượng ngài Holmes và lão Poirot “đáng ghét”. Và fan cứng của dòng “Trinh thám” sẽ không bao giờ quên “Detection Club” – cha đẻ của “Mystery” cổ điển. Thế vậy bạn đã bao giờ nghe đến Umineko? Dù là “Đã đọc” hoặc “Chưa đọc” thì mình mong mọi người sẽ thưởng thức bài viết sau đây của mình. Bởi ngay lúc này, mình sẽ kể lại cho bạn tại sao Umineko là một bức thư tình “nồng thắm” được gửi gắm đến dòng “Mystery” với tuổi đời hơn một thế kỉ này.
Umineko, với tên đầy đủ là Umineko no naku koro ni, hay được gọi là When the seagull cry ở bản tiếng anh, là một “tiểu” thuyết âm thanh của Ryukishi07 – gọi tắt là Chú 7 cho thân thương. Như người tiền thân Higurashi, Umineko là một câu truyện thuộc loại Mystery, xoay quanh những vụ án giết người bí hiểm trên một hòn đảo tư nhân cách biệt với thế giới.
Bối cảnh diễn ra vào tháng 10 năm 1986. Đó là lúc cả gia tộc lẫy lừng Ushiromiya tham dự cuộc họp mặt thường niên trên hòn đảo tư nhân Rokkenjima của mình. Trên hòn đảo này có tồn tại một truyền thuyết kì bí về mụ phù thủy với cái tên Beatrice – người chủ đích thực của Rokkenjima. Nếu ban ngày trưởng tộc Ushiromiya Kinzo nắm quyền, thì Beatrice sẽ lại cai quản trong màn đêm huyền bí. Những cửa sổ tưởng chừng như đã đóng lại mở toang hoang, sự xuất hiện của đàn bướm vàng trong đêm hay các vụ tai nạn như bị nguyền rủa đều đã xảy ra trên hòn đảo ma quái này. Kinh hãi hơn nữa, chân dung của bà lại được treo ngay ngoài đại sảnh, thu hút những ánh nhìn của mọi kẻ bước qua.
Dưới bức chân dung đó là một tấm văn bia, ghi lại câu đố ghê rợn của một lễ tế hồi sinh chính mụ phù thủy Beatrice. Đối với những ai giải được câu đố này, có lời đồn rằng họ sẽ được kế thừa trưởng tộc Kinzo, nắm toàn quyền gia sản của gia đình Ushiromiya. Và quan trọng hơn hết, người đó sẽ biết được nơi cất giữ của 10 tấn vàng bí mật, được cai quản bởi chính Beatrice. Thế là câu chuyện diễn ra dưới cái nhìn của chàng trai trẻ Ushiromiya Battler. Tuy đã từng tách biệt mình khỏi gia tộc 6 năm trước, anh ấy giờ quay lại trong buổi họp mặt lần này. Được đoàn tụ lại với những thành viên khác trong gia đình, Battler coi đây là một chuyến đi đáng nhớ. Nhưng anh không hề biết rằng một cuộc tranh giành tài sản khốc liệt đang chuẩn bị diễn ra. Và kèm theo đó, một lá thứ bí ẩn được gửi tới mọi thành viên: “Nếu không ai giải mã được câu đố của tấm văn bia, tất cả mọi tài sản của gia tộc Ushiromiya, bao gồm tính mạng của các thành viên, đều sẽ bị tước đi trong hai đêm nay. Còn với những ai trả lời được nó, họ sẽ trở thành người thừa kế cả di sản của Ushiromiya, cũng như 10 tấn vàng đã được cất giấu. Tôi – Beatrice, mong rằng tối nay sẽ là một đêm tri thức và tao nhã dành cho cả gia tộc, kết thúc cho món nợ hàng thập kỉ của ngài Kinzo”.
Vậy là cuộc thảm sát bắt đầu diễn ra. Người đọc sẽ cùng theo chân Battler chứng kiến những vụ giết người tưởng như là không thể. Từ vụ án phòng kín cho đến cái xác biết đi, người đọc sẽ phải đau đầu giải mã bí ẩn đằng sau hòn đảo bị nguyền rủa này. Cho đến khi con mòng biển khóc, sẽ không còn một ai sống sót. Tất cả còn sót lại sau hai hôm đẫm máu đấy chỉ là những chiếc chai lênh đênh trên biển, gắn trong mình một bức thư kể về lễ tế đẫm máu của mụ phù thủy Beatrice. Và thế là truyền thuyết về Beatrice the Golden Witch được bắt đầu, tạo tiếng vang cho nhiều thế hệ về sau.
