Ngày 07/12 tới đây tại Microsoft Theater, Los Angeles, Hoa Kỳ, giải thưởng được đánh giá là cao quý nhất trong lĩnh vực game là The Game Awards sẽ chính thức diễn ra. The Game Awards được ví như Oscar của ngành công nghiệp game, giải thưởng giá trị và cũng như Oscar, cũng có rất nhiều điều để nói về giải thưởng này. Trước thềm The Game Awards 2017, hãy cùng tôi đi qua một số hạng mục giải thưởng quan trọng, tôi cũng sẽ đưa ra một vài dự đoán và bình luận về các hạng mục.
*Lưu ý: Trong danh sách các đề cử cũng có rất nhiều game mà tôi chưa được trải nghiệm, hoặc do thời gian không cho phép, hoặc do hạn chế về hệ máy nên những bình luận và dự đoán của tôi có thể chưa được hoàn toàn chính xác cho lắm.
Hạng mục thứ nhất: Best Game Direction
1. Các đề cử
- Wolfenstein 2: The New Colossus (MachineGames/Bethesda)
- Resident Evil 7 Biohazard (Capcom)
- The Legend of Zelda: Breath of the Wild (Nintendo)
- Super Mario Odyssey (Nintendo)
- Horizon Zero Dawn (Guerilla Games/Sony Interactivate Entertainment)
2. Bình luận
Có thể thấy trong danh sách đề cử thì ông lớn Nintendo đã có hai vị trí – hai tựa game thành công nhất trong năm và cũng là hai thương hiệu lớn bậc nhất của họ: Mario và The Legend of Zelda. Mario quả là một con gà đẻ trứng vàng của Nintendo khi họ cho ra các phần của series game này rất đều đặn, và gần như cứ ra mắt là hốt bạc. Nhưng năm nay thương hiệu Mario có bước chuyển mình lớn với Super Mario Odyssey, có thể nói là bước đột phá rất lớn với thương hiệu Mario. Một game Mario thế giới mở, nền đồ họa tươi sáng bắt mắt, gameplay cực kỳ sáng tạo và rất cuốn hút – tất nhiên là phù hợp với mọi lứa tuổi. Super Mario Odyssey nhận được những số điểm cao vút trên các trang mạng đánh giá game với những điểm số 9, 10 hay 5/5.
Tựa game tiếp theo cũng đến từ Nintendo – The Legend of Zelda: Breath of the Wild. Có thể nói The Legend of Zelda là một series game cực kỳ xuất sắc và là một đối thủ lớn với bất cứ ai muốn cạnh tranh một danh hiệu với nó. Trở lại kể từ phiên bản Tri Force Heroes – một tựa game Zelda nhận được những số điểm rất bèo bọt. Breath of the Wild là một quả bom tấn thực sự khi vừa ra mắt đã tạo nên một cơn sốt đúng nghĩa, các trang đánh giá hầu như đều chấm cho BOTW điểm tuyệt đối hoặc gần tuyệt đối, nói không ngoa thì BOTW khiến bất cứ ai cũng muốn sở hữu một chiếc máy Nintendo Switch. Với phong cách đồ họa đặc biệt, gameplay thế giới mở khá thử thách với khá nhiều cơ chế mới mẻ và được chăm chút rất kỹ càng. Và voice acting! Một tựa game Zelda có lồng tiếng! Còn cần gì hơn để nó trở thành một tựa game mà ai cũng nên chơi nhỉ?
Tiếp theo đến với phần tiếp theo của ông tổ của thể loại FPS – Wolfenstein. Wolfenstein The New Order ra mắt năm 2014 thật sự là một cú trở lại ngoạn mục của anh chàng Blazlowicz sau tựa game đáng quên năm 2009. Một game FPS thuần single-player, run n gun cực kỳ đã tay, một cốt truyện khá đơn giản nhưng cũng rất sáng tạo – chuyện gì sẽ xảy ra khi Phát xít Đức chiến thắng Đệ Nhị Thế Chiến bằng vũ khí công nghệ cao? Thành công của The New Order và sau đó là phiên bản prequel The Old Blood là quá đủ để người ta trông chờ vào The New Colossus. Nhưng công bằng mà nói thì The New Colossus có phần hụt hơi so với The New Order khi cải tiến không có mấy mà cải lùi thì nhiều, lạm dụng nhiều những tình tiết gây sốc. Một tựa game thuần chơi đơn nhưng thời lượng không dài cho lắm. Tất nhiên cảm giác vác súng bắn phát xít vẫn epic như phần đầu, nhưng thật sự ấn tượng mà The New Colossus để lại quá mờ nhạt nếu so với The New Order.