Thấy bối cảnh khá là hay phải không? Người nào tinh mắt thì sẽ nhận ra ngay sự tưởng đồng của Umineko với “And then there were none” của bà Agatha Christie. Nào thì là diễn biến ở hòn đảo riêng biệt, một câu đố hóc búa được treo cho toàn thể mọi người, “không có ai sống sót” và lời tự thú ở trong chiếc lọ thủy tinh được ném xuống biển. Nếu như Umineko vẫn giữ mọi thứ ở mức cơ bản như này thì nó cũng vẫn là một bộ Mystery hay. Nhưng chú 7 không dừng lại tại đó. Với một dàn nhân vật đồ sộ bao gồm 12 thành viên của Ushiromiya, 5 người đầy tớ và 1 bác sĩ gia đình, việc phát triển đầy đủ cho cả 18 nhân vật gần như là không thể, đặc biệt khi kể thẳng thừng từ đầu đến cuối của một vụ thảm sát. Vì vậy Chú 7 đã không ngần ngại đưa vào một thứ mà ít ai ngờ tới nhất: “It’s Magic!”.
Từ từ đã nào, đừng có đóng tab! Đây là một bộ mà có tận 13 án mạng liên tiếp, đấy là chưa tính việc 5 người còn lại cũng đi tong một cách bí ẩn, thì nói thật kiểu gì cũng có những yếu tố khác thường ở đây. Đến cả hai bộ được coi là có nhiều vụ giết người nhất là “And then there were none” với “The Tokyo Zodiac Murders”, chúng cũng chỉ có 10 cái chết là cùng! Nhưng tất nhiên, yếu tố Phép thuật ở đây không hề sáo rỗng và tầm thường. Bởi đây chính là khởi điểm của một chuyến hành trình hack não gay cấn với bất cứ ai yêu thích thể loại Mystery “Trinh thám”.
Vậy điều gì xảy ra sau cái chết của gia tộc Ushiromiya? Đây cũng là lúc mà câu chuyện giới thiệu cho ta The Golden Land – nơi mà mọi điều ước của bạn sẽ thành hiện thực. Tại chốn này, người đọc sẽ được gặp lại những thành viên đã qua đời của Ushiromiya, nghe họ phá bức tường thứ tư và bàn luận về những sự kiện khó hiểu đã diễn ra trong câu chuyện. Mọi người ai nấy cũng đều tin vào sự tồn tại của mụ phù thủy, chấp nhận rằng vụ thảm sát được thực hiện bởi một thế lực đen tối, bởi những cái chết đó dường như là không thể, và chỉ có phù thủy mới thực hiện được điều đó. Nhưng nhân vật chính của chúng ta – Battler lại ngược lại. Anh ta tin chắc rằng những vụ án trên đều dựng lên bởi một ai đó giả danh Beatrice. Và anh ấy đinh ninh phủ định sự tồn tại của mụ phù thủy xấu xa kia. Mọi người đều nhìn vào anh với một ánh mắt sợ sệt, ngăn anh ta buông ra những lời lẽ cấm kị như vậy.
Nhưng với một kẻ cứng đầu như Battler, không ai có thể lấn át được ý kiến của anh. “Mọi người đều điên hết rồi sao? Làm như mấy thứ như ma thuật với phù thủy tồn tại?!”. Bỗng dưng sau lưng anh bước ra một hình bóng quen thuộc. Bà ta chính là người phụ nữ trong chân dung, là Phù thủy của sự Vô Tận Beatrice! Với phép thuật hồi sinh và giết chết con người một cách vô hạn, Beatrice biến tất cả thành viên trở lại về đống thịt bầy nhầy thối rữa. Còn với riêng Battler, mụ ta thách thức anh giải mã những vụ án mạng bí ẩn đằng sau gia đình Ushiromiya. Cay nghiến trước nụ cười khinh bỉ của mụ phù thủy, Battler thề rằng sẽ chiến đấu với Beatrice cho tới tận cùng, để dành lại những gì anh yêu quý, và trốn thoát khỏi số phận tang thương này. Dần dần Golden Land tan biến thành mây khói. Ai nấy đều trở lại với cát bụi. Mọi con cờ đều được xếp lại vào vị trí ban đầu và một lần nữa, vụ thảm sát Rokkenjima sẽ lại diễn ra. Với 8 tập tương ứng với 8 trận đấu khốc liệt giữa Battler với Beatrice, liệu bạn đọc sẽ phơi bày được sự thật nằm sau hòn đảo Rokkenjima?