Và đến với Capcom cùng series đã chịu quá nhiều tai tiếng, lại là kẻ khai sinh ra survival-horror: Resident Evil. Sau hàng loạt những phần game ăn theo kém chất lượng, hai phần game chính trước đó là Resident Evil 5 và Resident Evil 6 không được lòng fan, Capcom quyết định thay đổi toàn bộ với Resident Evil 7. Chúng ta không còn điều khiển các nhân vật quá quen như Leon, Chris, Ada hay Jill mà đến với một nhân vật hoàn toàn mới: Ethan. Và không còn góc nhìn thứ ba nữa mà là góc nhìn thứ nhất! Tất nhiên không thể phủ nhận góc nhìn FPS đã đem đến sự sợ hãi với kha khá người bằng những cú jumpscare (mà có vẻ hơi hướng giống Outlast 2). Nhưng dần dần khi chơi đến đoạn sau, có vẻ Capcom đã hết chiêu trò hù dọa mà càng về cuối càng ít chất kinh dị. Giải đố trong game vẫn khá thử thách, nhưng việc thay đổi các giá trị cốt lõi của Resident Evil có vẻ khiến nhiều người không hài lòng, nhưng xét công bằng thì RE7 vẫn là một game survival horror đáng chơi, dĩ nhiên nếu như bạn chịu chấp nhận sự thay đổi này.
Cuối cùng, một tựa game acton-adventure cực kỳ xuất sắc (và độc quyền PS4) – Horizon Zero Dawn. Một tựa game gây kinh ngạc với tất cả những ai chơi nó. Nền đồ họa tuyệt vời, gameplay phong phú, đa dạng, thế giới mở rộng, một cốt truyện được xây dựng tốt. Mà nói chung là, chữ “wow” là đủ để diễn tả cảm nhận của bất kỳ ai về Horizon Zero Dawn. Nói thật đó, ai mà không sững sờ khi chứng kiến đoạn gameplay đầu tiên của nó chứ?
3. Dự đoán
Theo như tôi dự đoán thì Wolfenstein 2 và Resident Evil 7 có vẻ không có nhiều cơ hội. Super Mario, The Legend of Zelda đã quá quen thuộc và người ta phần nào cũng nắm được cái hồn của game. Nhưng Horizon Zero Dawn là một tân binh, và là một tân binh cực kỳ xuất sắc, vì vậy, dự đoán của tôi về kẻ chiến thắng cho hạng mục Best Game Direction sẽ là Horizon Zero Dawn.
Hạng mục thứ hai: Best Narrative
1. Các đề cử
- What Remains of Edith Finch (Giant Sparrow/Annapurna Interactive)
- NieR:Automata (Platinum Games/Square Enix)
- Hellblade: Senua’s Sacrifice (Ninja Theory)
- Wolfenstein 2: The New Colossus (MachineGames/Bethesda)
- Horizon Zero Dawn (Guerilla Games/Sony Interactivate Entertainment)
2. Bình luận
Tựa game đầu tiên được đề cử là What Remains of Edith Finch, nói thật thì tôi hoàn toàn không biết chút gì về tựa game này, dù nó được phát hành trên cả ba nền tảng PC/PS4/Xbox ONE. Nhưng dạo qua các trang mạng đánh giá game thì tựa game này cũng nhận được điểm số khá cao khi điểm dao động từ 8-9/10. Có thể thấy đây là một game chú trọng khá nhiều về cốt truyện, nhưng dường như chưa đủ để nó gây được tiếng vang? Dù sao thì cũng không thấy nhiều người nhắc đến nó, bản thân tôi chưa hề chơi nên cũng không bình luận được gì.
Tiếp theo, một game hack-n-slash đến từ Platinum Games, một đứa con nữa của Yoko Taro – NieR:Automata. Bỏ qua cái sự thật rằng phần lớn người ta chú ý đến NieR:Automata là độ hot của cô nàng 2B (yep, tôi cũng ấn tượng nhất về điều đó) thì NieR:Automata là một tựa game có cốt truyện cực kỳ sâu và cách khai thác nó cũng rất khó nắm toàn bộ. Có lẽ đa số người không biết NieR:Automata có liên quan đến series Drakengard của Yoko Taro. Cũng đúng, sự liên kết giữa Drakengard, NieR và NieR:Automata là rất mơ hồ, và phải đào rất sâu vào mới thấy được sự liên kết mỏng manh đó. Nhưng dù sao, tính riêng cốt truyện của NieR:Automata thôi cũng đã rất xuất sắc, với 5 ending chính và 21 ending phụ, chúng ta phải lựa chọn rất kỹ để có được ending mình muốn. Đây xem ra là ứng viên nặng nhất cho giải thưởng này.
Một tựa game đến từ Ninja Theory – Hellblade: Senua’s Sacrifice. Bên cạnh độ khó đến bực mình của game (nếu chết quá nhiều thì file save sẽ tự động bị xóa – về khía cạnh nào đó thì khốn nạn hơn cả Dark Souls) thì Hellblade có một phong cách kể chuyện rất khác lạ, rất mới mẻ. Đôi lúc chúng ta phải tự hỏi: liệu nhân vật chính Senua có thật sự nghe thấy chúng ta, những tiếng thì thầm ấy là với Senua hay bản thân chúng ta đây? Ai mới là kẻ bị điên? Mọi thứ diễn ra là ảo giác hay sự thật? Một cách kể chuyện rất ấn tượng và có chiều sâu, Hellblade cũng là một ứng viên nặng ký.
Hai tựa game còn lại là Wolfenstein 2 và Horizon Zero Dawn, thì như đã nói ở trên, Wolfenstein 2 thật sự khó có cửa nếu so với những đối thủ còn lại. Horizon Zero Dawn cũng có một cốt truyện hay, nhưng xem ra để chiến thắng trước NieR:Automata hay Hellblade: Senua’s Sacrifice là rất khó
3. Dự đoán
Giải thưởng này thì có lẽ hai ứng viên nặng ký nhất là NieR:Automata và Hellblade: Senua’s Sacrifice. Bản thân tôi dự đoán giải thưởng Best Narrative sẽ thuộc về NieR:Automata.
Hạng mục thứ ba: Best Art Direction
1. Các đề cử
- Destiny 2 (Bungie/Activision)
- Cuphead (Studio MDHR)
- The Legend of Zelda: Breath of the Wild (Nintendo)
- Persona 5 (Atlus)
- Horizon Zero Dawn (Guerilla Games/Sony Interactivate Entertainment)
2. Bình luận
Đây là giải thưởng cho những tựa game có phong cách đồ họa hay thiết kế ấn tượng và đặc biệt. Cái tên đầu tiên là Destiny 2, nền đồ họa tất nhiên là rất đẹp mắt, nhưng dù sao phong cách đồ họa của Destiny 2 cũng tương tự như bất cứ một game AAA nào, nên có lẽ cửa thắng cho tựa game MMO FPS này là không cao lắm.
Cái tên thứ hai: Cuphead, điều đầu tiên mà ta thấy ở tựa game platform này là một cảm giác rất xưa, rất cũ, rất hoài niệm. Cuphead mang phong cách đồ họa theo kiểu những phim hoạt hình của Disney hồi xưa, rất hoài niệm phải không? Chính đồ họa “mới mà cũ” và tràn đầy hoài niệm này là một điểm khiến người ta ấn tượng về Cuphead.
The Legend of Zelda: Breath of the Wild thì quả thật có một phong cách đồ họa khá bắt mắt và đậm chất cổ tích, nó không giống với bất kỳ một game nào, kể cả những người tiền bối của series cũng vậy, BOTW cũng có khả năng sẽ thắng giải.