“Umineko là một bí ẩn bao trùm vô vàn bí ẩn khác. Khi mà mọi thứ click lại với nhau và liên kết toàn tập, điều bạn đạt được chính là khoái cảm tột độ của một Intelectual Rapist”.
Umineko – một cái nhìn mới lạ về Mystery
Trong một câu truyện trinh thám, hay là Mystery thông thường, tác giả sẽ đặt ra các câu hỏi mà bạn đọc có thể trả lời. Với ai đưa ra giả thuyết đúng, họ sẽ hân hoan khi đánh bại chính người viết của câu chuyện. Ngược lại nếu họ sai, người đọc sẽ coi trọng câu chuyện và câu đố công phu của nó, tiếp tục phấn đấu cho những tác phẩm sau. Đúng vậy, Mystery chẳng khác gì một bàn đấu dành cho tác giả và chính người đọc của mình. Họ sẽ tạo ra một bối cảnh và không khí hấp dẫn, thu hút người đọc vào trong trận đấu hấp dẫn này. Và khi tâm trí của độc giả nằm gọn trong tay, người viết sẽ đưa ra những vụ án không tưởng, thách thức họ trong một cuộc đấu trí thật là căng não.
Bạn có thể coi hầu hết các bộ Mystery như những trận cờ tỉ thí giữa hai phe người viết với người đọc. Tuy đây không phải là trận cờ thông thường, mà là cờ chiếu, khi mà đọc giả sẽ phải ăn được vua của địch thủ với vài con cờ nhất định. Để có thể thắng được, họ phải hiểu rõ những nước đi của con cờ, cũng như khuôn khổ của bàn cờ mà mình đang chơi. Với đa số tác phẩm Murder Mystery, khuôn khổ đó chính là các luật của Knox và Dine, được tạo ra với mục đích giúp người đọc suy nghĩ đúng hướng, khiến cho ván cờ trở nên công bằng và khả thi.
Giờ chúng ta đến với Umineko, nơi mà những điều tôi nói bên trên được biến thể tới mức không tưởng. Trận cờ bạn tham gia ở đây sẽ không chỉ là một ván cờ chiếu đơn giản, mà là một match đầy đủ với hai phe chuẩn bị nghênh chiến. Nếu bạn không cẩn thận thì mấy con mã và tượng quí giá sẽ bị ăn chặn ngay trên bàn đấu của lí luận. Đã thế, một số con cờ còn biết lừa dối, đi ngược lại so với ý muốn của người chơi. Và nếu thua cuộc, bạn sẽ cảm thấy nhục nhã cùng với anh chàng Battler, chết đi sống lại hết lần này đến lần khác. Cơ mà đối thủ của bạn không phải là ông tác giả, mà đó chính là mụ phù thủy Beatrice.
hế còn ông tác giả đâu ư? Ông ta đang điều khiển những diễn biến Meta bên ngoài cái bàn cờ cỏn con mà bạn đang chơi. Nếu bạn không tỉnh táo, tôi đảm bảo là hút mấy điếu thuốc lào cũng không đủ để khiến bạn lú hơn khi đọc câu chuyện này. Nhưng đừng có lo, bởi mọi thứ vẫn sẽ công bằng đối với bạn. Ngoài khuôn khổ của bàn cờ là Knox và Dine ra, chúng ta còn có khuôn khổ của toàn câu chuyện, hay nói đúng hơn là vũ trụ của Umineko. Và đó chính là RED TRUTH.
Để đánh bại anh chàng cứng đầu Battler, Beatrice đã đưa ra một luật lệ bất khả xâm phạm với cái tên RED TRUTH. Nó là sự thật tuyệt đối, không một ảo ảnh hay phép thuật nào có thể qua mặt. Là một đối thủ đáng gờm ngồi bên kia bàn cờ, Beatrice sẽ dùng vô vàn RED TRUTH để dồn bạn vào một thế bí tưởng chừng như không thể thoát được. “Ơ thế tại sao không phô phép thuật để chứng minh mụ ta là thật luôn đi mà cứ phải lằng nhằng thế này?” chắc chắn là một số câu hỏi mà nhiều người vướng phải. Để nói ngắn gọn, phép thuật trong Umineko không chỉ đơn giản là một thứ toàn năng như mấy phim truyện ảo lòi khác. Nó là một biến thể của đời thật, là ảo ảnh che đi sự thật vốn có. Những màn đánh nhau tung chưởng ma pháp cũng vẫn chỉ là ảo ảnh đối với ai không chứng kiến nó. Và nếu có người tận mắt theo dõi, cái thứ được gọi là ma pháp này sẽ tự mình tan biến vào hư vô. Vì vậy, phép thuật mạnh nhất trong Umineko chính là những màn ảo ảnh có kết quả trùng khớp với sự thật.