Tựa game tiếp theo: Persona 5, một JRPG chính hiệu của Atlus, một JRPG mang phong cách đồ họa anime. Điều này cũng thường thấy ở những game đến từ Nhật Bản, tuy nhiên nói thật thì tôi không ấn tượng lắm với phong cách đồ họa của Persona 5, có thể là đã chơi qua những game khác cũng mang phong cách anime rồi.
Cuối cùng là Horizon Zero Dawn, đúng, nó rất đẹp, môi trường, cảnh vật, hiệu ứng, thiết kế nhân vật đều rất đẹp, rất tuyệt, nhưng đó là những ấn tượng mà một game AAA nào khác được đầu tư tương xứng có thể mang lại được. Cửa thắng của Horizon Zero Dawn theo tôi cũng không cao lắm.
3. Dự đoán
Về giải thưởng Best Art Direction thì hai ứng viên nặng ký hơn là Cuphead và The Legend of Zelda: Breath of the Wild. Tuy nhiên, tôi cảm thấy ấn tượng với phong cách của Cuphead hơn nên dự đoán của tôi là Cuphead sẽ đoạt giải.
Hạng mục thứ tư: Best Score/Music
1. Các đề cử
- Destiny 2 (Bungie/Activision)
- Cuphead (Studio MDHR)
- NieR:Automata (Platinum Games/Square Enix)
- The Legend of Zelda: Breath of the Wild (Nintendo)
- Super Mario Odyssey (Nintendo)
- Persona 5 (Atlus)
2. Bình luận
Giải thưởng này, tất nhiên là trao cho tựa game có âm nhạc ấn tượng, hay nói tóm gọn là âm nhạc xuất sắc nhất. Và cả 6 đề cử đều gây được ấn tượng về phần âm thanh của mình. Destiny 2 với những bản nhạc thể hiện sự máu lửa của chiến trường quy mô, Cuphead với âm nhạc như bước ra từ những bộ phim hoạt hình tuổi thơ. The Legend of Zelda: BOTW và Super Mario Odyssey cũng có âm nhạc rất riêng, tươi vui, với BOTW mang đậm chất cổ tích còn Super Mario thì trẻ trung, năng động tươi sáng. Persona 5 thì mang phong cách anime nên dĩ nhiên phần âm nhạc cũng như là một bộ anime vậy. Tuy nhiên thì NieR:Automata theo tôi lại có phần âm nhạc nhỉnh hơn một chút, từng bản nhạc,từng bài hát trong game đều mang ý nghĩa riêng, và nó luôn cho chúng ta một cảm giác buồn. Mà nói thật thì game nào cũng xứng đáng cả.
3. Dự đoán
Tuy rằng đều xứng đáng, nhưng tính kỹ ra thì những game có cơ hội thắng cao hơn cả là Persona 5 và NieR:Automata, bản thân tôi đưa ra dự đoán rằng cái tên sẽ chiến thắng ở hạng mục Best Score/Music sẽ là NieR:Automata.
Hạng mục thứ năm: Best Audio Design
1. Các đề cử
- Destiny 2 (Bungie/Activision)
- Hellblade: Senua’s Sacrifice (Ninja Theory)
- Resident Evil 7: Biohazard (Capcom)
- The Legend of Zelda: Breath of the Wild (Nintendo)
- Super Mario Odyssey (Nintendo)
2. Bình luận
Giải thưởng này hơi khác với Best Score/Music khi đây là giải trao cho game có lồng tiếng hay hiệu ứng âm thanh tốt nhất. Và ma xui quỷ khiến thế nào mà ta lại gặp tiếp hai ứng viên đến từ Nintendo ở đây. Cũng phải, vì quả thật là The Legend of Zelda: BOTW và Super Mario Odyssey xuất sắc ở mọi mặt mà lại. Destiny 2 lại góp mặt, hai cái tên còn lại là Hellblade: Senua’s Sacrifice và Resident Evil 7. Và theo tôi thì ấn tượng hơn thì là Hellblade và RE7 khi âm thanh của hai game này cực kỳ xuất sắc, với RE7 thì âm thanh cực kỳ rợn người, đúng chất một game kinh dị, Hellblade thì phải nói thật khâu lồng tiếng hay hiệu ứng âm thanh quá đỉnh, như thể là những giọng nói đó nói với chúng ta ngoài đời thật vậy!
Đã có kết quả rồi.