Vụ án nào cũng như nhau, bởi con người hay phù thủy đi chăng nữa, khi rốt cục một ai đó sẽ ra đi vĩnh viễn. Không gì là không thể với con người, và mụ phù thủy sẽ phủ nhận điều đó trên chính hòn đảo Rokkenjima này. Tuy RED TRUTH có thể dồn ta đến đường cùng, nó thực chất lại là vũ khí tốt nhất để đánh bại Beatrice. Trong một câu chuyện mà lời nói dối với ảo tưởng rải rác khắp nơi, RED TRUTH sẽ là gợi ý tốt nhất bạn có thể dựa vào để giải đáp chân tướng của sự việc. Thành ra nó là một con dao hai lưỡi hoàn hảo, là bàn cân quyết định xem ai chiến thắng. Cơ mà đây là một bộ Mystery nên tất nhiên luật Knox và Dine cũng sẽ được áp dụng. Nhưng cũng giống như RED TRUTH, mụ phù thủy sẽ dùng nó để chống lại bạn theo những cách quái rợn nhất.
Với tất cả yếu tố trên, tôi chắc hẳn các bạn cũng phải mường tượng các ván đấu giữa Battler với Beatrice sẽ gay cấn đến mức nào. Thử hình dung cảnh bạn đang trong một thế bí, khi mà Beatrice đề ra những RED TRUTH ấn định một điều dường như là không thể. Nhưng rồi bạn chợt nghĩ ra một ý tưởng để len mình ra khỏi góc hiểm đó. Bạn cố chen người qua, với mọi logic có thể rặn ra từ não bạn. Và tự dưng một tiếng *click* trong đầu. Mắt bạn bắt đầu sáng ra khi đột nhiên sở hữu một giả thuyết ngon tuyệt cú mèo. Giờ thay vì bị nhốt góc tường, bạn lại đang ở trước thềm của bàn cờ lí luận. Một tay chém hết những mạng nhện đỏ chói của RED TRUTH, bạn mở lối đến ánh sáng phía cuối con đường. Nói thật, đó là một cảm giác sướng không thể tả. Từ một cái *click* đó thôi cũng đủ để cho bạn phê pha cả một ngày. Và Umineko đầy rẫy những khoảnh khắc đó, đón chờ bạn đọc giải mã từng cái một liên tiếp.
Tuy nó khó đoán hơn nhiều so với đa số bộ Mystery khác, nhưng cũng chính vì vậy, cảm giác chiến thắng câu chuyện lại trở nên hưng phấn hơn cả. Dẫu vậy, có một số bạn sẽ đề ra câu hỏi như sau: “Thế tại sao phép thuật lại tồn tại trong này. Để giải mã mọi vấn đề thì ta chỉ cần làm lơ nó là xong thôi mà?”. Tôi xin khẳng định ý kiến trên là hoàn toàn đúng. Chiến thuật hiệu quả nhất để chiến thắng trong trò chơi này chính là làm ngơ với yếu tố phép thuật. Bạn chỉ cần dựa vào RED TRUTH với Knox và Dine để tìm ra sự thật. Nhưng nếu vậy, kể cả bạn có tìm ra được hung thủ đi chăng nữa, bạn sẽ không bao giờ trả lời được yếu tố quan trọng nhất của một bộ Mystery hay. Đó chính là “Tại sao?”. Đối với những bộ Mystery tầm thường, bạn có thể dễ dàng bỏ qua yếu tố giản dị này. Nhưng chú 7 không muốn bạn đọc tự hạ thấp mình như những tác phẩm đó. Mục đích của Umineko là giúp người đọc hiểu được tận gốc của chính câu chuyện này. Không còn đâu chỉ tìm “Hung thủ” với “Cách gây án”, chú 7 muốn dạy ta cách tiếp cận đến sự thật một cách tốt nhất, ở một nơi mà có vô vàn “sự thật” tồn tại song song với nhau.
Umineko – Câu đố của xác suất hậu nghiệm và Chiếc hộp của con mèo bán sống bán chết
Các bạn đã bao giờ nghe tới chương trình truyền hình Monty Hall nổi tiếng một thời? Ở đây, bạn sẽ được chọn một trong ba cánh cửa được đề ra. Một cánh dẫn tới chiếc xe hơi hạng sang, và hai cánh cửa còn lại thì chứa mấy con dê hôi hám. Sau khi chọn xong, ông Monty sẽ quyết định mở ra một trong hai cánh cửa còn lại. Cánh cửa đó sẽ luôn dẫn tới con dê, thay vì may mắn lộ ngay con siêu xe hấp dẫn. Giữa hai cái cửa còn đóng, ông ta sẽ hỏi bạn: “Liệu bây có muốn đổi lựa chọn của mình sang cánh cửa kia không?”. Nếu bạn đã học xác suất thống kê, thì câu trả lời sẽ chắc chắn là có. Thông thường, giữa việc đổi hay không với lựa chọn của mình, xác suất bạn ăn ngay con xe hơi đi khoe khắp phố sẽ nằm trọn vẹn trong 50%. Bởi còn lại đúng 2 cánh, với 2 kết quả khác nhau thì điều đó hiển nhiên là đúng chứ nhỉ? Nhưng trong trường hợp này, nó lại không đơn giản như vậy. Ở đây, bạn nên lưu ý rằng ông Monty nắm giữ sự thật đằng sau những cánh cửa này. Chính vì ông ý nắm giữ sự thật, xác suất thành bại thay đổi rõ rệt. Và đây chính là vấn đề cơ bản của xác suất hậu nghiệm. Tất nhiên, không phải tôi tự dưng muốn flex hay gì đâu, bởi đây lại là một trong những mấu chốt gắn liền mọi thứ trong cốt truyện đầy tính quy mô của Umineko.
“Sự thật là của riêng bạn. Nó là lý tưởng, là ý chí trong cuộc sống của một đời người. Cũng chính vì vậy, sự thật thay đổi từ người này sang người khác”.
Con người không sống bằng trí khôn, bởi nó chỉ là công cụ cho “trái tim” của họ. Chú 7 đã thể hiện rõ điều này qua dàn nhân vật sắc sảo của mình. Người đọc được khám phá gia đình Ushiromiya thông qua cái nhìn của nhiều nhân vật khác nhau. Mỗi người lại có từng cung bậc cảm xúc của mình, tô điểm mọi thứ với cái nhìn riêng của họ. Chú 7, như ông Monty, sẽ cho bạn đưa ra quan điểm ban đầu của mình về các nhân vật. Bạn sẽ thích nhân vật này, ghét nhân vật kia. Và rồi Chú 7 cứ dần dần hé mở những cảnh cửa tiếp theo, lộ rõ “bản chất” của từng người một. Bạn sẽ thay đổi quan điểm của mình, từ cánh cửa này đến cánh cửa khác. Từ tốt về ác, rồi lại từ xấu về thân thiện, chú 7 sẽ khiến bạn phải liên tục thay đổi lựa chọn, tin rằng điều đó sẽ đưa bạn đến ánh sáng cuối con đường.
Trong các câu chuyện khác, đây là một cách điển hình để phát triển nhân vật. Nhưng đối với Umineko, một câu chuyện không theo lẽ thông thường, thì lại không hề như vậy. Chú 7 chấp luôn cái xác suất hậu nghiệm, tin tưởng đặt quyền lựa chọn vào người đọc, thay vì dắt họ như một đám dê hóng drama. Đối với ông, Umineko chính là chiếc hộp của con mèo bán sống bán chết – nơi mà nhiều “sự thật” song song tồn tại với nhau. Ông ấy biến phép thuật thành một trong những “sự thật” nơi đây, dùng nó để miêu tả nhân vật của ông theo một cách thơ mộng. Nhiều lúc, người đọc mới thấy được cái tâm của nhân vật thông qua chính các yếu tố thần kì đó. Bởi theo cách thông thường, nó dường như là điều không thể để quan sát “trái tim” của một ai đó. Và phép thuật chính là cách mà chú 7 tô điểm cho mọi thứ đằng sau “sự thật duy nhất” của vụ thảm sát Rokkenjima.
Ông nhắc nhở người đọc hướng tới cái tâm “Tại sao” theo cách họ muốn, rồi từ đó xây dựng giả thuyết của mình cho “Ai làm?” với “Làm thế nào?” về sau. Kể cả khi bạn được nhận chiếc chìa khóa dẫn tới “sự thật duy nhất” của tác giả, ông vẫn cho bạn toàn quyền coi đó như bao “sự thật” khác của chiếc hộp này. Miễn là bạn không vi phạm RED TRUTH, Knox với Dine, thì mọi điều bạn hướng tới đều hoàn toàn có thể. Đồng thời, cũng qua đây, chú 7 dạy ta cách tiếp cận tới sự thật không chỉ trong những câu truyện giả tưởng, mà còn cả cuộc sống thường nhật của bạn. Hãy tin vào bản thân, hãy tin vào người khác, hãy trân trọng những “sự thật” xung quanh bạn. Đừng như lũ kền kền moi mổ sự thật của những cái “xác thối rữa”, không đoái hoài đến cảm xúc và tâm trí của người bị ảnh hưởng. Đừng như lũ dê lười nghĩ, thụ động tin vào bất cứ thông tin nào tiện với chúng. Cuộc sống này là vô vàn những thứ không tưởng và đối nghịch, như một chiếc hộp của chính câu chuyện này. “Nếu không có ‘tình yêu’, bạn sẽ không thể thấy được chúng”.
Phew! Cuối cùng cũng xong bài viết dài như thế này! Nói thật với các bạn, tất cả những gì tôi phân tích mới chỉ xào qua cái bề mặt của nó. Đấy là tôi còn chưa kể cho bạn về nhân vật mấu chốt của câu chuyện – mụ phù thủy Beatrice. Nhưng vì mong muốn không spoil quá nhiều cho các bạn đọc, tôi sẽ xin tạm dừng ở đây. Để nói chung, Umineko là một tác phẩm hiếm có trong thể loại Mystery. Nó trân trọng cốt lõi của Mystery, và đồng thời cũng chỉ trích phê bình cách tiếp cận của nó đối với độc giả của mình. Nó phê bình kinh đến mức chú 7 tạo hẳn một nhân vật tổng hợp tất cả các điểm xấu có trong Mystery. Và những người chuyên đọc trinh thám sẽ cực thích nhân vật này. Ngoài ra, Umineko đề cao tính tương tác của mình với người đọc, chấp nhận nhiều giải đáp khác nhau cho câu chuyện của mình, và chắc chắn không phá vỡ bức tường thứ tư như cơm bữa! Nếu bạn đọc cảm thấy hứng thú với một câu chuyện Mystery mới lạ, thì đây chắc chắn là điểm đến tiếp theo bạn nên tới.
Hay. Hứng thú rồi đó.
Nếu bạn có hứng thú thì có hai lựa chọn là đọc manga(dễ tiếp cận) hoặc Visual Novel(Khó tiếp cận nhưng trải nghiệm 100%)
Manga được cái vẽ đẹp và Umineko có rất nhiều trận đánh sởn gai ốc.
Visual Novel tuy ko có gameplay(Trừ ep cuối), nó lại có tính META cao vì câu truyện sẽ tương tác với bạn, thúc bạn giải mã bí ẩn
Thêm nữa, OST của nó thì thuộc dạng Godlike, đảm bảo máu bạn sẽ sôi sùng sục mỗi khi nghe nó 🙂
hay
Tks bạn :3
Errr… Đọc hết bài mà mình vẫn không hiểu Knox và Dine là gì, bạn có thể giải thích một chút được không?
Mình chỉ nói nó là bộ luật kinh điển của truyện trinh thám thôi. Nếu viết dài hơn giải thích thì rip bạn đọc.
Nói tóm tắt là Knox có 10 luật, bắt buộc ng viết Mystery phải tuân theo
Sau đó Van Dine biến thể thêm 20 luật, coi đây là tiêu chuẩn để viết Mystery.
Bạn có thể dùng 2 bộ luật này để thu gọn đối tượng và dễ dàng tiếp cận đến cách thức gây án hơn. Bởi nếu ko có mấy luật này, thì chẳng ai cố đọc để giải mã mấy quyển Mystery đâu.
Tuy nhiên đọc Umineko đừng dính vào bẫy Red herring bởi nó cực nhiều, rải rác cả trong 2 bộ luật t nói trên.
Hay, tôi cũng đang tính cày con này
Nếu cày thì nên cày bản PS3 nếu có thể <(")
Còn nếu không thì có bản steam thì cài 7th-mod là ok
Một lần nữa sợ bác Minh ko thấy,xin tên anime có con bác để ava?
Bro
Ava của t chính là từ game đang nói trong bài này 🙂